CANH TÂN VIỆC THAM DỰ CỬ HÀNH THÁNH THỂ TẠI GIÁO XỨ

Giáo Hội cần phải được canh tân. Thế nên, trong Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội trước hết đã tiến hành canh tân phụng vụ. Điều này bao hàm luôn việc canh tân cử hành Thánh Thể. Giáo Hội ý thức rằng, chỉ khi có canh tân phụng vụ thì các tín hữu mới được canh tân và kéo theo sự đổi mới trong xã hội cũng như giúp họ ứng phó với những vấn đề của xã hội dưới ánh sáng Tin Mừng. Nhờ phụng vụ, nhất là trong hiến tế tạ ơn, mà “công cuộc cứu chuộc chúng ta được thực hiện”. Phụng vụ là tột đỉnh qui hướng mọi hoạt động của Giáo Hội, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào mọi năng lực của Giáo Hội. Thánh Thể là nguồn mạch và chóp đỉnh đời sống và sứ vụ của Hội Thánh. Thánh Thể không những làm nên Giáo Hội mà còn là chính Giáo Hội. Cử hành Thánh Thể là trung tâm của toàn bộ đời sống Kitô hữu.

Tuy nhiên, những vấn đề căn bản của cuộc canh tân còn bị lơ là và việc áp dụng những điều Công đồng hy vọng vẫn còn thiếu sót, nhất là trong khía cạnh tham dự Thánh lễ. Trong bối cảnh đó, canh tân cử hành mầu nhiệm Thánh Thể tại các giáo xứ vẫn hết sức cần thiết. Việc canh tân này nhắm chủ yếu tới khía cạnh tham dự của tín hữu hầu giúp họ tham dự một cách tích cực vào phụng vụ Thánh lễ được thể hiện ở cả bên ngoài lẫn bên trong.

        Canh tân phụng vụ đi liền với đổi mới cách tham dự phụng vụ

Trong Công đồng Vaticanô II, một trong những văn kiện ra đời sớm nhất chính là Hiến chế Phụng vụ Thánh[1] (04/12/1963) vì Giáo Hội sớm xác tín rằng muốn canh tân Giáo Hội thì trước hết phải canh tân phụng vụ.[2] Hiến chế Phụng vụ Thánh đặc biệt nhấn mạnh và nhắc đi nhắc lại như một điệp khúc “sự tham gia tích cực” (actuosa participatio) của tín hữu vào cử hành phụng vụ đến độ có thể nói đây là mục tiêu của toàn bộ cuộc canh tân phụng vụ của Công đồng Vaticanô II.[3] Thật vậy, cả 7 chương của Hiến chế Phụng vụ Thánh đều sử dụng từ “tham dự”; và hạn từ này được nhắc đi nhắc lại tới 26 lần,[4] đặc biệt trong những đoạn sau:

Mẹ Giáo Hội tha thiết ước mong toàn thể các tín hữu được hướng dẫn tham dự các việc cử hành Phụng vụ cách trọn vẹn, ý thức và linh động.[5]

Vì thế, Giáo Hội hằng bận tâm lo cho các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khách bàng quan, câm lặng, nhưng là những người thấu đáo mầu nhiệm đó nhờ các nghi lễ và kinh nguyện: họ tham dự hoạt động thánh một cách ý thức, thành kính và linh động…[6]

Thật ra, việc Giáo Hội mong ước các tín hữu tham dự tích cực vào cử hành phụng vụ đã được nhắc đến trong các văn kiện chính thức của Giáo Hội trước khi Hiến chế Phụng vụ Thánh ra đời.[7]

Những thay đổi trong phụng vụ nhằm lôi kéo các tín hữu “tham dự một cách trọn vẹn, ý thức và linh động” trong phụng vụ là: 1] Sử dụng tiếng mẹ đẻ trong phụng vụ;[8] 2] Đưa bàn thờ tách biệt khỏi bức tường đầu cung thánh hầu vị tư tế có thể cử hành Thánh lễ đối diện với dân chúng (versus populum) và tái thiết lập một cuộc đối thoại thực sự giữa chủ tế và các tín hữu tham dự;[9] 3] Cho phép các tín hữu công bố Lời Chúa thay vì vị tư tế đọc tất cả các Bài đọc Sách Thánh. Do vậy các Bài đọc được tách ra khỏi Sách lễ để đưa vào cuốn Sách Bài đọc và Sách Phúc Âm…[10]

Theo nhận định của Đức Tổng Giám mục Malcolm Ranjith đăng trên L’Osservatore Romano (21/07/2004), hiện nay các tín hữu đã đáp lại và tham dự vào những lời nguyện và khẩn cầu khác nhau, họ hiểu rõ hơn những gì đang diễn ra trên bàn thờ, họ sử dụng tiếng mẹ đẻ trong phụng vụ và không còn ứng xử như những người quan sát thụ động, họ tham gia vào những vai trò khác nhau trong Thánh lễ… Tuy nhiên vẫn còn những bước thụt lùi cản trở công cuộc canh tân đích thực của Giáo Hội. Điều này được thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II gọi là những “bóng râm” hay những “lạm dụng” làm lu mờ đức tin chắc chắn vào các Bí tích của Giáo Hội. Đó là kết quả từ cảm thức sáng tạo và thích ứng bị hướng dẫn một cách sai nhầm.[11] 

