Linh Đạo Phòng Tiệc Ly: Phần VII

PHÒNG TIỆC LY:

NƠI TÌNH YÊU ĐƯỢC TRUYỀN DẠY

BẰNG LỜI NÓI VÀ GƯƠNG SÁNG

A- BIẾN CỐ PHÚC ÂM

“Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau”.

“Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: ‘Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương trước cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga.13:4-5; 12-15).

B- NƠI TÌNH YÊU ĐƯỢC TRUYỀN DẠY BẰNG LỜI NÓI VÀ GƯƠNG SÁNG

1- NHẬP ĐỀ

Chúng ta vừa coi đoạn Tin Mừng theo thánh Gio-an, trong đó Chúa Giê-su dạy ta bài học yêu thương bằng gương sáng phục vụ mà chính Người đã thực hiện. Đó là bài học đầu tiên về tình yêu. Bài học đầu tiên về tặng vật Thánh Thể. Biến cố này ở đầu chương 13 của Tin Mừng theo thánh Gio-an, trong đó ngài mở ra cho ta kho tàng được chất chứa nơi trái tim Chúa Giê-su trong lúc Bữa Ăn Vượt Qua đang diễn ra, đó là Di Chúc cuối cùng của Người – giây phút tột đỉnh biểu lộ tình yêu và cuộc hiến thân của Người. Nơi Thánh Thể, Chúa Giê-su không ngừng tái diễn lời nói và gương mẫu về ý nghĩa sâu xa của cuộc Thương Khó và Tử Nạn của Người được khởi đầu ở Bữa Tiệc Ly và được hoàn tất trên Thập Giá.

Chúng ta cũng có thể đọc Gio-an 13:34-35, trong đó Chúa Giê-su ban cho ta giới răn trọng nhất là giới luật tình yêu của Người, hoặc những đoạn khác trong Diễn Từ sau Bữa Tiệc Ly của Tin Mừng theo thánh Gio-an, trong đó Chúa Giê-su mạc khải cho ta về mầu nhiệm Ba Ngôi và mời gọi ta tham dự vào lãnh vực tình yêu này. Người cũng dạy ta về mầu nhiệm Cây Nho và về ý nghĩa của việc lưu lại trong Thiên Chúa.

2- TÌNH YÊU PHỤC VỤ

Chúa Giê-su ban cho ta gương mẫu về sự lưu lại trong Thiên Chúa, về sự hiệp nhất giữa chúng ta với nhau, ngõ hầu giúp ta hiểu biết thực tại này theo những cách khác nhau. Gương Chúa Giê-su rửa chân cho các môn đệ, theo văn hóa thời ấy, đó là một trong những gương mẫu về việc phục dịch thấp hèn nhất. Điều đáng lưu ý là Chúa Giê-su không những chỉ thi hành công việc thấp hèn, mà Người còn thi hành công việc ấy với một tình yêu, và như một cử chỉ ngôn sứ, nghĩa là một bài học khiêm nhường và yêu thương ta. Điều quan trọng là bài học này được đặt ngay ở đầu chương 13 của Tin Mừng theo thánh Gio-an, trong đó Chúa Giê-su nói về giới răn tình yêu là giới răn quan trọng nhất. Như vậy, Người đã dạy ta không những bằng lời nói, mà còn bằng cả việc làm nữa.

Trong đời các bạn, có lẽ đã có lần các bạn nhận được một số hành vi phục vụ cao đẹp trong lúc cần thiết. Cũng có thể các bạn đã từng cống hiến người khác những việc phục vụ đơn sơ được thấm nhuần tình yêu, chúng ta cũng có thể thấy những hành vi phục vụ đơn sơ được thực hiện xung quanh chúng ta. Đó chính là do Thánh Thể hoạt động. Và dù ý thức hay không, đó cũng chính là sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta.

Đối với Chúa Giê-su, hành vi phục vụ này là một cử chỉ ngôn sứ, nghĩa là một cử chỉ có ý nghĩa vượt khỏi cử chỉ bề ngoài. Mục đích của cử chỉ này là mạc khải ý nghĩa sâu xa nhất về những gì sẽ xẩy ra tiếp theo: Đó là Chúa Giê-su ban mình Người cho ta để làm Của Dưỡng Nuôi cho trần gian. Sự sống Người ban cho ta đó là gì? Đó là sự hiểu biết về tình yêu, là cảm nghiệm được Người yêu thương và gương mẫu biểu lộ tình yêu cho nhau thế nào.

