Bí Tích Thánh Thể – Bữa Tiệc Của Chúa Cha (Phần 1)
1. Dẫn nhập: Bữa ăn gia đình
Người Việt Nam có câu “Trời đánh tránh bữa ăn” mang nhiều ý nghĩa thâm thúy. Có thể nói, bữa ăn là rất quan trọng và có phần thiêng liêng đối với người Việt. Bữa ăn là thời khắc mọi người trong gia đình được ngồi quây quần bên nhau, quan tâm chia sẻ và sống trọn tình yêu cho nhau.
Trong bữa ăn, cha mẹ thường nhường phần ngon cho con và cho những người lớn tuổi trong gia đình, bởi họ là những người cần được yêu thương, quan tâm và chăm sóc nhất. Khi ngồi bên nhau quanh bàn ăn, người lớn thường động viên, khích lệ và khen ngợi về những thành tích mà con trẻ đạt được trong học tập, trong cách hành xử với bạn bè, với người trên và cả trong những công việc mà người con ấy đã giúp mình. Thông thường, cha mẹ tránh la mắng hay chì chiết con cái lúc này, bởi ai cũng muốn giữ hòa khí và tránh làm tổn thương cho nhau trong lúc ăn.
Về phần mình, khi bưng bát cơm đầy và còn đang bốc khói, người con dễ dàng cảm nhận giá trị, công sức và sự hy sinh vất vả của cha mẹ để có được bát cơm ấy: “Ai ơi bưng bát cơm đầy, dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”. Để có được bát cơm, cha mẹ đã phải tần tảo sớm tối, phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt” mới có thể kiếm được. Vì thương con, cha mẹ phải chấp nhận nhọc nhằn gian khổ, phải bôn ba với cuộc sống, phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Như thế, bữa ăn không chỉ là bàn ăn thịnh soạn với nhiều món ngon và được chìm trong bầu khí vui vẻ, nhưng còn chất chứa bao hy sinh, công sức và nỗi vất vả của cha mẹ chỉ vì con và gia đình của mình. Như thế, bữa ăn ấy đã trở thành “biểu tượng bất tử” trong lòng người con Việt, bởi đó là công lao của cha mẹ, là một phần sự sống bị tiêu hao đi, là quá trình đánh đổi tuổi thanh xuân với bao cuộc vui thời son trẻ để lấy sự già nua, tiều tụy và khắc khổ với thời gian. Tất cả như được gói trọn trong bát cơm đang bốc khói mà mỗi người con bưng ăn hằng ngày.
Không chỉ thế, bát cơm còn ẩn chứa những giá trị lớn lao hơn, bởi đó là tinh hoa của trời – đất do bàn tay lao tác của con người mà có. Từ khi hạt giống được gieo xuống để những thửa đất mầu mỡ ôm ấp chúng trong lòng, rồi âm thầm chờ hứng những giọt sương sa và ánh ban mai từ trời đổ xuống làm bén rễ, đâm chồi nảy lộc và trổ sinh hoa trái cho đến khi thu gặt, xay, giã và nấu để có được bát cơm đầy là một quy trình ơn ban của trời-đất. Chính trời–đất và sự cộng tác của con người đã mang lại bữa ăn thơm ngon và bổ dưỡng để bảo tồn và làm tăng triển sự sống của họ. Như thế, trời–đất luôn lồng ấp con người và khoản đãi họ những thứ tinh túy nhất của mình trong mỗi bữa ăn. Từ đó, mỗi ngày con người được lớn lên, lớn lên không chỉ về thể chất mà còn về lòng biết ơn, sự hy sinh và tình yêu mến họ dành cho nhau; mỗi ngày họ cũng lớn lên trong tình giao hòa với trời–đất, trong sự quy thuộc vào trời–đất và buông mình nên một với trời–đất:
Lạy trời mưa xuống
Lấy nước tôi uống
Lấy ruộng tôi cầy
Lấy đầy bát cơm
Lấy rơm đun bếp.
Bên cạnh việc lớn lên ấy, người Ki-tô hữu cũng lớn lên trong việc tìm hiểu về cùng đích và cứu cánh của đời mình, tìm hiểu về “chủ nhân” đã khoản đãi “Bữa tiệc Thánh Thể” hàng ngày để họ lớn lên và làm một với Bữa tiệc ấy trong đời sống thiêng liêng của họ.
2. Bữa tiệc người cha khoản đãi trong Tân Ước.
Trong Tân Ước, bữa tiệc thường mang nhiều ý nghĩa, bắt nguồn từ tình thương, lòng quảng đại và sự tha thứ của người cha dành cho con, nhưng trên hết bữa tiệc còn bao hàm và tiên chưng về Bữa tiệc Thánh Thể. Ở đây, qua một số dụ ngôn, hình ảnh người cha mở tiệc khoản đãi đã phảng phất một vài nét tương đồng và phần nào gợi lên hình ảnh Chúa Cha với Bữa tiệc Thánh Thể như được diễn tả trong một số bản văn Kinh Thánh Tân Ước.
