ĐỐI CHIẾU TƯ TƯỞNG CỦA CHA EYMARD VỚI NỀN TU ÐỨC PHỤNG VỤ CỦA THÁNH GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II

Thánh GH Gioan Phaolô II đã ước mong được khai triển trong Giáo Hội một nền “Tu Ðức Phụng Vụ”[1] nhân kỷ niệm 40 năm ban hành hiến chế về Phụng Vụ Thánh. Ðây là viễn tượng của một sinh hoạt phụng vụ nhằm nuôi sống và định hướng cuộc sống của tín hữu, bằng cách ý thức nội tâm “việc tôn thờ thiêng liêng” đích. Không có việc vun trồng một “tu đức phụng vụ”, thì hành động phụng vụ dễ dàng bị rút gọn thành một thứ như là “cử hành hình thức” và làm vô ích ân sủng phát sinh từ việc cử hành.

Ðiều này nhắc nhớ giá trị đặc biệt của Bí Tích Thánh Thể: “Giáo Hội sống nhờ bí tích Thánh Thể”. Thật vậy, việc cử hành bí tích Thánh Thể là việc sống trong tương quan với Chúa Kitô, trong Giáo Hội, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, cần phải ý thức từ việc cử hành bí tích Thánh Thể đến việc nội tâm hóa bí tích Thánh Thể; từ mầu nhiệm được tin nhận đến đời sống được canh tân.[2] Ta có thể hiểu đây là một nền tu đức vốn bắt nguồn và quy hướng về Bí tích Thánh Thể.

Nền tu đức phụng vụ mà thánh GH Gioan Phaolô II ước mong được khai triển qua 4 khía cạnh:

1. Bí Tích Thánh Thể là chóp đỉnh và nguồn mạch của đời sống thiêng liêng.
2. Việc thường xuyên nuôi dưỡng mình bằng Thánh Thể sẽ nâng đỡ bậc ơn gọi.
3. Tình bác ái, sự đồng tâm, tình huynh đệ là hoa trái của Thánh Thể.
4. Bí Tích Thánh Thể là nguyên lý và là dự án cho việc thi hành sứ mạng.

Một nền tu đức như vậy ta thấy rất rõ nơi thánh Eymard – vị tông đồ Thánh Thể. Chúng ta biết rằng cho đến cuối đời, Phòng Tiệc Ly tại Giê-ru-sa-lem đã trở thành một mơ ước không chỉ riêng đối với cha Eymard mà còn với tất cả đồ đệ của cha. Họ đã cố gắng để giành được ngôi nhà này, trước tiên là qua những nỗ lực của cha De Cuers, và khi những nỗ lực ấy không thành, thì cha Eymard được ủy quyền để dùng ảnh hưởng của mình mà giành được mối lợi ấy cho gia đình Thánh Thể. Sau nhiều tuần cố gắng cùng những chuyến đi đến những văn phòng của Vatican ở Rô-ma, cha Eymard nghiệm ra rằng Thiên Chúa ban cho cha cũng như những đồ đệ của cha một thứ còn giá trị hơn. Cuối cùng, cha khám phá ra “Phòng Tiệc Ly nội tâm” nơi cung lòng mỗi người, nhưng đặc biệt là nơi chính cung lòng của cha. Cha nói: “Phòng Tiệc Ly chính là biểu tượng của sự kết hợp riêng tư với Thiên Chúa và tình liên đới với mọi người, vốn là những hoa trái của Thánh Thể”.[3]

Điều này cho thấy, tự bản thân cha Eymard đã ý thức cách sâu xa việc phải nội tâm hóa chứ không chỉ là việc cử hành Thánh Thể.

Đối chiếu những bản viết tay, bài viết, thư tịch của cha Eymard cho thấy cha thánh đã từng cảm nghiệm và sống trong những tư tưởng như vậy.

1. Bí Tích Thánh Thể là chóp đỉnh và nguồn mạch của đời sống thiêng liêng.

Ngài luôn ý thức Thánh Thể là tâm điểm của đời sống, Thánh Thể trở thành chóp đỉnh và nguồn mạch của đời sống đức tin, giúp ngài trưởng thành trong đời sống siêu nhiên.

Trong lời khấn bản vị năm 1865 cha viết: “Thánh Lễ là việc thực hành tôn giáo cao trọng nhất và thánh thiện nhất.”[4]

Cha Eymard đã đề cập đến trong bản dự thảo Hiến pháp năm 1856, cha viết: “Mỗi tu sĩ sẽ làm cho tình yêu của Đức Giê-su Ki-tô nơi Nhiệm Tích Thánh Thể trở thành tâm điểm trong những nhân đức của mình, nếu tu sĩ ấy muốn trở thành một môn đệ đích thực và một tông đồ xứng đáng của tình yêu nơi Đức Giê-su Ki-tô”[5].

