Những nghiên cứu của cha Hervé Thibault về Cha Eymard ( P3 )

III- Ý THỨC TRÁCH NHIỆM CỦA CHA E-MA

 Cha E-ma (Eymard) là một người lãnh đạo, một vị lãnh đạo cương quyết, đầy tham vọng và ý thức sâu xa về sứ vụ của mình. Ngài không thuộc loại người chỉ đâu đánh đó, nhưng là người khởi động chương trình và thiết lập kế hoạch để đem lại vinh quang lớn lao hơn cho Thiên Chúa. Đặc điểm nổi bật nơi cá tính của ngài là luôn nhận lãnh trách nhiệm về những thiếu sót của mình, sẵn sàng lắng nghe những chỉ trích, rồi tìm cách sửa chữa tình trạng mà từ đó phát sinh ra những chỉ trích và chống đối ấy. Đối với ngài, mọi bào chữa và thanh minh đều không có sức thuyết phục cho bằng thái độ sẵn sàng chấp nhận mọi khiển trách.

 Ngay từ tuổi thơ ấu, cha E-ma vẫn luôn tỏ ra mau mắn nhận lỗi của mình và sẵn sàng chịu trừng phạt về những lỗi lầm ấy. Khi lớn lên, ngài cũng vẫn luôn giữ được tự chủ trước những khó khăn và dễ dàng tha thứ. Chúng ta có thể nhận ra nét đặc biệt ấy qua cách cư xử của ngài trong những trường hợp cụ thể sau:

 1- Ứng phó quảng đại và bác ái trước những kết án nghiêm khắc về việc ngài xin bỏ Dòng Đức Mẹ (Marist) để lập Dòng Thánh Thể.

 2- Trước những khó khăn với cha Hơ-mân Cô-hen (HermannCohen) về ca đoàn hỗn hợp.

3- Cách đối xử với cha Đờ Qui-es (de Cuers).

4- Tương quan với các tu sỹ lớn tuổi.

 5- Khủng hoảng về tài chánh sau thất bại của nhà in Lơ-clec (Leclerc) vào năm 1867.

 6- Những tai tiếng và nhục nhã sau khi phải đóng cửa Nhà Nơ-mua (Nemours), trong một số trường hợp đối với cha Cô-lanh (Colin), Đức Cha Ăng-giơ-bô (Angebault), Đức Tổng Giám Mục Đác-boa (Darboy).

 Trước những biến cố như trên, thái độ bất biến của cha E-ma là luôn tỏ ra là con người chân thành và đầy tinh thần trách nhiệm. Khi có trách nhiệm và khi không cần phải hành động kín đáo nữa, thì ngài luôn sẵn sàng chịu trách nhiệm về lãnh đạo của mình, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, đau khổ và nhục nhã. Ngài coi đó là thành phần tất yếu của bất kỳ tiến trình hoạt động nào.

1- NHỮNG KẾT ÁN VỀ VIỆC BỎ DÒNG

 Một số tu sỹ Dòng Đức Mẹ, hầu hết là ở La Xen-xuyệc-me (La Seyne-sur-mer) và Tu-lông (Toulon), đã gay gắt lên án cha E-ma về việc ngài bỏ Dòng Đức Mẹ. Ngài bị kết án là đầy tham vọng cá nhân, ảo tưởng, ham những cái mới mẻ, bất trung… Để trấn an những chỉ trích đó, ngày 24 tháng 5 năm 1856, cha Pháp-vrờ (Favre), Bề Trên Tổng Quyền Dòng Đức Mẹ lúc bấy giờ, đã phải viết một thơ luân lưu, trong đó có đoạn như sau:

 “Trường hợp có anh em nào chưa biết, thì tôi xin thông báo tin này, đó là tin có thể làm anh em ngạc nhiên và đau buồn. Cha E-ma tin rằng, ngài được Chúa kêu gọi để hiến thân thực hiện công cuộc Thánh Thể ngoài Hội Dòng. Nhân danh chân lý và bá cái, và để ngăn ngừa những cảm nghĩ sai lầm và những chỉ trích tai hại, tôi xin nói rằng, khi phải ra đi, ngài cũng hết sức đau khổ như chúng ta, và ngài không còn lựa chọn nào khác ngoài tuân theo Ý Chúa và do đó ngài cần những phép chuẩn cần thiết. Ước chi công cuộc của ngài lôi cuốn người ta đến nhận biết Chúa, yêu mến và tôn vinh Chúa nơi Bí Tích Tình Yêu, và chúng ta phải vui mừng về công cuộc ấy”.

Cha Đờ-ni (Denys), người kế vị cha E-ma trong chức vụ bề trên ở La Xen (La Seyne), viết cho ngài và kết án rằng, công cuộc khởi xướng một dòng mới của ngài là gieo rắc cỏ lùng vào cánh đồng của Chúa. Cha Đờ-ni cũng cảnh báo cha E-ma rằng, ngài sẽ phải trả lời trước Tòa Phán Xét công thẳng của Chúa về việc này. Cha E-ma đã hồi âm cha Đờ-ni bằng những lời lẽ đầy tinh thần bác ái ki-tô giáo như sau:

 “Tôi đã nhận được bức thơ đầy tình huynh đệ của cha và đã đọc rất kỹ thơ ấy. Tôi xin hết lòng cám ơn cha về mối quan tâm và tình bác ái của cha… Xin cầu cho tôi… Bức thơ của cha đã đem lại cho tôi niềm vui lớn lao. Tôi cảm nghiệm được tâm hồn và tình cảm mà cha dành cho tôi. Tôi càng mến phục cha hơn”.

 Cha Ca-pui-ê (Capouillet) cũng không tiếc lời kết án cha E-ma cách công khai, cho rằng ngài là con người hiếu động và đầy tham vọng, và tiên đoán rằng Hội Dòng mới sẽ chẳng sống được bao lâu. Câu trả lời duy nhất của cha E-ma là “sẵn sàng tha thứ tận đáy lòng”.

 Đáp lại một tu sỹ Dòng Đức Mẹ khác đã viết cho cha E-ma bằng những lời hết sức gay gắt và công khai kết án ngài, cha E-ma nói: “Ngài (ám chỉ vị tu sỹ kia) cũng giống như một thánh Giê-rôm khác”39.

 Cha E-ma tuy có sẵn câu trả lời cho những tố cáo và công kích ngài, nhưng ngài không hề tự bào chữa cho mình. Ngài viết cho Mẹ Mác-gơ-rít Ghi-ô (Marguerite Guillot) ngày 8 tháng 7, 1856:

“Cha sẵn sàng bỏ qua những ai tỏ ra thất vọng về cha… Họ chỉ đề cập tới những quyết định cá nhân của cha mà thôi, chứ họ không đề cập tới phán quyết của các Giám Mục vào cuối cuộc tĩnh tâm của cha… Cha đã nhận được một số thơ hết sức đau lòng, và nhận ra những gì người ta nghĩ về cha và tệ hơn nữa, những gì người ta nói về cha. Thiên Chúa tha phép như vậy theo một kế hoạch riêng của Ngài, cha luôn lặp đi lặp lại rằng, nguyện cho Chúa luôn được chúc tụng trong mọi sự. Cha tin rằng, cha đã trả lời những thơ ấy cách bình thản và bác ái”.

