TÁC PHẨM TRỌN BỘ CỦA THÁNH Ê-MA
VÀ
LÒNG SÙNG KÍNH ĐỨC MA-RI-A
Tác phẩm trọn bộ : Nhìn khái quát
Sinh thời, Thánh Tổ Phụ chúng ta không hề viết sách, không soạn một giáo trình chuyên môn nào, nhưng năm 2008, tức 140 năm sau khi ngài qua đời, lại xuất hiện một ấn bản « có tầm quan trọng hàng đầu trong lịch sử đời sống thánh hiến và linh đạo », nói theo một nhà nghiên cứu Dòng Tên : bộ sách gọi chung là Tác phẩm trọn bộ (Œuvres complètes) mà tên của ngài, Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma (Pierre-Julien Eymard), được ghi trang trọng ở vị trí dành cho tác giả.
Đây là một công trình sưu tập toàn bộ những tài liệu ghi lại tư tưởng của ngài còn lưu giữ tới hôm nay. Công trình đã đáp ứng những đòi hỏi gắt gao của khoa học và khoa phê bình lịch sử trong việc sao chép và xuất bản các bút tích của vị đứng tên tác phẩm.
Về cứ liệu lịch sử, trước mỗi tài liệu, Tác phẩm trọn bộ (TPTB) đều chỉ rõ nguồn cung cấp. Thí dụ : AGRSS, H-1, 221-262 hoặc AGSSS, 0.4.1.P.E. – A.1.2, n° 127. AGRSS (Archives générales des Religieux du Saint- Sarement = Tổng Văn khố Dòng Thánh Thể) và AGSSS (Archives générales des Servantes du Saint- Sarement = Tổng Văn khố Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể) là hai nguồn chủ yếu.
Về xuất xứ, các tài liệu gọi chung là ‘bút tích’ của Thánh Ê-ma thuộc một trong ba loại :
- Thủ bút của chính ngài về nhiều đề tài khác nhau. Phần rất lớn thuộc loại này.
- Bản sao y các tài liệu do chính tay ngài đã viết.
- Bản ghi nhanh tại chỗ của những người đáng tin cậy đã trực tiếp nghe ngài giảng, huấn đức, nói chuyện…
Về nội dung, TPTB gồm bốn đề mục lớn :
- Thư tín
- Tĩnh tâm và ghi chú
- Hiến luật và Qui chế
- Bài giảng
Về số lượng tài liệu được sưu tập, TPTB là một công trình đồ sộ : Ấn bản in trên giấy khổ 16.5 x 21 cm, dầy 11,000 trang, chia thành 17 quyển. Nếu xếp đứng sát gáy nhau, bộ sách sẽ chiếm cả gần thước tây bề ngang trên giá.
Để giúp người đọc dễ tìm kiếm, tham khảo hay tra cứu, nhóm biên tập đã sắp xếp, phân loại và cho mỗi tài liệu một mã riêng gồm một ký hiệu viết tắt và một con số. Thí dụ : CO 502,1 ; RR 2,17 :
– Hai mẫu tự đầu là tên tắt, cho biết tài liệu thuộc đề mục hay chi mục nào. Td : CO = Correspondance (Thư tín) ; NP = Notes personnelles (Ghi chú cá nhân) ; NR = Notes des retraites personnelles (Ghi chú trong những cuộc tĩnh tâm riêng) ; PR = Prédication aux Religieux du Saint-Sacrement (Giảng cho tu sĩ Dòng Thánh Thể) ; PS = Prédication aux Servantes du Saint-Sacrement (Giảng cho tu sĩ Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể)…
– Con số tiếp theo là số đánh riêng cho từng tài liệu. Mỗi tài liệu có hai hay nhiều phần :
+ Tại phần chỉ mang số nguyên (không kèm theo dấu phết và số sau phết. Td : CO 502), TPTB giới thiệu tài lliệu : tựa đề hay tên tài liệu, ngày tháng thực hiện, nguồn lưu trữ bản gốc và những chi tiết khác, trong đó có thể có chú thích liên quan tới lai lịch, ý nghĩa, nội dung… của tài liệu.
