Những văn bản của cha Eymard về lòng Chúa thương xót (phần 4)

NHỮNG VĂN BẢN CỦA CHA EYMARD VỀ LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Lòng Nhân Lành Của Thiên Chúa Khi Tha Thứ Tội Lỗi Chúng Ta

Các sơ thân mến,

Hôm nay tôi muốn cho các sơ thấy niềm tin tưởng của chúng ta nơi Thiên Chúa dưới khía cạnh tuyệt mỹ của nó, tin tưởng vào chiến thắng khải hoàn … vào sự tha thứ tội lỗi chúng ta. Chúng ta phải tin tưởng vô hạn vào lòng thương xót của Thiên Chúa, vì lòng thương xót ấy vô hạn. Chúng ta phải phó thác bản thân cho lòng thương xót dịu dàng này trong sự tha thứ tội lỗi quá khứ và hiện tại của chúng ta. Chúng ta sẽ xem xét hai ý tưởng này.

  1. Chúng ta phải tin tưởng vô hạn vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Và tại sao? Bời vì Thiên Chúa tốt lành – là chính sự tốt lành – không bao giờ mệt mỏi. Các sơ thân mến, Thiên Chúa chắc chắn phải tốt lành mới chịu đựng nổi chúng ta và luôn tha thứ cho chúng ta; tôi đang nói gì đây? Người thậm chí khởi xướng để mời gọi, thúc ép, bắt buộc chúng ta đến cầu xin ơn sủng của Người. Chúng ta thậm chí có thể nói điều đó khi nhìn thấy sự dịu dàng và sáng kiến của vị Thiên Chúa tốt lành này đối với chúng ta, rằng Người được lợi cho riêng mình khi tha thứ cho chúng ta, và Người không bao giờ có thể hạnh phúc nếu không làm như thế. Đúng như thế, các sơ thân mến, chúng ta có một vị Thiên Chúa tốt lành biết bao, và chúng ta vô ơn và tệ bạc với Người biết bao … Ah! Nếu con người nhận ra sự tốt lành của Thiên Chúa, họ sẽ không bao giờ tuyệt vọng và hỏa ngục sẽ chỉ dành cho người kiêu căng. Thời gian trong cuộc đời này là sự hiển trị toàn năng của lòng thương xót, và đó là lý do tại sao các ngôn sứ và tông đồ chỉ là những người rao giảng lòng thương xót của Thiên Chúa.

Tất cả những thuộc tính khác của Thiên Chúa tùy thuộc vào sức sống của lòng thương xót tối cao này. Quyền năng của Thiên Chúa chỉ tác động theo lòng thương xót của Người, sự khôn ngoan của Thiên Chúa là phương tiện của nó, sự vô biên của Người trải rộng nó khắp nơi, sự thánh thiện hướng dẫn nó, và thậm chí công lý của Người phải quy phục nó, như lời vị ngôn sứ nói (xem Ed 33:14-16; Gc 2:13). Vậy chúng ta hãy tán dương trọn vẹn lòng thương xót đáng yêu này: đó là tất cả niềm hy vọng và an ủi của chúng ta, và thiên đàng sẽ chỉ là khúc khải hoàn vĩnh cửu của lòng thương xót Chúa trên chúng ta. Một trong những niềm vui cao cả nhất mà chúng ta sẽ được hưởng trên thiên đàng là được cùng với vị ngôn sứ hát ca lòng thương xót vĩnh cửu của Thiên Chúa! (Tv 88:2)

Tin tưởng vào sự tha thứ của Thiên Chúa, cuộc hội thảo ngày 11-09-1850. (Bản văn điện toán, xem mã số PT 159,1) (Eymard Toàn Tập Quyển XI, trang 390)

  1. Sự tha thứ tội lỗi chúng ta

Chúng ta phải phó thác bản thân cho lòng thương xót dịu dàng này trong sự tha thứ tội lỗi quá khứ và hiện tại của chúng ta. Đau khổ lớn nhất của một linh hồn, đã xúc phạm Thiên Chúa nhưng bây giờ đã hoán cải, là nhớ lại tội lỗi quá khứ của mình, và cứ sợ hãi rằng mình không được tha thứ hoàn toàn. Tôi tin rằng đây là một trong đau khổ lớn nhất mà con người có thể trải nghiệm; chúng ta sẽ thấy nhẹ lòng trong hạnh phúc nếu Chúa nói với chúng ta như đã nói với cô Mác-đa-la: “Mọi tội lỗi của con đã được tha!” (Lc 7:48) Các sơ thân mến, nỗi sợ hãi về sự tha thứ của chúng ta vẫn có thể đem lại ơn cứu độ cho chúng ta; sự an toàn có thể làm chúng ta lười biếng và tự phụ, còn nỗi sợ hãi này giữ cho chúng ta thống hối và làm cho chúng ta tiếp tục rên rỉ và khóc lóc.

