Thánh lễ từng bước trong cuộc sống (Phần 2)

THÁNH LỄ TỪNG BƯỚC TRONG CUỘC SỐNG

2. NGHI THỨC NHẬP LỄ:

Lưu ý đến sự hiện diện của Chúa Kitô

Trong tâm trí của hầu hết mọi người, đôi khi kể cả vị linh mục đang cử hành, Nghi thức Nhập lễ có lẽ chỉ là thủ tục hoặc thể thức được sắp xếp thể hiện một cách máy móc và nhanh chóng. Thật ra, trong hầu hết các trường hợp, Nghi thức này đã bị lu mờ do Bài Ca Nhập Lễ, nó chắc hẳn gây sự chú ý của cộng đoàn vào lúc này. Tuy nhiên, nếu “phân nửa việc khởi đầu đã thực hiện tốt”, thì Nghi thức Nhập lễ có một ý nghĩa đặc biệt.

Chào đón Đức Kitô

Chắc chắn không cần phải nhấn mạnh rằng Thánh lễ là cách quy tụ không bình thường. Như đã đề cập, đây là một sự quy tụ của dân Thiên Chúa, những người đến với nhau nhân danh Người. Và do đó, không khỏi ngạc nhiên khi Phụng vụ sẽ hướng tới việc làm cho chúng ta ý thức một cách sâu xa về sự hiện diện của Đức Kitô ngay từ đầu.

Rõ ràng, sự hiện diện của Đức Kitô ở đây, trong khung cảnh này, mặc dù vẫn đích thực, nhưng lại mang tính cách tượng trưng và tiêu biểu. Hoàn toàn cũng giống vậy, sự “hiệp thông” của chúng ta với Người bây giờ, ở thời điểm này, phải trở thành thực sự giống như sau này sẽ trở thành trong sự “hiệp thông-bằng lời” và sự hiệp thông qua bí tích (rước lễ thật)! Trong Nghi thức Nhập lễ, Đức Giêsu được giới thiệu với chúng ta theo năm cách thức:

Đức Giêsu – Ánh sáng

Những người cầm Thánh Giá và bó đuốc / cây nến dẫn đầu đoàn rước trên đường hướng tới bàn thờ. Cả hai vật dụng này đều là dấu hiệu rõ nét nói lên sự hiện diện của Đức Kitô. “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12: 32). “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng ban sự sống” (Ga 8:12). Sự hiện diện của cây Thánh giá trên bàn thờ hoặc ít nhất trong thánh điện và của những cây nến cháy sáng vẫn liên tục nhắc nhở chúng ta về Đức Giêsu, nhân vật trọng tâm trong việc cử hành Thánh lễ.

Bàn thờ

Ngay cả nếu ngày nay, bàn thờ đã biến mất vẻ tráng lệ như trong quá khứ, thì bàn thờ vẫn tiếp tục là một biểu tượng quyền năng của Đức Kitô. Bởi vì chính tại đó, Hy tế được dâng hiến; chính trên bàn thờ mà Đức Giêsu hiện diện và liên kết Thiên Chúa với con người trong “Giao ước mới và vĩnh cửu”. Bản thân Đức Giêsu là Giao ước mới và vĩnh cửu, trong ngôi vị của Người, Người kết hợp cả thiên tính lẫn nhân tính, Người hoàn toàn là Thiên Chúa và hoàn toàn là con người. Do đó, bàn thờ trở thành một biểu tượng phù hợp và là lời nhắc nhở về điều ấy. Ngoài ra, bàn thờ còn chứa đựng hài cốt của các thánh tử đạo. Các Kitô hữu không chỉ kính nhớ Đức Giêsu chịu chết -sống lại, nhưng họ còn thực sự sống biến cố đó! Một cách mạnh mẽ, điều này cũng nhắc nhở chúng ta về sự hiện diện sống động của Đức Kitô đang sống trong các vị thánh và các chứng nhân tử đạo của Người.

Ngay khi tiến tới bàn thờ, Chủ tế bái lạy hoặc hôn kính bàn thờ. Trong những dịp lễ trọng, chủ tế còn xông hương bàn thờ như là một dấu hiệu cao cả hơn về lòng tôn kính đối với Đức Kitô mà bàn thờ là biểu tượng. Đặc biệt việc xông hương phải mất thời gian (thông thường, khi cộng đoàn vẫn đang hát Ca Nhập Lễ), nhưng toàn bộ thời gian này thật hữu ích, nó lôi kéo chúng ta chú ý đến sự hiện diện của Đức Kitô một cách mạnh mẽ.

Sự hiện diện của Đức Giêsu với tư cách cá nhân

Ngay sau khi xông hương, Chủ tế di chuyển đến chiếc Ghế chủ tọa, và cùng với giáo dân làm dấu Thánh Giá (trong khi họ cũng làm như vậy). Một lần nữa, sự hiện diện mang tính cách cá nhân của Đức Kitô đối với từng người dâng lễ (tham dự) bộc lộ rõ ràng, khi chúng ta đặt tay lên trán, ngực và hai cánh tay của mình, có nghĩa là, chúng ta hoàn toàn thuộc về Đức Kitô: tâm trí, tấm lòng và thân xác. Chúng ta quy tụ lại với nhau không chỉ với tư cách cá nhân, mà còn với tư cách là Kitô hữu, và chúng ta công bố điều này ngay từ lúc khởi đầu một cách vừa tự hào vừa không hề sợ hãi.