 Bẩm chất của cha E-ma là con người tốt lành tử tế, và nhờ có kỷ luật mà ngài đã vượt lên trên những gì là nhỏ nhen không đáng kể. Trong Tiến Trình phong Chân Phước, tất cả mọi nhân chứng đều chứng thực rằng, họ không hề nghe cha E-ma nói bất cứ lời nào hàm ẩn ý khinh miệt hoặc chê bai Dòng Đức Mẹ 40 .Ngài viết cho Mẹ Mác-gơ-rít Ghi-ô ngày 19 tháng 1, 1857 như sau:

 “Lúc này các tu sỹ Dòng Đức Mẹ đã tìm lại được bình an, và thánh giá không còn đè nặng lên cha nữa. Cha cần những thử thách như vậy để có thể đặt trọn tin tưởng vào Chúa hơn”.

 Ảnh hưởng của hoàn cảnh đã đưa đẩy cha E-ma theo con đường ngài được kêu gọi, và các tu sỹ Dòng Đức Mẹ thì đi theo đường lối riêng của các ngài. Cha E-ma viết cho Mẹ Mác-gơ-rít Ghi-ô ngày 20 tháng 7, 1857 như sau:

 “Về phần cha, cha yêu mến Hội Dòng (tức Dòng Đức Mẹ) và các tu sỹ của Dòng hơn bao giờ hết; chỉ có điều đáng nói là cha không thăm viếng các ngài thường xuyên được thôi. Lý do chính là không có thời giờ, nhưng cha cũng cảm thấy những cuộc thăm viếng như vậy có vẻ miễn cưỡng và hình thức”.

 Cha E-ma không quan tâm đến việc biện minh cho mình. Ngài tin tưởng rằng, ngài hành động theo lương tâm trong mỗi hoàn cảnh, vả lại ngài cũng đã được phép chuẩn cần thiết rồi. Ngài phó thác mọi sự trong tay Chúa.

2- VỚI CHA HƠ-MÂN CÔ-HEN (Hermann Cohen)

 Cha E-ma gặp cha Hơ-mân khi ngài tới viếng thăm cộng đoàn Dòng Đức Mẹ ở phố Mông-pác-nas (Montparnasse) vào tháng 1 năm 1849. Hai tháng trước đó, theo lời mời của Đức Cha Đờ Bui-ơ-ri (de Boullerie), Tổng Đại Diện đặc trách về tu sỹ của Tổng Giáo Phận Pa-ri, cha Hơ-mân (Hermann) đã cùng với Rây-mông đờ Qui-es (Raymond de Cuers) và cha An-be Pha-giờ (Albert Fages) thành lập nhóm chầu đêm dành cho nam giới ở Pa-ri. Lúc ấy ba vị trên đây đang tạm trú ở nhà của Dòng Đức Mẹ. Cả hai cha Béc-tô-lông (Bertholon), bề trên nhà, và cha E-ma, đều khuyến khích Hơ-mân làm linh mục. Tháng 10 năm 1849, Hơ-mân vào Dòng Ca-mê-lô ở Bruyt-xen (Brussels) gần Boóc-đô (Bordeaux), và được thụ phong linh mục ngày 19 tháng 4 năm 1851.

 Trước khi vào Dòng Ca-mê-lô, cha Hơ-mân đã cùng với Rây-mông đờ Qui-es (Raymond de Cuers) thành lập một nhóm chầu đêm khác ở Tu-lông (Toulon). Khi được thuyên chuyển về La Xen-xuyệc-me (La Seyne-sur-mer), cha E-ma đã làm quen với nhóm này. Sau cảm nghiệm sâu xa của cha E-ma vào ngày 18 và 19 tháng 4năm 1853, cha E-ma đã gặp cha Hơ-mân và ngài hết sức ngạc nhiên là “những tư tưởng và ước nguyện của chúng tôi rất trùng hợp nhau” 41. Lúc bấy giờ tất cả các cổ động viên cho phong trào chầu đêm đều toan tính thành lập một Hội Dòng Chầu Đêm dành cho nam giới. Cha Hơ-mân và cha Đờ Qui-es thì muốn khởi sự công cuộc này ở Mạc-xây (Marseilles), nhưng rồi các biến cố đã đưa đẩy cha E-ma lập Dòng Thánh Thể ở Pa-ri.

 Mối tương quan giữa hai cha khá khăng khít cho tới khi Các Bà thuộc hội chầu đêm ở Tu-lông (Toulon) đến Pa-ri ngày 4 tháng3 năm 1857, thì sóng gió bắt đầu nổi lên. Các Bà gồm 5 người 42 ngụ tại phố Cas-xi-ni (Cassini) gần nhà nguyện của các cha Thánh Thể ở phố Đăng-phe (d’Enfer). Vì thế Các Bà đã đến tham dự các việc đạo đức chung ở đây. Các Bà tham dự Giờ Kinh Phụng Vụ ở lòng nhà nguyện, còn các cha thì ở trên gian cung thánh. Thỉnh thoảng họ cũng đến ăn chung với các cha 43. Ở nhà Pa-ri, mọi người đều biết rõ rằng, cha E-ma mong muốn trong tương lai sẽ thành lập Cộng Đoàn Phòng Tiệc Ly dành cho nữ giới. Ngài giải thích cho Mác-gơ-rít Ghi-ô trong thơ đề ngày 11 tháng 6 năm1857 như sau:

 “Sau khi ổn định ở đây rồi, chúng ta sẽ nghiên cứu xem các vị thẩm quyền có cho phép các linh mục và nữ tu cử hành các giờ Phụng Vụ chung trong cùng một nhà nguyện hay không. Nhà nguyện này, theo Giáo Luật, sẽ phải tách biệt hoàn toàn giữa hai cộng đoàn, nhưng cả hai đều chầu chung với nhau. Hay là phải có hai nhà nguyện biệt lập để mỗi cộng đoàn chầu riêng. Chúng ta cầu nguyện để xin Chúa hướng dẫn bằng những dấu chỉ rõ rệt về vấn đề này. Cá nhân cha, cha thích phương án thứ nhất hơn, vì phương án này giống như Cộng Đoàn Phòng Tiệc Ly thuở xưa hơn, nơi đây có các Tông Đồ, các môn đệ, các phụ nữ thánh thiện và Đức Ma-ri-a cùng cầu nguyện với nhau…”.