        Bức tranh về sự tham dự Thánh lễ của các tín hữu tại Việt Nam

Đáp lại ước muốn của Mẹ Giáo Hội mời gọi con cái mình tham dự vào cử hành phụng vụ một “cách trọn vẹn, tích cực và ý thức,” các tín hữu Việt Nam đã tiếp nhận và thực hành thế nào? Câu trả lời đã được Hội đồng Giám mục Miền Nam Việt Nam đưa ra năm 1968: “Việc áp dụng các chỉ thị liên hệ tới việc canh tân phụng vụ không gặp phải khó khăn cản trở nào. Trái lại, qua việc thay đổi một số nghi thức và nhất là nhờ việc đem tiếng Việt vào trong các buổi cử hành Thánh lễ và các Bí tích, các tín hữu tham dự cách tích cực và ý thức…”[12]Đến năm 2001, Thư Mục vụ của Hội đồng Gíam Mục Việt Nam đã nhận xét rằng các tín hữu đến nhà thờ vào các Chúa nhật và lễ trọng chiếm khoảng 85%. Nhiều người tham dự các Thánh lễ ngày thường trong tuần. Các bí tích và đời sống cầu nguyện được xem như những phương tiện hiệu quả để canh tân đời sống, và mang lại sức mạnh nội tâm để nhiệt thành phục vụ Giáo Hội và xã hội.[13] Việt Nam không có những vấn đề lớn về phụng vụ. Tuy nhiên, việc tham dự phụng vụ của giới trẻ hiện nay có vài khó khăn, họ không thể tham dự Thánh lễ cách thường xuyên như khoảng mười năm trước đây. Về việc cử hành ngày Chúa nhật, đã có nhiều sáng kiến giúp các cử hành phụng vụ thêm năng động. Nhiều nhà thờ ở thành phố phân phát các tờ bướm ghi các bản văn Kinh Thánh và các bài suy niệm để giúp giáo dân có phương tiện học hỏi Lời Chúa và tham dự cách tích cực hơn vào các cử hành. Thông thường, các ca đoàn chuẩn bị tốt các bài hát thích hợp cho mỗi buổi cử hành. Cộng đoàn phụng vụ đối đáp rập ràng và sốt sắng, cách riêng trong lời đáp lại các ý nguyện của Lời nguyện Tín hữu.[14]

Mặc dầu vậy, cho đến nay, từ những quan sát thực tế, bức tranh về sự tham dự tích cực của các tín hữu Việt Nam vào việc cử hành Thánh Thể vẫn chưa được trọn vẹn. Điều này đòi hỏi chúng ta nhìn nhận thực tế và có những thay đổi cần thiết. Những thiếu sót đó là:

  • Có những anh chị em tham dự Thánh lễ Chúa nhật chỉ để chu toàn luật buộc,[15] hoặc đi tham dự chỉ vì được mời đến dự một Thánh lễ mà trong đó có kèm thêm việc cử hành một bí tích đặc biệt, như nghi thức Rửa tội cho người lớn, Phép Hôn phối… (như thể đó là ngày của riêng gia đình ứng viên Phép Rửa, là ngày của cô dâu chú rể… chứ không phải ngày của toàn thể cộng đoàn).
  • Chỉ chú trọng tương quan với Chúa mà quên đi hay lơ là với người khác trong cộng đoàn phụng vụ; đến nhà thờ với thái độ chỉ chăm chăm chú chú đọc kinh cầu nguyện riêng, ít quan tâm, gặp gỡ hay trao đổi với ai. Ở đây, thiếu hẳn ý thức và thực hành trong việc tham dự Thánh lễ cùng với cả cộng đoàn.
  • Coi trọng kinh nguyện sùng mộ hơn là cử hành phụng vụ, làm việc đạo đức đang khi tham dự cử hành Thánh Thể. Ở đây, rõ ràng là linh đạo sùng mộ trổi vượt hơn linh đạo Thánh Thể; đức tin hướng về cá nhân hơn là cộng đoàn; kinh nguyện mang tính tập trung vào lòng sùng kính hơn là Thánh Thể; vào những gì không Bí tích hơn là chính Bí tích.
  • Hiện diện bên ngoài nhà thờ để tham dự Thánh lễ mặc dù trong thánh đường vẫn còn chỗ trống hoặc ra khỏi nhà thờ khi đến giờ giảng lễ để hút thuốc, tán gẫu….
  • Ít mở miệng để tham dự vào những lời đối đáp, tung hô hay ca hát cộng đồng.
  • Ca đoàn bao chiếm hầu hết các bài hát hoặc sử dụng những bài quá khó trong Thánh lễ đến độ lấn át hay làm yếu đi phần tham dự của cộng đồng. Hầu hết việc hát lễ vẫn chỉ chú trọng vào 4 bài hát tương ứng với bốn phần trong Thánh lễ: ca nhập lễ, ca tiến lễ, ca hiệp lễ, và ca kết lễ trong khi những thành phần quan trọng hơn lại chỉ được đọc.[16]
  • Những người đọc Sách Thánh thiếu chuẩn bị hoặc thiếu những kỹ năng cần thiết vì bị gọi vào phút chót hay đột xuất, vì không được hay chỉ được huấn luyện chút ít về Kinh Thánh, phụng vụ và kỹ năng truyền thông, vì chọn người đọc Sách Thánh theo thói quen hơn theo ý định của Hội Thánh (cô dâu chú rể đọc Sách Thánh…). Hệ quả là, làm cho người nghe khó lãnh hội và cảm nhận được Lời Chúa. Ngoài ra, độc viên Sách Thánh thường kiêm luôn chức năng của người xướng Thánh vịnh.
  • Thiếu chuẩn bị cho buổi cử hành (của lễ và ý nguyện; bài giảng, trang hoàng…), thiếu vẻ đẹp hay tính mỹ học của cử hành (ars celebrandi), thiếu tác động vào giác quan, thiếu sự thay đổi những chất liệu đã được Giáo Hội đề nghị trong Sách lễ Roma. Những điều này dễ làm cho việc cử hành Thánh lễ trở nên đơn điệu, nhàm chán, nghèo nàn và thiếu lôi cuốn đối với người tham dự.
  • Buổi cử hành diễn ra trong ồn ào và diễn tiến một cách vội vã, thiếu hẳn sự linh thánh, thiếu mất thời khắc thinh lặng ở những chỗ cần thiết.
  • Lơ là với những cơ hội Giáo Hội dành cho thiếu nhi trong Sách lễ Rôma và trong văn bản “Chỉ dẫn Thánh lễ cho trẻ em”.[17]
  • Dù chỉ mắc tội nhẹ, một số người vẫn còn sợ hãi hay e dè lãnh nhận Thánh Thể. Như một thói quen, ngày nào cũng cho rước lễ bằng Mình Thánh lấy từ nhà tạm.