Ngoài ra cái bóng tối mầu nhiệm ấy về sự bảo đảm ơn tha thứ của chúng ta lại trở nên cho chúng ta một động lực để tin tưởng hơn vào lòng thương xót của Chúa; vậy chúng ta không còn dựa vào bản thân, cảm xúc của mình, công lý của riêng mình, mà hoàn toàn vào lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Chính trong niềm tin tưởng vào lòng thương xót vô hạn của Người mà chúng ta đặt niềm hy vọng và sự bình an của chúng ta.

Đúng vậy, các sơ thân mến, chỉ trong niềm tin tưởng này các sơ mới đem lại thanh thản cho linh hồn bối rối lo âu của các sơ. Vậy hãy bỏ qua mọi lý lẽ, mọi xem xét quá khứ, mọi khát khao bắt đầu lại từ đầu, và hãy làm mọi sự cách mới mẻ. Các sơ sẽ chỉ thành công trong việc đem lại những rắc rối to lớn hơn cho chính mình mà thôi.

“Nhưng nếu con nói lên mọi sự cách thích hợp, nếu lỗi của con là không tuân theo những điều kiện cần thiết để con được tha thứ thì sao?” – Vậy thì tôi sẽ hỏi các sơ: “Các sơ có chắc chắn như thế không?” – “Con không chắc chắn lắm.” – Hãy nghe và tin tôi đi, hãy phủ tấm áo lòng thương xót của Chúa lên bãi lầy những khốn khổ của các sơ, và giấu chúng đi mãi mãi, vì nếu các sơ cứ đào xới đống bùn lầy này, các sơ sẽ chóng mặt và ngạt thở. Khi làm như thế này các sơ sẽ không còn hoài nghi: nếu còn có gì thiếu sót, niềm tin tưởng vào lòng thương xót Chúa của các sơ là phương thế chắc chắn nhất và hiệu quả nhất để các sơ có được ơn tha thứ.

Đừng ngạc nhiên trước sức mạnh của niềm tin tưởng; vì nó là đích thực là việc thực hành tình yêu mến Thiên Chúa, và khi niềm tin tưởng này rất to lớn, chúng ta có thể gọi nó là hành vi tình yêu hoàn hảo có thể công chính hóa chúng ta ngay tại chỗ.

Các sơ thân mến, hãy tiến lên trải nghiệm niềm tin tưởng này, và Thiên Chúa sẽ nói với các sơ qua sự bình an trong con tim các sơ: Mọi tội lỗi của con đã được tha thứ.

Tin tưởng vào sự tha thứ của Thiên Chúa, cuộc hội thảo ngày 11-09-1850. (Bản văn điện toán, xem mã số PT 159,2) (Eymard Toàn Tập Quyển XI, trang 391)

Chúng ta hãy suy niệm về lòng nhân hậu của Chúa Đấng tha thứ cho chúng ta

Chúng ta thường xúc phạm Chúa, và ngày sống của chúng ta không nhiều như tội lỗi của mình. Chúng ta có thể xúc phạm Người bằng tư tưởng, và thậm chí bằng những việc tốt lành. Và nếu Thiên Chúa không nhân hậu vô biên, chúng ta hẳn đi đến chỗ tuyệt vọng, vì chúng ta rất tội lỗi. Và tệ hại hơn nữa là chúng ta chưa hài lòng với việc xúc phạm Người nơi bản thân mình, mà còn xúc phạm Người qua chính Người, qua ơn sủng và lòng nhân hậu của Người. Tôi muốn nói: khi chúng ta kiêu căng về chức linh mục và ơn gọi của mình. Và những tội này làm Người đau đớn gấp đôi, vì ác tâm của chúng ta lại lớn hơn những ơn sủng dư dật hơn của chúng ta.

Sự lạnh nhạt của một người bạn thì đau đớn hơn cú đấm của kẻ thù. Nỗi đau ấy to lớn đến nỗi đa số những người, dù đã sống một cuộc đời tốt lành, lại xúc cảm và trở nên tuyệt vọng, không phải vì họ yêu tội lỗi, mà vì họ hiểu được tội lỗi của họ to lớn đến mức nào.

Một người tội lỗi cần nhìn Thiên Chúa chỉ dưới khía cạnh lòng thương xót của Người. Nếu nhìn Thiên Chúa dưới các thuộc tính khác, anh ta cảm thấy bị tan nát. Nhưng ai có thể sợ hãi Chúa Giê-su, Đấng tốt lành và thương xót như thế chứ?

