Linh Đạo Phòng Tiệc Ly: Phần IX

PHÒNG TIỆC LY:

NƠI CẦU NGUYỆN VÀ CHÚC TỤNG

A- BIẾN CỐ PHÚC ÂM

– “Và đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời về phía Người đi, thì bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: ‘Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giê-su, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời’.

“Bấy giờ các ông từ núi gọi là Ô-liu trở về Giê-ru-sa-lem. Núi này ở gần Giê-ru-sa-lem, cách đoạn đường được phép đi trong ngày sa-bát. Trở về nhà, các ông lên lầu trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê, An-rê, Phi-líp-phê, Tô-ma, Ba-tô-lô-mê-ô, Mát-thêu, Gia-cô-bê con ông An-phê, Si-mon thuộc nhóm Quá Khích, và Giu-đa con ông Gia-cô-bê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu của Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su(Cv.1:10-14).

– Xin coi Kinh Ha-len (Hallel), tức các Thánh Vịnh từ 113 đến 118:

“Hát Thánh Vịnh rồi, họ (rời Phòng Tiệc Ly) ra núi Ô-liu” (Mt.26:30; Mc.14:26).

B- NƠI CẦU NGUYỆN VÀ CHÚC TỤNG

1- CÁC PHỤ NỮ CỦA HỘI THÁNH HIỆP NHẤT VỚI ĐỨC MA-RI-A

Đoạn văn của sách Công Vụ trên đây (Cv.1:10-14) đưa chúng ta vào chính trung tâm của hình ảnh về Phòng Tiệc Ly mà cha thánh Phê-rô Giu-li-a-nô quan niệm, nơi đó, đặc biệt hơn hết, là nơi cầu nguyện. Luật Sống của Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể cũng nhắc lại đề tài này dưới nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt là những số sau đây:

– Luật Sống Số 6:

“Phòng Tiệc Ly của chúng ta là những trung tâm đặc biệt về đời sống thánh thể, nơi đây mọi người có thể đến kín múc nơi nguồn cung ứng của Thánh Thể. Bao lâu chúng ta thể hiện được sự sinh động thiêng liêng này, thì các cộng đoàn của ta sẽ trở thành dấu chỉ và men hiệp nhất và chúng ta sẽ hoàn thành sứ mệnh của ta trong Giáo Hội”.

– Luật Sống Số 7:

“Đây cũng là sứ mệnh của Đức Ma-ri-a, Nữ Tỳ của Thiên Chúa, mẫu mực của Giáo Hội về lãnh vực đức tin và tình yêu, và là mẫu mực hiệp nhất trọn vẹn với Chúa Ki-tô. Đức Ma-ri-a là Mẹ và là mẫu mực của ta, vì hơn bất cứ ai khác, trong cộng đồng ki-tô hữu, Mẹ đã trung thành với việc Bẻ Bánh và cầu nguyện”.

Đức Ma-ri-a là Mẹ và là mẫu mực của ta. Mẹ là Nữ Tỳ đầu tiên của Thiên Chúa. Mẹ là mẫu mực trọn hảo về những thái độ thiêng liêng mà Hội Thánh phải sống và cử hành Thánh Thể. Mẹ dạy ta tích chứa Lời Chúa trong lòng, bước theo Chúa Giê-su trong các Mầu Nhiệm của Người, luôn mở rộng tâm hồn trước Chúa Thánh Thần, sống hiệp thông với các tín hữu khác, tạo thành cộng đoàn đức tin là cộng đoàn được qui tụ lại để Bẻ Bánh và cầu nguyện (Cv.2:42). Chúng ta tôn kính Mẹ dưới tược hiệu mà thánh Phê-rô Giu-li-a-nô E-ma đã tôn vinh người vào năm 1867, và đã được Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI châu phê vào năm 1963, đồng thời qui định một lễ đặc biệt để mừng kính tước hiệu này vào ngày 13 tháng 5, tước hiệu ấy là: Đức Mẹ Thánh Thể.

Đức Ma-ri-a là người đồng hành với ta trong đời sống cầu nguyện. Mẹ bù đắp những thiếu sót của ta trong lãnh vực này, và cầu xin cho ta những ơn mà tự sức riêng, ta không thể đạt được. Cũng như tại Ca-na, nhờ lời cầu bầu của Mẹ mà tiệc cưới đã được tiếp tục trong hân hoan. Chính nhờ lời Mẹ cầu bầu mà chúng ta có thể cử hành giao ước với Thiên Chúa trong Đức Ki-tô.

Sau cuộc Khổ Nạn, Phục Sinh và Lên Trời của Chúa Giê-su, sách Công Vụ thuật lại là các Tông Đồ đã cầu nguyện cùng với Đức Ma-ri-a, thân mẫu của Đức Giê-su và các anh em Người.

Những cảnh tượng mà Phúc Âm thuật lại trên đây đã gợi hứng cho thánh Phê-rô Giu-li-a-nô trong nhiều suy niệm về đời sống của Đức Ma-ri-a tại Phòng Tiệc Ly. Những suy niệm này nói lên tinh thần và hình ảnh mà thánh Phê-rô Giu-li-a-nô quan niệm về đời sống của các Nữ Tỳ Thánh Thể, đó là: Đức Ma-ri-a là mẫu mực cầu nguyện trong Hội Thánh.

Những cảnh tượng này được cha thánh thường xuyên lặp lại trong các thuyết trình của ngài. Hình ảnh ấy chứa đựng một ý nghĩa sâu xa về Hội Thánh: ý nghĩa về cầu nguyện VỚI Hội Thánh, và CHO Hội Thánh. Là tu sỹ thánh thể, chúng ta được Hội Thánh trao phó cho trách nhiệm đại diện Hội Thánh để cầu nguyện. Đó quả là một đặc ân cao cả. Như vậy, cầu nguyện tôn thờ Thánh Thể không nguyên chỉ do lòng đạo đức cá nhân, mà hơn nữa, đó còn là một chức vụ, một sứ mệnh cầu nguyện TRONG Hội Thánh, và CHO Hội Thánh. Sứ vụ đó được thể hiện cách đặc biệt nhờ việc tôn thờ kéo dài trước Mình Thánh được đặt ra ngoài, với sự tham dự của dân chúng. Như chúng ta biết, biết bao lần trong Luật Sống của Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể đã đề cập tới chiều kích giáo hội trong cầu nguyện và ơn gọi của tu sỹ thánh thể.

Do Mầu Nhiệm Các Thánh Thông Công, và vì tất cả chúng ta là một trong Đức Ki-tô, nên khi một người cầu nguyện cho cả toàn thân, thì ơn của Chúa sẽ tuôn trào vào Hội Thánh, và toàn thể Hội Thánh đều được khích lệ và củng cố. Đó là thực tại bề trong, và cũng là thực tại bề ngoài nữa. Theo kinh nghiệm thì ở bất cứ nơi nào chúng ta mở những nhà nguyện công và có các Nữ Tỳ Thánh Thể cầu nguyện trước Thánh Thể, thì tất cả đều trở thành những chứng tá công khai của đức tin về sự hiện diện của Chúa Ki-tô trong Thánh Thể. Mời gọi những người khác liên kết với chúng ta để cầu nguyện, và huấn luyện những người khác để họ biết tôn thờ Chúa, đó là sứ mệnh đức tin của chúng ta tại các giáo hội địa phương. Nếu công cuộc đó không được các tu sỹ thánh thể thực hiện thì ai sẽ đảm trách công cuộc này?

Giờ đây chúng ta hãy lắng nghe một đoạn trích trong Hiến Pháp Xanh Bon-nê (St. Bonnet). Đây là đoạn văn liên quan đến sứ mệnh cầu nguyện của chúng ta.

    Sau khi đề nghị chúng ta cầu nguyện cách đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng, cho ý chỉ của Đức Giáo Hoàng, cho các linh mục và mọi nhu cầu của Hội Thánh, thánh Phê-rô Giu-li-a-nô viết:

“Sứ mệnh của các con chính là sứ mệnh của Đức Ma-ri-a ở dưới chân Chúa Giê-su. Đó là sứ mệnh tông đồ, là cầu nguyện giữa những vẻ huy hoàng của việc tôn thờ ở dưới ngai ân sủng và thương xót”.