+ Tại phần mang số nguyên rồi kèm thêm dấu phết và một hay hai hoặc ba chữ số khác, TPTB ghi lại nguyên văn trọn vẹn hay một phần tài liệu. Tài liệu ngắn sẽ chỉ được đánh số 1 sau dấu phết (Td : CO 502,1) và dưới đó là nguyên văn trọn tài liệu. Tài liệu dài sẽ tùy độ dài mà chia ra làm hai hay nhiều phần hơn, như tài liệu ghi chú trong cuộc đại tĩnh tâm Rô-ma được chia thành 138 phần và đánh số từ NR 44,1 tới NR 44,138.
Song song với ấn bản in trên giấy, TPTB còn sẵn sàng cho chúng ta sử dụng dưới dạng bản điện tử với rất nhiều dụng cụ làm việc và tìm kiếm do kỹ thuật công nghệ thông tin hiện đại cung cấp.
Tác phẩm trọn bộ : Một tiếp cận
Kho tàng và di sản thiêng liêng Thánh Ê-ma để lại cho Hội Thánh và cách riêng cho con cái ngài trong hai Hội Dòng quả là kếch xù và quá quí báu. Nhưng có lẽ chính vì nó quá to lớn, nên ngay cả các nam nữ tu sĩ Thánh Thể cũng chưa nhiều người lắm đọc hết được, dẫu chỉ một lần, nghiêm túc, để có thể từ đó đưa ra một bản tóm lược và những nhận định tổng quát về linh đạo của vị thánh lập dòng.
Một trong số rất hiếm đã làm công việc thật đáng trân trọng ấy lại là người anh em ngoài số tu sĩ Thánh Thể chúng ta : anh H. Jacobs, Dòng Tên, từ Namur, Pháp. Anh đã viết một bài trên tạp chí Vies consacrées (Những cuộc đời thánh hiến), số 82 (2010-1), trang 62-64, tóm lược những nét chính yếu tư tưởng của cha Ê-ma trong TPTB và đưa ra một số nhận định.
Ở đây, chúng ta giới hạn và chú trọng riêng đến nhận định của anh về vị trí, vai trò và tầm quan trọng Thánh Ê-ma đã dành cho Đức Ma-ri-a trong đời sống thiêng liêng của ngài và ngài cũng ước mong những ai muốn chia sẻ đặc sủng và bước theo linh đạo của ngài làm như thế.
Bài viết rất cô đọng của H. Jacobs chưa đầy hai trang rưỡi giấy nếu viết trên khổ A4, nhưng đã dành những đoạn dưới đây cho nguyên vấn đề vừa nêu :
Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma sinh năm 1811. Ngài làm linh mục giáo phận đến năm 1839 thì vào nhà tập các cha Dòng Đức Mẹ, rồi lại bỏ Dòng này năm 1856. Trực giác thiêng liêng vẫn hướng dẫn ngài trước đây nay đưa ngài đến việc lập Dòng Thánh Thể và Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể. Trong quyển I Tác phẩm trọn bộ, cha André Guitton phác lại tư tưởng của vị thánh trong vài đường nét lớn. Chúng ta biết có những lối giải thích khác nhau về nhãn quan thiêng liêng của ngài, nhưng mọi người đồng ý về những chủ đề chính yếu trong nhãn quan đó : Thánh Thể và Đức Trinh Nữ Ma-ri-a ở vào vị trí trung tâm của cuộc thể hiện tình mến nơi Phòng Tiệc Thánh. Nhưng đây không phải là một Phòng Tiệc Thánh khép lại cho chính mình, bởi cộng đoàn Thánh Thể đem Tin Mừng cho mọi dân tộc. Đối với cha Ê-ma, « cử hành và chiêm ngưỡng Thánh Thể là những yếu tố cấu thành sứ vụ, còn sứ vụ thì bắt nguồn và hoàn tất nơi Thánh Thể ».
