IV. ĐỂ NHỚ ĐẾN THẦY

21. Thánh Lễ

Chúng ta đã được kêu gọi để sống
thành cộng đoàn Thánh Thể.

Nhờ ơn gọi và qua lối sống,
chúng ta tìm cách làm chứng rõ hơn nữa
về sức sống của Đức Ki-tô,
sức sống vẫn tuôn tràn nơi Bí Tích Thánh Thể.

Trong cuộc sống cá nhân
và cộng đoàn của chúng ta,
việc cử hành lễ tưởng niệm Chúa
luôn chiếm vị trí trung tâm.

Đây là khởi điểm cho chúng ta
bắt đầu am hiểu về Thánh Thể,
và cũng là nguồn khởi hứng
cho đời cầu nguyện và dấn thân của chúng ta.


1. QUANH BÀN TIỆC LỜI VÀ BÁNH

22. Lời Chúa

Mỗi ngày, nơi bàn tiệc Lời Chúa,
đức tin của cộng đoàn được nuôi dưỡng
và tình hiệp nhất trong cộng đoàn được đào sâu.

Việc cử hành trong phụng vụ
ban tặng một thời khắc đặc ưu cho những ai
tìm kiếm Chúa.
Lời đó sẽ thôi thúc chúng ta mỗi ngày
một cách khác nhau.

Khi chia sẻ Lời trong tình huynh đệ
và theo khả năng chúng ta đón nhận Lời,
Lời Chúa sẽ soi sáng cho chúng ta
và hòa nhập chúng ta vào mầu nhiệm Đức Ki-tô.



23. Phụng vụ các giờ kinh

Phụng vụ các giờ kinh
là lời ca ngợi của cả Hội Thánh.
Đặc biệt, Kinh Sáng và Kinh Chiều
là những giờ khắc quan trọng,
trong đời sống của các cộng đoàn chúng ta.

Việc cử hành các Giờ Kinh
tự nó vẫn mang tính cộng đoàn.
Đó là tiếng nói của Hội Thánh
dâng lời cầu nguyện lên Chúa Ki-tô
và nhờ Người mà cầu xin với Chúa Cha.


24. Cử hành Thánh Thể và lịch sử cứu độ

Cử hành Thánh Thể
là hân hoan công bố những kỳ công Thiên Chúa
đã thực hiện trong lịch sử chúng ta.

Ngày ngày,
nếu được thì trong cộng đoàn với nhau,
chúng ta tạ ơn vì Giao Ước Mới
mà Thiên Chúa đã ký kết
một lần thay cho tất cả
trong máu Con của Người.

Giao Ước ấy,
Người vẫn tái tục trong tình yêu luôn trung tín.
Như thế, đời sống huynh đệ sẽ được nâng đỡ
và cộng đoàn sẽ không ngừng được tái tạo.


25. Công trình cứu độ

Mỗi lần chúng ta cử hành lễ Tưởng Niệm
cuộc Vượt Qua của Đức Ki-tô là một lần chúng ta
tham gia vào công trình cứu độ chính chúng ta.

Nhờ được chia sẻ Mình và Máu Người,
chúng ta dần dần được dứt khỏi
thế lực của ác thần.

Chúa cho chúng ta thấy
tội lỗi nằm ngay trong tính ích kỷ,
tính thụ động hay đồng lõa với bất công
của chúng ta,
và Người vẫn lôi kéo chúng ta hướng đến
một cuộc sống mới.

Cũng trong việc cử hành đó,
chúng ta dâng lên Cha
cuộc đời riêng của chúng ta,
dâng lên niềm hy vọng, nỗi khổ đau của
những con người,
mà chúng ta đang đồng lao cộng khổ,
để xây dựng một xã hội
trên nền tảng công bình và tình thương.


26. Chiều kích cánh chung

Như vậy, Thần Khí của Đấng Phục Sinh
luôn tác động ngày càng trọn vẹn hơn
trên những ai tiếp đón Người.