“Cầu nguyện là chúc tụng lòng nhân lành vô biên của Thiên Chúa, là làm cho lòng thương xót của Chúa hoạt động, là hân hoan và làm cho tình yêu vô biên của Chúa tuôn đổ xuống trên các tạo vật của Ngài bằng cách chu toàn luật ân sủng là cầu nguyện”.

“Vì thế, cầu nguyện là vinh quang lớn lao nhất mà con người có thể dâng hiến lên Thiên Chúa. Đó là nhân đức cao trọng hơn hết mà con người có thể đạt được. Nhân đức này bao gồm hết mọi nhân đức khác, vì các nhân đức khác đều chuẩn bị cho nhân đức này và là thành phần của nhân đức này: Tin là tin tưởng, còn trông cậy thì cầu nguyện, bác ái thì khẩn xin, khiêm nhường trong lòng thì sáng tác lời nguyện, tin tưởng thì phát biểu lời nguyện ấy, kiên trì thì chiếm được tâm hồn Người, chiếm được chính Thiên Chúa”.

“Cầu nguyện thánh thể còn có một đặc điểm khác nữa là đi thẳng vào tâm hồn Chúa như mũi tên lửa. Hình thức cầu nguyện này nài van Chúa Giê-su trong Bí Tích hoạt động và sống trở lại. Hình thức cầu nguyện này cũng thi thố quyền năng của Chúa ra. Kẻ tôn thờ còn thực hiện nhiều hơn thế nữa, đó là cầu nguyện với Chúa Ki-tô, đặt Người lên ngai tòa cầu bầu ở bên cạnh Đức Chúa Cha để làm Trạng Sư cầu bầu cho các anh chị em của Người đã được cứu chuộc”.

Trên đây chỉ là một đoạn ngắn trích trong chương nói về cầu nguyện. Tôi hi vọng các bạn nên đọc cả đoạn văn. Bản văn này ở phần Phụ Lục của Tập IV trong bộ “Đời Sống và Các Thơ”. Sở dĩ tôi nêu lên đoạn văn này là cốt ý nhấn mạnh đến ý nghĩa về Giáo Hội, về sứ mệnh cầu nguyện của chúng ta là những tu sỹ thánh thể. Ý nghĩa này hoàn toàn ở trong bối cảnh được sách Công Vụ các Tông Đồ mô tả.

2- PHỤNG VỤ CÁC GIỜ KINH

Nếu suy niệm về các đoạn Tin Mừng Mc.14:26, hoặc Mt.26:30, chúng ta sẽ thấy Bữa Tiệc Ly, tức Bữa Tiệc Vượt Qua, cũng bao gồm các Thánh Vịnh thường lệ của Kinh Ha-len (Hallel) gồm các Thánh Vịnh từ 113 đến 118. Đây là những Thánh Vịnh mà Chúa Giê-su và các môn đệ Người đã đọc (hoặc hát), trước khi rời Phòng Lầu Trên để đi ra vườn Cây Dầu. Những Thánh Vịnh này, theo truyền thống, đã và vẫn là phần kết thúc của Nghi Thức Vượt Qua.

Cảnh tượng này đưa ta tới lãnh vực cầu nguyện theo Phụng Vụ ở Phòng Tiệc Ly, đó cũng là lãnh vực cốt yếu của đời sống tu trì của chúng ta. Đức Ma-ri-a, Mẹ của Hội Thánh, đã qui tụ lại xung quanh Mẹ một cộng đoàn cầu nguyện để chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Trong khi cầu nguyện, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần ngự xuống tràn đầy Hội Thánh và biến đổi Hội Thánh.

Để nhận ra trong những tường thuật này một nguyên mẫu (Prototype) về cầu nguyện chung, tức cầu nguyện Phụng Vụ Các Giờ Kinh, điều đó không có gì khó khăn lắm. Đây chính là một trong những yếu tố cốt yếu của đời sống các tu sỹ thánh thể. Đây là chính kinh nguyện của Hội Thánh được cầu nguyện trong cộng đoàn. Chúc tụng Chúa trong cộng đoàn bằng kinh nguyện của Hội Thánh có nghĩa là chính Hội Thánh nói với Chúa Giê-su, hay vị hôn thê nói với Đức Hôn Phu của mình. Điều đó có một giá trị đặc biệt và phải được ưu tiên hơn hết trong đời sống chiêm niệm.

Trong khi cầu nguyện riêng trước Thánh Thể, chúng ta cũng nên nhớ rằng, chúng ta không cầu nguyện đơn độc một mình. Quả thực, là những ki-tô hữu đã được lãnh Bí Tích Rửa Tội, lời cầu nguyện của ta luôn là lời cầu nguyện của cả Hội Thánh và việc cầu nguyện của ta cũng phải được coi là sứ mạng VỚI và CHO mọi phần tử của Hội Thánh, Hội Thánh ở trên trời, cũng như Hội Thánh lữ hành nơi trần gian.

Các bạn thân mến, thực khó có thể trình bày cho các bạn cách cặn kẽ được những di sản về cầu nguyện của các Nữ Tỳ Thánh Thể. Điều đó không có nghĩa là chúng ta không có gì để nói, mà là có quá nhiều vấn đề, nên không biết phải tóm lược lại thế nào. Trong các thuyết trình của thánh Phê-rô Giu-li-a-nô có đầy rẫy những vấn đề thuộc đề tài này, vì cầu nguyện là một nhu cầu của tâm hồn yêu mến, và vì cầu nguyện là trọng tâm ơn kêu gọi của chúng ta. Trong các thuyết trình của cha thánh E-ma, chúng ta tìm được những lời khuyên cầu nguyện, những lý do phải cầu nguyện, những gương mẫu cầu nguyện của ngài, và những hình thức cầu nguyện khác nhau. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu một vài điểm liên quan đến các vấn đề này.

3- TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC CHUẨN BỊ

Đọc sách thiêng liêng được coi là của ăn, và là phần chuẩn bị cho việc cầu nguyện. Thiếu đọc sách thiêng liêng, việc cầu nguyện của ta sẽ mau nhàm chán, hời hợt và dễ lo ra.

Những thái độ nội tâm như: khiêm nhường, tin tưởng và yêu mến là những đòi hỏi căn bản cho việc cầu nguyện thánh thể. Vì thiếu niềm tin sống động vào sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể, chúng ta sẽ không thể kiên trì trong loại cầu nguyện này được. Nếu thiếu tình yêu, chúng ta sẽ không thể mở rộng tâm hồn và duy trì được mối tương quan với Chúa. Nếu thiếu khiêm nhường, chúng ta sẽ không thể tôn thờ, nhìn nhận sự cao cả của Thiên Chúa và sẽ không thể kiên nhẫn đợi chờ trong những lúc gặp khô khan và thử thách. Những ơn này cần phải được khích lệ và củng cố không ngừng bằng chính việc cầu nguyện.

4- CẦU NGUYỆN THEO KINH THÁNH

Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô thường hay chia sẻ với người khác những đoạn Tin Mừng mà ngài ưa thích. Những đoạn Tin Mừng ấy thường phản ảnh tâm tình tôn thờ, hoặc dạy ta phải tôn thờ thế nào, hoặc trở thành đường dẫn đến việc tôn thờ. Chẳng hạn:

– Sau mẻ lưới lạ, thánh Phê-rô đã nhận ra Đấng đang hiện diện trước mặt ông là Đấng siêu việt mọi hiểu biết của con người, và ông đã quì xuống thờ lạy Người.

– Trước sự hiện diện của Chúa Phục Sinh, thánh Tô-ma đã quì xuống và kêu lên: “Lạy Chúa tôi, lạy Thiên Chúa của tôi!”.

– Khi được chữa lành và được nhìn thấy, người mù đã nhìn nhận Thiên Tính của Chúa.

– Ma-ri-a Ma-đa-lê-na đã ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe những giáo lý của Chúa bằng tình yêu.

– Tại Bữa Tiệc Ly, thánh Gio-an đã dựa đầu vào ngực Chúa, và đã học biết chính tình yêu của Chúa ở đó.

– Cũng vậy, ở dưới chân thánh giá, chúng ta có thể học được sự tôn thờ yêu mến đối với các Thương Tích của Chúa Cứu Thế chúng ta.