3- MỜI GỌI HIỆP NHẤT

Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô rất ưa thích suy niệm về cảnh tượng này. Ngài coi đó là như giây phút tột đỉnh của tình yêu xuất phát từ Trái Tim Chúa Giê-su, Đấng đã tìm phương thế để đạt tới chúng ta ngay cả bây giờ. Nếu suy gẫm về Diễn Từ sau Bữa Tiệc Ly, chúng ta sẽ thấy một bản tóm lược tất cả những gì sẽ diễn ra sau đó: Phản bội – Tử Nạn – Cứu Rỗi – Phục Sinh – Niềm vui và Sứ Vụ của Chúa Thánh Thần. Những lời gây ấn tượng mạnh mẽ nhất đối với thánh Phê-rô Giu-li-a-nô là: “Hãy ở lại trong Thầy, hãy ở lại trong tình yêu Thầy”, hoặc: “Hãy ở lại trong Thầy và Thầy ở trong anh em”. Những lời này luôn được trích dẫn trong các giáo huấn của ngài. Lời mời gọi này của Chúa Giê-su trong Tin Mừng thánh Gio-an ngày nay vẫn tiếp tục nói với chúng ta. Đó là vấn đề dằn vặt thánh Phê-rô Giu-li-a-nô hơn hết trong cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma, đúng hơn là suốt cuộc đời ngài. Đó là câu hỏi của một người yêu: “Lạy Chúa, làm thế nào con có thể ở lại trong Chúa?”. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này sau.

Trong giáo huấn của ngài, thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã dạy các Nữ Tỳ Thánh Thể rằng, tinh thần của một Nữ Tỳ Thánh Thể phải là “Tình yêu và hi sinh”. Hai yếu tố này không thể tách rời nhau được. Chúa Giê-su đã để lại cho ta một gương sáng. Sau khi ban mình làm của dưỡng nuôi trần gian, Người đã đi vào cuộc Thương Khó và Tử Nạn. Đó là vì tình yêu và hi sinh cần thiết lẫn nhau để có thể đem lại ý nghĩa và giá trị cho nhau.

Trong Diễn Từ Cáo Biệt, chúng ta nhận được lời mời gọi hiệp nhất hoàn toàn với Chúa, lời mời gọi hiệp nhất trong trí khôn, tâm hồn và ý chí, một sự hiệp nhất trong tình yêu, để có thể cùng với Người mà tôn thờ Đức Chúa Cha.

Tình yêu này được biểu lộ bằng lời mời gọi “Ở VỚI” Chúa. Chúng ta là những kẻ được Hội Thánh mời gọi để “Ở VỚI” Người trong Bí Tích của Người, để nhận lãnh tình yêu của Người tuôn đổ vào thế giới, và để dâng lên Người sự tôn thờ và tình yêu trong sự hiệp nhất với các Thánh. Để “nên một với Chúa Giê-su”, để được tình yêu của Người tuôn đổ vào tâm hồn ta, chính là nên một với mọi chi thể của Thân Mình Mầu Nhiệm của Người, và để cùng với họ và thay cho họ mà dâng lời chúc tụng lên Chúa. Bác ái huynh đệ, phục vụ tha nhân, đó là những biểu lộ của tình yêu mà chúng ta lãnh nhận được, và đó cũng là dấu chỉ chứng tỏ sự hiệp nhất của ta với Chúa Giê-su. Tình yêu đó cần phải được canh tân hằng ngày nơi Bàn Tiệc Thánh Thể của tình yêu.

Tình yêu mà Chúa Giê-su tuôn đổ vào tâm hồn ta là một loại tình yêu duy nhất làm biến đổi ta ở mọi mức độ. Tình yêu này sẽ biến đổi đời sống cầu nguyện của ta, công cuộc phục vụ tha nhân và những mối tương quan cộng đoàn của ta. Đó là một tình yêu mà nếu có thực, sẽ biến đổi ta về mọi phương diện.

Sự cư ngụ hỗ tương với Chúa Giê-su được biểu lộ ra qua niềm vui. Ơn hoan lạc này không lệ thuộc vào những thực tại bề ngoài. Niềm vui thiêng liêng không giống như sự hồ hởi phát sinh do tâm trạng vui vẻ tự nhiên, mặc dầu đôi khi cũng có thể như vậy. Nhưng cốt yếu của niềm vui thiêng liêng là sự bình an sâu xa phát xuất từ nơi thâm sâu, từ đáy bản vị của con người, nơi Chúa Giê-su ngự trị và làm cho ta nên mạnh mẽ trong đức tin và cho ta hiểu biết về tình yêu của Người.

Đối với thánh Phê-rô Giu-li-a-nô, người ta học biết được tình yêu này đặc biệt là nhờ Hiệp Lễ. Thánh Phao-lô nói về vấn đề này cách hết sức đặc biệt trong Êp. 3:16-19:

“Tôi nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm anh em được vững vàng. Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Ki-tô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi chiều kích dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên  Chúa”.

4- HAI CON ĐƯỜNG

Trong số những đoạn văn cổ điển, trong đó thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã đưa ra giáo huấn sâu xa của ngài về hai con đường hoàn thiện như sau:

1)- Con đường phát xuất từ thực hành các nhân đức để đi tới hoàn thiện.

2)- Con đường phát xuất từ tình yêu.

