Các Hình Thức Tôn Thờ Thánh Thể (Phần 2)

CUNG NGHINH THÁNH THỂ

  • CUỘC RƯỚC THÁNH THỂ (LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ)

Những cuộc rước Thánh Thể cách công khai nên được đẩy mạnh ở khắp nơi, đặc biệt trong ánh sáng tấm gương của đức cố giáo hoàng Gioan Phaolô II, ngài thường xuyên tham dự cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa Kitô từ quảng trường thánh Phêrô đến những con đường của Rôma. Tuy nhiên, một cuộc rước kiệu như thế phải được trù liệu một cách cẩn thận. Nếu cuộc rước đi qua các đường phố…bên ngoài khuôn viên Nhà thờ, chỉ có đức giám mục giáo phận mới có quyền thiết lập các luật lệ để bảo đảm Thánh Thể được tôn kính, việc cử hành được xứng đáng và mọi người tham dự cách trọn vẹn.[1] Những gì được mô tả dưới đây về cuộc rước Thánh Thể sau lễ trọng Mình Máu Thánh Chúa Kitô cũng có thể áp dụng cho những dịp trọng đại khác khi cử hành việc tôn thờ Chúa ví dụ “sau thời gian dài chầu Thánh Thể”[2] chẳng hạn như giờ chầu trọng thể hằng năm hay chầu 40 giờ.

Mọi thứ được chuẩn bị như sau:

a] Thánh lễ trọng với phẩm phục màu trắng;

b] Đốt 4 hay 6 cây nến trên Bàn thờ;

c] Một bánh lễ đặc biệt của chủ tế được đặt trên đĩa thánh hay được chuẩn bị trong một Mặt nhật sẽ được truyền phép sẽ được sử dụng trong cuộc rước;

d] Đặt một Mặt nhật sẵn sàng trên bàn đồ lễ;

e] Có thể trưng thêm hoa nến trong cung thánh để làm giàu thêm ý nghĩa và tầm quan trọng của dịp lễ này.

f] Một áo choàng màu trắng có thể được đặt gần ghế chủ toạ.

  1. CHUẨN BỊ CHO CUỘC RƯỚC

Đang khi hiệp lễ thì chuẩn bị một bình hương thứ hai trong phòng thánh, hai bình hương sẽ được hai giúp lễ mang theo trong cuộc rước. Chuẩn bị một phương du 4 hoặc 6 chân bên ngoài cung thánh, tốt nhất là gần chỗ ngồi của những người đã được huấn luyện để kiệu phương du. Các lễ sinh mang nến hoặc đèn và để bảo vệ đèn hay nến khỏi tắt có thể sử dụng thêm kính che. Chỉ những băng rôn về Thánh Thể mới được mang theo đoàn rước, không bao giờ kiệu hình ảnh Đức Mẹ hay các thánh trong dịp này. Những băng rôn của các nhóm hay các phong trào công giáo có thể được các vị đại diện cầm theo. Một băng rôn về Thánh Thể có thể thay cho Thánh giá đoàn rước, thông thường những người đi theo đoàn rước sẽ cầm nến. Theo tập tục ở nhiều nơi, một số trẻ em sẽ đi tung hoa trước Thánh Thể, nên huấn luyện chúng thao tác vừa cung kính vừa trật tự và không làm cản trở cuộc rước, các thành viên của lực lượng quân đội cảnh sát hướng đạo hay đoàn thể khác có thể hộ tống đoàn rước qua các đường phố. Theo tập quán, một ca đoàn có thể hát hay một dàn nhạc có thể phục vụ.