Và trong cộng đoàn

Bây giờ, việc làm dấu Thánh Giá đã hoàn tất, Chủ tế chào mừng cộng đoàn khi cho biết rằng họ chính là dân Thiên Chúa nhờ ân huệ của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đức Giêsu vẫn dạy chúng ta: “Ở đâu có hai ba người tụ họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”. Vì thế, lời chào này đối với cộng đoàn làm cho chúng ta ý thức về sự hiện diện của Đức Ki-tô ở giữa chúng ta xét như chúng ta là một nhóm, là Nhiệm Thể của Người.

Hiện diện nơi Chủ tế

Mặc dù sự hiện diện của Đức Kitô nơi Chủ tế đánh động chúng ta trước hết, nhưng chúng ta vẫn giữ mãi ấn tượng này đến cuối cùng, bởi vì, theo một ý nghĩa nào đó, đây là phương cách sống động trong đó Đức Giêsu hiện diện. Ở một phạm vi lớn, hiệu quả của việc cử hành tùy thuộc vào Chủ tế và ngài là người thế nào. Khi chủ tế càng trong suốt đối với Đấng Toàn Năng, và càng sống chết với những nhu cầu thiêng liêng thực sự của cộng đoàn đang cử hành, thì ngài sẽ càng làm cho Thiên Chúa hiện diện một cách sống động hơn đối với họ trong Thánh lễ.

Sự hiện diện của Đức Kitô nơi Chủ tế được nổi bật khi cộng đoàn đứng lên để chào đón ngài đang đi vào trong đoàn rước. Trong những dịp trọng thể, chính Chủ tế cũng được xông hương sau khi xông hương Bàn thờ. Suốt Thánh lễ, Chủ tế sẽ hành động và phát ngôn nhân danh Đức Kitô.

Những kết luận thực tế

Từ những điều đã được nói cho đến lúc này, chúng ta có thể kết luận một cách có cơ sở rằng phần ra như vô nghĩa này của Thánh lễ, rất thường bị thi hành một cách vội vã và chiếu lệ, lại có thể mang tầm quan trọng và giá trị rất lớn. Sẽ thật là hữu ích, nếu ít nhất đôi khi, chúng ta chú ý đến một khía cạnh của Nghi thức Nhập lễ, như: có thể nhấn mạnh đến Cuộc Rước (vào nhà thờ) và Bài Ca Nhập Lễ trong ngày Chúa nhật: có thể hát một bài thánh ca nổi tiếng và sống động, và sau lời giới thiệu do một người dẫn lễ nói cách ngắn gọn, mọi người có thể chào đón Chủ tế tiến vào Nhà thờ (không nhất thiết phải long trọng như trong ngày Chúa nhật Lễ Lá, nhưng phần nào tương tự như vậy). Mục đích là bất kể thực hiện điều gì, chúng ta đều phải làm nổi bật cách thích đáng để lôi kéo sự chú tâm của cộng đoàn.

Chúng ta cũng sẽ phải làm điều gì đó để khuyến khích giáo dân đến đúng giờ, nếu họ không có ý định bỏ qua việc chuẩn bị đầy đủ ý nghĩa này. Tất nhiên, “điều gì đó” này là một chủ đề rất phức tạp, bởi vì nó liên quan đến sự hiểu biết sâu rộng hơn về cuộc sống Kitô hữu, một lối sống có tính cách năng động và cá nhân hơn, một cuộc sống với mong ước và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm đức tin của chúng ta với người khác. Một lần nữa, điều này đòi hỏi sự hiểu biết về Thánh lễ không giống như một việc bắt buộc phải hoàn thành, nhưng như là một cuộc gặp gỡ thật vui mừng và thắm thiết với Đức Giêsu bằng những phương cách khác nhau; chí ít là nơi con người của các Kitô hữu hiệp thông với chúng ta. Rõ ràng, để đạt được toàn bộ như thế, sẽ phải mất nhiều thời gian và nỗ lực; tuy nhiên, chúng ta cần bắt đầu ở đâu đó, và có lẽ Nghi thức Nhập lễ chính là điểm thuận tiện nhất để khởi đầu.

Trong một số dịp, có thể nhấn mạnh đến bàn thờ và ý nghĩa của bàn thờ – có lẽ bằng những biểu tượng đặc biệt của Đức Kitô, hoặc bằng cách sắp xếp bàn thờ ở một vị trí khác hẳn, hoặc đặt những ngọn đèn chiếu tập trung vào bàn thờ. Cũng có thể thực hiện việc tôn kính bàn thờ một cách thong thả và khoan thai hơn, với một lời chú giải nêu bật những động tác khác nhau và ý nghĩa của chúng.

