Năm Sự Vui

KINH MÂN CÔI: NĂM SỰ VUI

NHỮNG SUY NIỆM THÁNH THỂ

VỚI CHA THÁNH EYMARD

1. Mầu Nhiệm Vui: Truyền Tin

Thánh Tâm Chúa Giê-su giải đáp cho chúng ta rằng những điều cần thiết để mang lại ơn cứu độ cho chúng ta vẫn chưa thể thỏa mãn được tình yêu Thiên Chúa;… “Ta yêu nhân loại hơn cả những người mẹ hiền yêu con thơ! Ta sẽ ở với nhân loại…” “bằng hình thức nào?” “bằng việc hiện diện cách bí tích.” Đấng Thánh toàn năng không muốn một sự khiêm hạ nào lớn hơn cả sự khiêm hạ của biến cố Nhập Thể, và không muốn một sự tự hủy nào lớn hơn chính biến cố khổ nạn: “Ơn cứu độ của nhân loại không hề đòi hỏi một sự tự hủy như thế.” “Trái lại, Thánh Tâm đã giải đáp: “Ta muốn che giấu chính Ta và vinh quang của Ta để anh chị em nghèo khổ có thể đến với Ta mà không bị ngăn cách vì sự rạng ngời vinh quang của Ta giống như vinh quang chói lọi của Mô-sê đã từng xảy ra cho dân Do thái xưa. Ta muốn che phủ mọi nhân đức của Ta, nếu vì chúng mà nhân loại chịu nhục nhã và rơi vào tuyệt vọng trong khi vươn tới Đấng là Mẫu Gương tuyệt hảo.” Có như thế họ sẽ đến với Ta dễ dàng hơn, và khi nhận biết Ta hạ mình hoàn toàn, nhân loại sẽ quy phục Ta. Ta sẽ có quyền nói với họ rằng: “Hãy học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”[1]

Hãy học ở Ta

Mầu nhiệm truyền tin dạy chúng ta đức khiêm nhường. Thiên Chúa từ trời đến ở với nhân loại nơi cung lòng Đức Trinh Nữ, trở nên giống chúng ta về mọi sự ngoại trừ tội lỗi. Mang lấy thân phận phàm nhân và yếu đuối của chúng ta, kinh nghiệm những thử thách và đau khổ, bắt bớ và mất mát như chúng ta. “Ngôi Lời đã trở thành người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Có thể có một hành động khiêm hạ nào lớn lao hơn thế không? Có! Cũng chính Thiên Chúa của vũ trụ, Đấng yêu thương chúng ta hơn hết mọi người mẹ rất mực yêu thương con cái mình, đã quả quyết rằng đối với tình yêu của Thiên Chúa việc Chúa trở nên phàm nhân trong một thời gian thì vẫn chưa đủ; rằng Người đã muốn ở với chúng ta đến tận thế. Người đã quyết định trở nên lương thực cho ta. Người giũ bỏ không chỉ vinh quang của một vị Thiên Chúa nhưng cả vinh quang của một con người để trở nên tấm bánh bé nhỏ và chén rượu đơn sơ. Người lại hạ mình và trở thành Mình Thánh Chúa khi vị tư tế đọc lời truyền phép. Chỉ lúc này, chứ không phải khi là hài nhi trong cung lòng trinh khiết của Mẹ Maria. Chúa sẽ ngự đến bất cứ nơi đâu mà tư tế đưa Người đến. Chúa biết rằng khi trở thành Thánh Thể, bản thân Người sẽ phải chịu những xỉ nhục lớn lao hơn những xỉ nhục mà Người đã chịu khi trở nên phàm nhân, nhưng những điều đó chẳng thành vấn đề. Chúa chịu đựng tất cả chỉ nhằm một mục đích này là hiệp thông với chúng ta. Người có một ước muốn là: “Nhân loại sẽ hạ mình hoàn toàn cùng với Ta”[2]. Lời mời gọi sâu thẳm đi vào trong sự thẳm sâu. Thánh Tâm Chúa đang gọi mời tâm hồn mỗi người chúng ta. Tình yêu Thiên Chúa đang gọi mời tình yêu nhân loại chúng ta. Tình yêu Chúa hằng hiện diện và mời gọi chúng ta hợp nhất và hiệp thông. Và qua sự hiệp thông trong tình yêu Chúa, chúng ta sẽ giúp Chúa nhập thể vào đời thêm lần nữa, nhưng không chỉ có lúc này nơi mỗi chúng ta, khi chúng ta trở nên thực tại mà chúng ta lãnh nhận.