Bằng cách gieo vào
thân xác hay hư nát của chúng ta
mầm sống Phục Sinh,
ngày qua ngày Thần Khí biến đổi chúng ta
trong tình yêu.

Thử thách, đau thương sẽ được đón nhận
trong mầu nhiệm chúng ta đang cử hành,
và chết là tham dự dứt khoát
vào mầu nhiệm ấy.

Tràn đầy hy vọng,
chúng ta tiến về thế giới mới.
nơi mà Thiên Chúa sẽ là tất cả.


27. Việc cử hành Thánh Thể và cuộc sống

Cử hành “Bữa ăn của Chúa” một cách đích thực
chính là dấn thân phục vụ tha nhân,
như Chúa Giê-su đã cho thấy
khi Người rửa chân cho môn đệ.

Như vậy, suốt cuộc đời chúng ta
trở thành những người thờ phượng
trong Thần Khí và sự thật,
những người mà Chúa Cha tìm kiếm.


2. TRONG BẦU KHÍ CẦU NGUYỆN THÂM SÂU

28. Cử hành Thánh Thể và cầu nguyện

Chúa Giê-su đã sống trọn cuộc sống,
và nhất là đã sống mầu nhiệm vượt qua của Người
trong bầu khí cầu nguyện thâm sâu.

Khi sắp lìa đời, Người đã để lại cho chúng ta
Lễ Tưởng Niệm việc Người dâng hiến chính mình
cho Chúa Cha và cho nhân loại.

Khi sống lại từ cõi chết,
Người gửi Thánh Thần của Người
đến với chúng ta
để chúng ta có thể sống sứ vụ của mình,
trong cùng một tinh thần mến yêu như Người.

Chúng ta đưa việc cử hành
cuộc Vượt Qua của Người
vào sâu trong nội tâm của chúng ta,
nhờ một lối cầu nguyện;
lối cầu nguyện này
khiến cho cuộc sống chúng ta
trở thành những thánh lễ nối dài.


29. Đáp lại Sự Hiện Diện

Bánh rượu đã thành Thánh Thể
vẫn không ngừng nhắc nhở chúng ta
về Bữa Tối của Chúa,
về lễ tạ ơn của Hội Thánh,
và về hy tế ngợi khen của toàn thể nhân loại.

Một cách độc đáo,
bánh rượu ấy cho chúng ta
thấy rõ Sự Hiện Diện của Đức Ki-tô,
Đấng đổ tràn sự sống của Người
vào trong chúng ta
khi trao ban cho chúng ta Thần Khí của Người.

Vì thế, trung thành với truyền thống
tiếp nhận được từ Đấng Sáng Lập,
chúng ta sẽ cầu nguyện
ít nhất mỗi ngày một giờ trước Thánh Thể.

Việc cầu nguyện này là một phần
trong sứ vụ của Dòng và chiếm vị thế ưu tiên
trong đời sống mỗi tu sĩ.


30. Trong sức năng động của Thánh Thể

Đáp lại Sự Hiện Diện của Đức Ki-tô
bằng lời cầu nguyện tôn thờ, ngợi khen và cảm tạ,
bằng ý hướng giao hòa và trung gian cầu khẩn,
nhân danh Giáo Hội và thay cho thế giới,
sẽ giúp chúng ta đi vào sức năng động của Thánh Thể.

Được khởi hứng từ cử hành Thánh Thể,
việc cầu nguyện của chúng ta
không bị giới hạn vào bất cứ hình thức nào.

Chúng ta sẽ giúp nhau
làm triển nở tặng ân quý báu này,
“Tặng ân do Chúa Thánh Thần phú ban
và nuôi dưỡng nơi tâm hồn khiêm tốn, đơn sơ .


