THÁNH LỄ TỪNG BƯỚC TRONG CUỘC SỐNG
Lời Nói Đầu
Cảm hứng làm nên tác phẩm nhỏ bé này về chủ đề Thánh Lễ phát xuất từ một lời yêu cầu trước đây hồi năm 1985, lúc đó, chúng tôi cống hiến số bài về Thánh Thể cho một cử tọa các tư tế – đăng trên một tạp chí hàng tháng dành cho các linh mục. Khi loạt bài này đến với các linh mục, chủ yếu là các cha giáo phận, những người vốn bận rộn với những lo toa n mục vụ, chúng tôi nghĩ rằng tốt nhất nên giữ cho các bài báo thật ngắn gọn, tuy nhiên, vẫn cung cấp được nhiều tin tức và mang tính thách thức, đưa đến những sáng kiến thực tế, để làm cho Thánh lễ trở nên sống động ngay cả đối với những người giản dị, ít nhất thuộc về nghi lễ Latinh.
Vị sáng lập của chúng tôi, thánh Peter Julian Eymard, có lòng quý mến sâu xa đối với các linh mục, đặc biệt là các linh mục giáo phận, mà ngài vẫn gọi là “Người làm tăng bội”: những gì được trao cho các linh mục sẽ vươn tới hàng trăm người khác, thông qua thừa tác vụ mục vụ nhiệt thành của các ngài. Cùng với đặc tính này nơi vị sáng lập Dòng Thánh Thể, chúng tôi quyết định chấp nhận loạt bài này, và điều đó đưa đến mục “Phụng vụ trong sự vận động từ từ”, và hàng tháng, sẽ đề cập đến quy cách đặc trưng trong một điểm của Thánh lễ.
Vừa khi loạt bài này bắt đầu, chúng tôi mới nhận ra thậm chí càng rõ rệt hơn nữa, chủ yếu từ phúc đáp của các linh mục nơi những hoàn cảnh mục vụ khác nhau, về một nhu cầu thật sâu xa biết bao mà những bài báo này đang và có thể đáp ứng cho các linh mục. Một số vị còn đề nghị xuất bản các bài báo này dưới hình thức cuốn sách, nhờ đó, chúng có thể mang lại ích lợi không chỉ cho các linh mục, mà còn cho số giáo dân đang gia tăng, những người cũng muốn tìm biết và quan tâm đến vấn đề này.
Đấy là lý do đưa đến nỗ lực hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề của chúng tôi là: có nên giữ lại các bài báo như chúng đã xuất hiện từ lúc đầu, hay là làm lại chúng vì thêm một cử tọa không phải là-giáo sĩ. Sau khi suy nghĩ và bàn bạc, chúng tôi chọn giữ lại quy cách ban đầu, và chúng tôi hy vọng rằng nó sẽ mang lại ích lợi cho tất cả những ai tìm kiếm một đường lối sâu xa hơn và hiệu quả hơn trong việc cử hành Thánh lễ và sống theo Thánh lễ.
Chúng tôi đề nghị bạn chịu đựng những sự lập đi lập lại có thể có, đặc biệt đối với những lời đề nghị thực tế: trong một số trường hợp, chúng tôi đã để chúng lại phần nào, bởi vì sự lập đi lập lại có thể hối thúc một số người thử làm và đưa chúng vào thực hành. Chúng tôi như được thưởng công đầy đủ, nếu những trang này có thể truyền cảm hứng ngay cả đối với những sáng kiến thực tế khác, bởi vì chúng tôi tin rằng Thánh lễ là một kho tàng phong phú mà chúng ta không bao giờ có thể tận dụng hết tiềm năng của nó.
Xin Chúa Thánh Thể, Đấng đã ban phép lành cho chúng ta bằng ân sủng vĩ đại là chính bản thân Người, cũng giúp chúng ta thăm dò được những chiều sâu mang tính thách thức của Thánh lễ, và làm cho cuộc sống trần thế của chúng ta thậm chí lại càng có ý nghĩa và vui mừng hơn, trong một thế giới vẫn đang khao khát một cách tuyệt vọng về ý nghĩa và mục đích.
