Ý NGHĨA CỦA VIỆC BẺ BÁNH TRONG THÁNH LỄ

Trong Thánh lễ có hai phần phụng vụ chính: phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể. Trong phụng vụ Thánh Thể có nghi thức bẻ bánh, nghi thức bẻ bánh này mang một ý nghĩa rất long trọng trong Thánh lễ. Trong bữa tiệc ly trước khi Đức Giê-su chịu tử nạn, Ngài đã thiết lập Bí tích Thánh Thể để tiếp tục ở lại với nhân loại. Ngày nay Giáo Hội cử hành Bí tích Thánh Thể với nhiều tên gọi khác nhau và một trong những tên gọi đó là “Lễ Bẻ Bánh”. Việc bẻ bánh không chỉ dừng lại ở các nghi thức trong Thánh lễ, nhưng còn hàm chứa nhiều ý nghĩa thần học sâu sa trong nghi thức này. Sau đây người viết xin trình bày đôi chút về ý nghĩa của nghi thức này.

Bẻ bánh trong Thánh lễ bắt nguồn từ bữa tiệc vượt qua của người Do Thái. Tiệc vượt qua để kỷ niệm lại việc Thiên Chúa đã vượt qua các nhà của người Do Thái có bôi máu chiên ở cửa, đó là dấu hiệu để Thiên Chúa đi qua và không sát hại các con đầu lòng của người Do Thái và cũng là kỷ niệm dân Do Thái được Mô-sê dẫn đưa ra khỏi Ai-cập (x. Xh 12,7-22). Lễ vượt qua là đại lễ quan trọng nhất của người Do Thái và thường kéo dài khoảng một tuần. Bắt đầu từ lúc chiều ngày 14 tháng Nissan (khoảng tháng ba, thánh tư dương lịch). Trong bữa tiệc vượt qua, người ta thường ăn thịt chiên với bánh không men và rau đắng. Phần bữa ăn người Gia trưởng cầm lấy một trong những tấm bánh không men đọc lời chúc tụng Thiên Chúa trên bánh: “Lạy Thiên Chúa nhân từ, Đấng thương ban cho chúng con được những ngày của Đấng Mê-si-a và đời sống thế giới tương lai. Đấng đã ban ơn cứu độ cho vua của Người và ân sủng cho những kẻ được sức dầu trên Đa-vít và dòng dõi đến muôn đời…, Xin chúc tụng Chúa! A-men!”[1].

Tiếp đến, vị Gia trưởng bẻ bánh ra và phân phát cho các thành viên trong gia đình. Cũng trong bữa tiệc vượt qua của người Do Thái, Đức Ki-tô đã thiết lập Bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly khi Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng rồi bẻ ra cho các môn đệ và nói: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình thầy”(x. Mt 26,26). Trong Bí tích Thánh Thể sau khi lời truyền phép của linh mục, tức thì bánh và rượu trở nên Mình và Máu Chúa Ki-tô, Ngài phải được bẻ ra và phân phát cho muôn người. Sau biến cố Phục sinh tại quán ăn làng Emau, hai môn đệ nhận ra Đức Ki-tô khi Ngài bẻ bánh (x. Lc 24,28-35). Như vậy, nghi lễ bẻ bánh trở thành biểu tượng để chỉ Đức Ki-tô, Người Tôi trung của Thiên Chúa đã hiến dâng mạng sống để mang lại sự sống dồi dào cho nhân loại. Đức Ki-tô đã tự trao nộp để rồi được bẻ ra qua cuộc khổ nạn và phân phát cho mọi người “Bẻ bánh trở thành động tác cốt lõi của phụng vụ Ki-tô giáo (x. Cv 2,46; 20,7-11; 1Cr 10,16)”[2].

Vào thời Giáo Hội sơ khai trong sách tông đồ công vụ thuật lại rằng: “Các tín hữu sống hiệp nhất với nhau, để mọi sự làm của chung, ngày ngày họ đồng tâm nhất trí chuyên cần đến đền thờ cầu nguyện và bẻ bánh tại tư gia, dùng bữa với niềm hoan hỷ và đơn sơ (x. Cv 2,42-46)”. Việc cử hành nghi thức bẻ bánh trong thời các tông đồ đã trở thành dấu chỉ của sự hiệp nhất của các tín hữu với nhau. Nơi đó họ chia sẻ cho nhau mọi vấn đề trong cuộc sống và cùng giúp nhau vượt qua những khó khăn mà cuộc sống mang lại.

