KINH MÂN CÔI: NHỮNG SUY NIỆM THÁNH THỂ VỚI CHA THÁNH EYMARD
MỤC LỤC
Xin Dạy Chúng Con Cách Cầu Nguyện.
Chính Nhờ Người, Với Người, và Trong Người
4. Mầu Nhiệm Dâng Chúa trong Đền Thờ.
5. Mầu Nhiệm Tìm Được Chúa Giê-su trong Đền Thờ.
5. Thiết Lập Bí Tích Thánh Thể.
Lời Tựa
Bạn đang cầm trên tay món quà quý giá từ ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần và những suy tư của Ivonne Hernandez. Cô chia sẻ với bạn câu chuyện đời cô về tình yêu của cô đối với Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta trong Bí Tích Cực Thánh và về lòng sùng kính đối với Đức Mẹ Thánh Thể được thể hiện qua việc đọc Kinh Mân Côi. Có một yếu tố thứ ba sẽ được khám phá ra từ những lời trong tập sách này và những lời đó phát xuất từ một vị linh mục khiêm nhường ra đời ở La Mure nước Pháp, vào ngày 4 tháng 2 năm 1811. Vị linh mục này rất sùng kính Đức Mẹ và thường đi bộ hành hương với tràng chuỗi Mân Côi trong tay đến thờ kính Đức Mẹ trong dãy núi Alps ở nước Pháp.
Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma xác nhận rằng người đã được chính Đức Maria dẫn dắt đến thiên chức linh mục, và người đã được thụ phong vào ngày 20 tháng 7 năm 1834 tại giáo phận Grenoble. Năm 1839, sau một vài năm nhiệt thành mục vụ, người đã cảm nhận một sự thúc bách khác nữa trong tâm hồn và đã xin đức giám mục giáo phận cho phép người được gia nhập vào Dòng Đức Maria mới được thành lập. Khi bạn đọc Kinh Mân Côi với tâm hồn lắng nghe, bạn sẽ nhận thấy Đức Ma-ri-a luôn dẫn dắt bạn đến với Con của Mẹ. Chính tại đền thờ kính Đức Maria ở Fourviere, Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô một lần nữa được mời gọi giũ bỏ mọi thứ và thành lập một hội dòng hoàn toàn tận hiến cho tình yêu Thiên Chúa trong Thánh Thể và cho công cuộc tông đồ loan truyền tình yêu Thiên Chúa trong Thánh Thể cho mọi người được biết. Lúc bấy giờ là 13 tháng 5 năm 1856, ngày lễ Đức Mẹ Thánh Thể.
Năm nay (tức năm 2018) đánh dấu 150 năm ngày qua đời của thánh Ê-ma, 1 tháng 8 năm 1868. Đây là lúc để đón nhận sự gợi hứng từ Vị Thánh đã được tuyên phong hiển thánh tại Công đồng Vatican II ngày 9 tháng 12 năm 1962 và đã được Thánh Giáo hoàng Gio-an XXIII tặng ban tước hiệu trổi vượt là Tông Đồ Thánh Thể. Trong bản Hiến pháp của Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô, có đoạn viết, “Đối với Thánh Mẫu của Chúa Giê-su, họ sẽ tôn kính Mẹ cách đặc biệt trong lời ngợi khen và trong tâm hồn của họ, họ sẽ không bao giờ tách biệt Chúa Con với Đức Mẹ, vì huyết nhục của Mẹ là của Chúa Con.” (Hiến pháp # 78).
Luật Sống dành cho các thành viên của gia đình Ê-ma viết rằng: “Đức Ma-ri-a, Mẹ Chúa Giê-su, tiếng nói của người nghèo và người thấp hèn, đã đón nhận Lời của Thiên Chúa vào tâm hồn và đem ra thực hành. Mẹ đã chia sẻ cuộc sống và lời cầu nguyện của Mẹ với các môn đệ, đồng thời tích cực hoạt động với các môn đệ cho Nước Chúa trị đến. Chúng ta sẽ tôn kính Đức Ma-ri-a như người nghèo của Thiên Chúa và người tôi tớ của Đức Chúa, với một tình yêu giống như Đấng Sáng Lập của chúng ta, người cũng đã cầu khẩn Mẹ dưới danh hiệu Đức Mẹ Thánh Thể. Chúng ta sẽ yêu mến mà suy gẫm các mầu nhiệm Kinh Mân Côi.” (LS, # 14).
Bạn đang cầm một tặng phẩm có khả năng biến đổi việc đọc Kinh Mân Côi của bạn trong khi bạn suy gẫm 20 mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập Thể. Lời Kinh sẽ đưa chúng ta đến việc đặt Thánh Thể ở vị trí trung tâm cuộc đời mình và sống các mầu nhiệm Mân Côi hầu cho tình yêu Thiên Chúa được mọi người biết đến ngang qua cuộc đời chúng ta. Cảm ơn Ivonne về tặng phẩm này!
Cha William Fickel, S.S.S.
Quản xứ Giáo xứ Thánh Vinh-sơn Phao-lô
Thành Phố Holiday, Florida, 25/3/2018
Phi Lộ
“Ta muốn con đến đây vào ngày 13 tháng sau.” Tim tôi đập thình thịch khi nghe những lời này. Tôi nhìn lên bạn của tôi – Laura – đang đọc to thông điệp của Đức Mẹ Fatima đã nhắn gửi Lucia trong lần Mẹ hiện ra ngày 13 tháng 6 năm 1917 trong suốt buổi cầu nguyện hàng tháng của nhóm chúng tôi, và tôi đã nghĩ thầm: “Cái gì đây?” Và ngay lúc đó, Laura tiếp tục lặp lại những lời này: “Ta muốn con đến đây vào ngày 13 tháng sau. Ta muốn con tiếp tục đọc Kinh Mân Côi mỗi ngày … Ta muốn con học cách đọc và viết, và sau này ta sẽ cho con biết những gì khác ta muốn ở con.” Dù là Laura đang đọc, nhưng tôi cảm nhận được đó là lúc Đức Mẹ đang trực tiếp nói trong tâm hồn tôi. Bạn thấy đấy, tôi vừa hỏi Đức Mẹ rằng Mẹ muốn gì ở tôi.
Tôi đã phân định trong nhiều tháng trời rằng liệu tôi có nên cùng với chồng mình ghi danh gia nhập Huynh Đoàn Thánh Thể hay không. Tôi đã lên kế hoạch cho việc ghi danh vào Huynh Đoàn Thánh Thể này vào ngày 13 của tháng sau, tức ngày 13 tháng 5 năm 2016.
Tôi biết rằng tôi đã có câu trả lời trực tiếp từ Đức Mẹ.
Ngay cả khi tôi viết sự kiện này, vốn đã xảy ra cách đây một năm rưỡi, tim tôi vẫn còn bồi hồi rung động trong lồng ngực. Ký ức về lời mời gọi này vẫn sống động như chính ngày đó. Từng thớ thịt của con người tôi đều hòa nhịp rung động với từng lời của Đức Mẹ. Tôi hình dung đây là cách những đầy tớ ở tiệc cưới Ca-na đã cảm nhận khi Mẹ nói với họ: “Người bảo sao thì cứ làm theo như vậy.” Giọng nói nhẹ nhàng nhưng đầy sức thuyết phục của Mẹ đã loại bỏ mọi sợ hãi và nghi ngờ trong lòng tôi và đã thúc bách tôi hành động. Mẹ đã bảo tôi đến trường học Thánh Thể và đăng ký vào lớp học của Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma. Mẹ đã bảo tôi hãy trở thành một cộng tác viên giáo dân của Dòng Thánh Thể.
Đức Mẹ đã chuẩn bị cho tôi ở vai trò này trong một khoảng thời gian. Tôi đã hứa với Mẹ từ năm năm trước khi tôi tận hiến chính mình cho Chúa Giê-su qua Mẹ Ma-ri-a vào ngày 25 tháng 3 năm 2011, theo phương pháp thánh hiến hoàn toàn của thánh Louis de Montfort. Tôi đã hứa sẽ dành cho Mẹ Ma-ri-a cả cuộc đời để có thể hun đúc nên giống Con Chí Thánh của Mẹ ngang qua việc họa lại theo khuôn mẫu hoàn hảo mà Thiên Chúa đã chọn đầu tiên là Đức Mẹ diễm phúc của chúng ta. Bạn tôi, Laura, người mà tôi đã đề cập trước đó, đã đưa hoạt động đạo đức này vào nhóm giáo dục Công giáo tại gia và chúng tôi đã chuẩn bị và hiến thánh thành một nhóm tận hiến. Việc canh tân lời hứa tận hiến hàng năm đã giúp tôi có một sự hiểu biết sâu sắc hơn về mầu nhiệm của sự dâng hiến cuộc đời tôi cho Mẹ Ma-ri-a. Tôi đã học được cách nhận ra tiếng của Mẹ và nhìn thấy bàn tay chỉ dẫn của Mẹ trong đời tôi.
Đức Maria ở đâu thì Chúa Thánh Thần ở đó với Mẹ. Và khi Mẹ nói, Chúa Thánh Thần cũng hiện diện trong hơi thở của Mẹ và mang lại sự sống mới. Những lời Mẹ nói với tôi vào ngày đó giống như lời Mẹ chào người chị họ Elizabeth, vì thế khiến tâm hồn tôi nhảy mừng vui sướng.