Trong một bài học hấp dẫn, ngài đã giải thích, con đường tìm kiếm hoàn thiện dựa trên các nhân đức là một con đường dài và khó khăn, khiến người ta dễ nản chí. Trong khi những môn đệ khởi đầu bằng tình yêu thì như cánh chim phượng hoàng bay bổng lên tận chốn non cao.

Trong một giáo huấn khác, khi phân tích về tình yêu, thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã phân loại tình yêu thành ba mức độ:

1)- Những hành vi đơn độc.

2)- Những lựa chọn theo thói quen.

3)- Ơn hiệp nhất, nhờ đó Chúa Giê-su yêu thương và hành động trong ta.

Các bạn thân mến, chính nơi Phòng Tiệc Ly mà chúng ta sẽ học yêu thương. Chính nhờ Thánh Thể mà chúng ta sẽ nhận được hơi thở nội tâm làm ta yêu mến như Chúa Giê-su đã yêu thương.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau để được trở nên những môn đệ đích thực của cha thánh Phê-rô Giu-li-a-nô và học biết đường lối hiệp nhất với Chúa mà ngài đã chia sẻ với chúng ta, và quyết tâm hằng ngày canh tân cuộc sống ta theo đường lối này.

Sau đây chúng ta sẽ coi một vài đoạn văn của thánh Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma về tinh thần của tình yêu này.

C- CÁC BẢN VĂN

1- THÁNH VỊNH 36: 6-12

(6) Lạy CHÚA, tình thương Ngài cao ngất trời xanh,
      lòng thành tín vượt ngàn mây biếc.

(7) Công lý của Ngài như đỉnh núi Thái Sơn,
      quyết định của Ngài tựa vực sâu thăm thẳm.
      Lạy CHÚA, Ngài tế độ con người và súc vật.

(8) Lạy Thiên Chúa, tình thương Ngài quý trọng biết bao!
      Phàm nhân tìm bóng Ngài trú ẩn.

(9) Họ được no say yến tiệc nhà Ngài,
      nơi suối hoan lạc, Ngài cho uống thoả thuê.

(10) Ngài quả là nguồn sống,
       nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng.

(11) Xin hằng thương những kẻ biết Ngài,
       và hằng xử công minh với những ai có lòng ngay thẳng.

(12) Ðừng để quân ngạo mạn giày xéo thân này
       và phường độc dữ đánh đuổi con đi.

2- HIỂU BIẾT VÀ TÌNH YÊU

(Trích trong các thuyết trình dành cho các Nữ Tỳ Thánh Thể)

– “Hãy chuyên tâm tìm hiểu Chúa Giê-su, rồi các con sẽ yêu mến Người. Vì “vô tri bất mộ”, và tình yêu thì phát sinh từ nhận thức về thiện hảo, cũng như nhận thức về vẻ đẹp thì phát sinh từ sự khâm phục và ngưỡng mộ”

“Nhưng phải tìm kiếm Chúa Giê-su Ki-tô trong chính Người và trong ánh huy hoàng của Cha Người. Sau Hiệp Lễ, các con hãy coi mình như những chiếc bình sống động đựng Mình Thánh Chúa, nhưng phải nhắm vào chính Chúa Giê-su và phải tan biến vào trong Người”.

“Một tâm hồn chuyên tâm chuẩn bị kỹ lưỡng để Hiệp Lễ, mặc dù không ý thức điều đó, nhưng người ấy thực sự ở trong tình yêu này, vì cái vô biên thì thu hút hết cái hữu hạn, cái trọn hảo thì hấp thụ hết những gì bất toàn. Cũng như củi tươi rất khó cháy, vậy mà trong cuộc cháy rừng lớn thì cây tươi cũng bị thiêu hủy chẳng khác nào một cộng rơm. Cũng vậy, tình yêu của Chúa sẽ thiêu hủy tất cả những yếu đuối và bất toàn của các con, và nhân đức sẽ trở thành tự nhiên đối với các con” (Thuyết trình cho các Nữ Tỳ Thánh Thể ngày 27 tháng 8, 1858).

– “Các con phải thấu suốt Bí Tích Thánh Thể, không nguyên về phương diện thần học, nhưng còn về lòng sốt sáng và tình yêu nữa. Chúa đã phán: ‘Kẻ nào yêu mến Thầy thì sẽ được Cha yêu thương, và Thầy cũng yêu thương người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy”.

“Không ai có thể đem lại cho các con sự hiểu biết về Chúa Giê-su trong Thánh Thể được. Người ta chỉ có thể chia sẻ một vài lời trong Kinh Thánh, nhưng sự hiểu biết cá nhân thì không ai có thể đem lại cho các con được. Vì thế, khi hiện diện trước Thánh Thể, hãy cầu xin để được hiểu biết Người. Ơn soi sáng quí giá hơn bất cứ ơn nào khác, ơn ấy giúp ta thấy rõ Chúa Giê-su hơn” (Tĩnh Tâm thường niên, ngày 1 tháng 8, 1860).

– “Để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi chiều kích dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Ki-tô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (Ep.3: 18-19).