III. Những đề nghị mục vụ cho giáo xứ

        1. Chuẩn bị cho việc tham dự Thánh lễ

Những thiếu sót trong việc tham dự vào cử hành Thánh Thể phần nhiều là do: 1] Tín hữu chỉ được đào tạo chút ít hay chưa có cơ hội học hỏi về phụng vụ nói chung và Thánh lễ nói riêng; 2] Linh mục thiếu một cảm thức mạnh mẽ và toàn diện trong lãnh vực phụng vụ,[18]cũng như chưa chu toàn bổn phận lo cho con chiên mình tham dự vào hành động phụng vụ một cách hiệu quả.[19] Bởi vậy, bản thân linh mục cần được huấn luyện đầy đủ về phụng vụ “dưới khía cạnh vừa thần học và lịch sử, vừa tu đức, mục vụ và luật pháp,”[20] thường xuyên cập nhật những thay đổi liên quan đến phụng vụ để làm sao cử hành phụng vụ vừa xứng đáng, chăm chú, đạo đức[21] lại vừa đúng, đẹp, linh hoạt, sáng tạo và tác động đến mọi giác quan. Về phía tín hữu, mỗi giáo xứ nên có người nắm vai trò huấn giáo và có chương trình huấn luyện Thánh Kinh và phụng vụ cho các giới (qua các buổi nói chuyện, khóa học, tĩnh tâm, bài viết trên tờ thông tin giáo xứ…nhất là qua bài giảng [kerygma-matyria] và chính việc cử hành mầu nhiệm Thánh Thể)[22] nhằm đẩy mạnh “sự tham dự trọn vẹn, ý thức và tích cực” cũng như “làm triển nở ý thức cộng đoàn giáo xứ, nhất là trong việc cử hành Thánh lễ cộng đồng ngày Chúa nhật”.[23] Để giúp các tín hữu hiểu biết Thánh lễ hơn, giáo xứ nên tổ chức những buổi lectio divina phụng vụ.[24] Chắc chắn, sự tham dự của tín hữu sẽ tốt đẹp hơn khi họ hiểu được cách đầy đủ và sâu xa hơn ý nghĩa của những gì đang diễn ra trong phụng vụ, hiểu được các nghi thức, các biểu tượng đức tin và các cử điệu của từng cử hành qua việc huấn luyện và đào tạo.[25]

Thực sự, việc tích cực tham dự Thánh lễ phải bắt đầu ngay từ trước khi bước vào chính cuộc cử hành. Vì thế, muốn thâu đạt được hiệu năng toàn vẹn của Bí tích Thánh Thể, các tín hữu cần đến tham dự phụng vụ với tâm hồn được chuẩn bị sẵn sàng, ngay thẳng, hòa hợp tâm trí mình với ngôn ngữ, và cộng tác với ân sủng trên trời.[26] Vị chủ tế cần chuẩn bị một cách chu đáo và cẩn thận để chủ sự buổi cử hành: ý lễ; bài lễ; bài giảng; lời mời; lời chào và chúc lành; lời nguyện thuộc chủ tế; Kinh nguyện Thánh Thể; những nghi thức đặc biệt trong Thánh lễ… Điều kiện mỗi cá nhân cần phải có cho việc tham dự hiệu quả là tinh thần thường xuyên hoán cải hầu tâm hồn có thể hoà giải với Chúa. Điều này được thể hiện trong đời sống của mọi tín hữu qua những hình thức cụ thể như kiểm điểm đời sống, hồi tâm và thinh lặng tối thiểu ít phút trước khi bắt đầu cử hành phụng vụ, bằng ăn chay, và nếu cần bằng việc xưng tội.[27]