Trên thế gian, kẻ có tội không sợ nhìn lên Chúa Giê-su; Một biểu lộ hối tiếc đơn giản cũng đủ để được tha thứ. Nhưng chúng ta vẫn sợ, và xấu hổ bên cạnh một vị thánh, chính là sự kết án chúng ta, bởi vì chúng ta lẽ ra có thể trở nên thánh. Nhưng chúng ta có thể nhìn lên Chúa Giê-su vì cảm thấy rằng Người có quyền năng chữa lành trong Người. Chúa Giê-su đầy lòng thương xót. Người là nhân đức hóa thân hành động. Thánh Phao-lô có mọi lý lẽ để nói: sự tốt lành và nhân tính của Thiên Chúa trở nên hữu hình nơi Chúa Giê-su Ki-tô (xem Tt 3:4). Lòng thương xót ẩn sau cái nhìn, suy nghĩ và mọi hành động của Người, để kẻ có tội khốn khổ có thể đến gần Người. Chúng ta sợ một người có dáng vẻ nghiêm nghị, khắc nghiệt và lẩn trốn người đó. Chúa chúng ta, như được khắc họa trong hầm mộ, là Thiên Chúa dưới hình thần Orphelius, dùng tiếng đàn lia để thu hút thú dữ phủ phục dưới chân Người. Ngoài ra Chúa từng nói: “Ta đã đến với người tội lỗi” (Mt 9:13), để mang họ về với đàn chiên. Và khi các con ông Dê-bê-đê muốn giáng sấm sét lên một thành đã từ chối đón tiếp họ, Chúa Giê-su nghiêm khắc quở trách họ (xem Lc 9:53-55). Và khi bọn Pha-ri-sêu than phiền rằng sống với người tội lỗi và thu thuế là bị ô danh, Người trả lời rằng Người không đến vì người công chính mà vì kẻ tội lỗi (Mt 9:13). Sứ mạng của Người là như thế. Nếu lấy đi lòng thương xót khỏi con người Chúa Giê-su, thì Người không còn hiện hữu. Khi thiết lập Giáo Hội và chức linh mục, Người chỉ muốn lòng thương xót; và linh mục không phải để phân phát các chứng chỉ công chính, mà để tha thứ và an ủi người tội lỗi khốn khổ.

Tĩnh tâm ở Paris: Lòng thương xót của Chúa Giê-su, ngày 10-08-1867. (Bản văn điện toán, xem mã số PR 106) (Eymard Toàn Tập Quyển XIV, trang 357)

Và Thiên Chúa bày tỏ lòng nhân hậu thế nào khi Người đón nhận chúng ta? Lòng thương xót Chúa thực sự quá vĩ đại. Nếu Người quở trách chúng ta, áp đặt việc thống hối như Giáo Hội làm, Người chắc chắn vẫn quá tốt lành trong việc tha thứ cho chúng ta. Nhưng Người không quở trách, không nói về sự vô ơn hay độc ác của chúng ta. Người che đi công lý của Người để chúng ta chỉ thấy trái tim Người. Người kéo chúng ta đến với trái tim Người như người cha của đứa con hoang đàng, và Người không đáp lại những biểu lộ sợ hãi, hạ mình của chúng ta – Người chỉ chờ đợi một điều: chúng ta nhận lỗi. Trên thế gian, chúng ta biết cách bắt người ăn xin chờ đợi. Chúa Giê-su không như thế. Người ban cho chúng ta hy vọng, cho chúng ta sự sống mới. Người tìm thấy niềm vui lúc tha thứ thì to lớn hơn sau khi chịu mình thánh. Người vươn lên từ nỗi thống khổ. Rõ ràng việc chấp nhận là đau đớn, nhưng khi đã nói ra, thì chỉ còn niềm vui của một người mẹ đã sinh ra một con người trên thế gian. Thiên Chúa chỉ muốn một điều: chúng ta quỳ xuống, khóc lóc, và thưa rằng: Lạy Chúa, con không xứng đáng (Mt 8:8), và Người quên hết mọi sự. Hãy xem Chúa Giê-su biết cách tha thứ như thế nào! Người phụ nữ ngoại tình đang ở đó. Người không quở trách cô, Người đối mặt với những người tố cáo, và để cô ấy ra đi khi được tha thứ (xem Ga 8:1-11). Và cô Mác-đa-la: Người không nói với cô ấy về tội của mình; cô ấy đã yêu mến nhiều và Người ca ngợi cô ấy về điều này! Và vị linh mục giải tội, khi bắt chước Thầy mình, chỉ cần nói một câu: Hãy ra đi bình an (Lc 7:50), con đã hoàn toàn được tha thứ!

Thiên Chúa nói: “Nếu ngươi quay về với Ta, Ta sẽ lấy tội lỗi của người mà ném ra phía sau Ta” (xem Is 38:17). Người không thỏa mãn với việc quên đi tội lỗi mà Người tiêu hủy chúng. Chúng sẽ không quay lại cuộc sống vào giờ phán xét cuối cùng. Thiên Chúa nói: “Ta sẽ ném chúng xuống đáy biển!” (Mk 7:19) Người sẽ không bao giờ nhớ đến chúng. Tại sao bạn lại muốn Thiên Chúa hạ thấp người công chính trong sự phán xét cuối cùng? Người tiêu hủy những tội lỗi ấy rồi! Một sự an ủi biết bao! Và Thiên Chúa cũng nói: “Cho dù tội lỗi có đỏ như son, Ta sẽ làm cho chúng trắng như tuyết” (Is 1:18).

