CHỨNG NHÂN VÀ NGÔN SỨ CỦA THÁNH THỂ
SUY NIỆM LUẬT SỐNG DÒNG THÁNH THỂ (Tiếp theo)
Tu sĩ Anthony McSweeney, S.S.S., Witnesses and Prophets of the Eucharist, (Rôma, Mùa Phục
Sinh, 1985). Tu sĩ Giu-se Nguyễn Đức Thắng, S.S.S., dịch, (Chicago, Mùa Hè, 2016).
Dẫn Nhập
Công Đồng Vatican II là điểm mốc vĩ đại của lịch sử Giáo Hội đương đại.
Công Đồng đã mang lại một giải pháp rất thuyết phục hướng đến việc khoả lấp khoảng cách chia cắt giữa Giáo Hội và thế giới hiện đại. Bằng Phong Trào Cải Cách, sự chia rẽ xảy ra và chỉ lan rộng tiếp theo sự bùng nổ của khoa học hiện đại, của công nghiệp hóa và của cuộc Cách Mạng Pháp.
Công việc lớn lao trong chương trình của Giáo Hội là sự hội nhập văn hoá của sứ điệp Tin Mừng, một công việc bị trì hoãn bấy lâu nay. Thách đố không chỉ xảy ra bởi các nền văn hóa ở những nước ngoài Tây Phương, nhưng còn bởi sự cấp bách của nền văn hóa mới ở những nước từng là vương quốc Kitô giáo một thời. Văn hóa mới thời “hiện đại” đang nhanh chóng ảnh hưởng về mặt đạo đức đến các nền văn hóa khác, hoặc cổ đại hoặc hiện đại.
Luật Sống của chúng ta trình bày quan điểm nhằm để hướng dẫn chúng ta thi hành vai trò của chúng ta trong công việc lớn lao này của Giáo Hội.
Trong bài suy niệm này, tôi cố gắng suy niệm về quan điểm của Luật Sống và diễn đạt những gì mà tôi nghe được từ Luật Sống. Sẽ có những dịp khác để khai thác những ý nghĩa và phân tích những hệ quả thực tiễn của Luật Sống.
Mong ước của tôi là, bằng những lời lẽ nghèo hèn này, động viên chính anh em khám phá ra quan điểm của Luật Sống. Khi Luật Sống thấm nhập vào anh em, cuốn hút anh em, thì điều quan trọng diệu kỳ ắt hẳn sẽ diễn ra.
MỤC LỤC
I. TRONG GIÁO HỘI VÌ NƯỚC TRỜI
1. Được Kêu Gọi Để Sống Tin Mừng
* Ơn gọi ngôi vị
* Hành trình đức tin và làm môn đệ
* Ơn gọi nên thánh
2. Là Những Người Anh Em Nhân Danh Chúa
* Một số đặc điểm của đời sống huynh đệ
II. CHỨNG NHÂN VÀ NGÔN SỨ CỦA MẦU NHIỆM THÁNH THỂ
* Mầu nhiệm Thánh Thể
1. Chứng Nhân Của Mầu Nhiệm Thánh Thể
* Sống nhờ Bánh được ban cho thế gian
* Tinh thần tự hiến
* Một cộng đoàn cầu nguyện
* Cầu nguyện cá nhân: Đòi hỏi qúa chăng?
* Đảm nhận nỗi tủi nhục của Thập Giá
* Tôn Thờ Thánh Thể: Một chốn diệu kỳ
* Một tặng ân được chia sẻ và cùng nhau phát huy
* Tự do và liên đới
2. Ngôn Sứ Của Thánh Thể
* Thánh Thể là trung tâm của cộng đoàn
* Sứ mạng ngôn sứ
* Nhắc nhớ về nguồn cội
* Đọc ra dấu chỉ của thời đại
* Sử dụng đầy đủ các nghi lễ
* Cử hành trong chân lý
* Linh đạo Thánh Thể
* Sứ vụ và sự ưu tiên
KẾT LUẬN
__________________________________________________________________________
II. CHỨNG NHÂN VÀ NGÔN SỨ CỦA MẦU NHIỆM THÁNH THỂ
Chúng ta bắt đầu với một vài suy tư về thuật ngữ “Mầu Nhiệm Thánh Thể” được sử dụng trong số thứ nhất của Luật Sống.
Mầu Nhiệm Thánh Thể
Theo các bản văn của trường phái Phaolô, “mầu nhiệm” tiên thiên và trổi vượt tất cả là ý định cứu độ của Thiên Chúa được biểu lộ trong Con của Người, Đức Giêsu Kitô (x. Rm 16,25 tt).
Ân huệ của Thần Khí phát xuất từ Mầu Nhiệm Vượt Qua – cuộc khổ nạn, sự chết, và phục sinh của Đức Chúa; Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa là sự cô đọng của toàn bộ công cuộc cứu độ thành một biến cố trọng tâm được thánh Gioan, tác giả sách Tin Mừng, gọi là “giờ của Đức Giêsu” (Ga 13,1).
Đây thực sự là thời khắc biến đổi của lịch sử chúng ta, là giai đoạn quyết định trong khi Nước Thiên Chúa xuất hiện.
Giáo Hội được kêu gọi đi vào hiện hữu như một dân tộc Phục Sinh, và do đó, ơn gọi của Giáo Hội là trở nên chứng nhân cho mầu nhiệm Phục Sinh, và làm chứng tá cho sức mạnh của mầu nhiệm này (x. LG 1). Thông qua các hành động nghi lễ biểu tượng và các bí tích, Giáo Hội lưu truyền sự sống cuả Thần Khí vốn được rao giảng trong giáo huấn của các Tông Đồ [kerygma], được trình bày trong giáo lý của Giáo Hội, và được diễn trong tình huynh đệ và phục vụ.
Thánh Thể là “nguồn mạch và chóp đỉnh” (LG 11) của đời sống Giáo Hội bởi vì mối tương quan cốt tủy của Giáo Hội với Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa. Các khía cạnh khác cuả đời sống Giáo Hội như là một cộng đoàn được khai sinh bởi đức tin, bởi đời sống phụng vụ và tình yêu phục vụ đã trở nên hiển nhiên trong Thánh Thể, Mầu Nhiệm Vượt Qua. Một cách tương tự, cùng đích của lịch sử và đối tượng của niềm hy vọng của lịch sử có trong Mầu Nhiệm Thánh Thể.
Khi nói về “Mầu Nhiệm Thánh Thể”, Luật Sống hướng chúng ta chú ý đến sự hiện diện và hoạt động thực sự của Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa trong nghi lễ Thánh Thể. Chính trong nghi lễ Thánh Thể này, Mầu Nhiệm Vượt Qua đang diễn tiến như thể chính Chúa liên kết với Thân Mình Giáo Hội của Người bằng sức sống viên mãn của Thánh Thần của Chúa, chính Chúa dưỡng nuôi Giáo Hội bằng Mình và Máu của Người.