Cha Ê-ma không bao giờ phủ định lòng sùng kính Đức Ma-ri-a. Chính do lòng sùng kính này ngài đã vào Dòng Đức Mẹ. Tuy nhiên, năm 1851, tại Fourvière [1], ngài nhận được ơn soi dẫn đã đưa ngài tới chỗ bỏ Dòng Đức Mẹ, đi lập hai Hội Dòng hiến mình cho Thánh Thể. Từ đây, ngài không chiêm ngắm Đức Ma- ri-a Na-da-rét nữa mà chiêm ngắm Đức Ma-ri-a Phòng Tiệc Thánh giữa lòng cộng đoàn tiên khởi Giê-ru- sa-lem. Tại đó, ngài đặt việc tôn thờ Thánh Thể vào trung tâm cuộc sống thiêng liêng. Nhưng việc tôn thờ này phải xuất phát từ cử hành Thánh Thể và phải dẫn tới hiệp thông… … …
Để đáp lại tình thương của Đức Giê-su Thánh Thể, Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô muốn chúng ta tập trung mọi nỗ lực vào chính việc tôn thờ. Tôn thờ là mục đích của hai Hội Dòng ngài sáng lập. Với chị em nữ tỳ Thánh Thể, ngài nói : Tôn thờ là mục đích của chị em (XVII, tr.181 [2]). Tinh thần của Hội Dòng là phụng sự Chúa nơi Thánh Thể (XVII, tr.71 [3]). Còn với anh em Dòng Thánh Thể, Ngài tuyên bố : Chúng ta hãy yêu mến Hội Dòng là mẹ chúng ta đã giúp chúng ta trở thành những tu sĩ tôn thờ (XIV, tr. 275 [4]). Nhưng, như đã nói, đối với vị thánh của chúng ta thì không thể Đức Ma-ri-a ra khỏi Thánh Thể được. Thực vậy, ngài đã viết cho các chị nữ tỳ Thánh Thể : Tinh thần của các chị phải là một tinh thần tận tình mến yêu bằng tinh thần và nhân đức của Đức Trinh Nữ Rất Thánh (XVII, tr. 71 [5]). Theo ngài, Đức Ma-ri- a là sợi dây liên kết chúng ta với Đức Giê-su. Ma-ri-a chính là cuộc sống của Giê-su đã được mẫu hóa vì con người hèn yếu và bất toàn của chúng ta (XI, tr. 255 [6]). Ngài giải thích rõ hơn : Có thể nói rằng các nhân đức của Đức Giê-su khi chiếu tỏa qua Đức Ma-ri-a, sẽ mang những nét gì đó đậm chất mẹ hơn [7]. Đức Giê-su, nhìn dưới khía cạnh là con Đức Ma-ri-a, được Phê-rô Giu-li-a-nô cảm nhận như Giê- su ông anh của tôi vậy (XII, tr. 20-21 [8]).
Đó là cảm nhận của một người anh em Dòng Tên khi tiếp cận TPTB của Tổ Phụ chúng ta.
Một tài liệu trong TPTB liên quan đến Đức Ma-ri-a
Còn chúng ta, nhân tháng Mân Côi Đức Mẹ, có lẽ chúng ta nên cùng nhau nếm cảm trực tiếp một trong số nhiều ngàn tài liệu mà TPTB cung cấp cho chúng ta : RR 2. Nói đúng ra, chúng ta sẽ chỉ đọc hai số khá ngắn trong tài liệu dài 19 số này.
RR là tên tắt của một trong bốn chi mục thuộc đề mục Hiến luật và Qui chế trong TPTB. Chi mục này gọi tên đầy đủ trong tiếng Pháp là Règles et Constitutions des Religieux du Saint-Sacrement (Quy luật và Hiến pháp dành cho các Tu sĩ Dòng Thánh Thể), gồm các văn bản liên quan đến Luật Dòng soạn cho các nam tu sĩ Thánh Thể.
RR 2 được lưu trữ tại Tổng Văn khố Dòng Thánh Thể (AGRSS, H-1, 221-262), là một phần trong ấn bản có phê bình của tài liệu mang tựa đề tiếng La-tinh : Textus Constitutionum Congregationis Sanctissimi Sacramenti [Văn bản Hiến Pháp Dòng Thánh Thể], Quyển II, I-B, Rô-ma, 1966, tr. 11-21.
Đây là bản dự thảo hiến pháp cha Ê-ma soạn vào đầu năm 1855 (x. Thư gửi chị Marguerite Guillot, CO 482), được bà V. Clappier – hội viên Dòng Ba Đức Mẹ, vợ của ông Chánh Án Tòa Toulon – sao lại từ bản viết tay của cha Ê-ma. Bản viết tay này nay đã thất lạc.