Thiên Chúa có thể làm gì thêm nữa cho kẻ tội lỗi? Chúng ta thậm chí có thể nghĩ rằng Thiên Chúa đang bao che cho họ. Người che dấu họ trong vết thương của Người, dưới tấm áo choàng; Người đem họ ra khỏi công lý của Người. Những bà mẹ che dấu đứa con phạm tội khỏi công lý loài người, đặc biệt nếu cuộc sống của con bị nguy hiểm, vì nói cho cùng người mẹ là như thế. Chúa Giê-su cũng vậy! Khi Người tha thứ cho chúng ta, chúng ta có thể nói Người làm hư chúng ta. Người loại bỏ ký ức về tội lỗi chúng ta. Lẽ ra Người nên để chúng ta luôn phải khóc lóc. Nhưng không! Người thậm chí loại bỏ cả nỗi buồn vì đã xúc phạm Người nhiều như thế, đến mức độ người xưng tội trong nỗi buồn và nước mắt, bây giờ lại thấy mình hạnh phúc sau khi được tha tội đến nỗi người ấy hoàn toàn kinh ngạc. Trên thế gian, người mới ra tù sẽ luôn bị ô danh! Nhưng Chúa Giê su phục hồi chúng ta, và đối xử với chúng ta cứ như chúng ta chưa bao giờ xúc phạm Người; và thường những kẻ tội lỗi tày đình lại trở thành những vị thánh vĩ đại. Thánh Phao-lô là một thí dụ; và ngài thường lập lại lòng biết ơn này: Chính nhờ ơn sủng Chúa mà tôi được như tôi bây giờ (1Cr 15:10). Và không phải thánh Phê-rô đã thay thế ba lần chối Thầy bằng vương miện ba tầng tạo nên chiếc mũ của ngài sao? Các bạn có thể thấy rằng Thiên Chúa biết cách tha thứ trong tư cách Thiên Chúa.

Và Người đã không tôn vinh chúng ta bằng chức linh mục, bằng đời sống tu trì sao? Người không đội cho chúng ta vương miện tình yêu và vinh quang sao? Người quên đi những khốn khổ của chúng ta, thậm chí quên đi chúng ta còn đang xúc phạm Người. Người đầy lòng thương xót. Vậy mà những kẻ bị kết án lại dựa vào đó để xúc phạm Người thêm nữa! Chúng ta hãy nhớ rằng đời sống Ki-tô hữu là một cuộc chiến liên lỉ. Hãy đặt mình nơi lòng thương xót Chúa chứ không nơi nhân đức của mình; hãy nói với niềm tin và sự thật: Nếu chúng ta không hư mất hoàn toàn thì đó là nhờ lòng thương xót của Chúa (Ac 3:22).

Tĩnh tâm ở Paris: Lòng thương xót của Chúa Giê-su, ngày 10-08-1867. (Bản văn điện toán, xem mã số PR 106) (Eymard Toàn Tập Quyển XIV, trang 359)

Một Biển Cả Của Lòng Thương Xót

Tôi đã nói rằng lẽ ra các sơ phải hạnh phúc hơn đàn ông chúng tôi, vì Thiên Chúa ban cho các sơ một trái tim nhậy cảm hơn. Chúng tôi nghiêng về lý lẽ hơn là trái tim và tình yêu. Tôi biết rất rõ rằng mỗi người đều ở trước mặt Chúa, và ơn sủng kiện toàn tâm tính chúng ta. Nhưng đối với tôi, lẽ ra các sơ phải thấm nhuần lòng thương xót của Chúa, khóc lóc trước lòng thương xót Chúa. Một sơ nói: Con nguội lạnh. Sao kỳ lạ thế, các sơ không có trái tim sao? Các sơ phản ứng thế nào? Nếu nhìn Chúa trên ngai, các sơ sẽ không cảm thấy gì vì vinh quang của Người quá vĩ đại. Nếu nhìn Người trên ngai, trong vinh quang, Người sẽ quá cao vời trước mặt các sơ. Vậy các sơ phải nhìn vào đâu? Hãy nhìn vào lòng thương xót, lòng nhân hậu cao cả của Người, múc cạn hết sự dịu dàng của Người trong quá khứ. Nếu muốn duy trì một trái tim nhậy cảm và đáp ứng sâu xa, các sơ phải đặt mình trong tình yêu thương xót ấy mỗi giây phút hiện tại. Làm sao các sơ không cảm thấy gì được? Thường đó là lỗi của chúng ta. Chúng ta không sống trong hiện tại, và do đó chúng ta không cảm thông. Nhưng nếu đặt mình trong hiện tại, mọi thứ sẽ khác. Hãy đặt mình trong ngọn lửa, và các sơ chắc chắn sẽ cảm nhận nó … trừ khi các sơ đã chết rồi.

