Tiệc Thánh Thể, sáng kiến tình yêu của Chúa Cha
Việc Đức Giê-su thiết lập bí tích Thánh Thể bắt nguồn từ sáng kiến tình yêu của Chúa Cha. Chính Chúa Cha là chủ nhân của Bữa Tiệc này khi thiết đãi toàn thể nhân loại Bánh bởi trời là chính Đức Giê-su Ki-tô, Con yêu dấu của Ngài.
Thánh Gio-an nhấn mạnh đến sáng kiến tình yêu của Chúa Cha trong chương trình cứu độ nhân loại bằng “của lễ đền tội” từ Chúa Cha: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu mến chúng ta và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội vì tội lỗi chúng ta” (1Ga 4,10). Đây chính là cơ sở để khi cử hành Bí tích Thánh Thể, mỗi Ki-tô hữu có thể xác tín cách tuyệt đối vào sáng kiến tình yêu của Chúa Cha, tình yêu tạo dựng và cứu độ của Người.[1]
Chúa Cha luôn yêu thương nhân loại và đi bước trước. Trong mầu nhiệm tạo dựng, chính Người đã làm ra tinh tú, vũ trụ, mọi loài mọi vật và cuối cùng là con người. Người cho họ sự sống và cộng tác vào công trình tạo dựng của Người. Trong mầu nhiệm nhập thể, chính Người đã ban Đức Giê-su Ki-tô, Con Một yêu dấu của Người cho nhân loại qua việc hạ sinh nơi cung lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Trong mầu nhiệm cứu độ, chính Người lại ban Đức Ki-tô là Bánh sự sống, Bánh cứu độ, Bánh bởi trời để nhân loại có được sự sống đời đời trong Nước hằng sống của Người. Như vậy, nhân loại và toàn thể vũ trụ này sẽ là không không đời đời nếu không có sáng kiến tạo dựng của Thiên Chúa, và mọi người cũng sẽ phải chết chết đời đời nếu không có sáng kiến cứu độ của Người.[2]
Trong Bí tích Thánh Thể, nhân loại lại được đón nhận sáng kiến tình yêu của Đức Giê-su, mà Đức Giê-su là Lời vĩnh hằng của Chúa Cha. Người không ngừng sinh ra từ Chúa Cha; không ngừng đón nhận Sự Hữu (Being) từ Tình Yêu của Chúa Cha và rồi hiến dâng lại cho Người và cho nhân loại. Đức Giê-su luôn ý thức mình là Hồng Ân, là Tặng Phẩm thần linh mà Chúa Cha ban cho nhân loại: “Bánh của Thiên Chúa là bánh từ trời xuống, bánh ban sự sống cho thế gian” (Ga 6,33).
Để đáp lại sáng kiến tình yêu của Chúa Cha, Đức Giê-su đã thiết lập Bí tích Thánh Thể qua việc hiến mình làm của lễ hy sinh dâng lên Chúa Cha và thành lương thực cho nhân loại kể từ Bí tích Thánh Thể đầu tiên. Chính vì thế, Đức Giê-su rất muốn nhân loại đón nhận Người, vì đón nhận Người là đón nhận hồng ân tình yêu Chúa Cha ban, hay có thể nói là đón nhận chính Chúa Cha.[3] Trong diễn từ về Bánh Trường Sinh, Đức Giê-su đã diễn tả sự thất vọng với những kẻ chỉ lo tìm kiếm của ăn mau hư nát: “Các ông hãy làm việc không phải để có lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,27). Muốn có được sự sống đời đời, mỗi Ki-tô hữu phải đón nhận Bánh Trường Sinh, Bánh chính Chúa Cha đã đóng ấn xác định: “Chính tôi là bánh đem lại sự sống. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ, vì tôi từ trời xuống, không phải để làm theo ý tôi, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai phái tôi” (Ga 6,35.38). Như vậy, cử hành Bí tích Thánh Thể là đón nhận Lời của Chúa Cha, đón nhận tình yêu mà Chúa Cha biểu lộ nơi Đức Giê-su, đón nhận Giao Ước Mới mà Chúa Cha đã ký kết nhờ máu của Đức Giê-su. Chính Đức Giê-su đã tự nguyện trở thành Giao Ước Mới và vĩnh cửu giữa Chúa Cha và nhân loại.[4]
Luật Sống Dòng Thánh Thể cũng nói về Bữa Tiệc Thánh Thể như kỳ công của Chúa Cha. Chính Chúa Cha đã mở Tiệc ấy như Giao Ước Mới nhằm cứu độ con người trong suốt dòng lịch sử nhân loại. “Cử hành Thánh Thể là hân hoan công bố những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử chúng ta. Ngày ngày, nếu được thì trong cộng đoàn với nhau, chúng ta tạ ơn vì Giao Ước Mới mà Thiên Chúa đã ký kết một lần thay cho tất cả trong máu Con của Người. Giao Ước ấy Người vẫn tái tục trong tình yêu luôn trung tín.”[5] Nhờ tình yêu luôn trung tín của Chúa Cha mà nhân loại được cứu độ bằng Tiệc Thánh Thể là Giao Ước Mới Chúa Cha đã ký kết với họ.