Ngày 1 tháng 8 năm 1987 Lễ Thánh Peter Julian Eymard
Tu sĩ Erasto Fernandez, Dòng Thánh Thể
LỜI GIỚI THIỆU ĐỐI VỚI ẤN BẢN 2
Việc cuốn sách này nhanh chóng biến mất khỏi thị trường, cùng với các bản báo cáo về vô số trường hợp các linh mục đã sử dụng những chất liệu từ tài liệu này cho hàng loạt các bài diễn giảng về Thánh lễ, đã thôi thúc chúng tôi tiến hành ấn bản lần thứ 2.
Trong khi vẫn duy trì quy cách cơ bản, chúng tôi cố gắng sắp xếp cách trình bày cho tốt hơn, bỏ qua một số phần đã được trình bày ở chỗ khác. Tương tự, dựa trên những lời phê bình xây dựng của quý độc giả, vài cải thiện đã được đưa vào, và chúng tôi hy vọng rằng ấn bản hiện nay cũng sẽ chứng tỏ là hữu ích và có lợi ngang nhau cho các linh mục cũng như cho giáo dân!
Một lần nữa, chúng tôi mong ước cám ơn tất cả những ai đã giúp đỡ trong việc chuẩn bị ấn bản lần thứ 2 này: lời cầu nguyện của chúng tôi luôn luôn là Chính Chúa Thánh Thể sẽ thành phần thưởng cho quý vị ấy bây giờ và mãi mãi.
Lễ Giáng Sinh năm 1993
Tu sĩ Erasto J. Fernandez, Dòng Thánh Thể
1. CỘNG ĐOÀN quy tụ trong Đức Kitô
“Khi nào Thánh lễ thực sự bắt đầu?” là câu hỏi đã từng được đặt ra trong một nhóm thảo luận. Những câu trả lời được sắp xếp từ Bài Ca Nhập Lễ đến khi làm Dấu Thánh Giá; nhưng hầu hết mọi người đều ngạc nhiên khi chủ tọa thông báo: “Thánh lễ bắt đầu lúc mọi người quyết định đến với nhau để cử hành tình yêu của Thiên Chúa”.
Tụ họp – một sự kiện của Kitô hữu
Tất cả chúng ta đều biết rằng hậu quả trực tiếp của tội lỗi đã là, và đang là sự chia rẽ – một sự tách biệt sâu xa và kéo dài ra khỏi Thiên Chúa, tha nhân, thế giới, và ngay cả ra khỏi chính con người thực sự của mình. Đức Giêsu đã đến với tư cách là Đấng Cứu Chuộc chính là để “quy tụ những con chiên lạc nhà Israel lại với nhau…” , sao cho sẽ “chỉ là một đàn chiên và một Chủ chiên”. “Bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3: 27-28).
Nếu quả thật Đức Kitô đã cứu chuộc chúng ta và phá vỡ tất cả những hàng rào cản, thì không còn gì tách rời hoặc tha hóa chúng ta nữa. Tuy nhiên, chẳng cần suy nghĩ nhiều để nhận ra rằng chúng ta vẫn còn bị chia rẽ: trên cơ sở màu da, đẳng cấp cùng hàng loạt những danh hiệu phân biệt và dị biệt khác nữa. Tại sao lại có tình trạng này? Lý do dường như là ít người trong chúng ta dám để cho sự chết – phục sinh cứu chuộc của Đức Kitô thay đổi thái độ của chúng ta và xua tan những nỗi sợ hãi trong chúng ta.
Một số ít người dám can đảm để cho Đức Kitô thay đổi các sự việc (trên thực tế, thế giới, thế giới của họ) ở nơi họ thì họ chính là những Kitô hữu đích thực; họ là những Kitô khác đã trải nghiệm được tình yêu cứu độ, chữa lành và hợp nhất của Thiên Chúa, như là một dũng lực mang lại sự sống. Và đó là lý do tại sao họ cùng nhau đến với Thánh lễ, để cùng với các Kitô hữu khác hiệp thông với họ trong việc công bố những kỳ công tuyệt diệu của Thiên Chúa. Chính sự việc họ đến với nhau chứng tỏ rằng họ được Đức Kitô “cứu chuộc”, thay đổi và giải thoát khỏi tội lỗi và chia rẽ.
