1. NHỮNG NGUYÊN TẮC ĐIỀU HÀNH
62. Thi hành quyền bính
Việc điều hành tại các cấp độ khác nhau
được các thẩm quyền thích hợp sau đây đảm nhận:
Các tu nghị, các Bề Trên
cùng với các Hội Đồng của các Ngài.
Việc điều hành,
khi được thực hiện trong tinh thần phục vụ
và tinh thần tập thể, sẽ hỗ trợ các các tu sĩ
trong việc tìm kiếm Thiên Chúa,
và sẽ bảo đảm cho sự hiệp nhất của họ
khi thi hành sứ vụ.
Trong các tu nghị, quyền bính hoàn toàn
thuộc về tập thể.
Trong các hội đồng cố vấn,
quyền bính được các Bề Trên hành xử,
khi các vị đưa ra những quyết định
trong sự thống nhất với ban cố vấn của mình.
Luật chung và luật riêng xác định
những trường hợp cụ thể nào
phiếu của ban cố vấn có tính cách tham khảo,
trường hợp nào có tính cách biểu quyết
hay trường hợp nào
có tính cách hoàn toàn tập thể.
Các Bề Trên ở các cấp độ,
có quyền riêng của mình trên các nhân sự
và tài sản vật chất thuộc quyền.
63. Vai trò của quyền bính
Các Bề Trên chú tâm tới ý định của Thiên Chúa
được tỏ bày qua các biến cố,
được giải thích dưới ánh sáng Tin Mừng
và theo tinh thần của Dòng.
Nhờ biết phân định,
Bề Trên sẽ giúp anh em mình cùng nhau làm việc,
để thi hành kế hoạch của Thiên Chúa.
Các vị củng cố lòng tin của anh em
nhất là khi anh em gặp thử thách.
Đầu nhiệm khoá,
các Bề Trên phải tuyên xưng đức tin [GL 833]
64. Phân quyền
Theo đúng nguyên tắc bổ trợ,
việc điều hành được thực hiện
qua việc phân quyền chính đáng:
Mỗi tu sĩ, mỗi cộng đoàn, và mỗi cấp quản trị
đều có đầy đủ trách nhiệm trong thẩm quyền của mình,
đưa ra những quyết định
được coi là cần thiết để chu toàn nhiệm vụ.
65. Đồng trách nhiệm
và tham gia quyết định
Tinh thần đồng trách nhiệm
được thể hiện qua việc đối thoại huynh đệ,
và việc dự phần vào tiến trình hình thành
những quyết định, khi những quyết định đó
liên quan đến đời sống và sự dấn thân của cộng đoàn,
dù thuộc cấp độ nhà, Tỉnh hay tổng quyền.
Như vậy, mọi người sẽ tự cảm thấy
phải dấn thân và nhận phần trách nhiệm của mình
trong cộng đoàn và trách nhiệm đối với Bề Trên.
Trong trường hợp cần thiết,
các Bề Trên sẽ sử dụng quyền bính của mình
để đưa ra quyết định tối hậu.
Tất cả tu sĩ khấn trọn
đều có quyền bầu cử và ứng cử
khi chọn đại biểu tham dự các tu nghị,
hay khi chọn người vào bất cứ chức vụ nào,
ngoại trừ trường hợp cần phải có chức linh mục
hay có những điều kiện khác mới được ứng cử.
66. Thông tin liên lạc
Việc phân quyền, trong quản trị
và sự đa dạng của các giáo hội địa phương,
đòi hỏi phải có thông tin liên lạc chính xác
và đều đặn giữa các tu sĩ với nhau
và trên mọi cấp độ quản trị,
để bảo đảm được một sự điều phối hữu hiệu.
Để được như thế, các Tỉnh dòng
nên thiết lập một hệ thống thông tin
giữa các cộng đoàn địa phương.
Với ban quản trị trung ương ở cấp tổng quyền,
văn phòng thường trực sẽ phổ biến đi khắp nơi
trong Dòng một lượng thông tin rộng rãi
để các Tỉnh dòng hiểu nhau hơn và giúp đỡ nhau.
2. BAN ĐIỀU HÀNH TRUNG ƯƠNG
67. Mối dây hiệp nhất
Ban Quản Trị Tổng Quyền
là mối dây hiệp nhất tối cao của toàn dòng,
cả trên bình diện tinh thần lẫn sứ vụ của dòng
trong Hội Thánh toàn cầu.
