Chầu Thánh Thể Chúa Nhật XXXII – Năm C : ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA SAU KHI CHẾT?

Chủ đề: ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA SAU KHI CHẾT?

I. Chủ sự đặt Mình Thánh Chúa

II. Cộng đoàn hát (bài hát về Thánh Thể)

III. Tâm Tình Thờ Lạy, Tạ Ơn, Và Chúc Tụng:

    Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, hành trình cuộc đời của chúng con được ví như những chuyến đi, và mỗi người có một lộ trình riêng không ai giống ai: có những chuyến đi thật ngắn và cũng có những chuyến đi thật dài, có những chuyến đi thuận buồm xuôi gió và cũng có những chuyến đi đầy sóng gió bão bùng. Chuyến đi nào rồi cũng sẽ có hồi kết, vì có sinh ắt có tử, có bắt đầu rồi cũng sẽ có kết thúc. Đích điểm dù là hạnh phúc hay đau khổ đều do chính chúng con chọn lựa.

   Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con đang hiện diện nơi đây trong giờ phút này, chứng tỏ rằng chúng con vẫn đang trên hành trình của cuộc đời mình. Giờ đây, xin Chúa giúp chúng con biết nhìn về những gì đã qua, dù là những niềm vui hay nỗi buồn, lúc bình an hay lúc chao đảo… Để qua đó chúng con chúc tụng, tạ ơn và ngợi khen Chúa, đồng thời định hướng cho hành trình tương lai của chúng con và nhất là luôn xác tín đích điểm cuộc đời mình – chính là ở trong tình yêu của Thiên Chúa và mãi thuộc về Ngài.

IV. Cộng đoàn hát (bài hát về tâm tình tri ân cảm tạ tình Chúa)

V. Thinh lặng giây lát trước Chúa Giêsu Thánh Thể

VI. Hát: ĐK: “Lời Ngài là sức sống của con”

VII. Đọc Tin Mừng và Suy niệm

Tin Mừng (Lc 20, 27-38)

     27 Khi ấy, có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Chúa Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. 28 Mấy người ấy hỏi Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. 29 Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. 30 Người thứ hai, 31 rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. 32 Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. 33 Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ ?”

     34 Chúa Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, 35 chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. 36 Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. 37 Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. 38 Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống”.

Suy niệm

    Điều gì sẽ xảy ra cho con người sau khi chết? Chắc chắn đó là câu hỏi của nhiều người khi phải đối diện với bệnh tật hay cái chết. Những người không có đức tin thì cho rằng chết là hết, là vĩnh viễn mất đi, do đó họ luôn lo sợ khi phải đối diện với cái chết. Đối với các Kitô hữu, chết không phải là sự chấm dứt mà là để bước vào một cuộc sống mới, là sự trở về với Đấng đã tạo ra sự sống – “Thầy là sự sống lại và là sự sống”.

    Tin Mừng hôm nay đề cập đến sự sống và cái chết. Tin Mừng nhắc đến nhóm Xa-đốc, vốn không tin vào sự sống lại. Vì thế, họ hỏi Chúa Giêsu: “Nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả cưới vợ rồi chết không con. Theo luật Mô-sê, người em phải lấy chị goá để có con nối dõi, và cả bảy anh em đều chết không con. Khi sống lại, chị goá đó vợ sẽ là của ai?” Chúa đã xác nhận với họ là có sự sống lại và sự sống đời sau thì khác với sự sống đời này. Người ta không lấy vợ gả chồng, không cần con nối dõi, nhưng sống như các thiên thần, chỉ lo phụng sự và ca ngợi Chúa. Đời sau không còn bóng dáng của thần chết. Con người thoát khỏi quy luật thông thường của lẽ tử sinh. Toàn bộ con người cả xác lẫn hồn được sống lại. Thân xác tuy đã tan thành tro bụi theo thời gian, nhưng sẽ được biến đổi cách kỳ diệu để chung hưởng hạnh phúc vĩnh cửu với linh hồn. Bởi vì: “Đức Chúa là Thiên Chúa của Tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, đối với Người tất cả đều đang sống”.

     Một lần khác, Tin Mừng có nhắc đến tình trạng sau khi chết là thiên đàng, hỏa ngục và luyện ngục. Thiên đàng là nơi có sự sống vĩnh cửu, là nơi con người được kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa, là nơi dành cho ai sống tốt trên trần gian. Hỏa ngục là sự xa cách Thiên Chúa vĩnh viễn, là nơi dành cho những ai đã khước từ tình yêu của Thiên Chúa. Còn luyện ngục là nơi dành cho việc thanh tẩy đối với những ai sống chưa tốt ở trần gian.

     Sau cuộc sống đời này, mỗi người phải trải qua cái chết để được bước vào cuộc sống vĩnh viễn đời sau nơi thiên đàng, hỏa ngục hay luyện ngục. Điều đó tùy thuộc vào việc chúng con sống thế nào ở đời này.

1. Sự Sống Đời Này

    Để có sự sống đời sau, chúng con phải bắt đầu ngay đời này. Trong Tin Mừng, Chúa đã nói: “những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết?”. Vậy việc xét duyệt của Chúa dựa trên điều gì? Đó có phải là các giới răn mà Chúa đưa ra không? Có thể nói như vậy, nhưng để sống được thì không dễ chút nào. Con người mang trong mình bản tính luôn muốn có những gì tốt nhất cho bản thân và cố gắng bằng mọi cách để có được nó, thậm chí là đánh mất chính mình. Vậy ta phải làm gì để có sự sống đời sau? Thưa, ta phải luôn hướng về Nước Trời và xác tín rằng, cuộc sống trần gian này chỉ là hành trình tiến về vĩnh cửu.

2. Sự sống mai sau

    “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta sẽ được sống đời đời”.

     Quả thật, niềm tin vào Đức Giê-su chịu chết và sống lại bảo đảm cho chúng con được sống lại với người. Thánh Phaolô khẳng định: “Nếu Chúa Giê-su không sống lại thì đức tin của chúng ta thật là hão huyền”. Với niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, chúng con tìm được lẽ sống cho cuộc đời, mặc dầu biết rằng mình còn phải trải qua rất nhiều thử thách gian nan.

    Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin cho mỗi bước đường trần gian của chúng con luôn có Chúa hiện diện, để chúng con ý thức về sự sống vĩnh cửu mà sống cuộc đời này thật ý nghĩa.

VIII. Bài hát (bài hát về tâm tình cầu nguyện hoặc cậy trông vào Chúa)

IX. Dâng Lời Cầu Khấn (như Lời Nguyện Tín Hữu ngày Chúa Nhật)

X. Giờ Chầu Thánh Thể tiếp tục những phần còn lại như thường lệ.