Bí Tích Thánh Thể & Cha Thánh Eymard (Phần 6)

ƠN GỌI CỦA CHÚNG TA

LÀ YÊU THƯƠNG

   Những bài suy niệm này nhằm khám phá một chút của cải thiêng liêng nơi Nhiệm Tích Thánh Thể, cũng như minh họa những khía cạnh của Hy Lễ Tạ Ơn qua giáo huấn và gương mẫu của cha thánh Eymard. Liên quan đến Bí Tích Thánh Thể, chúng ta nhìn vào Bí Tích này như một Tặng Phẩm, Tặng Phẩm Hy Tế và Tặng Phẩm Hiện Diện của Chúa Giêsu Kitô hằng liên tục được ban cho chúng ta; Tặng Phẩm này mặc khải tình yêu cao vời của Chúa Kitô đối với chúng ta; Tặng Phẩm này làm nên Giáo Hội và làm cho Giáo Hội trở nên đầy uy lực. Trong những bài suy niệm tiếp theo, chúng tôi muốn mô tả những khả thể đáp trả của con người trước Tặng Phẩm Thánh Thể. Đó là một đáp trả bằng yêu thương, bằng tôn thờ, bằng sự tham dự vào sứ vụ phục vụ và loan báo Tin Mừng của Hội Thánh.

Bí Tích Thánh Thể, xét như Mình và Máu đích thật của Chúa Kitô, Đấng đã chịu chết trên thập giá và đã phục sinh, chính là sự hiện diện hiến thân tuyệt đối của Đức Giêsu dành cho chúng ta. Qua sự hiến mình cách Bí Tích như vậy, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đáp lại tình thương của Ngài cách mạnh mẽ bằng sự tự hiến bản thân chúng ta. Trong thực hành, điều đó được thực hiện ra sao? Khi Thánh Thể thực sự trở nên điểm nhắm đáng trân quý trong cuộc sống, trong muôn mặt của đời sống hằng ngày, chúng ta sẽ ngày càng biết chuẩn bị hơn để nói với Chúa Kitô rằng: “Lạy Chúa, này con đây! Đây là cuộc sống con! Xin hãy nhận quà tặng bản thân con! Xin hãy biến đổi con! Xin hãy sử dụng con theo ý Chúa!” Khi Thánh Thể thực sự trở nên điểm nhắm đáng trân quý trong cuộc sống, điều cần thiết là chúng ta mặc lấy lòng trí của Chúa Kitô. Những suy nghĩ và tình cảm của chúng ta sẽ ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với suy nghĩ và tình cảm của Chúa Kitô hơn; suy nghĩ và tình cảm đó sẽ được chỉ dẫn hướng đến Thiên Chúa cũng như tha nhân ngày càng gia tăng hơn – và điều đó sản sinh một khả năng diệu kỳ để chữa lành và hòa giải.

Tại Bữa Tiệc Cuối Cùng, Chúa Giêsu đã ban cho các môn đệ một điều răn đáng kinh ngạc: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Vì lệnh truyền này được đưa ra trong bối cảnh thiết lập Bí Tích Thánh Thể, nên Giáo Hội vẫn luôn nhận thức rằng: sự hiệp thông tha thiết và hết lòng với Chúa Giêsu Thánh Thể trong Thánh Lễ phải dứt khoát dẫn đến việc tuân giữ nghiêm chỉnh luật yêu thương của Chúa Giêsu. Chúng ta không thể đi vào trong sự hiệp thông thân mật và chân thực với Chúa Kitô nếu không chấp nhận hiệp thông bác ái với mọi người, đặc biệt với những người đang đau khổ và cần đến chúng ta. Những người cần đến chúng ta có thể là thành viên trong chính mái nhà của mình đang gặp rắc rối, có thể là người bạn ốm đau tại bệnh viện, có thể là người láng giềng đang thất nghiệp hay những trẻ em phương xa đang lâm cảnh chết đói.

Khi sống Thánh Thể cách thực sự, chúng ta biết phải làm thế nào để diễn tả tình yêu quên mình của Chúa Kitô đối với mọi người. Bí Tích Thánh Thể dạy chúng ta làm thế nào để phá tan những xu hướng khiến ai nấy chỉ chăm chăm chú chú đến bản thân và những lo toan của mình, đồng thời biết san sẻ chính mình cho những người khổ đau, thiếu thốn và không nơi nương tựa. Bí Tích Thánh Thể dạy chúng ta ôm lấy cũng như chữa lành những tình cảnh đau thương và khốn khổ bằng chính tình yêu Thiên Chúa lan tỏa qua chúng ta, qua cuộc sống “máu và thịt” hàng ngày của chúng ta.