31. Đặt Mình Thánh Chúa

Trong khi lôi kéo chúng ta
chú tâm đến các dấu chỉ của Bí Tích,
việc đặt Mình Thánh Chúa
gợi cho chúng ta nhớ đến
cuộc cử hành Lễ Tưởng Niệm Chúa.

Việc đặt Mình Thánh Chúa
mời gọi chúng ta nhìn nhận
và tôn thờ Sự Hiện Diện của Đức Ki-tô,
trong của lễ thân mình Người
bị nộp vì chúng ta,
và máu Người đổ ra vì Giao Ước Mới.

Như thế, việc đặt Mình Thánh
giúp chúng ta thông hiệp với Đức Ki-tô,
Đấng ban chính mình cho chúng ta,
như Bánh ban sự sống, như lương thực chia sẻ
cho cộng đoàn những người anh em.

Khi lo lắng đáp ứng các nhu cầu mục vụ
của Hội Thánh địa phương, chúng ta thực hành
và khuyến khích việc đặt Mình Thánh Chúa.

32. Giáo dân tham dự

Chúng ta mời gọi giáo dân cầu nguyện chung
với chúng ta, để cuộc sống của họ
được mầu nhiệm vượt qua soi chiếu và thấm nhập.

Chúng ta lo đẩy mạnh việc cầu nguyện cộng đồng.
Lối cầu nguyện này nói lên mối hiệp nhất
trong Hội Thánh, hoa trái của Thánh Thể.

Tùy hoàn cảnh mục vụ cho phép,
chúng ta khuyến khích việc cầu nguyện đêm
trong tinh thần thức Tỉnh đợi chờ Chúa đến.


3. NHÂN DANH GIÁO HỘI, PHỤC VỤ THẾ GIỚI

33. Được gợi hứng từ Đấng Sáng Lập

Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã thấy được
Thánh Thể thật là một sức mạnh mãnh liệt
canh tân Hội Thánh và xã hội.

Đời sống và hoạt động của Người,
với tư cách là Đấng Sáng Lập,
làm dậy lên trong chúng ta âm vang
về đức tin nồng nhiệt, và đức ái của Người.

Khả năng diễn đạt hồng ân Thánh Thể của Người
trong nhiều tác vụ rất khác nhau,
thúc đẩy chúng ta cứ sáng tạo thêm mãi,
trong sứ vụ của chúng ta.


34. Thánh Thể: nguồn phát sinh sứ vụ của chúng ta

Chúng ta cố gắng tìm hiểu
mọi thực tại về con người dưới ánh sáng
của Thánh Thể, cội nguồn và tột đỉnh
của sự sống Hội Thánh.

Chúng ta nhận ra trong nhiệm tích này
lời mời gọi chia sẻ sự sống và sứ vụ của Chúa,
và chúng ta dành ưu tiên cho những hoạt động nào,
diễn tả rõ nét nguồn mạch phong phú
và những đòi hỏi của Mầu nhiệm Thánh Thể,
trong mọi chiều kích của mầu nhiệm này.

Vậy nên, nhân danh Hội Thánh,
chúng ta liên kết cầu nguyện với hoạt động,
để cả thế giới được biến đổi toàn diện
thành dân Thiên Chúa,
tức là thành Thân Thể Đức Ki-tô
và đền thờ Chúa Thánh Thần.


35. Liên kết với Hội Thánh

Cho dù sứ vụ của chúng ta được trải rộng
khắp Hội Thánh, nó vẫn phải được thực hiện
trong khung cảnh mục vụ
của một giáo phận hay một Miền.

Chúng ta làm việc
trong sự liên kết chặt chẽ với các giám mục,
linh mục và giáo dân,
đồng thời cố gắng đem cuộc sống thiêng liêng
và sáng kiến tông đồ ra đóng góp
như một phần của riêng chúng ta.


36. Sứ vụ ngôn sứ

Như hạt cải không ngừng triển nở,
Hội Thánh cũng mỗi ngày mỗi hiểu biết thêm
về các thực tại
và những lời đã lưu chuyển đến mình.