Do đó, việc tiếp cận với bí tích được lưu trữ cũng phải đưa dẫn chúng ta trở lại với thực tại cốt tủy này (LS 21). Bởi lẽ, Thánh Thể hiện hữu là để cho Giáo Hội có thể kết hợp nên một với mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa, là để cho Giáo Hội, nói như Thánh Irênê, không còn “son sẻ và tủi hổ”.
Cũng theo tư tưởng của Thánh Irênê, Thánh Thể được trối lại cho chúng ta là để mang lại cho cuộc đời của chúng ta một khuôn mẫu chắc chắn. Chính vì thế, chúng ta hãy xem xét những gì Luật Sống có ý muốn nói với chúng ta, trong khi gọi mời chúng ta “sống sung mãn mầu nhiệm Thánh Thể”, ngõ hầu chúng ta có thể trở thành những chứng nhân cho quyền năng của Thánh Thể (LS 21).
1. Chứng Nhân Của Mầu Nhiệm Thánh Thể
Như được diễn tả trong số thứ ba của Luật Sống, việc sống mầu nhiệm Thánh Thể có nghĩa là “kín múc sức sống từ Bánh được trao ban để cho thế gian được sống” (x. Ga 6,51). Chúng ta hãy bắt đầu từ đó.
a. Sống nhờ Bánh được ban tặng cho thế gian
Bản văn thúc đẩy chúng ta đi vào trọng tâm của Tin Mừng Gioan, một bản văn được Thánh Sáng Lập của chúng ta yêu thích.
Đức Giêsu chính là Bánh mà Thiên Chúa Cha tặng ban. Trọn vẹn sự hiện hữu của Người là vì và cho chúng ta. Đức Giêsu là nguồn dinh dưỡng của chúng ta dưới hình dạng của lời khôn ngoan, man-na, và thịt máu được trao ban.
Luật Sống mời gọi chúng ta “đến với” Người (x. Ga 6,35-37), ngõ hầu chúng ta có thể kín múc sức sống từ nơi Người.
Sự tiếp xúc đầu tiên của chúng ta với Chúa phải nhờ qua Thánh Kinh.
Nói khác đi, từ nơi Thánh Thể, chúng ta khám phá ra lời mời gọi thông chia sự sống và sứ mạng của chính Đức Kitô, và ân sủng của Thánh Thần, từ đó chúng ta sống như Đức Kitô trong cùng một tinh thần yêu mến (LS 28).
b. Tinh thần cho đi chính mình [tự hiến]
Theo nhãn quan của Thánh Eymard, tình yêu là trọng tâm của mầu nhiệm Thánh Thể, và tình yêu đó được diễn tả cụ thể qua hành động hoàn toàn tự hiến chính mình.
Căn cứ vào số 3 của Hiến Pháp, Luật Sống (LS 4) trình bày ý tưởng nêu trên bằng những lời lẽ tích cực. Sống Thánh Thể có nghĩa là đi vào thái độ của Đức Giêsu trong Bữa Ăn Tối.Trong Thánh Thần, việc tự hiến chính thân mình của Đức Giêsu trở thành một “không gian”, ở đó chúng ta học được một lối sống đượm tinh thần cho đi chính mình [tự hiến].
“[…] Thông phần vào việc Người tự hiến mình cho chúng ta, chúng ta dấn thân phục vụ Nước Trời, thể hiện lời Thánh Tông Đồ: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. (Gl 2,20)”.” (LS 4).
Thánh Phụ Eymard đã mong muốn Nhà Dòng của người trở thành một học đường về đời sống Thánh Thể, thành một nơi mà ở đó chúng ta chắc chắn sẽ học để “đọc” được Thánh Thể, và để thực hành các bài học của Thánh Thể, ngõ hầu chúng ta có thể dạy người khác về Thánh Thể.
Thật là hạnh phúc khi mà nhiều dấu hiệu cho thấy rằng ngày càng có nhiều tu sĩ của chúng ta nhìn nhận ra giá trị chính đáng trong tư tưởng của Thánh Phụ Eymard. Học biết về Thánh Thể là sứ mạng trọng tâm của chúng ta, chứ không phải là điều gì đó thuộc về tri thức cá nhân riêng lẻ.
c. Một cộng đoàn cầu nguyện
Nỗ lực để hình thành nên một cộng đoàn cầu nguyện đòi hỏi phải có thời gian và một bầu khí thích hợp.
Việc thực hành thông lệ đời sống cầu nguyện chung sẽ tạo nên sự bao bọc an toàn cho kinh nghiệm về cộng đoàn cầu nguyện. Theo Luật Sống, điều này ám chỉ chủ yếu về Thánh Thể và Lời Kinh của Giáo Hội (LS 22-24).
Trong nhiều cộng đoàn, Phụng Vụ Giờ Kinh được cử hành cùng với dân chúng. Thực hành này được khuyến khích. Bởi lẽ, Phụng vụ Giờ Kinh tự bản chất là lời nguyện cầu của toàn dân, thay vì chỉ là của hàng giáo sỹ hay của các đan sỹ; do đó, việc cử hành Kinh Phụng Vụ với dân chúng rất được cổ vũ.
Cộng đoàn tu sĩ chúng ta cần những khoảnh khắc như thế cho chính mình, ở đó cộng đoàn có thể làm cho nền tảng đức tin của tình bằng hữu trở nên rõ ràng trong lời cầu nguyện. Cụ thể, việc cử hành Thánh Thể ngày qua ngày cần được cảm nghiệm như là trọng tâm của đời sống cộng đoàn (LS 21). Bởi vì, “toàn bộ sự giáo dục về tinh thần cộng đoàn bắt nguồn từ đây” (PO 6).
Tôi biết rằng cầu nguyện chung của chúng ta không là điều dễ dàng cho tất cả anh em. Có nhiều lý cho vấn đề này. Những việc làm theo luật trong quá khứ chưa hoàn toàn thắng lợi. Những phản ứng chống lại những công việc đó cũng không đưa ra một giải pháp tích cực. Đôi khi những khó khăn cá nhân trong đức tin cũng là một nguyên nhân.
Tuy nhiên, trong kinh nghiệm của tôi, những khó khăn này có thể khắc phục. Đôi khi chúng ta có lẽ sẽ phải xét lại những giả thuyết hoặc kiến nghị vô thức của chúng ta. Ví dụ, tôi có sẵn sàng để cho những hình thức cầu nguyện do Giáo Hội ban hành chất chứa nhiều sự phong phú hơn là những gì mà tôi biết không? Tôi có được chuẩn bị để dành thời giờ và sự cố gắng cần thiết cho việc khám phá ra sự phong phú này chưa?