        2. Tham dự bàn tiệc Lời Chúa

Để mọi người tham dự Thánh lễ cách tích cực, nên tuyển chọn trong giáo xứ một số người làm độc viên Sách Thánh cho mọi Thánh lễ của giáo xứ. Họ cần được hỏi hỏi về Kinh Thánh, phụng vụ và các kỹ năng truyền thông vì chức năng của độc viên không phải là máy phát thanh nhưng là người công bố và chuyển đạt Lời Chúa cho cộng đồng tín hữu, làm cho Kinh Thánh thành Lời, một Lời sống động, một Lời được loan báo cho Giáo Hội nghe theo.[28] Họ nên đọc và suy niệm trước những bản văn Kinh Thánh sẽ công bố, ý thức về chức vụ họ đảm nhận, nỗ lực tận dụng mọi phương thế để ngày càng gia tăng sự hiểu biết và mến yêu Sách Thánh vì chính Chúa Kitô nói với chúng ta qua các Bài đọc trong Thánh lễ. Giáo xứ nên tránh tình trạng chỉ định vào phút chót, chỉ định đột xuất hay chỉ định bất kỳ ai lên công bố Lời Chúa.[29] Cô dâu chú rể hay thành viên trong tang gia… nên được quyền chọn lựa những bài Sách Thánh sẽ được công bố trong Thánh lễ chứ không phải giữ vai trò là độc viên.[30] Việc cử hành những ngày lễ kính, lễ trọng hay lễ có nghi thức riêng có thể làm gián đoạn tính liên tục của các bản văn Tin Mừng đang được công bố trong một chu kỳ nhất định (lectio continua); gặp trường hợp này, linh mục hay phó tế nên đọc bài Tin Mừng bị bỏ mất gộp chung với bài Tin Mừng của ngày hôm trước hay hôm sau của ngày lễ đó.[31] Bài giảng nên tránh tình trạng chung chung và trừu tượng, nhưng gắn liền với Lời Chúa được công bố và với đời sống của cộng đoàn, cả người lớn lẫn trẻ em (kerygma-matyria).[32]

        3. Tham dự bàn tiệc Thánh Thể

Chắc chắn, việc tham dự trọn vẹn vào Bí tích Thánh Thể được thực hiện không những bằng tâm tình thiêng liêng mà còn bằng việc bản thân người tín hữu lãnh nhận Bí tích Thánh Thể nữa, nhất là rước lễ từ chính Mình Thánh (và Máu Thánh) vừa được truyền phép trong Thánh lễ đó. Nếu không, tiệc Thánh Thể, xét như bữa ăn của tình hiệp thông và chia sẻ, sẽ không đạt được trọn vẹn ý nghĩa và không cho thấy rõ việc hiệp lễ là tham dự vào hy lễ đang cử hành.[33] Do vậy, cần lưu ý hai vấn đề: 1] Đối những người vẫn còn e dè và ngại ngùng rước lễ, họ cần được giải thích để hiểu rằng: Thứ nhất, cộng đoàn phụng vụ không phải là một tập thể hoàn hảo mà bao gồm những tội nhân đang mong đợi lòng thương xót thứ tha của Chúa.[34] Tất nhiên, cộng đoàn không vì thế mà sao nhãng sứ mạng phải “vươn tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô” (Ep 4, 13); Thứ hai, Bí tích Thánh Thể cũng là Bí tích tha thứ và thanh tẩy tội lỗi, và chỉ trường hợp tội trọng mới ngăn cản họ không được tham dự nghi thức rước lễ.[35] Nhưng dù rơi vào trường hợp này, việc tham dự Thánh lễ vẫn cần thiết, vẫn quan trọng, thật ý nghĩa và ích lợi, và họ nên nuôi dưỡng lòng ước muốn kết hiệp với Chúa Kitô qua việc rước lễ thiêng liêng.[36]Tuy nhiên, tốt nhất, họ nên tỏ lòng thống hối trọn vẹn, bao gồm lòng dốc quyết đi xưng tội sớm ngần nào có thể.[37] 2] Hết sức bao nhiêu có thể, nên tránh việc mở nhà tạm mỗi Thánh lễ để lấy Mình Thánh cho rước lễ.[38]

        4. Tham dự vào việc ca hát

Nhiệm vụ của ca đoàn là “thúc đẩy cộng đoàn tham dự phụng vụ cách tích cực qua việc ca hát.”[39] Cho nên ca đoàn không nên “độc quyền” trong việc hát thánh ca, nhất là trong các ngày Chúa nhật và các dịp trọng thể. Bởi thế, nên chọn những bài hát đơn giản, có một hoặc hai bè để mọi người, mọi lứa tuổi trong cộng đoàn có thể dễ dàng tham gia.[40] Có những phần vừa được ưu tiên phải hát vừa phải thực sự dễ hát đối với cộng đoàn, đó là: Tung hô trước Tin Mừng (Alleluia và câu tung hô đi kèm); Thánh, Thánh, Thánh; Tung hô tưởng niệm (Đây là mầu nhiệm đức tin – Chúng con loan ….); Amen long trọng (sau Vinh tụng ca kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể). Theo tài liệu Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc (MVTN)[41], những chỗ ấy nên được hát trong mọi Thánh lễ, không những trong Thánh lễ Chúa nhật, lễ trọng và lễ kính mà còn cả trong Thánh lễ ngày thường hoặc Thánh lễ cho những cộng đoàn nhỏ hơn, ngay cả khi không có nhạc cụ kèm theo.[42] Lĩnh xướng viên nên cùng hát với toàn thể cộng đoàn nhưng không để tiếng hát của mình lấn át cộng đoàn trừ khi chuyển nhạc hay chuyển đoạn hát thì có thể hát lớn hơn nhằm khơi động và dẫn dắt cộng đoàn.[43]