Những đoạn Tin Mừng này, cũng như những đoạn Kinh Thánh khác có thể nuôi dưỡng việc cầu nguyện của ta trong khi ta lặng lẽ tiến đến trước sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể. Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã dạy chúng ta phải dùng những đoạn Kinh Thánh để làm bàn nhún cho việc cầu nguyện thánh thể của ta thế nào.

Bốn mục đích của Lễ Hi Sinh đã cống hiến ta phương pháp cầu nguyện chính thức và đặc biệt của chúng ta. Vấn đề này, chúng ta có thể gặp thấy trong tất cả các bản thảo Hiến Pháp, trong cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma, trong các thuyết trình của thánh Phê-rô Giu-li-a-nô. Chắc chắn các bạn đã học biết phương pháp này rồi.

Trong động tác thờ phượng, hãy học cách quên mình đi, nhìn nhận sự hiện diện và sự cao cả của Thiên Chúa, đồng thời ca tụng Người bằng trí khôn, tâm hồn và ý chí, và hiến thân cho Người. Trong những động tác cảm tạ, đền tội và cầu xin, chúng ta cũng hãy học cách phải sử dụng những động tác của trí khôn, tâm hồn và ý chí như thế nào.

5- CHÚA GIÊ-SU, ĐẤNG TÔN THỜ TRỌN HẢO

Cha E-ma cũng dạy những phương pháp cầu nguyện khác nữa. Trong Tin Mừng theo thánh Gio-an, chúng ta đọc được: “Thiên Chúa tìm kiếm những kẻ tôn thờ Ngài trong tinh thần và sự thật”.

Tinh thần của các động tác tôn thờ, cảm tạ, đền tội và cầu xin phát nguồn trước hết từ chính cuộc cử hành Thánh Thể. Cử hành Thánh Thể là khởi điểm của động tác tôn thờ, trong đó chính Chúa Giê-su tôn thờ, cảm tạ, đền tội và cầu xin. Tinh thần này phải định hướng cho mọi việc linh thao của ta, cho dù việc linh thao ấy chuẩn bị, hay tạ ơn trong cuộc cử hành, hay giúp ta tự vấn lương tâm. Đây phải là tinh thần của ta trong suốt cả ngày. Cùng với Chúa Giê-su, những tâm tình này phải định hướng cho việc cầu nguyện chung hay riêng của ta. Chúng định hướng cho mọi việc thực hành cầu nguyện của ta, và phải tạo cho ta tâm hồn để sống, vì cầu nguyện và đời sống chỉ là một. Bất kỳ làm gì, nói với ai, hay được người ta yêu cầu làm gì, tiên vàn chúng ta phải là những kẻ tôn thờ trước, phải sống trong sự hiện diện của Chúa, tôn thờ thánh ý Chúa, tri ân Người về những ân huệ của Người, tìm cách giao hòa thế giới với Người và với nhau, và cầu xin những ân huệ của Người. Chính tinh thần ấy, một khi thấm nhuần vào cuộc sống của ta, sẽ biến ta thành những kẻ tôn thờ đích thực.

Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã đặt tầm quan trọng đặc biệt vào tinh thần cầu nguyện, tinh thần đó phải là đặc điểm của mọi hoạt động của ta. Ngài gọi tinh thần ấy là hồi tâm, và ngài đã thuyết trình nhiều về chủ đề này. Thiếu tinh thần cầu nguyện trong ngày, thì thời gian chúng ta dùng để cầu nguyện chính thức sẽ trở nên trống rỗng, đứt đoạn và hời hợt. Cuối cùng, cầu nguyện sẽ không còn là trọng tâm của đời sống ta nữa.

6- CẦU NGUYỆN ÂU YẾM

Chúng ta nên nhớ, phương pháp chỉ nhằm mục đích phục vụ cho việc cầu nguyện mà thôi. Điều cốt yếu trong việc cầu nguyện là mở rộng tâm hồn trước Thiên Chúa, để Ngài tác động và hướng dẫn nơi nội tâm ta. Tuy nhiên, khi mới khởi đầu học cầu nguyện, hay trong những lúc khô khan, thử thách và mệt mỏi, phương pháp rất có lợi cho việc cầu nguyện của ta.

Một cách tổng quát, trước sự hiện diện của Chúa, kẻ tôn thờ sẽ đạt tới tình trạng cầu nguyện âu yếm cách mau chóng, như Ma-ri-a ngồi ở dưới chân Chúa. Trước sự hiện diện của Chúa, chúng ta cảm nghiệm được lời mời gọi để hiểu biết riêng về Người, để ngồi dưới chân Người trong thinh lặng và âu yếm, chúng ta sẽ nhận ra sự bất xứng của mình, đồng thời cũng nhận ra sự may mắn vì được Chúa đặc biệt tuyển chọn, từ đó tâm hồn ta sẽ trào dâng niềm tri ân dạt dào. Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô luôn lặp đi lặp lại rằng, sở dĩ chúng ta được kêu gọi là để nhận biết Chúa Giê-su cách mật thiết nhờ tình yêu chăm chú ấy. Chúng ta sẽ nhận biết Chúa khi chiêm ngưỡng lòng nhân hậu của Người, và nhận ra lòng nhân hậu ấy được thể hiện cách cụ thể nơi chính bản thân ta, như lời thánh Phao-lô nói: “Người đã thương yêu tôi, và đã phó nộp mình vì tôi”. Về vấn đề này, thánh Phê-rô Giu-li-a-nô thường dùng những từ của Trường Phái Linh Đạo Pháp, đó là: tuôn đổ, an nghỉ và chẩy vào Thiên Chúa (Expansion, dilater, épanchement, s’ écouler en Dieu).

Những động từ trên diễn tả lời mời gọi đến chiêm niệm thụ động. Tôn thờ thánh thể khác với tâm nguyện ở điểm cốt yếu này là: Tôn thờ thánh thể đưa ta đến trước sự hiện diện của Chúa trước khi suy niệm, sau đó sự hiện diện này mời gọi ta tuôn đổ, và tuôn chẩy bản thân mình vào trong Chúa Giê-su. Đó là mối tương quan càng ngày càng gia tăng, nhờ đó Chúa Giê-su sẽ đưa ta vào Đời Sống của Ba Ngôi Thiên Chúa: “Hãy ở lại trong Thầy, hãy ở lại trong tình yêu Thầy, cũng như Thầy ở trong các con”. Câu này là chính trọng tâm linh đạo của chúng ta được thánh Phê-rô Giu-li-a-nô không ngừng lặp đi lặp lại trong các bài thuyết trình của ngài, và chính ngài cũng cầu nguyện sâu xa trong cuộc Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma. Các chương 14, 15, 16 và 17 của Tin Mừng theo thánh Gio-an là trường dạy chiêm niệm và tình yêu chiêm niệm, trong đó Chúa Giê-su đã tuôn đổ tâm hồn Người ra và mời gọi ta đến hiệp nhất với Người.

Trong bài thuyết trình ngày 30 tháng 7, 1860, thánh Phê-rô Giu-li-a-nô tuyên bố: “Tinh thần tôn thờ là tinh thần của tình yêu. Tinh thần ấy là gì? Người ta không thể định nghĩa được tinh thần ấy, vì làm sao có thể định nghĩa được tình yêu? Cũng như lửa, khi tới gần thì sẽ bị bỏng. Chúa Giê-su Ki-tô đã đến để thiêu đốt trần gian. Tinh thần này là gì? Là chính Chúa Thánh Thần, và ngài không là gì khác hơn là chính Thần Trí của Chúa Giê-su. Người tỏ mình ra qua hồi tâm theo như Người muốn. Người đến, và làm cho ta được tràn đầy lửa của Người. Hãy sẵn sàng” (Thuyết trình ngày 30 tháng 7, 1860).

C- CÁC BẢN VĂN LIÊN QUAN ĐẾN CẦU NGUYỆN

1- THÁNH THỂ VÀ TÔN THỜ

(Sơ Valentine Bouchart, SSS, sưu tầm)

– “Tôn thờ là chăm chú nhìn vào Chúa, vì thế động tác tôn thờ thì hoàn hảo hơn động tác cảm tạ, vì tôi tôn thờ chính Chúa, và tôn thờ Người bằng cách hiến dâng Người trót bản thân tôi. Như vậy, tôi trở nên lễ hi sinh cho việc thờ phượng, cho động tác tôn thờ. Khi cảm tạ thì bản ngã nhận lãnh, còn khi tôn thờ thì “cái tôi” phải tan biến đi” (Thủ Bản của Mẹ Mác-gơ-rít).