Ngày nay, khi cử hành Bí tích Thánh Thể, tác nhân không chỉ là Giáo hội dâng lời chúc tụng – tạ ơn Chúa Cha, nhưng chính Người tiếp tục tác động trên Bí tích này bằng sáng kiến tình yêu của mình: Người (Chúa Cha) ban cho nhân loại bánh từ trời là Đức Ki-tô (Xc. Ga 6,32), Đấng (Đức Ki-tô) trao mình làm lương thực cho nhân loại và cùng với Giáo hội lại dâng hiến hy lễ lên Chúa Cha. Nhờ việc dâng hiến này, Chúa Cha tiếp tục công cuộc thánh hóa qua việc sai Thánh Thần xuống để thánh hiến hy lễ và thánh hóa cộng đoàn cử hành.[6] Khi tham dự và đón rước Bánh bởi trời, Giáo hội tiếp tục lãnh nhận sứ mạng: nối dài và mở rộng sáng kiến tình yêu của Chúa Cha cho nhân loại và cho vũ trụ này. Như vậy, sáng kiến tình yêu của Chúa Cha luôn diễn ra trong tương quan với Ba Ngôi, vì thế khi đón nhận tình yêu ân ban ấy, con người cũng đón nhận luôn cả Ba Ngôi Thiên Chúa.
Tóm lại, Bí tích Thánh Thể là hy lễ tạ ơn Chúa Cha, là lời chúc tụng của Giáo hội dâng lên Chúa Cha để tỏ lòng tri ân vì sáng kiến tình yêu và mọi điều thiện hảo Người đã ban qua công trình sáng tạo, cứu độ và thánh hóa.[7] Như vậy, Bí tích Thánh Thể chính là Bữa Tiệc mà Chúa Cha khoản đãi con cái của Người đang lữ hành trên trần gian. Qua Bữa Tiệc này, những người con ấy cũng cảm nếm, tiền dự và thông hiệp vào Bữa Tiệc trên thiên quốc, Bữa Tiệc cánh chung, ở đó chính Chúa Cha là chủ nhân mở tiệc khoản đãi con cái mình.
5. Tiệc bảo đảm ngày mai huy hoàng rực rỡ (Bữa tiệc cánh chung)
Trong Điệp ca kinh “Magnificat”, Kinh chiều II của Lễ Trọng kính Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô, Giáo hội đã dùng câu của thánh Thomas Aquinô để tung hô mầu nhiệm Thánh Thể như sau:
“Ôi yến tiệc Mình và Máu Thánh
Chúa Ki-tô thành lương thực nuôi ta! (hiện tại)
Tiệc nhắc nhở Người đã chịu khổ hình
và đổ đầy ân sủng xuống cõi lòng nhân thế, (quá khứ)
tiệc bảo đảm cho ta
một ngày mai huy hoàng rực rỡ”.[8] (tương lai)
Tiệc Thánh Thể sẽ bảo đảm vinh quang rực rỡ mai sau cho nhân loại khi họ được tham dự vào tiệc cánh chung trên thiên quốc. Chính Đức Giê-su đã nói điều ấy cho các môn đệ trong Bữa tiệc ly như sau: “Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26,29; Lc 22,18; Mc 14,25). Vì thế, khi cử hành Bí tích Thánh Thể, người Ki-tô hữu “mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày trở lại của Đức Giê-su Ki-tô, Đấng cứu độ chúng con”.[9] Cũng trong niềm hy vọng ấy, họ tha thiết khẩn nguyện được “cùng nhau tận hưởng vinh quang Cha muôn đời, khi Cha lau sạch nước mắt chúng con, vì khi được thấy tường tận Cha là Thiên Chúa chúng con, thì muôn đời chúng con sẽ trở nên giống Cha và sẽ ca ngợi Cha khôn cùng”.[10] Như vậy, niềm hy vọng về bữa tiệc cánh chung cũng là niềm hy vọng về “trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị” (2Pr 3,13), ở đó mọi con cái cùng quây quần bên Cha để chiêm ngưỡng, ca ngợi và đồng bàn nơi tiệc Cha thiết đãi, chắc chắn ở đó sẽ không còn khóc lóc và nghiến răng.
