VỊ TÔNG ĐỒ CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ
Chính tại thị trấn La Mure d’Isère, trong căn nhà nơi được sinh ra, thánh Eymard đã qua đời vào ngày 01 tháng 08 năm 1868. Khi đó thánh Eymard được 57 tuổi, 34 năm linh mục, vỏn vẹn 12 năm làm bề trên Hội Dòng do người thành lập. Những năm cuối đời, thánh Eymard gặp phải nhiều khốn cực: có những khó khăn lớn về tài chính, một số anh em rời bỏ Dòng, và những lời xì xầm tiêu cực liên quan đến khả năng quản trị của ngài. Làm việc quá sức cộng với những lo lắng đã làm cho thánh Eymard kiệt sức, để rồi đến cuối tháng 7 năm 1868, ngài đã suy sụp cả về thể lý lẫn tâm lý. Chịu đau đớn bởi bệnh thấp khớp và thần kinh tọa, thánh Eymard nghĩ rằng phương pháp chữa trị tại suối nước nóng sẽ giúp vơi bớt đau nhức; vì thế, ngài đã đi Vichy vào ngày 17 tháng 07. Nhưng vài ngày sau, điều gì đó đã buộc người trở lại ngôi nhà gia đình ở La Mure d’Isère.
Sau khi đến La Mure trong tình trạng toàn thân suy nhược, thánh Eymard đã bị đột quỵ khiến người dường như không thể nói được [bị cấm khẩu]. Sáng ngày 01 tháng 08, thánh Eymard cảm thấy mình sắp chết, và người đã nói lời “từ biệt” các chị của người. Từ đó đến trưa, sau khi thánh Eymard rơi vào cơn hôn mê, người ta đã đọc những lời kinh dành cho kẻ đang sinh cùng với Kinh Cầu Thánh Tâm Chúa Giêsu. Lúc 2 giờ 30 chiều, khi người ta nhấc nhẹ đầu của thánh Eymard lên để sửa chiếc gối kê đầu cho ngay ngắn, thánh Eymard đã cố gắng giơ tay chúc lành, hơi thở người lịm dần và người đã qua đời.
Trong khi hồi tưởng lại, chúng ta có thể nói rằng án tuyên thánh của thánh Eymard diễn tiến khá nhanh chóng. Bốn mươi năm sau khi thánh Eymard qua đời, năm 1908, án tuyên thánh cho người đã được đề trình lên Rô-ma. Năm 1925, thánh Eymard được tuyên phong lên bậc chân phước; ngày 09 tháng 12 năm 1962, người được tuyên phong lên bậc hiển thánh; thánh lễ tuyên phong hiển thánh cho vị sáng lập Dòng Thánh Thể diễn ra ngay sau ngày bế mạc phiên họp thứ nhất của Công đồng Vatican II.
Khi nhìn lại tất cả các giai đoạn của cuộc đời thánh Phêrô Giulianô Eymard, chúng ta có thể nói rằng ở nhiều khía cạnh thánh nhân là một người rất nghị lực và xông pha. Mặc dù gặp nhiều khó khăn và phải hy sinh rất nhiều, thánh Eymard vẫn trung thành và kiên định theo đuổi lý tưởng Thánh Thể, một lý tưởng mà người tin chắc sẽ rất ích lợi cho đời sống thiêng liêng của Giáo Hội cũng như sẽ làm rạng danh Thiên Chúa. Trong bức thư gởi cho một người bạn, thánh Eymard viết: “Mục đích mà chúng ta tận hiến chính mình hay hy sinh bỏ mình trong cộng đoàn nhỏ bé của chúng ta đây là để tôn vinh Chúa Giêsu Kitô trong Bí Tích Thánh Thể … để hiến dâng Thiên Chúa một sứ mạng cầu nguyện liên lỉ – chúng ta nhìn nhận Bí Tích Cực Thánh trong sự viên mãn của Bí Tích này. Chúng ta không chỉ muốn tôn thờ, phục vụ và yêu mến Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, nhưng một cách đặc biệt chúng ta còn muốn làm cho mọi tâm hồn nhận biết, phục vụ và yêu mến Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể nữa. Nhãn quan hay trực giác của thánh Eymard về Bí Tích Thánh Thể, đối với thời đại của người, là một trực giác hay sáng ý mang tính cách toàn diện rất đáng nể. Một số người còn xác nhận rằng, ở một vài khía cạnh nào đó, thánh Eymard là người dẫn đầu, người đi tiên phong trong thời đại của người; rằng thánh nhân đã tiền dự vào nhãn quan của Công đồng Vatican II về Bí Tích Thánh Thể. Vậy, nhãn quan hay lối nhìn về Bí Tích Thánh Thể như thế chứa đựng điều gì? Trong khi đang cố gắng đưa ra một bản toát yếu hay bản tóm tắt về tất cả những gì liên quan đến nhãn quan này, chúng ta có thể nói rằng đối với thánh Eymard, Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích để cử hành và lãnh nhận một cách thường xuyên, ngõ hầu làm cho ơn gọi tình yêu hay bác ái của người Kitô hữu được trở nên hiện thực; việc chiêm ngắm Bí Tích Thánh Thể là để đào sâu hơn nữa về ơn gọi tình yêu này; Bí Tích Thánh Thể là Bí Tích làm sinh động và duy trì ơn gọi của Kitô hữu cho công việc truyền giáo và phục vụ cận nhân.