– “Tôn thờ trong tinh thần và sự thật, chính là ơn kêu gọi của chúng ta. Đó là những kẻ mà Chúa Cha tìm kiếm. Họ chỉ là một số nhỏ, nhưng Thiên Chúa hài lòng với số nhỏ này, họ đặc biệt hiến mình cho Thiên Chúa, tuyệt đối cho một mình Ngài (Non tua sed te volo). Người ta luôn chỉ muốn ca tụng Chúa qua những hình thức bề ngoài, bằng các quan năng của họ, chứ không thích tôn thờ Người ở trong họ, trong chính Người, nơi vương quốc nội tâm là vinh quang tối cao mà Chúa mong muốn ở nơi mỗi người, đặc biệt là ở nơi những kẻ tôn thờ. Sở dĩ như vậy là vì việc phụng sự bề ngoài làm mãn nguyện các quan năng của ta hơn. Phụng sự bề ngoài như vậy đặt trọng tâm vào cá nhân của ta. Vì thế, khi suy gẫm về việc phụng sự cá nhân này, tôi nghĩ đến gương mẫu của Thiên Thần Ra-pha-en, ngài thấy Thiên Chúa, sống nhờ Thiên Chúa trong khi hộ tống Tô-bi-a. Đó là cách thế tôi phải noi theo”.

“Tôi suy tưởng, phải làm thế nào để sức sống của ngọn lửa có thể tồn tại được trong chính nó, hay dưới đống tro nơi nó có thể tiếp tục tồn tại được lâu dài. Tôi cũng suy đến các rễ cây, vào mùa đông, chúng ăn sâu xuống lòng đất để tự bảo vệ, nuôi dưỡng và để được sinh hoa trái phong phú. Đó chính là ý nghĩa của lời “ở trong Thiên Chúa, trong Chúa Ki-tô” (Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma, ngày 11 tháng 2, Suy niệm 1).

– “Khi ở trước sự hiện diện của Mình Thánh, tôi thưa: ‘Không ai nghĩ đến Chúa, không ai sống cho Chúa, kể cả một số nhỏ là những kẻ tìm được sự sống nơi Thần Trí của Chúa, tình yêu Chúa. Ôi lạy Chúa! Đó là điều con muốn thực hiện’. ‘Ai ăn Tôi thì sống nhờ Tôi’. Như vậy, điều cốt yếu là sống nhờ Chúa”(Thuyết trình cho các Nữ Tỳ Thánh Thể, ngày 15 tháng 2, 1861).

– “Chúa cho chúng ta có những tông đồ tốt, có một số ít những kẻ tôn thờ nhiệt tâm, nhưng Người có rất ít hôn thê là những kẻ nói với Người từ nơi trái tim, và hiến thân cho một mình Người” (Đại Tĩnh Tâm ở Rô-ma, ngày 28 tháng 3, Suy Niệm 1).

– “Tôn thờ là chiêm ngưỡng Chúa, tôi tôn thờ Chúa trong chính Người, và tôi tôn thờ Người bằng cách hiến trọn bản thân tôi, và rồi tôi sẽ trở thành lễ hi sinh tôn thờ. Trong động tác tôn thờ, bản ngã ta phải biến đi, Chúa hoạt động trong các con, và rồi các con tạo nên đời sống của Chúa ở nơi bản thân mình, và Chúa sẽ làm cho sự sống ấy cứ mỗi ngày một lớn mạnh hơn… Chúa Giê-su yêu thương, điều đó có nghĩa là gì? Đó là Người yêu mến chính sự sống của Người ở trong ta. Còn Chúa Cha? Ngài yêu mến Chúa Giê-su ở trong ta” (Thuyết trình cho các Nữ Tỳ Thánh Thể, ngày 27 tháng 12).

– “Nếu các con chỉ xin ơn cầu nguyện cách tổng quát, thì có gì khác biệt với những người khác, nhưng xin ơn cầu nguyện thánh thể, đó mới là điều đặc biệt. Ơn này bao gồm hết mọi sự. Ơn ấy thế nào? Đó là ơn tôn thờ trọn hảo, và ơn tôn thờ trọn hảo là thực hiện những gì diễn ra ở trên thiên đàng, chỉ khác một điều là chúng ta thực hiện những động tác ấy ở nơi dương gian này nhờ ân sủng và đức tin” (Thuyết trình cho các Nữ Tỳ Thánh Thể, ngày 28 tháng 2, 1862).

– “Tôn thờ là động tác không thể diễn tả bằng lời nói được. Đó là Vương Quốc của Thiên Chúa ở trong tâm hồn, và vương quốc của tâm hồn ở trong Thiên Chúa. Điều đó không thể giải thích được, lý do là vì chúng ta không thể giải thích được những gì diễn ra ở trên trời” (Thuyết trình cho các Nữ Tỳ Thánh Thể, ngày 30 tháng 4, 1861).

– “Ta sẽ ban man-na đã được giấu kỹ (Kh.2:17). Man-na được giấu kỹ ấy là gì? Đó chính là Thánh Thể, nhưng là Thánh Thể được thưởng thức và chiếm ngự nơi tâm hồn ta. Chỉ khi nào ăn Thánh Thể ấy, người ta mới có thể biết được. Đó là sự tỏ mình ra của Chúa cho tâm hồn, đó là thiên đàng. Các con không thể ở đây mà lại không thưởng thức man-na được giấu kỹ này. Vì thế, hãy tiếp tục thưởng thức man-na ấy” (Thuyết trình cho các Nữ Tỳ Thánh Thể, ngày 21 tháng 11, 1861).

– “Thế nào là tôn thờ tuyệt hảo nhất? Tôn thờ tuyệt hảo nhất không phải là loại tôn thờ làm ta quá bận rộn, cũng không phải là loại tôn thờ làm ta dễ cầu nguyện, khấn xin và hồi tâm. Loại tôn thờ hoạt động trên, chắc chắn là do ơn Chúa giúp, nhưng đó không phải là loại tôn thờ tuyệt hảo nhất, vì loại tôn thờ ấy đòi hỏi quá nhiều hoạt động. Thường thì loại tôn thờ quá hoạt động như vậy ít mang lại kết quả, vì đó là vấn đề thuộc lãnh vực trí tuệ hơn là trái tim. Tôn thờ tuyệt hảo nhất chính là hiện diện dưới chân Chúa với niềm tôn kính khiêm tốn, với niềm tin tưởng phó thác khiêm nhường và với tình yêu đơn sơ chân thành. Các con thân mến, các con thấy không, ngay cả khi các con không làm gì khác ngoài việc hiến dâng bản thân mình, các con đã đặt mình vào tâm trạng sẵn sàng để đón nhận ánh sáng dịu dàng và chân thực của trái tim, của tình yêu. Nhờ tâm trạng sẵn sàng này mà Thiên Chúa có thể biểu lộ lòng nhân lành của Người ra, và mỗi lần chúng ta để Thiên Chúa hành động như vậy, là chúng ta để Người đến ngự trị trong tâm hồn ta”.

“Khi tôi cho đi, tôi là người hành động, nhưng để Người biểu lộ lòng nhân hậu và tình yêu của Người cho tôi, chính là để những ơn ích của Mầu Nhiệm Nhập Thể và Bí Tích Thánh Thể được tiếp tục tuôn trào xuống trên ta, nói tóm lại, đó chính là để cho Chúa Giê-su có được đời sống thứ hai. Khi tâm hồn sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, thì sẽ nhận được sự sống, điều đó tốt hơn là tâm hồn tự hiến mình” (Thuyết trình cho các Nữ Tỳ Thánh Thể, ngày 23 tháng 3, 1860).

2- TÔN THỜ HỒI TÂM

– “Bây giờ chúng ta sẽ đề cập đến tôn thờ hồi tâm. Đây là  động tác tôn thờ tuyệt hảo nhất. Chúng ta phải thường xuyên lặp lại động tác này và phải cầu xin Chúa ban cho ta ơn ấy”.