Tương tự với những yếu tố khác đã được đề cập trên đây: Dấu Thánh Giá, những ngọn đèn và việc chào mừng, mỗi việc đều có thể được tiến hành một cách đầy đủ ý nghĩa hơn. Với nỗ lực cộng tác từ phía tất cả những người có liên quan – Chủ tế, người dẫn lễ, người phụ trách hoặc giúp phòng thánh, những người phục vụ bàn thờ và cộng đoàn, không có lý gì mà việc cử hành Thánh lễ lại không trở thành điều nó lẽ ra phải trở thành: đó là một cuộc gặp gỡ phong phú, đầy ân sủng với Chúa Phục Sinh đang ở giữa các tín hữu của Người. Cũng sẽ phải đi một con đường dài hướng tới việc ngăn ngừa, để Thánh lễ khỏi biến thành chỉ là một cuộc gặp nhau đặc biệt, như khuynh hướng vẫn xảy ra nơi một số Thánh lễ “hiện đại”. Việc dẫn nhập này đưa chúng ta vào sự hiệp thông với Đức Kitô cũng sẽ chuẩn bị cho chúng ta được hiệp thông có hiệu quả hơn với Người trong phần phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể.

3. THANH TẨY KHỎI TỘI LỖI CỦA CON

Điều đã từng là một thông lệ và vẫn được chấp nhận trong số hầu hết những người Công Giáo “tốt lành”, đó là không bao giờ tham dự Thánh lễ, và đặc biệt là lên Rước lễ, mà không thực hiện trước hết việc xưng tội cho nên. Mọi người đều đồng ý rằng thực hành này đang dần dần bị phai nhạt và một trong những lý do của tình trạng đó có lẽ là người ta hiểu biết rõ hơn về toàn bộ hệ thống sám hối – ngay cả việc sám hối ở trong chính Thánh lễ.

Sự thống hối cần thiết

Trong Thánh lễ, chúng ta quy tụ với nhau với tư cách là dân Thiên Chúa, và chúng ta đến đây chính xác là để đi sâu hơn vào đời sống giao ước mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Hoàn toàn giống như Dân được chọn trong Cựu Ước đã phải rời khỏi Ai Cập và lang thang qua sa mạc (trong một quá trình thanh tẩy), trước khi họ có thể lập giao ước với Thiên Chúa trên núi Sinai, bây giờ cũng vậy, trước khi lập giao ước với Chúa, chúng ta cần nhìn nhận tình trạng tội lỗi và nhu cầu của mình trước Thiên Chúa. Chúng ta cần làm cho chính bản thân nên trống rỗng – đặc biệt ở những khía cạnh tiêu cực nhất của nó qua việc cố tình ích kỷ khép mình lại, tự biến mình thành trung tâm mọi sự. Chúng ta càng loại bỏ được tình trạng này, thì càng tạo thêm “nơi chỗ” cho Thiên Chúa! Và rõ ràng, trước khi loại bỏ tình trạng ấy, chúng ta cần nhìn nhận nó nơi chính mình.

Mang tính bí tích nhưng hiệu quả

Nghi thức Sám hối trong Thánh lễ chắc hẳn không phải là một “Bí tích” theo ý nghĩa hòa giải: tuy nhiên, nghi thức này tạo cho chúng ta một kinh nghiệm xác thực về tình yêu thương xót và hòa giải của Thiên Chúa. Giáo lý Kitô giáo truyền thống luôn luôn xác nhận tính hiệu quả của các phương thế hòa giải không mang tính Bí tích như: lời cầu nguyện, ăn chay, bố thí. Ngoài ra, tự thân Thánh lễ là sự hòa giải một cách hiệu quả vì rằng Thánh lễ đặt chúng ta trong mối quan hệ đích thực với sự sống và tình yêu của Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ hòa giải cá nhân với Đấng mà chúng ta đã xúc phạm cũng là một phương cách khác. Do đó, Nghi thức Sám hối đơn giản này, thường được thực hiện chỉ trong vài phút, có thể là một bước quan trọng và có tính cách quyết định, thậm chí hướng tới việc làm cho toàn bộ Thánh lễ trở nên quyền năng!

Yếu tố chủ yếu: thay đổi tâm thức [Metanoia]

Tuy nhiên, Nghi thức Sám hối vẫn sẽ chỉ là một nghi thức trống rỗng, nếu nó không bao gồm việc “thay đổi tâm hồn” thực sự, hay nói nôm na là thay đổi thái độ. Xét cho cùng, nếu hoa quả của một cây mà xấu, đó là vì chính cây ấy bị khiếm khuyết cách này hay cách khác. Việc cắt tỉa hoa quả xấu sẽ không làm thay đổi gì, bởi lẽ trong thời gian ngắn, một số hoa quả xấu khác sẽ lại nảy sinh. Tương tự, trong Nghi thức Sám hối, khi chỉ đưa ra hoặc xem xét một số hành động “xấu” mà không đi đến thay đổi thái độ, thì chứng tỏ là không đạt hiệu quả lắm. Và thật đáng buồn, đây lại là điều thường xảy ra trong hầu hết các trường hợp, hậu quả là các Thánh lễ chỉ vừa đủ chạm nhẹ đến cuộc sống chúng ta, thậm chí trên bề mặt mà thôi!

