Bí tích Thánh Thể theo dòng lịch sử

Bí tích Thánh Thể theo dòng lịch sử:

Lược đồ các mốc thời gian

Nguyên tác: Vladimir Mauricio-Pere

Chuyển ngữ: Antôn Nguyễn Văn Nhân, sss

 

          Một cuộc khảo sát gần đây của Pew cho thấy rằng hai phần ba người Công giáo không tin Chúa Kitô hiện diện thực sự nơi Bí tích Thánh Thể, mà chỉ đơn thuần là một biểu tượng. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho việc huấn giáo tốt hơn, để không đinh ninh cho rằng mọi người đều biết được nền tảng của đức tin Công giáo.

Để chỉ ra tầm quan trọng của Bí tích Thánh Thể đối với đức tin Kitô giáo suốt dòng lịch sử, chúng tôi đã xây dựng một Lược đồ (Timeline) làm nổi bật một vài cột mốc quan trọng: dọn đường cho Bí tích Thánh Thể trong Cựu Ước, sự thiết lập trong Tân Ước, và việc thực hành và hiểu biết sâu sắc hơn trong các thế kỷ tiếp theo.

Lược đồ này có các từ khóa lặp đi lặp lại trong suốt Kinh thánh, chẳng hạn như, chiên, bánh, rượu, máu, hy tế, lễ vật, v.v. Tất cả các từ khóa này đều hợp nhất với Bí tích Thánh Thể, và chứng tỏ rằng Chúa Giêsu thực sự có ý nói bánh và rượu sẽ trở thành Mình, Máu, Linh hồn và Thần tính của Ngài.

Cựu Ước – Tiên báo

1. Cây Sự sống

Sau khi ăn trái cấm, A-đam và Ê-va không còn được ăn trái Cây Sự sống. Nhiều Giáo phụ đã coi Cây Sự sống như một hình ảnh tiên trưng của Cây Thập giá, và hoa trái của Cây Sự sống như một biểu tượng của Bí tích Thánh Thể, Thân Mình Chúa Kitô, được treo trên Thánh giá. Sách Khải huyền nói rằng Thiên Chúa sẽ ban cho con người ăn quả từ cây Sự sống (Kh 2, 7). Thánh Pseudo- Hippolytus viết vào khoảng thế kỷ thứ 4, “Vì thay cho cây cũ, [Đức Kitô] trồng một cây mới… Đối với tôi, thập giá là cây cứu rỗi đời đời; từ nó mà tôi nuôi dưỡng chính mình, từ nó mà tôi nuôi sống bản thân” (Pasch, L-LI). Cũng vậy, thánh Augustinô nói, “Chúng ta cũng được nuôi dưỡng từ Thập giá Chúa. khi chúng ta ăn thân mình Ngài” (Tv 100: 9).

2. Men-ki-sê-đê

“Ông Men-ki-xê-đê, vua thành Salem, mang bánh và rượu ra; ông là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao. Và ông chúc phúc cho ông Áp-ram.” (St 14,18-19). Ông được coi là tiên báo cho chức tư tế của Đấng Kitô, cũng dâng bánh và rượu: “[Men- ki-xê-đê] Ông không có cha, không có mẹ, không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Như thế là ông giống Con Thiên Chúa: mãi mãi ông vẫn là tư tế.” (Hr 7,3). Thánh Jerome đã viết vào thế kỷ thứ 5, “Giống như Men-ki-xê-đê đã làm, vị tư tế của Đấng Tối Cao, khi dâng bánh và rượu trong sự tiên niệm đến Ngài, thì Đấng Kitô cũng sẽ hiện diện thực thực trong Mình và Máu của Ngài” (Chú giải Tin Mừng Mát-thêu, IV).

3. I-sa-ac

Thiên Chúa thử lòng Áp-ra-ham bằng cách kêu ông sát tế “con một yếu dấu của mình là Issac” (St 22,2s). Issac hỏi cha tại sao chỉ có lửa mà không có chiên để làm toàn thiêu. Áp-ra-ham đáp: “Chính Thiên Chúa sẽ liệu chiên làm lễ toàn thiêu.” Đức Giê su là “Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,29) chịu hiến tế cho nhân loại, và Ngài cũng chính là “Con Một yêu dấu của Chúa Cha” (Ga 1, 18).