“Chúng ta sẽ đề cập tới việc thực hành hồi tâm, và thực hành thinh lặng, hay việc tình yêu mến”.

“Trong việc thực hành hồi tâm, chúng ta thực hiện mọi động tác làm thành hành vi tôn thờ: Tâm hồn tìm kiếm Chúa cách khó khăn, dường như tâm hồn bị mất Chúa. Còn Chúa thì dường như ẩn mình đi, tâm hồn không thấy Người được. Đó là trạng thái nhân đức hoạt động. Đôi khi Chúa để tâm hồn phải tìm kiếm Người trong lo âu bối rối, rồi sau đó Người mới an ủi tâm hồn bằng một lời, hay bằng một tiếng gọi từ nơi nội tâm”.

“Hồi tâm thinh lặng ở dưới chân Chúa có nghĩa là tôn thờ Người nơi tâm hồn ta, dâng hiến bản thân mình trong sự tôn thờ thinh lặng, ở đó tâm hồn gặp được nguồn nước hằng sống, được nuôi dưỡng trong Chúa nhân lành. Trong sự tôn thờ thinh lặng ấy, tâm hồn tìm được niềm vui lớn lao vì không phải nỗ lực nhiều, và tìm được bình an. Sự hiệp nhất này khiến ta xuất thần để được ở thinh lặng dưới chân Chúa”.

“Hãy học thinh lặng hơn là nói năng, hãy nhìn vào Chúa, hôn kính chân tay Người, nếu các con muốn. Hãy gắn bó với Chúa. Như vậy trí khôn sẽ không có gì để làm, đó là điều cốt yếu trong hành vi tôn thờ thinh lặng. Vì trong hành vi tôn thờ, chính trí khôn làm ta lo ra. Một khi tâm hồn đã gắn bó với Chúa thì trí khôn sẽ chẳng còn gì để làm nữa, nó sẽ thiếp ngủ đi, một giấc ngủ chập chờn. Trí khôn cũng giống như đứa con nít, nếu chú ý đến nó, nó sẽ quậy phá, sẽ khuấy động, sẽ đi ra đi vào. Nếu không để ý đến nó, nó sẽ ở yên. Điều cha đề cập đến ở đây là vấn đề chiêm niệm, vấn đề tôn thờ hiệp nhất”.

“Chúa ở trong ta tùy theo mức độ hồi tâm bề trong của ta. Vì thế, khi không hồi tâm nhiều, thì Người cũng không thể ở trong ta nhiều được. Trong khi đó, nếu ta hồi tâm nhiều, Người sẽ hoạt động mạnh mẽ, vì các con cống hiến cho Người những điều kiện cần thiết để Người hoạt động. Các con có thể nói: điều đó không lệ thuộc nơi chúng ta. Vậy nếu hồi tâm lệ thuộc ở nơi ta, thì khi các con hồi tâm được năm ba phút, đó cũng là thành công lắm rồi. Các con hãy thực hành thinh lặng, hãy trở về với hồi tâm. Ơn hồi tâm cũng đòi hỏi phải thực tập mới có thể trở thành hồi tâm của tình yêu và có giá trị được”.

“Cha mong muốn các con ở gần Chúa nhân lành biết bao, để các con có thể trở thành những nữ tử cầu nguyện đích thực. Đặc điểm của hồi tâm là gì? Đó là khi ta ở trong Chúa, hơn là ta ở trong chính bản thân ta, là khi ta đi vào một trong những tư tưởng do ơn thánh đề xuất. Tình trạng này dẫn đến sự kết hiệp khăng khít mà cha đang trình bày với các con đây. Tuy nhiên, đối với một người mang bẩm tính hoạt động thì họ gọi đó là lười biếng. Thực ra, đó là động tác cao cả nhất mà các con có thể thực hiện được, động tác ấy đòi hỏi một nỗ lực thật lớn lao mới có thể đạt được. Đó không phải là lười biếng, mà là tình trạng tự do lớn lao”.

“Còn một loại tôn thờ thứ ba hoàn hảo hơn loại tôn thờ trên đây, đó là tôn thờ trong tình yêu. Tâm hồn muốn hủy diệt mình đi, vì cảm thấy mọi sự là của Chúa. Tâm hồn có khuynh hướng muốn thoát khỏi thân xác để tán dương Chúa nhân lành. Trong lễ hi sinh này của tâm hồn, có sự bạo động rất ngọt ngào. Tự sức riêng mình, chúng ta không thể tiến tới tôn thờ trong tình yêu được, chính Thiên Chúa là Đấng dẫn đưa ta tới đó. Vấn đề thường xẩy ra là, chúng ta không tiến tới được tình trạng ấy chỉ vì thiếu quảng đại”.

“Hãy lưu tâm đến điều Chúa phán dạy: “Khi Tôi được đưa lên khỏi đất, Tôi sẽ kéo mọi sự lên cùng tôi”. Hãy xem xét Chúa đang lôi kéo ta thế nào. Nếu ta đáp lại ơn này, Chúa sẽ đem ta vào trong Người. Nhưng các con có thể nói: Điều đó xẩy ra thế nào? Thật khó có thể diễn tả được điều đó, tức sự tuôn đổ tâm hồn vào Thiên Chúa. Tâm hồn ta mong muốn làm được cái gì cho Người, được có tất cả mọi đời sống, mọi trái tim để hi sinh chúng cho Chúa nhân lành. Tâm hồn ở trong tình yêu tinh tuyền sẽ không còn nghĩ đến mình nữa, nếu nghĩ đến mình, nó sẽ bừng tỉnh dậy ngay. Các con thân mến, tuôn đổ tâm hồn vào Thiên Chúa, chắc các con đã cảm nghiệm được cả trăm lần rồi, nhưng các con đã không ý thức, hoàn toàn không ý thức về điều đó. Đối với công cuộc của Thiên Chúa, ta chỉ có thể cảm nghiệm được mà thôi, chứ không thể định nghĩa được. Chúng ta nói: “Chúa nhân hậu tốt lành biết bao”.

“Chúa nhân lành không muốn gì hơn là liên kết ta với Người. Đó là tất cả những gì Người mong muốn. Dường như Chúa chỉ sống cho một tâm hồn và thực hiện cho một tâm hồn những gì Người thực hiện cho hết mọi người. Khi nhìn xem Chúa lôi kéo ta đến với Người bằng cách đặt ta làm mục tiêu tối hậu của Hội Thánh, của Bí Tích của Người, chúng mới thấy dường như Chúa chỉ sống cho ta, dường như ta đáng giá hơn chính Người, vì Người đã hiến thân trọn vẹn để thánh hóa ta, và để yêu thương ta. Và Chúa nhân lành muốn gì? Khi hiến thân trọn vẹn cho ta, chính là vì Người muốn ta hiến dâng cho Người tất cả những gì ta có”(Thuyết trình cho các Nữ Tỳ Thánh Thể, ngày 6 tháng 5, 1862).

– “Trong Thánh Thể, chúng ta đặt mình trước Bản Vị thực của Người. Đây là sự hồi tâm tuyệt hảo nhất. Đó là chính Chúa, Người ở đó. Sự hồi tâm này có lợi điểm hơn tất cả các tình trạng khác, nghĩa là chỉ cần một bước là chúng ta vào ngay được chính Trung Tâm của ta, đó là chính Chúa. Điều cha diễn tả đây, cha muốn ám chỉ về việc tôn thờ, về sự hiệp nhất”.

“Các con phải hồi tâm, phải học cách đi vào trong Chúa, lắng nghe Người, và khi nghe được Người, chúng ta sẽ đàm đạo mật thiết với Người, để ở đó các con được sống dưới ảnh hưởng của công cuộc dịu dàng của Người. Khi chúng ta biết lắng nghe, chúng ta sẽ biết cách đàm đạo thân mật với Người, cha tin rằng các con đã hiểu điều đó. Tâm hồn mệt mỏi vì phải đến kín nước ở giếng, phải gặp những khúc đường ngoằn ngoèo của trần gian, tâm hồn ấy cần phải vào trong Thiên Chúa. Điều đó đòi hỏi ta phải thực hiện một số công việc. Hãy coi chừng, đừng để bị rơi vào ảo tưởng của những người tin rằng thực hiện như vậy là chẳng cần làm gì hết, vì họ không phải cố gắng, không nói năng gì. Họ chỉ muốn ra giếng kín nước. Nhưng để trời mưa xuống có phải tốt hơn không”.