Lại nữa, để đạt được sự thống hối hoặc thay đổi tâm thức đích thực và kéo dài, đòi hỏi một thủ tục đúng đắn. Hầu hết chúng ta đều vẫn bắt đầu thật thẳng thắn bằng cách nhìn vào những sai lầm và tội lỗi của mình, rồi sau đó, cố gắng và khơi gợi loại cảm giác hối tiếc nào đó đối với chúng. Nhưng dường như nó lại đặt toàn bộ quá trình trở lại phía trước! Điều đầu tiên mà chúng ta cần làm là NHÌN ĐẾN lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với chúng ta – một cách càng cụ thể càng tốt. Chỉ khi nào tôi “nhận ra” rằng Thiên Chúa là một nhân vật vẫn quan tâm đến TÔI một cách cá nhân và Người vẫn làm cho tôi những điều tốt đẹp, ngay cả khi tôi quay lưng lại với Người (nói cách khác, Người là Đấng yêu thương tôi vô điều kiện), nên tôi mong muốn trở lại với Người – tôi mong muốn như vậy, không phải vì điều này sẽ làm vui lòng Người, hoặc khiến cho Người tốt hơn đối với tôi, nhưng trước hết, bởi vì đó là điều tốt đẹp đối với tôi và tôi mong muốn điều này. Kiểu trở lại đó phát xuất từ tâm hồn, và bắt nguồn từ một sự nhìn nhận cá nhân; nó sẽ tự nhiên ảnh hưởng đến toàn bộ con người, và hoa quả của nó sẽ tồn tại lâu dài sau khi “hối cải”.

Nếu có thể một lần nữa xem lại câu chuyện về đứa con hoang đàng, chúng ta sẽ nhận thấy rõ rằng có nhiều động cơ trong sự hối cải của anh ta – trước hết đó không phải là tự lên án mình, nhưng là một sự nhận ra đột ngột, hoàn toàn mang tính cá nhân, rằng người cha của anh thật tốt lành biết bao, ngay cả những kẻ hầu hạ vẫn được chăm sóc tốt và được hạnh phúc trong ngôi nhà ấy thế nào. Chỉ khi đó, anh mới đi đến quyết định: “Vâng, tôi sẽ chỗi dậy và trở về với Cha tôi!”. Không lạ gì khi sự xấu hổ, nỗi sợ hãi và những cảm giác này không còn làm cho anh nản lòng nữa. Anh chỗi dậy – thành một con người mới.

Trong Thánh lễ

Dường như vấn đề ở đây là: làm thế nào để đạt được một kinh nghiệm hối cải sâu xa (và tốt nhất là lay động tâm hồn) trong một khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy. Rất thông thường, Nghi thức Sám hối thậm chí chỉ được dành cho vừa đủ một phút! Câu trả lời dường như có hai phần. Thứ nhất, trước hết hãy tạo cho cộng đoàn một cơ hội để trải nghiệm điều này một cách thư thả. Có thể thực hiện bằng cách kéo dài Nghi thức Sám hối trong một ngày Chúa nhật được chọn đặc biệt, sao cho nó chiếm khoảng 5 phút hoặc có thể 10 phút. Nếu có thể chuẩn bị ngày Chúa nhật như vậy, và đưa vào những lời hướng dẫn phù hợp v.v…, thì có thể đây là một kinh nghiệm khá hiệu quả. Hơn nữa, điều này sẽ tùy thuộc nhiều vào sáng kiến và nhiệt tâm của linh mục.

Thứ hai, sau loại kinh nghiệm này (sẽ tốt đẹp khi thỉnh thoảng lập lại nó – nghĩa là cứ mỗi 6 tháng hoặc đại khái như thế), dường như điều chủ yếu là “chuẩn bị cẩn thận” hết sức có thể đối với từng Nghi thức Sám hối trong Thánh lễ. Rõ ràng, sẽ không thể nhấn mạnh vào Nghi thức Sám hối trong từng Thánh lễ đầu. Tuy nhiên, cần phải nhận ra tầm quan trọng của nghi thức này. Phải nhìn nhận và hình dung nghi thức này như là một tóm tắt kinh nghiệm về Thiên Chúa trong tuần. Đôi khi, cần nhắc đến lòng thương xót bao la của Chúa Cha và phẩm chất cách đáp trả của chúng ta. Ở đâu cộng đoàn được giúp đỡ để dần dần phát triển một nhận thức sâu xa hơn về sự hiện diện đầy yêu thương của Thiên Chúa suốt ngày và suốt tuần, thì Nghi thức Sám hối ngắn gọn này có thể rất hữu ích và tiếp ứng sinh lực cho chúng ta.