Sau bức thơ đó, thì theo lời khuyên của bác sỹ, cha E-ma phải đi A-lơ-va (Allevard) để chữa bệnh ở nước suối nóng. Khi trở lại Pa-ri vào ngày 20 tháng 9 năm 1857, ngài thấy tình trạng trong nhà hết sức hỗn loạn. Trong một bức thơ gởi cho Mác-gơ-rít Ghi-ô đề ngày 6 tháng 10 năm 1857, ngài viết:

 “Con hỏi về những hỗn loạn của chúng tôi ư? Đây, cha cho con hay, trong khi cha vắng mặt, ma quỉ đã làm quay cuồng đầu óc hai linh mục dự tu. Họ đã xin các Giám Mục để trở lại giáo phận cũ của họ và đã không dung tha cho Dòng… Ngày nào cha cũng nghe những câu chuyện không thể tưởng tượng được… Cha Hơ-mân không còn ghé viếng cộng đoàn nữa, ngài đã hoàn toàn có thành kiến chống lại chúng tôi rồi. Ngài viết cho cha bằng những lời lẽ hết sức gay gắt”.

 Trước những xáo trộn ấy, cha E-ma đã tham vấn với cha Ma-ri Đô-mi-nic Bu-ic (Marie Dominique Bouix), một chuyên gia Giáo Luật nổi tiếng, để xem một Hội Dòng gồm hai ngành nam và nữ :

 1- Có được phép tham dự chung với nhau những giờ phượng tự hay không?

 2- Có được phép đọc kinh Phụng Vụ chung với nhau hay không?

 3- Ngành nữ có được phép chầu đêm đồng thời với các linh mục, nhưng ở một khu hoàn toàn biệt lập, hay không?

 Chúng ta không được biết cha Bu-ic đã trả lời cha E-ma thế nào, chỉ biết rằng, kể từ tháng 1 năm 1858, những giờ phượng tự chung cho cả hai nhóm đã không còn được tiếp tục nữa và lý do được đưa ra để biện minh cho quyết định này là: Đấng Sáng Lập chưa muốn coi những người này như những tu sỹ 44.

 Tuy nhiên, những rắc rối chưa ngừng lại ở đây. Tháng 5 năm 1859, cha E-ma viết cho cha Đờ Qui-es:

 “Cha Hơ-mân (Hermann) đã thay đổi, tôi không bảo là ngài đã trở thành kẻ thù, nhưng là kẻ đối địch. Ngài không ngừng lặp đi lặp lại rằng, ngài đã cắt đứt liên hệ với chúng ta từ một năm rưỡi nay rồi, và kết án ca đoàn chung của chúng ta với các chị mà ngài coi là các nữ tu… Ôi! Tôi không muốn nói thêm nữa”.

 Ngày 23 tháng 9 năm 1859, cha E-ma viết thêm (cho cha Đờ Qui-es):

 “Tạ ơn Chúa về những nhận xét chính đáng của cha Hơ-mân. Tôi ân hận về một vài nhận xét của tôi khiến ngài chống đối chúng ta hơn. Quả thực, chúng ta không đáng được gọi là tu sỹ. Làm sao chúng ta có thể tự cho mình là thuộc hàng phẩm trật thánh thiện và đặc biệt như vậy được? Chúng ta phải chấp nhận và giữ địa vị chót của mình”.

 Vào khoảng 25 tháng 1 năm 1860, cha E-ma lại viết cho cha Đờ Qui-es:

 “Trong thơ trước, tôi quên đề cập đến cuộc thăm viếng của cha Hơ-mân. Ngài hay tin tôi đi Li-ông… mà không ghé thăm ngài. Sau bức thơ cuối cùng của ngài, tôi không còn bổn phận viếng thăm ngài nữa. Tôi đã dứt khoát tránh gặp ngài cho tới khi Chúa muốn tôi phải lên tiếng… Cuộc trao đổi của chúng tôi diễn ra cách thân mật, nhưng chúng tôi đã không đề cập đến những chi tiết liên quan đến Hội Dòng, vì có những người khác hiện diện ở đó lúc bấy giờ. Tôi đã đáp lại cuộc thăm viếng của ngài và nài nỉ ngài: Chúng ta hãy hiệp nhất với nhau, chúng ta hãy liên kết với nhau. Tâm hồn tôi quá đau khổ về cách cư xử và lạm dụng của ngài khiến tôi không còn tự nhiên với ngài được nữa. Một ngày kia, tất cả sẽ được hàn gắn và chữa lành, nhưng tôi cần sự bảo đảm chắc chắn hơn”.

 Đường lối tốt nhất là tránh tạo cơ hội khiến cho ngài (cha Hermann) chống đối thêm. Khó có thể hiểu được tại sao cha Hơ-mân lại gây ra biết bao đau khổ cho cha E-ma trong suốt hai năm trời như vậy. Cha E-ma cho rằng, đó chỉ là do ác cảm cá nhân mà thôi, như ngài viết cho cha Đờ Qui-es:

 “Xin cha làm ơn trả lời cha Hơ-mân giùm tôi. Liên hệ giữa tôi với ngài đã bị cắt đứt rồi. Thơ cuối cùng của ngài lại càng gay gắt hơn nữa. Đối với cha, ngài vẫn luôn là bạn cố tri. Xin cho tôi miễn trả lời thơ ngài”.

 Sự việc là như vậy. Cha E-ma trách mình vì đã có những nhận xét khiến cha Hơ-mân trở thành đối địch. Ngài coi sự đối nghịch ấy như là mối thâm thù cá nhân và ngài cầu xin Chúa cải thiện mối tương quan giữa các ngài.

 Rắc rối chưa chấm dứt! Hoạn nạn vẫn còn tiếp diễn! Tháng 4 năm 1863, đang khi cha E-ma ở Rô-ma để xin Tòa Thánh châu phê Dòng thì ngài bị một tu sỹ kia tố cáo với Đức Giáo Hoàng Pi-ô IX là ngài đã phản bội Dòng Đức Mẹ, chủ trương dễ dãi với các nữ giáo lý viên ở đường Xanh Giắc (Saint-Jaques) qua việc thành lập một ca đoàn chung và có quĩ tài chánh chung. Những tố cáo trên hoàn toàn vô căn cứ và không đúng sự thật 45. Vì thế, vị tu sỹ này đã bị buộc phải đến Pháp để xin lỗi cha E-ma.

 Phản ứng của cha E-ma trước những khó khăn ấy thực phi thường. Một mặt, trước công luận, ngài phải minh oan cho mình và bảo vệ danh dự cho Dòng. Nhưng mặt khác, trong âm thầm, ngài cố gắng khám phá những dữ kiện ngầm dưới những xuyên tạc và gia diết mà từ đó phát sinh ra những chỉ trích và kết án trầm trọng như vậy. Ngài cố gắng tìm cách sửa chữa tình trạng ấy. Để tránh những tiếng xì xầm, Đức Giáo Hoàng Pi-ô IX khuyên ngài tìm một nơi khác cho các nữ giáo lý viên, và cha E-ma đã được Đức Cha Ăng-giơ-bô (Angebault) chấp thuận cho nhóm nữ tỳ này đến Ăng-gie (Angers) vào ngày 12 tháng 9 năm 1863 46. Hi vọng của cha E-ma về việc thành lập cộng đoàn Phòng Tiệc Ly tới đây là chấm dứt.