Vợ chồng tôi đã ghi danh gia nhập vào Huynh Đoàn Thánh Thể ngày 13 tháng 5 năm 2016. Đó là năm kỷ niệm 160 năm Hội Thánh kêu cầu Mẹ dưới tước hiệu Đức Mẹ Thánh Thể, và kỷ niệm 99 năm biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Cũng như bao người mẹ nhân từ khác, Mẹ Ma-ri-a biết rất rõ các con của Mẹ. Mẹ biết rằng tôi luôn nhận thấy sự trùng hợp trong những ngày gặp gỡ, và Mẹ đã dùng nó để nói với tôi. Đó phải chăng là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi chúng tôi bắt đầu chương trình đào tạo dành cho các hội viên Huynh Đoàn Thánh Thể vào ngày 13 tháng 10, ngày kỷ niệm phép lạ nổi tiếng ở Fatima, phép lạ mặt trời, và trong khi học hỏi các thông điệp của Đức Mẹ Fatima, tôi cảm thấy Mẹ đang gọi tôi tới việc ghi danh gia nhập Huynh Đoàn Thánh Thể đúng vào ngày kỷ niệm Mẹ hiện ra lần đầu tiên tại Fatima, và cũng là ngày lễ kỷ niệm 160 năm Đức Mẹ Thánh Thể? Có thể nó đúng đối với người khác, nhưng với tôi thì không phải ngẫu nhiên. Những ngày tháng này có ý nghĩa lớn hơn đối với tôi về sau này, khi những lời của Mẹ rằng “… sau này Mẹ sẽ nói cho con biết Mẹ muốn gì khác ở con” cứ vang vọng trong tâm hồn tôi.
Vào tháng Giêng năm sau, bạn tôi, Laura, cũng là hội viên của Huynh Đoàn, đang chuẩn bị một thể thức thánh hiến mới cho nhóm cầu nguyện trực tuyến, nhóm Các Bà Mẹ (Hiền Mẫu) Thánh Thể. Năm nay, chúng tôi sẽ tận hiến cho Đức Mẹ Thánh Thể qua linh đạo của cha thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma, và Laura đang lên kế hoạch hướng dẫn chúng tôi chương trình học trực tuyến bằng cách đăng những suy tư của cô ấy về các bài đọc hằng ngày, cùng với các chủ đề và lời nguyện đặc biệt cho mỗi tuần. Kế hoạch chuẩn bị này bắt đầu vào ngày 13 tháng 2, và kết thúc với lời tuyên hứa thánh hiến vào ngày 25 tháng 3, ngày Lễ Truyền Tin. Một tuần trước khi kế hoạch của chúng tôi bắt đầu, tôi nhận thấy cần có một cách thức để chia sẻ những suy từ này với một lượng thính giả lớn hơn. Tôi có một vài người bạn vẫn quan tâm theo dõi cùng với chúng tôi dù họ không thuộc nhóm nhà tiệc ly cầu nguyện trực tuyến này. Laura thích ý tưởng này, vì vậy, vào ngày 13 tháng 2 năm 2017, đúng chín tháng sau khi tôi ghi danh gia nhập vào Huynh Đoàn, trang điện tử có tên gọi Blog Elisheba đã ra đời.
Mọi người thường hỏi tôi về tên của trang điện tử Elisheba. Đó là hình thức tiếng Híp-ri của tên gọi Elizabeth, nghĩa là Lời hứa của Thiên Chúa. “Tất cả những lời hứa tình yêu thương của Thiên Chúa do các ngôn sứ loan báo đã được ứng nghiệm trong giao ước mới và vĩnh cửu trong Đức Ki-tô” (SGLCG, 2787), nơi Thánh Thể. Trang điện tử Elisheba cùng với cuốn sách này là những phương cách để thực hiện lời cam kết của tôi trong vai trò một hội viên Huynh Đoàn Thánh Thể là “làm cho mọi người nhận biết tình yêu của Thiên Chúa hiện diện trong Thánh Thể.”
Khi hoàn thành các bài đăng về việc tận hiến cho Đức Mẹ Thánh Thể, tôi nhận thấy một nguồn cảm hứng mạnh mẽ thôi thúc tôi suy ngẫm về các mầu nhiệm Mân Côi dưới lăng kính Thánh Thể, ngang qua những lời giảng dạy của Cha Ê-ma, và chia sẻ những suy ngẫm này trên trang điện tử của nhóm. Với công việc này, có ít nhất hai vấn đề nan giải. Đầu tiên, tôi cảm thấy ngượng ngùng với những ý tưởng viết bài chia sẻ trên trang điện tử của nhóm. Vì suy cho cùng, thực sự tôi không phải là nhà văn. Thứ hai, đang khi tôi ước muốn đọc Kinh Mân Côi cách thường xuyên trong một thời gian dài, thì tôi lại vướng víu vào các công việc không phải là thế mạnh của tôi. Làm sao tôi có thể viết về điều mà tôi thực sự không có kinh nghiệm nhiều về nó? Tôi tự hỏi, “Điều này làm sao có thể xảy ra được?”
Và rồi tôi nhớ lại câu nói của Mẹ: “… sau này Mẹ sẽ nói cho con biết Mẹ muốn gì khác ở con… Người bảo sao thì cứ làm theo như vậy.” Giọng nói nhẹ nhàng đó lại thắp lên ngọn lửa trong tâm hồn tôi. Từ ngọn lửa này, tôi nghe một giọng nói: “Ơn Ta đủ cho con, quyền năng của Ta hoàn trọn trong sự yếu đuối của con.” Và tự đáy lòng tôi đã thưa: “Xin hãy thực hiện điều Ngài muốn nơi con.”
Những suy niệm được tổng hợp trong cuốn sách này đã được xuất bản lần đầu tiên trên trang điện tử Elisheba và giờ đây tôi muốn chia sẻ với anh chị em hồng ân này mà tôi đã được nhận lãnh. Tôi ước mong rằng cuốn sách này giúp anh chị em tiến gần hơn đến thánh tâm của Chúa Giê-su trong Bí Tích Cực Thánh, cùng với Thánh Mẫu của chúng ta, và ước mong rằng tất cả là vì vinh danh Thiên Chúa hơn nữa.
Ivonne J. Hernandez, Trinity, FL 25/01/18
Lễ Thánh Phao-lô Tông Đồ Trở Lại
Dẫn Nhập
Toàn bộ nguyện ước của tôi dành cho anh (chị) em là ước mong Chúa Giê-su luôn là trung tâm thánh thiện của anh (chị) em; một trung tâm bao gồm cá nhân và tất cả – đó là nguồn mạch mọi suy nghĩ và ước muốn của anh (chị) em, là sự thôi thúc cho mọi hành vi của anh (chị) em, là nền tảng tình yêu và là thước đo cho mọi hy sinh dấn thân của anh (chị) em.
– Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma –
Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma thật sự là một vị thánh cho thời đại chúng ta. Người được tuyên phong hiển thánh vào dịp kết thúc phiên họp khoáng đại của Công Đồng Vatican II, tình yêu của thánh Ê-ma đối với Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể là động lực chỉ đạo trong cuộc đời của người. Dưới đây là lời nguyện trong ngày lễ kính thánh Ê-ma, 2 tháng 8:
Lạy Chúa, Chúa đã làm cho lòng thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma bừng cháy lên lửa yêu mến lạ lùng đối với mầu nhiệm Mình và Máu Đức Ki-tô, Con Chúa. Xin cho chúng con lãnh nhận được ơn phúc dồi dào của bàn tiệc thánh Chúa ban như xưa chính thánh nhân đã lãnh nhận. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con.
Sinh ra ở (…) La Mure, nước Pháp vào năm 1811, trong bối cảnh những sai lạc của phong trào Jansenist đang lan rộng, thánh Ê-ma “đã một đời cố gắng tìm kiếm sự hoàn thiện nội tâm khiến người đã có thể dâng quà tặng tận hiến chính mình.” Cha thánh Ê-ma cuối cùng đã chuyển đổi từ một linh đạo tập trung vào sự đền tội sang một linh đạo tập trung vào tình yêu của Chúa Ki-tô. Thánh Ê-ma đã nhận biết “quà tặng tình yêu tự hiến chính mình của Chúa Ki-tô dành cho chúng ta” trong Thánh Thể, “và Chúa đang chờ tình yêu đáp đền của chúng ta dành cho Chúa và cho người đồng loại.”
Cha thánh Ê-ma đã hình dung ra một đại gia đình Thánh Thể hoàn vũ với sứ mạng làm vinh danh Chúa Giê-su trong Bí tích Cực Trọng; một gia đình gồm các linh mục, tu sĩ và giáo dân. Người đã sáng lập Dòng Thánh Thể (các giáo sĩ và sư huynh) và Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể (các nữ tu). Người xác tín rằng một đời sống Thánh Thể sung mãn bao gồm cả hai chiều kích chiêm niệm và hoạt động tông đồ. Các thành viên của Huynh Đoàn Thánh Thể (các hội viên) cũng chia sẻ đặc sủng của cha thánh Ê-ma, họ tự nguyện dấn thân để trở thành những môn đệ và tông đồ Thánh Thể.
Không phải mãi đến khi được giới thiệu vào gia đình Ê-ma, nhưng một vài năm trước đó, tôi đã đọc một số tác phẩm của Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma, nhờ đó tôi đã phát hiện ra gia sản quý báu ở Vị Thánh này, người đã được Thánh Gioan Phaolô II gọi là Tông Đồ xuất sắc của Thánh Thể, đã để lại cho Giáo Hội Công Giáo. Mặc dù hầu hết các tác phẩm của cha thánh Eymard đều bằng tiếng Pháp, trong đó một số đã được dịch sang tiếng Anh và có sẵn để tham khảo (-). Toàn bộ các tác phẩm hoàn chỉnh của thánh Ê-ma có thể được truy cập tại trang web của Dòng Thánh Thể.
Hầu hết các trích dẫn trong cuốn sách này được tôi lấy từ cuốn Sự Hiện Diện Thật – tập thứ nhất của bộ sách 9 tập trong Thư Viện Ê-ma, đây là bộ sách tổng hợp các bài giảng của Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma được sắp xếp theo chủ đề. Cuốn sách này là lời giới thiệu đầu tiên của tôi về các bài giáo huấn của Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma, và nó sẽ luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong trái tim tôi. Nó đã giúp tôi có một cái nhìn hoàn toàn mới về Thánh Thể, và đã thắp lên trong tâm hồn tôi ngọn lửa mến yêu Chúa Giê-su Thánh Thể.