Trong việc hát lễ, tùy theo khả năng của mình, vị chủ tế thể hiện sự tham gia tích cực vào phụng vụ khi hát những lời nguyện được dành riêng cho chủ sự, những phần đối đáp (giữa chủ tế và cộng đoàn), cũng như hát chung với cộng đòan (câu tung hô, điệp xướng, ca vịnh và những bài ca phụng vụ). Như vậy, bằng cách nêu gương, vị chủ tế sẽ khuyến khích cộng đoàn đem lời ca tiếng hát tham gia vào phụng vụ.[44]

        5. Tham dự trong sự thinh lặng cần thiết

Một trong những cách thức quan trọng nhất để có thể canh tân chính chúng ta khi tham dự phụng vụ, đó là làm sao tập cho quen và dễ dàng đi vào hồi tâm, suy niệm trong thinh lặng. Đây không phải là một thái độ thụ động, trái lại, truyền thống phụng vụ xác nhận rằng đó là hình thức tham dự thâm sâu và hiệu quả, là sự cởi mở trước hành động của Thiên Chúa trong chúng ta, gia tăng thái độ chiêm niệm trong phụng vụ, giúp chúng ta chuẩn bị nội tâm một cách sốt sắng hơn, hướng chúng ta về trời cao cũng như cảm nhận được sự huyền nhiệm và siêu việt của Thánh lễ. Quả thật Thiên Chúa nói với chúng ta không những qua Kinh Thánh và lời kinh khẩu nguyện mà còn qua sự thing lặng. Vì vậy, đừng biến Thánh lễ thành một buổi cử hành ồn ào, vội vã, như một dịch vụ hay làm mất đi cảm thức linh thánh, ý nghĩa huyền nhiệm. Thay vào đó, nên tôn trọng những chỗ thinh lặng cần thiết như đã được Giáo Hội hướng dẫn: trong Nghi thức sám hối; sau lời mời cầu nguyện (Chúng ta hãy cầu nguyện); sau Bài đọc Sách Thánh (Bài đọc I và II) và bài diễn giảng;[45] sau mỗi ý nguyện trong Lời nguyện Tín hữu; sau khi Hiệp lễ.[46]

        6. Cử hành một cách linh hoạt

Có nhiều lý do để làm điều đó: 1] Sách lễ hiện nay là một kho tàng phong phú; 2] Mỗi cộng đoàn giáo xứ có đặc tính và những hoàn cảnh riêng biệt; 3] Cử hành Thánh lễ được thực hiện qua các dấu chỉ khả giác, cho nên vị chủ tế và cộng đoàn nên năng động thay đổi các mẫu cử hành đã được Giáo Hội dự liệu trong Sách lễ hầu giúp đắc lực hơn cho việc tham dự của tín hữu được tích cực và đầy đủ, đồng thời đáp ứng cách thích hợp hơn lợi ích thiêng liêng của họ.[47] Ví dụ: 3 mẫu của nghi nghi thức thống hối và nghi thức làm phép – rảy nước thánh; 2-3 mẫu tuyên xưng đức tin sau bài giảng; 3 mẫu tung hô tưởng niệm sau khi truyền phép (Đây là mầu nhiệm đức tin…); 13 mẫu Kinh nguyện Thánh Thể.[48] Để gắn kết giữa cử hành và cuộc sống, chủ tế nên thay đổi việc sử dụng các bản văn cử hành Thánh lễ khi có nhu cầu phải cầu nguyện cho Hội Thánh, cầu cho lợi ích chung và trong một số trường hợp đặc biệt (gồm tới 49 bài lễ khác nhau); ngoài ra còn có 19 bài lễ dùng trong Thánh lễ ngoại lịch.[49] Chủ tế có thể linh hoạt nói theo ý mình những lời không được in trong Sách lễ như: lời dẫn nhập vào Thánh lễ; giới thiệu về kinh Tiền tụng và Kinh nguyện Thánh Thể; lời dẫn nhập vào kinh Lạy Cha và những lời giải tán cuối Thánh lễ.[50]

Vì các tư tế là một dấu chỉ để mọi người tham gia cử hành phụng vụ có thể cảm nhận được Thiên Chúa và mầu nhiệm của Ngài cũng như là một dụng cụ để tôn vinh Chúa Kitô, cho nên các vị cần đáp ứng 3 tiêu chuẩn của cử hành là: xứng đáng, chăm chú và đạo đức.[51]

Nên có người dẫn lễ trong Thánh lễ trọng thể hay Thánh lễ có nghi thức kèm theo. Nhiệm vụ của tác viên này là cắt nghĩa và hướng dẫn các lễ nghi để đưa các tín hữu vào cử hành phụng vụ, giúp họ hiểu rõ ý nghĩa của các nghi thức và các phần khác nhau trong Thánh lễ cũng như hỗ trợ cho diễn tiến của các nghi thức được diễn ra trôi chảy và tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, cần lưu ý những điều này: 1] Hãy để cho biểu tượng và hành động biểu tượng tự chúng nói lên ý nghĩa, chứ đừng giải thích đang khi cử hành vì như thế sẽ có nguy cơ phủ lấp hay hủy hoại chính biểu tượng;[52] 2] Không dẫn ý hay suy niệm đang khi rước; 3] Những lời hướng dẫn phải được sửa soạn trước và phải vắn tắt rõ ràng.[53]

