TẶNG PHẨM HY TẾ CỦA ĐỨC KITÔ
Nếu một người công giáo bình thường được hỏi: “Khi nghe nói đến hạn từ “Bí Tích Thánh Thể”, hình ảnh nào sẽ nổi lên trong tâm trí của bạn? “, chắc chắn, câu trả lời sẽ cho chúng ta thấy nhiều khía cạnh của Bí Tích Thánh Thể. Ví dụ, hình ảnh có thể đến với tâm trí người ta là một linh mục đang hơi cúi mình xuống trên bánh hay chén tại bàn thờ mà đọc : “Này là Mình Thầy…sẽ bị nộp vì các con…Này là chén máu Thầy…sẽ đổ ra cho các con.” Tiếp nữa, có lẽ là hình ảnh dân chúng xếp hàng lên hiệp lễ, họ đón nhận Mình Thánh với niềm xác tín qua lời đáp “Amen”. Hay một bức tranh khác nữa là hình ảnh của những người đang cầu nguyện thinh lặng trước Hào Quang hoặc trước Nhà Tạm chứa đựng Mình Thánh Chúa. Tất nhiên, đây chỉ là một vài hình ảnh tiêu biểu trong rất nhiều hình ảnh về Bí Tích Thánh Thể có thể đến với tâm trí người ta và chúng toát lên một số chân lý cũng như một số chiều kích của Nhiệm Tích Thánh Thể. Thực tế, Hy Lễ Tạ Ơn là một Bí Tích chứa đựng nhiều nét rạng ngời thiêng liêng. Trong những bài chia sẻ sau, chúng ta sẽ nỗ lực để khai mở một ít trong những nét huy hoàng rực rỡ đó.
Chúng ta sẽ bắt đầu với ví dụ đầu tiên ở trên mà hạn từ Bí Tích Thánh Thể gợi lên cho tâm trí người ta: đó hình ảnh của vị tư tế lúc truyền phép, ngài đọc : “Này là Mình Thầy…sẽ bị nộp vì các con; Này là chén máu Thầy… đổ ra cho các con.” Chân lý của Bí Tích Thánh Thể làm nền tảng cho khoảnh khắc truyền phép là gì? Tất cả chúng ta đều biết, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí Tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly. Bữa Tiệc này là một nghi lễ nhằm kỷ niệm một biến cố trung tâm lịch sử của người Do Thái, biến cố giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Khi người Do Thái dùng bữa ăn nghi thức đó trong Lễ Vượt Qua, họ không chỉ nhớ lại một biến cố của quá khứ mà còn là một lời hứa tiên tri cho họ về một cuộc giải thoát chưa đến, một cuộc giải thoát sẽ còn sâu rộng hơn, phổ quát và triệt để hơn. Về sau, đây chính là bối cảnh mà Chúa Giêsu giới thiệu tặng phẩm Thánh Thể của Ngài. Trong diễn tiến của bữa ăn nghi thức, Chúa Giêsu cầm lấy bánh không men từ bàn và nói trên bánh : “Này là Mình Thầy…sẽ bị nộp vì các con “. Tiếp theo, Ngài nâng chén rượu lên và nói trên chén rằng : “Này là máu Thầy, máu Giao Ước mới sẽ đổ ra cho các con…Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.” Với những lời long trọng ấy, Chúa Giêsu mặc khải Ngài chính là Con Chiên Hy Tế xóa tội trần gian. Khi Chúa Giêsu nói về thân mình Ngài “bị nộp vì các con” và về máu huyết Ngài “đổ ra cho các con”, Ngài đang tỏ cho thấy cái chết của Ngài trên thập giá là một biến cố cứu chuộc toàn thể nhân loại, một biến cố làm biến đổi và canh tân toàn diện lịch sử tâm linh của con người.
