Giáo Lý Thánh Thể (Phần I)

LỜI MỞ ĐẦU

Nhiều người nhận xét rằng, giáo dân Việt Nam có một kiến thức căn bản khá vững chắc về Bí Tích Thánh Thể và từ đó đã phát sinh ra lòng sùng kính đặc biệt đối với Nhiệm Tích này.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, kiến thức về Thánh Thể của giáo dân Việt Nam vẫn còn hạn hẹp và đối với nhiều người, nỗ lực phát triển tầm hiểu biết này dường như không được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, với sự khuyến khích đặc biệt của Công Đồng Va-ti-ca-nô II, nỗ lực tìm hiểu về Thánh Thể của Giáo Hội hoàn vũ đang trên đà phát triển mãnh liệt và đem lại cho Giáo Hội biết bao hiệu quả lớn lao rất đáng khích lệ.

Chúng tôi xin ra mắt tài liệu “Giáo Lý Thánh Thể” này với tham vọng được góp phần nhỏ mọn vào nỗ lực phát triển kiến thức về Thánh Thể và để đáp lại phần nào nhu cầu tìm hiểu về Nhiệm Tích này, Nhiệm Tích trung tâm và tột đỉnh của Giáo Hội và của đời sống ki-tô hữu.

Lm. Dominic Nguyễn phúc Thuần, SSS

PHẦN I

THÁNH THỂ LÀ GÌ?

CHƯƠNG 1

THÁNH THỂ LÀ MỘT BÍ TÍCH

1- Bí Tích là gì?

 Bí Tích là dấu bề ngoài, do Chúa Giê-su lập ra, để thông ban ơn thánh cho ta. Như vậy, Bí Tích gồm các yếu tố chính sau đây:

 – dấu chỉ hữu hình;

 – do Chúa Giê-su lập ra;

 – yếu tố vô hình là ơn thánh được thông ban cho ta[1].

2- Tại sao Thánh Thể là một Bí Tích?

 Thánh Thể là một Bí Tích vì gồm những yếu tố tạo thành một Bí Tích, đó là:

 – Yếu tố hữu hình là bánh và rượu;

 – Yếu tố vô hình là Mình và Máu Chúa Ki-tô;

 – Do chính Chúa Giê-su lập ra.

3- Chúa Giê-su đã lập Bí Tích Thánh Thể khi nào?

Chúa Giê-su đã lập Bí Tích Thánh Thể trong Bữa Tối Sau Hết, tức Bữa Tiệc Ly, và cũng là Bữa Tiệc Vượt Qua của người Do Thái, như các thánh sử ghi lại: “Cũng trong bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: ‘Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy’. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói: ‘Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội”[2].

4- Hội Thánh dựa trên căn bản nào để tiếp tục cử hành Thánh Thể?

 Dựa trên chính lệnh truyền của Chúa Giê-su mà Hội Thánh tiếp tục cử hành Thánh Thể qua mọi thời đại. Quả thực, sau khi lập Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giê-su truyền cho các môn đệ: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy”[3].

 Trung thành với lệnh truyền trên, sau khi Chúa sống lại và về trời rồi, các Tông Đồ cùng với cộng đoàn tín hữu sơ khai tiếp  tục cử hành Thánh Thể như sác Công Vụ Tông Đồ thuật lại: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng… Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh [4] tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ”[5].

 Tiếp nối truyền thống của các tín hữu sơ khai, trải qua các thời đại, Hội Thánh luôn trung thành với lệnh truyền của Chúa Ki-tô và tiếp tục  cử hành Thánh Thể để tưởng nhớ đến Người.

5- Cử hành Thánh Thể để tưởng nhớ Chúa nghĩa là gì?

Cử hành Thánh Thể để tưởng nhớ đến Chúa không nguyên chỉ có nghĩa là lặp lại những cử chỉ như Chúa đã thực hiện, để nhớ lại một biến cố dĩ vãng. Nhưng theo truyền thống Kinh Thánh, một hành vi được thực hiện để tưởng nhớ một biến cố dĩ vãng nào, chính là thể hiện lại cách nhiệm tích tất cả những thực tại của biến cố ấy.