        7. Tham dự sứ vụ bác ái sau cử hành(diakonia)

Có thể nói như Louise-Marie Chauvet thuộc Học viện Công giáo Paris, Thánh lễ gồm 3 phần: Phụng vụ Lời Chúa, Phụng vụ Thánh Thể và Phụng vụ Hàng xóm.[54] Lệnh truyền “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19; x. 1Cr 11,23-25) không có nghĩa là cử hành Thánh Thể chỉ giới hạn trong những bức tường của nhà thờ, nhưng các tín hữu còn được sai đi qua lời giải tán Thánh lễ: “Lễ xong, chúc anh chị đem đi bình an”. Đây là một hồng ân và trách nhiệm phải sống những gì vừa cử hành. Tức là các tín hữu phải sống như Tấm Bánh Thánh Thể sẵn sàng được bẻ ra và đem chia sẻ.[55]

Đức Benedicto viết rằng: “Không thể có sự tham dự tích cực vào các mầu nhiệm thánh nếu không đi kèm theo nỗ lực tham dự một cách tích cực vào đời sống của Giáo Hội nói chung, gồm cả việc dấn thân truyền giáo để đem tình yêu Chúa vào đời sống xã hội.”[56] Theo Tông thư Dies Domini, “Chúa Nhật cũng phải cống hiến cho tín hữu cơ hội để dấn thân làm những công việc của lòng thương xót nữa, của bác ái và tông đồ.”[57] Trong một bài huấn dụ, Đức Thánh cha Phanxicô đã đưa ra một loạt câu hỏi: “Bí tích Thánh Thể mà tôi cử hành, có đưa tôi tới với tất cả mọi người như anh chị em thực sự hay không? Nó có làm lớn lên trong tôi khả năng vui với người vui, khóc với người khóc hay không? Nó có thúc đẩy tôi tới với người nghèo, người bệnh, người bị gạt bỏ bên lề xã hội hay không?”[58]

Cha Pedro Arrupe, cựu Bề trên Tổng quyền Dòng Tên nói rằng:

Bất cứ nơi nào trên thế giới này còn đói khổ, thì việc cử hành Thánh Thể của chúng ta vẫn chưa trọn vẹn. Trong Thánh lễ, chúng ta tiếp nhận Đức Kitô đang đói khổ của thế giới. Người không một mình đến với chúng ta, nhưng đến cùng những anh chị em nghèo khổ, bị áp bức, đói rách trên trái đất. Qua Người, những anh chị em này đang tìm kiếm nơi chúng ta sự trợ giúp, công lý, tình yêu được diễn tả bằng hành động. Vì vậy, chúng ta không thể lãnh nhận Bánh Sự Sống một cách thích hợp trừ phi đồng thời chúng ta biết trao ban bánh sự sống cho những ai đang cần đến ở bất cứ nơi đâu và bất cứ khi nào chúng ta hiện diện.[59]

Cuối cùng, xin trích lại Kinh Nguyện Thánh Thể cầu cho các nhu cầu khác nhau (mẫu số IV):

Xin mở mắt cho chúng chúng con nhìn thấy những nhu cầu của anh em. Xin soi trí cho chúng con biết nói là làm những gì thích hợp để nâng đỡ những ai đang vất vả lầm than, những kẻ đang mang gánh nặng. Xin cho chúng con biết chân thành phục vụ những người ấy theo gương lành và mệnh lệnh của Đức Kitô. Xin cho Hội Thánh trở thành nhân chứng sống động của chân lý và tự do, công lý và hòa bình, để hướng mọi người về niềm hy vọng mới.

Bởi vậy, bên cạnh việc cử hành Thánh lễ, giáo xứ nên tổ chức các hoạt động bác ái và mời gọi giáo dân tham gia cộng tác vào đó. Nhờ vậy, họ học được cách hiến dâng chính mình như Chúa Kitô và trung thành tiếp tục sứ vụ cứu độ của Ngài.[60]

  1. Tóm kết

Chúng ta tham dự và tham dự tích cực vào Thánh lễ [Chúa nhật] không phải theo tính cách pháp lý bó buộc cho bằng vì những lý do sau: 1] Do Phép Rửa, chúng ta trở thành con cái của Thiên Chúa và của Giáo Hội; 2] Thánh Thể làm nên Giáo Hội, và việc cử hành mầu nhiệm Thánh Thể là việc cử hành của toàn thể Giáo Hội; 3] Chúng ta cần được nuôi dưỡng, no thỏa và biến đổi bởi Lời Chúa và Thánh Thể vốn được trao ban cho chúng ta trong Thánh lễ; 4] Cùng với các chi thể khác trong Giáo Hội, chúng ta dâng lời chúc tụng, tri ân Chúa và kính mừng mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Kitô, Đấng đã hoàn tất mầu nhiệm cứu chuộc chúng ta qua cái chết và sự phục sinh của Ngài; và ngày ngày công trình cứu chuộc vẫn diễn ra trong Thánh lễ.