TỔNG TU NGHỊ
68. Bản chất và mục đích
Tổng Tu Nghị, quyền bính tối cao của dòng,
là đại hội tham luận, đại diện cho toàn thể
tu sĩ trong dòng.
Tổng Tu Nghị nhằm mục đích cổ võ sự hiệp nhất
trong dòng, canh tân dòng trong sự trung thành
với sứ vụ của dòng, và đề ra một dự án
nhằm đáp ứng những đòi hỏi
của Hội Thánh và của thế giới.
69. Thời gian định kỳ và việc triệu tập
Tổng Tu Nghị thường lệ
họp sáu [6] năm một lần,
do Bề Trên Tổng Quyền triệu tập
theo các qui tắc trong Qui Chế Chung,
và trong sách hướng dẫn dành cho các tu nghị.
Khi có lý do hệ trọng
và khi Hội Đồng Tổng Quyền đồng ý,
Bề Trên Tổng Quyền cũng có thể
triệu tập một Tổng Tu Nghị bất thường.
70. Thành phần
1. Tổng Tu Nghị gồm những thành viên
do quyền và các thành viên do bầu cử.
a. Do quyền:
Bề Trên Tổng Quyền;
vị tiền nhiệm của Bề Trên Tổng Quyền
mới mãn nhiệm trong Tổng Tu Nghị thường lệ vừa qua,
tất cả các Cố Vấn Tổng Quyền và vị Tổng Quản Lý,
vừa mãn nhiệm hay mới được bầu,
các Bề Trên Tỉnh và Bề Trên Miền.
b. Do bầu cử:
một đại diện của mỗi Tỉnh
(hay người thay thế);
một đại biểu của mỗi Miền,
có ít nhất ba mươi [30] thành viên
(không kể tập sinh),
một đại biểu bổ sung của mỗi Tỉnh,
có trên một trăm [100] thành viên
(không kể tập sinh).
2. Để bảo đảm cho các tu huynh
và sinh viên học viện, cho một số khu vực địa lý,
hay cho các nhà ở vào những nơi cách biệt,
được có người đại diện theo đúng quyền lợi chính đáng,
Ban Cố Vấn Tổng Quyền
có thể chỉ định thêm một số đại biểu bổ sung,
như Qui Chế Chung đã qui định.
71. Thẩm quyền.
Trên bình diện lập pháp và hành pháp,
Tổng Tu Nghị có thẩm quyền
đối với tất cả những gì liên quan đến đời sống
và sứ vụ của Dòng.
Đặc biệt, theo qui định của Qui Chế Chung,
Tổng Tu Nghị có quyền:
1). Đánh giá tình hình của dòng,
đưa ra những qui tắc, những định hướng
để nâng cao đời sống tu trì
và hoạt động tông đồ
dựa theo tinh thần của Đấng Sáng Lập
và chiếu theo các nhu cầu của Hội Thánh.
2). Bầu Bề Trên Tổng Quyền,
Các Cố Vấn Tổng Quyền, và Tổng Quản Lý.
3). Thông thường để thiết lập,
thay đổi, sát nhập hay bãi bỏ các Tỉnh dòng.
4). Những sửa đổi này cần phải đạt
hai phần ba [2/3] đa số phiếu thuận,
và phải được trình Toà Thánh phê chuẩn.
Một khi đã được phê chuẩn,
những sửa đổi này
bắt đầu có hiệu lực “để thử nghiệm”
từ khi ban hành.
5). Xác định việc áp dụng thực hành Luật Sống,
còn việc giải thích chính thức vẫn luôn thuộc
về Toà Thánh.
6). Theo đa số tuyệt đối,
lập những điều khoản mới cho Qui Chế Chung,
hay sửa đổi những điều khoản hiện có.
7). Giải quyết mọi vấn nạn liên quan đến đời sống
và sứ vụ của Hội Dòng thuộc thẩm quyền của Tổng Tu Nghị,
chiếu theo luật chung và luật riêng của Hội Dòng.
Để đạt được điều này,
Tổng Tu Nghị có thể đưa ra những quyết định ràng buộc tất cả.
HỘI ĐỒNG TỔNG QUYỀN
72. Thành phần và nhiệm vụ
Hội Đồng Tổng Quyền,
không kể vị chủ tịch là Bề Trên Tổng Quyền,
còn gồm ít nhất là bốn thành viên nữa.
