Hy Lễ Tạ Ơn và Thánh Eymard (Phần 8)

ƠN GỌI PHỤC VỤ CỦA CHÚNG TA

Trong Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Giám Mục “SACRAMENTUM CARITATIS” (Bí Tích Tình Yêu) của mình, Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI nói: “Tình yêu mà chúng ta cử hành trong bí tích [Thánh Thể] không phải là những gì chúng ta có thể giữ cho riêng mình. Bởi bản chất của nó, bí tích này đòi hỏi phải được thông truyền cho tất cả mọi người. Điều thế giới đang cần chính là tình yêu Thiên Chúa, gặp gỡ Đức Kitô và tin vào Người. Do đó, bí tích Thánh Thể không chỉ là nguồn mạch và chóp đỉnh đời sống của Giáo Hội, mà còn là nguồn mạch và chóp đỉnh sứ vụ của Giáo Hội nữa; ‘ một Giáo Hội thật sự sống Thánh Thể là một Giáo Hội truyền giáo’.” [i]

Khi đọc những lời của Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI, “ Điều thế giới đang cần chính là tình yêu Thiên Chúa “, tôi nhớ đến một bài hát rất phổ biến trong những năm 1960. Đó là bài Burt Bacharach, “Điều thế giới đang cần chính là tình yêu, một tình yêu ngọt ngào”. Vâng, “Điều thế giới đang cần chính là tình yêu, một tình yêu ngọt ngào”. Không, không phải chỉ một vài người cần đến tình yêu, nhưng là tất cả. Đối với người Kitô hữu, đây là tình yêu nhất thiết bắt nguồn từ Thiên Chúa và hình dạng của tình yêu ấy là quan tâm và chăm sóc cho những người hàng xóm láng giềng, là sẵn sàng phục vụ cận nhân – đó là những người – tất nhiên, chúng ta có thể tìm thấy trong mọi con người.

Nhờ gắn chặt một cách thâm sâu với Thánh Thể mà thánh Eymard dễ dàng nhận ra chân lý này “một Giáo Hội sống Thánh Thể đích thực phải là một Giáo Hội truyền giáo.” Chúng ta có thể trích dẫn nhiều trường hợp để chứng minh cha Eymard đã thể hiện chân lý đó trong thực tế như thế nào, nhưng tôi chỉ muốn tập trung vào một điểm đặc biệt mà thôi. Chúng ta biết, cơ sở thứ hai của cha Eymard nằm tại số 66 đường Faubourg St-Jacques, gần một vùng rất nghèo nàn của Paris. Tại khu vực này, giống như nhiều khu vực nghèo khổ khác của Paris vào thời gian đó, dân số tăng vọt do người người từ các vùng nông thôn đổ về tìm kế sinh nhai. Tình cảnh của họ thật tồi tệ không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần. Nhiều trẻ em chưa được rửa tội và nhiều cặp vợ chồng chỉ đơn giản là sống chung với nhau hoặc kết hôn dân sự. Vì nguồn lực dạy giáo lý tại các giáo xứ hạn chế và bị choáng ngợp bởi số lượng quá đông những người di cư, nên sự thiếu hiểu biết tôn giáo tràn lan khắp nơi. Đây là tình hình mà thánh Eymard đã thấy và kinh nghiệm lần đầu tiên trên đường Faubourg St-Jacques. Đó là một tình cảnh đã khiến ngài lao vào dấn thân với lòng nhiệt thành tông đồ hết mực. Người ta nói rằng một số vùng nghèo nàn của Paris tồi tệ đến nỗi ngay cả cảnh sát viên cũng không dám mạo hiểm bén mảng tới đó một mình. Nhưng cha Eymard đã bước vào những khu vực đó không chút lo lắng, đặc biệt là sau khi ngài được dân chúng ở đây biết đến và coi như một người bạn.

Thánh Eymard giải quyết nhu cầu vật chất của họ bằng các nguồn ít ỏi dự trù cho mình; nhưng mối quan tâm to lớn của ngài là nhu cầu thiêng liêng của dân chúng, nhất là những thanh niên công nhân nhà máy và những người ăn xin. Cha Eymard mô tả tình trạng ấy bằng những lời này: “Họ hầu như không đủ sức làm việc! Những trẻ em đáng thương này tại Paris được thuê làm trong các nhà máy hòng có thể kiếm được một vài đồng xu. Thu nhập này giúp họ mua một ít bánh mì cho gia đình và trả tiền thuê mướn chỗ ở. Nếu không có công ăn việc làm trong nhà máy, đứa trẻ sẽ mang theo mình một bao nhỏ và rời nhà ở để đi nhặt rác khắp thành phố … Những trẻ em đáng thương này khắc ghi trên khuôn mặt của họ dấu hiệu của niềm mong ước”. “Chỉ còn cách là tìm ra tinh thần đạo giáo nào đó để có thể bù đắp vào những nỗi đau thương bất hạnh phát xuất từ nhu cầu thân xác của họ. Nhưng không! … những người lao công nhỏ bé này chẳng bao giờ đi đến nhà thờ để biết, yêu mến và phục vụ Chúa. Cha mẹ của chúng đã không nói cho chúng bất cứ điều gì về tôn giáo. Họ cứ thế lớn lên trong cùng một cách … đó là, không có sự gì khác ngoài nghèo đói và tính thờ ơ của khu vực này tại Paris”.

