CẦU NGUYỆN THEO BỐN MỤC ĐÍCH
CỦA HI LỄ THẬP GIÁ
Cầu nguyện là dâng lên Thiên Chúa lời chúc tụng tôn thờ, tri ân, đền tạ và cầu xin; là nâng tâm hồn lên với Chúa và kết hợp với Người. Có nhiều phương pháp và đường lối giúp ta đạt mục đích ấy. Vì thế, cũng có nhiều hình thức cầu nguyện khác nhau, chẳng hạn: khẩu nguyện (vocal prayer), tâm nguyện (mental prayer), suy niệm (meditation), chiêm niệm (contmplation). Và cũng có nhiều phương pháp khác nhau để giúp cầu nguyện, chẳng hạn phương pháp linh thao của thánh I-nha-xi-ô Loi-ô-la.
Thánh Phê-rô Giu-li-a-nô, Đấng Sáng Lập Dòng Thánh Thể cũng đề nghị một số những phương pháp cầu – nguyện, đặc biệt nhất là “Phương Pháp Cầu Nguyện theo bốn mục đích của Hi Lễ Thập Giá”.
Như chúng ta biết, hình thức tôn thờ cao quí nhất và – trọn hảo nhất là Hi Lễ của Chúa Giê-su dâng trên bàn thờ Thập Giá, vì đó là Lễ Tế mà Đức Chúa Cha mong muốn hơn hết và chính Ngài đã ấn định cho Con Một Ngài dâng tiến để đền tội nhân loại và đem lại ơn Cứu Rỗi cho mọi người. Đó là hình thức tôn thờ chính thức của Hội Thánh. Hi Lễ này cũng thể hiện được 4 mục đích chính của tôn thờ, đó là: tôn thờ, cảm tạ, đền tội và cầu xin. Vì thế, cầu nguyện theo 4 mục đích của Hi Lễ Thập Giá là liên kết với Hội Thánh mà dâng lên Thiên Chúa hành vi tôn thờ mà Chúa Ki-tô đã thiết lập, và là hành vi tôn thờ đẹp lòng Thiên Chúa hơn bất cứ hành vi tôn thờ nào khác. Dưới đây chúng ta sẽ lược qua phương pháp ấy.
1- Động tác Tôn Thờ
– Thiên Chúa là Đấng toàn chân, toàn thiện, toàn mỹ; Người vô cùng cao sang và uy linh; Người toàn năng và vinh quang Người vượt trên đất trời. Trước Đấng Tạo Hóa vô cùng uy linh cao cả như vậy, con người phàm hèn chỉ còn biết phủ phục tôn thờ thẳm sâu, như I-sa-i-a khi mới được chiêm ngưỡng một chút vinh quang của Chúa mà đã phải thốt lên: “Khốn thân tôi, tôi chết mất! Vì tôi là một người môi miệng ô uế, tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế, thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh!” (Is.6:5).
– Thiên Chúa vô cùng uy linh hiện diện dưới nhiều hình thức: nơi bầu trời bao la với mặt trời mặt trăng cùng muôn vàn tinh tú, nơi biển cả mênh mông, núi đồi hùng vĩ; nơi thân phận một con người; nơi tấm bánh tầm thường. Hãy tôn thờ Chúa nơi tạo vật, nơi các bí tích…
– Tôn thờ Chúa bằng những tác động thể lý như: bái – gối, cúi đầu, phủ phục…
– Tôn thờ Chúa bằng những lời phát xuất từ đáy tâm hồn.
– Tôn thờ Chúa nơi tâm tư qua tâm tình ngưỡng mộ.
Tóm lại, hãy dùng mọi quan năng và tâm hồn mà tôn thờ Chúa hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau.
2- Động tác Tạ Ơn
Thiên Chúa là Tình Yêu, điều đó có nghĩa, Bản Tính Thiên Chúa là tình yêu; và một trong những đặc điểm của tình yêu là “cho đi”. Quả thực, Thiên Chúa đã cho đi rất nhiều và có thể nói, Ngài đã cho đi tất cả:
– Ngài đã tạo dựng nên vũ trụ bao la và tốt đẹp để chia sẻ nguồn thiện hảo của Ngài với tạo vật, nhất là với con người.
– Ngài đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, ban cho con người một phẩm giá cao quí, cho con người được phúc tham dự vào sự sống thần linh và nguồn hạnh phúc vô biên của Ngài.
– Ngài đã ban chính Con Một vô cùng yêu quí của ngài cho nhân loại để sửa chữa công cuộc sáng tạo tốt đẹp của Ngài đã bị thần dữ hủy hoại, và để đem lại sự sống mới cho nhân loại.
Tóm lại, từng giây từng phút, từng hơi thở và nhịp đập của con tim, tất cả những gì ta có và ta là, mọi sự đều là ân huệ của Thiên Chúa. Hãy đến những ân huệ ấy mà tạ ơn Thiên Chúa. Hãy kêu cầu các thần thánh trên trời để các ngài giúp ta, thay cho ta và cùng với ta mà cảm tạ Chúa vì muôn ơn lành của Ngài. Hãy chú tâm đến những ơn huệ cá nhân để cảm tạ Chúa, chẳng hạn: Ổn được sinh ra làm người, ơn Phép Rửa, ơn được trở thành phần tử của Hội Thánh; những ơn Chúa ban cho gia đình, như: cha mẹ, anh chị em, con cháu; ơn thông minh, tình trạng sức khỏe. Chúng ta có thể suy tưởng đến vô vàn vô số những ơn của Chúa, và hãy dâng lời cảm tạ Ngài.
