Hy Lễ Tạ Ơn và Thánh Eymard (Phần 4)

Chúng ta đều biết rằng, để tình cảm, sự tự hiến và lòng quảng đại trở nên chân thực và đích thực cách tuyệt đối, chúng cần được thể hiện qua thân xác con người. Thông qua các hoạt động và năng lực của cơ thể, tình yêu của chúng ta sẽ vượt ra khỏi sự mong muốn đạo đức và biến thành những hành động tích cực. Tất nhiên, tình yêu sẽ đạt tới tầm biểu lộ chóp đỉnh của nó khi chúng ta sẵn sàng hy sinh tính mạng mình vì tha nhân; khi chúng ta hiến dâng sự sống mình cho người khác. Chúa Giêsu nói: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). Trong mối quan hệ với con người xác thịt của chúng ta, Thiên Chúa đã chọn lựa đề cao chân lý này, một chân lý vốn điều chỉnh mối tương quan giữa người với người. Thánh sử Gioan đã công bố chân lý này trong một cụm từ vô song: “Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Nếu Ngôi Lời của Thiên Chúa hiến thân cho chúng ta với một tình yêu toàn hảo, thì hẳn, Ngài chỉ có thể thực sự biểu lộ hành vi tự hiến đó qua thịt và máu của Ngài, qua thân xác làm người của Ngài. Trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, là chính Chúa Giêsu Kitô, những gì Thiên Chúa phải nói với chúng ta và làm cho chúng ta, ngài đã  nói và đã làm qua thân mình Chúa Giêsu, nghĩa là, hiến ban thịt và máu của Ngài.
       Nhưng tình yêu của con người xác thịt được thể hiện qua thân xác chắc chắn có những giới hạn. Dù tình yêu chúng ta dành cho người khác có hăng hái và vị tha đến thế nào, nó vẫn vấp phải những lằn ranh khống chế. Dù tình yêu nhân loại của chúng ta dành cho tha nhân đầy tràn say mê và sẵn sàng tự hiến đến thế nào, con người với xác thân này vẫn không thể nào hoàn toàn tan chảy vào người kia với xác thân của họ. Nói cách khác, con người chúng ta, sự hiện hữu mang tính xác thân sẽ giới hạn phạm vi hiệp thông của chúng ta với người khác. Riêng chỉ có Ngôi Lời Nhập Thể của Thiên Chúa, Chúa Giêsu, mới có thể mặc lấy sự hiện hữu của chúng ta trong hình hài thân xác mà vượt xa hơn những ranh giới của nó. 
      Với những lời đầy kinh ngạc và ân phúc, “Hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Thầy….Hãy nhận lấy mà uống; này là máu Thầy”, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta nhận vào mình sự hiện diện chân thực, đích thực và bản (thực) thể của Chúa Giêsu. Đó là đặc tính căn bản của tình yêu Thiên Chúa, của tình yêu Chúa Kitô! Một tình yêu được mặc khải và chứng minh nơi tặng phẩm Thánh Thể của Chúa Kitô. Tình yêu này của Chúa Kitô, được hiển lộ và chứng minh nơi bí tích Thánh Thể, đã đánh động thánh Eymard một cách hết sức đặc biệt. Vào ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô năm 1845, trong khi đang mang Mình Thánh trong cuộc rước Thánh Thể qua các đường phố ở Lyons (Pháp), cha thâm tín rằng Thánh Thể là một khả thể công bố vĩ đại nhất về tình yêu Thiên Chúa dành cho loài người; trong bí tích Thánh Thể, chúng ta mới có thể tìm thấy và đến được với Thiên Chúa của lịch sử và Thiên Chúa trong nhân tính, một Thiên Chúa say yêu con người. Khám phá tuyệt vời của thánh Eymard về bí tích Thánh Thể, xét như là món quà tuyệt diệu từ tình yêu Chúa Cha được thể hiện nơi Người Con mà đã mang đến một hiện thực nổi bật và một hiệu quả minh nhiên: đó là, nếu tình yêu là phương thế Thiên Chúa cứu vớt thế giới trong Chúa Giêsu và Thiên Chúa mong muốn chúng ta đón lấy tình yêu này, sống trong tình yêu này, rồi với chính tình yêu Thiên Chúa, chúng ta sẽ bước qua  những nẻo đường của cuộc sống; chúng ta sẽ phải xây dựng lại cơ cấu của Giáo Hội và xã hội. Thiên Chúa là tình yêu và chỉ trong tình yêu đó, chúng ta mới có thể tìm thấy sự thật về hữu thể của mình và tìm ra được ý nghĩa sự hiện hữu của chúng ta. Sự hiểu biết và đánh giá cao của thánh Eymard đối với tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ nơi bí tích Thánh Thể càng ngày càng được đào sâu hơn qua những năm tháng cuộc đời của cha; nhưng cùng lúc đó, nó lại làm cho ngài phải đau đớn khổ sở khi biết rằng tình yêu vĩ đại và kinh ngạc này vẫn không được một phần lớn tín hữu nhận ra và đáp lại. 