Tất cả mầu nhiệm đều liên quan một cách nào đó đến Thánh Thể, bởi vì Thánh Thể hoàn thiện các mầu nhiệm. Tất cả các mầu nhiệm quy hướng về Thánh Thể; với sự trợ giúp của ân sủng, chúng ta cần khám phá ra điều gì mang tính chất Thánh Thể trong các mầu nhiệm hầu nuôi dưỡng lòng tôn kính của chúng ta đối với Bí Tích Cực Thánh.[1]
Bằng sự nhận biết điều gì thuộc về Thánh Thể trong mỗi mầu nhiệm Mân Côi, tôi đã tìm ra các trích dẫn, hầu hết từ tác phẩm Sự Hiện Diện Thật, những trích dẫn này đã thôi thúc tâm hồn tôi, và tôi đã suy gẫm về các trích dẫn này. Những suy tư mà tôi đã chia sẻ chính là kết quả những lần suy gẫm như vậy, và tôi hy vọng mời gọi mỗi bạn đọc cũng làm như vậy.
Hãy nhìn ngắm mỗi mầu nhiệm Mân Côi dưới lăng kính Thánh Thể và hãy xem mầu nhiệm đó đưa bạn đi đâu. Hãy tìm ra câu trích dẫn của riêng bạn để ngụp lặn sâu trong mầu nhiệm Mân Côi và hãy để cho Thần Khí Chúa thở hơi sự sống mới vào trong lòng sùng kính của bạn đối với Kinh Mân Côi, như Đức Mẹ đưa bạn đến gần hơn với Con Chí Thánh của Mẹ.
Đọc Kinh Mân Côi
Chúng ta phải nhớ rằng Thánh Thể là Đức Giê-su Ki-tô quá khứ, hiện tại, và tương lai; rằng Thánh Thể là sự kiện cuối cùng của mầu nhiệm Nhập Thể và cuộc sống trần gian của Đấng Cứu Độ chúng ta; trong Thánh Thể, Chúa Giê-su Ki-tô trao ban cho chúng ta mọi ân sủng; tất cả mọi chân lý đều quy chiếu về và hoàn trọn trong Thánh Thể; và chúng ta không cần thêm bất cứ đều gì nữa khi nói: “Thánh Thể,” vì đó là chính Đức Giê-su Ki-tô. Vì thế chúng ta hãy đặt Bí tích Cực Thánh này làm khởi điểm cho những suy niệm của chúng ta về các mầu nhiệm, các nhân đức, và các chân lý của đạo chúng ta. Thánh Thể là quy tâm điểm; các chân lý của đạo là những tia sáng. Chúng ta hãy bắt đầu xuất phát từ quy tâm điểm để đi đến các tia sáng ấy.[2]
Xin Dạy Chúng Con Cách Cầu Nguyện
Khi đọc Kinh Mân Côi, chúng ta để Mẹ Ma-ri-a nắm lấy tay mình và dạy cho biết các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giê-su. Khi chúng ta dừng lại ở mỗi mầu nhiệm và suy gẫm cùng Mẹ là lúc Mẹ đổ đầy các ơn cần thiết cho chúng ta. Mẹ kêu cầu Chúa Thánh Thần mưa xuống trên chúng ta các hồng ân của Người và mọi phúc lộc bởi Trời, và Mẹ vui sướng với Ba Ngôi Cực Thánh khi thấy chúng ta ngày một tiến lại gần Thiên Chúa hơn.
Việc đọc mỗi mầu nhiệm Mân Côi giúp chúng ta nhớ lại và suy gẫm những biến cố trong Tin Mừng. Có điều nào tốt hơn cách này không? Còn gì bằng nếu chúng ta đã có thể đến với Chúa Giê-su cùng Đức Mẹ và xin Chúa dạy chúng ta hoc biết về chính Chúa? Thật tuyệt vời biết bao nếu chúng ta đã có thể ngồi cạnh Chúa Giêsu và được Người kể cho nghe không chỉ những điều được ghi lại trong Tin Mừng, nhưng còn cả suy nghĩ của Người về các biến cố đó nữa. Cũng giống như khi muốn biết về Thế Chiến Thứ Hai, chúng ta có thể đọc một cuốn sách lịch sử về chiến tranh và xem các hình ảnh của những sự kiện đã xảy ra, nhưng vẫn không thể tốt bằng khi chúng ta được ngồi cạnh một cựu chiến binh và nghe ông kể lại câu chuyện về cuộc chiến tranh thế giới. Khi đó chúng ta có thể hỏi ông không chỉ những sự kiện được lịch sử ghi lại, nhưng cả những suy nghĩ mà ông đã cảm nghiệm từ các biến cố lịch sử đó. Ông sẽ kể cho chúng ta những điều mà chưa một ai được biết. Ông chia sẻ với chúng ta những điều bí ẩn trong tâm hồn ông, và như thế chúng ta trở nên những người bạn của ông.
Khi chia sẻ câu chuyện cuộc đời bạn và nói về chính bản thân bạn cho một ai đó, là bạn bước vào một mối tương quan. Thiên Chúa muốn có tương quan với chúng ta. Chúng ta được dựng nên vì điều đó. Chúa Giê-su ban tặng chính Người cho chúng ta trong lúc Hiệp Lễ, nhưng Chúa còn muốn hơn thế nữa. Người muốn tấm lòng chúng ta. Chúa Giê-su đã dạy dỗ riêng các Tông Đồ. Người đã mặc khải cho họ biết những điều ẩn giấu trong lòng. Chúng ta cũng có thể xin Chúa làm cho chúng ta điều tương tự như thế. Tất cả những điều bí mật này có trong Thánh Thể. Chúng ta có thể suy niệm các mầu nhiệm Rất Thánh Mân Côi, những mầu nhiệm về cuộc đời của Chúa Giê-su, ngang qua Thánh Thể. Chúa Giê-su thực sự hiện diện trong Thánh Thể trọn vẹn cả Mình, Máu, Linh Hồn, và Thiên Tính của Người. Khi chúng ta biết kết hợp vũ khí mạnh nhất của thời đại chúng ta là Kinh Mân Côi với Sự Hiện Diện Thật của Chúa chúng ta trong Thánh Thể, chúng ta đang thực sự được ngồi cạnh Chúa Giê-su và Mẹ Maria trong căn phòng nội tâm của lòng mình. Chúng ta hãy xin Đức Mẹ Thánh Thể ban cho chúng ta những ơn cần thiết để tiến bước nhờ Chúa, với Chúa và trong Chúa; để “xuất phát từ quy tâm điểm mà đi đến những tia sáng;”[3] để mở lòng ra trước sự Hiện Diện của Chúa, ngồi dưới chân Chúa, và lãnh nhận “chỉ một điều cần thiết mà thôi.” (Lc 10,42).
Lời Cầu Nguyện Khởi Đầu
Cầu nguyện là nhân đức cao trọng nhất của con người. Cầu nguyện bào hàm các nhân đức khác, vì tất cả các nhân đức đều là một sự chuẩn bị cho và là thành phần của nhân đức cầu nguyện. Đức tin thì tin tưởng, đức cậy thì cầu nguyện, và đức ái thì khấn xin ơn cho người khác; đức khiêm nhường trong tâm hồn tạo nên lời cầu nguyện, đức can đảm đọc lên lời cầu nguyện, và đức kiên nhẫn chinh phục được Thiên Chúa. Kinh Nguyện Thánh Thể rất có công hiệu: nó tiến thẳng đến Thánh Tâm Thiên Chúa tựa như mũi tên rực lửa; nó làm sống động việc làm và hành động của Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể; nó biểu lộ quyền năng của Chúa. Người tôn thờ vẫn đang làm một điều có công hiệu nhiều hơn thế nữa: họ cầu nguyện nhờ Chúa Giê-su Ki-tô và chia sẻ vai trò của Chúa chúng ta, vai trò làm Đấng Trung Gian Chuyển Cầu với Chúa Cha và Đấng Bảo Trợ cho các anh chị em đã được Chúa cứu chuộc.[4]
Chính Nhờ Người, Với Người, và Trong Người
Kinh Mân Côi bắt đầu với Dấu Thánh Giá, Kinh Tin Kính, một kinh Lạy Cha ở hạt lớn đầu tiên của đầu dây chuỗi tràng hạt, và ba kinh Kính Mừng ở ba hạt nhỏ đầu tiên của đầu dây chuỗi tràng hạt. Chúng ta dâng ba kinh Kính Mừng này để xin ơn gia tăng ba nhân đức đối thần: đức tin, đức cậy và đức mến. Chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ mặc cho chúng ta các nhân đức của Mẹ trong khi chiêm ngắm Chúa Giê-su trong Bí tích Cực Trọng.
Nhân đức đầu tiên mà chúng ta cầu xin là đức tin. Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô dạy chúng ta rằng Chúa Giê-su trong Thánh Thể “là đối tượng và nguồn trợ lực của đức tin chúng ta”[5]. Chúng ta có thể nhìn thấy Chúa mặc dù Chúa bị che khuất. Chúng ta nhìn thấy bánh và rượu, nhưng chúng ta biết đó là chính Chúa chúng ta. Chúng ta nói: “Con tin, xin Chúa giúp lòng tin yếu kém của con” (Mc 9,24). Với sự đồng thuận của ý chí, chúng ta mở lòng sẵn sàng lãnh nhận ơn đức tin và để đức tin lớn lên trong tâm hồn mình. Chúng ta càng dành nhiều thời giờ cho sự hiện diện trước Thánh Thể Chúa, thì lòng mến Chúa trong chúng ta càng được nuôi dưỡng và lớn mạnh. Và lòng mến của chúng ta càng lớn mạnh, thì đức tin của chúng ta càng tăng trưởng theo tỷ lệ thuận. “Một người có sự thấu hiểu thuần khiết về Thánh Thể, thì một cách tương ứng họ cũng có một tình yêu và sự thanh khiết như vậy trong đời sống mình.”[6]
Chúng ta có niềm hy vọng vào Thiên Đàng mai sau, và trong khi chờ đợi, chúng ta được cảm nếm Thiên Đàng ngay tại thế là chính Chúa Giê-su Thánh Thể. Sách giáo lý Baltimore định nghĩa Thiên Đàng là “tình trạng của đời sống vĩnh cửu mà ở đó chúng ta gặp Thiên Chúa diện đối diện, được trở nên giống Thiên Chúa trong ánh vinh quang, và hưởng hạnh phúc vĩnh cửu.”[7] Chúng ta thấy Chúa Giê-su trong Thánh Thể. Cho dù giác quan không cảm thấy gì, nhưng linh hồn chúng ta có thể thấy Người, có thể đàm đạo với Người, và ở với Người. “Hãy bình tĩnh lại và hãy biết rằng Ta đây là Thiên Chúa” (Tv 46,11). Vì vậy, khi chúng ta muốn cầu nguyện để gia tăng đức cậy, chúng ta hãy nhìn vào Chúa trong Thánh Thể và hãy nghỉ ngơi trong Người. Chúng ta nghỉ ngơi trong Chúa vì tin chắc rằng lời Chúa hứa là chân thật, rằng Chúa ở cùng chúng ta cho đến tận thế.
Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô nói rằng chiêm niệm là nguồn mạch của đức mến và tình yêu. Khi chúng ta suy nghĩ cách thức chiêm niệm, chúng ta chỉ cần nhìn vào mẫu gương của Đức Mẹ, đấng có đủ mọi nhân đức cao trọng nhất. “Và Đức Ma-ri-a hằng ghi nhớ những điều này và suy niệm trong lòng.” (Lc 2,19). Mẹ Ma-ri-a đã hiện diện với Chúa Giê-su, Mẹ đã suy gẫm và chiêm niệm. Chính Mẹ đã sẵn sàng trở thành mạch thông chuyển ân sủng của Thiên Chúa đến cho nhân loại. Cho đến bây giờ Mẹ vẫn đang làm như vậy. Khi đọc Kinh Kính Mừng để xin ơn gia tăng đức mến, chúng ta chỉ cần xin Mẹ dạy chúng ta cách chiêm ngắm các nhân đức của Con Mẹ trong Thánh Thể. Khi được liên kết với nguồn mạch đức ái và tình yêu đó, chính chúng ta sẽ trở thành những máng trung chuyển ân sủng của Thiên Chúa cho người khác. Đức ái và tình yêu sẽ tuôn trào từ chính Thánh Tâm Chúa đến tâm hồn chúng ta, và từ tâm hồn chúng ta đến với người lân bang xóm giềng. Khi chiêm ngắm Chúa Giê-su trong Bí Tích Cực Trọng, chúng ta đang yêu mến Thiên Chúa như chính Chúa và yêu mến tha nhân như chính bản thân mình.
“Cầu nguyện là nhân đức cao trọng nhất của con người”[8] Khi chúng ta cầu nguyện với Chúa Giê-su trong Thánh Thể để xin gia tăng ba nhân đức đối thần, chúng ta đang thực sự tham dự vào lời nguyện của Chúa Giê-su dâng lên Chúa Cha, cùng với Người và trong Người. Chúng ta không cần lo lắng mình cầu nguyện đã đủ chưa hay đúng chưa. Thậm chí không cần nói gì cả! Chỉ cần nâng tâm hồn lên với Chúa trong Thánh Thể và Người sẽ cất giấu chúng ta vào trong chính những thương tích của Người. “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7,11). Hãy kêu cầu Mẹ giúp chúng ta cầu nguyện với tâm tình phó thác như trẻ nhỏ, và xin Mẹ đồng hành với chúng ta khi chúng ta cầu khẩn Cha trên trời gia tăng đức tin, đức cậy và đức mến cho chúng ta, nhờ Đức Giê-su trong Thánh Thể.
Các Mầu Nhiệm Sự Vui
1. Mầu Nhiệm Truyền Tin
Thánh Tâm Chúa Giê-su giải đáp cho chúng ta rằng những điều cần thiết để mang lại ơn cứu độ cho chúng ta vẫn chưa thể thỏa mãn được tình yêu Thiên Chúa;… “Ta yêu nhân loại hơn cả những người mẹ hiền yêu con thơ! Ta sẽ ở với nhân loại…” “bằng hình thức nào?” “bằng việc hiện diện cách bí tích.” Đấng Thánh toàn năng không muốn một sự khiêm hạ nào lớn hơn cả sự khiêm hạ của biến cố Nhập Thể, và không muốn một sự tự hủy nào lớn hơn chính biến cố khổ nạn: “Ơn cứu độ của nhân loại không hề đòi hỏi một sự tự hủy như thế.” “Trái lại, Thánh Tâm đã giải đáp: “Ta muốn che giấu chính Ta và vinh quang của Ta để anh chị em nghèo khổ có thể đến với Ta mà không bị ngăn cách vì sự rạng ngời vinh quang của Ta giống như vinh quang chói lọi của Mô-sê đã từng xảy ra cho dân Do thái xưa. Ta muốn che phủ mọi nhân đức của Ta, nếu vì chúng mà nhân loại chịu nhục nhã và rơi vào tuyệt vọng trong khi vươn tới Đấng là Mẫu Gương tuyệt hảo.” Có như thế họ sẽ đến với Ta dễ dàng hơn, và khi nhận biết Ta hạ mình hoàn toàn, nhân loại sẽ quy phục Ta. Ta sẽ có quyền nói với họ rằng: “Hãy học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”[9]
Hãy học ở Ta
Mầu nhiệm truyền tin dạy chúng ta đức khiêm nhường. Thiên Chúa từ trời đến ở với nhân loại nơi cung lòng Đức Trinh Nữ, trở nên giống chúng ta về mọi sự ngoại trừ tội lỗi. Mang lấy thân phận phàm nhân và yếu đuối của chúng ta, kinh nghiệm những thử thách và đau khổ, bắt bớ và mất mát như chúng ta. “Ngôi Lời đã trở thành người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Có thể có một hành động khiêm hạ nào lớn lao hơn thế không? Có! Cũng chính Thiên Chúa của vũ trụ, Đấng yêu thương chúng ta hơn hết mọi người mẹ rất mực yêu thương con cái mình, đã quả quyết rằng đối với tình yêu của Thiên Chúa việc Chúa trở nên phàm nhân trong một thời gian thì vẫn chưa đủ; rằng Người đã muốn ở với chúng ta đến tận thế. Người đã quyết định trở nên lương thực cho ta. Người giũ bỏ không chỉ vinh quang của một vị Thiên Chúa nhưng cả vinh quang của một con người để trở nên tấm bánh bé nhỏ và chén rượu đơn sơ. Người lại hạ mình và trở thành Mình Thánh Chúa khi vị tư tế đọc lời truyền phép. Chỉ lúc này, chứ không phải khi là hài nhi trong cung lòng trinh khiết của Mẹ Maria. Chúa sẽ ngự đến bất cứ nơi đâu mà tư tế đưa Người đến. Chúa biết rằng khi trở thành Thánh Thể, bản thân Người sẽ phải chịu những xỉ nhục lớn lao hơn những xỉ nhục mà Người đã chịu khi trở nên phàm nhân, nhưng những điều đó chẳng thành vấn đề. Chúa chịu đựng tất cả chỉ nhằm một mục đích này là hiệp thông với chúng ta. Người có một ước muốn là: “Nhân loại sẽ hạ mình hoàn toàn cùng với Ta”[10]. Lời mời gọi sâu thẳm đi vào trong sự thẳm sâu. Thánh Tâm Chúa đang gọi mời tâm hồn mỗi người chúng ta. Tình yêu Thiên Chúa đang gọi mời tình yêu nhân loại chúng ta. Tình yêu Chúa hằng hiện diện và mời gọi chúng ta hợp nhất và hiệp thông. Và qua sự hiệp thông trong tình yêu Chúa, chúng ta sẽ giúp Chúa nhập thể vào đời thêm lần nữa, nhưng không chỉ có lúc này nơi mỗi chúng ta, khi chúng ta trở nên thực tại mà chúng ta lãnh nhận.
2. Mầu Nhiệm Thăm Viếng
Mẹ Ma-ri-a đã sẵn sàng hy sinh sự riêng tư của bản thân và sự dịu dàng của chiêm niệm để đến với chị họ của Mẹ là bà Ê-li-sa-bét mà chung vui và giúp đỡ bà Ê-li-sa-bét. …Đức Ma-ri-a đã không đón nhận Ngôi Lời cho riêng Mẹ. Mẹ đã vui mừng là chúng ta cũng có thể cùng chung hưởng niềm hạnh phúc với Mẹ. Vì vậy chúng ta hãy hiệp nhất với Mẹ mỗi khi lãnh nhận Chúa Giê-su. Chúng ta hãy hát vang bài thánh ca Magnificat của Mẹ. Vì Chúa, trong mầu nhiệm này, đã làm những điều trong đại cho Mẹ Ma-ri-a; và Người cũng đang làm những việc trọng đại khi đến với chúng ta. Chúng ta hãy cố gắng học theo các nhân đức của Mẹ để Chúa Giê-su Ki-tô có thể tìm thấy trong chúng ta, như trong Thánh Mẫu của Người, một chỗ cư ngụ xứng đáng với Chúa.[11]
“Thánh Thể là hòn than rực cháy giúp thắp lửa trong chúng ta.” Ngọn lửa tự bản chất thì năng động và có tính lan tỏa. Khi chịu sự chi phối của Thánh Thể, linh hồn sẽ thốt lên: “Ôi lạy Chúa! Con phải làm gì đây để đáp lại tình yêu cao vời này?” Và Chúa Giê-su trả lời: “Con phải nên giống Ta, phải sống cho Ta, và phải sống nhờ Ta.” Sự biến đổi sẽ trở nên dễ dàng; khi có tình yêu, sách Gương Chúa Giê-su dạy rằng, con người không còn đi bộ nữa nhưng họ sẽ chạy và sẽ bay cao.[12]
Hãy Sống Nhờ Ta
Mầu nhiệm Đức Mẹ đi viếng nói cho chúng ta về tình yêu hay đức ái đối với người thân cận. Tại sao Mẹ Ma-ri-a đã vội vã đi thăm người chị họ? Trước đó, Mẹ đã có một cuộc gặp gỡ tuyệt vời nhất với Chúa Thánh Thần. Mẹ đã có Chúa Giê-su cư ngụ trong lòng Mẹ. Tại sao Mẹ không để dành thời gian mà thưởng thức khoảnh khắc hân hoan và tận hưởng hoàn toàn niềm hạnh phúc này? Nói một cách chính xác là bởi vì Mẹ đã có Chúa Giê-su đang cư ngụ trong lòng Mẹ. Cả hai trở nên một. Ý muốn của Chúa trở nên ý muốn của Mẹ. Tình yêu của Chúa trở nên tình yêu của Mẹ. Niềm vui lớn lao của Mẹ cần phải được sẻ chia. Mẹ Ma-ri-a đã chẳng phải đắn đo chọn lựa giữa việc chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa cư ngụ trong lòng Mẹ với việc yêu mến người thân cận, và chúng ta cũng cần phải như Mẹ vậy. Chúng ta không lãnh nhận Chúa Giê-su chỉ cho riêng mình. Chúa muốn chúng ta đưa Người đến với tất cả những ai không thể hay không muốn đến với Người.
Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô dạy chúng ta rằng: “Thánh Thể là hòn than rực cháy giúp thắp lửa lên trong chúng ta.”[13] Đây là ngọn lửa của tình yêu Thiên Chúa, đang bừng cháy nhưng không thiêu rụi, và muốn nhanh chóng lan tỏa rộng khắp. “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). Nếu để cho ngọn lửa này cháy sáng thì chúng ta sẽ được biến đổi nên giống Chúa. Chúng ta sẽ trở nên một với Chúa và sẽ cháy sáng bằng tình yêu của Người. Cũng như Mẹ Ma-ri-a, chúng ta sẽ vội vã đến với những người thân cận. Đi đến đâu, chúng ta sẽ đưa Chúa Giê-su đến đó và sẽ ca tụng Người khi chúng ta kết hợp với Mẹ Maria ca vang bài Magnificat, vì Đức Chúa đã thực sự làm cho chúng ta những điều trọng đại. Khi để ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa làm sống động cuộc đời mình, chúng ta ngày một lớn lên trong đức ái. Đây là thời khắc mà ở đó chúng ta sống chiêm niệm thật sự. Cuộc đời chúng ta trở nên lời cầu nguyện sống động và chúng ta trở thành cánh tay và đôi chân của Thiên Chúa giữa thế gian.
3. Mầu Nhiệm Giáng Sinh
Khi được hạ sinh nơi máng cỏ, Ngôi Lời đã đang chuẩn bị Thánh Thể mà Người xem như là sự hoàn trọn cho tất cả các mầu nhiệm khác của đời sống Người. Ngôi Lời đến để hiệp nhất với nhân loại. Trong cuộc đời dương thế, Ngôi Lời đã thiết lập với nhân loại một mối hiệp nhất trong ân sủng, trong gương mẫu và trong công phúc; nhưng chỉ trong Thánh Thể, Người mới hoàn trọn mối hiệp thông hoàn hảo nhất mà nhân loại có khả năng vươn tới ngay trong thế gian này. …
Đây là lúa mì bởi trời được gieo trồng tại Bê-lem, “Ngôi nhà của Bánh.” Hãy nhìn cây lúa mì mà xem. Hình ảnh cây lúa mì bị chà đạp và nghiền nát tượng trưng cho bản tính nhân loại nghèo hèn. Bản tính nhân loại tự nó cằn cỗi. Nhưng Chúa Giê-su sẽ đảm nhận nhân tính đó vào trong chính mình Người và nâng nó lên, sẽ phục hồi sự sống và khiến nó trổ sinh hoa trái.[14]
Hãy Bình Tĩnh Lại
Mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh dạy chúng ta về sự khó nghèo và sự mong manh. Trong đêm tĩnh lặng, Đấng Cứu Độ chúng ta hạ sinh trong máng cỏ, một hài nhi nghèo hèn, rất dễ bị tổn thương và hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ trần thế của mình. Khi hạ sinh tại Bê-lem, Chúa dạy chúng ta biết giũ bỏ mọi thứ của thế gian, không chỉ về sở hữu vật chất, nhưng cả về mặt tinh thần. Trong Thánh Thể, Chúa Giê-su tiếp tục dạy những bài học mà chúng ta cần để dọn đường cho Chúa, hầu Chúa có thể giáng sinh trong tâm hồn chúng ta.
Chúa Giê-su trong Thánh Thể thật sự nghèo hèn và mong manh hơn Chúa Giê-su tại Bê-lem. Người phụ thuộc mọi thứ của nhân loại, từ những vật chất dành cho việc cử hành hy tế đến những vật dụng cho bàn thờ như khăn thánh và nến.[15] Người khiến chính bản thân trở nên thấp hèn và mong manh chỉ vì tình yêu. Để khi thấy Chúa ở trong tình trạng như thế, chúng ta cảm thấy dễ dàng đến với Người. Chúng ta nhận ra chính mình khi nhìn vào Thánh Thể và dễ dàng để cho chính mình trở nên mong manh với Chúa. Chúng ta mở lòng ra và cho Chúa thấy sự rỗng không, sự nghèo hèn, cùng sự đổ vỡ của chúng ta. “Lạy Thiên Chúa, một tâm hồn khiêm nhượng và thống hối, Ngài sẽ chẳng khinh chê.” (Tv 51,19)
Giống như cây lúa mì bị “chà đạp và nghiền nát,”[16] tâm hồn chúng ta, bị dày bò vì tội lỗi, cũng sẽ trở nên chiếc giường nghèo hèn mà Chúa chúng ta tìm kiếm. “Hãy bình tĩnh lại và hãy biết rằng Ta đây là Thiên Chúa !” (Tv 46,11). Trong sự tĩnh lặng của tâm hồn chúng ta, Chúa chúng ta sẽ hạ sinh. Người mang theo các phẩm tính của trẻ thơ mà chúng ta cần phát huy. Chúng ta sẽ nuôi dưỡng các nhân đức này nhờ Bánh Sự Sống và tưới gội chúng bằng Nước Trường Sinh. Mỗi lần lãnh nhận Chúa Gê-su Thánh Thể, chúng ta dần chết cho chính mình và sống cho Chúa hơn. Chúng ta sẽ tuyên bố cùng với Gio-an Tẩy Giả: “Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30), cho đến một ngày nào đó chúng ta có thể nói rằng: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).
4. Mầu Nhiệm Dâng Chúa trong Đền Thờ
Chúa chúng ta đã không chậm trễ dâng hiến chính mình cho Chúa Cha một cách công khai. Bốn mươi ngày sau khi giáng thế, Người đã linh hứng cho Mẹ Ma-ri-a đưa Người đến Đền Thờ. Mẹ đã bồng ẵm Hài Nhi trên tay, sẽ dâng Người cho Chúa Cha, và sẽ chuộc lại Người bằng một đôi chim gáy. Chúa Giê-su đã chấp nhận để cho chính Người được trao đổi bằng những sinh vật thụ tạo bé nhỏ này, từ đó dạy cho chúng ta về sự thanh khiết và đơn sơ của Người.[17]
(Trong Thánh Thể) Người vâng lời chịu lụy không chỉ khi vị tư tế đọc lời truyền phép trong Thánh Lễ, nhưng ở mọi thời khắc và bất kỳ khi nào người tín hữu cần đến Người. Tình trạng vĩnh cửu của Chúa là một tình trạng vâng lời chịu lụy mang tính chân thật và đơn sơ.[18]
Hãy Nghe Ta
Mầu nhiệm dâng Chúa Giê-su trong Đền Thờ dạy chúng ta về đức vâng phục. “Người đã linh ứng cho Mẹ Ma-ri-a đưa Người vào Đền Thờ”[19]. Ngay cả khi còn là một hài nhi, Chúa Giê-su đã linh ứng cho những nẻo đường của Mẹ Ma-ri-a, và chỉ tuân hành ý muốn của Chúa Cha. Chúa Giê-su đã muốn công khai dâng chính mình cho Chúa Cha, và đồng thời dạy chúng ta về sự thanh khiết và đơn sơ.
Tại sao Chúa Giê-su muốn nhanh chóng dạy chúng ta về đức thanh khiết? Có lẽ vì tâm hồn thanh khiết là một đòi hỏi cho ơn phúc kiến – cứu cánh của chúng ta. “Phúc cho người có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” (Mt 5,8). Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô dạy rằng “một người có sự thấu hiểu thuần khiết về Thánh Thể, thì một cách tương ứng họ cũng có một tình yêu và sự thanh khiết như vậy trong đời sống mình.”[20] Tuy nhiên chúng ta không đủ thanh sạch để tự mình có thể nhìn thấu bức màn Thánh Thể. Chúng ta cần sự trợ giúp của Đức Ma-ri-a là Mẹ và là mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta. Với tâm tình đơn sơ của một người con, chúng ta cần xin Mẹ mặc cho ta các nhân đức của Mẹ, hầu chúng ta có thể ngồi dưới chân Chúa và nghe lời Người. Tâm hồn thanh sạch có thể nhìn thấu bức màn Thánh Thể và chiêm ngắm Chúa chúng ta ngay lúc này, nơi thiên đàng tại thế, đang khi mong đợi niềm ngày hồng phúc là ngày chúng ta được hưởng kiến nhan Chúa diện đối diện. Trong chiêm niệm Thánh Thể, chúng ta sẽ được ơn Chúa thúc đẩy.