Đối mặt với tình hình như vậy, cha Eymard đã tổ chức một đội quân giáo lý viên, họ cố gắng đi đến với nhiều trẻ em và thanh thiếu niên như chính ngài và rồi quy tụ các em lại, hướng dẫn cho chúng hiểu biết về đức tin công giáo một cách hệ thống và chuẩn bị cho chúng Rước Lễ Lần Đầu cũng như lãnh nhận phép Thêm Sức. Cha Eymard phải xử lý một nhiệm vụ thật sự gay go, phải ứng phó với những người trẻ thô kệch, ít học và náo động. Tuy nhiên, ngài đã kiên trì làm việc, cho đến thời điểm ngài sắp ly trần. Vào thời gian đó, hàng trăm bạn trẻ đã được loan báo Tin Mừng và lãnh nhận các bí tích khai tâm. Trong một bức thư gởi cho một người bạn năm 1862, thánh Eymard viết : “Công trình giúp cho người lớn Rước Lễ Lần Đầu đang phát triển. Hàng năm, có 150 đến 160 người được hưởng niềm vui chuẩn bị Rước Lễ Lần Đầu; đây là những người nhặt rác nghèo nàn, những trẻ em đáng thương đang phải lao động trong các nhà máy. Ở đây, chúng tôi có một sứ vụ xinh đẹp và hấp dẫn: sứ vụ lo tiệc cưới Thánh Thể”.

Thánh Eymard không bao giờ mệt mỏi giảng dạy, bằng cả lời nói lẫn gương lành, vì hoa trái của một cuộc sống Thánh Thể thật sự là phục vụ tha nhân, sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu vật chất và tinh thần của con người, đặc biệt là những người cần đến nhất. Một đời sống Thánh Thể thật sự thì nhất thiết tâm trí và trái tim của mình phải bị khuấy động trước thực tế của thế giới xung quanh chúng ta. 

Khi sống Thánh Thể một cách sâu sắc và trung thành, tình yêu phục vụ tha nhân nơi chúng ta sẽ lớn mạnh bền vững. Bí tích Thánh Thể giáo dục chúng ta về tình yêu này ngày một sâu xa hơn mãi. Bởi vì cử hành Thánh Thể chính là chúng ta cử hành hành động tự hiến của Chúa Kitô cho tất cả mọi người, việc cử hành cho chúng ta thấy mỗi người đều có giá trị như thế nào trong con mắt của Thiên Chúa; Việc cử hành giúp chúng ta nâng cao nhận thức của mình về phẩm giá của mỗi người; và cung cấp cho chúng ta động cơ sâu xa nhất trong mối quan hệ với những cận nhân. Hơn nữa, bí tích Thánh Thể dạy chúng ta trở nên đặc biệt nhạy cảm với tất cả nỗi khổ và đau thương của con người, với tất cả những bất công và sai trái; và xông mình vào trong những hoạt động để nỗ lực giảm bớt những phiền não khổ đau đang ảnh hưởng đến rất nhiều người trên thế giới hôm nay. 

“Điều thế giới này đang cần là tình yêu, một tình yêu ngọt ngào ” – những lời của giai điệu nhạc pop từ thế giới phàm tục của những năm 1960, nếu được hiểu một cách chính xác, rất phù hợp với những gì Đức Giáo Hoàng Benedicto tuyên bố khi ngài nói, “Những gì thế giới cần là tình yêu của Thiên Chúa.”Tại Bữa Tiệc Cuối Cùng, Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo Hội bí tích làm cho tình yêu của Ngài hiện diện, tình yêu đó được thể hiện trong sự tự hiến của Ngài nhằm cứu độ trần gian. Chúng ta không thể đến gần với bàn tiệc Thánh Thể mà không ôm lấy sứ mệnh yêu thương của Chúa Kitô dành cho tất cả mọi người. Như Đức Benedicto XVI đã nói: “Định hướng truyền giáo là… yếu tố cấu tạo nên khuôn mẫu Thánh Thể của đời sống Kitô hữu”[ii].


[i] SACRAMENTUM CARITATIS, 84

[ii] SACRAMENTUM CARITATIS, 84