Trước tiên xin tìm hiểu về dụ ngôn tiệc cưới trong Mt 22,1-14 và Lc 14,15-24. Trong dụ ngôn này, Đức Giê-su đã nói về “Nước trời được ví như chuyện ông vua kia mở tiệc cưới cho con mình” (Mt 22,2). Tiệc cưới không phải của người con nhưng là vua cha đã mở ra để khoản đãi những khách được mời. Tuy nhiên, những khách được mời lại không đếm xỉa, chẳng thèm đến lại còn bắt các đầy tớ của vua mà hành hạ và giết chết. Cuối cùng, nhà vua phải sai các đầy tớ ra các ngả đường, gặp ai cũng mời vào dự tiệc. Ở đây dụ ngôn muốn nói rằng Vua cha mở tiệc cưới cho hoàng tử chính là Thiên Chúa khai mở thời Mê-si-a cho Con Một của Người nhập thể. Mọi người được mời vào chính là Thiên Chúa mời gọi và ban phát tình thương và ân sủng cách nhưng không.[1] Và bữa tiệc ấy cũng mang dáng dấp bữa tiệc Thánh Thể khi mọi người bất kể giầu–nghèo, sang-hèn, thánh thiện–tội lỗi, thượng lưu–bần nông, giới học giả–phường vô học,… được Chúa Cha mời gọi và quy tụ lại để cử hành.
Tiếp đến là dụ ngôn người con hư mất và được tìm thấy trong Lc 15,11-32. Khi đứa con hư mất trở về, người cha đã quên đi tất cả những gì trong quá khứ, vội vàng chạy ra ôm hôn thắm thiết. Điều này thể hiện tình thương đặc biệt của người cha đối với con mình và đó cũng là dấu hiệu chỉ sự tha thứ (Xc. 2Sm 14,33). Sau đó ông còn ra lệnh cho các đầy tớ mang “áo đẹp nhất ra mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào tay, xỏ dép vào chân”. Áo đẹp nhất thường chỉ mặc vào các dịp lễ lớn; nhẫn chỉ quyền bính (Xc. St 41,42; Et 3,10; 8,2); dép chỉ những người tự do mới được mang. Xỏ dép vào chân là dấu hiệu người cha trả lại cho anh quyền làm người tự do và phục hồi lại tương quan cha – con với anh.[2] Khi áo đẹp đã được mặc, nhẫn đã được đeo và dép đã được mang thì đó mới là lúc người con sẵn sàng và xứng đáng bước vào tham dự bữa tiệc người cha khoản đãi. Hãy “bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng”. Mở tiệc ăn mừng là cách thể hiện tình thương đặc biệt người cha dành cho đứa con đi hoang trở về, đã chết nay sống lại, đã mất nay tìm thấy. Cũng vậy, Chúa Cha luôn sẵn lòng chờ đợi và vui mừng mở tiệc Thánh Thể đón những người con đi hoang của mình trở về. Khi họ trở về, Người cũng phục hồi phẩm giá làm con của họ; Người thanh tẩy và trang điểm họ bằng ân sủng, bằng các bí tích và bằng Lời của Người để có một dung mạo tuyệt vời xứng đáng tham dự vào bữa tiệc Thánh Thể.
Sau cùng là câu chuyện Đức Giê-su kể về người đầy tớ luôn sẵn sàng chờ chủ về trong Lc 12,35-48 và Mt 24,43-51. Người đầy tớ luôn canh thức chờ chủ đi dự tiệc cưới về và gõ cửa thì cửa liền được mở. Người đầy tớ ấy sẽ được chủ khoản đãi tại bàn ăn và còn được chủ phục vụ nữa. “Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn, và đến bên họ mà phục vụ” (c. 37b). Trước khi thiết lập Bí tích Thánh Thể, Đức Giê-su đã cúi xuống “rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13,5). Trong bữa tiệc Thánh Thể, Đức Giê-su cùng đồng bàn với các môn đệ và đỉnh cao của việc tự hiến là Người dâng mình cho Chúa Cha để xin Cha sai Thánh Thần đến biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Ngài làm lương thực nuôi dưỡng các ông. Như vậy, bữa tiệc Thánh Thể chính là phần thưởng tuyệt vời nhất Chúa Cha đã khoản đãi những người con luôn trung thành, tỉnh thức và phó thác mọi sự cho Người.
Tóm lại, những dụ ngôn trên nhằm nói về tình thương của người cha hay ông chủ dành cho con cái hay người đầy tớ của mình. Tất cả con cái, người đầy tớ hay khách được mời tự mình không xứng với bữa tiệc ấy, nhưng nhờ tình thương, lòng quảng đại và thái độ bao dung của người cha hay ông chủ mà họ được tham dự vào bữa tiệc của ông. Đây cũng là hình ảnh nói về tình thương của Thiên Chúa dành cho con người. Ngài sẵn sàng ban lương thực thần linh cho họ qua việc Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều, qua việc Người thiết lập bữa tiệc Thánh Thể để đáp ứng cơn đói khát của mọi người qua mọi thời đại.