– “Chúng ta phải thường xuyên thưa với Chúa nhân lành: ‘Xin tỏ mình ra cho con’. Các Tông Đồ đã nói với Chúa: ‘Xin tỏ cho chúng con thấy Cha’, và Chúa đáp: ‘Ai thấy Thầy là thấy Cha’. Thấy Chúa Giê-su Ki-tô và thấy Thiên Chúa, đó chỉ là một động tác duy nhất”.

“Như vậy, hãy lại gần Chúa để được thêm ánh sáng và hơi ấm. Đừng để Người khiển trách các con là các con không hiểu biết Người đủ. Chúng ta xin Người ban ánh sáng và các ơn, chúng ta biết lòng nhân hậu của Người, nhưng chúng ta lại không xin ơn để hiểu biết Người, vì tình yêu lệ thuộc vào sự hiểu biết. Ơn soi sáng quí hơn ơn cảm nhận; ơn nhận biết chân lý trọng hơn ơn bác ái. Ơn soi sáng sẽ tồn tại lâu dài. Bởi thế các Tông Đồ đã không bao giờ quên được núi Ta-bo, vì họ đã thấy ánh sáng. Hãy thưa với Chúa: ‘Xin tỏ cho con thấy dung nhan, chân lý và lòng nhân hậu Chúa’. Chúa đã từng phán: ‘Ai yêu mến Thầy, thì Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Thầy sẽ tỏ mình ra cho người ấy’. Hiểu biết là bằng chứng về tình yêu của ta” (Thuyết trình cho các Nữ Tỳ Thánh Thể, ngày 17 tháng 1, 1860).

3- MÔN ĐỆ CỦA TÌNH YÊU

– “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy”(Ga.14:21).

– “Khi thánh Gio-an dựa đầu vào ngực Chúa, ngài đã nhận được tình yêu và sứ mệnh thiên sai của Người” (Thơ gởi Mẹ Marguerite Guillot, ngày 25 tháng 1, 1855).

– “Trước khi hành động, người môn đệ của tình yêu đã phải chiêm ngưỡng và yêu thương trước. Tình yêu đến sau hiểu biết. Chính vì mục đích ấy, kẻ tôn thờ Chúa trước hết phải tung đôi cánh phượng hoàng bay bổng lên đỉnh núi cao, lên tận Phòng Tiệc Ly, nơi đó tình yêu có nơi cư ngụ, có ngai tòa, có kho tàng và hoạt động. Và ở đó, như chim phượng hoàng chiêm ngưỡng mặt trời tình yêu để có thể hiểu biết vẻ đẹp và năng lực của mặt trời tình yêu này. Và như người môn đệ được Chúa yêu thương, con chim phượng hoàng ấy dám ngả đầu vào ngực thần linh luôn bừng cháy lửa yêu thương của Chúa, để được sưởi ấm, khích lệ, rồi từ đó con chim phượng hoàng tung cánh bay như ánh chớp phát xuất từ đám mây, như tia sáng phát xuất từ mặt trời. Chuyển động theo sau năng lực của động cơ, và trái tim theo sau, tình yêu đem lại sức sinh động cho nó. Tình yêu là khởi điểm của đời sống Ki-tô hữu, là khởi điểm giữa Thiên Chúa với tạo vật, giữa Chúa Ki-tô đối với con người. Như vậy, tình yêu là khởi điểm của con người đi tới Thiên Chúa, quả là thích hợp biết bao”.

“Nhưng trước khi trở thành khởi điểm, tình yêu của Chúa Giê-su phải qui tụ và tập hợp mọi quan năng của con người. Tình yêu phải là trường học nơi chúng ta học biết về Người, là học viện nơi tâm trí ta nghiên cứu học hỏi về Người, họa lại mẫu mực thần linh mà trí tưởng tượng sẽ tỏ cho ta thấy lòng nhân hậu và vẻ đẹp của tâm hồn cũng như những hành động của Người”.

“Đặc biệt là chính trong cầu nguyện, tâm hồn ta sẽ hiểu biết được Chúa Giê-su Ki-tô, và chính Người sẽ tỏ mình ra cho tâm hồn. Chúa phán: ‘Ai yêu mến Thầy thì người ấy sẽ được Cha Thầy yêu mến, Thầy cũng sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy’ (Ga.14:21). Như vậy, tình yêu là nguyên lý đầu tiên của việc hoán cải thực sự, của việc phụng sự trọn hảo đối với Chúa Giê-su Ki-tô, của công cuộc tông đồ và lòng nhiệt thành đối với vinh quang Người” (Tác Phẩm thiêng liêng. Thư Mục cho Hội Tán Trợ).

– “Chúa đã hành động thế nào đối với các môn đệ? Người đã khởi sự bằng tình yêu. Ngôi Lời trở thành nhục thể, điều đó không là gì khác hơn là tình yêu trở thành hữu hình. Đó là tình yêu nhập thể. Người đã khởi sự bằng tình yêu: Những gì Người nói, Người đều nói vì tình yêu; những gì Người làm, tất cả đều là hoa trái của tình yêu. Một khi người ta biết Người, Người sẽ kêu gọi họ yêu mến. Đó chỉ là điều tự nhiên”.