Chắc chắn, thực hành tốt việc cầu nguyện chung sẽ tạo ra một không gian tốt, thúc đẩy sự phát triển của việc cầu nguyện riêng.
d. Cầu nguyện riêng: đòi hỏi quá nhiều chăng?
Luật Sống rất rõ ràng trong vấn đề cầu nguyện riêng của chúng ta.
“… trung thành với truyền thống được lãnh nhận từ Đấng Sáng Lập, chúng ta cầu nguyện mỗi ngày, ít là một giờ, trước Thánh Thể” (LS 29).
Một số người nói với tôi rằng họ cảm thấy điều này là một đòi hỏi có tính ra lệnh và thậm chí phi thực tiễn đối với bối cảnh văn hóa náo động của chúng ta, trong bối cảnh văn hóa đó, nhiều người ngày nay gặp không ít những khó khăn trong việc cầu nguyện thầm lặng.
Tuy nhhiên, tôi tin rằng những đòi hỏi mà Luật Sống đưa ra ở đây lại là những điều bổ ích cho tất cả chúng ta.
Vì một lẽ này là, người ta hẳn đã không đề cập đến những ảnh hưởng xấu hay những tác hại trên chúng ta, mà nguyên nhân đặc biệt đến từ phương tiện truyền thông điện tử là sự căng thẳng, sự lo lắng, sự biến động của nhịp điệu xã hội ngày nay, sự tăng gấp các động lực của hành động hay cảm xúc.
Hầu hết chúng ta cần học cách trở nên khoang thai, chậm rãi. Chúng ta cần dành thời gian để cho phép sự tổng hợp hay thích ứng, sự trưởng thành nội tâm diễn ra.
Tôi rất lấy làm cảm kích về điều này là, chúng ta chắc hẳn đã giải quyết nhiều vấn đề phát xuất từ các mối tương quan cá nhân của chúng ta, và một cách đối phó tuyệt vời hơn cả là chúng ta đã cho mình có thời gian để đem tất cả những rắc rối đó vào trong cuộc trò chuyện với Chúa trong bí tích Vượt Qua của Người. Về điều này, đời sống cộng đoàn của chúng ta phải quán quân hơn cả.
Tuy nhiên, vấn nạn còn đi sâu xa hơn nữa. Bởi vì Luật Sống mời gọi chúng ta dành sự ưu tiên cho việc cầu nguyện riêng trước Thánh Thể, cho nên, điều này [việc cầu nguyện trước Thánh Thể] là “một phần của sứ vụ của chúng ta” (LS 29).
Một xác tín như thế có ý nghĩa gì?
e. Đảm nhận sự tổn thất của thập giá
Tôi đã gián tiếp đưa ra câu trả lời khi nói về Dòng chúng ta như là một trường học về đời sống Thánh Thể. Nếu sứ vụ kêu gọi chúng ta “đưa ra một chứng từ rõ ràng hơn nữa về sự sống của Đức Kitô [Christ-life] tuôn trào từ bí tích Thánh Thể” (LS 21), chúng ta sẽ dường như không thể đáp ứng đòi hỏi đó khi mà chúng ta không có sự thân mật gần gũi với mầu nhiệm Thánh Thể, nhờ qua việc chiêm niệm liên lỉ và tinh thần mở ra với sức hút của mầu nhiệm Thánh Thể.
Đến đây, chúng ta đang đứng ở trọng điểm sống động của chúng ta. Với sự nghiêm túc sâu sắc, chúng ta biết được điều mà Đấng Sáng Lập tìm kiếm, đó là, “học kinh nghiệm của người” trong cầu nguyện.
Hơn nữa, nếu Thánh Thể thực sự là trung tâm của đời sống Kitô hữu như chúng ta đã nói, thì việc cầu nguyện trước Thánh Thể chắc chắn sẽ cuốn hút chúng ta đi vào cốt lõi của Tin Mừng. Trong luồng ánh sáng này, tôi muốn mời gọi anh em suy gẫm bản văn sau đây:
Ăn Thánh Thể trong Thần Khí (Ga 6,63) là một ẩn dụ sống động khớp với đức tin; ăn Thánh Thể được diễn tả cách biểu tượng, và hàm chứa điều cay đắng này là ăn sự tủi hổ của Đức Kitô, đó là đức tin. Đức tin ư? Ăn Thánh Thể là “nhai”, là “ngấu nghiếng” (theo nguyên ngữ Hy-lạp: trogein trong Ga 6,54), là nghiền ngẫm ngày lại ngày để đảm nhận vào thân xác chúng ta sự ô nhục khó mà chịu đựng của Thiên Chúa bị đóng đinh trên thập giá vì sự sống của thế gian.[1]
Cũng dựa vào Tin Mừng Thứ Tư, tác giả bản văn trên còn thêm rằng:
Gio-an chẳng bao giờ nói về phép rửa hay về Thánh Thể; thánh nhân nói về đức tin của người tự bên trong việc cử hành thánh tẩy và Thánh Thể của Giáo Hội. Gio-an nói với các tín hữu rằng ‘anh em không còn nơi nào khác để tin cậy hơn là các chứng nhân này’. Bởi vì chính trong những cử hành này của Giáo Hội mà đức tin được tạo thành. Chính nơi đó, trong những dấu chỉ được sống trong Thần Khí, anh em tái diễn chương trình nhập thể cứu chuộc của Con Thiên Chúa, chương trình mà anh em được kêu gọi để sống mỗi ngày.[2]
Luật Sống trình bày vấn đề trên đơn giản hơn: “Chúng ta nội tâm hóa việc cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua của Chúa bằng lời cầu nguyện có sức làm cho toàn bộ đời sống chúng ta trở thành sự nối dài của Thánh Thể.” (LS 28)
f. Tôn thờ [chầu] Thánh Thể: một không gian cho sự diệu kỳ
Tham chiếu về giá trị truyền thống của chúng ta đối với việc tôn thờ [chầu] Thánh Thể trong Luật Sống đã phê chuẩn thì minh bạch và cụ thể hơn so với các bản văn cũ trước đó. Được diễn giải trong các viễn tượng Tân Ước và phụng vụ, cho nên khái niệm tôn thờ hay chầu Thánh Thể sẽ dẫn đưa chúng ta vào chiều sâu của mầu nhiệm đang hiện diện trong Thánh Thể.
Luật Sống mời gọi chúng ta “chào đón” Chúa Giêsu đang hiện diện trong Thánh Thể, bằng một thái độ đón tiếp như đã được diễn tả trong Tin Mừng Gioan (x. Ga 1,12). Việc cầu nguyện chiêm nghiệm của chúng ta thúc đẩy chúng ta tới ý thức mở ra trước mầu nhiệm thần linh; tới sự sẵn sàng cảm mến mầu nhiệm thần linh, và để cho sự kỳ diệu triển nở trong chúng ta khi chúng ta đang tìm cách để phân định các đặc tính của tình yêu được biểu lộ trong “giờ” của Đức Giêsu.