Khi Chúa đổ tràn trên các sơ ơn sủng và tình yêu, các sơ phải làm gì? Các sơ thân mến, khi ở trên thiên đàng, chúng ta chắc chắn sẽ chúc tụng Người, nhưng Người càng thương xót, chúng ta càng phải biết ơn. Chúa yêu thương chúng ta, rộng rãi ban cho chúng ta tình yêu và lòng thương xót của Người, dù chúng ta chẳng đáng Người đoái nhìn, và thậm chí không đáng có một chỗ trong luyện ngục. Chúng ta có thể hiểu và nói một cách không quá đáng rằng lòng tốt của chúng ta sẽ không bao giờ sánh được với lòng tốt của Người. Chúng ta không bao giờ có thể trả lại nhiều như chúng ta đã nhận được. Các sơ có thể đắm mình trong biển cả lòng thương xót và tình yêu trắc ẩn đó! Dù không nói ra thành lời, tôi hiểu lý do tại sao lòng thương xót ấy có lẽ bắt đầu chê trách chúng ta vì đã chai đá như thế khi Người tuôn đổ trên chúng ta, trên những khốn cùng và địa ngục, bao ơn huệ của Người, như trên đồi Can-vê. Nhưng giờ đây, vì sợ hãi làm tôi thương tổn, lòng thương xót của Người thậm chí không nhắc tôi điều gì, nhưng lại khích lệ tôi. Tôi có thể nói rằng Người yêu thương tôi nhiều như yêu thương linh hồn ưu ái nhất. Mặt khác tôi có thể nói: Lạy Chúa, Người gõ lầm cánh cửa rồi sao? – Các sơ thân mến, không! Vậy chúng ta phải làm gì? Như vị hôn thế trong sách Diễm Ca, hãy thưa: Linh hồn con tan chảy khi con nghe thấy tiếng người con yêu dấu (xem Dc 5:6). Để làm gì? Vì tình yêu.

Huấn đức cho các Nữ Tỳ Thánh Thể, ngày 17-09-1862, Paris, ngày thứ ba, bài suy niệm thứ hai. Tình yêu thương xót. (Bản văn điện toán, xem mã số PS 443) (Eymard Toàn Tập Quyển XVI, trang 466)

VI – Thương Xót Và Yêu Thương Tha Nhân

Đức ái hệ tại ở việc yêu thương tha nhân vì tình yêu Thiên Chúa. Trước thời Chúa Giê-su Ki-tô chúng ta đã yêu thương tha nhân như chính mình; nhưng từ thời của Người chúng ta phải yêu tha nhân còn hơn chính mình trong một số trường hợp. Chúng ta phải đặt lợi ích thiêng liêng của Người lên trên lợi ích thoáng qua của chúng ta. Lạy Chúa, Đấng cao trọng hơn chúng con, xin ban cho chúng con ơn này. Thánh Gio-an nói: Hãy yêu thương nhau như Chúa Giê-su Ki-tô đã yêu thương anh em (xem 1 Ga 4:11).

Đức ái cốt yếu ở việc nhìn tha nhân trong ơn sủng, trong tình yêu và lòng thương xót của Chúa, nhìn tha nhân như tạo vật của Chúa, để hỗ trợ và làm việc vì ơn cứu rỗi của họ, tha thứ cho họ như Chúa Giê-su Ki-tô tha thứ, đối xử với họ như Người đối xử. Chúng ta phải nhìn vào ơn sủng, chứ không quan tâm đến khuyết điểm: hãy để điều đó cho công lý của Thiên Chúa. Cái chúng ta phải có là sự cảm thông – tình yêu bản thân là kẻ thù của đức ái đối với tha nhân. Tình yêu của đức ái rất dễ dàng khi chúng ta phụng sự Thiên Chúa cách hoàn hảo; với tình yêu chúng ta tìm cách hoán cải tha nhân vì chúng ta yêu mến Chúa. Chúng ta xem những người nghèo khổ bị quỷ dữ mê hoặc và lôi kéo như những con chiên vô tội bị giết thịt. Chúng ta muốn cứu họ, chứ không muốn tiếng thơm, mà chỉ vì họ là thụ tạo của Chúa – để làm đẹp lòng Người vì Người muốn thế.