“Khi Chúa lôi cuốn, các con phải để cho Người lôi kéo, nếu không, các con sẽ chẳng thể trở thành kẻ tôn thờ đích thực được. Đó là ơn Chúa ban cho các con. Hãy học sống thinh lặng ở dưới chân Người, học hồi tâm. Nên nhớ rằng, động tác tôn thờ tuyệt hảo nhất là lắng nghe và không nói gì cả. Đó là động tác tôn thờ tuyệt hảo nhất, vì các con đang ở trong Chúa” (Thuyết trình cho các Nữ Tỳ Thánh Thể, ngày 23 tháng 5, 1862).

NHỮNG GỢI Ý CẦU NGUYỆN

“Hãy ở lại trong Thầy, hãy ở lại trong tình yêu của Thầy, cũng như Thầy ở lại trong tình yêu của Cha Thầy”.

1- HỒI TÂM – HÒA HỢP NỘI TÂM

Hòa hợp nội tâm, tức chuyển động của con người hướng tới toàn vẹn và đồng nhất, đó là cùng đích của mọi tôn giáo. Đó cũng là giáo lý ki-tô giáo trong mọi truyền thống thiêng liêng. Hồi tâm mà chúng ta đề cập tới ở đây là:

– “Sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa”.

– “Ý thức về sự hiện diện của Người” nơi đáy thâm sâu của con người ta.

– Sống nhờ  Người và cho Người.

Đó là những yếu tố chuẩn bị căn bản cho việc cầu nguyện sâu xa, và đó cũng là những yêu tố làm phát sinh ra loại cầu nguyện này. Do đó, đời sống kết hiệp với Chúa sẽ nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện, và ngược lại, cầu nguyện hồi tâm sẽ nuôi dưỡng đời sống kết hiệp với Chúa.

2- CHIA TRÍ KHI CẦU NGUYỆN

Chia trí trong khi cầu nguyện là một đề tài hấp dẫn, một vấn đề luôn được những ai tìm kiếm mối tương quan mật thiết với Chúa nêu lên. Những chia trí trong khi cầu nguyện khiến người ta cảm thấy mình có lỗi, cho dù cảm nghĩ ấy hợp lý hay không. Những chia trí trong khi cầu nguyện cũng là nguyên nhân khiến nhiều người nản chí, rồi đi tới tình trạng tồi tệ, hoặc bỏ cầu nguyện.

Đó là điều thật đáng tiếc! Vì người ta không hiểu rằng, những chia trí có thể giúp ta phát triển đời sống cầu nguyện, đó là tấm gương để ta nhìn vào và thấy được những băn khoăn, lo lắng, sợ hãi, hiểu lầm, hi vọng, khát mong, tham vọng… Nói tóm lại, đó là tấm gương phản ảnh tất cả những yếu tố cấu tạo nên đời sống của ta. Đó chính là đời sống thường nhật của ta, là chính đời sống mà Thiên Chúa muốn xâm nhập vào, muốn chúc phúc, biến đổi, thanh tẩy và thánh hóa. Người chỉ chờ đợi ta dâng hiến cho Người cuộc sống ấy, cuộc sống hoàn toàn như vậy.

Kể cả đôi khi những chia trí này pha lẫn những yếu đuối và ngay cả tội lỗi của ta nữa. Không nên kiềm chế chúng và gạt bỏ chúng đi, không nên coi chúng như không có. Chia trí lo ra trong khi cầu nguyện, đó là những thử thách, nhưng ngay cả trong tình trạng thử thách này, thì chính những thử thách ấy cũng có thể trở thành đề tài để đàm đạo với Chúa. Cầu nguyện là đàm đạo với Chúa, đó là cuộc đàm đạo giữa Thiên Chúa thực và con người thực của ta.

Một số chia trí chúng ta cần phải bỏ đi, cần phải dâng lên Thiên Chúa, trong khi hướng tâm hồn lên với Người. Chúng sẽ biến đi như đám mây trên bầu trời xanh đẹp được luồng gió thổi đi. Điều quan trọng là phải luôn để tâm hồn gắn bó với điều cốt yếu, tức là với Đấng mà chúng ta yêu mến và tôn thờ.

Những chia trí có thể là phương thế hữu hiệu giúp cho bất cứ cuộc xét mình nào khác để tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi: “Tâm hồn tôi ở đâu?”. Chúng trở thành phương thế để phát triển đời sống thiêng liêng khi chúng ta sử dụng chúng để định hướng lại khát vọng của ta hướng về Thiên Chúa, để tái lập bình an và sự hòa hợp ở những khía cạnh bất ổn của cuộc sống ta.

3- NHỮNG PHƯƠNG THẾ

ĐIỀU CHỈNH ÓC TƯỞNG TƯỢNG

Như vậy, vấn đề quan trọng là tìm phương thế để điều chỉnh lại óc tưởng tượng của ta trong khi cầu nguyện. Chúng ta sẽ xin thánh Phê-rô Giu-li-a-nô làm người chỉ đạo cho ta trong lãnh vực này. Và sau đây là tóm lược giáo huấn của ngài về vấn đề trên, cùng với những dẫn chứng được trích từ một số thuyết trình của ngài về đề tài này.

Trong một thuyết trình vào ngày 11 tháng 6, 1861, cha thánh của chúng ta đã đưa ra bốn nguyên tắc liên quan đến đề tài trên:

1)- Nguyên tắc thứ nhất:

Đừng bao giờ lý luận với óc tưởng tượng, vì như vậy chỉ mất thì giờ vô ích mà thôi. Thánh nữ Tê-rê-xa A-vi-la nói: Óc tưởng tượng giống như tên khùng ở trong nhà. Và thánh Phê-rô Giu-li-a-nô nói: Phải lờ nó đi, đừng để ý đến nó, nó giống như đứa con nít, chỉ khi nào người ta lờ đi, nó mới thôi khóc.

2)- Nguyên tắc thứ hai:

Khi óc tưởng tượng thêu dệt thêm vào đề tài đã được ấn định, hãy gắn bó với vấn đề đã được ấn định bằng cách chuyển từ tư tưởng sang cảm xúc. Chỉ có trái tim mới thắng nổi óc tưởng tượng. Tâm hồn sẽ trở thành người chỉ đạo và là sức mạnh để hướng cầu nguyện của ta tới sự hiệp nhất của lý trí.

3)- Nguyên tắc thứ ba:

Hãy để cho óc tưởng tượng có việc làm, nghĩa là hãy dùng óc tưởng tưởng để chiêm ngưỡng những cảnh tượng trong Phúc Âm, hãy tưởng tượng chúng ta đang hiện diện ở những cảnh tượng ấy, làm sống lại biến cố và những cảm xúc. Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô cho biết, ngài ưa thích chiêm ngưỡng những cảnh tượng như: Chúa Giê-su với thánh Tô-ma, với Ma-ri-a Ma-đa-lê-na, với thánh Gio-an.

Cha thánh E-ma cũng dạy rằng, nếu ta bó buộc óc tưởng tượng phải cầu nguyện theo cách thức này, thì kết quả sẽ là sự bình thản, và chúng ta sẽ đạt được sự hòa hợp tuyệt vời giữa các quan năng của con người, vì tâm hồn, ý chí và trí khôn sẽ tham dự vào đó cách dễ dàng.

Sau đây là cảm nghiệm cá nhân mà thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã mô tả trong một bài thuyết trình cho các Nữ Tỳ Thánh Thể về vấn đề này:

“Các con sẽ nói: Điều đó xẩy ra như thế nào? Cha muốn nói với các con là: các con hãy tự tìm cho mình cách thức riêng của mỗi người. Nhưng cha muốn chia sẻ với các con về cách thức riêng mà cha đã tìm được. Khi chúng ta bị kích thích để chia trí, và điều đó thường xẩy ra khi chúng ta có quá nhiều việc phải làm, và khi phải làm việc với quá nhiều người thì chúng ta sẽ mất hết mọi sự. Nếu muốn hồi tâm, chúng ta phải cần đến óc tưởng tượng, vì chúng ta đã quá mệt mỏi.