Tuyến đường đi của cuộc rước phải xác định một cách cẩn thận, nên sử dụng các loa phóng thanh ở một số địa điểm và chương trình được in sẵn để giúp dân chúng tham dự cuộc rước một cách trọn vẹn hơn và giúp cho những ai nhìn xem cuộc rước được lôi kéo vào cuộc cử hành. ở một số quốc gia người ta có thói quen trang hoàng những toà nhà dọc theo đường đi rước.[3] Nếu đoàn rước dài vị chủ sự có thể dừng lại để ban Phép lành tại “các Bàn thờ” được thiết lập ở những trạm thuận tiện trên đường đi.[4] Trạm cuối cùng vị chủ sự ban Phép lành trọng thể. Trạm cuối cùng này có thể ở trong hay ở ngoài Nhà thờ bắt đầu cuộc rước, nhưng cũng có thể ở một Nhà thờ khác hay ở một nơi thích hợp nào đó mà dân chúng có thể dễ dàng tụ tập.[5]

Thánh lễ mừng kính trọng thể Mình Máu Thánh Chúa Kitô được cử hành theo thói quen địa phương. Trong bài giảng nên giải thích ý nghĩa thiêng liêng và thần học của cuộc rước. Những hướng dẫn nhằm trợ giúp các tín hữu tham dự cuộc rước cũng nên được nêu ra trong bài giảng hay lúc khởi sự cuộc rước những bài thánh ca và tung hô dược hát trong đoàn rước tập trung và Chúa Kitô.[6]

Vào lúc bẻ bánh, Mình Thánh sử dụng trong cuộc rước hoặc được đặt riêng trên đĩa thánh hay trong một Mặt nhật (trừ khi bánh được thánh hiến sẵn trong Mặt nhật). Đang khi hiệp lễ, một tá viên sẽ mang Mặt nhật lên Bàn thờ và đặt ở bên trái của khăn thánh. Lấy Sách lễ (và giá sách) ra khỏi Bàn thờ. Trong phòng thánh, hai giúp lễ chuẩn bị hai bình hương đầy than cháy và đem chúng ra cung thánh, dẫn đầu là lễ sinh mang đèn nến, trừ khi những người này đã có mặt tại cung thánh từ Kinh nguyện Thánh Thể, việc tráng chén tốt nhất nên diễn ra tại bàn đồ lễ. Giáo sĩ không đồng tế có thể mặc áo trắng dài (alba) để tham dự cuộc rước. Nên phân phát nến cho mọi người và nến được đốt lên.

Thầy phó tế, hay nếu thầy vắng mặt, vị chủ sự sẽ đi đến Bàn thờ. Ngài đặt Mình Thánh vào trong Mặt nhật, đặt Mặt nhật trên khăn thánh và cúi sâu. Sau đó, phó tế đi đến ghế chủ toạ. Nơi đây vị chủ sự hát hoặc đọc Lời nguyện Hiệp lễ. Lúc này không ban Phép lành và đọc công thức giải tán. Tại ghế chủ toạ, vị chủ tế cởi bỏ áo lễ và mặc áo choàng trắng. Nếu Mặt nhật quá nặng hay đoàn rước quá dài, có thể sử dụng một dây treo quanh cổ của ngài phía trên dây stola nhằm giảm bớt sức nặng của Mặt nhật. Theo sự hướng dẫn của MC, người cầm Thánh giá và nến vào vị trí của mình ở đường giữa Nhà thờ để từ đây họ sẽ dẫn đầu cuộc rước.[7] Các vị đồng tế và các giáo sĩ khác theo sau Thánh giá nến cao và đi trước phương du. Vị chủ sự, các phó tế, MC, lễ sinh cầm nến và cầm bình hương xếp hàng trước Bàn thờ cúi sâu rồi quỳ xuống

  1. CHÍNH CUỘC RƯỚC

Mọi người quỳ xuống trong khi hát bài thánh ca tôn thờ Thánh Thể. Chuẩn bị bình hương đang khi đặt Mình Thánh. Xông hương Mình Thánh như thường lệ. Sau đó thầy phó tế đi đến Bàn thờ với vị chủ sự, cả hai cúi sâu, và phó tế cầm lấy Mặt nhật rồi đặt Mặt nhật vào trong tay của vị chủ sự đang phủ khăn. Nếu không giáo sĩ nào hỗ trợ, chính vị chủ sự đi đến Bàn thờ và tự cầm lấy Mặt nhật trong đôi tay đang phủ khăn của mình.