 

4. Chiên Vượt Qua

Để giải thoát dân Israel khỏi đất Ai Cập, Thiên Chúa đã truyền cho Mô-sê nói

với dân Người: “Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực… chúng sẽ lấy máu chiên và bôi lên khung cửa. chúng sẽ ăn thịt chiên ngay đêm ấy” (Xh 12, 5-8). Thánh Phao-lô viết: “Vì Đức Kitô, Chiên Vượt Qua của chúng ta, đã chịu hiến tế” (1Cr 5,7). Chúa Giêsu được ví như Chiên Vượt Qua, và việc ăn thịt chiên được ví như ăn thân mình Chúa Giêsu, như Ngài đã nói: “Vì Mình Ta thực là của ăn, và Máu Ta thực là của uống” (Ga 6,55).

5. Bánh không men

Để chuẩn bị cho lễ Vượt qua, Thiên Chúa cũng truyền lệnh cho con người ăn bánh không men (Xh 12, 15), điều này có ý nghĩa biểu tượng cho sự vội vã khi chạy trốn khỏi Ai-Cập – họ không có thời gian để bột nở ra. Theo thánh Mát-thêu và thánh Mác-cô, Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể vào “ngày thứ nhất trong Tuần Bánh Không Men” (Mt 26, 17; Mc 14, 12). Trong Nghi lễ Latinh, Hội Thánh vẫn sử dụng bánh không men trong Thánh lễ, và nguồn gốc của truyền thống này được tìm thấy trong lễ Vượt qua.

6. Manna

Sau khi dân It-ra-en thoát khỏi Ai Cập, Thiên Chúa đã ban cho họ Manna, hay bánh từ trời, trong sa mạc: “Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn” (Xh 16, 4). Chúa Giêsu là sự viên mãn của Manna, như chính ngài đã nói: “Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết… Tôi là bánh hằng sống từ trời sống; ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 49-51).

7. Rảy Máu

Sau khi nhận được Luật từ Chúa, “ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói : ‘Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này.””, (Xh 24, 8). Chúa Giêsu sử dụng ngôn ngữ này và thiết lập một giao ước mới bằng mình và máu ngài với tư cách là hiến tế mới, trong Bữa Tiệc Ly: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (Lc 22, 20).

8. Bánh tiến

      Thiên Chúa truyền cho Mô-sê dựng Nhà Tạm và đặt Hòm Bia Giao ước vào trong, để ngài có thể “ngự ở giữa chúng” (Xh 25, 8). Tiếp đó, ngài phán với ông rằng: “Ngươi phải luôn luôn đặt Bánh tiến trên bàn trước nhan Ta” (Xh 25, 30). Về sau, Đa-vít đã ăn bánh này, thứ bánh mà tư tế A-khi-me-léc đã trao cho ông: “Bấy giờ tư tế cho [Đa-vit] bánh thánh hiến, vì ở đó không có bánh nào khác ngoài bánh tiến” (1Sm 21, 6). Chúa Giêsu ám chỉ tình tiết này và nói: “ “Các ông chưa đọc trong Sách sao ? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông đói bụng ? Ông vào nhà Thiên Chúa, và đã ăn bánh tiến… Tôi bảo thật ông, ở đây còn lớn hơn Đền Thờ nữa.” (Mt 12, 1-8). Chúa Giêsu, Đấng cao trọng hơn Đền Thờ, đã trở nên bánh tiến đích thực.

9. Lễ phẩm Todah

Todah tiếng Do Thái có nghĩa là “tạ ơn”. Hy lễ Todah là một loại tế phẩm cầu an do những người đã nhận được đặc huệ lớn từ Chúa dâng lên. Nó bao gồm những yếu tố là thịt, bánh, và rượu (Lv 7, 11-15; Ds 15, 8-10). Từ Eucharist (Thánh lễ) có nguồn gốc từ tiếng Hy lạp là eukharistia, cũng có nghĩa là “Tạ ơn”. Trong hy tế Thánh Thể, bánh và rượu trở nên mình và máu Chúa Giêsu. Nhiều học giả coi cả hy tế Todah lẫn hy tế Vượt qua như là hình bóng báo trước của Thánh lễ.