“Khi đến trước sự hiện diện của Chúa, cha khởi đầu bằng các giác quan, cha tưởng tượng nhìn thấy Chúa như thánh Tô-ma đã thấy Người, hay như Ma-đa-lê-na đã thấy Người, đặc biệt là Ma-đa-lê-na vì bà là một kẻ tôn thờ trọn hảo. Cha thích hình ảnh bà hơn các vị thánh khác. Cha tưởng tượng như thấy bà quì thờ lạy Chúa. Bà đã thấy được mọi sự nơi nhân tính của Người. Bà hôn kính chân Người, thờ lạy Người và lấy tóc mà lau chân Người”.

“Cha bắt chước Ma-đa-lê-na. Bà tôn thờ bằng cặp mắt. Chúng ta có thể nhận thấy những Dấu Đinh nơi tay chân Chúa, và vì Chúa đã phục sinh nên những Dấu Đinh ấy tỏa ánh sáng rực rỡ. Cha giới hạn tưởng tượng lại ở đây”.

“Cha lấy thánh Ma-đa-lê-na, hay thánh Tô-ma làm mẫu mực cho cha, hay một vị thánh nào khác đã từng hành động như vậy, nhưng đặc biệt là thánh Ma-đa-lê-na. Bà là vị thánh riêng của cha. Sau khi sống lại, những phụ nữ thánh thiện đã hôn kính chân Chúa Giê-su, và Ma-đa-lê-na cũng làm như vậy. Mắt các con phải chú mục vào các Thương Tích do đinh sắt đóng thâu qua. Chúng ta phải cầm lấy đầu đinh mà nhổ ra, hãy nhận lấy máu Người; hãy đi vào tâm hồn Người, rồi từ tâm hồn Người, hãy đi vào Thần Tính Người và đi vào trong Chúa như một Bản Vị, điều đó sẽ làm cho tưởng tượng luôn bận rộn. Chúng ta đi vào tâm hồn Chúa và sau khi cảm xúc đã được toại nguyện thì chúng ta đi vào chính Chúa. Rồi tưởng tượng sẽ thiếp ngủ đi. Từ đó, chúng ta có thể đi tới tay Người. Đó là điều cha đã thực hiện. Dưới chân Chúa, chúng ta thờ lạy nhân tính Người. Với tay Chúa, chúng ta tôn kính lòng nhân hậu đại lượng của Người. Chúng ta phải thờ lạy, hôn kính những Thương Tích nơi tay Người, từ những Thương Tích này đã tuôn trào lòng nhân từ và tình yêu. Chúng ta phải cầm lấy tay Người đặt lên đầu ta, và xin Người chúc lành cho ta, đặt tay Người lên trái tim ta và thưa với Người: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa…”. Từ đó chúng ta đi tới mạo gai… với Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, chúng ta ton kính và thờ lạy Thân Xác Chúa”.

“Các con thân mến, các con có hiểu được điều đó không? Nếu các con không hiểu được điều đó thì thật đáng tiếc. Nhưng cũng không sao. Nếu các con nói: “Tôi muốn cầu nguyện như cha E-ma”, Chúa bảo các con: “Ngươi đâu phải là cha E-ma”. Đúng vậy, nếu cha muốn cầu nguyện như các con, Chúa sẽ bảo cha: “Ngươi đâu phải là các chị đó”. Mỗi người có một cách thức cầu nguyện riêng, kinh nghiệm của người khác chỉ giúp ta phần nào thôi”.

Mô tả hấp dẫn trên đây làm sáng tỏ nguyên tắc: “Từ giác quan, ta có thể đi vào Thần Tính của Chúa, và tưởng tượng có thể được sử dụng làm cửa ngõ dẫn vào sự hiệp nhất vô hình với Chúa”.

4)- Nguyên tắc thứ bốn:

Sự hồi tâm lý tưởng nhất là sự hồi tâm do chính Chúa ban khi Người lôi kéo ta đến với Người, nhờ ơn nội tâm được phát sinh từ lòng nhân hậu thần linh của Người. Điều duy nhất phải làm là khi Chúa dẫn ta vào tình trạng ấy, phải để cho giác quan và óc tưởng tượng thiếp ngủ đi. Để được như vậy, chúng ta phải tránh đừng cung cấp bất cứ hình ảnh nào cho giác quan. Hãy giữ bình an và đơn sơ trước sự hiện diện của Thiên Chúa và chú mục vào Người.

4- TRỞ NGẠI

Về trở ngại cản trở ta hưởng thụ Chúa trong Thánh Thể, cha E-ma đưa ra ba lý do chính:

1)- Lý do thứ nhất là thiếu đức tin năng động (dynamic). Những người tìm kiếm cảm xúc trong việc cầu nguyện, tức là muốn dùng giác quan để chiêm ngưỡng Thiên Chúa, như vậy là họ giới hạn việc chiêm ngưỡng này. Họ muốn nghe, muốn thấy, muốn đụng chạm tới, muốn được cảm xúc. Nhưng Thánh Thể là Mầu Nhiệm Đức Tin. Nhờ đức tin mà Thánh Thể được biểu lộ ra, nên phải nhờ đức tin người ta mới có thể thấu hiểu được kho tàng của Thánh Thể.

2)- Lý do thứ hai là lòng đạo đức bề ngoài. Lòng đạo đức bề ngoài làm cho tâm hồn tiếp tục ở trong tình trạng nô lệ như một người khách xa lạ, hay như một người tôi tớ. Thiếu tình trạng mật thiết của tình yêu, người ta sẽ giới hạn việc cầu nguyện vào khẩu nguyện, vào những kinh đã được soạn sẵn. Họ không có mối tương quan mật thiết cá nhân nào với Chúa. Họ thiếu hẳn sự bộc phát chân thành.

3)- Lý do thứ ba là tình yêu chưa tinh tuyền đủ, chưa siêu thoát đủ, chưa thấm nhuần Chúa đủ. Chúng ta dừng lại ở dọc đường. Tình yêu của ta lệ thuộc vào qui luật, nhiệm vụ và ý chí. Tình yêu ấy chưa được tận hiến hoàn toàn, chưa trở thành hiến lễ bản thân thực, chưa là thứ tình yêu quên mình hoàn toàn để đi vào chính tâm hồn của Chúa hầu có thể ngắm nhìn Người, tán dương Người, chúc tụng Người, và sống nhờ Người.

Hãy khởi sự dâng hiến bản thân ta cho Chúa, cho vinh quang của Người, cho tình yêu Người, để đền bồi phạt tạ những xúc phạm đến Người, rồi sau khi dâng hiến bản thân, ta hãy dâng lời cảm tạ tri ân lên Chúa.

5- KHỞI SỰ CẦU NGUYỆN CÁCH SỐT SÁNG

Phải khởi sự cầu nguyện cách sốt sáng, nếu muốn kết thúc cầu nguyện bằng những công hiệu tốt đẹp. Chúng ta thường nói “vạn sự khởi đầu nan”, khó khăn trong việc nguyện gẫm và tôn thờ là ở bước khởi đầu. Nếu khởi đầu sốt sáng, thì phần còn lại cũng sẽ tiếp theo như vậy. Nếu khởi đầu là bước quan trọng như thế thì ta phải khởi đầu thế nào? Phải nhờ Chúa, đó không phải do nơi ta, nhưng là nhờ lời chúc tụng lòng nhân lành của Chúa.

Tuy nhiên, như chúng ta biết, trong những tình trạng đặc biệt, chủ đề và phương pháp thường cũng rất cần thiết: Những niềm vui, những khó khăn, những thử thách, các mầu nhiệm của năm phụng vụ, tất cả đều là những cửa ngõ dẫn ta vào cầu nguyện.

Những lúc thông thường, ta cần sự hồi tâm hoạt động, tức: tôn thờ bằng một động tác đức tin, dâng hiến tâm hồn, trí khôn, cuộc sống, tình yêu, lắng nghe, suy tưởng về Chúa và cảm tạ Người.

Khi đã đạt tới tình trạng hồi tâm như vậy rồi, và sau khi đã đạt được cảm nghiệm về sự hiện diện của Chúa rồi, thì hãy yên nghỉ trong đó bao lâu Chúa cho phép như vậy. Đó là “sự ở lại” được thánh Gio-an đề cập tới: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái”.