“Khi Người quyết định trở thành các Tông Đồ, thành những con người hoạt động, thì mọi sự đều thay đổi. Sau khi biểu lộ tình yêu cho họ, Người đã ban cho họ tình yêu, đó là Thánh Thể. Đó là ngọn lửa. Ta phải nghiến ngấu ngọn lửa thần linh này, ngọn lửa nuôi dưỡng và sưởi ấm ta. Sau khi đã nghiến ngấu ngọn lửa ấy, nó sẽ trở thành giao ước tình yêu”.

“Bài Diễn Từ tại Bữa Tiệc Ly cao đẹp biết bao! Chúa đã ban thiên đàng cho các Tông Đồ. Người là chính tình yêu lớn lao. Người nói với họ: ‘Như Cha đã yêu mến Thầy thế nào, thì Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Hãy ở lại trong tình yêu Thầy, như Thầy ở lại trong tình yêu của Cha Thầy. Ai yêu mến Thầy thì giữ các lệnh truyền của Thầy’. Cuối Bài Diễn Từ, Người nói: ‘Lạy Cha, Con đã khai sáng cho chúng, như  Cha đã khai sáng cho Con, ngõ hầu chúng được thánh hiến trong sự hiệp nhất, để chúng nên một với Con cũng như Con nên một với Cha”.

“Phương pháp giáo huấn của  Chúa Giê-su là khởi đầu bằng tình yêu, là tỏ ra Người yêu thương ta thế nào, để rồi kêu gọi họ đáp lại tình yêu ấy”.

“Khởi điểm là tình yêu: ‘Chúa đã yêu thương tôi, vì thế tôi phải yêu mến Người, và vì yêu là hoạt động, nên tôi sẽ hoạt động cho Người. Vì yêu là hiểu biết, nên tôi sẽ làm những gì đẹp lòng Người hơn hết. Vì yêu thuộc về nội tâm, nên tôi sẽ hoạt động với Người. Vì tình yêu đồng nhất với cuộc sống, nên tôi sẽ sống với Người’. Những suy niệm của các con, cũng như những ước vọng và học hỏi, tất cả chỉ nhằm mục đích tìm kiếm tình yêu này. Đọc sách thiêng liêng, lắng nghe, thực hành các nhân đức, tất cả chỉ là để tìm kiếm chút củi để chất vào lò lửa, rồi sau khi ngọn lửa ấy đã cháy bùng lên, chúng ta sẽ lao mình vào để biến thành lửa”(Thuyết trình cho các Nữ Tỳ Thánh Thể, ngày 7 tháng 5, 1861).

– “Khi nào tôi được đưa lên khỏi đất, tôi sẽ kéo mọi sự lên cùng tôi” (Ga.12:32). Nhờ thập giá và qua Thánh Thể, Người đã lôi cuốn họ bằng cách hấp dẫn họ nhờ sức mạnh của tình yêu Người. Tình yêu chỉ mãnh liệt khi trở thành cuồng nhiệt siêu nhiên. Bao lâu ta chưa có tình yêu nồng nhiệt đối với Thánh Thể, thì ta chưa thể làm gì được. Trong lãnh vực siêu nhiên, cũng cần phải có một tình yêu như vậy. Có một tình yêu nồng nhiệt đối với Thánh Thể là yêu mến Bí Tích này như yêu một người ta ưa thích, nhưng phải yêu vì những lý do siêu nhiên”.

“Lòng nhiệt huyết phát sinh từ tâm trí… vì thế chúng ta phải khởi đầu bằng tinh thần đức tin, một tinh thần đức tin thực sự với một nhãn giới sâu rộng, một sự chiêm ngưỡng ngây ngất về Chúa trong Bí Tích. Chỉ sau đó, tình yêu mới được bền bỉ, vì được lửa nuôi dưỡng… Ai thấy được tình yêu ấy, sẽ phải kinh hoàng, sẽ phải tập trung mọi tâm tư vào Chúa và chiêm ngưỡng Người, sẽ nhận ra tình yêu hiến thân của Người và sẽ phải kinh hoàng trước tình yêu này, sẽ khát mong khám phá ra những chiều sâu của tình yêu này, sẽ cố gắng suy tưởng đến tình yêu ấy và sẽ cảm thấy thúc bách mà kêu lên: ‘Làm thế nào tôi có thể đáp lại tình yêu cao siêu ấy được?’. Trọng tâm của tình yêu được phát sinh ta từ đây”.

“Sự hiểu biết về tình yêu của Chúa Giê-su Ki-tô đối với ta sẽ trở thành trung tâm và lò lửa nuôi dưỡng tình yêu của ta và thôi thúc ta hoạt động” (Hiện Diện Thực).