Việc tham dự tích cực biểu lộ ra bên ngoài cốt ở chỗ chúng ta không tham dự như người quan sát, thụ động, như những khách bàng quan, câm lặng nhưng tham gia vào mọi chi tiết cử hành từ cử chỉ, tư thế cho đến ngôn ngữ và cả âm nhạc trong phụng vụ, chính xác hơn, là nhận chìm mình vào trong toàn bộ hành vi nghi thức. Còn thể hiện ở bên trong là đi vào chiều kích nội tâm của thái độ cầu nguyện “trong thần khí và sự thật” (Ga 4,24), là lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần, mau mắn thi hành trong Thánh lễ và sau đó là cả ngoài Thánh lễ nữa, tức là gắn kết giữa cử hành phụng vụ và đời sống. Hoa trái của sự tham dự tích cực vào Thánh lễ làm cho chúng ta ngày càng học biết hiến dâng chính mình cho Thiên Chúa và cho tha nhân. Những dấu chỉ ngoại tại của sự tham dự sẽ nuôi dưỡng sự tham dự nội tại của chúng ta trong việc hợp nhất hy lễ của chúng ta với hy lễ của Chúa Kitô đang được cử hành. Sự hợp nhất này được coi là sự tham dự cao nhất vào việc cử hành mầu nhiệm Thánh Thể.

Lm. Giuse Phạm Đình Ái,SSS


[1] Sacrosanctum Concilium (= PV).

[2] Đây cũng chính là tư tưởng và lập luận của Đức Giáo hoàng Piô X. Phụng vụ vốn là nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống Hội Thánh; và không một hành vi nào khác của Giáo Hội có hiệu lực bằng, xét cả về danh hiệu lẫn đẳng cấp (Xc. PV 7; 10); “Cử hành Thánh Thể là trung tâm của toàn bộ đời sống Kitô hữu” (Nghi thức Hiệp lễ và Tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh lễ, số 1)

[3] Bởi vì trong một thời gian rất dài trước đó, kể từ thời Trung cổ, các tín hữu không còn tham gia tích cực như thời Giáo Hội sơ khai nữa, họ đã trở nên thụ động hơn trong cử hành phụng vụ, nhất là Thánh lễ, và càng ngày phụng vụ càng trở nên như hành động của hàng giáo sĩ.

[4] Những hạn từ được sử dụng cùng với từ tham dự là sciens, actuosa, fructuosa, conscia, plena, pia, facilis, interna, externa trong PV 10-12, 19, 21, 30-31, 36, 38, 40, 54, 63, 78-79, 101, 104.

[5] PV 14.

[6] PV 48.

[7] Tự sắc Tra le sollecitudini (1903) của Đức Piô X; Sắc lệnh Quam singulari (1910) của Thánh Bộ Kỷ luật Bí tích; Thông điệp Mediator Dei (1947) và Musicae sacrae (1955) của Đức Piô XII; De musica sacra et sacra liturgia (03/09/1953) của Bộ Phụng tự. Gần đây nhất, chủ đề về sự tham dự tích cực vào cử hành phụng vụ cũng được bàn đến trong Tông huấn Sacramentum caritatis (22/02/2007) của Đức Giáo hoàng Benedicto XVI.

[8] Xc. PV 36; 54.

[9] Như đã được thực hành trong những thánh đường ở Rôma cổ xưa.

[10] Xc. PV 33; 35.

[11] Xc. Malcolm Ranjith, “The Eucharistic Spirituality of the Church: Formation, catechesis – and assessment of results – are essential for true liturgical reform”, AdoremusOnline Edition – April 2006, Vol. XII, No. 2.

[12] Bản Tường trình của Hội đồng Giám mục Miền Nam Việt Nam gởi Tòa Thánh, Xc. Notitiae 4 (1968), 265-266 tronghttp://www.hdgmvietnam.org/phung-tu-tai-viet-nam-trong-50-nam-qua-1960-2010-1/2363.103.12.aspx.

[13] Xc. Thư mục vụ của HĐGMVN, năm 2001, số 21 trong http://www.hdgmvietnam.org/phung-tu-tai-viet-nam-trong-50-nam-qua-1960-2010-1/2363.103.12.aspx

[14] Trích trong “Phụng tự tại Việt Nam trong 50 năm qua (1960-2010)” từhttp://www.hdgmvietnam.org/phung-tu-tai-viet-nam-trong-50-nam-qua-1960-2010-1/2363.103.12.aspx.

[15] Xc. Bộ Giáo luật (= GL) 1246-1247; Giáo lý Hội Thánh Công giáo (= GLCG) 2181.

[16] Alleluia; Santus; Tung hô tưởng niệm; Amen long trọng…

[17] Bộ Phụng tự Thánh, Chỉ dẫn Thánh lễ cho Trẻ em (ban hành ngày 01/11/1973).

[18] Annibale Bugnini, trích lại trong Panmela Jackson, An Abundance of Graces: Reflections on Sacrosanctum Concilium(Chicago/ Mundelein, Illinois: HillenbrandBooks, 2004), 51.

[19] PV 11 và 19.

[20] Ibid., 16.

[21] Xc. Jorge A. Cardinal Medina Estévez, “Commentary on the Instruction Redemptionis Sacramentum: Participating in the Sacred Liturgy” trong Cardinal Reflections: Active Participation and the Liturgy, 32-33.

[22] Xc. PV 35; Sacramentum caritatis 64.

[23] PV 14; 42.