Hơn nữa, chúng ta có thể thực hiện một nghiên cứu nhỏ về các bản kinh cầu do chính sách lễ cung cấp. Chúng ta không tìm thấy ở đâu có bất cứ lời kết án nào đối với bản thân theo sau một lời cầu xin thương xót. (Hãy đối chiếu điều này với rất nhiều lời khẩn cầu đã được thực hiện một cách tự phát, như: “Vì những lần chúng con đã lỗi phạm trong tư tưởng, lời nói và việc làm, xin Chúa thương xót chúng con!”. Nói đúng hơn, người ta nhấn mạnh vào Thiên Chúa và những phẩm tính của Người: “Chúa đã được sai đến để cứu chữa những tâm hồn thống hối, xin Chúa thương xót chúng con!”. Câu cuối cùng: “Xin Chúa hoặc xin Chúa Kitô thương xót chúng con” được coi như một lời tung hô hơn là một lời khẩn cầu xin thương tha thứ. Thật là khác biệt so với cách thức thống hối và xin tha thứ thông thường biết bao.

Kết luận

Trong phần trình bày này, chúng tôi đã đưa ra vài đề nghị phong phú và giá trị – có lẽ có quá nhiều điều để lĩnh hội và thi hành một cách đúng đắn. Tuy nhiên, điều chúng tôi cố gắng thực hiện là khuấy động tâm trí và đánh thức bản thân về khả thể của phần này (Nghi thức Sám hối) trong Thánh lễ. Xin để nó lại cho sáng kiến và sự dám nghĩ dám làm của mỗi người để nhìn thấy những điều có thể và nên làm trong một tình huống nhất định. Thánh lễ được cho là sẽ có tác động ở nơi nào Thánh lễ được khơi lên cho có tác động!

4. VINH DANH THIÊN CHÚA TRÊN TRỜI

Đối với hầu hết chúng ta, lời này nghe giống như một câu lập lại bài hát Giáng Sinh mà thánh Luca đặt trên môi miệng của các thiên thần trên trời lúc các ngài loan ra “hoan tin về niềm vui vĩ đại của họ”. Tuy nhiên, khi dành thời gian để xem xét sâu xa hơn phần này của Thánh lễ thì chắc hẳn chúng ta sẽ nhận thấy ý nghĩa của nó còn phong phú hơn nhiều, so với những gì chúng ta đã từng biết.

Tại sao Vinh danh?

Nghi thức Sám hối và Kinh Vinh Danh liên quan chặt chẽ với nhau cả về mặt thần học lẫn lịch sử. Có sự tương tự về cấu trúc, và cơ bản cả hai đều là những lời tung hô, như chúng ta sẽ thấy một lát nữa đây. Tuy nhiên, Kinh Vinh Danh khác với Kinh Thương Xót ở chỗ đây là một bài chúc tụng ngợi khen; trong khi theo thời gian, Kinh Thương Xót đã được rút ngắn và đi đến chỗ ít được coi như một lời tung hô tôn kính cho bằng là một tiếng kêu của lòng sám hối và lời khẩn cầu thương xót. Tất nhiên ban đầu, Kinh Thương Xót cũng đã từng là một lời tung hô vui mừng ca ngợi Thiên Chúa; nhưng khi kinh này mất đi nội dung đó thì người ta cảm thấy nhu cầu phải đưa điều gì đó vui tươi vào, đặc biệt trong các ngày đại lễ, và thế là dẫn đến việc đưa cả Kinh Vinh Danh vào.

Ngoài ra, một khi tự thân Kinh Thương Xót đã đạt được cách thể hiện về Chúa Ba Ngôi thì sẽ không khó gì để hiểu được hương vị về Ba Ngôi trong Kinh Vinh Danh, bởi vì kinh này đã từng được coi như là sự mở rộng của chính Kinh Thương Xót.

Cấu trúc

Như chúng tôi đã đề cập trên đây, hình thức Ba Ngôi cơ bản vẫn được giữ lại. Sau lời tung hô đầu tiên, những lời tung hô ngắn hơn đã được bổ sung vào. Do đó, đối với Chúa Cha, chúng ta có:

“Vinh Danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

– Chúng con thờ lạy Chúa. – Chúng con cảm tạ Chúa.
– Chúng con tôn vinh Chúa vì vinh quang cao cả Chúa.

Tất nhiên ở giữa, chúng ta đã đề cập một cách ngắn gọn đến những phẩm chất được gán cho Chúa Cha: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Vua trên trời, là Chúa Cha toàn năng”.

Kế tiếp đối với Chúa Con, chúng ta có một kiểu mẫu tương tự: “Lạy Con Một Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô”.

Kế đến là những đặc tính: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Chiên Thiên Chúa”; và những lời tung hô: – Chúa xóa tội trần gian: xin thương xót chúng con; – Chúa ngự bên hữu Chúa Cha: xin nhận lời chúng con cầu khấn.
Những lời tung hô này đưa đến vịnh tụng ca ba-phần hướng đến Đức Kitô:

– Chỉ có Chúa là Đấng Thánh. – Chỉ có Chúa là Chúa.
– Chỉ có Chúa là Đấng Tối Cao.
Ngay sau những lời này, là kết thúc bắt buộc về Ba Ngôi:

“Cùng Đức Chúa Thánh Thần trong vinh quang Đức Chúa Cha”.