– “Chúng ta phải tìm hiểu xem Chúa đáng mến thế nào trong chính Bản Vị của Người, trong vẻ đẹp, lòng nhân hậu của Người, để yêu mến Người vì Người. Khó có thể tin được rằng, Chúa là Đấng toàn thiện như thế, mà lại không tìm được ai phụng sự Người vì Người, trong khi đó, chúng ta thấy biết bao người được ca tụng, được yêu mến vì tài năng của họ. Nếu thế gian bỏ rơi Người, các con cũng bỏ rơi Người sao? Khi ý thức được lòng nhân hậu của Chúa như thế nào, chúng ta sẽ yêu mến Người”.

“Thứ đến, chúng ta cũng phải nhận xét xem tình yêu của Người đối với ta như thế nào khi tuôn đổ tâm hồn Người vào trong ta; hãy suy tưởng đến Mầu Nhiệm Nhập Thể; đời sống ẩn dật; đến đồi Can-va-ri-ô, nơi mà Người trở thành Đấng Cứu Chuộc ta; đến Thánh Thể mà Người dùng để nuôi dưỡng ta và Hội Thánh Người”.

“Thánh Gio-an Cri-xốt-tô-mô (Chrisostomo) nói: ‘Khi tôi tưởng nghĩ đến Chúa Cha đã ban Con Một Ngài, Đức Trinh Nữ cũng ban tặng Người, Chúa Giê-su cũng hiến thân chính bản thân Người, tất cả là cho tôi… Không một ai trên trần gian này có thể làm mọi sự vì tôi”.

“Phải chăng những tư tưởng về tình yêu Chúa sau đây chất chứa trong tâm hồn tôi: Tôi đáng giá như vậy sao? Hơn cả  chính Người nữa sao? Phải, Người đã yêu thương tôi hơn cả chính huyết nhục, linh hồn và mạng sống Người. Một trong các Giáo Phụ của Hội Thánh nói: ‘Anh em cũng đáng giá bằng chính Thiên Chúa. Phải, vì Người đã mua chuộc anh em bằng chính giá máu Người. Thiên Chúa thực hiện như vậy là để chiếm ngự tâm hồn anh em bằng tình yêu, điều đó có nghĩa là: Chúa hoàn toàn là tình yêu. Chúng ta phải ngước nhìn lên Người trên thập giá, trong Thánh Thể, nơi lòng thương xót của Người đối với người lành cũng như kẻ dữ. Tâm trí ta không thể hiểu được những điều đó, ngoại trừ một điều duy nhất là không một tâm hồn nào dịu dàng và đáng mến hơn tâm hồn Người” (Thuyết trình cho các Nữ Tỳ Thánh Thể, ngày 25 tháng 10, 1859).

4- ĐỜI SỐNG TÌNH YÊU

 “Chúa Giê-su Ki-tô đã nói: ‘Phúc cho ai đói khát sự công chính, vì họ sẽ được no thỏa’. Chúa định nghĩa HẠNH PHÚCchính là SỰ ĐÓI KHÁT ĐƯỢC NO THỎA.”

“Đời sống tình yêu là gì? Tình yêu gồm ba trạng thái, một trong những trạng thái ấy là sự sống đích thực”.

“Có thứ tình yêu thanh tẩy. Tình yêu này hệ tại tâm hồn tự thanh tẩy mình và xa lánh tội lỗi. Chúa đã không cứu chuộc ta bằng cách đặt ta ở tình trạng sám hối. Vì ở trong tình trạng ấy, ta sẽ không được bình an. Tình yêu cho ta một lối thoát khác, đó là thể hiện lòng nhiệt thành. Chúa Giê-su cũng không để lại bình an của Người ở nơi lòng nhiệt thành này, vì lòng nhiệt thành thường lôi cuốn ta ra khỏi bản thân mình, nghĩa là chúng ta tiêu hao bản thân mình mà không được bù đắp lại đủ. Đừng đặt những việc bác ái bề ngoài làm trọng tâm cho đời sống mình”.

“Khi cha hỏi: ‘Các con có hạnh phúc không?’. Các con nói: ‘Không, con không mãn nguyện với những suy niệm của con, con không hồi tâm được’. Các con thân mến, các con nên hiểu điều này: Chúng ta chỉ cho đi những gì dư dật, và vẫn phải giữ lại nguồn phong phú, để có thể luôn nuôi dưỡng và bảo tồn được lò lửa của ta. Đời sống tình yêu ăn uống Chúa Giê-su Ki-tô, vì của dưỡng nuôi tôi chính là sự sống của tôi!”.

“Công dụng của của ăn là gì? Của ăn bảo tồn các quan năng tự nhiên, phát triển thể xác… Nếu của ăn bổ dưỡng, ta sẽ không mệt mỏi khi vận động. Chúng ta có thể tìm được ở trong chính ta của ăn bồi dưỡng”.