Khi suy gẫm biến cố Mẹ Maria bồng ẵm và dâng Hài Nhi Giê-su trong Đền Thờ, tôi chợt nhớ đến một câu chuyện do cha xứ chúng tôi kể. Người kể rằng vào một ngày nọ, đang khi cầm Mặt Nhật đến cho các thiếu nhi Chầu Thánh Thể, người đã nghe thấy tiếng Chúa Giê-su nói: “Con hãy đưa Ta đến nơi ta cần đến và Ta sẽ ở lại nơi đó.” Chúa Giê-su đã dẫn dắt những bước đường của vị cha xứ như Người đã dẫn dắt Mẹ Ma-ri-a. Là một Hài Nhi, Chúa Giê-su không thể đi bộ đến Đền Thờ để dâng chính mình cho Chúa Cha, nên Người đã cần đến Mẹ Ma-ri-a. Trong Thánh Thể, Người cũng không thể tự mình đến nơi mà Người muốn đến, cho nên Người cần đến con người. Người cần vị tư tế đưa Người đến bàn thờ, đưa Người đến cho bệnh nhân, đưa Người đến với những ai đang muốn lãnh nhận Người, cuối cùng Người muốn chúng ta đưa Người đến tận cùng trái đất. Chúng ta hãy lớn lên trong sự thanh khiết và đơn sơ để có thể nghe thấy ơn thúc đẩy của Chúa Giê-su trong Thánh Thể. Sau đó, chúng ta hãy để cho Người hướng dẫn những bước đường đời của chúng ta và đưa chúng ta đi với Người trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha.
5. Mầu Nhiệm Tìm Được Chúa Giê-su trong Đền Thờ
Chúa chúng ta trong Bí tích Thánh Thể tự Người là Ánh Sáng, tự Người là nguồn của sự hiểu biết, tựa như mặt trời tự nó chứng tỏ ra bằng chính nguồn sáng của mình. Để cho nhân loại nhận biết Người, Chúa chúng ta chỉ cần tỏ mình ra. Chúng ta không cần dùng lý trí để hiểu về Người; cũng như một đứa trẻ thơ không cần phải tự biện giải để nhận ra cha mẹ của chúng. Chúa chúng ta đã tự tỏ lộ bằng sự hiện diện thật của Người, tương tự như cách người cha người mẹ đã làm với con cái mình… Người chỉ nói một lời nhưng lại làm rúng động tâm hồn chúng ta: “Chính Ta đây!…” và chúng ta đã cảm nhận được sự hiện diện của Người, chúng ta cũng sẽ tin vào sự hiện diện của Người một cách vững vàng hơn nếu chúng ta đã tận mắt nhìn thấy Người.[21]
Hãy Ở Lại Trong Ta
Mầu nhiệm Đức Mẹ tìm được Chúa Giê-su trong Đền Thờ dạy cho chúng ta về lòng sùng đạo. Lòng sùng mộ đưa chúng ta trở lại với những thực hành đạo đức mà nhờ đó chúng ta tiến lại gần Thiên Chúa hơn, ngay cả khi chúng ta cảm thấy rằng mình đã lạc xa Chúa. Mẹ Ma-ri-a và Thánh Giu-se đã lo lắng và sợ hãi khi lạc mất trẻ Giê-su. Chúng ta cũng đã từng lạc mất Chúa Giê-su trong cuộc đời. Thông thường tự chúng ta đã để cho mình bị cuốn theo chiều gió của những mối băn khoăn sự đời, và khi nhìn lại, chúng ta chợt nhận ra rằng Chúa Giê-su không còn bên ta nữa, nghĩ rằng ta đã mất Chúa, rằng Chúa đã bỏ ta, nhưng thực chất là chính chúng ta tự đánh mất mình, khi chỉ chăm chú vào các thụ tạo khác. Những khi lạc mất phương hướng như thế, thì chính lòng sùng kính đối với Bí tích Thánh Thể sẽ là ân sủng cứu độ cho chúng ta.
Chúng ta sẽ tìm thấy chính mình trong chiều kích hiện diện thật của Chúa Giê-su trong Thánh Thể. Chỉ nhờ ánh sáng Chân Lý này chúng ta mới có thể thấu hiểu tâm hồn mình và đó là cách Chúa nhìn thấy chúng ta. Khi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giê-su trong chính ánh sáng của Người, Người sẽ tỏ bày cho ta thấy chính con người của mình. Chúa sẽ chỉ cho chúng ta thấy những điều làm cho chúng ta sao lãng trên hành trình bước theo Người. Từ đó chúng ta có thể nhìn thấy sự rỗng không nơi mình, và đừng lo sợ, bởi vì chính Chúa ẩn giấu mình trong sự rỗng không. Người sẽ kéo chúng ta về với Người và thì thầm trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta sẽ tìm thấy chính mình ở trong Chúa, vì Chúa là Con Đường.
Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se cuối cùng đã tìm được trẻ Giê-su trong Đền Thờ. Sau khi tìm được Người, hai ông bà đã đưa Người về nhà và Người ở đó với hai ông bà. Chúa Giê-su muốn ở cùng với chúng ta luôn mãi. Vì thế chúng ta cần làm mọi sự trong khả năng của bản thân hầu được ở lại trong sự hiện diện của Chúa. “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.” (Ga 15,4) Chúng ta cần Thánh Thể làm lương thực nuôi dưỡng chúng ta hằng ngày. Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô gọi tình yêu đối với Bí Tích Thánh Thể là “mẹ và là nữ hoàng của tất cả các việc đạo đức khác và là ánh thái dương của lòng đạo đức.”[22] Lòng sùng kính mến yêu đối với Thánh Thể sẽ nuôi dưỡng chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin. Một khi tâm hồn bị bao phủ bởi những nỗi sợ hãi và lo lắng vì chúng ta không thể nhìn thấy Chúa Giê-su, chúng ta cần phải ngước mắt hướng nhìn về Chúa Giê-su trong Bí tích Cực Trọng. Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô dạy rằng:
Chúa chúng ta nhìn thấy chúng ta cả khi chúng ta đang ở nhà; Người lắng nghe chúng ta từ nơi Nhà Tạm của Người. Người có thể thấy chúng ta từ trời cao nhìn xuống; tại sao Người không thể nhìn thấy chúng ta từ nơi Bánh Thánh? Hãy tôn thờ Người dù bạn đang ở đâu; bạn sẽ thực hiện việc tôn thờ tuyệt hảo khởi đi từ tình yêu, và Chúa sẽ thấu hiểu niềm mong ước của bạn.[23]
Chúng ta hãy hướng nhìn về Chúa Giê-su trong Thánh Thể và hãy lắng nghe tiếng Chúa thầm thĩ trong tâm hồn chúng ta: “Chính là Ta đây!.”
Các Mầu Nhiệm Sự Sáng
1. Chúa Chịu Phép Rửa
Nơi Thánh Thể, chúng ta tìm được phương dược chữa lành bệnh tật, và sự đền bù cho những món nợ do tội lỗi gây ra nhờ hợp tác hàng ngày với đức công chính thánh thiện của Thiên Chúa. Chúa chúng ta dâng hiến chính Người mỗi ngày (((thay vì mỗi sáng))) như một Tế Vật đền thay mọi tội lỗi thế gian.[24]
Sự đền tội này bao hàm cả việc đền bù lại cho Chúa cũng như an ủi Chúa. Sự đền tội là một phần trong sứ vụ phổ quát của chúng ta, những người tôn thờ Thánh Thể. Chúng ta cần phải làm việc đền tội; chúng ta cần phải trở nên những người trung gian chuyển cầu và sám hối vì tội lỗi nhân loại. Tội lỗi thế gian quá nhiều đến độ cần phải có sự đền tội hơn là tạ ơn. Thánh Gio-an Tẩy Giả thực thi sự đền tội khi công bố: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.” Thánh nhân đã loan báo và giới thiệu Đấng xóa tội trần gian. Gio-an Tẩy Giả đã khóc lóc và đau buồn vì sự thờ ơ của nhân loại đối với Đấng Cứu Độ. Hãy lắng nghe lời Người than vãn: “Có Đấng ở giữa các người, mà các người không hề biết.”[25]
Hãy Nhìn Xem
Mầu nhiệm Chúa Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan dạy chúng ta về sự đền tội. Con yêu dấu của Chúa Cha đã khơi nguồn Phép Rửa cho chúng ta bằng cái chết của Người trên Thập Giá. “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian.” Những lời này của thánh Gio-an Tẩy Giả được lặp lại trong mỗi Thánh Lễ khi vị tư tế nâng cao Mình Máu Thánh Chúa. “Đức Ki-tô hiến tế hiện diện trên bàn thờ làm cho mọi thế hệ Ki-tô hữu trở nên hiệp nhất với hy tế của Người.” Chúng ta hãy dâng lên Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể lòng thần phục suy tôn để đền bù tội lỗi của bản thân và toàn thể nhân loại.
“Tội lỗi thế gian quá nhiều đến độ cần phải có sự đền tội hơn là tạ ơn”[26]. Những lời này của Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô nhắc nhớ rằng chúng ta có thể và phải liên kết hy lễ của chúng ta với hy lễ của Đức Ki-tô. “Lề Luật đã xen vào, để cho sự sa ngã lan tràn; nhưng ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.” (Rm 5,20). Khi chúng ta liên kết cuộc đời chúng ta với hy tế của Đức Ki-tô, thì mọi việc làm, lời cầu nguyện, sự đau khổ và cả lời ca tụng của chúng ta đều mang một giá trị mới. Chúng giờ đây trở nên phi thường trong quyền năng của Thiên Chúa và là phương thế thông chuyển ân sủng xuống những nơi tội lỗi lan tràn. Sự dữ và bóng tối sở dĩ tồn tại là vì thiếu vắng sự thiện và ánh sáng. Thiên Chúa đã đặt để mỗi người chúng ta ở một thời gian và không gian cụ thể, hầu chúng ta có thể mang ánh sáng của Người chiếu soi vào chốn tối tăm. Bằng sự liên kết từng khía cạnh của cuộc đời chúng ta với Thánh Thể, chúng ta đang hoàn trọn sứ vụ tư tế mà chúng ta đã lãnh nhận khi chịu Phép Rửa để thánh hóa thế gian và dâng hy tế lên Thiên Chúa.