Trong cách thức phi thường đó, thánh Phêrô Giulianô Eymard đã cho chúng ta thấy ngài liên tục sống một cuộc đời Thánh Thể sâu đậm như thế nào. Đó là hoa trái trổ sinh từ Bí Tích Thánh Thể:  tấm lòng trắc ẩn, thực thi bác ái và phục vụ tha nhân cách mãnh liệt. Thánh Eymard rất yêu thích câu nói “Lửa sản sinh ra ngọn lửa.” Qua đấy, ngài muốn nói: khi sống Thánh Thể một cách sâu sắc, người ta sẽ học biết “trở nên yêu thương”, người ta sẽ bắt lấy và thông dự vào sức nóng bác ái của Chúa Kitô. Tình thương của cha Eymard đối với những người thiếu thốn cả vật chất lẫn tinh thần tại Paris cũng vậy, đặc biệt đối với các trẻ em và thanh thiếu niên, ngài đã can đảm lao vào những nơi mà các giáo sỹ và giáo dân khác không dám bén mảng tới…ngài đã xông vào các khu ngoại ô Paris, nơi những người nghèo khổ và thiếu thốn đang sống hay tìm kế sinh nhai.

Thánh Eymard đã mơ ước về một cuộc sáng tạo, đó là qua Thánh Thể,  một xã hội Kitô giáo được hình thành trong đó cánh cửa thiện hảo của Thiên Chúa mở rộng cho hết thảy mọi người, đặc biệt những người kém may mắn và bất hạnh; một xã hội trong đó mọi người đều có giá trị và được kính trọng; một xã hội mà tất cả mọi người đều được chào đón ngồi vào bàn ăn (sự sống). Thêm nữa, vị tông đồ Thánh Thể của chúng ta còn mơ ước tạo ra, nhờ Thánh Thể, những cộng đoàn và giáo xứ đầy nhiệt huyết, nơi đó điều răn mới yêu thương của Chúa Kitô sẽ được trải nghiệm như một quà tặng, một trách nhiệm và nhiệm vụ. Đây sẽ là nơi thật nổi bật về sự chấp nhận lẫn nhau và cuộc sống đầy tình nghĩa giữa những anh em với nhau; Đây cũng sẽ là nơi những nỗ lực toàn tâm toàn ý được mọi người đón lấy, là nơi biến ơn gọi yêu thương mỗi Kitô hữu chất chứa nơi mình trở thành hiện thực. Chúng ta thường xuyên suy niệm về chân lý sau như thế nào: cho dù tình trạng cuộc sống của chúng ta ra sao, ơn gọi trong cuộc đời này của chúng ta vẫn là ơn gọi yêu thương – và là ơn gọi yêu thương như Đức Ki tô đã yêu thương nhân loại? Dù rằng chỉ có ít ỏi phần trăm số lượng Kitô hữu thực sự nhận ra ơn gọi ấy, nhưng những người này sẽ trở nên nhân tố biến đổi các tổ chức, cộng đoàn, giáo xứ và toàn xã hội?

Qua việc cử hành Thánh Lễ, Chúa Giêsu đã phá đổ hàng rào của thọ tạo tự nhiên…tức bánh và rượu, để chuyển đến chúng ta niềm đam mê và cháy bỏng của tình yêu Ngài. Điều Chúa Giêsu chờ mong chúng ta, xét như môn đệ của Ngài, là phá đổ những hàng rào ích kỷ chỉ quy về mình, chỉ vun vén lo toan cho bản thân mình, để trao cho Ngài và những anh chị em thân cận tình thương từ trái tim mình. Chừng nào những người Công giáo thực sự đón nhận, nắm giữ được niềm đam mê và ngọn lửa cháy bỏng của tình yêu Chúa Kitô nơi Nhiệm Tích Thánh Thể và chiếu tỏa tình yêu ấy hướng về Thiên Chúa cũng như thế giới chung quanh, bấy giờ chúng ta mới để cho Thánh Thể thực hiện tác động hiệp nhất và biến đổi Giáo Hội, xã hội và thế giới.