Cũng vậy, trong Bữa tiệc ly, Đức Giê-su một lần nữa loan báo về Nước Trời, ở đó Bữa tiệc ly này được nên trọn và thành tiệc Vượt Qua Mới được Chúa Cha thiết đãi trong Nước của Người: “Quả thế, Thầy bảo anh em: Thầy sẽ không còn ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa” (Lc 22,16). Trong tiệc Vượt Qua Mới, chính Đức Giê-su Ki-tô là lễ Vượt Qua Mới được Chúa Cha thiết đãi. Chính nhờ lễ Vượt Qua Mới này mà mọi Ki-tô hữu được phục vụ tại bàn tiệc của Chúa Cha. Quả thật, Chúa Cha đã hoạch định kế hoạch để mọi Ki-tô hữu, những môn đệ trung thành với Đức Ki-tô, trở nên những vị khách được mời vào dự bàn tiệc của Người.[11]
Kế hoạch để mọi Ki-tô hữu được mời vào bàn tiệc trong Nước Trời chính là kế hoạch cứu độ của Chúa Cha. Thánh Phao-lô đã nói về kế hoạch này rất hay ngay khi mở đầu bức thư gửi cho tín hữu ở Ê-phê-sô “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô”, vì trong Đức Giê-su Ki-tô mà con người được “tạo thành”, được “trở nên vô tỳ tích” trong tình yêu của Chúa Cha; vì trong Đức Giê-su Ki-tô con người được chọn làm “nghĩa tử” của Chúa Cha; và vì trong máu của Đức Giê-su Ki-tô, con người được “cứu chuộc”, được “thứ tha các tội” tất cả đều do “lượng ân sủng phong phú” của Chúa Cha. Qua Đức Ki-tô, Người còn cho nhân loại biết “ý định nhiệm mầu” của Người, đó là “thực hiện kế hoạch cứu độ khi thời gian tới hồi viên mãn”. Thời gian viên mãn chính là thời gian vĩnh cửu trong Nước của Người. Tuy nhiên, thời gian ấy cũng là thời gian vẫn diễn ra trong không gian và thời gian nơi trần thế; thời gian ấy con người có thể kinh nghiệm, cảm nhận và đụng chạm được, thậm chí có thể “ăn và uống” vào trong thân thể của mình được. Khi lãnh nhận Thánh Thể là con người đang bước vào và trải nghiệm thời gian ấy, bởi Thánh Thể đã hoàn tất và nên trọn trong không gian và thời gian vĩnh cửu, nhưng vẫn hiện diện trên trần gian này. Ý tưởng này cũng được F.X. Durrwell nói rất hay và cũng khá rõ ràng như sau: “Thánh Thể chính là bữa tiệc thiên quốc, nhưng được cử hành trên trần gian; Thánh Thể là sự tham dự vào Nước Trời hằng cửu trong thời gian và không gian trần thế.” [12] Cảm nhận được như thế thánh Phao-lô thật có lý và không thể không thốt lên: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô”.
Bữa tiệc trên thiên quốc được Chúa Cha mở ra như tiệc cưới Con mình, ở đó Người dành cho Con “Chén Rượu Mới” (Mc 14,25) bằng việc tôn vinh Con trong Thánh Thần. Bởi thế, những người tin vào Người Con thì cũng được hiệp thông với Đấng, bản thân là Nước Trời trong bàn tiệc của Cha. Tuy nhiên, những ai được nuôi dưỡng bằng thân xác Đức Ki-tô qua Thánh Thể ngay ở đời này thì không cần phải đợi đến bữa tiệc mai sau trong Nước Trời nữa, nhưng họ đã có sự sống vĩnh cửu ấy trong mình rồi, đó là “những hoa quả đầu tiên của sự sống mai sau, sự viên mãn liên quan đến toàn thể con người”[13]. Quả Thật, Thánh Thể chính là bảo chứng cho thân xác chúng ta được sống lại trong ngày sau hết như chính Đức Giê-su đã quả quyết trong Tin mừng Gio-an: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54). Hay như những gì Giáo hội vẫn tuyên xưng trong mỗi Thánh lễ Chúa nhật: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy. Amen” (kinh Tin Kính). Thánh Irênê cũng nói đến bảo chứng ơn cứu độ và thân xác được vinh quang trong ngày sau hết khi được nuôi dưỡng bằng thứ lương thực thần linh: “Thân xác chúng ta được nuôi dưỡng bằng lương thực đó, dù được chôn cất trong lòng đất và tiêu tan đi, nhưng sẽ được sống lại nhờ vào lời của Thiên Chúa, để tôn vinh Người. Thiên Chúa là Đấng ban sự bất tử cho kẻ chết và ban tặng nhưng không sự bất hoại cho thân xác hư nát của chúng ta: quyền năng của Thiên Chúa tự viên mãn trong sự yếu hèn của chúng ta” (Adv Haer 5,3).[14]
Như vậy, theo thánh Thomas Aquinô, tiệc Thánh Thể (hiện tại), tiệc Vượt Qua Mới (quá khứ) và tiệc cánh chung trên thiên quốc (tương lai) là sự kết hợp trọn vẹn, được hiện tại hóa và nên một cách huyền nhiệm trong không gian và thời gian ngay tại trần gian này. Khi tiệc Vượt Qua được hoàn tất thì đã mở ra một thời đại mới trong bàn tiệc Thánh Thể.
