Bài Giảng Thứ Năm Tuần 1 Phục Sinh 21/04/2022

Tin Mừng                                                                                                    Lc 24,35-48
Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại.

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

35 Khi ấy, hai môn đệ từ Em-mau trở về, thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

36 Các ông còn đang nói, thì chính Đức Giê-su đứng giữa các ông và bảo : “Bình an cho anh em !” 37 Các ông kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma. 38 Nhưng Người nói : “Sao lại hoảng hốt ? Sao lòng anh em còn ngờ vực ? 39 Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà ! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây ?” 40 Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. 41 Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi : “Ở đây anh em có gì ăn không ?” 42 Các ông đưa cho Người một khúc cá nướng. 43 Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông.

44 Rồi Người bảo : “Khi còn ở với anh em, Thầy đã từng nói với anh em rằng tất cả những gì sách Luật Mô-sê, các sách Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh đã chép về Thầy đều phải được ứng nghiệm.” 45 Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh 46 và Người nói : “Có lời Kinh Thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại ; 47 phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. 48 Chính anh em là chứng nhân về những điều này.”

BÀI GIẢNG THỨ 5  TUẦN BẤT NHẬT PHỤC SINH

BÌNH AN CHO ANH EM

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ ….

Có lẽ một tâm lý chung nhiều người cảm thấy rằng khi còn sống thì ta yêu mến nhau, sống chung với nhau, ăn uống với nhau… thế nhưng không hiểu tại sao khi những người gần gũi thân thích với ta chết đi, chúng ta lại cảm thấy sợ hãi. Đó cũng là tình trạng của các tông đồ trong Tin Mừng hôm nay, thánh Lu-ca trình thuật cho chúng ta thấy nỗi sợ hãi bao trùm lên các Tông đồ, mặc dù các ông đang được hai môn đệ trên đường Emmaus trở về báo tin Chúa đã sống lại và đã hiện ra với các ông.

Nỗi sợ hãi của các môn đệ càng dâng lên tột độ hơn nữa khi thấy Đức Giê-su hiện ra và đứng giữa các ông. Sự hiện diện của Ngài đã thiết lập lại tương quan mà các tông đồ tưởng đã mất vì cảnh “sinh ly tử biệt”; qua đó Người tỏ cho các ông biết Người hằng sống.

Người không phải là ma như các tông đồ tưởng, vì người vẫn còn mang dấu vết thương trong cuộc khổ nạn. Thân xác sống lại cũng là thân xác đã bị đóng đinh: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”.

Đức Giê-su hiểu được tâm lý các môn đệ của mình, nên sau khi Phục sinh, Đức Giê-su đã hiện ra với các ông và lời đầu tiên Người nói với các ông là: “Bình an cho anh em”.

Đây là lời trấn an, sau hàng loạt những lo âu sợ hãi. Sợ hãi vì không còn thầy bên cạnh dạy dỗ, Sợ hãi vì thầy Giê-su bị người ta đóng đinh, sợ hãi vì là môn đệ thầy Giê-su rồi đây cũng sẽ bị người ta chống đối và bách hại.

Chắc chắn khi ban bình an cho các ông, Đức Giê-su muốn xoa bỏ đi nơi họ sự sợ hãi, sự  chán chường để khơi gợi lên trong lòng họ niềm tin và lòng can đảm mà tiếp tục sống và thi hành sứ vụ  Ngài trao phó.

Quả thật khi được thầy ân cần giảng giải những đoạn kinh thánh đã nói trước về Ngài cũng như sứ vụ cứu chuộc mà Ngài đã thi hành thì các ông xác tín chính là Thầy mình đang hiện diện ở giữa , nên họ rất vui mừng .

Chính trong niềm vui và bình an của Chúa phục sinh đã làm cho các môn đệ quên đi bao nỗi ưu phiền, sợ hãi và lo lắng, vì thế, các ông đã sẵn sàng ra đi loan báo Tin Mừng, bất chấp mọi gươm đao, đau khổ, bị bách hại đến đầu rơi máu đổ. Hơn nữa, các ngài còn coi những đau khổ đó là phần thưởng Chúa ban. Điều này đã được sách Công Vụ Tông Đồ nghi lại: “Chúng tôi vui mừng hân hoan vì thấy mình xứng đáng được chịu khổ vì Đức Ki-tô”.

Là những Ki tô hữu chúng ta cũng được mời gọi hãy can đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Đức Ki-tô. Trở thành nhân chứng của Ngài ở những nơi chúng ta hiện diện.

Xin cho mỗi người chúng ta luôn có được sự bình an của Chúa trong tâm hồn, xin Chúa Giê-su Thánh Thể ban bình an của ngài xuống cho chúng ta, đồng thời xin cho mỗi người chúng ta cũng đem bình an của Chúa chia sẻ với những người xung quanh. Amen.