CHỨNG NHÂN VÀ NGÔN SỨ CỦA THÁNH THỂ -SUY NIỆM LUẬT SỐNG DÒNG THÁNH THỂ

CHỨNG NHÂN VÀ NGÔN SỨ CỦA THÁNH THỂ

SUY NIỆM LUẬT SỐNG DÒNG THÁNH THỂ

Tu sĩ Anthony McSweeney, S.S.S., Witnesses and Prophets of the Eucharist, (Rôma, Mùa Phục

Sinh, 1985). Tu sĩ Giu-se Nguyễn Đức Thắng, S.S.S., dịch, (Chicago, Mùa Hè, 2016).

Dẫn Nhập

    Công Đồng Vatican II là điểm mốc vĩ đại của lịch sử Giáo Hội đương đại.

    Công Đồng đã mang lại một giải pháp rất thuyết phục hướng đến việc khoả lấp khoảng cách chia cắt giữa Giáo Hội và thế giới hiện đại. Bằng Phong Trào Cải Cách, sự chia rẽ xảy ra và chỉ lan rộng tiếp theo sự bùng nổ của khoa học hiện đại, của công nghiệp hóa và của cuộc Cách Mạng Pháp.

    Công việc lớn lao trong chương trình của Giáo Hội là sự hội nhập văn hoá của sứ điệp Tin Mừng, một công việc bị trì hoãn bấy lâu nay. Thách đố không chỉ xảy ra bởi các nền văn hóa ở những nước ngoài Tây Phương, nhưng còn bởi sự cấp bách của nền văn hóa mới ở những nước từng là vương quốc Kitô giáo một thời. Văn hóa mới thời “hiện đại” đang nhanh chóng ảnh hưởng về mặt đạo đức đến các nền văn hóa khác, hoặc cổ đại hoặc hiện đại.

    Luật Sống của chúng ta trình bày quan điểm nhằm để hướng dẫn chúng ta thi hành vai trò của chúng ta trong công việc lớn lao này của Giáo Hội.

    Trong bài suy niệm này, tôi cố gắng suy niệm về quan điểm của Luật Sống và diễn đạt những gì mà tôi nghe được từ Luật Sống. Sẽ có những dịp khác để khai thác những ý nghĩa và phân tích những hệ quả thực tiễn của Luật Sống.

    Mong ước của tôi là, bằng những lời lẽ nghèo hèn này, động viên chính anh em khám phá ra quan điểm của Luật Sống. Khi Luật Sống thấm nhập vào anh em, cuốn hút anh em, thì điều quan trọng diệu kỳ ắt hẳn sẽ diễn ra.

MỤC LỤC

I. TRONG GIÁO HỘI VÌ NƯỚC TRỜI

    1. Được Kêu Gọi Để Sống Tin Mừng

        * Ơn gọi ngôi vị

        * Hành trình đức tin và làm môn đệ

        * Ơn gọi nên thánh

    2. Là Những Người Anh Em Nhân Danh Chúa

        * Một số đặc điểm của đời sống huynh đệ

II. CHỨNG NHÂN VÀ NGÔN SỨ CỦA MẦU NHIỆM THÁNH THỂ

        * Mầu nhiệm Thánh Thể

    1. Chứng Nhân Của Mầu Nhiệm Thánh Thể

        * Sống nhờ Bánh được ban cho thế gian

        * Tinh thần tự hiến

        * Một cộng đoàn cầu nguyện

        * Cầu nguyện cá nhân: Đòi hỏi qúa chăng?

        * Đảm nhận nỗi tủi nhục của Thập Giá

        * Tôn Thờ Thánh Thể: Một chốn diệu kỳ

       * Một tặng ân được chia sẻ và cùng nhau phát huy

        * Tự do và liên đới

2. Ngôn Sứ Của Thánh Thể

        * Thánh Thể là trung tâm của cộng đoàn

        * Sứ mạng ngôn sứ

        * Nhắc nhớ về nguồn cội

        * Đọc ra dấu chỉ của thời đại

        * Sử dụng đầy đủ các nghi lễ

        * Cử hành trong chân lý

        * Linh đạo Thánh Thể

        * Sứ vụ và sự ưu tiên

KẾT LUẬN

______________________________________________________________________________________

I. TRONG GIÁO HỘI VÌ NƯỚC TRỜI

    Từ ban đầu, Luật của chúng ta đặt lối sống của chúng ta một cách vững chắc trong phạm vi của đời sống của dân Thiên Chúa, và liên kết lối sống đó cách rõ ràng với bối cảnh của Nước Thiên Chúa.