 Như vậy cử hành Thánh Thể là thể hiện lại cách nhiệm tích tất cả những gì đã diễn ra trong Bữa Tiệc Ly của Chúa. Do đó:

 a- Cử hành Thánh Thể là thể hiện lại cùng một mục đích của Bữa Tiệc Ly, đó là một hành vi tôn thờ, cảm tạ, đền tội và cầu xin.

 b- Cử hành Thánh Thể cũng đem lại cùng một hiệu quả như Bữa Tiệc Ly, đó là tiến dâng Con Chiên Vô Tì Vết lên Đức Chúa Cha để đền tội cho muôn dân và đem lại Ơn Cứu Rỗi cho toàn thể nhân loại.

 c- Sau cùng, cử hành Thánh Thể cũng chứa đựng cùng một nội dung như Bữa Tiệc Ly, đó là chính Chúa Ki-tô hiến thân cho nhân loại và hiện diện thực sự dưới hình bánh rượu sau khi Truyền Phép.

6- Thánh Thể đòi hỏi ta phải có những thái độ nào?

Thánh Thể đòi hỏi ta phải có một Đức Tin sâu xa và một tình yêu tuyệt đối đối với Bí Tích này.

7- Thánh Thể đòi hỏi ta một Đức Tin sâu xa thế nào?

 Vì là một mầu nhiệm vượt quá mọi hiểu biết của con người, nên Bí Tích Thánh Thể đòi hỏi ta phải có một Đức Tin sâu xa, nghĩa là:

a- Phải tin thật những lời Chúa hứa về Bí Tích Thánh Thể: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này , sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Người Do Thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”. Đức Giê-su nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở trong tôi, và tôi ở trong người ấy”[6].

 b- Ta cũng phải tin thật Chúa đã thực sự lập Bí Tích Thánh Thể tại Bữa Tiệc Ly[7].

c- Phải tin thật Chúa đã ban quyền và truyền cho các Tông Đồ cử hành Thánh Thể qua mọi thời đại, cho tới khi Người trở lại trong vinh quang: “Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”[8].

 d- Phải tin thật Chúa hiện diện thực sự dưới hình bánh rượu sau khi linh mục truyền phép, nghĩa là ta phải tin thật rằng, sau khi truyền phép, bánh và rượu thực sự trở nên Mình Máu Chúa Giê-su, gồm: Thân Xác phục sinh, Linh Hồn và trọn Bản Tính Thiên Chúa của Người.

8- Bí Tích Thánh Thể đòi hỏi ta phải có một tình yêu tuyệt đối thế nào?

Bí Tích Thánh Thể bao gồm trọn cuộc sống và mọi công cuộc của Chúa Ki-tô. Đó là ân huệ vô cùng cao cả mà Thiên Chúa ban cho nhân loại: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời”[9]. Đó cũng là ân huệ lớn lao nhất, mà Chúa Giê-su ban tặng cho ta: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”[10].

 Vì thế ta phải đáp lại những ơn huệ ấy bằng một tình yêu tương xứng, không nguyên chỉ bằng lời nói, nhưng còn bằng trót cả cuộc sống của ta nữa, nghĩa là:

 – Phải đặt Thánh Thể làm trung tâm cho trọn cuộc sống và mọi hoạt động của ta, tức là phải đặt Thánh Thể làm nguyên lý tối cao chi phối toàn thể cuộc sống của ta.

 – Phải trở nên chính Mầu Nhiệm mà ta lãnh nhận, tức là như Chúa Ki-tô đã hiến trọn cuộc sống của Người cho ta và cho nhân loại thế nào, thì ta cũng phải hiến trọn cuộc sống của ta cho Người và cho nhân loại như vậy.


[1] Coi: Giáo Lý Công Giáo #1131.
[2] Mt.26:26-28
[3] Lc.22:19
[4] Từ ngữ “Bẻ Bánh” ám chỉ “cuộc cử hành Thánh Thể”.
[5] Cv.2:42,46
[6] Ga.6:51-56.
[7] Coi: Mt.26:26-28; Mc.14:22-25; Lc.22:19tt; 1Cr.11:23-25.
[8] 1Cr.11:24.
[9] Ga.3:16
[10] Ga.15:13