3. “Chúc tụng – Tạ ơn” Chúa Cha
a. Nguồn gốc
“Tạ ơn”, gốc Hy-lạp là eucharistia, dựa theo lời tạ ơn Đức Giê-su đã đọc trên bánh: “Người cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng tạ ơn, bẻ ra…” (Mt 26,26-27). Từ eucharistia đã trở nên thông dụng trong Phụng vụ kể từ tác phẩm Đidakhê, các thư của thánh Inhaxiô thành Antiôkia (thư gửi Philadelphia, c.4; thư gửi Smyrna, c.7-8). Thánh Giustinô nói đến “Kinh Tạ Ơn” và “bánh rượu được tạ ơn” (Apologia I, c.65-66). Tương đương với danh từ eucharistia (tạ ơn) là danh từ eulogia (chúc tụng), hai từ này đều bắt nguồn từ trình thuật thiết lập Thánh Thể. Lúc đầu, danh từ Eucharistia ám chỉ Kinh nguyện Tạ Ơn (prex eucharistica) nhưng sau đó mở rộng đến toàn bộ buổi cử hành (celebratio eucharistica). Sau cùng, Eucharistia còn được hiểu về Mình và Máu Thánh Chúa, nghĩa là công hiệu của lời Kinh Tạ Ơn được đọc trên bánh và rượu.[3]
b. Ý nghĩa
Mỗi khi Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều cho dân chúng, Ngài không tự mình “phù phép” hay “đọc thần chú” để bánh tự nhiên hiện ra bao nhiêu tùy thích (giống các câu truyện cổ tích của Việt Nam, như Cây Tre Trăm Đốt, Phù Đổng Thiên Vương…), nhưng Ngài thường “ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, tạ ơn…” (Xc. Mt 14,19; 15,36; Mc 6,41; 8,6; Lc 9,16; Ga 6,11). Tuy các bản văn Tin mừng không nói rõ là Đức Giê-su chúc tụng hay tạ ơn ai, nhưng trong văn cảnh và việc Ngài đến để thi hành thánh ý Chúa Cha (Xc. Mt 26,39) thì đó là việc Ngài chúc tụng và tạ ơn Chúa Cha. Như thế, chính Chúa Cha là chủ nhân khoản đãi chứ không phải Chúa Con; bánh Đức Giê-su cầm, bẻ ra và trao cho các môn đệ để các ông phân phát cho mọi người là bánh Chúa Cha ban cho họ qua Đức Giê-su Ki-tô. Xưa kia, Thiên Chúa ban mannacho dân Israel trong sa mạc thế nào thì nay Người cũng ban bánh và cá cho dân chúng như vậy, hơn nữa, Người còn ban chính Con của mình như một thứ lương thực thần linh cho nhân loại, chỉ khác một điều là việc ban này được thực hiện qua bàn tay của chính Người Con ấy, là Đức Giê-su Ki-tô mà thôi.
Cũng vậy, khi thiết lập Bí tích Thánh Thể, trong bữa tiệc ly, Đức Giê-su cũng cầm lấy bánh “dâng lời chúc tụng” và cầm lấy chén rượu “dâng lời tạ ơn” để xin Cha sai Thánh Thần biến đổi của lễ ấy thành Mình và Máu Ngài (Xc. Mt 26,26-27; Mc 14,22-23; Lc 22,19-20; 1Cr 11,23-25). Khi dâng lời chúc tụng – tạ ơn, có thể Đức Giê-su đã dùng một công thức người gia trưởng thường dùng trong bữa ăn Vượt Qua, như: “Lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, là Vua hoàn cầu, chúng con chúc tụng Chúa vì Chúa đã cho trái đất sản sinh ra cơm bánh cho chúng con”.[4] Cũng vậy, ngày nay, trong khi cử hành, Giáo hội cũng khẩn cầu Chúa Cha ban Thánh Thần xuống trên bánh rượu, nhờ quyền năng Thánh Thần, bánh rượu trở nên Mình Máu Đức Giê-su Ki-tô.[5] Tất cả những điều ấy đều xuất phát từ sáng kiến tình yêu của Chúa Cha để nhân loại có được một tấm bánh thơm ngon trong bàn tiệc Thánh Thể của Chúa Cha.
Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Bạch Dương, SSS
[1] Xc. Kinh Thánh Tân Ước, Nhóm các Giờ Kinh Phụng vụ dịch, Hà nội: Tôn giáo – 2008, Phần Chú giải trang 136.
[2] Xc. Kinh Thánh Tân Ước, Phần Chú giải trang 331.
[3] Xc. Phan Tấn Thành, Bí tích Tình Yêu, HVĐM, Tp HCM 2011, tr. 50-51.
[4] Xc. Kinh Thánh Tân Ước, Phần Chú giải, tr. 156.
[5] Xc. Giáo lý Hội thánh Công giáo (GLHTCG), Ban giáo lý Tp HCM dịch, Tp HCM – 1997, số 1353.