Vậy, nhãn quan của thánh Eymard về Bí Tích Thánh Thể đã hiểu rõ được việc cử hành phụng vụ của các Kitô hữu Công giáo, tức là Thánh Lễ trong Giáo hội; việc nán lại hay ở lại cầu nguyện với Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể, tôn thờ [chầu] Thánh Thể, và rồi sau đó trở về mái ấm gia đình, nơi làm việc và những nơi chung để truyền đạt tất cả những thành quả của một đời sống quy hướng về Đức Kitô. Các khía cạnh này của việc sống Bí Tích Thánh Thể hoàn thành một cách tốt đẹp trong câu trích dẫn từ các bài viết của thánh Eymard: “Bí Tích Thánh Thể là sự sống của mọi người … Bí Tích Thánh Thể trao cho mọi người một luật sống, luật của bác ái mà Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch; Bí Tích Thánh Thể rèn nên mối tương quan ràng buộc chung hay đại đồng giữa con người với nhau, một mối tương quan thân thuộc mang tính chất Kitô giáo … Tại bàn thánh [bàn tiệc Thánh Thể] chúng ta là những người con lãnh nhận cùng một sự nuôi dưỡng như nhau; chúng ta làm nên một gia đình, một thân thể. Bí Tích Thánh Thể ban cho cộng đoàn Kitô hữu sức mạnh để họ thi hành đức ái với người thân cận. Đức Giêsu Kitô muốn mọi người yêu thương anh chị em của mình.”
Tôi tin rằng cuộc đời và giáo huấn của thánh Phêrô Giulianô Eymard có nhiều điều để nói với chúng ta, những người đang nỗ lực từng ngày để sống cuộc đời Kitô hữu vốn được nuôi dưỡng và khởi hứng bởi Bí Tích Thánh Thể. Và niềm xác tín này có thể được thừa nhận ngay cả khi chúng ta xét thấy mình đang sống trong một bối cảnh lịch sử, văn hóa và tôn giáo rất khác so với thời đại thánh Eymard. Cuộc đời của người là một đời sống được hình thành và đầy tràn sinh lực nhờ bởi quyền năng biến đổi của cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô; quyền năng có sức biến đổi ấy được thông truyền cho chúng ta qua Bí Tích Thánh Thể – và cuộc sống của chúng ta cũng cần trở nên như vậy. Cuộc đời của thánh Eymard thật dồi dào phong phú do bởi ngài đã phục vụ cách quảng đại và vô vị lợi đối với những người thân cận – và cuộc sống của chúng ta cũng cần trở nên như vậy. Bí Tích Thánh Thể có tác động mạnh mẽ đối với cuộc đời Kitô hữu, bất kể họ sống vào giữa thế kỷ 19 hay đầu thế kỷ 21.
Nếu chúng ta sống hay thực hành đức tin Công giáo một cách nghiêm túc, chắc chắn chúng ta phải lưu ý đến ân phúc lớn lao này là niềm khao khát và sự quyết tâm tăng trưởng mỗi ngày một hơn về thái độ biết đề cao và sống niềm tin đó. Đồng thời, niềm xác tín của chúng ta được xem như là một ân phúc lớn lao đến độ chúng ta có thể làm hết sức mình để đưa cuộc sống của chúng ta vào cuộc gặp gỡ thường xuyên với Chúa Giêsu Thánh Thể khi cử hành Thánh Lễ, cũng như những lúc cầu nguyện trước Bí Tích Thánh Thể bên ngoài Thánh Lễ. Trong hành trình sống cuộc đời Kitô hữu và đời sống Thánh Thể cách sâu sắc, chúng ta sẽ luôn luôn khám phá nơi thánh Phêrô Giulianô Eymard một người bạn đồng hành tuyệt vời và khởi hứng – một người chỉ giáo, hướng dẫn và khích lệ chúng ta trên từng bước chân của hành trình. Lạy thánh Phêrô Giulianô Eymard, Tông đồ Thánh Thể, xin cầu cho chúng con!