Giáo Lý Thánh Thể (Phần IV)

THÁNH THỂ LÀ GIAO ƯỚC MỚI

28- Giao Ước là gì?

Theo nghĩa Kinh Thánh, thì giao ước là một thỏa thuận giữa hai bên, được thiết lập và đóng ấn bằng một lễ nghi công khai và long trọng. Trong giao ước, mỗi bên được hưởng một số quyền lợi và phải thi hành một số bổn phận. Chẳng hạn khi mua một căn nhà, sau khi hai bên đã thỏa thuận với nhau về các điều kiện, thì bổn phận của người mua là phải trả tiền và quyền lợi của người ấy là được làm chủ căn nhà.

29- Người ta đóng ấn giao ước thế nào?

Theo phong tục của các dân sống tại miền Đất Thánh xưa, thì người ta đóng ấn giao ước bằng nghi thức sát tế một con vật, rồi phân thây con vật ấy thành hai phần và đặt dưới đất. Sau đó, đại diện hai bên lần lượt đi ngang qua giữa hai phần con vật bị phân đôi ấy, ngụ ý quyết tâm thi hành giao ước và sẵn sàng chịu cùng một số phận như con vật bị giết nếu vi phạm thỏa ước[1].

   Một hình thức khác[2] để đóng ấn giao ước là, người ta dùng máu con vật bị sát tế để rẩy lên hai bên thiết lập giao ước. Nghi thức này ngụ ý rằng, nhờ giao ước, hai bên được trở nên “họ hàng đồng một huyết thống” với nhau, và chia sẻ với nhau “cùng một linh hồn”, tức “cùng một sự sống”, vì theo quan niệm của Do Thái[3], máu là nơi cư ngụ của linh hồn, và linh hồn là nguyên lý của sự sống, hay là chính sự sống của một sinh vật.

30- Trong nhiệm cục Cứu Rỗi, Thiên Chúa đã thiết lập với con người những Giao Ước nào?

   Trong Lịch Sử Ơn Rỗi, Thiên Chúa đã nhiều lần thiết lập giao ước với loài người[4], nhưng hai Giao Ước thường được nhắc tới trong Kinh Thánh là Giao Ước Cũ và Giao Ước Mới.

31- Giao Ước Cũ là gì?

   Giao Ước Cũ là Giao Ước được thiết lập giữa Thiên Chúa và Dân Riêng Ngài là dân Is-ra-en, và được đóng ấn bằng máu con vật bị sát tế.

32- Giao Ước Cũ gồm những đặc điểm nào?

   Giao Ước Cũ gồm những đặc điểm sau đây[5]:

   a- Giao Ước được ký kết bằng máu con vật bị sát tế, nhờ đó Thiên Chúa và dân Ngài được liên kết với nhau trong cùng một huyết nhục thiêng liêng.

   b- Giao Ước được ký kết với dòng dõi tư tế.

   c- Giao Ước tuy được ký kết với Dân Riêng của Chúa, nhưng có hiệu quả phổ quát, nghĩa là có ảnh hưởng đến toàn thể nhân loại, còn Dân Riêng chỉ là đại diện, và là trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại mà thôi[6].

   d- Giao Ước là một bữa tiệc, trong đó dân Is-ra-en là thực khách của Thiên Chúa và được đồng bàn với Ngài, nghĩa là Thiên Chúa mời gọi dân Is-ra-en tham dự vào tình bằng hữu nghĩa thiết với Ngài và mọi thiện hảo của Ngài.

33- Giao Ước Mới là gì?

   Giao Ước Mới là Giao Ước được thiết lập trực tiếp giữa Thiên Chúa và toàn thể nhân loại, và được đóng ấn bằng Máu Chúa Ki-tô, Con Một vô cùng yêu quí của Thiên Chúa.

34- Tương quan giữa Giao Ước Cũ và Mới thế nào?

   Giao Ước Cũ là hình bóng của Giao Ước Mới. Vì thế, Giao Ước Mới hoàn tất những gì được tiên báo qua Giao Ước Cũ, và do đó Giao Ước Mới chấm dứt và thay thế cho Giao Ước Cũ.

35- Thánh Thể là Giao Ước Mới thế nào?