3- VỚI CHA RÂY-MÔNG ĐỜ QUI-ES (Raymond de Cuers)

 Trong tiến trình phong Chân Phước cho cha E-ma, cha Tes-ni-e (Tesnière) đã khởi đầu lời khai của ngài bằng những khẳng định về cha Đờ Qui-es, với lời kêu gọi sự hiểu biết đối với những ai chưa hề biết cha Đờ Qui-es 47. Hầu hết những báo cáo tai hại về cha Đờ Qui-es trong việc chống đối cha E-ma là do những ghi chú của cha Tes-ni-e (Tesnière), còn ý kiến chung thì vẫn cho rằng, cha Đờ Qui-es tuy là một con người khó tính, nhưng không đâu ghi lại những chỉ trích về cha Đờ Qui-es do các tu sỹ cao niên, như: cha Săng-pi-ông (Champion), Lơ-roay-ê (Leroyer), Ô-đi-be (Audibert), Ca-ri-ê (Carié). Khác với trường hợp cha E-ma, một số người than phiền về ngài. Cha Đờ Qui-es sống bình thản và an vui với các tu sỹ ở Mạc-xây (Marseilles), chỉ có cha E-ma là người phải gánh chịu những tấn công của cha Đờ Qui-es mà thôi.

 Theo cha Đờ Qui-es, thì chỉ một mình Thiên Chúa mới là Đấng Sáng Lập Dòng mà thôi. Còn thực hiện công cuộc ấy là do nhiều người đóng góp, chẳng hạn: sự can thiệp của cha Tút-sơ (Touche) ở Rô-ma, sự khuyến khích của Đức Giáo Hoàng Pi-ô IX, sự ủng hộ của Đức Cha Đờ La Bui-ơ-ri (de la Bouillerie), sự chấp thuận của Đức Tổng Giám Mục Xi-bua (Sibour), sau cùng mới đến vai trò của cha E-ma và các cộng sự viên của ngài. Vì coi việc sáng lập dòng là của Thiên Chúa, nên cha Đờ Qui-es đã kịch liệt phản đối cha E-ma khi ngài coi mình là vị sáng lập Dòng. Nguyên do khiến cho cơn lôi đình của cha Đờ Qui-es bùng nổ dữ dội là khi ngài nhìn thấy tên của cha E-ma ở đầu Sắc Lệnh Châu Phê Dòng48. Vì thế, cha Đờ Qui-es đã vận động với Tu Nghị không bầu cho cha E-ma làm Bề Trên Tổng Quyền và đã bỏ phiếu chống lại ngài. Ngày thứ tư trong cuộc Đại Tĩnh Tâm, cha E-ma viết:

 Thật kỳ lạ, trong cả hai trường hợp khi tôi từ Rô-ma trở về, thì cơn giận dữ lại bùng lên trước mỗi bước, mỗi cuộc thành lập nhà mới và mỗi công việc! Những đả kích ấy thật kỳ lạ! Ôi, đó là những ơn cao cả biết bao!”.

 Những quấy phá của cha Đờ Qui-es cứ tiếp tục. Sự kiên nhẫn của cha E-ma đối với vị cộng sự viên tiên khởi của ngài được bộc lộ qua những bức thơ mà ngài gởi cho cha Đờ Qui-es. Chẳng hạn trong thơ đề ngày 21 tháng 9 năm 1861, cha E-ma viết:

 “Tôi rất biết ơn những nhận xét của cha về tiến trình phải theo. Nhưng Chúa đã tỏ ra cho cả cha lẫn cho tôi hay rằng, chúng ta phải cùng nhau phấn đấu để vượt qua mọi gian khổ và không phải lúc nào chúng ta cũng thấy rõ con đường phải theo. Tôi phải hết sức đau lòng mà thú nhận rằng, tôi không hội đủ những đức tính của một bề trên. Vì lòng tốt mà cha đã coi thái độ vui tươi hài hòa của tôi là một khuyết điểm và thiếu sót, hơn là một đức tính tốt. Tôi cảm thấy rất đáng tiếc về điểm đó, và nếu Chúa muốn, tôi xin từ chức ngay tức khắc và dứt khoát, sẵn sàng phục vụ trong nhà bếp hay bất cứ công việc nhỏ mọn nào trong nhà. Tôi vẫn thường cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban cho chúng con vị bề trên xứng đáng”.

 Trong thơ đề ngày 15 tháng 1 năm 1863, cha E-ma đã biểu lộ mối quan tâm và tình bác ái đối với cha Đờ Qui-es bằng cách sẵn sàng nhận lỗi vì đã làm cho ngài (tức cha Đờ Qui-es) phải phiền lòng:

 “Trong thơ mới đây, cha đã tỏ ra lo lắng bận tâm. Nếu tôi đã làm gì gây phiền lòng cha, xin cha cứ thẳng thắn cho tôi hay. Nếu tôi làm bất cứ điều gì khiến cha phải lo âu, xin cha tin tôi, tôi thực sự không chủ tâm làm điều ấy. Xin đừng thối lui và tiêu cực, cha có thể làm được nhiều việc hữu ích. Gương sáng của cha, sự quí trọng và cảm tình của người khác đối với cha, nhất là tình yêu của cha đối với Thánh Thể, với tất cả những điều ấy, cha có thể thực hiện nhiều việc tốt đẹp ngoài tưởng tượng của cha. Hằng ngày tôi vẫn cầu xin Thầy nhân lành gìn giữ cha trong việc phụng sự Người lâu dài hơn, trong tình huynh đệ và quí mến của tôi đối với cha”.

 Bức thơ trên đây là một thí dụ điển hình khác về cách cư xử mà cha E-ma cố gắng thực hiện để làm cho người khác nguôi giận và động viên tinh thần họ phụng sự Chúa. Đau khổ mà ngài phải chịu là phải giữ thái độ bình thản, kể cả khi bị khiêu khích bởi biến cố xẩy ra trong cuộc Đại Tĩnh Tâm của ngài ở Rô-ma. Ngày 9 tháng 3 năm 1865, cha E-ma nhận được bức thơ châm chính hết sức nhức nhối của vị cộng sự viên tiên khởi của ngài. Cha E-ma gọi đó là “Cơn Bão Tố”. Từ những nhận xét thận trọng được ghi lại trong Ghi Chú Tĩnh Tâm, thì bức thơ công kích ấy đã lên án gay gắt đường lối ngài điều hành Hội Dòng, kèm theo bằng chứng là những chỉ trích của các tu sỹ lớn tuổi. Những chỉ trích ấy cũng như giọng điệu của bức thơ đã làm cho cha E-ma mất hết hứng thú và sốt sáng trong những ngày còn lại của cuộc tĩnh tâm. Gởi thơ kết án những thiếu sót của một người trong bầu khí thinh lặng của cuộc tĩnh tâm, đó là điều không nên làm, lại còn ném vào mặt người ấy những lời kết án gay gắt thì thật rất đáng trách.