Cũng vậy, chính chúng ta phải đào sâu
sự hiểu biết của mình về Thánh Thể
và cổ vũ cử hành nhiệm tích này
một cách hiệu quả
theo những đòi hỏi của nhiệm tích ấy.

Chúng ta hết lòng mong ước
chuyển đạt truyền thống và giáo huấn
của Hội Thánh về nhiệm tích này.

Chúng ta tìm cách phát triển mạnh hơn nữa
nền Thần Học và những thực hành
liên quan đến Thánh Thể.


37. Sứ vụ dấn thân cho xã hội

Chú tâm đến tiếng kêu của người nghèo
và nỗi khốn quẫn của họ,
chúng ta khám phá ra trong mọi tình cảnh bất công
lời mời của Đức Ki-tô kêu gọi chúng ta:
chia sẻ với Người sứ vụ loan Tin Mừng
cho những kẻ nghèo khó,
và công bố lệnh giải thoát,
cho những ai bị giam cầm.

Cộng đoàn nào cử hành Thánh Thể
cũng được kêu mời chống lại tội lỗi,
chống lại kết cấu của tội lỗi
và loan báo niềm hy vọng về một thế giới mới.

Trong khi liên đới với những ai
hoạt động cho sự thăng tiến thực sự
của con người, chúng ta phải cảnh giác
về những hậu quả xã hội
do những hoạt động của chúng ta.

Sứ điệp hàng đầu của các cộng đoàn chúng ta
chính là cuộc sống chứng tá của các cộng đoàn.


38. Sứ vụ hiệp nhất

Việc cử hành Thánh Thể của chúng ta,
dấu chỉ về Giao Ước
giữa Thiên Chúa với loài người,
vẫn chưa trọn vẹn
bao lâu những người đã chịu phép Rửa
như chúng ta,
còn chia rẽ nhau vì hận thù
hay còn xa cách nhau.

Việc cử hành Thánh Thể thôi thúc,
cổ võ sự hiệp nhất trong mọi hoạt động:
tại nội bộ các cộng đoàn Ki-tô hữu chúng ta,
giữa tất cả các Giáo hội cùng chia sẻ
một bí tích thánh tẩy,
và giữa những ai đang cùng hoạt động
cho thế giới được hiệp nhất.


39. Phục vụ Lời

Các môn đệ đi E-mau
đã gặp Đức Giê-su dọc đường,
và sau khi đã được Người giải thích
dưới ánh sáng Kinh Thánh
ý nghĩa của những điều các ông đã trải qua,
các ông mới nhận ra Người lúc Người bẻ bánh.

Cũng vậy, chúng ta đồng hành với những ai
đang tìm kiếm cho cuộc sống của mình
một ý nghĩa và giúp họ được Rửa tội và Thêm sức
trong đức tin, rồi được Thánh Thể cho gia nhập
trọn vẹn vào cộng đoàn Ki-tô hữu.

Chúng ta nhận rằng thừa tác vụ giảng Lời
rất quan trọng qua việc:
– Loan báo Tin Mừng,
– Dạy Giáo lý,
– Và giảng tĩnh tâm.



40. Phụng vụ

Chúng ta đặc biệt quan tâm đến
việc nghiên cứu phụng vụ và mục vụ tông đồ.

Chúng ta chăm lo cho phụng vụ
ngày một sinh động hơn
và chăm lo huấn luyện về phụng vụ,
bằng cách sử dụng những nguồn liệu
có được trong tầm tay.

Đồng thời,
theo sát các hướng dẫn của Hội Thánh,
chúng ta tìm những lối diễn tả thích hợp hơn
với nhu cầu của các tín hữu,
ngõ hầu mỗi buổi cử hành.
đều trở nên một cảm nghiệm đức tin,
và một nguồn hứng dấn thân.