Đây là cơ quan thường quyền và thường trực
có nhiệm vụ trợ giúp Bề Trên Tổng Quyền
và góp phần với Bề Trên Tổng Quyền
trong việc quản trị toàn Dòng.
Hội Đồng Tổng Quyền phục vụ
cho sứ vụ của Dòng trong Hội Thánh.
Hội Đồng Tổng Quyền cộng tác
với những cơ quan khác trong Dòng
giúp cho Dòng luôn luôn ở trong tư thế đổi mới và thích nghi.
Trong công tác làm sinh động này,
Hội Đồng Tổng Quyền luôn theo những định hướng
và những quyết định của Tổng Tu Nghị.
73. Bề Trên Tổng Quyền – bầu cử
Bề Trên Tổng Quyền
là người có thẩm quyền cao nhất trong Dòng,
sau thẩm quyền của Tổng Tu Nghị
và là chủ tịch của Hội Đồng Tổng Quyền.
1). Bề Trên Tổng Quyền
do Tổng Tu Nghị bầu ra,
nhiệm kỳ sáu [6] năm,
và khi mãn nhiệm, có thể tái cử một lần.
Bề Trên Tổng Quyền phải là linh mục,
ít nhất ba mươi năm [35] tuổi
và đã mười [10] năm khấn trọn.
2). Việc bầu phải đạt đa số phiếu tuyệt đối
mới đắc cử, theo thể thức bầu ba [3] vòng,
Sau vòng một và vòng hai,
vị nào nhận được đa số phiếu tuyệt đối được xem là đặc cử,
hoặc trong trường hợp theo sự thỉnh cầu được Tòa Thánh chuẩn nhận,
ai đạt được hai phần ba số phiếu.( được xem là đặc cử).
Sau cả hai vòng phiếu đầu,( mà chưa có người trúng cử)
những ứng viên duy nhất được nhắm đến là
hai ứng viên đạt được số phiếu cao nhất của vòng thứ hai
hoặc nếu có vài ba người (cùng có số phiếu ngang nhau)
thì chọn hai người có năm khấn lâu nhất,
và tính theo thời hiệu kể từ ngày khấn lần đầu của mỗi người.
Vào vòng bầu thứ ba, nếu vẫn ngang phiếu,
người khấn dòng trước được coi là đắc cử,
Nếu cả hai khấn lần đầu trong cùng một ngày,
người nhiều tuổi hơn sẽ được tuyên bố đắc cử.
3). Nếu còn đang trong nhiệm kỳ
mà Bề Trên Tổng Quyền khuyết vị,
Hội Đồng Tổng Quyền Mở Rộng
sẽ chọn người kế nhiệm
cho đến hết nhiệm kỳ.
Nếu nhiệm kỳ này
chỉ còn không đầy hai [2] năm,
Phó Bề Trên Tổng Quyền
sẽ đảm nhiệm hết thời gian ấy.
74. Bề Trên Tổng Quyền – quyền hạn
Theo luật, Bề Trên Tổng Quyền có quyền
đối với tất cả các Tỉnh, các Miền,
các nhà và đối với mọi phần tử của Dòng.
1). Theo đúng các qui tắc của Luật Sống,
Bề Trên Tổng Quyền thi hành quyền bính
nhằm phục vụ cho mối hiệp nhất trong Dòng,
và cho sứ vụ của Dòng trên thế giới.
2). Bề Trên Tổng Quyền
liên kết chặt chẽ với Hội Đồng của Ngài,
làm cho cuộc sống và sứ vụ của toàn Dòng
được sinh động và hoà điệu với nhau,
chẳng hạn bằng cách đi thăm các Tỉnh dòng
hay gặp gỡ cá nhân với anh em tu sĩ.
3). Bề Trên Tổng Quyền
là đại diện thường trực và chính thức của Dòng,
đối với các thẩm quyền cao nhất
trong Hội Thánh và với các tổ chức quốc tế.
Nhiệm vụ đại diện này, ngài có thể uỷ nhiệm
cho một trong các Cố Vấn của ngài.
Bổn phận của Bề Trên Tổng Quyền
được xác định rõ hơn trong bản Qui Chế Chung.
75. Các thành viên Hội Đồng Tổng Quyền
Các thành viên Hội Đồng Tổng Quyền
do Tổng Tu Nghị bầu ra
theo thể thức được ấn định
trong Qui Chế Chung về việc bầu cử
trong Tổng Tu Nghị.