 “Ôi, lạy Thiên Chúa của con! Cơn bão tố dữ dội đã vùi dập con cả giờ. Những cảnh tượng diễn ra qua trí tưởng tượng của con. Đầu óc con rối loạn, ý chí con sôi lên sùng sục, nhưng tâm hồn con không hề vương chút hận thù, hay muốn dùng biện pháp mạnh để đối phó với những gì mà con cho là đi ngược lại tinh thần tùng phục…’. Tôi chấm dứt buổi suy niệm bằng cách phủ phục dưới chân Chúa và thưa với Người: ‘Xin cho chén này qua khỏi con !”.

Trong giờ suy niệm hôm sau, cha E-ma quyết định:

 – “Sẽ không nghĩ đến những rắc rối của tôi và nguyên nhân phát sinh ra những rắc rối ấy nữa, sẽ bỏ qua cho ngài (tức cho cha Đờ Qui-es), không trách cứ ngài, ca tụng những nhân đức của ngài, hành động cách chân thành và huynh đệ, thú nhận tình trạng cùng quẫn của mình trước mặt Chúa. Chính tôi là người đau yếu và cần phương dược để chữa trị, là người bị nóng sốt cần được bình lặng, là người bị căng thẳng…”.

 – “Mục đích Chúa muốn là tôi phải tìm kiếm một mình Người làm chứng nhân, thẩm phán và Đấng ủi an nâng đỡ… Tôi phải nhìn vào cơn thử thách này để tìm ra bài học, sự sửa chữa và cảnh báo của Chúa, nếu không, tôi sẽ thiếp ngủ đi và sao lãng bổn phận của mình. Tôi phải tìm lý do gây ra sự chống đối này và biến chúng thành đối tượng cao cả và quảng đại cho sự hi sinh của tôi”.

Với ý định kiên quyết phụng sự Chúa, cha E-ma đã nhận lỗi về mình trong khi khích động người khác:

– Ngày 20 tháng 3 năm 1865, ngài viết:

 “Lần đầu tiên tôi tỏ ra hoàn toàn chấp nhận mọi sự. Thái độ của tôi sẽ là thinh lặng, kiên nhẫn, phó thác cho Chúa. Xin cho thánh ý Ngài được thực hiện. Nếu khi trở về mà bão tố vẫn chưa yên thì cũng xin chúc tụng Chúa! Tôi sẽ được thêm công phúc hơn và có lẽ sẽ yêu mến Chúa cách trung thành hơn”.

 Sáng hôm sau, ngày 21 tháng 3 năm 1865, trong khi suy gẫm trước Thánh Lễ, cha E-ma duyệt lại những thập giá mà các vị Sáng Lập Dòng đã phải vác: Thánh Bê-nê-đi-tô, thánh Phan-xi-cô Át-xi-gi (Assissi), thánh An-phông-sô. Sau đó, ngài đã tận hiến toàn thân cho Chúa, sẵn sàng chấp nhận tình trạng bị mọi người bỏ rơi để mưu ích cho Hội Dòng:

 “Tôi đang ở Vườn Cây Dầu với Chúa Giê-su. ‘Lạy Chúa Trời con, Chúa muốn mọi người bỏ rơi con, đoạn tuyệt với con, từ bỏ con, không nhìn nhận con ư? Này con đây, xin cứ thiêu hủy con đi, cô lập con đi, chỉ xin cho con tình yêu và ân sủng của Chúa cho ngày hôm nay, thánh giá và cảnh cơ cực của Chúa cho ngày mai, miễn là cho con được trở nên bệ đặt Mình Thánh Chúa”.

 Rồi ngài cử hành Thánh Lễ với tâm tình ấy, và trong khi cám ơn Rước Lễ, ngài đã dâng Chúa Lời Khấn Bản Vị của ngài.

 Sau Tổng Tu Nghị vào tháng 7 năm 1865, cha E-ma được bầu làm Bề Trên Tổng Quyền suốt đời, thì cha Đờ Qui-es cũng quyết định đi theo đường lối riêng của ngài. Ngài âm thầm xin Thánh Bộ Giám Mục tháo gỡ lời khấn để dấn thân cho đời sống ẩn dật chuyên việc Chầu Chúa ở Rốc-pha-vua (Roquefavour). Cha E-ma biết được sự việc này là nhờ bức thơ của Thánh Bộ gởi và thông báo cho ngài biết về thỉnh nguyện của cha Đờ Qui-es. Sau đó, khi gặp cha Đờ Qui-es ở Pa-ri, cha E-ma đã thuyết phục được ngài thực hiện chương trình của ngài ở ngay trong Hội Dòng.

Vào giữa tháng 1 năm 1868, trong khi giảng tĩnh tâm cho các tu sỹ của ngài ở Mạc-sây (Marseilles), cha E-ma đã tới thăm vị cộng sự viên tiên khởi của ngài ở Rốc-pha-vua (Roquefavour). Cám cảnh trước cuộc sống cơ cực của cha Đờ Qui-es, nên sau đó cha E-ma đã trở lại và mang theo những nhu yếu phẩm cho cha Đờ Qui-es. Cử chỉ nhân ái của cha E-ma đã trở thành lời từ biệt đối với vị cộng sự viên tiên khởi của ngài. Hồi tưởng lại biến cố ấy, Giăng Phrê-muya-ra (Jean Frémura), một thành viên của cộng đoàn Rốc-pha-vua, nhận định rằng, mối tương quan giữa bề trên của ông và cha E-ma không được thắm thiết 49. Trong cuộc tĩnh tâm ở Xanh Mô-ris (Saint-Maurice) trước khi qua đời, cha E-ma ghi lại rằng, vết thương hằn sâu nhất mà ngài phải chịu vì Hội Dòng, đó là cuộc ra đi của cha Đờ Qui-es.

4- VỚI CÁC TU SỸ CAO NIÊN

 Mặc dầu cha E-ma được hầu hết mọi người đánh giá cao, nhưng một ít tu sỹ cao niên thì lại không chấp nhận phong cách của ngài 50. Một vài người đã không coi ngài là vị lãnh đạo lý tưởng. Họ kết án ngài vì quá dễ dãi và cả tin, vắng nhà quá thường xuyên, dùng quá nhiều thời giờ để tiếp khách, đôi khi tỏ ra quá bận rộn đến nỗi người ta không dám làm phiền ngài khi có việc cần đến ngài, không quan tâm đến vấn đề tài chánh… Tuy nhiên, về lòng tốt và tử tế đáng mến của ngài thì ai cũng phải cảm phục 51.