        Ngoài ra, cha cũng cảm thấy khổ đau ưu phiền khi một số người Kitô hữu sùng đạo không nhận ra những chiều kích đích thực của tình yêu Thiên Chúa, trong khi, nếu nhận thức được những khía cạnh này, họ có thể hiểu được phẩm giá và giá trị thật sự của mình. Đó là, họ là con người, và đặc biệt, là chi thể của Chúa Kitô và anh chị em với Ngài. Thánh Eymard ngày càng cảm thấy sự cần thiết phải loan báo cho tất cả mọi người tình yêu cao vời của Thiên Chúa được thể hiện nơi Chúa Giêsu Kitô. Nếu Thánh Thể là phương tiện bí tích, qua đó, chúng ta tiếp xúc được với tình yêu Thiên Chúa và được thêm vững mạnh tinh thần bởi tình yêu đó, thì rồi, Thánh Thể sẽ là nơi để khám phá ra sự viên mãn của cuộc sống cho chính chúng ta và cho thế giới, cũng như tìm ra được các phương thế giải quyết những vấn đề lớn là hậu quả do bởi người ta không sống bao dung, do người ta tham lam, thành kiến và ích kỷ. Trong thư thứ nhất, thánh Gioan tuyên bố ngắn gọn và mạnh dạn rằng: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8). Ba Ngôi Thiên Chúa tồn tại vĩnh viễn trong tình yêu thương lẫn nhau.  Điều rất kỳ diệu là, trong và qua Chúa Giêsu Kitô, chúng ta được mời gọi để bước vào và trở nên một thành phần của cộng đồng yêu thương ấy. Và nếu Chúa Giêsu là “bằng chứng” tình yêu của Chúa Cha dành cho chúng ta và cho thế giới, thì bằng chứng này quả thực lớn hơn nhiều so với lời nói đơn thuần, mạnh hơn rất nhiều so với những lời giảng dạy từ quyền bính. Bằng chứng này được đưa ra, nó bao trùm toàn bộ cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu, nhất là, trong lúc thân Ngài bị đánh đập và máu Ngài đã đổ ra trong cuộc khổ nạn và cái chết của mình. Tuy nhiên, bằng chứng của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta thậm chí còn đi xa hơn nữa – nó vươn đến một điểm đầy sức mạnh, đó là Chúa Giêsu đã chịu nạn và chịu chết vì chúng ta ngay trong thời gian và nơi chốn cụ thể này. Qua bí tích Thánh Thể , tình yêu của Chúa Kitô đi vào tận cuộc sống chúng ta và tác động trên cuộc sống, tâm trí và linh hồn chúng ta. Nếu chúng ta hoàn toàn mở cửa tâm hồn đón nhận, thì tình yêu của Chúa Kitô thực sự có thể tràn ngập linh hồn chúng ta và quét sạch trong đó tất cả những gì là ích kỷ và kháng cự lại ý muốn Thiên Chúa. Tiếp đó, chúng ta sẽ trở thành những kênh chuyển tình yêu thương, sự thiện hảo, lòng từ bi và sự bình an của Thiên Chúa đến với thế giới xung quanh.  
        Những gì chúng tôi đã cố gắng nói ở đây, trong hàng trăm từ ngữ, thì đã từng được trình bày một cách ngắn gọn và tài tình bởi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong bài phát biểu của ngài vào Ngày Giới Trẻ Thế Giới năm 2005 tại Cologne (Đức). Đức Thánh Cha diễn tả theo cách này: “(Trong Thánh Thể) Thiên Chúa không chỉ đơn giản đứng trước chúng ta như một Đấng Hoàn Toàn Khác. Ngài ở trong chúng ta, và chúng ta ở trong Ngài. Sức năng động của Ngài sẽ đi vào trong chúng ta và rồi tìm cách lan tỏa ra phía ngoài đến với những người khác cho đến khi lấp đầy cả thế giới, để tình yêu của Ngài thật sự có thể trở thành đạo luật cai quản thế giới.” 

Lm. Bernard Camiré,sss