Đối với một thời đại mà chủ nghĩa cái tôi đang lên ngôi, một thời đại khép kín trong sự chủ quan ích kỷ, thì điều quan trọng hơn cả là học cho biết sự quên mình, quên tư lợi nhờ việc tôn thờ đích thực.
Chính thái độ cầu nguyện tôn thờ này mang lại cho những cử hành Thánh Thể của chúng ta sự sâu sắc và chân thật hơn. Nếu chúng ta phát huy điều kỳ diệu và những lời ca khen chúc tụng về kỳ công ấy trong tâm hồn mình, thì chúng ta sẽ được ủy thác hơn nữa trách nhiệm dẫn dắt người khác trong cầu nguyện.
Đây là điểm quan trọng. Đôi khi chúng ta cử hành Thánh Thể trong tinh thần rập khuông mà chẳng liên lụy gì đến đời sống. Ở những lúc khác, chúng ta cử hành Thánh Thể chủ yếu nhắm tới lợi ích riêng và sự hiểu biết riêng về nhiệm vụ lịch sử của cộng đoàn phụng vụ trong thế giới đến độ không còn chỗ cho việc suy tôn kỳ công của mầu nhiệm thần linh đang hiện diện giữa cộng đoàn tụ họp.
Chúng ta cũng không quên một đặc điểm khác, đó là chứng tá bên ngoài. Bởi vì, sự hiện diện của một ai đó đang cầu nguyện trước Thánh Thể trong nhà tạm, ít là ở những nhà thờ có dân chúng hay lui tới, sẽ là một dấu chứng và là một sự động viên cho những người khác. Chứng tá bề ngoài ấy sẽ làm cho người khác chú ý đến sự trung tín của Chúa, Đấng đang hiện diện trong quà tặng Thánh Thể, bí tích của Thân Mình phục sinh của Chúa, làm nguồn dinh dưỡng cho dân Người.
Trong lúc mệt mỏi vì những cuộc chuyện trò, nhưng để ý đến những dấu chỉ hiển nhiên, một sự hiện diện thầm lặng như thế có tiếng nói rất mạnh mẽ.
g. Một ân huệ được chia sẻ và phát triển với nhau
Khi nói chuyện với nhiều người trong anh em, tôi nhận ra rằng việc cầu nguyện riêng hoặc chầu Thánh Thể vẫn còn là điều hay được bàn hỏi tới. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, chúng ta tốt hơn nên tập trung vào việc cầu nguyện hoặc chầu Thánh Thể như là một kinh nghiệm, thay vì coi đó như là “vấn đề rắc rối”.
Luật Sống đưa ra một đề nghị như sau mà chúng ta đọc thấy trong số 34, đó là, “chúng ta sẽ giúp nhau để làm triển nở ân huệ quý báu mà ‘Thánh Thần linh hứng và tăng cường trong tâm hồn khiêm hạ và ngay thẳng'” (Hiến Pháp, số 17). Sự chia sẻ kinh nghiệm cá nhân về việc cầu nguyện, về những lợi ích và khó khăn trong cầu nguyện sẽ rất là hữu ích. Bởi vì chúng ta thường hay bị mắc bẩy duy lý luận về cầu nguyện, do đó chúng ta né tránh đối diện các vấn đề thực tiễn.
Để kết luận vấn đề, Luật Sống nghiêm túc trình bày về cầu nguyện riêng trước Thánh Thể. Luật Sống rất cẩn tắc không phải để trình bày việc cầu nguyện trước Thánh Thể như là lợi ích độc lập hay thành tích cá nhân. Luật Sống cũng chẳng cổ suý trong chúng ta tinh thần của người Pharisêu, coi mình là công chính khi chúng ta đã “hoàn thành bổn phận chầu Thánh Thể”.
Thay vì vậy, thực hành cầu nguyện hằng ngày hướng đến sự hình thành một bầu không khí mà ở đó chúng ta sống những gì chúng ta làm, như thể sống với Chúa Giêsu vậy (LS 28). Trong phân tích cuối cùng, Luật Sống cho thấy rằng tận căn của cầu nguyện là Tin Mừng, là sự khiêm hạ phục vụ tha nhân.
“Bằng lối sống phục vụ theo Tin Mừng, chúng ta trở thành những người tôn thờ trong tinh thần và chân lý; những người Chúa Cha tìm kiếm” (LS 28).
h. Tự do và liên đới
Luật Sống nêu bật hai đặc tính của ân sủng cứu độ hàm chứa trong Thánh Thể: đó là ơn giải thoát khỏi sự ràng buộc của tội lỗi và ơn gia nhập vào đời sống mới trong Thần Khí.
Cử hành Thánh Thể, chúng ta đạt tới sự tự do và ơn giải thoát vốn có trong bí tích này (LS 25).
Càng hiểu được những gì chúng ta đang cử hành tại bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta càng có khả năng từ bỏ tất cả và đi theo Đức Giêsu (LS 15). Cái tôi Kitô lớn lên trong chúng ta, và những mặt nạ của cái tôi phàm hèn bị lộ ra; chẳng hạn như sự bám víu tiền của, hoặc vật chất hoặc tinh thần (LS 17), sự hưởng thụ ích kỷ (LS 16), tính tự kiêu tự đại (LS 18).
Trong viễn cảnh này, Thánh Thể dẫn chúng ta đi vào cuộc tiếp xúc với mầu nhiệm của Đức Kitô, và sẽ mở mắt của chúng ta để chúng ta nhận dạng tội lỗi đang có mặt trong sự ích kỷ của chúng ta, trong sự vô cảm, trong sự dan díu với những việc làm gian ác, đặc biệt trong sự bất công đối với những kẻ yếu thế (LS 25).
Tương tự, Thần Khí của Chúa dẫn dắt chúng ta, những con người của mầu nhiệm Phục Sinh, tới việc cảm nếm sự tự do hoàn toàn của Chúa Giêsu vì Nước Trời (LS 16), tới việc Chúa Giêsu thi hành thánh ý Chúa Cha vì tình yêu (LS 19).
Như thế, cái tôi ích kỷ của chúng ta không còn làm chủ cuộc đời chúng ta nữa, và thay vào đó, Thần Khí của Chúa hằng tác động mạnh mẽ trên chúng ta (LS 26).
Sự tự do này được diễn tả bằng ý chí sẵn sàng từ bỏ chính mình [tự hiến], phục vụ cho kế hoạch của Chúa hơn là của riêng chúng ta.