Huấn đức cho các Nữ Tỳ Thánh Thể, ngày 28-07-1859, Paris, ngày thứ tư, bài suy niệm thứ nhất. Tình yêu bản thân. (Bản văn điện toán, xem mã số PS 148) (Eymard Toàn Tập Quyển XV, trang 359)

PS 148, 2 (XV, 359)

Chúng Ta Hãy Sống Tình Yêu Và Lòng Thương Xót Của Chúa

Vị ngôn sứ đã sáng tác một khúc ca, tuyệt mỹ nhất trong những khúc ca mà trái tim ông truyền cảm hứng, khúc ca lòng thương xót của Thiên Chúa. Hơn 50 lần trong thánh vịnh Chúc Tụng Chúa, ông nói: Hãy hát mừng lòng thương xót Chúa (xem Tv 135). Vị ngôn sứ lập đi lập lại danh hiệu và ơn sủng của Chúa, kết thúc từng câu thơ bằng các từ: tình yêu của Người là vĩnh cửu. Các sơ thân mến, ngôn sứ Đa-vít đã đúng khi chúc tụng lòng thương xót ấy, biển cả thương xót ấy, và ca tụng Chúa, bởi vì ông đã phạm tội chống lại Chúa Nhân Lành. Nhưng dù đã thống hối, ông sẽ không bao giờ quên lòng thương xót Chúa. Chính khi xúc phạm Thiên Chúa, chúng ta rất cần đến lòng thương xót của Người! Con tim không bao giờ tha thứ cho mình vì đã xúc phạm Thiên Chúa, và cảm thấy cần phải nói: Làm sao tôi đã có thể xúc phạm Chúa, bởi vì Người rất tốt lành và đáng yêu. Khi đó trái tim cảm thấy nhẹ nhõm bằng cách thống hối hàng ngàn lần.

Các sơ thân mến, tôi không muốn làm cho các sơ ngỡ ngàng. Một số vị thánh nên thánh chỉ nhờ tôn kính lòng thương xót. Họ trở nên thánh cả bằng cách đắm mình trong lòng thương xót hơn là bằng sự tinh tuyền, nói tóm lại bằng tình yêu hoàn hảo của Chúa hơn và bằng sự trinh khiết. Tại sao? Chắc chắn là có những vị thánh trên thiên đàng đã trở nên tinh tuyền hơn và thánh thiện hơn bằng cách chạy đến với lòng thương xót của Chúa, hơn là nhờ những trạng thái khác. Trạng thái đó có tốt hơn không? Không, thực ra nó không có giá trị bằng, nhưng các ngài trở nên xem nhẹ bản thân hơn, khiêm tốn hơn, và tình yêu của các ngài trở nên cao cả hơn khi nhìn vào lòng thương xót bao la ấy Thậm chí có thể nói rằng Thiên Chúa để cho một số linh hồn tuyển chọn sa ngã, cho dù Người có thể ngăn họ lại. Người để họ sa ngã vào những tội lỗi tày đình để họ có thể thấu hiểu hơn tình yêu và lòng thương xót của Người. Người lo liệu để họ trở nên những vị thánh vĩ đại hơn sau khi họ phạm tội.

Thí dụ thánh Phê-rô đã trở nên một tông đồ vĩ đại hơn sau khi phạm tội, so với khi ông còn trung tín. Ông luôn khóc lóc, không vì ăn năn, mà vì tình yêu. Càng tán dương quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa, thì một linh hồn càng đem lại vinh quang to lớn hơn cho Thiên Chúa. Đó là điều thánh Phê-rô đã làm. Và thánh Mác-đa-la, Chúa thật nhân lành! Cô ấy khóc lóc biết bao, nhưng cũng yêu mến biết bao! Thánh Phao-lô, kẻ bách hại Giáo Hội hàng đầu, đã khiêm tốn hơn sau khi ông trở lại. Ông thấu hiểu hơn lòng thương xót và cũng yêu mến hơn. Lương thực của tình yêu là gì? Nếu bạn là Thiên Thần, hãy sống bằng vẻ uy nghiêm của Thiên Chúa. Nếu là con người tội lỗi, hãy hãy sống bằng tình yêu, lòng nhân hậu và thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta. Do đó hãy nuôi dưỡng một tình yêu tôn kính và biết ơn. Điều kiện thiêng liêng xác định tình yêu của chúng ta.

Người tội lỗi khốn khổ quay về với Chúa không bao giờ quên tội của mình. Điều là họ khóc lóc không phải là ơn ăn năn, mà rõ ràng là tình yêu của họ. Như thánh Phao-lô nói: Tôi là kẻ khốn khổ và Chúa Giê-su Ki-tô đã tha thứ cho tôi, cứu tôi, yêu tôi, và đến với tôi (xem 1 Cr 15:8). Chúng ta đều ở trong tình trạng này. Ai là người không mắc nợ lòng thương xót Chúa điều gì chứ? Nếu không mắc nợ, các sơ phải lên ngay thiên đàng. Nhưng tất cả chúng ta đều mắc nợ rất nhiều. Vậy chúng ta phải làm gì? Hãy tán tụng lòng thương xót Chúa. Hãy thưa với Chúa: Chúa đã rất nhân hậu với con, một kẻ tội lỗi tày đình! Ý tưởng này không làm cho chúng ta mất vui; nó không nhắm vào tội lỗi mà vào lòng nhân hậu của Chúa. Khi đó chúng ta được gắn kết với Người; nếu chúng ta khóc lóc, thì trái tim mở ra với dòng nước mắt ngọt ngào của thống hối và tình yêu. Đây là nước mắt hân hoan.