   Tại Bữa Tiệc Ly, Chúa Giê-su đã thực hiện những gì Người sắp thi hành thực sự trên thập giá, đó là hiến thân làm  Con Chiên Vượt Qua, chịu sát tế để làm của lễ hi sinh đền tội cho nhân loại, và đổ máu ra để thiết lập và đóng ấn Giao Ước giữa Thiên Chúa và toàn thể nhân loại, nhờ đó nhân loại được hiệp nhất với Thiên Chúa trong cùng một huyết nhục, như những người thuộc cùng một gia đình, chung nhau cùng một giòng máu và sự sống.

   Giao Ước này được gọi là mới vì thay thế cho Giao Ước Cũ, như lời Chúa Giê-su phán: “Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em”[7].

36- Thánh Thể là Giao Ước Mới đòi hỏi ta phải có những thái độ nào?

   Ngoài giá trị siêu việt và hiệu quả lớn lao của Giao Ước Mới[8], Giao Ước này còn gồm hai đặc điểm khác biệt với Giao Ước Cũ, đó là:

   a- Giao Ước phổ quát được ký kết trực tiếp với toàn thể nhân loại.

   b- Giao Ước dựa trên mối tương quan tình yêu.

   Vì thế, Giao Ước Mới đòi hỏi ta phải có tinh thần liên đới đại đồng, và một cuộc sống dựa trên tình yêu.

37- Giao Ước Mới đòi hỏi ta phải có tinh thần liên đới đại đồng như thế nào?

   Giao Ước Mới là Giao Ước phổ quát, nghĩa là bao gồm hết mọi người, có ảnh hưởng và đem lại công hiệu cho toàn thể nhân loại. Vì thế,

   a- Giao Ước Mới đòi hỏi ta phải có tinh thần cởi mở, sẵn sàng chấp nhận mọi người như những anh chị em ruột thịt của mình, không phân biệt tuổi tác, địa vị xã hội, văn hóa, chủng tộc hoặc tình trạng của cuộc sống.

   b- Giao Ước Mới cũng đòi hỏi ta không được thờ ơ, hoặc khinh khi bất cứ ai, vì nhờ Giao Ước Mới này, tất cả mọi người đều được trở thành những con cái yêu quí của cùng một Cha trên trời và anh chị em với nhau trong tình huyết nhục thiêng liêng. Do đó, ta phải chia sẻ và liên đới với hết mọi người, và trong mọi cảnh ngộ.

38- Giao Ước Mới đòi hỏi nơi ta một cuộc sống dựa trên tình yêu như thế nào?

   Vào thời ngôn sứ Giê-rê-mi-a, tinh thần tôn giáo của dân Is-ra-en đang đà xuống dốc cách thảm khốc. Người ta thực thi  tôn giáo chỉ với tinh thần pháp lý, vụ lợi, nghĩa là coi ân huệ Chúa ban cho họ là một thứ công nợ mà Ngài phải trả cho họ về những việc họ thực hiện. Giê-rê-mi-a cực lực đả kích tinh thần ấy, và tiên báo, Thiên Chúa sẽ thiết lập với dân Ngài một Giao Ước Mới[9]. Giao Ước Mới này sẽ không dựa trên thỏa ước pháp lý của Lề Luật, nhưng dựa trên mối tương quan tình yêu gắn bó Thiên Chúa với dân Ngài.

   Thánh Thể là Giao Ước Mới cũng phải hiểu theo nghĩa đó. Vì thế, Thánh Thể đòi hỏi ta phải sống gắn bó với Thiên Chúa và dấn thân hoàn toàn cho Ngài bằng cuộc sống dựa trên mối tương quan tình yêu, chứ không dựa trên pháp lý hay hình thức bề ngoài.


[1] Coi: St.15:7-20; Gr.31:31; Gr.34:18-22.
[2] Coi:Xh.24:1-6.
[3] Lv.17:14
[4] St.8:20-21; St.9:8-17;St.12:1-3
[5] Xh.24:1-11
[6] Cả hai Giao Ước Cũ và Mới đều có giá trị, hay hiệu quả phổ quát. Nhưng Giao Ước Cũ thì được ký kết qua đại diện trung gian là Is-ra-en. Còn Giao Ước Mới thì được ký kết trực tiếp với toàn thể nhân loại.
[7] Lc.22:20
[8] Dt.9:11-14
[9] Gr.31:31-34