    Được quy tụ lại nhân danh Chúa, chúng ta được kêu mời sống như anh em với nhau trong Giáo Hội.

    Theo ơn linh hứng, Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Eymard lập dòng đã nhận, chúng ta họp thành Dòng Thánh Thể, một hội dòng giáo sỹ, thuộc quyền Giáo Hoàng, gồm các linh mục, phó tế, và tu huynh.

    Lý tưởng của chúng ta là sống sung mãn mầu nhiệm Thánh Thể và trình bày ý nghĩa của mầu nhiệm ấy, để Đức Ki-tô được hiển trị, và vinh quang Thiên Chúa được rạng tỏ trên trần gian. (LS 1)

    Mối liên hệ Giáo Hội-Nước Trời hình thành nên một trong những điểm mấu chốt của Luật Sống. Đức Phao-lô VI đã viết: “Chỉ có Nước Trời là tuyệt đối, và Nước Trời làm cho mọi sự khác liên hệ với nhau” (EN 8). Giáo Hội tự bản chất không là Nước Trời, nhưng phục vụ cho Nước Trời. Sứ mạng của Giáo Hội là rao giảng Tin Mừng của Nước Trời với những dấu chỉ để diễn tả sức mạnh của Nước Trời đang hoạt động trong thế giới (xc. LG 1).

    Đến lượt sứ mạng của chúng ta, sứ mạng này được thực hiện trong cộng đoàn Giáo Hội vì Nước Trời, Nước đó vốn liên hệ với tất cả mọi người (xc. LS 3, 4, 5, etc.).

1. Được Kêu Gọi Để Sống Tin Mừng

    Lối sống của chúng ta rập khuông theo đời sống của cộng đoàn Ki-tô hữu. Ở ngoài bối cảnh này, lối sống của chúng ta chắc chắn sẽ mất hết mọi ý nghĩa.

    Sự chuẩn nhận chính thức Luật Sống là một hành động phân định, qua đó các nhà chức trách tra cứu và xác định căn tính nguyên thủy của một lối sống như là hoa quả của ân sủng Thần Khí nhằm sinh ích lợi cho toàn thể Giáo Hội.

    Sự hiện hữu của chúng ta trong Giáo Hội, đồng thời, đặt chúng ta trong lãnh vực của ân ban và sứ mạng.

a. Một Ơn Gọi Ngôi Vị

    Ân ban đến với chúng ta dưới dạng thức của một ơn kêu gọi. Luật Sống khẳng định tính ưu việt của ơn gọi này trên tất cả các hành vi nhân bản và chọn lựa của con người (cf. RL 5, 6, 17, 21).

    Một ơn gọi cá vị hoặc ngôi vị là cốt lõi của sự hiện hữu chung của chúng ta. Chúng ta “được quy tụ nhân danh Chúa” chủ yếu là vì mỗi người trong chúng ta được gọi đích danh của mình.

    Qủa thật, điều quan trọng thứ hai là cách thức mà ơn gọi cá vị đó đến với chúng ta. Đối với một số người, ơn gọi đến với họ hoàn toàn tình cờ từ thuở nhỏ. Đối với những người khác, ơn gọi được họ cảm nghiệm một cách có ý thức hơn ở tuổi trưởng thành.

    Vấn đề là ở một thời điểm nào đó, chúng ta cảm nhận được những đòi hỏi hay những thúc đẩy của ơn gọi trong mình, và chúng ta đã thưa VÂNG.

    Chúng ta chắc chắn, theo quan điểm của tôi, đã làm đúng và không bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của ơn gọi cá vị này. Bởi lẽ, tôi đã nhận thấy ơn gọi trở nên một sức mạnh mới mẻ và rung động trong cuộc đời con người, ngay cả khi ơn gọi đó dường như bị cho là đã mất năng lực.

b. Hành Trình Đức Tin Và Môn Đệ

    Mọi ơn gọi trong Giáo Hội trước nhất là lời mời gọi đi vào hành trình đức tin và môn đệ. Là tu sĩ, chúng ta được mời gọi để sống ơn gọi chung: ơn gọi nên thánh, trong một cách thức đặc biệt (LG ch.5).