10. Người tôi tớ đau khổ

Isaia chương 53 là lời tiên báo mạnh mẽ về Đức Kitô trong Cựu ước. Nó nói về một người “chịu đau khổ”. “Nhưng ngài chịu thương tích vì lỗi phạm của chúng ta… như con cừu bị đem đi làm thịt… mặc dù ngài đã không làm gì tàn ác… Ngài đã tự biến mình thành lễ vật hiến tế vì tội lỗi”. Người tôi tớ được ví như con chiên, và như lễ vật hiến tế, và nhờ sự công chính của ngài mà “nhiều người sẽ nên công chính.” Cũng vậy, Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”, như thánh Gioan nói, Ngài là Đấng công chính, và “là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta” (1Ga 2,2).

 

Tân ước – Thiết lập

1. Bê-lem

Các Bài Suy Niệm Lễ Chúa Giáng Sinh – Năm B (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày) – Giáo phận Hà TĩnhChúa Giêsu sinh ra tại Bê-lem, tiếng Do thái có nghĩa là Ngôi Nhà Bánh”.

 

 

2. Chiên Thiên Chúa

“Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1, 29). Thánh Gioan Tẩy Giả ám chỉ Chúa Giêsu bằng những lời này, dựa trên tầm quan trọng của con chiên trong Cựu ước. Chính trong cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu mà sự ám chỉ này trở nên ứng nghiệm, và cuối cùng, cách thức mà ngài chọn để ở cùng nhân loại “cho đến tận thế”, đó là nơi bí tích Thánh Thể. Vì lý do đó, linh mục sử dụng chính những lời ngày của thánh Gioan Tẩy giả trong Thánh lễ khi nâng bánh thánh lên: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian.”

3. Phép lạ hóa bánh ra nhiều

Chính Chúa Giêsu đã báo trước về Thánh Thể trước khi ngài thiết lập để chuẩn bị cho các môn đệ đón nhận nó.

Để nuôi sống năm ngàn người, ngài thực hiện bốn hành động giống như ngài sẽ làm trong Bữa Tiệc ly: “cầm lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá, ngước mắt lên trời, và chúc tụng, và bẻ ra, và trao tình yêu cho các môn đệ,” và cuối Bữa Tiệc ly, thánh Mát-thêu cũng viết, “Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và chúc tụng, và bẻ ra, và trao cho các môn đệ và nói, “Hãy cầm lấy mà ăn; này là mình Thầy” (26, 26).

 

4. Không chỉ là tượng trưng

Chính Chúa Giêsu đã nói rõ là ngài không dùng lối ẩn dụ khi nói rằng: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6,51). Khi người Do thái xem điều này là lố bịch theo nghĩa đen – “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được” (Ga 6, 52) – thì Chúa Giêsu lặp lại rằng ngài không nói một cách ẩn dụ: “Thật, thật, tôi bảo thật các ông, nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông chẳng có sự sống nơi mình… Vì thịt tôi thật là của ăn và máu tôi thật là của uống” (6, 53, 65). Và để dẹp bỏ sự hỗn loạn, Ngài nói tiếp những lời khác, “kẻ ăn thịt tôi sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (6, 57). Trong tiếng Hy lạp, “trogon” có nghĩa là “nhai” hoặc “gặm”, chứ không chỉ là “ăn”. Nhiều môn đệ không thể chấp nhận lời dạy rõ ràng này, “rút lui và không còn đi theo Người nữa” (6:60,66).

5. Kinh Lạy Cha

Trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, lời duy nhất nổi bật trong lời nguyện Kinh Lạy Cha: “Xin cho chúng con hôm nay lương thực (Hy lạp: epiousios) hằng ngày (Mt 6, 11). Epiousios không được sử dụng ở bất cứ chỗ nào khác trong Kinh Thánh, ngoại trừ ở Lc 11, 3, trong cùng lời kinh này. Bản dịch Tin mừng Mát-thêu sang tiếng Latinh của thánh Jerome theo sát nghĩa chữ hơn, và dịch từ này là “supersubstantial”. Supersubstantial có nghĩa là bên trên bản thể vật chất, hay vượt trên tất cả mọi thứ. Do đó, nhiều Giáo phụ đã hiểu lời cầu xin “our supersubstantial bread” là đề cập đến Thánh Thể.