Tuy nhiên, không phải hoàn toàn bất cứ kiểu cách đến với nhau hoặc tụ họp nào đều biểu lộ sự hiện diện và sức mạnh cứu chuộc của Đức Kitô. Mỗi buổi sáng và buổi tối, đúng là hàng ngàn người tụ tập hoặc tụ họp tại các trạm đường sắt của chúng ta để đáp tàu đi về các địa phương của họ. Nhưng đây không phải là “Kitô hữu” đang tụ tập như bất cứ người nào sẽ nói với chúng ta: vì thế, đám đông xô đẩy nhau dữ dội hòng chiếm được một chỗ ngồi gần cửa sổ, hoặc bất cứ chỗ ngồi nào. Như vậy, không phải chỉ việc đến với nhau mới có ý nghĩa, nhưng là một cuộc họp với tư cách là những anh em và chị em, với tư cách là những người được cứu chuộc.
Điểm cuối cùng này giải thích tại sao Thánh lễ luôn luôn có hiệu quả và tràn đầy hơn, khi được cử hành trong các nhóm nhỏ gồm những người quen biết nhau khá rõ, hoặc trong số những người ít nhất đã được chuẩn bị để hòa hợp với nhau và gặp gỡ nhau như là những con người. Gần như mới đây, tất cả các nhà thờ đã xây dựng đều được thiết kế để chính xác đưa đến loại tình hiệp thông này. Hành động quan trọng và chủ yếu của Thánh lễ là sự tụ họp nhân danh Đức Kitô, hãy làm điều đó khi có thể được. Ở đâu điều này không được chú tâm một cách đúng đắn, thì phần còn lại của Thánh lễ có thể trở nên nghèo nàn đáng kể.
Sau hết, Đức Giêsu đã chẳng từng nói rằng: “Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người tụ họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18: 19-20).
Tụ họp theo nghi thức
Cách thức thực hiện việc tụ họp này tại một số nơi và giữa một số người mang lại ý nghĩa đích thực của nghi thức. Chẳng hạn, tại một số vùng ở Châu Phi, những tiếng trống làng thông báo rằng mọi sự đều được bố trí để bắt đầu Thánh lễ. Sau đó, toàn thể dân làng lũ lượt kéo đến để ca hát và nhảy múa theo nhịp điệu của những tiếng trống, họ dọn đường, dọn chỗ cho phần mở đầu ở chính giữa, nơi Thánh lễ sẽ được cử hành. Khi mọi người đã đến và chọn được chỗ cho mình, Chủ tế sẽ tiếp tục với Nghi thức Nhập Lễ bằng cách hôn kính Bàn thờ, chào đón mọi người v.v…
Lại nữa, “Một cảnh êm đềm thanh thản của ngày Chúa nhật trên khắp ngôi làng ở trung tâm Halkidiki, Hy Lạp… Những cánh cửa nặng nề bây giờ mở ra để chào đón mọi người. Vị linh mục vác trên vai semanthon của ngài – một tấm ván dài khoảng 8 feet và rộng 6 inches – và cầm cái vồ bằng gỗ lên. Sự yên tĩnh của ngôi làng bỗng vang dội tiếng đập theo tiết nhịp. Cánh cửa mở ra và những đứa trẻ xuất hiện; một đám rước hình thành và ngày càng đông lúc vị mục tử trên đường đi dọc theo các con đường của ngôi làng, băng qua những ngôi nhà của dân chúng. Khi vị mục tử dẫn dắt đoàn người thuộc nhóm nhỏ của ngài đi xuống con đường chính hướng thẳng tới những cánh cửa mở rộng của ngôi nhà thờ, thì những người lớn đang lũ lượt kéo đến từ mọi phía, tham gia vào cuộc rước kiệu. Vị mục tử đang dẫn dắt đoàn dân Thiên Chúa hướng tới ngôi nhà của Thiên Chúa”
(trích dẫn từ “Thánh lễ Hôm qua và Hôm nay” của M. Basil Pennington, trang 1, Đàng Thánh Giá, New York 1981).
