Hành trình cuộc sống là một cuộc tìm kiếm không ngừng cho tất cả những ai khao khát đi tìm những giá trị tốt đẹp mang lại ý nghĩa thực sự cho cuộc sống. Ẩn sau những cuộc vui, những bữa tiệc, những buổi họp mặt và tất cả những giá trị vật chất bên ngoài đều chứa đựng những giá trị tinh thần không thể mua được bằng bất cứ giá nào. Đó chính là chất dinh dưỡng giúp ta đủ sức đi tiếp cuộc hành trình dương thế. Nguồn lương thực mà tôi muốn nói đến, đó chính là Thánh Thể.
Trong cuộc sống hôm nay, với đầy đủ tiện nghi, thỏa mãn nhất cả về cái ăn lẫn cái mặc, người ta dường như không cảm thấy đói về thể lý nhiều cho bằng là đói những nhu cầu tâm linh, sự thấu hiểu nhau và tình yêu thương giữa người với người. Trong Kinh Thánh, dân Do thái sau khi chứng kiến các phép lạ Chúa hóa bánh ra nhiều, họ liền đi theo Người. Nhưng họ theo Chúa là chỉ để thỏa mãn cơn đói thể lý mà thôi. Và Chúa đã nói “các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.”(Ga 6,27). Thật vậy, thứ lương thực trường tồn ở đây chính là Thánh Thể Chúa, là nguồn lương thực dưỡng nuôi hành trình đời sống thiêng liêng người tu sỹ.
Thánh Thể- nguồn trợ lực cho đức tin.
Đến với Thánh Thể- một mầu nhiệm vượt quá sức cảm nhận của con người, người tu sỹ cần thể hiện niềm tin tuyệt đối trong mọi hoàn cảnh sống của mình. Chúng ta hay đọc trong Thánh lễ “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh.”(Mt 8,8). Câu nói của viên đại đội trưởng đã khiến Đức Giê-su phải khen ngợi về đức tin của ông. Ông đặt hết niềm tin của mình nơi Đức Giê-su khi xin Người chữa cho tên đầy tớ bị bại liệt của ông. Đây quả là một việc làm không dễ chút nào đối với viên đại đội trưởng Rô-ma. Làm thế nào để ông có thể thốt ra một câu nói thể hiện một đức tin mạnh mẽ như vậy? hay có lẽ ông đã chứng kiến các phép lạ của Đức Giê-su trước đó rồi? và với cương vị là một viên đại đội trưởng cấp cao của Rô-ma, ông lại có thể hạ thấp mình để đến xin ơn chữa lành của Đức Giê-su. Chính đức tin vững vàng đã khiến ông tin rằng Chúa có thể chữa lành cho người đầy tớ.
Đến với Thánh Thể, ta được tiếp nhận chính Mình và Máu Chúa. Đây thực sự là một nguồn lương thực cho đức tin của người tu sỹ. Mỗi ngày sống là mỗi ngày người tu sỹ phải đối mặt với những khó khăn, cám dỗ, tật xấu thì Thánh Thể mà người tu sỹ lãnh nhận sẽ làm gia tăng thêm niềm tin để họ sống mỗi ngày tin tưởng hơn và có đủ sức vượt qua những khó khăn, những chướng ngại vật trên hành trình thiêng liêng.
Người tu sỹ tin rằng chính Chúa đang ở với họ và đang ở mỗi anh chị em xung quanh mình. Chính Thánh Thể đồng hành với chúng ta qua tất cả những nẻo đường quanh co của cuộc sống. Hãy thử nghiệm lại biến cố các tông đồ khi đang trên thuyền bất chợt gặp sóng lớn và không biết phải làm sao (14,22-26). Ông Phê-rô hốt hoảng kêu lên “ Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”. Có lẽ lúc đó ông chỉ nghĩ đến mạng sống của mình mà chẳng mấy tin tưởng vào Thầy mình. Và Chúa Giê-su đã phải thốt lên “ Người đâu mà kém tin thế”. Quả vậy, nhiều lần chúng ta chưa thực sự tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa, chưa tin rằng Chúa đang hiện diện bên ta trong lúc khó khăn. Với Thánh Thể, người tu sỹ như được tiếp thêm đức tin khi mỗi ngày lãnh nhận Thánh Thể.
Thánh Thể- nguồn lương thực vĩnh cửu.