 Khi ngài tỏ ra thân mật, nhiệt tình và quyết đoán, thì một số tu sỹ cao niên lại tức tối với ngài. Cha Trút-xi-ê (Troussier) nhận định: “Đa số những tu sỹ này nhập dòng ở tuổi trung niên, cái nhìn và lối sống của họ đã thành nề nếp rồi, vì thế họ chỉ trích và kết án những tư tưởng và đường lối của Đấng Sáng Lập theo định kiến của họ. Tình trạng cứ mỗi ngày một tệ hơn thay vì được cải thiện. Nỗi thất vọng ê chề và những hậu quả khốc hại của vụ Nơ-mua (Nemours) đã làm họ mất hết niềm tin vào ơn soi sáng và ơn lập dòng của Đấng Sáng Lập. Hậu quả là cha E-ma bị cô lập hoàn toàn” 52.

 Cha E-ma không hề trách cứ ai. Vào khoảng thời gian diễn ra cuộc Tĩnh Tâm Thứ Nhất ở Rô-ma năm 1863, Đấng Sáng Lập đã gầy dựng được một nhóm nồng cốt gồm 9 linh mục, 19 giáo sỹ và tu huynh 53. Nhiệm vụ của ngài là đào tạo những người này theo tinh thần ơn gọi thánh thể. Hiến Pháp Xanh Bon-nê (Saint-Bonnet) mãi tới tháng 10 năm 1863 mới được hoàn tất, nhưng ngài tin rằng “Chúa sẽ không bỏ rơi tôi sau khi Ngài dùng tôi để thiết lập Hội Dòng”.

 Tư tưởng chủ yếu trong suy niệm khởi đầu của cuộc Tĩnh Tâm Thứ Nhất ở Rô-ma là “chết cho mình”, đó là giá phải trả để có thể phát sinh ra những kẻ tôn thờ trong thần khí.

“Cái chết nhắm vào tôi từ mọi hi sinh mà tôi có thể dự đoán được… Tôi phải trở thành như người mẹ đối với những người con thiếu hiểu biết, luôn bảo thủ và bướng bỉnh”.

 – “Tôi sẽ phải trả giá cho mỗi ơn kêu gọi bằng một cái chết và sẽ không để ai biết tới. Chính nhờ những đau khổ âm thầm như vậy mà tôi có thể đem lại lợi ích cho Hội Dòng”.

 Việc lãnh trách nhiệm như vậy không làm cho vấn đề được dễ dàng hơn, nhưng đó là ý thức trách nhiệm của Đấng Sáng Lập chúng ta. Ngài cảm thấy hoàn toàn bị thu hút vào sứ vụ được ủy thác. Đó là dự án của Chúa. Thiếu sót trong việc chu toàn sứ vụ ấy là làm tiêu tan những ước vọng của Chúa.

 15 tháng sau, trong cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma, cha E-ma đã hoàn toàn nhận lỗi về sự tiến triển chậm chạp của Hội Dòng. Ngài cảm thấy bị Chúa khiển trách vì đã bách hại Chúa qua việc sao lãng công việc đào tạo nội tâm cho các tu sỹ; vì đã trốn tránh trách nhiệm bằng cách dành nhiều thời giờ để tổ chức những việc phượng tự bề ngoài và do đó đã sao lãng việc đào tạo thiêng liêng cho các tu sỹ. Trong bốn trường hợp, ngài biểu lộ ý định từ chức để đem lại lợi ích hơn cho Hội Dòng 54. Ngày 2 tháng 3 năm 1865, trong cả ba suy niệm thuộc ngày hôm đó, ngài kết án mình vì đã nêu gương xấu cho cộng đoàn bằng cách tự ý châm chước cho mình tham dự các việc chung chỉ vì những lý do nhỏ mọn, vì vi phạm luật thinh lặng quá dễ dàng; vì hành động dường như người đứng trên lề luật. Những khiển trách ấy là kết quả của cuộc tĩnh tâm. Cha E-ma quan tâm đến việc sửa chữa những sai sót, hơn là biện minh cho mình. Ngài quan tâm đến vinh quang của Chúa, chứ không màng đến danh tiếng của mình.

Rồi ngày 9 tháng 3 năm 1865, “Cơn bão tố” nổi lên. Báo cáo về những chỉ trích của một số tu sỹ lớn tuổi gây xáo trộn cho cha E-ma không kém gì giọng điệu bức thơ của cha Đờ Qui-es:

 – “Tôi cảm thấy bị tổn thương nặng nề, nên đã không giữ mình được trước những chỉ trích của một số người, đã phản ứng quá đáng, trở thành người lãnh đạo cáu kỉnh, thay vì là người cha nhân từ, người chữa lành và người khôn ngoan của Chúa.

 – “Tại sao? Vì một điểm yếu nào đó của tôi: Phải chăng vì sự thành công của Hội Dòng, vì những sai quấy đối với Hội Dòng, vì thiếu trật tự, vì kình địch, hay vì một điểm nào khác tương tự như vậy. Điều đó chạm tự ái của tôi thấu tận tâm can”.

 Như thường lệ, cha E-ma tìm kiếm chân lý được che đậy dưới những chỉ trích ấy, và ngài nhận trách nhiệm trước mặt Chúa vì đã gây bực tức cho người khác.

 – Ngày 10 tháng 3 năm 1865: “Có một chân lý lắng đọng ở dưới đáy tất cả những sự việc này… Tôi phải tự kết án mình, và phải tự hạ trước Thiên Chúa”.

 – Ngày 11 tháng 3 năm 1865: “Vì do lỗi lầm, mà tôi đã không chú tâm đủ…”.

 Ngài tiếp tục trách mình vì đã tỏ ra như người đốc công hơn là người khích động, sửa sai hơn là gây cảm hứng, khiêu khích hơn là khích lệ. Phương pháp này đã dẫn ngài đến lễ tự hiến vào ngày 21 tháng 3 năm 1865 như đã đề cập trước đây. Sự nhẫn nhục chịu đựng đem lại cho ngài chút bình an, nhưng nỗi buồn cứ day dứt ngài mãi cho tới ngày 27 tháng 3 năm 1865, nghĩa là vào cuối cuộc tĩnh tâm: “Sự phiền muộn này là do những gì người ta viết cho tôi”, và ngài tiếp:

“Năng lực giả dối, lòng nhiệt thành sai lầm, bạo lực của các phương tiện, tất cả đều bộc lộ tâm trạng bất ổn, sự kiêu căng trá hình, một tâm hồn bệnh hoạn và quá dễ xúc cảm. Hồn tôi hỡi, hãy đến mà hút lấy chút mật ngọt”.

 Những thành phần trẻ thì vẫn quí trọng Đấng Sáng Lập và vào những năm cuối đời, cha E-ma đã đặt trọn hi vọng của Hội Dòng vào những thành phần này. Vấn đề không đơn giản, nhưng đó là hướng đi cho tương lai 55.

5- GIỮA NHỮNG THỬ THÁCH

 Năm 1867, một chuỗi những bất hạnh liên tiếp giáng xuống trên đầu Đấng Sáng Lập của chúng ta, hủy hoại hết mọi danh thơm tiếng tốt của ngài 56.