Không cần nhiều nghiên cứu cũng thấy rằng phần được dành cho Chúa Thánh Thần là rất ngắn; tuy nhiên, cách sắp xếp này lại giống như cách sắp xếp được tìm thấy trong Kinh Tin Kính: cũng ở trong đó, phần dành cho Chúa Cha tương đối cụ thể; và phần dành cho Chúa Con khá chi tiết, trong khi phần dành cho Chúa Thánh Thần được nói rõ một cách đơn giản vào đoạn cuối.

Diễn tả thế nào?

Sau khi phân tích cấu trúc, vấn đề làm thế nào để diễn tả Kinh Vinh Danh cho rõ ràng. Mặc dù những chỉ dẫn trong Sách Lễ nói rằng: “Bất cứ khi nào theo quy định, bài tụng ca đều được hát hoặc đọc lên”, sự hiện diện của rất nhiều lời tung hô gợi ý mạnh mẽ rằng bài này phải được hát lên. Lại nữa, khá thông thường, ngay cả khi hát, bài tụng ca vẫn được dành cho Ca đoàn, có thể bởi vì bài này thường có giai điệu và cách hòa điệu phức tạp. Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ được quên rằng Kinh Vinh Danh thuộc về mọi người.

Với tư cách là Chủ tế của cộng đoàn, vị linh mục cất tiếng hát bài này, nhưng sau đó, mọi người nên hát tiếp. Thậm chí ở đây, có một khó khăn nhỏ ở chỗ vị linh mục thường chỉ cất tiếng hát được một nửa lời chào mừng của thiên thần, do đó, cắt đứt bài hát theo Kinh Thánh một cách không hẫp dẫn. Tốt hơn, đối với bất cứ ai cất tiếng hát Kinh Vinh Danh, nên hát toàn bộ phần đầu của bài tụng ca, và cộng đoàn tham gia bằng những lời tung hô sau đó.

Có lẽ phương cách tốt nhất và thực tế nhất để diễn tả bài ca này là theo phong cách đối xướng, qua đó, cộng đoàn hát điệp xướng, còn một lĩnh xướng viên hoặc ca đoàn hát những câu khác; tuy nhiên, nên cẩn thận để ngắt bài tụng ca đúng chỗ, theo như chính cấu trúc chỉ định.

Lời ca tụng đầy ý nghĩa

Ngay cả việc học hỏi ngắn về cấu trúc và nội dung như thế này vẫn có thể tạo cho chúng ta (rốt cuộc, đây chính là mục đích của chúng ta) biết ca tụng Thiên Chúa theo một cách thế sao cho ý nghĩa. Tuy nhiên, chúng ta rất thông thường chỉ liến thoắng Kinh Vinh Danh thôi (trong khi đọc hoặc thậm chí cả khi hát) mà không ngừng lại để suy nghĩ rằng chúng ta đang ở đây để ca tụng Thiên Chúa. Một cách thế để cho kinh này có ý nghĩa là đọc từng câu và cố gắng làm cho nó mang tính cách cá nhân hơn, như: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, là Vua trên trời”. Chúng ta sẽ chỉ dành cho Thiên Chúa, Vua của chúng ta, lời ca tụng và tôn vinh đích thực, khi chúng ta nỗ lực vâng lời Người, đặc biệt khi đòi hỏi chúng ta phải vâng lời; nếu không, chính chúng ta cũng có thể bị nói như Đức Giêsu đã từng nói về những người trong thời của Người: “Dân này tôn kính Ta chỉ trên môi miệng!”.

Thêm nữa, khi tung hô Đức Giêsu là Đấng “xóa tội trần gian”, chúng ta phải sẵn sàng để cho điều đó xảy ra một cách cụ thể trong cuộc sống của mình; chúng ta phải làm sao gợi lại (những) tội lỗi nào đó mà Đức Giêsu đã xóa khỏi cuộc đời mình, hoặc chí ít là tội lỗi trong quá trình xóa bỏ. Nếu chúng ta có thể chú ý đến câu này hoặc câu khác theo cách thế như vậy thì lời ca tụng của chúng ta hướng lên Thiên Chúa sẽ mang tính cá nhân hơn, và chắc hẳn sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Chúng ta có thể nói rằng người Do Thái là những chuyên gia về việc ca tụng Thiên Chúa: thậm chí họ còn có cả một hình thức kinh nguyện chúc tụng đặc biệt được gọi là “berakah”, và mỗi người Do Thái sốt sắng được yêu cầu thực hiện đến 100 berakah mỗi ngày! Chúng ta sẽ có dịp tham khảo điều này sau với nhiều chi tiết hơn khi suy niệm về Kinh Nguyện Thánh Thể, bởi vì toàn bộ Thánh lễ đều được đúc theo khuôn mẫu của kinh berakah. Lúc này, như vậy là đủ để chúng ta cảnh tỉnh mình ít nhất đối với ý nghĩa của lời chúc tụng chúng ta dâng lên Thiên Chúa trong phần đầu của Thánh lễ.