Thức ăn vật chất hằng ngày chỉ để thỏa mãn cơn đói thể xác tạm thời. Trong thời đại ngày nay, càng ngày càng xuất hiện những của ngon vật lạ, người ta không ngừng tò mò tìm kiếm cho được những thứ đó. Tuy nhiên, những khao khát đó cũng chỉ dừng lại ở nơi thân xác và rồi người ta cứ lại tìm kiếm. Đến với Thánh Thể, con người được no nê thỏa mãn hạnh phúc không phải là vì được nếm nhiều thức ăn ngon miệng, nhưng người ta được nuôi dưỡng bởi chính Mình và Máu Thánh Chúa. Khi làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa Giê-su không chỉ nhìn thấy nhu cầu đói khát thể lý của dân chúng, mà Ngài thấu nhìn tận sâu bên trong tâm hồn họ một nỗi khát khao mà họ cần lưu tâm hơn tất cả. Đó chính là Thánh Thể mà Người đã dùng cái chết và phục sinh của Người để ở mãi với chúng ta. Được bảo chứng bởi lời nói của Đức Giê-su: “Chính Tôi là bánh trường sinh, ai đến với tôi không hề phải đói; ai tin vào tôi chẳng khát bao giờ.” (Ga 6,35) hay “Tôi là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời.”(Ga 6,51), đời sống thiêng liêng của người tu sỹ như được bồi dưỡng thêm sức mạnh và hy vọng. Bình thường khi ta đưa thức ăn vào cơ thể, của ăn được đồng hóa và biến thành sự sống của ta. Nhưng trong việc rước lễ thì sự việc lại đảo ngược. Thánh Thể lại biến đổi người ăn nó ra bản thể của nó. Điều này có nghĩa là, khi ta rước lễ, không phải ta biến đổi Đức Ki-tô ra con người ta, nhưng chính Đức Ki-tô biến đổi ta ra Ngài.[1] Như vậy, đến với Thánh Thể người tu sỹ được kín múc một nguồn trợ lực vĩnh cửu và có sức biến đổi thật kỳ diệu. Hơn nữa, Thánh Phao-lô nhấn mạnh rằng tinh thần thì khỏe mạnh nhưng thể xác thì yếu đuối. Người tu sỹ không tránh khỏi những đam mê của thể xác, sắc dục danh vọng, tiền bạc. Và nếu đời sống giữa thể xác và tinh thần không được quân bình, đời sống người tu sỹ mỗi ngày sẽ trở nên mệt mỏi. Ý thức được điều đó, người tu sỹ không thể không nhớ đến Thánh Thể. Bởi lẽ chính trong Thánh Thể, Người tu sỹ tìm thấy được niềm vui và nguồn an ủi nâng đỡ cho tâm hồn[2].
Tiếp đến, Thánh Thể giúp đời sống người tu sỹ kiên trì trong mọi gian nan thử thách. Hành trình theo Chúa của người tu sỹ không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió. Có những sự việc đôi khi không theo như mong muốn của tôi, buộc tôi phải từ bỏ ý riêng. Hay có lúc tôi thất vọng vì làm việc không thành công như người khác, khiến tôi trở nên bực mình và gắt gỏng. Những lúc như thế, Thánh Thể cho tôi nguồn hy vọng, tín thác vào ơn trợ giúp của Chúa.
Cuối cùng, nguồn lương thực Thánh Thể giúp người tu sỹ học được bài học từ bỏ. Từ bỏ không chỉ hệ tại ở những của cải nhưng còn là từ bỏ những suy nghĩ, những tham sân si trong con người. Thánh Eymard nói: “Có Thánh Thể, tôi còn cần gì nữa”. Nhiều người nhìn nhận sự hơn thua nhau qua việc họ có sở hữu nhiều của cải hay không. Từ suy nghĩ đó, họ ra sức chiếm lấy cho mình thật nhiều của cải nhưng lại không biết tìm kiếm giá trị nào là cần thiết đem lại cho họ hạnh phúc đích thực.
Đối với đời sống người tu sĩ thì sao? Cha Eymard đã chọn lấy Thánh Thể là mục đích cuối cùng và trên hết những ham muốn trần gian. Cha đã nhận ra Thánh Thể là thứ lương thực lôi cuốn và hấp dẫn Cha. Từ bỏ nghe có vẻ dễ dàng, thế nhưng thực hành lại không dễ chút nào. Người ta có thể từ bỏ của cải vật chất nhưng không dễ từ bỏ những tật xấu, những ghen tuông giận hờn, những phản ứng gay gắt của cái tôi kiêu căng ngấm ngầm. Thật khó phải không? Bởi lẽ nó là bản chất của anh và của tôi. Nhưng trong niềm tin vào Thánh Thể mà người tu sỹ rước mỗi ngày, trong những giờ chầu trước Thánh Thể, người tu sỹ hy vọng Chúa là nơi ẩn náu và là trường dạy từ bỏ mỗi ngày những bất toàn bản thân. Hằng ngày Chúa vẫn mời gọi mỗi người chúng ta “ tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 12;28). Với tâm tình thiết tha kêu gọi của Chúa Giê-su, người tu sỹ hơn lúc nào hết, đến với Thánh Thể như là lương thực quan yếu trong đời thiêng liêng.
Với những chia sẻ nho nhỏ về Thánh Thể, thiết nghĩ đây là cơ hội cho tôi nhìn lại hành trình theo Chúa để thêm xác quyết hơn về căn tính của người con Chúa. Chúa vẫn ở đó, vẫn đồng hành với người tu sỹ mỗi ngày, nhưng liệu tôi đã ý thức về sự hiện diện thật sự của Ngài trong hành trình của tôi? Cảm tạ Chúa đã cho con một điểm tựa linh thiêng là Thánh Thể Ngài. Và để con mỗi ngày nghiệm ra tình yêu và sự sống thực sự đời con.
Giu-se Vũ Đình An,S.S.S