 – Trước hết là chi phí và khó khăn trong vấn đề di chuyển cộng đoàn Ăng-gie (Angers) từ khu vực Đút-trờ (Doutre) tới Cloát-trơ Xanh-Mác-tanh (Cloitre Saint Martin), rồi đến nhà in Lơ-cléc(Leclerc) của Pa-ri (Paris) tuyên bố phá sản. Cha E-ma đầu tư vào hãng này 7 chục ngàn Phrăng (70,000frs) với mục đích để chi phí cho nhà Ăng-gie (Angers). Rồi ông Gơ-ranh (Guerin), chủ ngân hàng, đã cho cộng đoàn Mạc-xây (Marseilles) vay 15 ngàn phrăng(15,000 frs), thình lình ông đòi lại trọn món nợ. Cha E-ma dự định dùng phần di sản ngài được hưởng để trang trải món nợ ấy. Di sản này hiện đang được Đức Cha Đờ La Bui-ơ-ri (de la Bouillerie) quản lý. Nhưng những người đồng thừa kế là các Nữ Tu Dòng Thương Xót, dựa vào pháp lý, đã không chịu phân chia di sản này. Ngày 15 tháng 3, tòa án Xen (Seine) kêu cha E-ma ra tòa vì bị tố cáo là chiếm đoạt tài sản của cô Stéc-linh (Sterlingue). Các luật sư đại diện của ngài đã ra tòa thay cho ngài, và ngài phải mất 93 ngàn phrăng bao gồm: 61 ngàn phrăng tiền bồi hoàn, và 32 ngàn phrăng lệ phí pháp luật.

 – Vào giữa tháng 4, việc giải tỏa ngoại ô Xanh Giắc (Saint-Jacques) đã buộc cộng đoàn ở đây phải rời qua khu vực bất lợi ở khu phố Mông-pác-nas (Montparnasse).

 – Vào cuối tháng 5, nhà Nơ-Mua (Nemours) bị đóng cửa.

 – Khi đến xin Đức Tổng Giám Mục Đác-boa (Darboy) của Pa-ri phong chức linh mục cho một số ứng viên của Dòng, cha E-ma đã quên một vài giấy tờ cần thiết, Đức Tổng Giám Mục đã giận dữ xua đuổi ngài ra khỏi Tòa Giám Mục và không thèm nghe ngài phân trần giải thích gì nữa.

 – Tình trạng xáo trộn ở Nhà Mẹ được dàn xếp trong cơ cực đến tột độ.

 – Ngày 11 tháng 6, cha E-ma nhận được văn bản của Rô-ma, thông báo việc cha Đờ Qui-es (de Cuers) xin gỡ lời khấn.

Thêm vào những khó khăn rắc rối trên đây, ngày 21 tháng 5 năm 1867, các chị của ngài là Ma-ri-an (Marianne) và Na-nét (Nanette) bỏ Dòng Nữ Tỳ. Các Nữ Tu Bơ-noát (Benoite), Phi-lô-mê-na (Philomena), Ê-mi-liên (Emilienne) không chịu trở về Ăng-gie (Angers) sau khi cộng đoàn Nơ-mua bị đóng cửa, và sau cùng họ đã bỏ Dòng.

 Cha Đờ Qui-es, dù có ý định bỏ Dòng theo Giáo Luật hay không điều đó không ai biết rõ, nhưng thực tế là ngài đã rời khỏi cộng đoàn.

 Thất bại ở Nơ-mua (Nemours) khiến cha E-ma bị thất sủng và bị xỉ nhục trước công luận. Trong lúc rối loạn ấy, cha E-ma viết cho Mẹ Mác-gơ-rít:

Ngày 12 tháng 5 năm 1867: “Chớ có tới gần Nơ-mua, ông thị trưởng và cha sở ở đó đang giận dữ như điên”.

 – Ngày 19 tháng 5 năm 1867: “Trong giới thượng lưu, mọi người đều đàm tiếu về vụ La-phông- Stéc-linh (Lafon-Sterlingue), về con và về cha”.

 – Ngày 18 tháng 7 năm 1867: “Cha coi những nhận xét của Đức Cha Ăng-giơ-bô (Angebault) là ám chỉ về cha chứ không ai khác. Có thể ngài đã gặp giáo sỹ Phos (Fosse), Tổng Đại Diện của Giáo Phận Mô (Maux) ở Rô-ma. Vị Tổng Đại Diện này thù ghét và cựclực chống lại chúng ta”.

Danh thơm tiếng tốt của cha E-ma bị vỡ nát tan tành. Tiếng tăm của ngài là vị hướng dẫn thiêng liêng lỗi lạc, danh thơm của ngài về những phán đoán khôn ngoan và dè dặt, về quyền bính và tài lãnh đạo, tất cả đều bị đổ nát tan tành. Chính trong lúc này, cha Ô-đi-be (Audibert) đã chỉ trích thẳng vào mặt ngài, vì cho rằng ngài quá tin tưởng vào nữ tu Bơ-noat (Benoite). Cha E-ma đã không bào chữa cho lời trách móc ấy. Đề cập đến những thử thách của Đấng Sáng Lập, cha Trús-xi-ê (Troussier) đã đưa ra hai nhận xét:

 a- “Khi được tham khảo, cha E-ma đã bày tỏ ý kiến chống lại việc bổ nhiệm nữ tu Bơ-noát (Benoite) làm bề trên… Chính vị Sáng Lập Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể (Mẹ Mác-gơ-rít) đã khiêm tốn nhìn nhận: ‘Cha chúng ta đã được ơn soi sáng. Chúng ta phải chấp nhận ý kiến của người, không cần nghi ngờ gì nữa…’. Nhưng sau đó, vì lời khuyên của ngài không được tuân theo, nên ngài không có trách nhiệm gì về những hậu quả đáng tiếc của việc lựa chọn này. Tuy nhiên, khi sự việc đổ vỡ thì chính ngài đã nhận mọi trách cứ và chỉ trích. Vì ngài không tìm cách bào chữa cho mình, do đó mọi người, để nhẹ gánh cho họ, nên đã trút mọi lầm lỗi lên đầu ngài”.

 b- “Bị dồn vào thế bất lực do bàn tay Thiên Chúa đè nặng trên mình, Đấng Sáng Lập đã không biết làm gì hơn ngoài việc phủ phục và khóc lóc dưới chân Thầy nhân lành và trách mình vì đã trở nên nguyên nhân gây tai hại cho Hội Dòng” 57.

 Do ý thức trách nhiệm, cha E-ma đã chấp nhận mọi khiển trách và chỉ trích. Đó là điểm yếu của ngài. Để làm nhẹ bớt những chỉ trích, ngài có thể giải thích: rằng cha Săng-pi-ông, vị cố vấn phụng vụ cho hãng in Lơ-cléc (Leclerc), đã khuyến khích ngài đầu tư vào hãng này 58; rằng việc bổ nhiệm nữ tu Bơ-noát (Benoite) làm bề trên là trái với phán đoán và lời khuyên của ngài59; rằng Đức Cha A-lu (Allou) đã ý thức rõ hoàn cảnh mà vẫn đón nhận việc thành lập nhà ở Nơ-mua 60; nhưng cha E-ma không đổ lỗi cho bất cứ ai, mà đã lãnh nhận hoàn toàn trách nhiệm về mọi sai quấy. Cuối cùng, ngài đã thú nhận với thầy An-be Tes-ni-e (Albert Tesnière): “Không còn ai tin vào ơn của tôi nữa!”, nghĩa là không còn ai tin vào sứ mạng lập dòng của ngài nữa.