Mọi người tham dự cuộc rước đứng. Vị chủ sự cầm Mặt nhật đi ra phía trước Bàn thờ. [Thầy phó tế hay một người giúp lễ có thể giữ lưng áo choàng của ngài khi ngài di chuyển từ từ tiến về một điểm xác định, nơi đây những người kiệu phương du gặp ngài và nâng phương du trên ngài và các phó tế]. Lễ sinh cầm bình hương và tẩu hương đi trước phương du khi bài thánh ca đầu tiên được cất lên, đoàn rước sẽ di chuyển theo trật tự sau đây:[8] 1) Thánh giá nến cao; 2) Các ban ngành đoàn thể cùng với cờ quạt của họ; 3) nam nữ tu sĩ trong tu phục của họ; 4) Giáo sĩ trong phẩm phục của riêng họ (và áo choàng); 5) Các vị đồng tế; 6) Hai giúp lễ cầm bình hương đi trước phương du, lắc bình hương với tay phía trong của họ.[9]

Trực tiếp ở dưới phương du là vị chủ sự đang mang Mặt nhật ở tầm ngang mắt cùng với các phó tế hay người giúp lễ đi bên cạnh và ở phía sau ngài một chút (giữ lưng áo choàng của ngài nếu cần thiết). Ngoài ra, không ai khác được đi dưới phương du. Lễ sinh cầm đèn nến đi dọc theo hai bên của phương du theo thói quen địa phương. Các lực lượng cảnh sát, hướng đạo hay phong trào giới trẻ công giáo… cũng có thể đi theo phương du nhưng phải xắp xếp xa khỏi các lễ sinh cầm đèn nến và cần phải tạo một không gian thông thoáng không làm cản trở vị chủ sự đang mang Mặt nhật.

Những hướng dẫn viên trong Nhà thờ điều động dân chúng đi vào cuộc rước đằng sau phương du và khuyến khích họ tham dự tích cực vào việc ca hát và tung hô. Ca đoàn sẽ dẫn dắt việc ca hát. Ca đoàn ở giữa dân chúng hay ở một địa điểm thích hợp. Đoàn rước nên di chuyển từ từ và cung kính. Tất cả những ai trong đoàn rước không mang theo gì thì có thể cầm nến. Trẻ em được huấn luyện để tung hoa được xếp chỗ theo thói quen địa phương nhưng chúng không được hoà lẫn vào các giáo sĩ và các người giúp lễ.

Nếu đức giám mục mang Mặt nhật, hai thầy phó tế mặc áo phó tế (hay nếu không có phó tế thì các vị đồng tế) đi bên ngài, và lui ra phía sau ngài một chút [tay giữ áo choàng của ngài]. Có thể có những thay đổi khác trong trật tự đoàn rước, theo sau giáo sĩ là các thầy phó tế giúp lễ rồi tới các giới chức lãnh đạo của Nhà thờ chính toà và các linh mục khác mặc áo choàng. Theo sau những người trên là các đức giám mục khách, các ngài mặc áo choàng nhưng để đầu trần đi ngay phía trước giúp lễ cầm bình hương. Giới chức cao cấp hơn thì ở gần Mình Thánh hơn.[10] Các giám mục khách khác mặc áo choàng mà không đội mũ sọ cũng đi trong đoàn rước nhưng ở phía sau phương du. Giới chức càng cao thì càng gần Thánh Thể hơn, trong trường hợp này, các ngài đi trước những người khác trong trật tự đoàn rước.[11]

Nếu đức giám mục không mang Mặt nhật, ngài đi ngay trước phương du, tay mang gậy giám mục nhưng không đội mũ sọ và không ban Phép lành cho dân.[12] Nếu đức giám mục đã cử hành Thánh lễ, ngài mặc lễ phục chứ không mặc áo choàng trắng, những vị giám mục khác trong phẩm phục giám mục đi ngay sau phương du.

Khi đoàn rước đi qua các đường phố hay những điểm ấn định, tín hữu nào không đi trong đoàn rước thì nên quỳ khi Thánh Thể đi ngang qua. Như đã lưu ý ở trên, đoàn rước có thể dừng lại tại các “Bàn thờ”để chủ sự ban Phép lành.