2. Mầu Nhiệm Vui: Thăm Viếng

Mẹ Ma-ri-a đã sẵn sàng hy sinh sự riêng tư của bản thân và sự dịu dàng của chiêm niệm để đến với chị họ của Mẹ là bà Ê-li-sa-bét mà chung vui và giúp đỡ bà Ê-li-sa-bét. …Đức Ma-ri-a đã không đón nhận Ngôi Lời cho riêng Mẹ. Mẹ đã vui mừng là chúng ta cũng có thể cùng chung hưởng niềm hạnh phúc với Mẹ. Vì vậy chúng ta hãy hiệp nhất với Mẹ mỗi khi lãnh nhận Chúa Giê-su. Chúng ta hãy hát vang bài thánh ca Magnificat của Mẹ. Vì Chúa, trong mầu nhiệm này, đã làm những điều trong đại cho Mẹ Ma-ri-a; và Người cũng đang làm những việc trọng đại khi đến với chúng ta. Chúng ta hãy cố gắng học theo các nhân đức của Mẹ để Chúa Giê-su Ki-tô có thể tìm thấy trong chúng ta, như trong Thánh Mẫu của Người, một chỗ cư ngụ xứng đáng với Chúa.[3]

“Thánh Thể là hòn than rực cháy giúp thắp lửa trong chúng ta.” Ngọn lửa tự bản chất thì năng động và có tính lan tỏa. Khi chịu sự chi phối của Thánh Thể, linh hồn sẽ thốt lên: “Ôi lạy Chúa! Con phải làm gì đây để đáp lại tình yêu cao vời này?” Và Chúa Giê-su trả lời: “Con phải nên giống Ta, phải sống cho Ta, và phải sống nhờ Ta.” Sự biến đổi sẽ trở nên dễ dàng; khi có tình yêu, sách Gương Chúa Giê-su dạy rằng, con người không còn đi bộ nữa nhưng họ sẽ chạy và sẽ bay cao.[4]

Hãy Sống Nhờ Ta

Mầu nhiệm Đức Mẹ đi viếng nói cho chúng ta về tình yêu hay đức ái đối với người thân cận. Tại sao Mẹ Ma-ri-a đã vội vã đi thăm người chị họ? Trước đó, Mẹ đã có một cuộc gặp gỡ tuyệt vời nhất với Chúa Thánh Thần. Mẹ đã có Chúa Giê-su cư ngụ trong lòng Mẹ. Tại sao Mẹ không để dành thời gian mà thưởng thức khoảnh khắc hân hoan và tận hưởng hoàn toàn niềm hạnh phúc này? Nói một cách chính xác là bởi vì Mẹ đã có Chúa Giê-su đang cư ngụ trong lòng Mẹ. Cả hai trở nên một. Ý muốn của Chúa trở nên ý muốn của Mẹ. Tình yêu của Chúa trở nên tình yêu của Mẹ. Niềm vui lớn lao của Mẹ cần phải được sẻ chia. Mẹ Ma-ri-a đã chẳng phải đắn đo chọn lựa giữa việc chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa cư ngụ trong lòng Mẹ với việc yêu mến người thân cận, và chúng ta cũng cần phải như Mẹ vậy. Chúng ta không lãnh nhận Chúa Giê-su chỉ cho riêng mình. Chúa muốn chúng ta đưa Người đến với tất cả những ai không thể hay không muốn đến với Người.

Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô dạy chúng ta rằng: “Thánh Thể là hòn than rực cháy giúp thắp lửa lên trong chúng ta.”[5] Đây là ngọn lửa của tình yêu Thiên Chúa, đang bừng cháy nhưng không thiêu rụi, và muốn nhanh chóng lan tỏa rộng khắp. “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49). Nếu để cho ngọn lửa này cháy sáng thì chúng ta sẽ được biến đổi nên giống Chúa. Chúng ta sẽ trở nên một với Chúa và sẽ cháy sáng bằng tình yêu của Người. Cũng như Mẹ Ma-ri-a, chúng ta sẽ vội vã đến với những người thân cận. Đi đến đâu, chúng ta sẽ đưa Chúa Giê-su đến đó và sẽ ca tụng Người khi chúng ta kết hợp với Mẹ Maria ca vang bài Magnificat, vì Đức Chúa đã thực sự làm cho chúng ta những điều trọng đại. Khi để ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa làm sống động cuộc đời mình, chúng ta ngày một lớn lên trong đức ái. Đây là thời khắc mà ở đó chúng ta sống chiêm niệm thật sự. Cuộc đời chúng ta trở nên lời cầu nguyện sống động và chúng ta trở thành cánh tay và đôi chân của Thiên Chúa giữa thế gian.

3. Mầu Nhiệm Vui: Giáng Sinh

Khi được hạ sinh nơi máng cỏ, Ngôi Lời đã đang chuẩn bị Thánh Thể mà Người xem như là sự hoàn trọn cho tất cả các mầu nhiệm khác của đời sống Người. Ngôi Lời đến để hiệp nhất với nhân loại. Trong cuộc đời dương thế, Ngôi Lời đã thiết lập với nhân loại một mối hiệp nhất trong ân sủng, trong gương mẫu và trong công phúc; nhưng chỉ trong Thánh Thể, Người mới hoàn trọn mối hiệp thông hoàn hảo nhất mà nhân loại có khả năng vươn tới ngay trong thế gian này. …

Đây là lúa mì bởi trời được gieo trồng tại Bê-lem, “Ngôi nhà của Bánh.” Hãy nhìn cây lúa mì mà xem. Hình ảnh cây lúa mì bị chà đạp và nghiền nát tượng trưng cho bản tính nhân loại nghèo hèn. Bản tính nhân loại tự nó cằn cỗi. Nhưng Chúa Giê-su sẽ đảm nhận nhân tính đó vào trong chính mình Người và nâng nó lên, sẽ phục hồi sự sống và khiến nó trổ sinh hoa trái.[6]

Hãy Bình Tĩnh Lại

Mầu nhiệm Chúa Giáng Sinh dạy chúng ta về sự khó nghèo và sự mong manh. Trong đêm tĩnh lặng, Đấng Cứu Độ chúng ta hạ sinh trong máng cỏ, một hài nhi nghèo hèn, rất dễ bị tổn thương và hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ trần thế của mình. Khi hạ sinh tại Bê-lem, Chúa dạy chúng ta biết giũ bỏ mọi thứ của thế gian, không chỉ về sở hữu vật chất, nhưng cả về mặt tinh thần. Trong Thánh Thể, Chúa Giê-su tiếp tục dạy những bài học mà chúng ta cần để dọn đường cho Chúa, hầu Chúa có thể giáng sinh trong tâm hồn chúng ta.

Chúa Giê-su trong Thánh Thể thật sự nghèo hèn và mong manh hơn Chúa Giê-su tại Bê-lem. Người phụ thuộc mọi thứ của nhân loại, từ những vật chất dành cho việc cử hành hy tế đến những vật dụng cho bàn thờ như khăn thánh và nến.[7] Người khiến chính bản thân trở nên thấp hèn và mong manh chỉ vì tình yêu. Để khi thấy Chúa ở trong tình trạng như thế, chúng ta cảm thấy dễ dàng đến với Người. Chúng ta nhận ra chính mình khi nhìn vào Thánh Thể và dễ dàng để cho chính mình trở nên mong manh với Chúa. Chúng ta mở lòng ra và cho Chúa thấy sự rỗng không, sự nghèo hèn, cùng sự đổ vỡ của chúng ta. “Lạy Thiên Chúa, một tâm hồn khiêm nhượng và thống hối, Ngài sẽ chẳng khinh chê.” (Tv 51,19)