“Đối với đời sống thiêng liêng cũng vậy. Các con phải được bồi dưỡng trước, rồi mới có thể thi hành việc sám hối sau. Các con phải được bồi dưỡng trước, rồi mới có sức để vượt thắng, mới có thể thực hành nhân đức, và việc thực hành này sẽ trở thành việc thao dượt cho các con. Các con có thể thi hành những công cuộc của lòng nhiệt thành, cho đi những gì dư dật, vì các con được tràn đầy”.

“Chúa nhân lành biết rõ những yếu đuối của ta, Kinh Thánh cho biết: ‘Các bạn hãy đến, hãy ăn và uống rượu nho Ta đã dành sẵn cho các bạn, những kẻ thân thiết của Ta’. Các con thấy không, Thiên Chúa đã ghi khắc hình ảnh Người vào tâm hồn: ‘Hãy đến, hỡi các bạn của Ta, hãy ăn bánh của Ta’. Bánh đó là gì?”.

“Thánh Thể là một bữa ăn nhờ đó ta tìm được sự thanh thản và hạnh phúc. Khi ăn Chúa Giê-su Ki-tô, chúng ta sẽ đạt được chân lý, sẽ được cả trời và đất, vì Người là tất cả mọi sự: ‘Ai ăn Thầy thì sẽ có sự sống đời đời’. Sự sống này sẽ không bao giờ tàn lụi: ‘Hỡi các bạn, hãy uống’. Uống gì? Máu Chúa.”

“Chúng ta phải đói khát thì mới ăn và uống. Vì thế, đói khát Chúa, đói khát chân lý, đói khát các nhân đức và mọi sự về Người để có thể nên một với Người, để khát vọng Nước Người. Đó là đói khát Chúa. Nếu không có sự đói khát ấy, chúng ta sẽ không tăng trưởng được.”.

“Hãy ăn và uống thỏa thuê. Ăn uống thỏa thuê là gì? Đó là uống quá mức ta có thể uống, uống thái quá, vượt quá mức độ bình thường.Trong lãnh vực siêu nhiên, uống thỏa thuê chính là uống cuồng nhiệt tình yêu. Tâm hồn nào chưa đạt tới tình trạng cuồng nhiệt của tình yêu thì vẫn còn trên đường đi, chưa đuợc hạnh phúc. Chúng ta phải đạt tới mức độ như lời vị ngôn sứ nói: “Ngài là Chúa của tâm hồn con” (Deus cordis mei). Là Chúa của tâm hồn có nghĩa Người là Vua duy nhất, là chủ độc nhất của tâm hồn”.

“Các con hãy coi, Chúa Giê-su Ki-tô đã đặt nơi Thánh Thể sự sống thế nào, Người phán: ‘Hãy nhận lấy’. Người không trao ban vào tay, mà là đưa ra. Chúng ta phải lãnh nhận nhờ khát vọng đạt được tặng vật Người đưa ra. ‘Hãy uống’: Hãy coi sự hoàn tất lời hứa thế nào trong cùng một lời tương tự: ‘Hãy ăn và uống”.

“Chúng ta không chỉ rước Thánh Thể một lần vào buổi sáng. Chúng ta còn phải rước Thánh Thể suốt ngày nữa nhờ Rước Lễ Thiêng Liêng. Phải đồng thời khát vọng và tri ân tặng vật một trật. Chúng ta phải sống nhờ Hiệp Lễ. Tâm hồn nào sống nhờ Hiệp Lễ sẽ được hạnh phúc”.

“Tại sao ta tìm kiếm ủi an? Chính vì ta đã không ăn Chúa Giê-su Ki-tô qua việc Rước Lễ Thiêng Liêng, nên ta mới phải đi hành khất. Tại sao ta buồn sầu? Đó là vì ta đã tìm kiếm những gì ngoài Chúa chúng ta, ở ngoài tình yêu ban sự sống của Người, nên chúng ta mới phải nản lòng… Chúng ta thích ăn bánh của mình hơn là ăn bánh của Chúa. Tâm hồn nào không đặt mình vào sự sống tình yêu của Thánh Thể sẽ không thể hạnh phúc được, vì tâm hồn ấy sẽ luôn ở trong tình trạng bất ổn”.

“Các con thân mến, hãy để đời sống các con lệ thuộc vào tình yêu Chúa Giê-su Ki-tô. Chúng ta phải đón nhận Chúa Giê-su Ki-tô, chân lý, sự thánh thiện và tất cả những gì Người có. Tất cả những gì các con cần thiết bây giờ, các con có thể tìm gặp được ở nơi Người. Chúa Giê-su Ki-tô gồm trọn vẹn tất cả: thiện hảo, chân lý, tình yêu. Điều cần thiết là phải khởi đầu bằng những nhân đức mà các con cần thiết ngay trong giây phút hiện tại. Các con sẽ phải cần đến sự hiệp nhất với Chúa Ki-tô”.