41. Phục vụ giáo xứ và cộng đoàn

Chúng ta sẽ biến các giáo xứ của chúng ta
thành những cộng đoàn đích thực,
như đã được khuôn đúc bởi Thánh Thể,
nguồn mạch và trung tâm của đời sống.

Các cộng đoàn đó sẽ là nơi loan báo
và sống Tin Mừng, nơi cầu nguyện,
tôn thờ Thánh Thể và mừng lễ,
nơi chia sẻ và hiệp thông,
nơi con người được tự do và thăng tiến.

Cùng hiệp nhất với nhau,
các tu sĩ được chỉ định làm mục vụ giáo xứ
sẽ hợp tác đặc biệt
với những giáo dân dấn thân.

Dưới tác động của Chúa Thánh Thần,
Đấng không ngừng canh tân cuộc sống
của Hội Thánh,
các nhóm và các cộng đoàn được sinh ra,
lớn lên và đảm nhận trách nhiệm.

Chúng ta cộng tác vào việc thăng tiến
và phát triển các nhóm,
cũng như các cộng đoàn này.


42. Các trung tâm cầu nguyện, tĩnh tâm

Các cộng đoàn của chúng ta được kêu gọi
trở thành những trung tâm cầu nguyện
giúp con người
tiến bước trên hành trình của họ.

Tác vụ vừa nói
thích hợp đặc biệt với các nhà tĩnh tâm,
và nhà thờ tại trung tâm thành phố.

Các nhà thờ này,
nơi có đặt Mình Thánh Chúa để chầu,
là những ốc đảo tĩnh lặng
và bình an giữa lòng đô thị,
trở thành nơi đón tiếp và gặp gỡ,
nơi cầu nguyện và tôn thờ,
nơi hướng dẫn thiêng liêng
và ban Bí tích giao hòa.

Chú tâm đến những tâm thức của người thời đại,
chúng ta mong đáp ứng những chờ đợi
của con người hôm nay,
bằng những việc trình bày giáo lý cách thích hợp,
bằng việc khai tâm cầu nguyện,
và đánh thức tinh thần trách nhiệm nơi họ.


43. Chia sẻ lý tưởng của chúng ta

Theo bước Cha Eymard,
chúng ta mời gọi tất cả những ai
được Thánh Thần hướng dẫn đến với Thánh Thể,
dầu họ là linh mục hay giáo dân,
để họ liên kết với gia đình chúng ta
và chia sẻ sứ vụ của chúng ta.

Chúng ta đồng hành với họ
để họ được Thánh Thể linh hứng,
trong các quyết định dấn thân
và trọn cuộc sống của họ.



44. Phục vụ các Linh mục

Chúng ta nhìn nhận tầm quan trọng
của sứ vụ các linh mục.
Chúng ta tìm cách cùng các Ngài chia sẻ
đời sống đức tin,
đời sống cầu nguyện và tình thân hữu,
cũng như trao đổi với các Ngài những dự án,
và kinh nghiệm mục vụ của chúng ta.

Chúng ta dấn thân phục vụ các Ngài
bằng cách tiếp đón, bằng việc linh hoạt hóa
và các khóa huấn luyện,
như Cha Eymard đã nêu gương khích lệ chúng ta
trong việc này, khi Người nói:
“Vì các linh mục, tôi có thể bỏ tất cả”.


45. Báo chí và phương tiện truyền thông xã hội.

Các phương tiện truyền thông xã hội
đang biến đổi sâu sắc thế giới hôm nay,
và có thể trở thành
những nhân tố mạnh tạo nên hiệp nhất.

Việc xuất bản những tác phẩm viết,
liên quan đến tôn giáo và luân lý,
cần có phép của Bề Trên giám Tỉnh .

Chúng ta ý thức về tầm ảnh hưởng
của các phương tiện truyền thông,
và sẽ sử dụng các phương tiện này,
nhất là báo chí,
để Hội Thánh khắp nơi trở thành tấm bánh
bẻ ra cho một thế giới mới.