6. Kết luận
Nơi bàn tiệc Thánh Thể, tấm bánh và chén rượu xem ra rất tầm thường, vì chỉ “là hoa mầu ruộng đất và công lao của con người” lại trở thành thứ thần lương vô giá. Lúc này, bánh và rượu không chỉ là sản phẩm, là tinh hoa của trời – đất để nuôi dưỡng thân xác nữa, nhưng đã được thần hóa thành Mình và Máu Đức Ki-tô để nuôi dưỡng linh hồn con người. Khởi đi từ tình yêu, lòng quảng đại và thái độ bao dung, Chúa Cha đã khoản đãi những lữ khách đường xa (Giáo hội) thứ thần lương ấy để tăng thêm sức mạnh mà tiến về Nước Trời.
Trong Bàn Tiệc của Chúa Cha, mọi người quây quần bên nhau để thực hiện di chúc của Đức Giê-su là “Các con hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11,24-25), đỉnh cao của việc thực hiện di chúc này là “chúc tụng – tạ ơn Chúa Cha” vì Hiến lễ Người ban bảo đảm sự sống muôn đời: “Như Chúa Cha là Đấng Hằng Sống đã sai Tôi, và Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57). Như thế, khi được đồng bàn nơi tiệc Thánh Thể của Chúa Cha ở trần gian này là con người đang tiền dự vào Bữa Tiệc trên thiên quốc, ở đó “mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô: Chúc tụng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên, tung hô danh dự, vinh quang và uy lực đến muôn thủa muôn đời!” (Kh 5,13).
Cùng dự vào bàn tiệc của Chúa Cha, nghĩa là mọi người đều là anh chị em của nhau; cùng ăn một tấm bánh và uống một chén rượu, nghĩa là mỗi người cùng là một chi thể trong một thân thể sống động, thì không thể có chia rẽ, hận thù, bóc lột, chiếm đoạt và loại trừ nhau, vì không đúng với bản chất của bữa tiệc ấy. Bữa tiệc Thánh Thể xuất phát từ tình thương, lòng bao dung và thái độ đại đồng của Chủ Nhân; Thần Lương trong tiệc ấy chính là Hiến vật chịu sát tế vì vâng lời và vì muốn giải phóng con người khỏi vòng kìm tỏa của tội lỗi và sự chết. Như vậy, những người đồng bàn không được phép biến anh chị em của mình thành những kẻ nô lệ cho sự dữ và chính họ cũng không được phép “thuộc về thế gian” (Ga 15,19), kẻo không họ đang “ăn và uống án phạt mình” (1Cr 11,29).
Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Bạch Dương, SSS
[1] Xc. Bùi Văn Đọc và Các Linh mục khác, Thần học về Bí tích Thánh Thể, Hà Nội: Tôn Giáo – 2009, tr. 169.
[2] Sđd., tr. 169.
[3] Sđd., tr. 170.
[4] Sđd., tr. 171.
[5] Luật Sống Dòng Thánh Thể, số 24.
[6] Xc. Phan Tấn Thành, Sđd., tr. 64.
[7] Xc. GLHTCG, số 1360.
[8] Các Giờ Kinh Phụng Vụ, nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch, Lễ Mình Máu Thánh, Điệp ca Kinh chiều II.
[9] Xc. (1) Sách Lễ Rô-ma, Nghi thức Hiệp lễ (Lời nguyện sau Kinh Lạy Cha); (2) Tt 2,13
[10] Xc. (1) Sách Lễ Rô-ma, Kinh Tạ Ơn III; (2) GLHTCG, số 1404.
[11] Xc. F.X. Durrwell, Le Père Dieu en Son mystère, bản Việt ngữ: Mầu nhiệm Thiên Chúa Cha, Tài liệu chuẩn bị Năm Thánh 2000, tr. 139.
[12] Sđd., tr. 139.
[13] Vũ Chí Hỷ, sách giáo trình: Thánh Thể, Hy Lễ Chúc Tụng Tạ Ơn, Bí Tích Tình Yêu – Nguồn Ơn Cứu Đo, Học viện Đa-minh – 2012, tr. 352
[14] Vũ Chí Hỷ, Sđd., tr. 213