 Đôi khi chúng ta tự hỏi: Hiến lễ bản vị đã làm thay đổi gì nơi cuộc đời cha E-ma? Hiến lễ ấy đã biến đổi hạnh kiểm ngài ra sao? Dấu chỉ nào chứng tỏ ngài đã từ bỏ quyền tự lập của ngài? Có thể cha E-ma đã không luôn luôn hành động theo ơn của mình, nhưng vào những năm cuối đời, ngài bị cưỡng bách phải thực hành ơn đó. Khát vọng nồng nhiệt của ngài là thực hiện công cuộc gì lớn lao cho Chúa nếu công cuộc ấy không hàm ẩn kiêu căng, và mọi thanh danh do công cuộc lập dòng trở thành con số không; những kết án mà ngài tự kết án mình về tánh tự phụ và phù phiếm được ghi lại ở những Ghi Chú Tĩnh Tâm, những hối hận về lòng nhiệt thành mang tính cách cá nhân, tánh tự phụ cho rằng đường lối của mình mới là đường lối chính đáng tuyệt vời, tất cả đều chĩa mũi dùi vào ngài. Đó là hành vi tước lột bản vị của ngài do tay người khác thực hiện.

 Đối với cha E-ma thời kỳ thử thách này chính là Đêm Tối Tâm Thần của ngài. Ngài đã diễn tả cảm nghĩ ấy Tu Nghị ở Pa-ri (Paris) vào khoảng thời gian này 61. Nói theo kinh nghiệm, cha E-ma diễn tả những thử thách của Đêm Tối Tâm Thần khiến ta dứt bỏ bản thân hoàn toàn như thế nào và tất cả những gì cản trở tác động của ơn thánh ở nơi ta. Sự tước bỏ bản thân này hoàn tất hiến lễ bản vị bằng cách nhổ đứt bản vị của ta tận đáy lương tâm.

Cha E-ma là con người tự thành đạt. Lúc còn nhỏ, ngài bị bạn bè xa lánh vì mùi hôi của dầu ám vào người, thế mà sau này đã trở thành Đấng Sáng Lập Dòng. Cá tính của ngài thật mạnh mẽ phi thường. Ngoài những lời cảm phục về lòng tốt và tử tế của ngài được chứng thực trong án phong chân phước cho ngài, chúng ta còn được biết cá tính của ngài đã ảnh hưởng đến nhiều người, đã thu hút những người xung quanh ngài, và nhiệt tình của ngài luôn nhắc nhở ta phải dấn thân trọn vẹn cho vinh quang của Chúa mà nhiều khi lòng nhiệt thành của ta trở nên lạnh nhạt. Người ta không thể tin được rằng, tất cả những khó khăn bao quanh ngài và dõi theo ngài từng bước do người khác gây ra cho ngài chỉ vì họ không nhận ra lòng nhiệt thành của ngài, không nhận ra sức khích động người khác ở nơi ngài. Ngài là con người mà không ai nỡ làm tổn thương, nhưng ngài cũng không phải là con người dễ sống với. Đối với các tu sỹ trẻ không sợ trước tầm vóc cao trọng của ngài, thì ngài là nguồn gây cảm hứng cho họ; đối với các tu sỹ lớn tuổi, ngài luôn khích lệ họ. Trong lúc gặp khủng hoảng trầm trọng, ngài cảm thấy bị bỏ rơi hoàn toàn: “Không còn ai tin vào ơn của tôi nữa”.

 Sau cùng, cũng cần thêm ở đây là, mặc dầu gặp khủng hoảng trầm trọng về tài chánh, nhưng khi qua đời, cha E-ma đã không để lại cho Hội Dòng một món nợ nào 62.


39 Super introductione causae, I, 337
40 Super introductione causae, 277-90, 328-29
41 Correspondence, IV, 132.
42 Super introductione causae, I, 362.
43 Super vittutibus, I, 39. Ibid. II, responsio ad animadversiones, 129, số 159.
44 Correspondence, II, 214.
45 Super introductione causae, I, 324, 370, 388. Super virtutibus, II, responsio, 130-32, số 161-63.
46 Super virtutibus, II, responsio ad animadversiones, 132, số 163.
47 Super introductione causae, I, 591-600
48 Ibid. I, 593.
49 Ibid. I, 15-16
50 Cave, I, 38, 42-45. Studies on the spiritual Journey of st. Peter Julian Eymard, 39-42.
51 Super virtutibus, I, 827 (Audibert), 759 (Carrié), 785 (Durand), 829 (Jardan),843 (Maréchal), 474 (Richard), 493, 830 (Tesnière).
52 Troussier, II, 500, Bản Anh văn: 231.
53 E. Nunez, La grande retraite de Rome, 103, 140, 152, 239, Bản Anh văn: 107, 147, 160, 251.
54 Super virtutibus, II, animadversiones, 27, số 28-29; responsio ad animadversiones, 64-65, số 81-82.
55 Troussier, II, 486-94, Bản anh văn, II, 224-28; Trochu, 383-98, Studies on the Spiritual Journey of St Peter Julian Eymard, 49-60.
56 Troussier, II, 493,501; Bản anh văn: II, 227, 231.
57 Troussier, II, 493, 501; Bản anh văn, II, 227, 231.
58 Super virtutibus, II, responsio ad animadversiones, 74-75, số 92.
59 Hai tháng trước khi mở nhà Nơ-mua (Nemours), cha Eymard viết cho Mẹ Mác-gơ-rít vào ngày 6 tháng 10 năm 1856: “Con sẽ phải bổ nhiệm vị Giáo Tập cho Ăng-gie và phải chọn bề trên cho nhà Nơ-mua. Cha không biết chắc là cảm giác bất ổn có phải từ nơi Thiên Chúa hay không, nhưng cha muốn để Sơ Bơ-noát sống kết hợp với Chúa hơn. Tất cả những việc của đời sống bề ngoài sẽ làm phương hại đến tâm hồn của Sơ ấy và sẽ cản trở ơn của Sơ…”.Sau đó Mẹ Mác-gơ-rít đã thú nhận: “Cha chúng ta được ơn soi sáng. Chúng ta phải theo ý kiến của ngài không cần phải thắc mắc gì”.
60 Super introductione causae, I, 372-73. và Super virtutibus, I, 532.
61 Super introductione causae, I, 690-91. Những điểm cốt yếu trong giáo huấnnày được tóm lược lại trong Tập II, Holy Communion, tr. 166-68.
62 Super virtutibus, II, r the History of the Congregation, IV,