Có lẽ cách suy niệm thuyết phục nhất là thế này: nói chung, nếu cuộc sống chúng ta đầy ắp lời ca tụng thì sẽ không khó khăn cho chúng ta lắm để đi vào bài hát chúc tụng này với tất cả tâm tình, diễn ra từ đầu Thánh lễ. Khi đã được “làm ấm lên” qua bài Ca Nhập Lễ, chúng ta sẽ sẵn sàng ở trong tâm trạng bùng lên lời ca tụng đầy ý nghĩa này; và khi đã ca hát hoàn mỹ xong, chúng ta có thể trở nên sẵn sàng cho tất cả những việc tiếp theo đó : hiệp thông với Chúa bằng những cách thế khác nhau. Có lẽ lần tới, bạn hãy thử cách này khi đọc Kinh Vinh Danh!

5. HỌC CẦU NGUYỆN: Lời Nguyện Nhập Lễ

Có lẽ khía cạnh phổ biến nhất của Thánh lễ, một khía cạnh được tất cả mọi người hiểu biết và coi trọng, đó là khía cạnh cầu nguyện. Chúng ta vẫn rất thường nghe nói rằng: “Xin cầu nguyện theo những ý chỉ của tôi trong Thánh lễ này”, hoặc một lần nữa, vị linh mục loan báo cho giáo dân: “Chúng ta sẽ cầu nguyện đặc biệt theo những ý chỉ của anh chị em trong Thánh lễ này”. Do đó, dường như không còn phải hoài nghi gì nữa, Thánh lễ chính là cầu nguyện. Nhưng ai cầu nguyện?

Lời cầu nguyện của ai?

Mặc dù thừa nhận Thánh lễ chính là lời cầu nguyện, nhưng chúng ta lại rất thường cảm thấy như chỉ một mình Chủ tế cầu nguyện. Tất nhiên, chúng ta vẫn thừa nhận rằng Chủ tế cầu nguyện nhân danh cộng đoàn, nhưng bởi vì một mình Chủ tế mới thực sự đọc lời nguyện, nên thường bị coi đây là lời nguyện của vị linh mục, hoặc việc cầu nguyện ở đây là công việc của một mình ngài.

Trên thực tế, lời cầu nguyện thực sự chính là “Lời nguyện của Dân Chúa”, được biểu thị bằng lời mời gọi mà Chủ tế đưa ra từ đầu: “Chúng ta hãy cầu nguyện”. Sau đó, ngài ngắt giọng thing lặng, điều này có ngụ ý chính xác là dành lời nguyện cá nhân về phía cộng đoàn. Đặc biệt vào các Chúa nhật, nói chung người dẫn lễ cũng công bố những ý chỉ, như: “Chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban tràn đầy niềm vui cho chúng ta vì Đức Kitô đang đến”.

Khi đã dành đủ thời gian cho lời nguyện cá nhân, thì sau đó, Chủ tế “tập hợp” những lời nguyện này và dâng lên Thiên Chúa theo lối diễn đạt trong sách lễ. Tuy nhiên, lời sau cùng vẫn căn cứ vào Cộng đoàn, khi Cộng đoàn thưa AMEN. Điều này giống như chữ ký ở cuối một lá thư, chứng nhận rằng tất cả mọi điều trên đây đều xác thực và phát xuất từ người đã ký tên. Như vậy, cộng đoàn tỏ ý rằng lời cầu nguyện này chính là của họ, cho dù chỉ được một người bày tỏ.

Cấu trúc

Hội Thánh thật là một người mẹ khôn ngoan, khi không chỉ mời gọi chúng ta cầu nguyện, mà còn dạy cho chúng ta cách cầu nguyện như thế nào theo kiểu mẫu mà Hội Thánh chấp nhận.

Lời mời gọi: Chúng ta hãy cầu nguyện. Im lặng: (để Cộng đoàn cầu nguyện).

Cầu khẩn: Lạy Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, Đấng mãi mãi trung tín (liệt kê những đặc điểm của Thiên Chúa) với lời hứa, và mãi mãi gắn bó với Giáo Hội của Người. Nài xin: Xin chuẩn bị tâm hồn chúng con và loại bỏ nỗi buồn phiền ngăn cản chúng con cảm thấy niềm vui và hy vọng mà sự hiện diện của Người sẽ ban cho.

Suy niệm: Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
Kết: AMEN.

Mặc dù hầu như chúng ta không chú ý, nhưng lời cầu nguyện riêng của chúng ta sẽ hiệu quả hơn nhiều, nếu chúng ta có thể đi theo kiểu mẫu này. Trong khi cầu nguyện, phải chăng chúng ta thường không bắt đầu một cách trực tiếp bằng lời nài xin, và lời cầu nguyện hoàn toàn tập trung vào BẢN THÂN? Từ kiểu mẫu đó, chúng ta học biết rằng lời cầu nguyện trước hết phải tập trung vào Thiên Chúa. Thêm nữa, nếu và mỗi khi Thiên Chúa ban cho chúng ta ơn gì đó, thì luôn luôn bởi Người nhân lành và từ ái, chứ không phải vì chúng ta tốt đẹp, nhân đức và tuân theo những luật lệ của Người.