6. Thiết lập Bí tích Thánh Thể

Vào Bữa Tiệc ly, diễn ra trong bối cảnh Lễ Vượt qua, Chúa Giêsu hội lại những biểu tượng đã nói ở trên và kết hợp chúng trong việc Thiết lập bí tích Thánh Thể. Chúa Giêsu cầm lấy bánh, bẻ ra, và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em” (Lc 22, 19). Sau đó ngài cầm lấy chén và nói: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em” (22, 20). Rồi ngài truyền cho họ, “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”. Các học giả lưu ý rằng mặc dù bữa tiệc diễn ra trong bối cảnh lễ Vượt qua, nhưng chiên Vượt qua chưa được đề cập đến: Chúa Giêsu chính là Chiên Vượt qua (1Cr 5,7).

7. Đường đến Emmaus

Chương cuối của Tin mừng Luca (24, 13-35) cho thấy sự mô tả ngắn gọn về Thánh lễ mà các môn đệ đã tham dự, làm nổi bật hai phần của phụng vụ: Phụng vụ Lời Chúa và sau đó là Phụng vụ Thánh Thể. Khi hai môn đệ đang trên đường từ Giê-ru-sa-lem trở về Emmaus vào ngày thứ nhất trong tuần sau khi Chúa Giêsu bị đóng đinh, chính Chúa Giêsu đã đến gần họ, dù họ không nhận ra Người. Trước hết, “bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, [Chúa Giêsu] giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (24, 27). Khi đồng bàn với họ, “Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người.” Họ quay trở lại Giê-ru-sa-lem và kinh ngạc kể lại cho các môn đệ “những gì đã xảy ra dọc đường và việc họ đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh” (24, 35). Đức Kitô Phục sinh được gặp thấy nơi Thánh Thể.

8. Các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi

Trong sách Công vụ Tông đồ, các tông đồ và các môn đệ đã cử hành Thánh Thể: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2, 42). Như đã nói ở trên, việc “bẻ bánh” đề cập đến Bí tích Thánh Thể, vì Đức Kitô đã thiết lập bí tích này trong Bữa Tiệc ly. Có nhiều ví dụ khác: “Vào ngày thứ nhất trong tuần [Chúa Nhật], chúng tôi họ nhau để bẻ bánh…”(Cv 20, 7).

9. Thánh Phaolô

Thánh Phaolô quả quyết rằng Thánh Thể đích thực là mình và máu Chúa Kitô, và có những hậu quả cho những ai tham dự vào thực tại này cách bất xứng. “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?” (1Cr 10, 16). Khi viết cho tín hữu ở Cô-rin-tô, ngài cũng nói: “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa” (1Cr 11, 23-29).

 

10. Khải huyền

Trong sách Khải huyền, Thánh Gioan chỉ ra rằng việc thờ phượng Thánh Thể cũng tương ứng và tìm thấy sự tròn đầy với việc thờ phượng trên trời, “Tiệc cưới Con Chiên” (Kh 19, 19). Thánh Gioan cung cấp những hình ảnh có giá trị tương ứng với Thánh lễ, cho thấy rằng các Ki tô hữu đã tham dự vào việc thờ phượng trên trời. Trong Kh 4-5, Thánh Gioan mô tả Chiên Vượt qua, các Kỳ lão – presbyteros, tiếng Hy lạp chỉ các tư tế – lời tuyên bố mặc khải của Thiên Chúa, hương trầm, thánh ca, thiên thần, cầu nguyện, kinh “Thánh, Thánh, Thánh”, phủ phục,… Những yếu tố này chỉ ra rằng Thánh lễ không phải là phát minh của Giáo hội, nhưng đó chính là món quà mà bởi đó người Ki tô hữu được tham dự vào việc thờ phượng hoàn hảo trên trời.

Lịch sử Giáo hội – Hiểu biết và thực hành

Đi-đa-khê. 60-100 AD.

Cũng được biết đến như là “Lời dạy của Chúa qua Mười Hai Tông đồ dành cho Dân tộc”, tài liệu của các Ki tô hữu tiên khởi từ thế kỷ đầu tiên đề cập đến tầm quan trọng của việc xưng tội trước khi rước lễ và nói rõ về bí tích Thánh Thể. “Nhưng vào mỗi ngày của Chúa [Chúa Nhật] chính các anh em tập trung lại với nhau, và bẻ bánh, và cảm tạ sau khi đã thú nhận những lỗi phạm của mình, và hy lễ đó của anh em sẽ có thể tinh tuyền” (XIV). “Giờ đây liên quan đến Hy lễ tạ ơn (Thánh Thể), nên anh em hãy dâng lời cảm tạ. Trước hết là về chén… Và về bánh được bẻ ra…” (IX).