Bất kể phương pháp nào được sử dụng, ý tưởng cơ bản vẫn như nhau: đó là chúng ta quy tụ với tư cách là con cái Thiên Chúa khi cùng nhau đến tham dự Thánh lễ. Trong Thánh lễ, chúng ta không chỉ là những cá nhân đến đó vì một cảm nghiệm cá nhân trực tiếp đối với Thiên Chúa, giống như từng người lái xe đang đi tới trạm xăng để đổ đầy xăng vào xe hơi của họ! Chúng ta vẫn gặp gỡ Thiên Chúa một cách cá nhân, và bây giờ, chúng ta đến để chia sẻ cảm nghiệm đó với các Kitô hữu khác cùng hiệp thông với mình.
Những phương cách cụ thể
Nếu hôm nay phải đưa ra ý nghĩa đầy đủ của việc chúng ta quy tụ trong Đức Kitô, thì chúng ta cần biết thực hiện tốt hơn việc Rước kiệu (vào nhà thờ) và Ca Nhập Lễ. Đặc biệt trong các nhà thờ nhỏ bé và đông người, có thể huấn luyện giáo dân nhận thức mối hiệp thông của chúng ta trong Đức Kitô vượt lên trên và cao hơn nhu cầu hăm hở tìm kiếm một chỗ trống gần nhất. Một khi đã hiểu biết ý nghĩa của việc tụ họp là trở thành “một gia đình”, chính họ sẽ cảm thấy nhu cầu quan tâm đến những người yếu đuối và già cả, bằng cách dành cho họ chỗ ngồi thích hợp, trong khi những người khỏe mạnh và trẻ trung có thể “hy sinh bản thân”, nếu cần, vì ích lợi của người khác.
Tuy nhiên, trong khi tham gia vào đoàn rước, điều quan trọng là TẤT CẢ mọi người cùng hát với nhau. Cộng đoàn cùng nhau ca hát như vậy sẽ tạo ra hoặc nâng cao ý nghĩa của sự hiệp nhất. Để làm điều này một cách hiệu quả, một ca đoàn hoặc ít nhất một người dẫn lễ (người hướng dẫn tại micro) là quan trọng, bởi vì bản thân Chủ tế không thể thi hành vai trò của mình trong khi đang tiến rước. Rõ ràng âm nhạc và những lời ca sẽ phản ánh chủ đề của ngày hôm đó; tuy nhiên, một bài hát hùng dũng sống động, được hát một cách khá mạnh mẽ sẽ đưa Thánh lễ vào một cuộc vận hành kỳ diệu. Chắc hẳn nhiều thực hành và nỗ lực trước đó sẽ cần thiết để mang lại hiệu quả mong ước. Ở đây cũng như ở nơi khác, không gì đúng mà lại đến một cách dễ dàng đâu!
Cũng trong toàn bộ việc cử hành Thánh lễ, cần duy trì bầu khí và thái độ yêu thương, chia sẻ. Điều này có thể được thực hiện khi chia sẻ những lời cầu nguyện, ý chỉ và có lẽ ngay cả những suy niệm Kinh Thánh. Bên dưới toàn bộ việc chia sẻ này là niềm xác tín rằng tôi đã được Thiên Chúa chúc lành và ban ân sủng – cùng với tôi, các anh chị em của tôi cũng được Thiên Chúa ban ơn lành và ân sũng như vậy… và khi chia sẻ những cảm nghiệm cá nhân của mình, chúng tôi càng đào sâu niềm vui và lòng biết ơn của mình.
Kết luận
Khi cùng nhau đến trong sự hiệp nhất và yêu thương để công bố lòng nhân hậu của Thiên Chúa, khi hoàn toàn thực hiện việc này như một gia đình trong suốt Thánh lễ, thì sau đó, cộng đồng sẽ “tiến về phía trước” để sống theo sự hiệp nhất đó suốt tuần. Và một lần nữa, họ sẽ trở lại vào Chúa nhật tới để diễn tả và củng cố sự hiệp nhất của họ trong Đức Kitô, rồi lại sống theo sự hiệp nhất đó, hy vọng là với một mức độ sâu xa hơn.
Sẽ có một sự biến đổi trên toàn thế giới, nếu mỗi cộng đoàn đều đã cử hành Thánh lễ và sống Thánh lễ theo cách đó!
By Fr. Erasto J. Fernandez, sss
Nhà Xuất Bản Phaolô, Manila 2005
Lm. Giuse Trần Đình Long, sss
chuyển ngữ
Lm. Giuse Phạm Đình Ái,sss hiệu đính
2012