Sự tự do này được chứng thực bằng khát vọng chia sẻ giữa chúng ta với nhau và với những người khác.
Sự tự do này đặc biệt được biểu lộ trong tình liên đới của chúng ta. Bởi vì, Tin Mừng đã phá đổ mọi bức tường ngăn cách do con người tạo nên và mọi chia rẽ giai cấp đầy ích kỷ (LS 8; x. Cl 3,9-11; Gl 3, 27-28). Tự do này được diễn tả trên hết như một chất men rất hiệu quả trong tình liên đới của chúng ta với tất cả những người cách này hay cách khác bị tước đoạt khỏi mọi quyền lợi và nhân phẩm. Khi những người nghèo, những người yếu thế, những người bị lãng quên, những người bị thương tích, và những người đau khổ được chúng ta đón nhận như những người anh chị em, chúng ta có thể cam đoan rằng khi bẻ Bánh Thánh, chính là lúc chúng ta ăn Bữa Tối của Chúa (x. 1Cor 11,20).
Một cách diễn đạt khác nữa về sự mới mẽ và về hoa quả của mầu nhiệm Phục Sinh được cử hành trong Lễ Bẻ Bánh, đó là tình liên đới sâu sắc và hiệu quả, sự cảm thông và tình bằng hữu đối với những người khổ đau và bị đối xử bất công; bởi vì, những gì chúng ta là, và những gì chúng ta được thúc đẩy để làm vì một thế giới liêm chính và huynh đệ hơn (LS 37).
Đời sống chứng nhân của chúng ta, một cách diễn tả sức sống của Thần Khí, một ân sủng được trao ban qua cộng đoàn, là cách thức căn bản nhất để chúng ta công bố ý nghĩa của mầu nhiệm Thánh Thể (LS 37).
Đời sống chứng tá của chúng ta là bảo chứng về tính trung thực của những việc chúng ta làm, và là đóng góp cụ thể trước nhất mà chúng ta được kêu gọi thực hiện cho Giáo Hội địa phương (LS 35).
Dĩ nhiên, sứ mạng của chúng ta không dừng lại ở đó. Chúng ta được mời gọi phát huy các hoạt động tông đồ, ngõ hầu Thánh Thể được người ta nhận biết hơn, được người ta cử hành và sống cách hiệu quả hơn (LS 35).
Vì chưng, “một đời sống chiêm niệm thuần túy không thôi thì không thể là một đời sống Thánh Thể trọn hảo được; một lò lửa cần phải có những ánh lửa” (Eymard, Letters, 1/5/1861).
Bên cạnh đó, chúng ta cũng được kêu gọi để trở thành những ngôn sứ của Thánh Thể.
2. Các Ngôn Sứ Của Thánh Thể
Tất cả các công việc mục vụ trong Dòng của chúng ta có một mục tiêu trỗi vượt trên hết. Thánh Thể chắc chắn là trung tâm và là cốt tuỷ của các cộng đoàn Kitô hữu nơi chúng ta sinh sống và làm việc.
Một khi các tín hữu nắm bắt một cách chính xác ý nghĩa và tầm quan trọng của Thánh Thể, thì lúc đó, bí tích Thánh Thể trở thành công cụ của vương quyền hay chủ quyền của Đức Kitô, và là vinh quang của Thiên Chúa, là tình yêu được tỏ bày trong mầu nhiệm Thập Giá và trở nên hữu hình trong thế giới này nhờ qua lối sống của cộng đoàn Kitô hữu (LS 1).
Chúng ta cùng xem qua tất cả những gì có liên hệ nhằm đảm bảo rằng Thánh Thể phải ở vị trí trung tâm [hoặc Thánh Thể phải là trung tâm].
a. Thánh Thể là trung tâm của cộng đoàn
Như từ đầu tôi đã lưu ý, Luật Sống đặt để sứ vụ của chúng ta trong sứ vụ của Giáo Hội. Dấn thân thi hành sứ vụ xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô (LS 3), chúng ta hoạt động theo chương trình mục vụ của một giáo phận hay một miền, trong sự hiệp nhất mật thiết với các giám mục, các linh mục, và giáo dân (LS 35).
Chúng ta chẳng phải là những người làm thuê cuả Giáo Hội. Mặt khác, chúng ta cũng không được mời gọi để dấn thân cho sự giả dối. Bởi vì Thánh Thể không thuộc về chúng ta nhiều hơn những nhóm khác. Thánh Thể là quà tặng của Chúa cho dân của Người, và trách nhiệm trước tiên của hàng giám mục là đối với Thánh Thể.
Thánh Thể là trung tâm của đời sống cộng đoàn khi cộng đoàn để cho mọi hoạt động khác nhau của mình được hòa nhịp với sự vận hành của Nước Trời. Trong mầu nhiệm Vượt Qua, Thánh Thể ban ơn hiệp nhất trên cộng đoàn, và làm cho mục tiêu trọng tâm của đời sống Giáo Hội và của lịch sử nhân loại trở nên hiện thực trong hy lễ này.
Thánh Thể kiến tạo sự khác biệt trong đời sống cộng đoàn. Thánh Thể ảnh hưởng trên thái độ của dân chúng, và hình thành nên các phẩm chất của họ.
Tuy nhiên, nhiều lần chúng ta thấy Thánh Thể chưa là trung tâm đích thực và hiệu quả của các cộng đoàn Kitô hữu.
Từ nhãn quan này, lúc này chúng ta thấy được đâu là ý nghĩa của sứ mạng ngôn sứ của chúng ta.
b. Một sứ mạng ngôn sứ
Cội rễ của sứ mạng ngôn sứ là kinh nghiệm ban đầu về tình yêu của Thiên Chúa, đồng thời là lòng nhiệt thành cháy bỏng đối với giao ước của Người. Luật Sống kêu mời chúng ta làm cho kinh nghiệm của Đấng Sáng Lập trở nên hiện thực trong chúng ta, khám phá năng lực mới mẻ và hùng vĩ và luôn mở ra của mầu nhiệm Thánh Thể, vì sự canh tân của Giáo Hội và xã hội (LS 33).
Nỗi khổ tâm hằng giày vò trong Đấng Sáng Lập do sự thờ ơ hoặc do sự bóp méo mối tương quan giao ước cũng là một kích thích tố được thêm vào trong hành động của ngôn sứ.
Sứ mạng ngôn sứ có hai đặc tính. Ngôn sứ nhắc nhớ cộng đoàn về nguồn gốc của họ, và ngôn sứ giúp cộng đoàn lý giải các dấu chỉ của thời đại.