[24] Cũng như thực hành lectio divina đối với Lời Chúa, lectio divina phụng vụ được tiến hành bằng cách đọc chậm rãi những bản văn lời nguyện phụng vụ (lectio), chẳng hạn những Kinh nguyện Thánh Thể…; suy gẫm và chia sẻ cho nhau những cảm nhận của cá nhân về kinh nguyện (meditatio), cùng nhau cầu nguyện trên bản văn này (oratio); cuối cùng là thinh lặng trước mầu nhiệm Thiên Chúa chứa đựng trong bản văn.

[25] Xc. PV 15-19.

[26] Xc. Ibid., 11.

[27] Sacramentum caritatis 55; Xc. GLCG 1072.

[28] Xc. “Giáo dân với các thừa tác vụ” trong Hợp Tuyển Thần Học, số 34, Năm thứ XII (2002).

[29] Monique Brulin, “Services et ministères dans l’ assemblée” trong Joseph Gelineau, Dans vos assemblées, vol. II(Desclée, 1989), 339.

[30] Xc. Tông Huấn Familiaris consortio, số 66; Hội đồng Giáo Hoàng về Gia đình, Chuẩn bị Bí tích Hôn nhân, số 47 và 68.

[31] Kevin W. Irwin, Responses to 100 Questions on the Mass (New Jersey: Paulist Press, 1999), 58.

[32] Xc. PV 52; “De homilia” trong Notitiae19 (1983), 834.

[33] Xc. PV 55; QCSL 13; 85; Marie-Noelle Thabut, “Les membres de l’ assemblée”, trong Joseph Gelineau, op. cit., 332.

[34] Xc. A.G. Martimort, “Structure and Laws of the Liturgical Celebration” trong A. G. Martimort (ed.), The Church at Prayer, vol. I (Collegeville, Minnesota: The Liturgical Press, 1992), 97.

[35] Xc. GL 912; 915; 916. Ở đây không nêu các trường hợp khác không được rước lễ như bị vạ tuyệt thông hay cấm chế…

[36] Xc. Sacramentum caritatis 55.

[37] GL 916.

[38] Xc. QCSL 13; 85.

[39] Musicam sacram (1967) số 19.

[40] Xc. QCSL 103; Tiến sĩ Helmut Hucke: “Sau việc rước lễ, ca hát chung là hình thức giúp mỗi ca nhân tham gia vào phụng vụ một một cách sâu xa nhất…” (Le chant liturgique après Vatican II, Paris 1966, 38-39).

[41] Ủy ban Thánh nhạc – Hội đồng Giám mục Việt Nam, Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc (= MVTN), phát hành tháng 04 năm 2014. Đức TGM Phaolô Bùi Văn Đọc – chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam – cho thử nghiệm trong thời gian 3 năm, từ ngày 28/04/2014.

[42] Xc. MVTN 103.

[43] Xc. Ibid., 41.

[44] Xc. Ibid., 20.

[45] Trước câu hỏi: Suy niệm trong thinh lặng sau bài giảng có thích đáng không và trong lúc thinh lặng có thể dạo đàn phong cầm cách nhẹ nhàng không? (Estne opportunum post homiliam in silentio meditari? Potestne organum leviter edi dum hoc silentium servatur?) thì Notitiae 9 (1973), 192 đã trả lời: Thinh lặng sau bài giảng là thích đáng (Est valde opportunum) và có thể dạo đàn phong cầm cách thực sự êm nhẹ nhàng để không làm người ta chia trí nhưng giúp họ cầm trí suy niệm (Potest, dummodo vere leviter fiat et a meditatione non distrahat, sed illi faveat).

[46] Xc. PV 30; QCSL 45.43.51.54-56.66.84.127-128.130.136.164-165 (Cần thinh lặng hơn, không cần nhiều lời hơn).

[47] Xc. PV 11; QCSL 18; 20;

[48] Xc. Marie-Noelle Thabut, “Les membres de l’ assemblée”, trong Joseph Gélineau, op. cit., 325.

[49] Theo Sách lễ Roma 2002 – ấn bản thứ III.

[50] Kevin W. Irwin, Responses to 100 Questions on the Mass, 34.

[51] Xc. QCSL 93; Jorge A. Cardinal Medina Estévez, “Commentary on the Instruction Redemptionis Sacramentum: Participating in the Sacred Liturgy” trong Cardinal Reflections: Active Participation and the Liturgy, 32-33.

[52] Marie-Noelle Thabut, “Les membres de l’ assemblée”, trong Joseph Gelineau, op. cit., 337.

[53] Xc. Jorge A. Cardinal Medina Estévez, op. cit., 32-33.

[54] Symbol and Sacrifice (Collegeville, Minnesota., 1995) Trích lại trong Eucharist: The Basic Spiritualityhttps://theeucharist.wordpress.com/index/chapter-7-the-post-eucharist-mission/

[55] Xc. GLCG 1070; QCSL 90c; Ecclesia de Eucharistia 20.

[56] Xc. Sacramentum caritatis 55.

[57] NCC 69; Xc. QCSL 140; NCC 70-73.

[58] Xc. ĐGH Phanxicô, “Bí tích Thánh Thể phải đưa chúng ta tới cuộc sống bác ái quảng đại và tha thứ” ngày 12/02/2014 trong http://www.vietcatholic.net/News/html/121564.htm.

[59] Diễn văn tại Đại Hội Thánh Thể ở Philadelphia, Hoa Kỳ (ngày 2 tháng 8/1976).

[60] Xc. PV 48; QCSL 79f.