Dẫn nhập
Trong hành trình đức tin, Ki-tô hữu vẫn cử hành Thánh Thể và sống Thánh Thể mỗi ngày. Nhưng có mấy ai cảm nhận hết được ý nghĩa của Thánh Thể, để rồi biết được việc cử hành đó quan trọng như thế nào đối với đời sống đức tin của mình.
Trong Hiến Chế về Giáo Hội (Lumen Gentium), Thánh Công đồng Vaticanô II đẵ khẳng định đời sống của Ki-tô hữu không thể thiếu Thánh Thể. Bởi vì, “Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Ki-tô giáo”.[1]Vậy, tầm quan trọng và ý nghĩa của việc cử hành Thánh Thể đối với đời sống đức tin của các Ki-tô hữu như thế nào? Với suy tư và tìm hiểu, tác giả xin trình bày những ý tưởng sau.
Thánh Thể: nguồn mạch đức ái
Thánh Thể là nguồn mạch và là lương thực nuôi dưỡng đức ái của Ki-tô hữu, vì Thánh Thể đưa con người ta vào kinh nghiệm sự viên mãn của tình yêu dâng hiến mà cao điểm là mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giê-su. Đức Giê-su đã yêu thương đến tột cùng, trao ban đến tận cùng.[2] Và giờ đây, từng ngày nơi Thánh Thể, Đức Giê-su tiếp tục hiến thân cho con người. Trong Bí tích Thánh Thể, Chúa Ki-tô thúc đẩy Ki-tô hữu thực hành đức yêu thương.
Với việc rửa chân cho các môn đệ, Đức Giê-su đã để lại mẫu gương khiêm hạ về tình yêu thương phục vụ. Theo Tin mừng Gio-an, đây là một hành vi cụ thể nhất để diễn tả tình yêu tự hiến.[3] Đức Giê-su mời gọi các môn đệ hãy thực hành tình yêu thương phục vụ theo cách Người đã làm. Như thế, cách mà Đức Giê-su làm không chỉ là tấm gương, nhưng là nguyên nhân hay động lực để thúc đẩy các môn đệ của Người thực hành đức yêu thương và phục vụ.
Cử hành Thánh Thể và sống những gì Thánh Thể cử hành, nghĩa là bước vào hành trình vượt qua; thông phần vào trong dòng tình yêu tự hiến của Đức Giê-su. Hành trình ấy mời gọi người Ki-tô hữu cùng với Đức Ki-tô vượt qua mọi biên giới, mọi lo sợ để thực hành yêu thương phục vụ.[4] Nếu như tình yêu tự hiến của Đức Giê-su phản ảnh tấm gương nguyên thủy là tình yêu tự hiến của Chúa Cha, thì sứ mạng của các môn đệ cũng như Ki-tô hữu không thể đi ra ngoài quỹ đạo của tình yêu tự hiến ấy. Ý nghĩa này tiếp tục khẳng định Thánh Thể là nguồn và là nguyên lý phát xuất, thực hành tình yêu thương. Bởi vì, theo cách nói của Gio-an: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì?”[5]
Khởi đi từ nguyên lý ấy, Công đồng Vaticanô II đã khẳng định: “Các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, thông ban và nuôi dưỡng trong họ đức ái đối với Thiên Chúa và đối với loài người; nhân đức này là linh hồn của mọi hoạt động tông đồ”.[6]
Nguyên lý này cũng được đức Gio-an Phao-lô II khẳng định trong Tông thư Dominicea Cenae (Về mầu nhiệm Thánh Thế và việc phụng thờ Mình và Máu Thánh Đức Ki-tô) rằng: “Việc tôn sùng mầu nhiệm Thánh Thể là linh hồn của mọi đời sống Ki-tô hữu. Việc tôn sùng đó xuất phát từ tình thương và phục vụ tình thương, là đối tượng ơn gọi của chúng ta trong Đức Giê-su Ki-tô”.[7]
Từ những khẳng định ấy, chúng ta có thể hiểu: tất cả tình yêu của Ki-tô hữu chỉ được khởi đi và phản ảnh lại tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ trong Hy tế của Đức Giê-su. Do đó, mỗi khi cử hành Hy tế tử nạn trong Thánh lễ, chúng ta mới học biết tình yêu là gì và từ đó mới bắt đầu sứ mệnh yêu thương của mình.
Đề cập đến nguyên lý ấy cũng nhấn mạnh được Luật sống Dòng Thánh Thể rằng, việc cử hành Thánh Thể là trung tâm, là nguồn mạch và là sự gợi hứng cho đời sống và dấn thân phục vụ.[8]
Như thế, nơi Thánh Thể biểu lộ tình yêu tự hiến để từ đó người ta học cách yêu thương và thực hành yêu thương. Như một lối riêng, Thánh Thể đưa người ta vào hiệp thông sự sống với Chúa và với nhau.
Tu sĩ Gioan.B Nguyễn Văn Hường, SSS