BÀN THỜ HIẾN TẾ

BÀN THỜ HIẾN TẾ [1]

Lạy Chúa, bàn thờ của Ngài thật giá lạnh và hiu quạnh biết bao, nhưng chúng con lại cảm nhận được rằng ẩn chứa trong bàn thờ ấy không chỉ là thân mình đầy thương tích mà còn là thân thể vinh quang của Ngài ngự bên hữu Chúa Cha. Chúa cho phép chúng con sử dụng những thứ vật chất để vén bức màn dày đặc biểu tượng của những gì mà con mắt chúng con không thể trông thấy. Trong nhiều ngôi thánh đường, chúng con chăm chú nhìn vào những viên đá cẩm thạch được chạm khắc tinh xảo hay những kết cấu bằng gỗ được đục đẽo trang trí công phu trên cung thánh: chúng là bàn thờ của Ngài, lạy Chúa. Tuy nhiên, vì những hoàn cảnh khó khăn khác nhau, nhiều nhà nguyện trong các làng mạc xa xôi chỉ có những chiếc bàn rất đơn sơ và khiêm tốn: chúng cũng là bàn thờ của Chúa.

Bàn thờ là nơi hiến tế. Bàn thờ đưa chúng con trở về với những khoảnh khắc mà Ngài, Lạy Chúa, đã từ bỏ xác phàm và vinh quang Thiên Chúa để dâng hiến chính mình trên bàn thờ thánh giá như tế phẩm dâng lên Chúa Cha. Tâm trí chúng con giờ đây đang run rẩy trong dòng suy nghĩ của mình về một ngôi vị là chính Chúa đã vừa là vật tế lễ, vừa là vị tư tế lại vừa là bàn thờ hiến tế. Nhưng đó lại là kế hoạch của Chúa. Chúa là tư tế đã cử hành hiến tế thân mình trên bàn thờ để giao hòa chúng con với Chúa Cha.

Bị đóng đinh dã man vào thập giá, thân thể Chúa đã trở thành bàn thờ. Chính nơi đây, tội lỗi của thế gian và cơn thịnh nộ của Thiên Chúa trút xuống. Thân thể tinh tuyền của Chúa, thân thể không hề vướng mắc tội lỗi của Ngài lại phải gánh lấy toàn thể tội lỗi nhân loại! Trên thập giá, Chúa như trở thành kẻ tội lỗi, thành một sự ghê tởm và vì thế cơn thịnh nộ của Thiên Chúa trút xuống trên Ngài. Nhưng máu từ cạnh sườn của Ngài trào ra đã rửa sạch hết mọi tội nhơ nhân loại và làm dịu đi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Lạy Chúa Giêsu, cách Chúa cứu chuộc nhân loại thật vĩ đại biết bao! Cách Chúa cứu chuộc chúng con thật diệu kỳ dường nào! Chúng con chỉ có thể cảm nghiệm được sự vĩ đại này trong sự cô tịch của cõi lòng mình.

Trong suốt năm phụng vụ, bàn thờ được phủ lên một tấm khăn trắng. Nhưng vào ngày thứ Sáu và thứ Bảy Tuần Thánh, khi Thánh lễ không được cử hành, khăn bàn thờ được lột đi, bàn thờ của Ngài thành trơ trọi trong đêm tối của thánh đường. Bàn thờ gợi lên trong chúng con sự kiện kinh hoàng của thứ Sáu Tuần Thánh. Thời gian trôi qua, “tiếng khẩn cầu vang dội” của Ngài vẫn âm vang từ trên thập giá. Đây là hai ngày đau thương và than khóc âm thầm lặng lẽ, bởi vì Ngài đã bị giết chết và nằm bất động trong mộ. Khi chúng con cầu nguyện trước bàn thờ, khi chúng con ngồi thinh lặng bên mộ của Ngài, chúng con hồi tưởng thời gian Ngài được mai táng trong cung lòng mẹ đất.

Bàn thờ trơ trọi và cô quạnh trong ngày thứ Sáu Tuần Thánh làm cho chúng con suy đi nghĩ lại và tràn ngập băn khoăn về công trình cứu độ của Chúa. Mầu nhiệm mà Chúa đã hoạch định từ xưa mà nay cuối cùng đã được mặc khải: ngày thứ Sáu tạo dựng là ngày thứ Sáu Tuần Thánh, Thiên đàng là đồi Canvê, Ngài là Adam mới, Eva là mẹ Giáo hội và Mẹ của Ngài đứng dưới chân thập giá chính là Eva mới, và cây của sự chết bây giờ là thập giá của sự bất tử. Đây là mầu nhiệm mà bàn thờ của Ngài ẩn chứa. Lạy Chúa, xin hãy để tầm nhìn hạn hẹp của cặp mắt chúng con hướng nhìn ra chân trời mới của đức tin.

Nhưng bàn thờ cũng nhắc nhở chúng con về những bàn thờ sống động khác xung quanh chúng con. “Bàn thờ là Chúa Kitô” và vì thế những con cái của Ngài cũng là những bàn thờ nơi mà những hy tế hàng ngày được dâng tiến. Chúng con không thể nghe tiếng kêu của Ngài trong chiều thứ Sáu định mệnh mà vẫn giả điếc làm ngơ trước tiếng thét gào của anh chị em đồng loại khi nhân phẩm của họ bị chà đạp một cách nhẫn tâm hay thân xác của họ bị tra tấn, đánh đập, hành hạ, làm cho bại hoại và mất danh giá một cách trơ trẽn. Thân xác của họ cũng là thân thể của Ngài, lạy Chúa. Thân xác của họ cũng là biểu tượng cho bàn thờ lạnh lẽo và hiu quạnh trong cung thánh nhà thờ. Lạy Chúa, xin Chúa ban cho mọi người một phần lòng can đảm của Ngài và xin truyền niềm hy vọng vào trong tâm hồn họ. Amen 


 [1] PHẠM ĐÌNH ÁI, Để tham dự Thánh lễ sốt sắng hơn, Học viện Dòng Thánh Thể, lưu hành nội bộ, 2016, được lược dịch theo nguyên tác: ANSCAR J. CHUPUNGCO, Meditations on The Mass, Claretian Publications, Quezon city, Philippines, 2010.