    Đối với chúng ta, cách thức đặc biệt đó là hình thức độc thân của đời sống cộng đoàn, việc chia sẻ các nguồn lợi, và ý muốn đặt mục tiêu chung lên trên những mục tiêu và chọn lựa cá nhân. Tuy nhiên, điều này sẽ không bao giờ là nguyên cớ biện minh cho sự tách lìa chúng ta với các Ki-tô hữu khác. Bởi lẽ, lối sống của chúng ta có ý nghĩa là diễn tả trong một cách thức tỏ tường hơn sự mới mẻ của đời sống mà Tin Mừng mời gọi mỗi tín hữu hướng tới.

    Tôi cho rằng đại đa số trong chúng ta chắc chắn sẽ nhìn nhận chính mình như những cá nhân bình thường. Chúng ta nhận thấy trong chính mình có cùng khát vọng về điều thiện, và có cùng những yếu điểm mà chúng ta cũng quan sát thấy chúng nơi người khác. Chúng ta cảm thấy sự lưỡng lự không mấy hài lòng để từ bỏ chính mình cách hết lòng, trong khi người khác cũng làm tương tự như thế.

    Đối với những con người bình thường như vậy bị xem là không xứng đáng để sống Tin Mừng, như Luật Sống diễn tả, “trong mọi chiều kích của nó” (LS 10), để theo đuổi Tin Mừng “cách triệt để” (LS 15). Tuy vậy, sự vô lý hoặc mâu thuẫn như thế đưa chúng ta đến trọng tâm của nghịch lý của Ki-tô giáo.

c. Ơn Gọi Nên Thánh

    Nhiều lý do khiến chúng ta đi đến xác tín này là chúng ta cần trở về với các nền tảng Tin Mừng trong thời hiện tại.

    Trước hết, có sự nguy hiểm này là tính ưu việt của ơn gọi nên thánh trở nên mơ hồ trong cuộc sống thường nhật của chúng ta. Đối với một số người, việc mất đi những cơ cấu hỗ trợ mà họ từng được hưởng ắt hẳn sẽ làm cho họ đau khổ và thất vọng. Mất đi niềm vui mà họ từng tận hưởng, họ lâm vào tâm trạng đắng cay. Còn đối với những người khác, những đòi hỏi cấp bách của việc mục vụ, đặc biệt trong một Giáo Hội đang thiếu hụt linh mục, sẽ làm cạn kiệt năng lực của họ một cách bất công.

    Thứ đến, môi trường sống của chúng ta đang đổi thay. Tin Mừng gọi mời chúng ta hướng đến thực tại vốn được định hình theo quan điểm và các giá trị của Đức Giêsu Kitô. Xã hội của chúng ta bị tục hóa mỗi ngày một hơn, và được trải thảm bằng các giá trị khác, do đó làm cho tiếng gọi của Tin Mừng trở nên không dễ dàng đối với chúng ta.

    Đó là lý do tại sao tôi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của tình huynh đệ đối với chúng ta ngày nay. Tôi nghĩ về một tình huynh đệ thực sự và hiệu qủa vốn đã được sống không phải trong sự cô lập, nhưng trong mối tương quan sâu sắc với các cộng đoàn Kitô khác và mở ra với thế giới.

    Bởi lẽ, chính trong môi trường như thế, lời đáp lại theo tiếng gọi của Tin Mừng có thể được sống một cách bình thường. Không có một môi trường huynh đệ như vậy, làm thế nào chúng ta có thể học biết được ý nghĩa của việc đặt để Chúa Giêsu lên trên và lên trước mọi giá trị khác, của việc liên tưởng những lời mời gọi thường ngày về gia đình, về của cải, về nghề nghiệp, về độc lập, về sự hoàn thiện cá nhân, thậm chí về chính sự sống như là những đòi hỏi của Tin Mừng?

2. Là Những Người Anh Em Nhân Danh Chúa

    Hữu thể mới nhân danh Chúa mà chúng ta được mời gọi vươn tới thì tự bản chất có tính tập hợp hoặc hợp nhất nên một. Đó là sự hiện hữu cùng nhau và với những hữu thể khác; sự hiện hữu này được cấu thành bởi tình yêu huynh đệ (xc. PO; AA 23).

    Trong tương quan bằng hữu tại bàn tiệc Thánh Thể, các mối tương quan của tình huynh đệ được diễn tả và củng cố (LG 26).