Nhiệm kỳ của các ngài là sáu [6] năm
và có thể được tái cử.
Các thành viên Hội Đồng Tổng Quyền
phải ít nhất ba mươi [30] tuổi
và khấn trọn được năm [5] năm.
Các thành viên Hội Đồng Tổng Quyền
cũng giữ vai trò điều phối
và sinh động hoá trong Dòng.
Nếu một thành viên không thể hoàn tất
nhiệm kỳ của mình,
thường vụ Hội Đồng Tổng Quyền
sẽ chọn người thay thế,
sau khi tham khảo ý kiến của các thành viên
trong Hội Đồng Tổng Quyền mở rộng.
76. Phó Bề Trên Tổng Quyền
Phó Bề Trên Tổng Quyền
được Bề Trên Tổng Quyền
chọn trong số các Cố Vấn Tổng Quyền đã được bầu.
Ngoài những phẩm chất
mà các thành viên Hội Đồng Tổng Quyền phải có,
Phó Bề Trên Tổng Quyền phải là linh mục.
Phó Bề Trên Tổng Quyền
thay thế Bề Trên Tổng Quyền
khi vị này vắng mặt hay bị ngăn trở.
Trong trường hợp đó, Phó Bề Trên Tổng Quyền
có quyền như Bề Trên Tổng Quyền.
77. Những cộng sự viên khác của Bề Trên Tổng Quyền
Ngoài các thành viên Hội Đồng Tổng Quyền,
còn có những tu sĩ khác cộng tác thường xuyên
với Bề Trên Tổng Quyền trong việc quản trị Dòng.
1. Đại Diện Tổng Quyền bên cạnh Toà Thánh
được Bề Trên Tổng Quyền bổ nhiệm sau khi
đã tham khảo với Bề Trên Tỉnh liên hệ
và được Hội Đồng Tổng Quyền đồng thuận.
Vị này xử lý các công việc điều hành thông thường
bên cạnh Toà Thánh theo đúng chỉ đạo
của Hội Đồng Tổng Quyền.
Ngài có thể được chọn trong số các
Cố Vấn Tổng Quyền.
2. Tổng Quản Lý được Tổng Tu Nghị bầu ra
theo thể thức như khi bầu cử
các Cố Vấn Tổng Quyền.
Tổng Quản Lý quản trị tài sản của Dòng,
dưới quyền điều khiển của Bề Trên
và Hội Đồng của Ngài,
theo luật chung và luật riêng của Dòng.
Tổng Quản Lý có thể được chọn
trong số các Cố Vấn Tổng Quyền,
nhưng không thể là Phó Bề Trên Tổng Quyền.
3. Nếu một trong hai vị trên đây
không thể hoàn tất nhiệm kỳ của mình,
Hội Đồng Tổng Quyền thường trực
sẽ bầu một người kế nhiệm,
sau khi tham khảo ý kiến các thành viên
Hội Đồng Tổng Quyền mở rộng.
HỘI ĐỒNG TỔNG QUYỀN MỞ RỘNG
78. Hội Đồng Tổng Quyền mở rộng
Hội Đồng Tổng Quyền mở rộng
là một cơ quan điều hành ngoại thường.
Nhiệm vụ chính của Hội Đồng Tổng Quyền mở rộng này
là bảo đảm sự hợp tác hữu hiệu giữa các Tỉnh dòng
với cơ quan điều hành trung ương,
nhờ việc thông tin chính xác về tình hình chung,
và về những vấn đề riêng của các Tỉnh dòng.
Hội Đồng Tổng Quyền mở rộng gồm có:
Bề Trên Tổng Quyền
và Hội Đồng Tổng Quyền,
và Tổng Quản Lý,
các Bề Trên Tỉnh và Bề Trên Miền.
Nếu một Bề Trên Tỉnh
hay Bề Trên Miền bị ngăn trở, vị phó sẽ thay thế.
Thể thức triệu tập và thẩm quyền
của Hội Đồng Tổng Quyền mở rộng
được qui định trong bản Qui Chế Chung.
3. TỈNH DÒNG
79. Tỉnh dòng
Tỉnh dòng là một đơn vị
trong cơ cấu tổ chức của dòng.