Huấn đức cho các Nữ Tỳ Thánh Thể, ngày 07-11-1866, Nemours, ngày thứ ba, bài suy niệm buổi tối. Chúng ta hãy sống tình yêu và lòng thương xót của Chúa. (Bản văn điện toán, xem mã số PS 610) (Eymard Toàn Tập Quyển XVII, trang 429)

Đức Ái Siêu Nhiên Của Con Tim, Sự Tôn Trọng, Cảm Tình Và Hành Động

Chúng ta phải xây dựng đức ái hoàn hảo, vì đây là lệnh truyền của Chúa. Người đặt toàn bộ sự thánh thiện trên nền tảng tình yêu Chúa và đức ái với tha nhân là biểu lộ tình yêu ấy. Đây là giới răn trước nhất và cao trọng nhất: các ngươi phải yêu mến Chúa, là Thiên Chúa các ngươi, hết con tim, hết linh hồn và hết tâm trí các ngươi. Điều thứ hai cũng như điều thứ nhất: Ngươi phải yêu thương tha nhân như bản thân ngươi vì tình yêu mến Thiên Chúa (xem Mt 22L37-39). Chúa cũng nói với các tông đồ: Hãy giữ lời giáo huấn của Thầy, điều răn mới của Thầy – chú ý rằng Chúa gọi nó là điều răn mới – Hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em (xem Ga 13:34). Đây là đặc điểm của đức ái. Người không nói: Anh em sẽ được nhận biết là môn đệ thầy bằng hành vi thống hối, bằng sự nghèo khó; mà chỉ nếu anh em yêu thương nhau.

Thánh Gio-an nói: Ai không yêu thương anh em mà họ nhìn thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không nhìn thấy (1 Ga 4:20). Thánh Gio-an luôn lập lại câu nói nổi tiếng này với các môn đệ: Hãy yêu thương nhau. Mệt mỏi vì luôn phải nghe những lời này, họ nói với ngài: Thưa thầy, thầy luôn lập lại câu đó. Thánh Gio-an trả lời: Nếu làm điều này, anh em làm trọn lề luật [Tình yêu Chúa sẽ đem lại sự hoàn thiện nơi chúng ta.] (xem 1 Ga 4:12). Do đó hãy đặt nền tảng trên sự hoàn thiện đức ái với tha nhân của anh em, vốn là bằng chứng của lòng yêu mến Thiên Chúa. Chúa đặt đức ái lên hàng đầu, như chính Người nói: Nếu anh em đem lễ vật đến bàn thờ mà nhớ ra có điều gì bất hòa với anh em mình, thì hãy để lễ vật trên bàn thờ, đi làm hòa với người anh em đã rồi mới trở lại dâng của lễ (xem Mt 5:23-24). Hãy chú ý rằng Người không nói: Sau khi dâng lễ hãy đi làm hòa; mà phải để lễ vật trên bàn thờ.

Đức ái là cần thiết. Thiên Chúa không tha thứ sự oán ghét người khác, vì một người như thế ở trong sự chết và tội lỗi. Chúa lại nói trong tin mừng: Ai dùng lời lẽ nhục mạ sẽ bị kết án (xem Mt 5:22). Ngươi đong cho ai đấu nào thì sẽ được đong lại đấu đó (xem Mt 7:2). Nếu chúng ta muốn nhân lòng thương xót thì chúng ta phải bày tỏ lòng thương xót (xem Mt 5:7).

Chúa nói với các tông đồ: Hãy nhẫn nại với nhau. Người cho họ hai hướng dẫn: Khi anh em đã làm mọi việc theo lệnh truyền, hãy nói: Chúng tôi là những tôi tớ vô dụng (Lc 17:10). Hãy thực hành đức ái và chống lại kiêu căng. Hãy xem những gì Chúa nói về bản thân Người: Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng (Mt 11:29). Hãy hiểu rằng đây là hai nhân đức chính mà Người muốn chúng ta thực hành. Đức trinh Nữ cũng nêu gương cho chúng ta trong khúc ca cảm tạ khi Mẹ nói: Tình thần tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Chúa đã làm cho tôi những việc cao cả vì Người đã đoái nhìn phận hèn tôi tớ của Người (xem Lc 1:47-49). Mẹ không nói: Vì Người đã đoái nhìn sự trinh nguyên của tôi, mà là sự thấp hèn, cứ như là sự thấp hèn là quan trọng hơn. Bằng chứng của khiêm nhường là đức ái, vốn thúc đẩy mọi nhân đức. Chúng ta luôn có thể thực hành lòng yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.

Hãy xây dựng trên đức ái, nhưng hơn nữa hãy sống trong đức ái, vốn là nền tảng vững chắc nhất. Ơn gọi của các sơ hoàn toàn nằm trên đức ái đối với Chúa, chảy tràn ra tạo vật. Bởi vì bí tích Thánh Thể là mặt trời của tình yêu Thiên Chúa, các sơ phải là con cái của đức ái. Mỗi cây sinh hoa trái riêng. Hoa trái của Thánh Thể là đức ái. Nhựa cây là tình yêu Thiên Chúa. Nếu các sơ không sống trong đức ái, các sơ là người xa lạ.