3- Động tác Đền Tạ
– Thiên Chúa vô cùng tốt lành và vì tình yêu vô biên, Ngài đã tuôn đổ dồi dào muôn ơn lành xuống trên nhân loại. Nhưng con người đã phụ bạc, đã chối bỏ Thiên Chúa là Đấng tốt lành vô cùng và là nguồn mọi thiện hảo. Con người không những đã chối bỏ Thiên Chúa, mà còn tệ hơn nữa là đã phạm thượng, xúc phạm đến Ngài, đã lạm dụng những ơn của Chúa và dùng những ơn ấy mà gây ra biết bao tội ác tràn ngập khắp trần gian.
– Cũng như Chúa Ki-tô, vì tự mặc lấy thân phận con người, nên dù vô tội và tuyệt đối công chính thánh thiện, nhưng Người đã gánh lấy tất cả tội lỗi trần gian và đền bồi những tội lỗi bằng cái chết đau thương và nhục nhã trên thập giá. Người Công Chính đã chết thay cho các tội nhân. Chúng ta cũng thế, chúng ta phải đền tạ những tội lỗi riêng của mình và tất cả những tội lỗi của toàn thể nhân loại.
– Đền tạ không nguyên chỉ bằng những lời tạ tội và xin ơn tha thứ, nhưng nhất là bằng những hành động, nghĩa là bằng cách dùng những đau khổ hằng ngày của ta, cùng với những đau khổ của toàn thể nhân loại, hiệp với những đau thương và tử nạn của Chúa Giê-su mà dâng lên Thiên Chúa để đền bồi muôn ngàn tội lỗi của trần gian.
– Về những đau khổ thì ngoài những đau khổ do bản tính con người hay do hoàn cảnh xã hội gây ra, như: lao nhọc, già yếu, bệnh tật, bị hiểu lầm, bị đối xử bất công, bị áp bức, bị phản bội… Đó là những thánh giá hằng ngày Chúa đặt sẵn trên vai chúng ta. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể tự chọn để thi hành một số việc đền tạ khác. Đó là những việc đền tội tự nguyện. Hãy liên kết tất cả những đau khổ ấy với những đau khổ của toàn thể nhân loại, hiệp với lễ hi sinh của Chúa Giê-su trên thập giá để đến tạ muôn ngàn tội lỗi của trần gian.
4- Động tác Cầu Xin
– Cầu riu là biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa là Đấng vô cùng tốt lành, là nguồn mọi thiện hảo, là Đấng vô cùng đại lượng luôn mở rộng bàn tay để ban phát muôn ơn lành xuống cho mọi tạo vật, là Đấng luôn quan tâm và săn sóc mọi loài thụ tạo.
– Cầu xin là nhìn nhận tình trạng thấp hèn túng cực của con người; là tin tưởng vào lượng hải hà, quảng đại và sự quan tâm săn sóc của Thiên Chúa; là nhìn nhận sự lệ thuộc của con người vào Thiên Chúa.
– Khi cầu xin, trước hết hãy quan tâm đến những nhu cầu chung của nhân loại, của Hội Thánh, của quốc gia, của các vị lãnh đạo Giáo Hội và các quốc gia, của những người đáng thương hơn cả, như: những người già nua bệnh tật, những người cô đơn không người ủi an nâng đỡ, những người nghèo khổ, những người bị đàn áp bất công, những người bị xã hội ruồng bỏ, những người bị từ đày…
– Khi cầu xin, hãy xin cho nhiều người nhận biết Chúa, tôn thờ và yêu mến Chúa. Hãy xin cho Nước Chúa ngự đến, cho vinh quang Chúa được rộng lan và tỏa sáng khắp nơi. Nói tóm lại, hãy xin cho “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.
– Khi chầu một giờ, chúng ta có thể chia ra mỗi khắc một động tác, và mỗi giờ chầu, chúng ta nên chọn một chủ đề và suy ngẫm về chủ đó theo 4 động tác trên. Chẳng hạn chủ đề về hòa bình. Chúng ta có thể khai triển chủ đề đó như sau:
– Hãy tôn thờ Chúa là Đấng đã thiết lập, điều hành và gìn giữ muôn loài muôn vật trong một trật tự tốt đẹp và kỳ diệu.
– Hãy tạ ơn Chúa vì ơn bình an mà Chúa ban cho thế giới, Hội Thánh, quốc gia, cộng đoàn, gia đình và cá nhân.
– Hãy đền tạ Chúa vì những cá nhân hay tập thể đã phá hoại hòa bình, vì những tội ác ích kỷ, kỳ thị chủng tộc gây chia rẽ chiến tranh.
– Hãy cầu xin Chúa ban ơn bình an cho thế giới, cho Hội Thánh, cho cộng đoàn, gia đình và cá nhân.
– Tuy nhiên, không nhất thiết phải thi hành cả 4 động tác trong một giờ. Mục đích chính của phương pháp cầu nguyện là giúp ta đi vào cuộc kết hợp và đàm đạo với Chúa. Vì thế, khi tâm hồn đã đi vào cuộc kết hợp này rồi thì cứ lưu lại trong đó bao lâu có thể.