Rất có thể RR 2 chính là bản đã được gửi đến Đền Đức Mẹ Le Laus [9] ngày 23/5/1855, bản mà cha Ê-ma đề cập như sau trong lá thư viết cùng ngày cho Mẹ Marguerite Guillot : Cha đã gửi bản hiến pháp đến Le Laus để hôm nay [10] đặt trên bàn thờ đặc biệt kính Đức Ma-ri-a và trở thành bó hoa yêu mến dâng lên Mẹ nhân lành. (CO 502,1)
Trong TPTB, ngoài tên chính là Dự thảo Hiến Pháp, tài liệu RR 2 còn mang một tên phụ ghi trong dấu ngoặc đơn là Bản dự thảo “Jandel”, vì đã được cha Ê-ma gửi sang Rô-ma nhờ cha bề trên cả Dòng Đa Minh là cha Jandel xem lại giúp (x. AGRSS, O-1, 127-128; 136; 183 ; Thư gửi cha de Cuers, CO 508 ; Thư gửi bà Tholin-Bost, CO 496 ; RR 2).
Giới thiệu dài dòng như trên để chúng ta hiều rằng những tư tưởng sắp đọc không những xuất phát từ đầu óc và trái tim của Tổ Phụ chúng ta mà còn nằm trong số những tư tưởng và tâm tình cốt lõi đến từ đặc sủng lập dòng của ngài.
Hai số của RR 2 liên quan đến Đức Mẹ chúng ta đọc hôm nay là :
– RR 2,1 là lời mở đầu cho toàn bản hiến pháp Dòng. Ngay trong những dòng đầu tiên quan trọng đó, vị thánh lập dòng đã đề cao Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm, Nữ Vương Phòng Tiệc Thánh, như Đấng Bảo Trợ cho toàn Dòng.
– RR 2,17 tương ứng với chương XIII trong bản hiến pháp dự thảo. Thánh Ê-ma dành hẳn một chương trong bản dự thảo 18 chương để nói riêng về lòng sùng kính Đức Ma-ri-a mà các tu sĩ của ngài rất cần phải có.
RR 2,1
Dòng Thánh Thể
Thiên Chúa giầu lòng thương xót đã khấng thương linh hứng cho một số người thiện chí để anh em có niềm khao khát thánh muốn đặc biệt phụng thờ Chúa Giê-su Ki-tô hiện diện thật sự và đích thực nơi bí tích Thánh Thể đáng tôn thờ và muốn tận hiến toàn thân mà hết lòng phụng sự Thiên Chúa uy linh. Đầy lòng tin tưởng vào ơn gọi đẹp đẽ dường ấy và vào sự che chở đầy quyền thế của Đức Trinh Nữ Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội là Nữ Vương Phòng Tiệc Thánh, những người anh em ấy họp thành một Hội Dòng lấy tên là Dòng Thánh Thể và đồng tâm nhất trí quyết định giữ những điều khoản hiến pháp sau đây (nhưng phải là sau khi đã được vị thường quyền sở tại duyệt xét và phê chuẩn, chờ đợi ngày hạnh phúc được sự phê chuẩn sau cùng của Tòa Thánh).
RR 2,17
Chương XIII. Lòng sùng kính Đức Ma-ri-a
- Các tu sĩ Thánh Thể phải được mọi người nhận rõ là đặc biệt có tình con thảo và lòng trìu mến tôn sùng Đức Ma-ri-a là mẹ và là mẫu gương trọn hảo của những người thờ phượng Đức Giê-su Con chí thánh Mẹ.
Các tu sĩ sẽ xin Đức Giê-su ban cho anh em ơn trọng đại nhất của tình yêu Người, đó là xin Người trao phó anh em cho Đức Ma-ri-a là Thân Mẫu tuyệt thế của Người, như xưa Người đã trao phó Gio- an cho Mẹ, để Mẹ yêu thương anh em như gia đình của Mẹ và giúp anh em sống xứng đáng với ơn gọi cao quí của anh em.
Các tu sĩ sẽ tận hiến bản thân mình [11] cho Đức Ma-ri-a để, dưới sự dắt dìu từ mẫu của Mẹ, anh em được đỡ nâng bằng lời chuyển cầu, được khích lệ bằng sự chở che, được điểm tô bằng các công trạng và nhân đức của Mẹ, được đầy ngập tinh thần và tình mến của Mẹ mà quảng đại và tận tình tận sức phụng sự Đức Giê-su, thờ kính Người cho xứng đáng và trở thành tông đồ đích thực của Thánh Thể.