Khi nhớ lại ngày vào Nhà Tập của Dòng Hiến sĩ Đức Mẹ, và việc các tập sinh đã tôn thờ hay đền tạ trước Bí tích Thánh Thể vì xảy ra một sự xúc phạm đối với Bánh Thánh, cha viết: “Chính tại nơi đây, trong nhà tập này, tôi đã học được cách làm cho Thánh Thể trở thành tâm điểm của đời tôi, và tôi đã trưởng thành trong tình yêu sâu thẳm của Đức Giê-su nơi Thánh Thể.”[6]

2. Việc thường xuyên nuôi dưỡng mình bằng Thánh Thể sẽ nâng đỡ bậc ơn gọi.

Cha Eymard không nói việc cử hành Thánh Thể đơn thuần chỉ là một nghi thức, nhưng là việc cử hành đầy ý nghĩa và bằng cả tâm hồn. Cha cho rằng việc thường xuyên nuôi dưỡng mình bằng Thánh Thể như là phương thế nuôi dưỡng đời sống tinh thần của chúng ta.“Khi chúng ta làm việc mệt nhọc, chúng ta phải ăn uống cho đầy đủ. Thật là vui khi chúng ta có thể rước lễ thường xuyên! Đó chính là sự sống và sự nâng đỡ của chúng ta trong cuộc đời này. Hãy năng rước lễ nhé, và Đức Giê-su sẽ biến con trở nên chính Người.” “Qua việc hiệp lễ, Đức Giê-su đến với chúng ta, ở giữa chúng ta, liên kết chính mình với chúng ta” [7]

Trong suốt giờ cám ơn sau Thánh Lễ vào 21/3/1865, khi đề cập đến mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Lời và sự kết nối giữa mầu nhiệm ấy với việc Hiệp lễ, Thánh Phê-rô Giulianô nói: “Và chính vì muốn ở lại trong tôi, nên Ngài đã ban chính mình Ngài qua việc Hiệp Lễ. Như Chúa Cha hằng sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi cũng sẽ sống nhờ Tôi như vậy (Ga 6,57)… Vì thế, qua việc Hiệp lễ, con sẽ sống nhờ Ta, vì Ta sẽ sống trong con… Vì thế, con sẽ hoàn toàn mặc lấy Ta. Con sẽ trở thành chi thể của tâm hồn Ta; linh hồn của con sẽ trở thành những khả năng tích cực của linh hồn Ta; tâm hồn con, bình đựng, sẽ trở thành nhịp đập của tâm hồn Ta. Ta sẽ trở nên ngôi vị của nhân cách con, và nhân cách của con sẽ là sự sống của Ta ở trong con”.[8]

3. Tình bác ái, sự đồng tâm, tình huynh đệ là hoa trái của Thánh Thể.

Tình bác ái, sự đồng tâm, tình huynh đệ là hoa trái của Thánh Thể và làm cho hữu hình sự kết hiệp với Chúa Kitô được thực hiện trong bí tích Thánh Thể; đồng thời, việc thực thi bác ái trong tình trạng ân sủng là điều kiện ngõ hầu có thể cử hành cách trọn vẹn bí tích Thánh Thể. Khi đã cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta, chắc chắn chúng ta sẽ không rời bỏ và đối xử thậm tệ với những người hàng xóm của mình hay những thành viên trong gia đình mình. Kinh nghiệm về việc cử hành của chúng ta sẽ làm cho chúng ta tìm kiếm những cơ hội để chia sẻ tình yêu của Thiên Chúa với tất cả những ai chúng ta gặp gỡ, đặc biệt nơi những người nghèo. Cha Eymard viết:

“Thánh Thể đem lại cho cộng đoàn Ki-tô hữu sức mạnh để thể hiện sự kính trọng và thực hành bác ái với tha nhân”[9]

“Thiên Chúa đã cùng chung chia với cuộc sống của con người, công việc của con người cũng như lương thực của người nghèo”[10]

“Chúa nhân lành không bao giờ bỏ rơi người nghèo, những người vốn là đối tượng của biết bao lời cầu nguyện ”[11]

4. Bí Tích Thánh Thể là nguyên lý và là dự án cho việc thi hành sứ mạng.

Bí Tích Thánh Thể là nguyên lý và là dự án cho việc thi hành sứ mạng. Việc Chúa Kitô sống trong chúng ta và giữa chúng ta khơi dậy chứng tá trong cảnh sống hằng ngày, gieo men tốt cho công cuộc xây dựng xã hội trần thế: “Một đời sống thuần túy chiêm niệm không thể là đời sống Thánh Thể cách sung mãn: Lò lửa phải phát ra ngọn lửa.”[12]