    Dường như chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mà từ những câu đầu tiên, Luật Sống dành một vị trí khá quan trọng cho giá trị Tin Mừng nền tảng này. Thật là thiển cận để đưa ra sự khẳng định như thế đối với sự ảnh hưởng của truyền thống cũ. Sẽ là một diễn tả nữa “sự lầm tưởng cá nhân như là căn cội của hậu qủa mà Kitô giáo đang phải chịu, đó là sự loại bỏ danh hiệu anh em, và sự nhận thức hàm chứa trong danh nghĩa đó” (J. Ratzinger).

    Có một vài đặc điểm của thực tại huynh đệ mà tôi mong muốn anh em lưu tâm đến chúng.

a. Vài đặc điểm của tình yêu huynh đệ

    Trước hết, tình huynh đệ Kitô giáo có nghĩa là sự bình đẳng về nhân phẩm (LG 32), điều này căn bản hơn mọi đặc tính riêng biệt khác của chức năng và sự phục vụ trong Giáo Hội, bất kể chúng được tán thưởng đến đâu.

    Chính trong ý nghĩa này, chúng ta phải diễn giải ý tưởng được đề cập trong điều thứ nhất của Luật Sống theo thể thức luật pháp của “dòng giáo sỹ”. Bởi vì ở đây chúng ta đang xem xét tiến trình đi đến quyết định thứ yếu, mà nó không cho phép chúng ta hạ thấp hay làm suy yếu sự bình đẳng căn bản hơn cả mà tất cả chúng ta đang tận hưởng trong tư cách chúng ta là anh em.

    Trong tinh thần tôn trọng, thật là chính đáng để chỉ ra rằng, danh hiệu chính thức của Dòng là “Dòng Thánh Thể”, chứ không phải là “Dòng các Cha Thánh Thể”.

    Thứ hai, tình yêu huynh đệ giữa chúng ta là dấu chỉ đặc thù chứng thực chúng ta là môn đệ của Đức Giêsu (x. Ga 13,35). Đó cũng là dấu chứng đặc thù của chúng ta, những cộng đoàn được Thánh Thể nắn đúc nên hình nên dạng (x. LS 5; 21).

    Tình yêu thương trong cộng đoàn của những người anh em là sự phản ánh tình yêu dịu dàng của Thiên Chúa Cha đối với chúng ta. Tình yêu không xét đoán hoặc kết án người khác. Tình yêu mang lại cho mỗi người sức mạnh để trở nên là chính mình, qua sự chấp nhận lẫn nhau. Tình yêu làm cho chúng ta trở nên nhạy cảm đặc biệt với kẻ yếu thế, với người bệnh tật, với bậc lão thành (x. LS 8; 12). Tình yêu thì sáng tạo, mang lại sự sống mới cho các mối tương quan qua sự tha thứ. Tình yêu trở nên phong phú trong chia sẻ và trong tình bạn hữu (x. LS 9).

    Thứ ba, đặc tính của quyền bính cũng như của việc thực thi các quyết định là tình bằng hữu và tinh thần phục vụ (x. LS 11; 19; 20; etc.). Người nào được kêu gọi để đảm nhận công việc lãnh đạo trong cộng đoàn sẽ phải trở nên giống Chúa của mình, trở nên người phục vụ bàn (x. Lc 12,37), đúng hơn, trở nên người rửa chân cho người khác (x. Ga 13,1-17; LS 27).

    Sau hết, tình huynh đệ của chúng ta không phải là tình đệ huynh của một môn phái tôn giáo hoặc của nhóm người thân cận có chung sở thích.

    Tình huynh đệ của chúng ta tự bản chất là mở ra, và phát xuất từ một tình yêu hướng đến sự phổ quát/toàn thể (x. LS 16). Do đó, tình huynh đệ của chúng ta được gọi là tố chất chữa lành giữa những đổ vỡ đầy đau thương do sự chia rẽ của nhân loại (x. LS 28). Sự hợp nhất của chúng ta mang tính nhân văn tận căn đến độ nó có thể trở nên dấu chỉ của niềm hy vọng cho những ai có tâm hồn khát vọng sự hợp nhất (x. LS 5; GS 32).

    Một cộng đoàn hướng ra với thế giới không phải để trốn tránh gánh vác các mối tương quan nội tại, nhưng đó là kết qủa của một đời sống nội tâm phong phú mà cộng đoàn đang tận hưởng.