- Để sống bằng sự sống của Đức Giê-su, các tu sĩ sẽ tìm cảm hứng nơi cuộc đời Đức Ma-ri-a, nơi nếp sống khiêm nhường và ẩn khuất, nếp sống hãm mình và chịu đóng đinh của Mẹ, nhất là nếp sống cầu nguyện và nhiệt thành làm vinh danh Con chí thánh Mẹ.
Đặc biệt hơn cả, các tu sĩ sẽ tôn kính cuộc sống Thánh Thể của Đức Ma-ri-a tại Phòng Tiệc Thánh, Đấng yêu thích ở mãi dưới chân Nhà Tạm thần linh. Và để được đổi mới bản thân trong ân sủng và tinh thần ơn gọi đã lãnh nhận, cũng như để được kiên trì bền đỗ nhờ lời chuyển cầu đầy quyền thế của Mẹ, các tu sĩ sẽ tĩnh tâm mười ngày với Đức Nữ Vương Phòng Tiệc Thánh và Nữ Vương các Thánh Tông Đồ, từ lễ Thăng Thiên đến lễ Hiện Xuống.
Các tu sĩ sẽ lần hạt hằng ngày kính Đức Ma-ri-a để được ơn chết lành.
Khi gặp thử thách và những vất vả nhọc nhằn của cuộc sống, khi chịu cám dỗ và khổ đau, các tu sĩ sẽ hết lòng tin tưởng chạy đến với Đức Ma-ri-a hiền mẫu của mình hơn là đến với các thụ tạo, và Mẹ sẽ không bỏ anh em đâu.
- Để đẹp lòng Đức Giê-su và để chuẩn bị cho Người hiển trị trong các tâm hồn, các tu sĩ sẽ tự nhận cho mình một nhiệm vụ thánh là khơi lên trong lòng mọi tín hữu một niềm thiết tha sùng kính Đức Ma-ri-a, bằng cách loan truyền khắp nơi lòng nhân hậu, quyền thế của Mẹ cũng như tình yêu mến Mẹ dành cho vinh quang cực cao cả của Đức Giê-su Con chí thánh Mẹ.
Hóa ra ngay trong RR 2,17, người anh em Dòng Tên của chúng ta trên kia, anh H. Jacobs, cũng đã được chứng nghiệm là rất chính xác, rất sâu sắc trong nhận định của anh !
Quả thế, theo Cha Ê-ma, gẫm chuỗi Mân Côi là một cách hữu hiệu
– để « rước Đức Ma-ri-a về nhà mình » (x. Ga 19,27),
– để có Đức Ma-ri-a làm mẹ thật như một may phúc tình cảm do chính Thiên Chúa Quan Phòng ban cho, – để thân thiết, gần gũi, quyến luyến, quấn quyện, gắn bó với Mẹ…, nhất là dưới chân ‘Nhà Tạm’.
Gần đèn thì sáng, chúng ta sẽ thấm Ma-ri-a. Mà Ma-ri-a lại chính là « cuộc sống Giê-su đã hóa thành cuộc sống đầy chất mẹ » (x. PT 100,12). Diễm kiều như vầng nguyệt [Ct 6,10], Mẹ chuyển lại cho chúng ta ánh sáng của mặt trời công chính đã được làm dịu đi cho vừa với nỗi hèn yếu của chúng ta (PG 223,1). Chúng ta sẽ ngày càng thấy đỡ khó khăn hơn nếu chưa nói được là dễ dàng và tự nhiên hơn mà theo Đức Giê-su sát bước, mà nên giống Người trong khiêm nhường, ẩn khuất, trong hãm mình và chịu đóng đinh thập giá (x. RR 2,17), những nhân đức của chính Đức Giê-su, nhưng đã được mẫu hóa nơi Đức Ma- ri-a cho gần gũi với chúng ta hơn.