Chúng ta hãy tìm hiểu sứ mạng của chúng ta theo hai đặc tính trên.
c. Nhắc nhớ về nguồn cội
Ngôn sứ tái đánh thức ký ức người dân. Ngôn sứ nhắc nhớ người dân về cội nguồn của đời sống của họ. Ngôn sứ một lần nữa lôi cuốn dân chúng chú ý đến kinh nghiệm mà ở đó họ trở thành một dân và khám phá ra căn tính của họ.
Làm như thế, ngôn sứ giúp dân chúng sống lại các truyền thống của họ. Ngôn sứ kêu gọi dân chúng ghi nhớ, tái cứu xét và tái thích ứng các truyền thống của họ.
Giáo Hội đang tích trữ một kho tàng phong phú về kinh nghiệm và về hiểu biết đối với Thánh Thể qua các thời đại. Chúng ta cũng được mời gọi tích trữ một kho tàng như thế trong cộng đoàn của chúng ta theo một phương pháp đào sâu và quảng bá rộng rãi lối sống đương đại của chúng ta về mầu nhiệm này (LS 36). Vì điều này, chúng ta một cách khẩn thiết cần phải có những chuyên gia giỏi đặc biệt trong lĩnh vực thánh kinh và phụng vụ.
Việc gợi nhớ về nguồn cội thường hay gặp phải sự đối kháng. Bởi vì sự việc này có thể đánh đố hay tạo ra một sự chấp thuận chậm chạp và sự thoả thuận sau những bất đồng mang lại cho chúng ta sự nổ lực chẳng mấy hài lòng.
Sự việc này cũng có khuynh hướng đánh đố những quan điểm mạnh mẽ, hoặc hữu ý hoặc vô tình, đặt Thánh Thể ra bên ngoài vị trí trung tâm của đời sống. Trong cộng đoàn cũng có khuynh hướng nhẹ nhàng hơn ủng hộ việc cử hành Thánh Thể như là trung tâm thứ yếu so với những trung tâm lợi ích khác.
Những quan tâm của cộng đoàn về mặt tâm lý, xã hội hoặc tâm linh qủa thực có khi trở thành trung tâm thật, và chi phối lối cử hành Thánh Thể của cộng đoàn. Các cộng đoàn hay các nhóm rất có thể sẽ biến Thánh Thể thành công cụ để hợp thức hóa một tổ chức xã hội, hoặc để khai thác các thái độ không có trong cuộc Vượt Qua của Chúa Giêsu.
Việc tưởng nhớ Chúa Giêsu có tính chất nguy hiểm như thế, mà được xem là trọng tâm của nghi lễ Thánh Thể, một cách khẩn thiết đưa chúng ta đến khía cạnh thứ hai của sứ mạng ngôn sứ của chúng ta.
d. Đọc ra các dấu chỉ của thời đại
Ngôn sứ thì liên lụy sâu xa đến đời sống của dân chúng. Ngôn sứ như là một diễn viên sống [nhập vai với] lịch sử của dân chúng, chứ không phải là giám sát viên của lịch sử đó. Ngôn sứ nói về kinh nghiệm thực của dân chúng, và nhậy bén với những trào lưu sâu xa hơn tác động đến kinh nghiệm của dân, ngôn sứ có thể chú ý đến những thách thức phát sinh từ kinh nghiệm đó.
Luật Sống của chúng ta một cách đặc biệt khẳng định đặc tính này của sứ mạng ngôn sứ của chúng ta (LS 10). Luật Sống đòi buộc chúng ta phải tỉnh thức với các dấu chỉ mà qua đó Nước Trời được bày tỏ cho chúng ta (LS 20), với những cách thức kinh nghiệm mới mẻ (LS 42), với những cảm hứng và các nhu cầu nhân sinh (LS 3; 5).
Bởi vì ngôn sứ trực giác được hướng đi sâu xa hơn của các sự kiện, và sự tương thuộc của những sự kiện đó với Nước Trời; ngôn sứ nhận thức rõ về thái độ và lối cư xử làm cản trở sự triển nở của Nước Trời.
Dự án sứ vụ [our mission plan] cuả chúng ta là một hành động ngôn sứ, và giá trị của hành động này dần dà được nhận biết. Thích ứng với các trào lưu bên trong của thời đại, dự án sứ vụ tìm cách làm cho sứ vụ Thánh Thể thành hiện thực, và làm cho sứ vụ Thánh Thể thành một sự đáp ứng thực sự có tính sáng tạo.
Khi đối diện với những khuynh hướng hiện tại trở về với lề lối an toàn và quen thuộc, dự án sứ vụ kêu gọi chúng ta một cách kiên vững hãy gắn bó với những vấn đề của thời đại chúng ta: ý nghĩa cuộc sống, đấu tranh cho công bằng, tìm kiếm tình huynh đệ.
Tôi muốn lưu ý đến ba đặc điểm của công việc này, mà chúng hiện tại liên hệ với nhau cách đặc biệt. Tôi ám chỉ đến việc sử dụng có tính sáng tạo các lễ nghi, sự quan tâm đến “cái thật” của những cử hành phụng vụ, và việc phát huy một linh đạo Thánh Thể.
e. Sử dụng trọn vẹn các nghi lễ
Chúng ta được kêu gọi phát huy kinh nghiệm về Thánh Thể. Lời mời gọi này chắc chắn ám chỉ đến một sự dấn thân có tính sáng tạo trong việc sử dụng đầy đủ các nghi lễ, và trong việc đẩy mạnh sự phát triển hoàn hảo nhất các sứ vụ khác nhau theo phẩm trật trong cử hành phụng vụ.
Điều này có ý nói đến sự thích nghi hòa hợp theo các dấu chỉ của những phát triển tương lai trong kinh nghiệm của Giáo Hội. Các chồi non của sự phát triển tương lai đang diễn ra ở đâu?Cha Eymard vẫn là một gương mẫu nổi bật về sự nhậy bén như thế đối với các dấu chỉ mà Thánh Thần dùng để dẫn đường chỉ lối cho các tín hữu trong lúc họ tiếp xúc với Thánh Thể.
Thánh Thể mà chúng ta cử hành phản chiếu kiểu mẫu về Giáo Hội mà chúng ta là.
Nếu các cử hành phụng vụ của chúng ta nhiều lúc vẫn nặng tính giáo sỹ, và không có chỗ cho giáo dân thi hành vai trò của họ, và nếu một số sứ vụ hoàn toàn bị phớt lờ trong khi những sứ vụ khác được thi hành theo thói quen, chuyện đó nói gì về chúng ta?