Khi chúng ta đã hoàn toàn ở dưới ảnh hưởng của tình yêu là ngọn lửa thần linh, thì cả tâm hồn lẫn thể xác ta sẽ cảm nghiệm được hiệu quả của tình trạng này, ta sẽ cảm thấy dường như mặt trời đang chiếu tỏa ánh nắng trên ta. Thánh Thể là ngọn lửa, lẽ nào ngọn lửa lại không cháy sao? Chúng ta hãy hiệp nhất với Ngọn Lửa Giê-su.

6- ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN

Tình trạng tĩnh mạc nội tâm mà chúng ta tìm được trong cầu nguyện phải được duy trì trong mọi hoạt động của cả ngày. Phải để tâm hồn và tư tưởng luôn hướng về Chúa trong mọi biến cố của cả ngày, để đón nhận ơn sủng, tặng vật và Lời Người… Nếu thành công trong việc duy trì tình trạng cởi mở trước Thiên Chúa, thì toàn thể cuộc sống của ta sẽ trở thành một cảm nghiệm về Ngài.

Lắng nghe Lời Chúa, đặc biệt là trong việc Đọc Gẫm Lời Chúa (Lectio Divina), sẽ giúp ta cởi mở tâm hồn. Tình trạng cởi mở tâm hồn sẽ làm ta luôn thức tỉnh trước sự hiện diện của Chúa, khiến cho sự hiện diện của Chúa mỗi ngày một trở nên thường xuyên hơn và hướng ta tới sự hiệp nhất mật thiết.

Kinh Thánh mời gọi ta bước đi trước sự hiện diện của Chúa, lưu lại trong Người và sống trong tình yêu Người. Đó là cách thế cầu nguyện biến đổi đời sống, và đời sống gợi hứng cho cầu nguyện.

Chính loại đời sống này, loại đời sống nội tâm này mà cha thánh Phê-rô Giu-li-a-nô đã đề cập tới nhiều hơn hết. Chính tình trạng kết hiệp thường xuyên với Chúa Giê-su là tình trạng mà chúng ta được mời gọi để đạt tới.

Ngày 9 tháng 10, 1859, cha thánh nói với các chị Nữ Tỳ Thánh Thể:

“Các con được Chúa trao cho sứ mệnh sống nhờ Người và cho Người. Các con cần phải hồi tâm. Đó là khoa học đầu tiên của các con. Các con phải học biết khoa học ấy. Đó là một ân sủng, nhưng đó cũng là một nhân đức nữa. Đừng quên là các con phải đạt cho bằng được khoa học này. Cha sẽ chỉ dạy cho các con khoa học ấy, nhưng các con cũng phải tự học lấy nhờ sự trợ giúp của ân sủng”.

“Hồi tâm là đi từ ngoại giới vào nội tâm, là hiến thân cho Chúa ngự trong ta như Người ngự trong nhà tạm, ở đó Người phải được tâm hồn, trí khôn, ý chí và mọi quan năng của ta tôn thờ; ở đó ta phải tiếp tục hành động của Chúa Giê-su, tức là hành động hiến thân mình trên bàn thờ cho Đức Chúa Cha”.

“Điều đó đòi hỏi các con phải hết sức chú tâm, sử dụng thiện chí của mình. Các con phải khởi đầu bằng ý thức về sự hiện diện của Chúa Giê-su ở trong các con như Vị Lang Quân ở nơi tâm hồn các con. Các con phải bám chặt lấy Người bằng đức tin, chứ đừng bám lấy Người bằng cảm quan. Trong một cuộc tĩnh tâm, chúng ta có thể đạt được thói quen này và tiếp tục thói quen ấy trong đời sống. Hãy tôn kính Chúa ở trong các con như Vị Khách thủy chung. Người ở trong các con. Các con hãy ở lại trong Người”.

7- CÁC BẢN VĂN LIÊN QUAN ĐẾN CẦU NGUYỆN

a- ĐƯỢC THÁNH THẦN THÚC ĐẨY.

– “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga.14:26).

– “Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga.16:14-15).

– “Tinh thần tôn thờ là tinh thần của tình yêu. Tinh thần đó là gì? Tinh thần ấy không thể định nghĩa được, vì làm sao có thể định nghĩa được tình yêu. Tình yêu cũng như lửa, khi đụng tới là bị bỏng. Chúa Giê-su đã đem lửa từ trời xuống thiêu đốt trần gian. Tinh thần này là gì? Đó chính là Chúa Thánh Thần, và Chúa Thánh Thần không là gì khác, mà là chính Thần Trí của Chúa Giê-su. Ngài tỏ mình ra khi Ngài muốn trong lúc ta hồi tâm. Ngài đến và đổ tràn đầy lửa tình yêu của Ngài vào trong ta” (Thuyết trình cho các Nữ Tỳ Thánh Thể. Tĩnh Tâm thường niên, ngày 30 tháng 7,1860).

– “Tâm hồn cần phải trầm tĩnh và để Chúa hoạt động. Dưới chân Người, ta cần lắng nghe hơn là dâng hiến. Các con quì ở đó như những kẻ tôn thờ, các con trầm tĩnh để có thể đón nhận những tác động và ân sủng của Thánh Thần. Các con ở đó với đời sống nội tâm hoàn toàn để đến với Chúa” (Thuyết trình cho các Nữ Tỳ Thánh Thể ngày 24 tháng 8, 1865).

b- ĐƯỢC PHƠI BÀY DƯỚI ÁNH MẶT TRỜI

– “A! Hãy tin vào bầu khí ân sủng trong sự hiện diện của Thánh Thể và những nơi có bầu khí ấy. Ngay cả khi chúng ta đến mà không xin Người điều gì, ta cũng được tác động và biến đổi. Bầu khí! Tôi tin vào sự hiện diện và bầu khí ở gần Chúa Giê-su” (Ghi Chép của cha Tesnière: Eymard, ngày 21 tháng 3, 1867).

– “Chúng ta thực may mắn biết bao! Mình Thánh Chúa Ki-tô luôn ở với ta, ngai tòa tình yêu luôn có thể thấy được và Vua vinh hiển luôn ở giữa chúng ta. Ôi, sao người ta lại không chạy đến với Người, đến với tình yêu Người để được thuộc về gia đình Người? Tại sao người ta không đến với bụi gai đang bốc cháy, núi Xi-on tình yêu này, núi Ta-bo vĩnh cửu này?” (Đại Tĩnh Tâm Rô-ma, ngày 28 tháng 3, 1865, Suy Niệm 2).

Trong Nhật Ký, Mẹ Mác-gơ-rít thuật lại rằng, một ngày kia vào khoảng tháng 6, 1862, trong một cuộc đàm đạo riêng, Mẹ hỏi cha E-ma nhiều câu hỏi, trong số đó có câu hỏi sau đây:

“Thưa cha, cha đã thực hiện giờ chầu như thế nào?

Cha thánh đáp:

“Con thân mến, cha cố gắng chú tâm để bỏ lại ở ngoài cửa mọi lo âu, để chỉ nghĩ đến việc tôn thờ Chúa sắp tới, chuẩn bị cho việc đó bằng hồi tâm, rồi hiến dâng tâm hồn cho Thầy nhân lành, để phơi bày tâm hồn dưới ánh Mặt Trời Tình Yêu để được sưởi ấm, rồi thinh lặng ở dưới chân Người. Nếu Người không nâng ta lên cao hơn, đó là vì Người đã nâng ta lên đủ rồi. Nếu chia trí, chúng ta phải gạt bỏ đi. Phải liên tục loại bỏ những tư tưởng nghịch với việc tôn thờ quả là điều nhàm chán, nhưng đó lại là điều làm cho Chúa vui lòng hơn cả. Có những lúc tâm hồn được bình an và hạnh phúc. Tâm hồn cảm thấy tràn ngập tình yêu, và thời gian qua đi thật mau. Ôi, chúng ta hạnh phúc biết bao! Chắc chắn giây phút đó có thể gọi được là giờ ở trên thiên đàng” (Nhật Ký, Tập 2, tr.91).

Nguyên tác: Sr. Catherine Marie Caron, SSS

Phỏng dịch: Lm. Dominic Thuần, SSS