Trong Cuộc đại tĩnh tâm ở Rô-ma, năm 1865 cha Eymard viết “Một tông đồ tôn thờ phải luôn luôn tôn thờ và rao giảng về Chúa Giê-su Thánh Thể”[13]

Cha Eymard đã tóm tắt ơn gọi của một người Tôn thờ đích thực. Noi gương Thầy Chí Thánh của mình, người tôn thờ sẽ trở nên một tông đồ nhiệt thành cho tình yêu của Chúa để giới thiệu cho tất cả mọi người được Ngài gửi đến. Đối với những người vẫn còn chưa ý thức được tình yêu vô biên của Chúa Cha, người tông đồ phải làm cho tình yêu ấy tỏ hiện và cảm nghiệm được thông qua cuộc sống từ bỏ chính mình mà người ấy đang hướng tới.

“Hãy trở nên tông đồ của Bí Tích Thánh Thể, như ngọn đuốc chiếu sáng và sưởi ấm, như sứ giả của Thánh Tâm Ngài sẵn sàng ra đi để giới thiệu Ngài cho những ai chưa biết Ngài, động viên những ai yêu mến Ngài  những ngưi đang gặp đau khổ”[14]

“Chúng ta chỉ có một ý nghĩ, chỉ một cùng đích, chỉ một tâm điểm: Thánh Thể! Chúng ta được chúc phúc nếu chúng ta có thể trở nên chuyên biệt trong việc dẫn dắt đức tin và tình yêu của Thánh Thể đến với những ai hờ hững và ích kỷ trong xã hội khốn khổ của chúng ta.”[15]

“Chúng ta phải trở nên những tông đồ, những thừa tác viên và những công cụ của Thánh Thể; (…) Đây chính là tâm điểm của đời sống chúng ta, nguồn mạch sự sống cho hành động và hoạt động tông đồ của chúng ta. (…) Chúng ta phải rao truyền về Thánh Thể bằng những công trình của chúng ta, bằng những bài viết cũng như bằng lời nói của chúng ta; không ai có thể nói hay hơn chúng ta về Thánh Thể: Chúng ta là những tu sĩ của Thánh Thể.” [Tĩnh tâm tại Paris, tháng 8 năm 1867].[16]

Tu đức phụng vụ là nếp sống thiêng liêng mở rộng cái nhìn qua khỏi phạm vi những cử hành. Được coi là trung tâm của đời sống Kitô hữu, nên bí tích Thánh Thể không thể đóng khung trong nhà thờ, nhưng đòi được đưa vào cuộc sống của những ai tham dự vào bí tích Thánh Thể. Bí Tích Mình Thánh Chúa Kitô được nới rộng ra để xây dựng nhiệm thể của Chúa Kitô là Giáo Hội. Những thái độ Thánh Thể mà việc cử hành đã luyện cho chúng ta có được, nay cần được vun trồng trong đời sống thiêng liêng, tùy theo ơn gọi và bậc sống của mỗi người. Bí Tích Thánh Thể là của ăn thiết yếu cho tất cả những ai tin vào Chúa Kitô.

Thánh Eymard là chứng nhân cho sự thật này; nơi ngài chiếu tỏa mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Ngài là người diễn dịch vĩ đại cho lòng đạo đức Thánh Thể đích thật. Nơi ngài, thần học về Bí Tích Thánh Thể có được trọn vẹn sự chiếu sáng của việc sống nội tâm và phục vụ. Thánh Eymard không chỉ là mẫu gương sống sung mãn mầu nhiệm Thánh Thể mà nơi Ngài còn bừng cháy ngọn lửa loan truyền Thánh Thể đến cho người khác, làm cho các tín hữu được “lôi cuốn”, được hâm nóng tình yêu đối với bí tích Thánh Thể.

Giuse Nguyễn Minh Vương


[1] Tông thư “Spiritus et Sponsa” Thánh Thần và vị Hôn Thê”
[2] Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, Năm thánh thể- Những gợi ý và những đề nghị, Ðặng Thế Dũng dịch.
[3] Sđd, ngày 29/1.
[4] Sđd, ngày 21/3.
[5] 365 ngày với cha Eymard, ngày 9/1.
[6] Sđd, ngày 21/4.
[7] Sđd, ngày 26/2.
[8] Sđd, ngày 26/1.
[9] Sđd, ngày 4/3.
[10] Sđd, ngày 16/2.
[11] Sđd, ngày 20/6.
[12] Sđd, ngày 20/1.
[13] Sđd, ngày 21/1.
[14] Sđd, ngày 31/12.
[15] Sđd, ngày 23/1.
[16] Sđd, ngày 24/1.