Thánh Inhaxio thành Antiokia – ca. 110 A.D.

Thánh Inhaxiô thành Antiôkia, người được coi là môn đệ của thánh Gioan, đã nói về những người có “quan điểm phi chính thống”, rằng họ giữ mình khỏi Thánh lễ và lời cầu nguyện, vì họ không tuyên xưng rằng Thánh Thể là thân mình Đấng Cứu Chuộc chúng ta, Đức Giêsu Kitô, thân mình chịu đau khổ vì tội lỗi chúng ta, và đã được Chúa Cha nâng lên vì lòng nhân ái của Người” (trích Thư gửi cho Smyrnaeans 6, 2 và 7,1).

Thánh Justinô tử đạo – 150 A.D.

“Chúng ta lãnh nhận những thứ này không phải như bánh hay thức uống thông thường; nhưng vì Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ của chúng ta, đã nhập thể bởi lời Thiên Chúa và có cả thịt và máu để cứu độ chúng ta, nên như chúng ta đã được dạy, lương thực đã được biến đổi thành Thánh Thể nhờ kinh nguyện Thánh Thể mà Người đặt ra, và nhờ sự biến đổi đó mà máu và thịt của chúng ta được nuôi dưỡng… cả thịt và máu của Chúa Giêsu nhập thể ấy” (Lời biện giải thứ nhất 66:1-20).

Giáo phụ Origen – ca. 244 A.D.

“Anh em đã quen tham dự vào các mầu nhiệm thánh, nên anh em biết rằng, khi rước Mình Thánh Chúa, anh em hết sức cung kính cẩn thận kẻo một hạt nào rơi ra và bất cứ vật gì của lễ vật thánh hiến bị hư mất” (Bài giảng Xuất Hành 13:3).

Thánh Cyril ở Jerusalem – ca. 350 A.D.

“Vì thế, đừng coi bánh và rượu chỉ đơn giản như vậy, vì theo lời Thầy tuyên bố, đó là Mình và Máu Chúa Kitô. Mặc dù các giác quan mách bảo cho bạn điều khác, nhưng hãy để đức tin làm cho bạn thêm vững vàng” (Bài giảng Giáo lý: Mystagogic 4:22:9).

 

 

Thánh Ambrôsi ô ở Milan – ca. 387A.D.

“Chính Thân Mình Đức Kitô đã chịu đóng đinh và mai táng, đó đích thực là Bí tích Mình Thánh Người. Chính Chúa Giêsu loan báo: “Đây là Mình Thầy” (Về các mầu nhiệm 9, 53-54)

“Biến đổi bản thể” -1215

Vào thế kỷ 11, một cuộc tranh luận gay gắt đã nổi lên khi Berengar thành Tours quả quyết rằng không cần thiết để nói về sự thay đổi chất liệu trong các yếu tố khi giải thích về sự hiện diện thực sự của Đức Kitô nơi Bí tích Thánh Thể. Vào năm 1215, Công đồng Lateranô IV tái khẳng định điều mà Giáo hội đã tin trong nhiều thế kỷ bằng cách sử dụng một thuật ngữ khá mới mẻ: “Biến đổi bản thể”. Trong khi không gắn liền với một siêu hình học chuyên biệt nào, thuật ngữ này được sử dụng để giải thích rằng bản thể của bánh và rượu trở nên Mình và Máu thật của Chúa Kitô, dẫu cho hình dạng bề ngoài của bánh và rượu vẫn còn nguyên vẹn.

Thomas Aquinas -1225-1274

Thánh Tôma-Aquinô đã đưa ra lời giải thích thần học vĩ đại về ý nghĩa của biến đổi bản thể. Hơn nữa, ngài còn được ủy thác để viết các bài thánh ca cho lễ Mình
Máu Chúa Kitô. Ngài đã viết các bài thánh ca như Pange Lingua, Tantum Ergo và O Salutaris Hostia.