Luật Sống cũng đòi hỏi rằng chúng ta cần hướng tới nhu cầu hội nhập văn hóa (LS 40). Một cách có trách nhiệm, chúng ta phải cố gắng làm cho các lễ nghi của chúng ta trở nên dễ dàng tiếp cận hơn đối với dân chúng theo văn hóa riêng của họ. Dĩ nhiên, đây không phải là vấn đề chấn chỉnh phụng vụ theo như ước muốn hoặc quan điểm chủ quan của chúng ta. Đã có sẵn những khả năng hội nhập mang tính sáng tạo hơn là những gì chúng ta biết. Đồng thời các nhà lãnh đạo Giáo Hội chắc chắn sẽ trân trọng sự cộng tác của chúng ta trong việc phổ biến xa hơn nữa các khả năng hội nhập văn hóa này.
Điều đang được cật vấn thì quan trọng hơn sự quan tâm đến trình diễn phụng vụ mỹ miều. Điều cật vấn là, dân Chúa có thực sự cử hành Thánh Thể như Giáo Hội cử hành trong một ý nghĩa trọn vẹn nhất như Vatican II mong muốn không; nói khác đi, việc dân Chúa bẻ bánh mà tưởng nhớ Đức Giêsu là kinh nghiệm đức tin nguyên thủy, trong kinh nghiệm này, tình yêu của Thiên Chúa được cử hành, và kinh nghiệm văn hóa của riêng tín hữu được củng cố nhờ sự dấn thân của đời sống Kitô hữu.
Từ đây chúng ta đi đến đặc điểm thứ hai.
f. Cử hành trong chân lý
Theo diễn tả của Luật Sống và Sắc Lệnh Phê Chuẩn, cử hành Thánh Thể “trong chân lý” có nghĩa là gì?
Tự bản chất, cử hành Thánh Thể trong chân lý có nghĩa là cộng đoàn phụng vụ tham dự vào thực tại được diễn tả và hiện thực trong nghi lễ.
Cộng đoàn cử hành phụng vụ “mắt hướng nhìn về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Hbr 12,2). Bởi vì nghi lễ phụng vụ đưa cộng đoàn đi vào tương quan thực sự với mầu nhiệm Vượt Qua, cho nên cộng đoàn mặc lấy nhãn quan hiện sinh của Đức Giêsu. Cộng đoàn được mời gọi đối diện với những vấn đề nhân sinh của họ thay vì gạc bỏ chúng sang một bên; và cộng đoàn nhìn vào những vấn đề nhân sinh của họ bằng lăng kính của Bài Giảng Trên Núi.
Cộng đoàn phụng vụ được gọi mời hướng tới sự hoán cải tận căn khi cử hành Thánh Thể theo cách thức này [trong chân lý]. Được giải thoát khỏi mọi ràng buộc khổ đau về mặt luân lý, cộng đoàn phụng vụ được thúc đẩy để đánh đổi tội lỗi và cơ cấu của nó, và đồng thời công bố niềm hy vọng cho thế giới mới bằng một đường lối đáng tin cậy (LS 37).
Chắc hẳn ngày nay khi đối diện với các vấn đề nhân sinh của chúng ta như vậy, chúng ta sẽ không tránh khỏi những hệ lụy cấp bách.
Chẳng hạn như chúng ta phải lưu tâm đến những khổ đau thầm lặng của kiếp nhân sinh. Trong các lần cử hành Thánh Thể, tiếng kêu than của người nghèo đang đói khát cơm bánh và công lý sẽ trở thành tiếng nói của chính Chúa, đang mời gọi dân của Người hãy chạnh lòng thương như Chúa (x. Mt 9,36-37), và hãy chia sẻ đời sống và sứ mạng của Chúa vì tha nhân (LS 37).
Tầm nhìn của cộng đoàn được mở ra, và không chỉ hướng đến những người vắng mặt và bị loại trừ khỏi cộng đoàn, nhưng xa hơn thế nữa. Cộng đoàn phụng vụ được thúc đẩy hướng tới tình liên đới vượt lên trên mọi rào cảng giai cấp, chủng tộc, và tôn giáo. Cộng đoàn nhìn nhận những người kiến tạo hòa bình, những người giải thoát tha nhân khỏi mọi thế lực áp bức là anh chị em. Hy vọng và khổ đau của tha nhân cũng là thành phần của hy lễ Thánh Thể mà chúng ta dâng tiến Chúa Cha (LS 25).
Danh sách liệt kê những hệ lụy tương tự như trên chắc còn dài. Mỗi người trong anh em có thể góp ý thêm.
Cũng vậy, khi Thánh Thể là “chân lý”, thì kinh nghiệm về tình huynh đệ bằng hữu một cách nào đó được cảm nghiệm, bắt nguồn từ sự hiện diện thần linh và nhân lành như đã được miêu tả thế này, “qủa thật, Thiên Chúa đang ở giữa anh chị em” (1Cr 14,25).
Để cho sự thâm sâu của kinh nghiệm về Thánh Thể trở nên cụ thể hơn nữa, chúng ta có sứ mạng rao truyền và làm lan tỏa một linh đạo đích thực về Thánh Thể.
g. Linh đạo thánh thể
Trong những lần thăm viếng đó đây trên thế giới, tôi rất cảm kích khi biết rằng có nhiều giám mục đang kỳ vọng ở chúng ta về điều này. Các vị cảm thấy có một nhu cầu, đặc biệt đối với các linh mục và nhân viên mục vụ của họ, về linh đạo Thánh Thể có tính sâu sắc và mới mẻ, mà họ tin rằng tu sĩ Thánh Thể chúng ta độc nhất vô nhị được ủy nhiệm để cung cấp một linh đạo như thế. Điều khiến tôi cảm kích là ngày nay chúng ta đang đánh giá đúng, không như vài năm trước đây, tầm quan trọng sống còn của đặc tính sứ mạng của chúng ta.
Vì không có đủ chỗ cho một đề tài lớn như vậy trong bài viết này, tôi đành chỉ tập trung vào một yếu tố cốt lõi mà thôi. Theo Sắc Lệnh Phê Chuẩn Luật Sống, cốt lõi của sứ mạng của chúng ta là giúp cho các tín hữu ứng dụng việc cử hành Thánh Thể vào trong đời sống của họ nhờ qua việc cầu nguyện tôn thờ và chiêm niệm.
Chúng ta được kêu mời liên kết với giáo dân trong việc cầu nguyện trước Thánh Thể và cổ võ một lối cầu nguyện như thế trong các cộng đoàn Kitô hữu (LS 32). Qua việc lập đi lập lại thường xuyên và đều đặn, những gì cộng đoàn phụng vụ sống như là biến cố sẽ trở nên của riêng mỗi người nhờ chuyện vãn và suy gẫm cá nhân. Những ám chỉ hay mối liên hệ của mầu nhiệm Vượt Qua có thể tác động và biến chuyển thành kinh nghiệm cá nhân của con người, và vì vậy thấm nhuần đời sống con người và làm cho đời sống con người được ngời sáng (LS 31-32).