Tỉnh dòng được lập bởi toàn bộ các nhà,
có tu sĩ thi hành sứ vụ
trong một địa hạt được ấn định,
và trong sự liên kết với Giáo Hội địa phương.
Tỉnh dòng có những phương tiện
và cơ cấu cần thiết để thi hành sứ vụ,
được hưởng quyền tự trị xứng hợp,
để có thể cộng tác vào
việc xây dựng Nhiệm Thể Chúa Ki-tô
tại nơi Tỉnh dòng được thiết lập.
Tỉnh dòng tạo lập những mối liên kết cá nhân
giữa các thành viên của mình,
hiệp nhất họ lại để cùng chia sẻ những thao thức chung
và cùng thực hiện những mục tiêu chung.
Mọi Tỉnh dòng đều sống hiệp thông
với toàn dòng đặc biệt là
qua trung gian ban điều hành trung ương.
TU NGHỊ TỈNH
80. Triệu tập.
Tu Nghị Tỉnh
là quyền bính cao nhất của Tỉnh dòng.
Tu Nghị Tỉnh được tổ chức để nghiên cứu
tình hình chung, và cập nhật hoá dự án của Tỉnh
cho phù hợp những hoàn cảnh mới.
Theo các qui tắc của Qui Chế Chung
và Qui Chế Tỉnh.
Tu Nghị Tỉnh thường lệ
được Bề Trên Tỉnh triệu tập định kỳ.
Tu Nghị Tỉnh gồm có các thành viên do quyền
và những thành viên do bầu.
Khi có những lý do hệ trọng,
Bề Trên Tỉnh có thể triệu tập một Tu Nghị Tỉnh ngoại thường,
nếu được Hội Đồng của Ngài đồng ý
và được Bề Trên Tổng Quyền chuẩn nhận.
81. Thành phần
Tu Nghị Tỉnh gồm các thành viên do quyền
và các thành viên do bầu cử:
a. Do quyền:
Bề Trên Tỉnh và các Bề Trên Miền,
các vị vừa mãn nhiệm cũng như mới đắc cử,
các Cố Vấn Tỉnh và Quản Lý Tỉnh,
các vị vừa mãn nhiệm cũng như mới đắc cử.
Qui chế Tỉnh có thể ấn định thêm những thành phần
tham dự Tu Nghị Tỉnh do quyền.
b. Do bầu cử :
Các đại biểu được chọn
theo những tiêu chuẩn Tỉnh dòng đã ấn định.
Số đại biểu được bầu ít nhất phải ngang với
số thành viên tu nghị do quyền.
82. Thẩm quyền
Tu Nghị Tỉnh có thẩm quyền
1. Bầu Bề Trên Tỉnh trong danh sách ghi
tên ba [3] người. Ba người này
được Bề Trên Tổng Quyền giới thiệu,
sau khi đã tham khảo ý kiến trong Tỉnh dòng
một cách thích đáng.
2. Bầu các Cố Vấn Tỉnh,
Quản Lý Tỉnh cũng như các đại biểu
sẽ tham dự Tổng Tu Nghị
và những người thay thế họ.
Phải theo đúng thủ tục được xác định
trong luật riêng của chúng ta
về các cuộc bầu cử tại tu nghị.
3. Thỉnh cầu Hội Đồng Tổng Quyền
cho thiết lập một Miền.
4. Soạn thảo và duyệt lại qui chế Tỉnh
và qui chế Miền với sự chuẩn nhận
của Hội Đồng Tổng Quyền.
5. Chiếu theo nguyên tắc bổ trợ,
6. Xử lý bất cứ vấn đề nào
không tuỳ thuộc vào ban điều hành trung ương.
HỘI ĐỒNG TỈNH
83. Thành phần và nhiệm vụ
Ngoài Bề Trên Tỉnh là người đứng đầu,
Hội Đồng Tỉnh thường trực còn bao gồm các thành viên khác.
Hội Đồng Tỉnh là cơ quan thường trực
hỗ trợ cho Bề Trên Tỉnh và cùng tham gia với Ngài
trong việc điều hành Tỉnh dòng,
liên đới với Ban Điều Hành Trung Ương.
Hội Đồng Tỉnh thi hành chức năng tương tự
như chức năng của Hội Đồng Tổng Quyền ,
và sử dụng các quyền tương ứng
trong cấp độ của mình.