Lễ Mình Máu Chúa Kitô – 1264

Trong Hội Thánh tiên khởi, việc tôn thờ Mình và Máu Chúa Ki tô bị bó hẹp trong việc của hành Thánh lễ và hiệp lễ, và các giáo phụ như Augustinô và Ambrôsiô đã cổ võ thái độ tôn thờ suốt Thánh lễ. Tuy nhiên, với hy vọng khắc phục những tranh cãi và báng bổ của một số người chống lại bí tích Thánh Thể, các tín hữu như thánh Juliana ở Liege đã đề nghị vào thế kỷ 13 một hình thức tôn thờ trọng đại hơn ngoài Thánh lễ. Đề nghị này, cùng với phép lạ Thánh

Thể ở Bolsena, nước Ý vào năm 1264, đã dẫn tới việc Đức giáo hoàng Urban IV thiết lập Lễ Mình Máu Chúa Kitô.

Sự hiện diện thực sự vẫn còn- 1551

Công đồng Trentô tái khẳng định rằng thật không hợp lý khi nói sự Hiện diện thực sự bị giới hạn đến thời điểm tiếp nhận, như Martin Luther quan niệm, nhưng đúng hơn, nó vẫn còn sau đó. Thực tế sự hiện hiện không phụ thuộc vào hành vi tiếp nhận là rõ ràng không chỉ trong Thánh Truyền, mà còn trong Tin mừng. Các Kitô hữu tiên khởi thường xuyên đưa Thánh Thể về nhà hay trên các hành trình dài, hay thậm chí là lãnh nhận bí tích Thánh Thể một vài ngày sau khi truyền phép, như được viết trong tài liệu của các Giáo phụ. Theo những lời của Chúa Giêsu trong Tin mừng, rõ ràng là Mình và Máu trở nên như vậy trước khi rước lễ chứ không phải vì việc rước lễ.

Viếng Thánh Thể- 1745

Như một hệ quả thiết thực của việc Chầu Thánh Thể, thực hành thường xuyên viếng Thánh Thể trở nên phổ biến hơn. Thánh Anphongsô Liguori đã tạo ra sức thúc đẩy mới cho thực hành này qua cuốn sách nổi tiếng của ngài, Visits to the Blessed Sacrament, được xuất bản năm 1745, trải qua 40 lần tái in trong cuộc đời ngài. Một số dòng tu cũng bắt đầu thực hành việc Chầu Thánh Thể liên lỉ vào khoảng thời gian này.

Đức Thánh Cha Pi-ô X – 1903-1914

Đức Thánh Cha Pi-ô X sẽ được nhiều người biết đến như là “vị giáo hoàng của bí tích Thánh Thể”. Ngoài việc khôi phục lại Thánh ca Gregorian, ngài còn khuyến khích việc rước lễ hằng ngày, xác quyết rằng rước lễ là con đường ngắn nhất để lên thiên đàng. Ngài cũng hạ thấp độ tuổi được Rước lễ Lần đầu từ 12 tuổi xuống 7 tuổi, độ tuổi được coi là “tuổi khôn”.

Cải cách phụng vụ của Công đồng Vaticanô II – 1962-1965

Công đồng Vaticanô II được tổ chức để tìm ra mối liên hệ giữa Giáo hội và thế giới hiện đại. Trong số những sửa đổi đã ban hành, Hiến chế Phụng vụ thánh tìm cách canh tân và thúc đẩy phụng vụ. Một số cải cách này bao gồm việc sử dụng rộng rãi hơn ngôn ngữ bản địa trong phụng vụ và sự tham gia nhiều hơn của cộng đoàn. Việc thực hiện cải cách đó là chủ đề của nhiều cuộc thảo luận, và đối với nhiều người, nhiều thay đổi khác nhau liên quan đến nó chưa bao giờ được các Nghị phụ Công đồng dự định.

Tự sắc Summorum Pontificum – 2007

Hơn 35 năm sau khi Sách lễ được cập nhật vào năm 1970, sau Công đồng Vatican II, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã cho phép các linh mục cử hành Thánh lễ Tridentine – thường được gọi là Thánh lễ Latinh truyền thống – sử dụng Sách lễ năm 1962, với một nhóm tín hữu “những người, theo ý muốn của riêng họ, yêu cầu được thừa nhận. Đức Thánh Cha xác quyết rằng “nghi thức mới” từ năm 1970 không vô hiệu hóa “nghi thức cũ”, được công bố lần cuối vào năm 1962. Thay vào đó, ngài nói rằng chúng phải được coi là “việc sử dụng kép” của cùng một nghi thức.