    Các dấu chỉ của tình huynh đệ cần được nhận biết và tăng cường, dù ở đâu đi nữa, bên trong hay bên ngoài những hữu hạn của cộng đoàn đức tin. Cộng đoàn biết cách để tận hưởng các dấu chỉ của tình huynh đệ, bởi vì mỗi lần cộng đoàn cử hành Thánh Thể, cộng đoàn cảm nghiệm nguồn mạch của mọi dấu chỉ tình huynh đệ, và cộng đoàn công bố tình huynh đệ phổ quát mà các dấu chỉ quy hướng về (LS 3; 25; 38; xc. LG 1).

    Bốn phẩm chất của cộng đoàn Kitô hữu gồm bình đẳng, tình yêu Tin Mừng, quyền bính để phục vụ, và tính cởi mở thì đặc biệt quan trọng đối với chúng ta ngày nay. Bây giờ chúng ta hãy đặt các phẩm chất này trong bối cảnh của một bậc sống cụ thể, đời sống tu sỹ của chúng ta.

b. Trong truyền thống eymard

    Ơn gọi của chúng ta đưa chúng ta vào một truyền thống đặc thù với đặc tính cá biệt của nó (LG 44). Chúng ta được kêu gọi đi theo bước chân của Cha Eymard.

    “Theo ơn linh hứng của Đấng Sáng Lập, Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô Eymard, chúng ta hợp thành Dòng Thánh Thể.” (LS 1)

    Trong khả năng và kinh nghiệm của một đấng lập dòng, có một điều gì đó rất mạnh mẽ và rất phong nhiêu đến độ điều đó có thể khai mở ra một con đường trong lịch sử, con đường nên thánh và phục vụ, trên con đường này có nhiều người khác đi theo.

    “Nguồn gốc và sự dẫn dắt của truyền thống đối với đời sống tâm linh của Giáo Hội” (MR 12) là nguồn mạch của ơn linh hứng hằng đổi mới. Bởi vì, sự mở ra với những khả thể mới là cần thiết, kinh nghiệm của Đấng Sáng Lập có thể nói với chúng ta trong một cách thức vừa trỗi vượt trên những hoàn cảnh lịch sử đầy giới hạn, vừa đồng thời hiện hữu trong những hoàn cảnh lịch sử đó.

b. Thoáng nhìn về một tiềm năng được tỏ lộ

    Như bao “người nam, nữ xuất sắc khác” (LG 45), thánh Eymard đã được ơn nhìn thấy trước về tiềm năng của đời sống theo Tin Mừng trong Giáo Hội, và thánh Eymard cũng bị cuốn hút theo khát vọng mang lại cho mọi người “sự phong phú khôn lường của Đức Kitô” (Ep 3,8) mà thánh nhân đã nhận biết.

    Khám phá của cá nhân thánh Eymard tích trữ một cảm nghiệm sống động về sức mạnh của Thánh Thể, bởi vì khám phá ấy đã mang lại cho Giáo Hội một kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa. Trong bí tích tự trao ban chính mình của Đức Kitô, tình yêu của Thiên Chúa, sức mạnh biến đổi, trở nên gần gũi và dễ dàng tiếp xúc.

    Thánh Eymard đã nhận thấy rằng nhiều Kitô hữu, giống như người phụ nữ Samari trong Tin Mừng, không nhận biết “ân sủng của Thiên Chúa” ở ngay bên cạnh họ (x. Ga 4,10), đã để cho lòng đạo đức quy ngã làm họ không còn chú tâm đến điều tuyệt đối cần thiết, đến Đấng tuyệt đối. Thánh Eymard cảm kích với lập luận rằng Thánh Thể là nguồn mạch của sự hồi sinh cho một xã hội vốn bị hư đốn do sự vô cảm và thờ ơ (LS 2).

    Đó là một “kinh nghiệm về Thần Khí” ngay từ ban đầu của thánh Eymard trong tư cách là đấng sáng lập. Thánh nhân sáng lập Dòng Thánh Thể là để làm chứng về sự thật đã được người khám phá ra, và để đưa những người khác đi đến cùng một khám phá như vậy. Kinh nghiệm này được Thánh Sáng Lập truyền lại cho chúng ta, để chúng ta duy trì, đào sâu, và phát triển kinh nghiệm đó hơn nữa (MR 11).