84. Bề Trên Tỉnh
Bề Trên Tỉnh có quyền trên toàn Tỉnh dòng
và đứng đầu Hội Đồng Tỉnh.
Hiệp thông với các thành viên khác
của Hội Đồng, Bề Trên Tỉnh hành xử quyền bính
để sinh động hoá và điều phối cuộc sống cũng như hoạt động
của các cộng đoàn thuộc Tỉnh dòng.
Bề Trên Tỉnh được Tu Nghị Tỉnh bầu ra
theo đúng các qui tắc của Qui Chế Chung.
Bề Trên Tỉnh phải là linh mục,
khấn trọn đã tám [8] năm
và ít nhất ba mươi [30] tuổi.
Nhiệm kỳ của Bề Trên Tỉnh là bốn [4] năm
và có thể tái tục một [1] lần.
85. Các Cố Vấn Tỉnh
Số thành viên Hội Đồng Tỉnh
và thể lệ bầu cử đã được ấn định
trong Qui Chế Chung và Qui Chế Tỉnh.
Thành viên Hội Đồng Tỉnh
thi hành bổn phận được uỷ thác là:
cộng tác với Bề Trên Tỉnh,
và hằng lo lắng thể hiện tinh thần đồng trách nhiệm.
Thành viên Hội Đồng Tỉnh
có quyền bỏ phiếu tham khảo,
phiếu biểu quyết và đồng trách nhiệm,
chiếu luật chung và luật riêng của Dòng.
86. Phó Bề Trên Tỉnh
Phó Bề Trên Tỉnh phải là linh mục
và khấn trọn đã tám [8] năm.
Phó Bề Trên Tỉnh được chọn
trong số các Cố Vấn Tỉnh,
theo các điều khoản trong Qui Chế Tỉnh.
Phó Bề Trên Tỉnh thay quyền Bề Trên Tỉnh
khi Bề Trên Tỉnh vắng mặt hay bị ngăn trở.
Nếu Bề Trên Tỉnh khuyết vị,
phó Bề Trên Tỉnh sẽ kế nhiệm
cho tới Tu Nghị Tỉnh kế tiếp.
87. Quản lý Tỉnh
Quản lý Tỉnh được Tu Nghị Tỉnh bầu ra
theo thể thức như khi bầu các Cố Vấn Tỉnh.
Quản lý Tỉnh có thể được chọn
trong số Cố Vấn Tỉnh đã đắc cử,
nhưng không thể là Phó Bề Trên Tỉnh.
Quản lý Tỉnh quản trị tài sản của Tỉnh dòng
dưới quyền chỉ đạo của Bề Trên Tỉnh
và Cố Vấn của Ngài,
theo luật chung và luật riêng của Dòng.
HỘI ĐỒNG TỈNH MỞ RỘNG
88. Hội Đồng Tỉnh Mở Rộng
Hội Đồng Tỉnh Mở Rộng
là một cơ quan điều hành nhiệm ý,
bảo đảm cho việc điều hành
và linh hoạt hóa Tỉnh dòng
có được nhiều người đại diện hơn.
Đặc biệt cần nại tới Hội Đồng Tỉnh Mở Rộng
khi phải có những quyết định mà bình thường
thuộc trách nhiệm của Tu Nghị Tỉnh,
nhưng vì những lý do khẩn cấp,
phải đưa ra những quyết định đó
như là một biện pháp tạm thời
trước khi họp Tu Nghị Tỉnh.
Hội Đồng Tỉnh Mở Rộng gồm có Bề Trên Tỉnh,
các Cố Vấn Tỉnh, Quản Lý Tỉnh,
và một vài đại diện trong Tỉnh dòng,
nhất là những vị phụ trách các chức vụ
và các hoạt động khác nhau.
Tiêu chuẩn để chọn các đại diện Tỉnh dòng,
cũng như các thẩm quyền khác
của Hội Đồng Tỉnh Mở Rộng,
được ấn định trong Qui Chế Chung
và Qui chế của mỗi Tỉnh.
89. Các Ủy Ban thuộc Tỉnh
Tu Nghị Tỉnh và Hội Đồng Tỉnh
có thể thành lập những ủy ban nghiên cứu và linh hoạt.
Các Ủy Ban này
phục vụ cho việc điều hành Tỉnh dòng.
90. Mở rộng Tỉnh dòng
Những cộng đoàn mới cho thấy rõ
sức năng động tông đồ của một Tỉnh dòng.