Và một khi đã được ngày ngày nhuần thấm những nhân đức ấy của Mẹ, chúng ta sẽ được chính Mẹ dạy dỗ, nêu gương, thúc đẩy và dẫn dắt đến việc tôn thờ Đức Giê-su Con chí thánh Mẹ nơi Thánh Thể, cuộc tôn thờ, như tại Phòng Tiệc Thánh Giê-ru-sa-lem, không bao giờ khép lại cho chính mình, nhưng luôn mở ra cho mọi người như một mời gọi cùng tôn thờ, cùng yêu mến. Và như thế, với Đức Ma-ri-a, con cái thiêng liêng của Thánh Ê-ma và tất cả những ai muốn chia sẻ đặc sủng và linh đạo của ngài chắc chắn sẽ đạt được cùng đích ngài đặt ra cho mình và cho họ : Không những chúng tôi muốn tôn thờ, phụng sự và yêu mến Đức Giê-su Thánh Thể, mà nhất là còn muốn cho mọi trái tim nhận biết, tôn thờ, phụng sự và yêu mến Người nữa (CO 690,1).
Bản chuyển dịch : cha. Đaminh Nguyễn Đạt Tam, sss
[1] Nơi có vương cung thánh đường kính Đức Mẹ. – Các chú thích dưới cuối trang là của người dịch.
[2] PS 523,2 triệt 4 ; XVII, tr.457 – PS 615,2 triệt 2
[3] PS 492,3 triệt 1
[4] PR 73,6 triệt 1
[5] PS 492,3 triệt 2
[6] PT 100,12 triệt 2-3
[7] XI, tr. 419 – PT 174,8 triệt 2
[8] PG 223,1 triệt 7
[9] Phát âm theo tiếng Việt là Lơ Lô.
[10] Le Laus là một vùng núi, nơi chị đáng kính Benoîte Rencurel được Đức Mẹ hiện ra nhiều lần vào năm 1664 và 54 năm kế tiếp. Mãi tới ngày 04/5/2008, tính chất siêu nhiên của các cuộc hiện ra mới được vị thường quyền sở tại (giám mục giáo phận Gap và Embrun) chính thức công nhận, nhưng ngay từ những năm đầu, khách hành hương đã đổ tới và nhiều người được ơn lạ. Đền Đức Mẹ Le Laus được mệnh danh là « nơi nương náu cho tội nhân ». Jean Guitton (1901-1999), một triết gia, nhà văn và viện sĩ hàn lâm viện Pháp, đã gọi đền thánh này là « một trong những kho tàng ẩn giấu nhất mà cũng quí giá nhất trong lịch sử Âu Châu. Mỗi năm, đền thánh tiếp đón từ 150,000-170,000 khách hành hương. Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma, ngay hồi mới 11 tuổi, đã từ La Mure đi bộ 80 cây số, vừa đi vừa ăn xin để có bánh độ đường hành hương đến đây, dọn lòng rước lễ lần đầu. Suốt đời, Cha Ê-ma đặc biệt mộ mến trung tâm Thánh Mẫu này. Ngày 23/5/1855, trung tâm có nghi thức long trọng đội triều thiên cho bức tượng diễn tả Đức Mẹ trong một lần hiện ra tại đây. Buổi lễ qui tụ tới 40,000 giáo dân, 600 linh mục và 6 giám mục xung quanh đức hồng y tổng giám mục giáo phận Bordeaux đại diện đức thánh cha Pi-ô IX. Cha Ê-ma không đích thân đến dự được, nhưng vừa thào xong bản hiến pháp cho Dòng mới ngài đang cưu mang, nên đã kịp gửi tới đúng ngày và xin đặt trên bàn thờ, dưới chân tượng Mẹ để xin Mẹ chúc lành.
[11] Trong một bài gảng, cha Eymard định nghĩa việc này ‘tận hiến’ này như sau : Tận hiến bản thân mình cho Đức Ma-ri-a là gì ? Là tận lực tận tình phụng sự Mẹ, phụng sự vinh quang Mẹ, để đáng được Mẹ bảo trợ và yêu thương khi chúng ta có những nhu cầu cần được đáp ứng vì lợi ích cho đời này hay đời sau. Là ngày ngày trung thành phụng sự Mẹ như những đầy tớ tận tâm. Là bảo vệ vinh quang Mẹ như những chiến sĩ can trường chống lại những kẻ thù ghét Mẹ, những kẻ lăng nhục báng bổ việc sùng kính Mẹ. Là loan truyền, phổ biến và rao giảng khắp nơi lòng nhân hậu, sự trọn lành và tình yêu thương của Mẹ. Là yêu mến Mẹ như người mẹ tốt lành và trìu mến của chúng ta. (PG 172,1)