Giống như cây lúa mì bị “chà đạp và nghiền nát,”[8] tâm hồn chúng ta, bị dày bò vì tội lỗi, cũng sẽ trở nên chiếc giường nghèo hèn mà Chúa chúng ta tìm kiếm. “Hãy bình tĩnh lại và hãy biết rằng Ta đây là Thiên Chúa !” (Tv 46,11). Trong sự tĩnh lặng của tâm hồn chúng ta, Chúa chúng ta sẽ hạ sinh. Người mang theo các phẩm tính của trẻ thơ mà chúng ta cần phát huy. Chúng ta sẽ nuôi dưỡng các nhân đức này nhờ Bánh Sự Sống và tưới gội chúng bằng Nước Trường Sinh. Mỗi lần lãnh nhận Chúa Gê-su Thánh Thể, chúng ta dần chết cho chính mình và sống cho Chúa hơn. Chúng ta sẽ tuyên bố cùng với Gio-an Tẩy Giả: “Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại” (Ga 3,30), cho đến một ngày nào đó chúng ta có thể nói rằng: “Tôi sống nhưng không còn phải là tôi mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2,20).

4. Mầu Nhiệm Vui: Dâng Chúa trong Đền Thờ

Chúa chúng ta đã không chậm trễ dâng hiến chính mình cho Chúa Cha một cách công khai. Bốn mươi ngày sau khi giáng thế, Người đã linh hứng cho Mẹ Ma-ri-a đưa Người đến Đền Thờ. Mẹ đã bồng ẵm Hài Nhi trên tay, sẽ dâng Người cho Chúa Cha, và sẽ chuộc lại Người bằng một đôi chim gáy. Chúa Giê-su đã chấp nhận để cho chính Người được trao đổi bằng những sinh vật thụ tạo bé nhỏ này, từ đó dạy cho chúng ta về sự thanh khiết và đơn sơ của Người.[9]

(Trong Thánh Thể) Người vâng lời chịu lụy không chỉ khi vị tư tế đọc lời truyền phép trong Thánh Lễ, nhưng ở mọi thời khắc và bất kỳ khi nào người tín hữu cần đến Người. Tình trạng vĩnh cửu của Chúa là một tình trạng vâng lời chịu lụy mang tính chân thật và đơn sơ.[10]

Hãy Nghe Ta

Mầu nhiệm dâng Chúa Giê-su trong Đền Thờ dạy chúng ta về đức vâng phục. “Người đã linh ứng cho Mẹ Ma-ri-a đưa Người vào Đền Thờ”[11]. Ngay cả khi còn là một hài nhi, Chúa Giê-su đã linh ứng cho những nẻo đường của Mẹ Ma-ri-a, và chỉ tuân hành ý muốn của Chúa Cha. Chúa Giê-su đã muốn công khai dâng chính mình cho Chúa Cha, và đồng thời dạy chúng ta về sự thanh khiết và đơn sơ.

Tại sao Chúa Giê-su muốn nhanh chóng dạy chúng ta về đức thanh khiết? Có lẽ vì tâm hồn thanh khiết là một đòi hỏi cho ơn phúc kiến – cứu cánh của chúng ta. “Phúc cho người có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” (Mt 5,8). Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô dạy rằng “một người có sự thấu hiểu thuần khiết về Thánh Thể, thì một cách tương ứng họ cũng có một tình yêu và sự thanh khiết như vậy trong đời sống mình.”[12] Tuy nhiên chúng ta không đủ thanh sạch để tự mình có thể nhìn thấu bức màn Thánh Thể. Chúng ta cần sự trợ giúp của Đức Ma-ri-a là Mẹ và là mẫu gương tuyệt hảo cho chúng ta. Với tâm tình đơn sơ của một người con, chúng ta cần xin Mẹ mặc cho ta các nhân đức của Mẹ, hầu chúng ta có thể ngồi dưới chân Chúa và nghe lời Người. Tâm hồn thanh sạch có thể nhìn thấu bức màn Thánh Thể và chiêm ngắm Chúa chúng ta ngay lúc này, nơi thiên đàng tại thế, đang khi mong đợi niềm ngày hồng phúc là ngày chúng ta được hưởng kiến nhan Chúa diện đối diện. Trong chiêm niệm Thánh Thể, chúng ta sẽ được ơn Chúa thúc đẩy.