Các cộng đoàn thành lập ở nước ngoài
là những hạt nhân của những Tỉnh dòng tương lai.
Các cộng đoàn này
phải có quyền tự trị cần thiết để phát triển.
Tỉnh dòng sẽ khích lệ và trợ giúp
các cộng đoàn ở vùng xa xôi hẻo lánh
hay đang gặp khó khăn.
MIỀN DÒNG
91. Bản chất
Miền bao gồm một số cộng đoàn,
được Tỉnh dòng dành cho một quyền tự trị nào đó.
Khi một nhóm các cộng đoàn
hợp thành một đơn vị có chung một nền văn hóa,
hay có chung những điểm khác,
nhưng chưa đủ nhân sự để hình thành một Tỉnh dòng,
thì có thể lập thành Miền Dòng
theo nguyên tắc hỗ trợ.
Trong khi nối kết với Tỉnh dòng gốc,
Miền vẫn hướng tới việc trở thành
một Tỉnh dòng tự trị.
Hội Đồng Tổng Quyền
có quyền theo pháp lý và năng quyền
để thiết lập một Miền dòng
và phê chuẩn bản Qui Chế Miền
dựa trên đề nghị của Tu Nghị Tỉnh.
92. Quyền hạn
Miền Dòng được Bề Trên Miền
và Hội Đồng của Ngài quản trị
và làm cho sinh động.
Chiếu theo Qui Chế Chung,
Bề Trên Tỉnh dành cho Miền
một phần quyền hạn rộng hay hẹp
trong số những quyền hạn
mà Tỉnh được hưởng.
Trong khi hành xử những quyền hạn này,
Bề Trên Miền vẫn tùy thuộc Bề Trên Tỉnh
và Hội Đồng của Ngài,
đặc biệt trong các vấn đề
liên quan đến nhận vào đời tu
hay cho chịu chức thánh.
CÁC VÙNG LIÊN TỈNH
93. Hội nghị liên Tỉnh
Khi một số Tỉnh dòng
trong cùng một vùng địa lý,
có những điều kiện sống tương tự
và khi có thể thực hiện được
sự hợp tác chặt chẽ,
thì một hội nghị liên Tỉnh,
gồm các Tỉnh và các Miền liên hệ
có thể được tổ chức,
với sự đồng ý của Bề Trên Tổng Quyền.
Qui chế của những hội nghị này
phải được Bề Trên Tổng Quyền
và Hội Đồng cua Ngài phê chuẩn.
Những qui chế đó sẽ xác định thẩm quyền,
thành phần tham dự
và thể thức tiến hành của hội nghị.
4. CỘNG ĐOÀN ĐỊA PHƯƠNG
94. Cộng đoàn nhà
Cộng đoàn nhà,
đơn vị căn bản của nhà Dòng,
qui tụ một số tu sĩ lại với nhau
để sống Tin Mừng theo sứ vụ của dòng,
trong phạm vi Hội Thánh địa phương.
Các nhu cầu của Tỉnh
và của các Giáo phận
đòi hỏi các cộng đoàn
phải có lối sống riêng đa dạng và lành mạnh.
Mỗi cộng đoàn, tùy theo mục tiêu của mình,
đảm nhận trọn vẹn các trách nhiệm của mình
và được hòa nhập vào Tỉnh dòng
một cách có tổ chức.
Các cộng đoàn của chúng ta
sống trong các tu viện
do Bề Trên Tổng Quyền,
với sự đồng thuận của Hội Đồng của Ngài,
thiết lập theo Giáo Luật.
Các các tu sĩ sống tại đó,
ngoại trừ những trường hợp
được cho phép chiếu theo luật.
Muốn giảng cho các tu sĩ
trong các nhà thờ
hay nhà nguyện của chúng ta
cần phải có phép của Bề Trên.
95. Bề Trên Nhà
Mỗi cộng đoàn nhà sẽ có một Bề Trên Nhà
được Bề Trên Tỉnh bổ nhiệm,
với sự đồng thuận của Hội Đồng của Ngài
sau khi đã tham khảo ý kiến cộng đoàn
một cách thích đáng,
chiếu theo những nguyên tắc
được ấn định trong luật chung
và luật riêng của Dòng.
Bề Trên Nhà phải là linh mục
và đã khấn trọn được ít là ba [3] năm.