Đó là lý do tại sao chúng ta tự nhắc nhở mình về một vài trong số những phẩm chất quan trọng của Thiên Chúa; khi chúng ta càng có kinh nghiệm sâu xa và cá nhân hơn về những điều đó, thì lời cầu nguyện của chúng ta sẽ càng có tác động mạnh hơn.

Chỉ sau khi đã tập trung vào Thiên Chúa, chúng ta mới hướng đến đến những nhu cầu của mình. Thậm chí ở đây, đáng cho chúng ta lưu ý là nên đưa ra những lời nài xin theo cách thế “chung chung” thôi – lý do là vì Thiên Chúa biết hết những gì chúng ta cần đến, và Người luôn luôn sẵn sàng đổ đầy cho chúng ta mọi quà tặng.

Ngoài ra, những lời khẩn nguyện của chúng ta chỉ trở nên có giá trị nếu được thực hiện “nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con”. Tuy nhiên, cách diễn tả “nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con” không có nghĩa là chỉ cần bổ sung những từ ngữ này vào từng lời nguyện của chúng ta là đủ. Nó đòi hỏi chúng ta phải cầu nguyện với cùng tâm tình hoặc thái độ mà Đức Giêsu đã có, nghĩa là tất cả mọi việc trong cuộc đời của Người đều hướng tới việc thiết lập nước Thiên Chúa và mặc khải về Chúa Cha. Vậy thì lời cầu nguyện của chúng ta cũng phải đưa đến những mục đích ấy: Nước Trời và vinh quang của Chúa Cha!

Amen

Thông thường, từ này được giải thích là “mong sao được như vậy”, như thể cộng đoàn đồng ý một cách đơn thuần với lời cầu nguyện vừa được đưa ra. Tuy nhiên, từ AMEN còn có ý nghĩa sâu xa hơn một chút là chúng ta không chỉ đồng ý với điều Chủ tế nói, mà còn tự cam kết biến điều này thành hiện thực. Vì thế, nếu chúng ta kêu cầu rằng “Xin Thiên Chúa ban tràn đầy niềm vui cho chúng ta vì Đức Kitô đang đến”, thì nó không thể xảy ra, trừ phi tôi chọn chấp nhận niềm vui của Thiên Chúa và sống như một con người vui tươi. Thiên Chúa không thể làm cho tôi trở thành một con người vui tươi ngược lại với ý muốn của tôi và không có sự cộng tác của tôi! Vì thế, lời cầu nguyện của tôi phải đưa đến hành động. Nếu tôi có ý muốn thực lòng đối với lời cầu nguyện mà tôi đưa ra, thì tôi sẽ phải được chuẩn bị để trả cái giá cần có để biến điều này thành hiện thực. Chẳng phải là ở đây có nhiều điều để hầu hết chúng ta học hỏi sao? Phải chăng chúng ta vẫn thường xuyên đặt toàn bộ gánh nặng của việc thi hành lời nguyện của mình lên một mình Thiên Chúa – như thể Người có thể thay đổi chúng ta ngược lại với ý muốn của chúng ta?

Kết luận

Như nơi các phần chúng tôi đã phác thảo cho đến lúc này, ở đây, về vấn đề cầu nguyện cũng thế, chúng ta có khuynh hướng chỉ mong muốn “để cho các sự việc xảy ra”. Tuy nhiên, nếu Thánh lễ được cử hành có ý nghĩa, thì đòi hỏi sự cộng tác từ phía chúng ta trong khi dâng lễ và cả sau đó. Một khi chúng ta học hỏi thực hiện phần việc của mình một cách thông thạo và toàn tâm toàn ý, thì không có lý do gì Thánh lễ lại không thể không ảnh hưởng đến cuộc sống chúng ta một cách tốt đẹp hơn.

Lời cầu nguyện là một phần quan trọng biết bao trong cuộc sống chúng ta, và chúng ta dành ra rất nhiều thời gian để cầu nguyện, đặc biệt là khi có nhu cầu! Nếu chúng ta thực sự mong muốn cho những lời nguyện của mình được đáp ứng, thì chẳng phải là chúng ta nên rất chú tâm vào phương cách cầu nguyện đó sao? Nếu muốn cho cái máy giặt phục vụ tốt nhất có thể được cho chúng ta, thì chúng ta phải cẩn thận sử dụng nó theo những hướng dẫn đã được đưa ra. Tại sao chúng ta lại không muốn làm như vậy đối với việc cầu nguyện, đặc biệt khi Thánh lễ cung cấp cho chúng ta một kiểu mẫu và ví dụ?

By Fr. Erasto J. Fernandez, sss
                                                                       Nhà Xuất Bản Phaolô, Manila 2005
                                                                    Lm. Giuse Trần Đình Long, sss
                                                                chuyển ngữ
                                                                  Lm. Giuse Phạm Đình Ái,sss hiệu đính
                                                             2012