Khi suy gẫm biến cố Mẹ Maria bồng ẵm và dâng Hài Nhi Giê-su trong Đền Thờ, tôi chợt nhớ đến một câu chuyện do cha xứ chúng tôi kể. Người kể rằng vào một ngày nọ, đang khi cầm Mặt Nhật đến cho các thiếu nhi Chầu Thánh Thể, người đã nghe thấy tiếng Chúa Giê-su nói: “Con hãy đưa Ta đến nơi ta cần đến và Ta sẽ ở lại nơi đó.” Chúa Giê-su đã dẫn dắt những bước đường của vị cha xứ như Người đã dẫn dắt Mẹ Ma-ri-a. Là một Hài Nhi, Chúa Giê-su không thể đi bộ đến Đền Thờ để dâng chính mình cho Chúa Cha, nên Người đã cần đến Mẹ Ma-ri-a. Trong Thánh Thể, Người cũng không thể tự mình đến nơi mà Người muốn đến, cho nên Người cần đến con người. Người cần vị tư tế đưa Người đến bàn thờ, đưa Người đến cho bệnh nhân, đưa Người đến với những ai đang muốn lãnh nhận Người, cuối cùng Người muốn chúng ta đưa Người đến tận cùng trái đất. Chúng ta hãy lớn lên trong sự thanh khiết và đơn sơ để có thể nghe thấy ơn thúc đẩy của Chúa Giê-su trong Thánh Thể. Sau đó, chúng ta hãy để cho Người hướng dẫn những bước đường đời của chúng ta và đưa chúng ta đi với Người trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha.

5. Mầu Nhiệm Tìm Được Chúa Giê-su trong Đền Thờ

Chúa chúng ta trong Bí tích Thánh Thể tự Người là Ánh Sáng, tự Người là nguồn của sự hiểu biết, tựa như mặt trời tự nó chứng tỏ ra bằng chính nguồn sáng của mình. Để cho nhân loại nhận biết Người, Chúa chúng ta chỉ cần tỏ mình ra. Chúng ta không cần dùng lý trí để hiểu về Người; cũng như một đứa trẻ thơ không cần phải tự biện giải để nhận ra cha mẹ của chúng. Chúa chúng ta đã tự tỏ lộ bằng sự hiện diện thật của Người, tương tự như cách người cha người mẹ đã làm với con cái mình… Người chỉ nói một lời nhưng lại làm rúng động tâm hồn chúng ta: “Chính Ta đây!…” và chúng ta đã cảm nhận được sự hiện diện của Người, chúng ta cũng sẽ tin vào sự hiện diện của Người một cách vững vàng hơn nếu chúng ta đã tận mắt nhìn thấy Người.[13]

Hãy Ở Lại Trong Ta

Mầu nhiệm Đức Mẹ tìm được Chúa Giê-su trong Đền Thờ dạy cho chúng ta về lòng sùng đạo. Lòng sùng mộ đưa chúng ta trở lại với những thực hành đạo đức mà nhờ đó chúng ta tiến lại gần Thiên Chúa hơn, ngay cả khi chúng ta cảm thấy rằng mình đã lạc xa Chúa. Mẹ Ma-ri-a và Thánh Giu-se đã lo lắng và sợ hãi khi lạc mất trẻ Giê-su. Chúng ta cũng đã từng lạc mất Chúa Giê-su trong cuộc đời. Thông thường tự chúng ta đã để cho mình bị cuốn theo chiều gió của những mối băn khoăn sự đời, và khi nhìn lại, chúng ta chợt nhận ra rằng Chúa Giê-su không còn bên ta nữa, nghĩ rằng ta đã mất Chúa, rằng Chúa đã bỏ ta, nhưng thực chất là chính chúng ta tự đánh mất mình, khi chỉ chăm chú vào các thụ tạo khác. Những khi lạc mất phương hướng như thế, thì chính lòng sùng kính đối với Bí tích Thánh Thể sẽ là ân sủng cứu độ cho chúng ta.