“Người phán: ‘Ai ăn Thầy thì sẽ được sống’. Sự sống ấy chính là sự hiệp thông với Người. Vì thế, hãy để tâm hồn các con khát vọng tình yêu Người. Cha có thể đọc được cảm giác của các con khi nhận thấy vẻ tiêu điều trên khuôn mặt của các con, điều đó có nghĩa là các con đã rời bỏ chuồng chiên để đi tìm kiếm của ăn ở một nơi nào khác. Nên nhớ rằng, ở bàn tiệc cưới, không hề có nước mắt, các con phải vui vẻ. Chúa Thánh Thần phán: ‘Tâm hồn yêu thương thì ưa thích tiệc hân hoan”.

“Chúng ta luôn có khuynh chiều về mình. Chúng ta thường nói: ‘Tôi muốn sống’. Hãy cố gắng hủy bỏ bản ngã mình đi. Nếu khảo sát mọi sự, các con sẽ thấy, các con đang lạc xa nẻo đường ngay thẳng. Chúa Ki-tô luôn là một. Người có mọi nhân đức. Đừng tìm kiếm ở đâu khác, ngoài một mình Người. Nếu không tới đó, các con sẽ tìm đâu ra được những gì các con cần thiết? Chúa Giê-su đã không cưỡng bách các Tông Đồ phải chấp nhận Người. Họ cần tham dự vào, như Người đã phán qua sách Khôn Ngoan: ‘Các bạn Ta hãy đến’, rồi Người thêm: ‘Hãy đi vào niềm vui của Chúa các ngươi”.

“Niềm vui ấy là gì? Đó là Vương Quốc của Thiên Chúa ở nơi các con. Hãy gẫm suy kỹ điều đó. Sự sống đối với các con là chính Chúa Giê-su. Hãy ở lại trong Người và sống nhờ Người. Đừng xây dựng đời sống các con trên tội lỗi, hay trên các nhân đức, hoặc trên bất cứ công cuộc bác ái nào khác. Những công cuộc này chỉ là phương tiện chứ không phải là cùng đích”.

“Các con nói: ‘Khi nào tôi biết được tôi đang sống trong Chúa?’. Khi cảm thấy nhu cầu, các con hãy mau mắn chạy đến với Người; khi gặp thử thách và sợ hãi làm mất lòng Người, đó là cảm tưởng đầu tiên đến với các con; khi thánh ý Người là khát vọng ưu tiên của các con, chứ không phải là thứ yếu, lúc đó các con biết rằng, Người đang sống trong các con… Người muốn gì? Người muốn chúng ta sống nhờ Người. Đó là câu trả lời duy nhất và là tư tưởng duy nhất của cha” (Suy niệm ngày 9 tháng 11, 1860. Tĩnh Tâm tháng).

5- THUYẾT TRÌNH CỦA MẸ MÁC-GƠ-RÍT GHI-Ô

– “Các con thân mến, mẹ muốn giới thiệu với các con việc thực hành bác ái, đó là nhân đức đã làm cha thánh của chúng ta say mê. Phải, điều mẹ xin các con là: Ước chi đức bác ái luôn ngự trị giữa các con, bây giờ và mãi mãi. Các con thương mến, các con hãy yêu thương nhau”.

“Các con hãy tập đức bác ái dịu dàng và hào hiệp là không nhìn vào các lỗi lầm của người khác, mà chỉ tìm cách làm vui lòng họ và phục vụ họ. Đừng căn cứ vào những khuyết điểm, hay những gì không tốt nơi các chị em, mà hãy nhìn vào những đức tính tốt và những ý hướng ngay lành của họ”.

“Để đạt được nhân đức cao đẹp này là nhân đức phải được triển nở rực rỡ nơi các con, hãy cầu xin Thầy thần linh ban cho các con ơn ấy, rồi chấp nhận mọi khó khăn của đời sống hằng ngày với ý nghĩ rằng, các chị em khác cũng phải chịu những khó khăn nào đó, và đừng trách móc lẫn nhau. Nếu các con nhận ra Chúa nơi các chị em, các con sẽ yêu mến họ trong Người và vì Người” (Ngày 3 tháng 6, 1883).

– “Các con thân mến, bao lâu chúng ta chưa hiểu biết rằng, chúng ta phải tan biến đi để Chúa có thể ngự trị trong chúng ta, nghĩa là bao lâu chúng ta còn để con người tự nhiên, bản ngã ta, bản ngã hẹp hòi, – đó là bản ngã mà mẹ vẫn luôn nói với con – bao lâu chúng ta chưa lướt thắng được bản ngã ấy, đó là kẻ thù lợi hại nhất của ta, mẹ muốn nói, bao lâu bản ngã xấu xa này còn tồn tại, thì chúng ta chưa thể là những Nữ Tỳ Thánh Thể đích thực được, chúng ta chưa phải là những kẻ tôn thờ tận hiến mình cho tình yêu Chúa Giê-su trong Thánh Thể” (Tháng 5, 1883).

Nguyên tác: Sr. Catherine Marie Caron, SSS

Phỏng dịch: Lm. Dominic Thuần, SSS