    Công tác chính yếu của thời kỳ canh tân là xác định kinh nghiệm cốt lõi này. Chúng ta đã phải kiên nhẫn và cẩn thận nghiên cứu để tách kinh nghiệm cốt lõi này khỏi hình thức của những yếu tố lịch sử đang đổi thay. Sau đó, chúng ta đã trình bày kinh nghiệm cốt lõi này một lần nữa một cách mới mẻ theo ngôn ngữ và cấu trúc của Công Đồng Vatican II, trong khi đáp cứu các nhu cầu của Giáo Hội và thế giới.

    Toàn bộ Luật Sống trình bày tiến trình của công việc phân định này.

c. Tránh chủ nghĩa nhị nguyên tai hại

    Luật Sống trình bày một cái nhìn tổng hợp đáng lưu tâm. Cụ thể, Luật Sống cùng với Vatican II trình bày sự quan tâm này là, tránh đi bất cứ hình thái nhị nguyên nào trong đời sống và công việc, trong chiêm niệm và hoạt động (x. PC 8). Như chúng ta biết rõ, trong quá khứ, việc không liên kết các chiều kích này của đời sống cách hài hòa đã gây ra một số vấn đề nan giải.

    Sự quan tâm như thế trở nên hiển nhiên trong các trình bày hay diễn tả bằng văn tự về những gì mà lối sống của chúng ta là.

    Chẳng hạn, theo Sắc Lệnh Phê Chuẩn, Dòng Thánh Thể “vì sứ mạng của mình phải đặt việc cử hành Thánh Thể trong sự thật, trong cầu nguyện tôn thờ và chiêm niệm vào trọng tâm của đời sống chính mình cũng như đời sống của các tín hữu”.

    Số thứ nhất của Luật Sống diễn tả Dòng theo đường hướng như sau: “Lý tưởng của chúng ta là sống sung mãn mầu nhiệm Thánh Thể và trình bày ý nghĩa của mầu nhiệm ấy cho mọi người, ngõ hầu vương quyền của Đức Kitô trị đến và vinh quang của Thiên Chúa được rạng tỏ trên trần gian”.

    Ý hàm thụ trong những tuyên ngôn trên đây rõ ràng là cả đời sống lẫn công việc đều phù trợ lẫn nhau, không hơn không kém. Cả hai sẽ hợp thành một toàn thể bất khả phân chia.

d. Chứng nhân và ngôn sứ

    Những gì chúng ta là, và những việc chúng ta làm có cùng một căn tính bền chặt, căn tính này nêu bật hai khái niệm được chúng ta dùng cho tựa đề của bài suy gẫm này: “Chứng Nhân” và “Ngôn Sứ”.

    Từ ngữ “chứng nhân” ám chỉ chiều kích thực nghiệm của sứ mạng của chúng ta. Chứng từ của một chứng nhân hệ tại ở kinh nghiệm cá nhân của người đó; bởi vì chứng nhân đã hiện diện và chứng kiến những gì đã xảy ra. Lời của chứng nhân rất có sức thuyết phục.

    “Ngôn sứ” cũng dựa vào kinh nghiệm cá nhân. Tuy nhiên, biện phân để nhận biết kế hoạch của Thiên Chúa đang hoạt động trong các biến cố của thời đại là điều đặc trưng của ngôn sứ.

    Ngôn sứ khám phá, công bố, và chú ý đến dấu chỉ của sự hiện diện và hành động cứu độ của Thiên Chúa. Ngôn sứ xác định những thách đố cấp bách trong lịch sử đối với cộng đoàn tín hữu; những thách đố mà những người khác không nhận biết hoặc không muốn đối diện.

    Chúng ta được mời gọi để sống mầu nhiệm Thánh Thể và công bố ý nghĩa của mầu nhiệm ấy cho mọi người, nói khác đi, để trở thành những chứng nhân và ngôn sứ của Thánh Thể. Chúng ta cùng tìm hiểu đôi chút về ý nghĩa của ơn gọi này.

(… Tiếp theo)


CÁC TỪ VIẾT TẮT ĐƯỢC SỬ DỤNG

AA Apostolicam Actuositatem (Tông Đồ Giáo Dân)

EN Evangelii Nuntiandi (Loan Báo Tin Mừng cho Muôn Dân)

GS Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng)

PC Perfectae Caritatis (Đức Ái Trọn Hảo)

LG Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân)

MR Mutuae Relationes (Tương Quan [Giữa Giám Mục và Tu Sĩ])

PO Presbyterorum Ordinis (Đời Sống và Chức Vụ của Linh Mục)

RL Rule of Life (Luật Sống)