Chúng ta sẽ tìm thấy chính mình trong chiều kích hiện diện thật của Chúa Giê-su trong Thánh Thể. Chỉ nhờ ánh sáng Chân Lý này chúng ta mới có thể thấu hiểu tâm hồn mình và đó là cách Chúa nhìn thấy chúng ta. Khi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giê-su trong chính ánh sáng của Người, Người sẽ tỏ bày cho ta thấy chính con người của mình. Chúa sẽ chỉ cho chúng ta thấy những điều làm cho chúng ta sao lãng trên hành trình bước theo Người. Từ đó chúng ta có thể nhìn thấy sự rỗng không nơi mình, và đừng lo sợ, bởi vì chính Chúa ẩn giấu mình trong sự rỗng không. Người sẽ kéo chúng ta về với Người và thì thầm trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta sẽ tìm thấy chính mình ở trong Chúa, vì Chúa là Con Đường.

Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se cuối cùng đã tìm được trẻ Giê-su trong Đền Thờ. Sau khi tìm được Người, hai ông bà đã đưa Người về nhà và Người ở đó với hai ông bà. Chúa Giê-su muốn ở cùng với chúng ta luôn mãi. Vì thế chúng ta cần làm mọi sự trong khả năng của bản thân hầu được ở lại trong sự hiện diện của Chúa. “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.” (Ga 15,4) Chúng ta cần Thánh Thể làm lương thực nuôi dưỡng chúng ta hằng ngày. Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô gọi tình yêu đối với Bí Tích Thánh Thể là “mẹ và là nữ hoàng của tất cả các việc đạo đức khác và là ánh thái dương của lòng đạo đức.”[14] Lòng sùng kính mến yêu đối với Thánh Thể sẽ nuôi dưỡng chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin. Một khi tâm hồn bị bao phủ bởi những nỗi sợ hãi và lo lắng vì chúng ta không thể nhìn thấy Chúa Giê-su, chúng ta cần phải ngước mắt hướng nhìn về Chúa Giê-su trong Bí tích Cực Trọng. Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô dạy rằng:

Chúa chúng ta nhìn thấy chúng ta cả khi chúng ta đang ở nhà; Người lắng nghe chúng ta từ nơi Nhà Tạm của Người. Người có thể thấy chúng ta từ trời cao nhìn xuống; tại sao Người không thể nhìn thấy chúng ta từ nơi Bánh Thánh? Hãy tôn thờ Người dù bạn đang ở đâu; bạn sẽ thực hiện việc tôn thờ tuyệt hảo khởi đi từ tình yêu, và Chúa sẽ thấu hiểu niềm mong ước của bạn.[15]

Chúng ta hãy hướng nhìn về Chúa Giê-su trong Thánh Thể và hãy lắng nghe tiếng Chúa thầm thĩ trong tâm hồn chúng ta: “Chính là Ta đây!.”


[1] Ê-ma, Sự HIện Diện Thật, 38.

[2] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 38.

[3] Ê-ma, Đức Mẹ Thánh Thể, 59.

[4] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 262

[5] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 262

[6] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 237.

[7] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 132.

[8] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 137.

[9] Ê-ma, Đức Mẹ Thánh Thể, 72.

[10] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 61.

[11] Ê-ma, Đức Mẹ Thánh Thể, 72.

[12] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 102.

[13] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 191.

[14] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 315.

[15] Ê-ma, Sự Hiện Diện Thật, 319.