Huấn đức cho các Nữ Tỳ Thánh Thể – Suy Niệm, ngày 03- 11-1858, Paris: Đức ái siêu nhiên của con tim, sự tôn trọng, tình cảm và hành động. (Bản văn điện toán, xem mã số PS 90) (Eymard Toàn Tập Quyển XV, trang 164)

Đức Ái Đối Với Tha Nhân

Tuy nhiên chúng ta hãy chỉ nhìn mặt tốt nơi tha nhân, không nhìn điều sai trái. Chúng ta hãy đặt tha nhân lên đầu, vì đây là sự khiêm nhường. Nếu tha nhân là kẻ tội lỗi thì sao? Dĩ nhiên tội lỗi là đáng khinh, nhưng là con người, tha nhân là hình ảnh sống động của Thiên Chúa, là đối tượng của sự nhẫn nại, lòng nhân hậu và thương xót của Người. Thiên Chúa yêu thương anh ta như một con người, kêu gọi anh ta hoán cải, thống hối, mà nhờ đó kêu gọi anh ta đến vinh quang trên trời. Do đó tôi phải yêu thương anh ta. Tội lỗi của anh ta là chuyện khác. Tôi phải ghét tội lỗi như Thiên Chúa ghét nó.

Huấn đức cho các Nữ Tỳ Thánh Thể – Suy Niệm, ngày 09- 07-1860, Paris: Đức ái đối với tha nhân. (Bản văn điện toán, xem mã số PS 222,1) (Eymard Toàn Tập Quyển XV, trang 492)

Kết Luận

Lòng Thương Xót Của Tình Yêu

Các sơ thân mến, chúng ta đã nói về tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta; bây giờ chúng ta hãy xem Người tha thứ cho chúng ta như thế nào. Các con thân mến, chúng ta bỏ lỡ nhiều ơn sủng! Chúng ta để cho nhiều ơn sủng mất hiệu lực do lỗi của chính chúng ta. Điều làm tôi cảm động sâu xa hơn về tình yêu Thiên Chúa là lòng thương xót của Người; nó làm tôi xúc động hơn trước những ơn huệ của Người. Khi Người ban ơn, Người tốt lành đến nỗi không thể không ban ơn; và khi Người ban chính mình trong Thánh Thể, tôi hiểu rằng Chúa nhân hậu đã đi đến cùng đẻ hiến thân mình. Điều tôi không thể hiểu được là lòng thương xót của Người.

Tôi muốn nói là lòng thương xót của tình yêu. Lòng thương xót của ơn cứu độ cho chúng ta đi từ tội lỗi đến trình trạng ơn sủng. Tôi hiểu rất rõ điều đó. Thiên Chúa thật cao cả khi hoán cải kẻ có tội. Nhưng có một lòng thương xót khác, lòng thương xót phát xuất từ tình yêu mà tôi thực sự không hiểu nổi. Tôi không hiểu là khi phụng sự Chúa – như cách chúng ta phụng sự, với bao keo kiệt, lười biếng, hèn nhát thiêng liêng, ích kỷ – tôi xin lỗi phải nói thế – mà Chúa vẫn tiếp tục yêu thương chúng ta y như thế, cứ như tình yêu của chúng ta vẫn luôn nồng cháy khi phụng sự Người. Đó là điều tôi không hiểu. Điều này trái ngược với tất cả những tình yêu khác.

Huấn đức cho các Nữ Tỳ Thánh Thể, ngày 17-09-1862, Paris, ngày thứ ba, bài suy niệm thứ hai: Sự thương xót của tình yêu. (Bản văn điện toán, xem mã số PS 443,1) (Eymard Toàn Tập Quyển XVI, trang 463)

Nhưng Lòng Thương Xót Của Người Không Dừng Lại Ở Đó Như người cha của đứa con hoang đàng, không phải Người đã mặc cho tôi tấm áo phẩm giá ban đầu sao, đã trả lại cho tôi chiếc nhẫn quý tộc thiêng liêng, đã trả lại cho tôi mọi quyền lợi, mọi của cải, khi đón nhận tôi vào mái nhà của Người, vào bàn đại tiệc tình yêu của Người sao (xem Lc 15:22-24)! Và các Thiên Thần hân hoan ăn mừng cuộc trở lại của tôi. Ôi! Chúa nhân hậu hiết bao! Quá đỗi tốt lành! Tốt lành vô hạn! Nói cho cùng thì làm sao tôi có thể bao giờ tuyệt vọng về ơn tha thứ của tôi? Về ơn cứu độ của tôi?

Huấn đức cho các tu sĩ dòng Marist. (Bản văn điện toán, xem mã số PM 21,2) (Eymard Toàn Tập Quyển XI, trang 548)