Trên đường trở về Nhà thờ hay đi tới Nhà thờ khác đã được chọn và chuẩn bị để vị chủ sự ban Phép lành cuối cùng, những người theo giúp nghi lễ, những người cầm đèn nến và cầm bình hương sẽ đi trước phương du nếu lối đi hẹp, những người kiệu phương du dừng lại trước cung thánh khi vị chủ sự đi lên Bàn thờ, họ di chuyển sang một phía và đưa phương du vào một nơi thích hợp. Vị chủ sự đặt Mặt nhật trên khăn thánh, cúi mình. Những người giúp lễ và cầm đèn nến đi vào trong cung thánh để nhận Phép lành.

Vị chủ sự, các thầy phó tế hay những người giúp lễ nên chờ đợi cho đến khi dân chúng ổn định chỗ ngồi trong Nhà thờ và quì xuống, MC sẽ ra hiệu, cộng đoàn sẽ hát một bài tôn thờ Thánh Thể, Mình Thánh Chúa được xông hương và ban Phép lành như thường lệ. Trừ khi tiếp tục chầu Thánh Thể, Mặt nguyệt được lấy ra khỏi Mặt nhật và cộng đoàn hát bài thánh ca cuối cùng tung hô Chúa hoặc một bài về Đức Mẹ. Giáo sĩ và những người giúp lễ tuần tự tiến vào phòng thánh.

Nếu ban Phép lành cuối cùng ở ngoài trời từ những bậc cấp lên Nhà thờ hay một nơi khác, nghi lễ sẽ được xắp xếp cho thích ứng. Bài thánh ca lúc ban Phép lành chỉ nên bắt đầu một khi toàn thể dân chúng đã quy tụ quì gối hay đứng ổn định trong những khu vực đã được qui định. Sau khi ban Phép lành, một thừa tác viên sẽ mang Thánh Thể về một Nhà tạm để cất giữ.

III. CUNG NGHINH THÁNH THỂ  (NHỮNG DỊP KHÁC)

Cung nghinh Thánh Thể là một hành động mang tính thánh thiện trong đó các giáo sĩ và giáo dân cùng bước đi từ nơi này đến nơi kia trong một cuộc rước nhằm mục đích phụng thờ Thiên Chúa một cách cụ thể qua việc tôn vinh Thánh Thể Chúa được đặt trong Hào quang. Trong cuộc rước này, thông qua các hành động, lời ca tiếng hát, kinh nguyện và suy niệm…các tín hữu làm chứng đức tin một cách công khai vào sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể và biểu lộ lòng sùng kính đối với Nhiệm tích này;[13] các tín  hữu cũng cầu xin ân huệ của Chúa, cảm tạ Chúa vì muôn vàn hồng ân đã nhận được và xin Chúa thứ tha mọi tội lỗi xúc phạm đến Ngài.[14] Cuộc rước cung nghinh Thánh Thể có thể được tổ chức đi bên trong Nhà thờ, đi chung quanh Nhà thờ hoặc khu vực Đền Thánh, hay đi từ Nhà thờ này đến Nhà thờ kia.[15]  

Tổ chức cung nghinh Thánh Thể sẽ có hình thức và nội dung gần tương tự như cuộc rước Thánh Thể sau Lễ Mình Máu Chúa Kitô như vừa nêu trên. Những việc cần làm như sau:

  1. Xác định thời gian, địa điểm, đường rước, thứ tự cuộc rước.. để đảm bảo cuộc cung nghinh Thánh Thể được trang nghiêm sốt sắng và không mất đi lòng cung kính đối với Bí tích Cực thánh này.
  2. Lập một số “trạm hay chặng Thánh Thể” (statio– có thể 3-4 trạm dừng) trên đường rước tùy độ dài của cuộc cung nghinh cũng như địa thế của môi trường chung quanh để thừa tác viên cầm Hào quang sẽ dừng lại ở đây và đặt Hào quang lên bàn thờ. Mỗi trạm Thánh Thể nên có một cái bàn được phủ bằng khăn trắng, được trang hoàng hoa nến gần như “bàn thờ” dâng lễ trong Nhà thờ. Tại mỗi chặng này, sau khi linh mục đặt Hào quang lên bàn thờ và xông hương, cộng đoàn lắng nghe công bố Lời Chúa[16]và suy niệm về Thánh Thể, tham dự vào những lời nguyện, biểu lộ tâm tình thờ lạy Thánh Thể và đón nhận Phép lành Thánh Thể từ vị chủ sự.[17]
  3. Cuộc cung nghinh Thánh Thể có thể bắt đầu sau Thánh lễ với Bánh Thánh vừa được truyền phép trong chính Thánh lễ đó sẽ được đặt vào Hào quang đem đi trong đoàn rước; hoặc cung nghinh Thánh Thể cũng có thể bắt đầu khi kết thúc một thời gian dài cộng đoàn giáo xứ tôn thờ Mình Thánh Chúa cách trọng thể.[18]
  4. Thứ tự cuộc rước cung nghinh Thánh Thể như sau:

*Trước phương du

1] Thánh giá nến cao (một người cầm Thánh giá đi giữa hai người cầm nến)

2] Hai người giúp lễ cầm bình hương và tàu hương

*Dưới phương du

3] Vị chủ sự mang Hào quang

4] Các thầy phó tế (hoặc giúp lễ) theo sau vị chủ sự

* Sau phương du

5] Các tín hữu

  1. Linh mục chủ sự cầm Hào quang trong đoàn rước có thể mặc phẩm phục áo lễ nếu cung nghinh Thánh Thể diễn ra ngay sau Thánh lễ. Nếu không diễn ra sau Thánh lễ, ngài có thể mặc áo alba, đeo dây stola màu trắng, mặc áo khoác (cope) và khăn vai phủ đôi tay cầm Mặt nhật.[19]
  2. Khi đi rước, ca đoàn cùng cộng đoàn sẽ hát những bài thánh ca biểu lộ niềm tin vào Chúa Kitô Thánh Thể và giúp cộng đoàn hướng lòng trí về một mình Người.  
  3. Kết thúc cuộc cung nghinh Thánh Thể, linh mục chủ sự sẽ ban Phép lành Thánh Thể như trong các giờ chầu trọng thể tại trong một Nhà thờ hay tại một nơi thích hợp ngoài Nhà thờ.[20]Sau đó, Mình Thánh được đem cất vào Nhà tạm.[21]
  4. Trước khi ra về, cộng đoàn có thể hát một bàicacảm tạ Thiên Chúa. 

Tháng 08/2014

Lm. Giuse Phạm Đình Ái, sss

Tỉnh Dòng Thánh Thể Việt Nam

[1] Xc. Giáo luật số 944#1; Redemptionis Sacramentum  số 142-144; Eucharistiae Sacramentum số 101.

[2] Xc. Eucharistiae Sacramentum số 103.

[3] Xc. Caeremoniale Episcoporum số  392.

[4] Xc. Eucharistiae Sacramentum số 104.

[5] Xc. Ibid., số 107-108.

[6] Xc. Caeremoniale Episcoporum số  392.

[7] Nếu có nhiều đoàn thể tham gia đoàn rước thì những người cầm Thánh giá nến cao sẽ dẫn họ ra khỏi Nhà thờ vào lúc này.

[8] Trật tự này được thích ứng theo Caeremoniale Episcoporum số 301.

[9] Họ không nên đi giật lùi. Người cầm tầu hương đi bên cạnh họ chứ không đi ở giữa. Khi cần thiết, người cầm tàu hương sẽ đi đến người cầm bình hương và bỏ hương vào bình hương.

[10] Xc. Caeremoniale Episcoporum số 1100.

[11] Xc. Ibid., số 391.

[12] Xc. Ibid.

[13] Xc. Eucharistiae Sacramentum số 101.

[14] Xc. Caeremoniale Episcoporum số 1093.

[15] Xc. Eucharistiae Sacramentum số 107.

[16] Xin giới thiệu 4 đoạn Tin Mừng có thể được công bố tại mỗi trạm (chặng) Thánh Thể: Chặng thứ I: Mt 26, 17-19. 26-29; Chặng thứ II: Mc 8, 1-9; Chặng thứ III: Lc 24, 13-16. 28-35; Chặng thứ IV: Ga 17, 20-26.

[17] Xc. Eucharistiae Sacramentum  104.

[18] Xc. Ibid., số 103.

[19] Xc. Ibid., số 105.

[20] Xc. Ibid., số 108.