Nhiệm kỳ của Bề Trên Nhà là bốn [4] năm,
có thể tái cử theo Qui Chế Chung.
Bề Trên Nhà thi hành quyền bính
để phục vụ anh em và cộng đoàn.
Bề Trên Nhà duy trì tình hiệp nhất trong cộng đoàn
bằng cách thực hiện dự án chung,
với sự cộng tác của mọi người.
Bề Trên Nhà luôn giữ tương quan huynh đệ
với từng người, và làm cho đời sống cộng đoàn
trong nhà được sinh động, sao cho nhà Dòng
trở thành một gia đình thực sự,
được tu họp nhân danh Chúa.
96. Hội Đồng Nhà
Để có thể bảo đảm cho việc linh hoạt hóa
và điều hành cộng đoàn nhà,
mỗi Bề Trên Nhà cần có một Hội Đồng.
Hội Đồng Nhà gồm Bề Trên,
Phó Bề Trên và một hay nhiều thành viên của cộng đoàn.
Mỗi cộng đoàn cần có một vị quản lý
để quản trị những tài sản của nhà,
và đáp ứng các nhu cầu vật chất
của cộng đoàn dưới quyền Bề Trên.
Vì vậy, phải cố gắng hết sức để vị quản lý này
không kiêm nhiệm chức vụ Bề Trên.
Phó Bề Trên và vị quản lý
được Bề Trên Tỉnh bổ nhiệm theo qui định
của Qui Chế Chung và Qui Chế Tỉnh.
97. Họp cộng đoàn
Các buổi họp cộng đoàn đều đặn
sẽ tạo điều kiện cho mọi người
tham dự vào cuộc sống và hoạt động của nhà.
Dưới sự hướng dẫn của Bề Trên,
những buổi họp này sẽ tạo cơ hội thuận tiện
cho cộng đoàn đạt tới thỏa thuận,
trong việc hoạch định dự án chung,
để cùng nhau thi hành và lượng giá dự án đó.
Dự án này cụ thể hóa dự án của Tỉnh,
bằng cách thích nghi dự án của Tỉnh
vào những hoàn cảnh riêng.
Dự án của nhà phải đệ trình lên Bề Trên Tỉnh
để được phê chuẩn.
5. QUẢN TRỊ TÀI SẢN
98. Nguyên tắc
Hội dòng, Tỉnh dòng, Miền dòng
và các nhà có quyền hợp pháp để thủ đắc,
sở hữu, quản trị và chuyển nhượng tài sản,
theo qui định của luật chung
và luật riêng của Dòng.
Các tài sản là của chung,
và mỗi người đều có phần trách nhiệm trong đó.
Tài sản nhằm phục vụ con người
và sứ vụ của chúng ta.
99. Quản trị
Quản trị tài sản vật chất
là một hành vi thuộc đức khó nghèo,
đồng thời cũng là một hành vi pháp lý.
Các vị quản trị phải lấy Tin Mừng và Luật Sống
làm tiêu chuẩn trên hết để xác định bản chất,
mục đích và công dụng của tài sản
và phải tuân theo những điều luật đã được ấn định,
cả trong Giáo Luật và dân luật.
Những điều khoản quản trị ngoại thường
phải tuân theo quyền bính của Hội Đồng Tỉnh
hay Hội Đồng Tổng Quyền,
tùy theo trường hợp đó thuộc thẩm quyền nào,
và trong những trường hợp Giáo Luật đã trù liệu,
còn phải được Tòa Thánh phê chuẩn.
6. RỜI BỎ DÒNG
100. Qui tắc phải theo
Trong các trường hợp sống ngoại vi,
xuất Dòng, cho hồi tục, nhận lại,
chuyển sang Dòng khác,
phải theo những qui định của luật chung.
Các Bề Trên cao cấp có thẩm quyền
theo luật sẽ lấy lòng kiên nhẫn, óc phân định
và tình bác ái mà xử sự như những mục tử
lo lắng cho anh em của mình.
Một tập sinh hay một tu sĩ đã khấn,
khi bỏ Dòng, không được đòi hỏi
bất cứ khoản bồi thường nào
cho những công việc mà người đó đã làm,
trong suốt thời gian còn ở trong nhà Dòng.
Chúng ta sẽ hỗ trợ tinh thần,
và tùy trường hợp, có thể cả vật chất nữa,
giúp người ấy hòa nhập lại vào cuộc sống.