Tất cả chúng ta là những tội nhân, và nơi Thánh Thể Chúa, “chúng ta tìm được phương dược chữa lành mọi bệnh tật, và sự đền bù cho những món nợ do tội lỗi gây ra nhờ hợp tác hằng ngày với đức công chính thánh thiện của Thiên Chúa.” Bằng sự nhìn nhận tội lỗi và ăn năn sám hối, chúng ta có thể lãnh nhận ơn tha thứ, nhưng dù tội đã được tha, thì đức công bằng đòi buộc chúng ta phải đền bù tội lỗi của mình. Giáo Lý dạy chúng ta rằng “Việc đền tội vẫn tiếp tục thực hiện trong thân mình Đức Ki-tô và trong sự hiệp thông các thánh nhờ sự kết hiệp hành động đền tội của con người với hành động cứu độ của Đức Ki-tô, cả trong đời sống dương thế lẫn trong luyện ngục.” Vì thế chúng ta hãy tôn thờ và an ủi Chúa chúng ta trong Thánh Thể, Đấng mà thế gian không nhận biết. Chúng ta hãy hợp tiếng cùng với thánh Gio-an Tẩy Giả và thốt lên: Hãy nhìn xem!
2. Tiệc Cưới Tại Ca-na
Tại sao Chúa chúng ta không là trung tâm của cuộc đời tôi? Bởi vì Chúa chưa là bản ngã của bản ngã tôi, vì tôi chưa hoàn toàn theo sự hướng dẫn của Chúa và chưa thực thi ý muốn của Người; Vì lòng muốn của tôi vẫn còn trái ngược với ý muốn của Chúa trong tôi; Vì Người chưa là tất cả đối với tôi. … Vậy tôi sẽ phải làm gì? Tôi phải bước vào trung tâm đời tôi, ở lại đó, và hoạt động trong đó, không phải chỉ bởi sự êm ái ngọt ngào của Chúa mà còn nhờ vào những nỗ lực liên lỉ và hành động tôn kính.… Hãy ở lại trong Chúa chúng ta. Ở lại trong Chúa bằng sự nhiệt tâm, hoan hỷ, và sẵn sàng thực thi ý Chúa. Hãy ở lại trong Thánh Tâm và bình an của Chúa Giê-su Thánh Thể.[27]
Hãy Nghe Tiếng Tôi
Mầu nhiệm Tiệc Cưới tại Ca-na dạy chúng ta về sự thanh thoát của lòng muốn/ý chí tự do. “Người bảo sao thì cứ làm vậy.” (Ga 2,5). Những lời này của Mẹ Ma-ri-a nói với gia nhân tại tiệc cưới vẫn còn vang vọng trong tâm hồn chúng ta ngày nay. Những lời này của Mẹ đưa ra cho chúng ta một thách thức và một chọn lựa. “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Từ Bánh Thánh cũng như từ Thánh Giá, Chúa luôn luôn lôi kéo chúng ta đến với Người, đưa chúng ta lại gần “để ràng buộc chúng ta bằng mối dây tình yêu của Chúa”[28] và bao bọc chúng ta bằng sự bình an của Người. Chấp nhận lời Chúa mời gọi, để cho Thánh Thể thành trung tâm đời sống chúng ta và bước theo Chúa là tùy ở chọn lựa của chúng ta.
Chỉ có trung tâm đích thực của vũ trụ mới có thể lôi kéo mọi thứ về với chính Người. Giống như các hành tinh xoay quanh mặt trời theo đúng quỹ đạo nhờ lực hấp dẫn, chúng ta cũng vậy, bất cứ điều gì nếu được đặt làm tâm quy chiếu của cuộc đời chúng ta, thì chúng sẽ cuốn hút chúng ta đi theo hướng của chúng và gây ảnh hưởng trên hành trình của chúng ta. Khi chúng ta chọn lựa những điều tốt khác trên cả điều tốt nhất, thì đó là lúc chúng ta đang thờ các ngẫu tượng như là thần tiền tài, thần danh vọng, thần quyền lực, hay thần cái tôi. Những ngẫu tượng thấp hèn này sẽ lôi kéo chúng ta rời xa đường lối mà Chúa đã chọn lựa cho chúng ta, chằng phải vì chúng mạnh mẽ hơn, nhưng vì chính chúng ta muốn gần gũi với chúng hơn là gần gũi với Chúa. Vì vậy càng gần Thánh Thể, chúng ta sẽ càng mạnh mẽ hơn để chống lại thế lực của tà thần. Chúa Giê-su Thánh Thể phải là trung tâm của đời sống chúng ta và chúng ta “phải bước vào trung tâm đó, hãy ở lại trong đó, và hãy hành động trong đó”[29]
Việc ở lại trong Chúa chúng ta là hành vi của ý chí. Chúng ta phải luôn cố gắng thực hành nhân đức, tuân theo giáo huấn của Mẹ Giáo Hội, và thường xuyên lãnh nhận các bí tích. Đây là điều đặc biệt quan trọng trong những thời điểm chúng ta cảm thấy nguội lạnh và bất an. Kẻ thù của linh hồn chúng ta sẽ luôn cố gắng cám dỗ chúng ta bằng những thụ tạo khác và những lời hứa hão huyền, cho nên chúng ta phải “tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Đấng đã hứa là Đấng trung tín.” (Hr 10,23). Chúng ta phải ở lại bên Chúa Giê-su Thánh Thể, hãy rước Chúa hàng ngày và dành thời gian cho Người. Như thế Người sẽ kéo chúng ta lại gần Người bằng một giao ước tình yêu, và lòng chúng ta tràn đầy bình an. Chúng ta sẽ học cách nhận biết tiếng Chúa và sẽ không muốn gì hơn là theo lời Mẹ Ma-ri-a chỉ dẫn và thực hiện bất cứ điều gì mà Chúa bảo chúng ta. Có như thế Chúa sẽ mỉm cười và nói: “Chiên của Tôi thì nghe tiếng tôi; Tôi biết chúng và chúng theo Tôi.” (Ga 10,2).
3. Loan Báo Nước Thiên Chúa
Tất cả ân sủng phát xuất từ Thánh Thể. Qua Thánh Thể, Chúa Giê-su thánh hóa thế gian bằng một phương thức vô hình và thiêng liêng. Người cai quản thế giới và Giáo Hội mà không cần hành động hay nói năng. Bởi vì Nước của Chúa Giê-su ở trong tôi, tất cả ở bên trong. Nên tôi phải hướng chính mình tôi bao gồm mọi năng lực, hiểu biết, ý muốn, và cảm xúc của bản thân đến Chúa Giê-su bao nhiêu có thể. Tôi phải sống nhờ Chúa Giê-su chứ không phải nhờ tôi, tôi phải sống trong Chúa Giê-su chứ không phải trong tôi. Tôi phải cầu nguyện với Người, dâng hiến bản thân cho Người, và chết đi cho tình yêu với Người. Tôi phải trở nên một ngọn lửa, một trái tim, một đời sống trong Chúa và với Chúa… Một cuộc đời trong Chúa Giê-su thì không gì hơn là tình yêu hy sinh cho Chúa, quà tặng bản thân làm gia tăng sự hiệp nhất với Người; qua đó chúng ta bám rễ sâu và hút lấy nhựa sống và dưỡng chất từ thân cây. Nước Thiên Chúa ở trong chúng ta.[30]
Hãy Ở Lại Trong Tôi
Mầu nhiệm loan báo Nước Trời dạy chúng ta về trung tâm điểm và tâm hồn của chúng ta. Giáo lý dạy rằng: “Niềm khát vọng Thiên Chúa được ghi khắc trong tâm hồn con người, vì họ được dựng nên nhờ Thiên Chúa và cho Thiên Chúa; và Thiên Chúa luôn kéo họ về với Người.” (Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo [SGLCG]=, số 27). Cũng vậy, Ngôi Lời được ghi khắc vào tâm hồn con người trước cả khi vũ trụ được tạo thành, Người đã trở nên phàm nhân, đã cư ngụ giữa chúng ta, và tiếp tục ngự giữa chúng ta trong vương quốc Thánh Thể của từng tâm hồn chúng ta.
Trước khi vũ trụ được tạo thành, Thiên Chúa đã cất giữ tâm hồn chúng ta trong tay Người và ghi tên Con yêu dấu của Người vào trong tâm khảm mỗi người chúng ta như là dấu hiệu chứng tỏ chúng ta là những người được Chúa chọn. Ngôi Lời được khắc ghi vào tâm hồn chúng ta bằng một loại mực không thể xóa nhòa là Máu Con Chiên và được đóng ấn bừng lửa Chúa Thánh Thần. Đó chính là trung tâm điểm và là căn tính của chúng ta. Giáo Lý dạy rằng: “Tâm hồn là nơi thầm kín của riêng chúng ta, lý trí hay người khác không dò thấu được; chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể thăm dò và thấu suốt được tâm can con người.” (SGLCG, 2563). Tất cả chúng ta đều có một ước muốn, một nhu cầu được nhìn nhận. Tâm hồn chúng ta luôn thao thức tìm kiếm hầu được thỏa mãn niềm ước mong.
Tôi là ai? Tôi là một người mẹ, một người con, một người chị, một người bạn. Chúng ta định nghĩa căn tính của mình trong tương quan với người khác. Một đưa trẻ dựa vào tấm gương là ánh mắt yêu thương của cha mẹ mà biết rằng nó được yêu thương và ấp ủ. Cũng vậy, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nên chúng ta cần phản chiếu hình ảnh của Thiên Chúa cho tha nhân, nhưng tội lỗi đã làm cho hình ảnh Thiên Chúa trong ta bị méo mó. Chúng ta bước vào cuộc đời như thể bước vào một ngôi nhà đầy những tấm gương, ở đó chúng ta thấy mình quá cao, quá thấp, quá mập, hay quá gầy. Chúng ta nhìn vào những người thân cận cũng qua cùng những tấm gương đó và hình ảnh của họ cũng bị méo mó.