Sau này, việc gì sẽ xảy ra nếu những điều Chúa Giêsu đã truyền dạy thực hiện để tưởng nhớ đến Ngài được chúng ta làm lại, tức là, cử hành Hy Lễ Tạ Ơn? Điều sẽ “xảy ra” là cái chết trao ban sự sống và cứu độ của Đức Giêsu trên thập giá, nghĩa là, sự hiến thân hoàn hảo của Chúa Giêsu cho Chúa Cha vì chúng ta, sẽ đi vào thời khắc đặc biệt của chúng ta trong lịch sử cũng như liên hệ với cuộc sống của chúng ta ở đây và bây giờ. Hy tế đó của Chúa Giêsu được trao ban cho chúng ta, một cách Bí Tích, nhằm giúp chúng ta có thể nhập cuộc vào sự dâng hiến bản thân của Chúa Giêsu, để rồi chúng ta có thể nên một với Ngài trong hành động yêu mến và chúc tụng Thiên Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Như Đức Thánh Cha Benedicto XVI nói trong thông điệp đầu tiên của ngài : “Thánh Thể lôi kéo chúng ta vào trong hành động tự hiến của Chúa Giêsu… chúng ta bước vào trong chính sự tự hiến năng động của Ngài.” Nếu đây là những gì cử hành Thánh Thể hướng về, thì sẽ chẳng khó khăn gì mấy để hiểu lý do tại sao Thánh Lễ, xét như là phương thế, mà nhờ đó, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô vươn chạm đến cũng như ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta, phải có một vị trí trung tâm trong đời sống của người tín hữu công giáo.
Thánh Eymard đã nói về Thánh Thể bằng một ngôn ngữ rất cảm động, đó là Bí Tích mà cái chết cứu độ của Chúa Giêsu vươn chạm đến và ảnh hưởng đến cuộc sống chúng ta. Điều này, chúng ta có thể biết được qua việc trích dẫn vài hàng tư tưởng của ngài : “Hy tế Thánh Lễ chính là biểu tượng cho hy tế thập giá… Chúa Giêsu đã khám phá ra những phương thế để tự hiến mình làm của lễ trong một cách thức thường xuyên, thậm chí trong tình trạng vinh quang của Ngài.” “Thánh Lễ… là hành vi tôn vinh cao cả nhất có thể được dâng lên Thiên Chúa, là hành vi thánh thiện và lợi ích nhất cho chúng ta.” “Thánh Thể làm đại diện, gợi nhớ lại cái chết của Chúa chúng ta xét như là hành động tối cao và cuối cùng của tình yêu thương… Bí Tích Thánh Thể không có gì khác hơn là tình yêu bùng phát ra từ phòng Tiệc Ly.” Sự trân quý sâu sắc của thánh Eymard đối với Thánh Lễ luôn luôn như vậy trong suốt cuộc sống của cha, và dấu hiệu đầu tiên của sự trân quý đó được thể hiện rõ nét ngay trong thời thơ ấu của ngài. Cậu Phêrô Giulianô Eymard phải chờ đợi cho đến khi mười hai tuổi mới có thể được Rước Lễ Lần Đầu (điều này khá nghiêm ngặt vào thời đó). Nhưng trước đó vài năm, không gì có thể ngăn cản cậu phục vụ Thánh Lễ, và chúng ta biết rằng, cậu đã làm như vậy một cách chăm chỉ thường xuyên với tâm tình vui tươi, sự chu đáo và lòng đạo đức tuyệt vời.
Có nhiều điều để suy ngẫm, với lời ngợi khen và lòng biết ơn, về sự kiện cử hành Hy Lễ Tạ Ơn làm cho cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu vươn đến và mở rộng đến thời gian cũng như không gian của riêng mỗi người. Thông qua Thánh Lễ, chúng ta đang được liên tục tái kết nối với Chúa Giêsu, nối kết giữa lễ vật hy sinh của con người và Thiên Chúa phục sinh. Thông qua tặng phẩm Thánh Thể – vừa trong cử hành phụng vụ và vừa trong Bí Tích được lưu giữ nơi Nhà Tạm – chúng ta đều có thể sống liên tục trước sự hiện diện của Thiên Chúa Cha qua sự hiện diện của Chúa Con và trong sự hợp nhất với Chúa Thánh Thần. Một món quà như vậy – thử xem liệu chúng ta có thể nói được điều gì đó cách đặc biệt và trọn vẹn ý nghĩa về Bí Tích Cực Thánh không – cuối cùng, thực sự ngôn từ không sao diễn tả được.