Các nhà thờ ở trung tâm phố thị, nơi mà Mình Thánh Chúa được đặt cho người ta chầu trong nhiều giờ, đóng một vai trò quan trọng và qúy báu trong việc tổ chức cầu nguyện tôn thờ trước Thánh Thể như vậy. Khung cảnh của những lần đặt Mình Thánh Chúa và cầu nguyện tôn thờ, trong hoặc gần nơi cử hành Thánh Lễ, có khả năng hướng người ta đến một kinh nghiệm đức tin mang tính chiêm nghiệm, và một mối tương quan liên hệ ngôi vị thâm sâu hơn với Đức Kitô (LS 29-31).
Trong những xã hội mà khát vọng sự chiêm nghiệm ngày càng gia tăng, thì những không gian cầu nguyện như thế rất có ý nghĩa (LS 42). Quả thật, các thay đổi về cảm thức tâm linh và một nhịp sống bị đổi thay đã khiến cho những tiếp xúc cũ bị cật vấn. Cá nhân tôi cảm thấy rất cảm động khi mà những khó khăn đã được khắc phục. Một mô hình mới cho những trung tâm cầu nguyện trước Thánh Thể đang từ từ được hình thành.
Có nhiều điều để nói về chủ đề phổ biến linh đạo Thánh Thể; dĩ nhiên, tôi muốn hướng anh em đến một vài “chọn lựa có tính chiến lược” của chúng ta, theo tư tưởng của Đấng Sáng Lập, và đến “Thư Luân Lưu” của tôi – Roma, 07/1984, nhân dịp kỷ niệm 150 năm Cha Thánh Eymard được thụ phong linh mục (1834 – 1984).
Trong khi kết thúc những suy tư về sứ mạng của chúng ta như “những ngôn sứ của Thánh Thể”, tôi muốn nói thêm một điểm nữa.
h. Lãnh vực mục vụ và sự ưu tiên
Có lẽ một số người trong anh em cũng đang thắc mắc phải chăng những gì tôi đã nói ám chỉ rằng tất cả chúng ta đều tham gia vào những sứ vụ chuyên biệt, trong khi đó hầu hết các nguồn lực đổ dồn vào công việc mục vụ giáo xứ.
Câu trả lời vắn gọn thế này, cho dù chúng ta đang đảm nhận bất kỳ sứ vụ nào, chúng ta được mời gọi thi hành những sứ vụ đó theo quan điểm đã được trình bày trong Luật Sống.
Đồng thời, ngày nay chúng ta cũng được kêu gọi đánh giá lại các ưu tiên của chúng ta. Luật Sống mời gọi chúng ta hướng các hoạt động của chúng ta đến việc làm cho mọi người nhận biết sự phong phú và những đòi hỏi của mầu nhiệm Thánh Thể (LS 34).
Dự án sứ vụ của chúng ta được hoạch định là nhằm để hỗ trợ cho công việc đánh giá lại sự ưu tiên của chúng ta trong sứ vụ. Chúng ta đang tìm kiếm không phải một điều gì đó hẹp hòi, nhưng là một sự tận tâm tận lực cho sứ vụ như được quản diễn rõ ràng trong các số 39-45 của Luật Sống.
KẾT LUẬN
Trong khi chia sẻ với anh em những suy tư cá nhân về quan điểm của Luật Sống, tôi đã nhìn thấy mục tiêu. Mục tiêu từ những suy tư cá nhân này thúc đẩy anh em đón nhận Luật Sống làm của riêng anh em: hãy đọc, hãy nguyện gẫm, hãy thảo luận, hãy làm cho Luật Sống thành của riêng anh em. Đây là quà tặng Chúa ban cho anh em để chuyển lại cho một thế giới đang đói khát.
Chúng ta càng được “tình yêu Thiên Chúa chiếm hữu”, tình yêu đó được bày tỏ trong Thánh Thể, thì sứ vụ của chúng ta càng trở nên sống động và trở nên như Chúa muốn nó là trong Giáo Hội.
Để được như thế, mỗi ngày chúng ta, như Đức Maria, cần đón tiếp Lời Chúa đang nói với chúng ta về mầu nhiệm Thánh Thể, suy đi ngẫm lại trong lòng, và đem ra thực hành (LS 14). Tôi đã tìm cách nhấn mạnh những điểm cụ thể mà kinh nghiệm mách bảo tôi là chúng quan trọng trong thời đại này. Ở phần thứ nhất, tôi đã nhấn mạnh đến ơn gọi nên thánh của mỗi cá nhân; ơn gọi đó được sống trong tình huynh đệ đích thực và đang biểu lộ trong truyền thống Eymard.
Ở phần thứ hai, tôi đã muốn nêu bật sự hợp nhất bất khả phân chia của lối sống của chúng ta: một mặt, của tình huynh đệ và chiêm nghiệm, mặt khác, của hoạt động tông đồ. Sự hợp nhất này chúng ta cần phải khám phá, sống, và canh tân trong mầu nhiệm Thánh Thể.
Sự quan tâm trên hết của chúng ta là vì phẩm chất đời sống Thánh Thể của Giáo Hội.
Qua mầu nhiệm Thánh Thể, Đức Kitô thi hành quyền làm Chúa của Người (LS 1), kéo mọi người đến với Người (Ga 12,32), và biểu lộ vinh quang của Thiên Chúa qua cộng đoàn Kitô hữu, ngõ hầu thế gian tin (x. Ga 17).
Chư huynh Thánh Thể thân mến, chức vụ tôi tớ của chúng ta là thế đó. Xin cho chúng ta “đủ trung tín và khôn ngoan” trong sứ vụ này.
“Phúc thay cho đầy tớ nào khi chủ về mà thấy anh ta còn đang làm việc. Tôi bảo thật anh em, ông chủ sẽ đặt đầy tớ đó lên trông coi mọi tài sản của mình.” (Lc 12, 43-44).
Rôma, Mùa Phục Sinh, 1985
Tu sĩ Anthony McSweeney, S.S.S.
Bề trên Tổng quyền
CÁC TỪ VIẾT TẮT ĐƯỢC SỬ DỤNG
AA Apostolicam Actuositatem (Tông Đồ Giáo Dân)
EN Evangelii Nuntiandi (Loan Báo Tin Mừng cho Muôn Dân)
GS Gaudium et Spes (Vui Mừng và Hy Vọng)
PC Perfectae Caritatis (Đức Ái Trọn Hảo)
LG Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân)
MR Mutuae Relationes (Tương Quan [Giữa Giám Mục và Tu Sĩ])
PO Presbyterorum Ordinis (Đời Sống và Chức Vụ của Linh Mục)
RL Rule of Life (Luật Sống)
[1] L. M. Chauvet, Du Symbolique au Symbole [Tính Biểu Tượng của Biểu Tượng], p. 11.
[2] Ibid.