Duy chỉ có tấm gương Thánh Thể mới giúp chúng ta nhận ra căn tính đích thực của bản thân. Chính nơi Thánh Thể chúng ta sẽ nghe được Đấng Chân Lý đang nói với tâm hồn chúng ta. “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con.” (Tv 139,13). Chính nơi chân lý Thánh Thể, chúng ta sẽ được nghỉ yên và được thông hiệp với Chúa, ngõ hầu Nước Thiên Chúa sẽ bén rễ sâu trong tâm hồn chúng ta. “Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.” (Ga 17,26)
4. Chúa Biến Hình
Như khi ở trên núi Ta-bo Chúa Giê-su đã che giấu thiên tính của Người, thì nơi đây Người che giấu thậm chí nhân tính của Người và biến đổi thành những tấm bánh, vì thế mà nhân loại thấy rằng dường như Chúa không còn là Thiên Chúa mà cũng chẳng còn là Con Người, và Người không còn hoạt động bề ngoài chi nữa. Người hiện diện dưới hai hình Bánh Rượu như thể đó là nấm mồ chôn giấu những năng lực của Người. Vì khiêm hạ nên Chúa cất giấu nhân tính rất hiền hậu và dễ thương của Người. Bánh và rượu đã đươc biến đổi thành Mình và Máu Con Thiên Chúa. Chúng ta liệu có thấy Chúa trong sự biến hình vì tình yêu và khiêm nhường không? Chúng ta biết rằng mặt trời vẫn hiện hữu dù cho có bị che phủ bởi các đám mây. Cũng vậy Chúa Giê-su vẫn mãi là Thiên Chúa và là Con Người hoàn hảo, dù cho có bị che phủ bởi đám mây của bánh và rượu. Nếu lần biến hình đầu tiên mang đầy vinh quang thì lần thứ hai lại đầy vẻ đáng yêu. Chúng ta không còn thấy Chúa nữa, cũng không còn chạm vào Người bằng xương bằng thịt, nhưng Người vẫn hiện diện ở đó với tất ca hồng ân của Người. Chính tình yêu, ân sủng, và đức tin sẽ giúp chúng ta nhìn thấu các bức màn che phủ và nhận ra dung nhan của Chúa. Đức tin là đôi mắt của linh hồn; tin là thực sự nhìn thấy.[31]
Đừng Sợ
Mầu nhiệm biến hình dạy chúng ta ý thức về sự biến đổi. Động từ biến đổi được định nghĩa: “là hành động biến đổi bên ngoài và thông thường là vì một điều tốt đẹp hơn.” Thật dễ nhận biết có một sự biến đổi bề ngoài vì một điều tốt đẹp hơn trong biến cố biến đổi hình dạng của Chúa Giê-su trên núi Ta-bo, tại đó Người đã mặc khải vinh quang của Người cách tỏ tường ra bên ngoài. Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô dạy rằng trong Thánh Thể, Chúa Giê-su “biến đổi ngay cả nhân tính của Người thành các hình bánh.” Nhưng sự biến đổi này làm sao có thể là vì một điều tốt đẹp hơn được? Chúa Giê-su luôn thích sự khiêm nhường hơn vinh quang bởi vì mục đích của Chúa là đưa chúng ta đến gần bên Người. Nếu nhìn bằng đôi mắt đức tin, chúng ta sẽ nhận thấy rằng “sự biến đổi vì tình yêu và khiêm nhường” là sự biến đổi vĩ đại nhất giữa các biến đổi. Giờ đây chúng ta có thể tiến lại gần Chúa, đến gần mà ăn uống Mình Máu Chúa, nhờ đó chúng ta bắt đầu biến đổi bản thân trở nên giống Chúa.
Trong trình thuật Mát-thêu về cuộc biến hình của Chúa Giê-su, chúng ta thấy các môn đệ “đã kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo : ‘Trỗi dậy đi, đừng sợ !’” (Mt 17,6). Một lần nữa, Chúa Giê-su đã gạt bỏ vinh quang của Người sang một bên để hạ mình và chăm lo cho các môn đệ. Người vẫn luôn làm như vậy trên bàn thờ mỗi ngày. Người hạ mình xuống với chúng ta, cho dù chúng ta có rơi vào vực sâu thăm thẳm, để chạm vào chúng ta, để chữa lành chúng ta, và để kéo chúng ta ra khỏi sự sợ hãi. Trong Thánh Thể, Chúa ban “muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Ep 1,3) được gói gém trong một tình yêu khiêm hạ. Chúa tặng ban chính Người cho chúng ta. Vì thế chúng ta chỉ cần nhìn bằng đôi mắt đức tin thì sẽ thấy được dung nhan Chúa.
Chúa biến hình là để chúng ta được ơn biến đổi. Chúng ta rất đỗi khao khát vinh quang Thiên Chúa đến độ thường dễ dàng bị mê hoặc và thỏa hiệp với những sự thấp hèn. Chúng ta sẽ chạy theo những thứ sự hào nhoáng vô thường rồi chỉ để nhận ra rằng tất cả là ảo. Mạch nước trường sinh thì ẩn sâu trong giếng Thánh Thể dưới hình Bánh Rượu. Thánh Thể chính là nơi có thể làm no thỏa cơn khát của chúng ta. Khi ngụp lặn trong giếng tình yêu của Chúa, chính chúng ta sẽ được biến đổi và có thể tuyên xưng như thánh Phê-rô: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay!” (Mt 17,4).
5. Thiết Lập Bí Tích Thánh Thể
Vào ngày đó, Chúa chúng ta nhớ rằng Người là một người Cha và Người đã muốn thực hiện ước muốn của mình; Người đã bằng lòng chịu chết. Đây quả là một hành động rất trọng đại trong một gia đình! Vì thế phải nên nói rằng đó là một hành động cuối cùng của một đời người, một hành động vượt lên cả sự chết. Người cha trao ban những gì ông có. Ông không thể trao ban chính mình ông vì ông không thuộc về chính mình. Ông trối lại một điều gì đó cho mỗi người con và những người thân cận của ông. Ông sẽ trao tặng những gì mà ông cho là quý giá nhất. Nhưng Chúa chúng ta đã trao ban chính thân mình Người!
Chúa đã trở nên tấm bánh; Mình, Máu, Linh Hồn và Thần Tính của Chúa đã thay thế cho bản thể bánh được dâng tiến trên bàn thờ. Chúng ta không nhìn thấy Chúa, nhưng chúng ta rước lấy Người. Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, chính là gia tài của chúng ta. Người muốn trao ban chính Người cho hết thảy mọi người, nhưng không phải ai ai cũng chấp nhận Người. Có nhiều người muốn đón nhận Chúa nhưng sẽ không tuân hành những đòi hỏi của một đời sống tốt lành và thanh khiết mà Chúa đã đặt ra; và chính sự gian ác của họ đã khiến cho di sản của Thiên Chúa trở nên vô hiệu và rỗng không.[32]
Các Con Là Của Thầy
Mầu nhiệm Chúa thiết lập Bí Tích Thánh Thể dạy chúng ta về phẩm giá làm con Thiên Chúa. Trong Thánh Thể, Chúa Giê-su đã để lại cho chúng ta cả giao ước mới lẫn di chúc mới bằng Máu Chúa. Nhờ Giao Ước Mới bằng Máu Đức Ki-tô, Người đã phục hồi mối tương quan của chúng ta với Chúa Cha, và nhờ ý muốn và di chúc cuối cùng của Chúa, chúng ta nhận được tặng ân hoàn hảo là chính Chúa trong Thánh Thể. Chỉ khi đón nhận tặng ân này và bước vào trong mối tương quan liên ngôi vị với Thiên Chúa, chúng ta mới có thể vượt lên mối tương quan huyết thống trần thế và được biến đổi trong mối tương quan với Cha trên trời.
“Chúa chúng ta đã nhớ rằng Người là một người Cha.” Những lời này của thánh Ê-ma mời gọi chúng ta nhận biết Chúa Giê-su trong một ánh sáng mới. Trong Thánh Thể, chúng ta có Thiên Chúa, có Chúa, có bạn bè, có anh em, có thầy cô và có bạn đời, nhưng chưa có cha, đúng không? Chúa Giê-su trả lời: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người.” (Ga 14,7). Chúa Giê-su ban mọi ân sủng trong Thánh Thể; Người thông truyền cho chúng ta Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, cả hai Ngôi vốn hằng cư ngụ trong Người. Chúng ta được mời gọi đi vào trong mối tương quan thánh thiêng này, trong ánh mắt yêu thương của Chúa Cha và Chúa Con, và trong sự ấp ủ thương yêu của Chúa Thánh Thần. “Phẩm giá con người trổi vượt tất cả là hệ tại ở việc họ được mời gọi hiệp thông với Thiên Chúa” (SGLCG, 27).
“Ta sẽ là cha các ngươi, và các ngươi sẽ là con trai và con gái của Ta” (2 Cr 6,18). Đây cũng là điều Thiên Chúa nói với chúng ta trong Thánh Thể. Người hoàn toàn trao ban chính Người cho chúng ta, và muốn chúng ta cũng hãy trao lại hoàn toàn chính bản thân chúng ta cho Người. Trong suốt Bữa Ăn Sau Cùng, Chúa Giê-su đã cầu nguyện rằng: “để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17,21). Đây là ý muốn của Chúa cho chúng ta. Người muốn chữa lành những vết thương trong các mối tương quan trần thế của ta, và phục hồi phẩm giá làm con Thiên Chúa nơi chúng ta. Khi chúng ta tiếp rước Chúa Giê-su trong Bí Tích Cực Thánh và để Chúa nói với tâm hồn mình, chúng ta có thể nghe biết sự thật về chúng ta là ai. “Ta đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta!” (Is 43,1).
[1] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 291.
[2] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 6.
[3] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 6
[4] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 13.
[5] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 102.
[6] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 102.
[7] Baltmore, Sách Giáo Lý Cộng Giáo – quyển 1, 49.
[8] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 13.
[9] Ê-ma, Sự HIện Diện Thật, 38.
[10] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 38.
[11] Ê-ma, Đức Mẹ Thánh Thể, 59.
[12] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 262
[13] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 262
[14] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 237.
[15] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 132.
[16] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 137.
[17] Ê-ma, Đức Mẹ Thánh Thể, 72.
[18] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 61.
[19] Ê-ma, Đức Mẹ Thánh Thể, 72.
[20] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 102.
[21] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 191.
[22] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 315.
[23] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 319.
[24] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 143.
[25] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 301.
[26] Êima, Sự hiện Diện Thật, 301.
[27] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 138.
[28] Sđd., 179.
[29] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 138.
[30] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 139.
[31] Ê-ma, Sư Hiện Diện Thật, 293.
[32] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 32.