Trong Do Thái giáo, bẻ bánh là cử chỉ tôn giáo được thực hiện lúc bắt đầu bữa ăn. Do đó, người ta cho rằng “việc bẻ bánh” của cộng đoàn tín hữu thời sơ khai có liên hệ đến nghi thức Thánh lễ và phụng vụ Thánh Thể là một bữa ăn mang tính lễ nghi tôn giáo, đôi khi được xem là tiệc tình yêu, bữa ăn huynh đệ (A-ga-pê) phân biệt với bữa ăn thực tế thường ngày. Chúng ta đừng bao giờ hiểu hành động bẻ bánh trong phụng vụ Ki-tô giáo theo nghĩa thực dụng, duy vụ lợi, đúng hơn hành động này phải được hiểu theo nghĩa biểu trưng: “Những ai thông chia cùng một tấm bánh được bẻ ra thì họ được trở nên một thân thể trong Đức Ki-tô” (x. 1Cr 10,16). Trong sách giáo huấn của các Tông đồ [Di-da-ché], “bánh được bẻ ra trong nghi thức Thánh Thể được nhìn nhận như là dấu chỉ sự quy tụ con cái của Thiên Chúa” (x. Di-da-ché 9,4). Như vậy, trong nghi thức Thánh Thể Ki-tô giáo, bẻ bánh có chỗ đứng quan trọng trong chuỗi các hành động của nghi lễ này.

Trước nghi lễ bẻ bánh trong Thánh lễ thì có Kinh Lạy Cha (diễn tả sự hòa giải và hiệp nhất), và sau đó hành động chúc bình an cũng diễn tả sự bình an và hiệp nhất và phụng vu chuyển sang nghi thức bẻ bánh lại diễn tả sự phân tán. Bánh được linh mục bẻ ra là để giúp cho tất cả những người tham dự được chia sẻ thực sự cùng một tấm bánh. Biểu tượng này không lệ thuộc quá nhiều ở hành động bẻ bánh cho bằng diễn tả một tấm bánh được bẻ ra và chia sẻ. Tính cách nên một hoặc hiệp nhất là điểm chính yếu trong nghi thức này:“Bánh mà chúng ta bẻ phải chăng không là thông phần thân mình Chúa Ki-tô sao? Vì chưng chỉ có một bánh, nên ta tuy nhiều, ta cũng chỉ làm nên một thân mình, bởi hết thảy ta đều dự phần vào một Bánh duy nhất” (x. 1Cr 10,16-17)[3].

Trong các buổi cử hành Thánh lễ có ít người tham dự như Thánh lễ trong cộng đoàn có thể sử dụng tấm bánh đủ lớn để có thể bẻ ra và trao cho mọi người tham dự rước lễ từ tấm bánh đã được truyền phép này, để diễn tả rõ hơn ý nghĩa về dấu chỉ mọi người cùng hiệp thông với nhau trong Đức Ki-tô.Tuy nhiên, dẫu cho ngày nay, chúng ta sử dụng những tấm bánh tròn nhỏ đã được cắt sẵn thì nguyên việc tất cả cùng nhau tuần tự lên lãnh nhận bánh đã được truyền phép trong một Thánh lễ cũng vẫn biểu thị mầu nhiệm hiệp nhất này[4].

Ý nghĩa của việc bẻ một chút bánh cho vào chén Thánh

Việc bẻ một chút bánh là một cử chỉ trong phụng vụ nhưng cũng mang một ý nghĩ biểu trưng trong phụng vụ Thánh lễ:“Đang khi vị tư tế bẻ bánh bỏ một phần vào chén Thánh thì ca đoàn hay ca viên hát đối đáp hay đọc lớn tiếng kinh: “lạy Chiên Thiên Chúa” và giáo dân đáp lại. Kinh này có thể được lặp đi lặp lại [theo kiểu kinh cầu], bao lâu còn cần để kèm theo việc bẻ bánh. Lần cuối cùng được kết thúc bằng câu: “xin ban bình an cho chúng con” (QCSLRM 83)[5].

Bánh được bẻ ra là để đem phân phát cho tất cả những người dự tiệc. Tuy vậy, chủ tế cũng dành lấy một mẫu nhỏ để thả vào chén Thánh (Immixtio), đang khi đó ngài đọc thầm:“chớ gì sự hòa Mình và Máu Đức Ki-tô, Chúa chúng con, mà chúng con sắp rước lấy, ban cho chúng con được sống đời đời”[6].

Lối giải thích thần học được đưa ra là: hai lần truyền phép riêng bánh và rượu như tách rời Máu khỏi Thân có ý nghĩa biểu thị sự chết của Đức Giê-su, Ngài như con chiên bị sát tế. Sau đó đến lúc hiệp lễ, bánh và rượu được liên kết với nhau làm dấu chỉ cho sự kết hợp lại với nhau, làm dấu chỉ cho sự kết hợp giữa linh hồn và thân xác của Chúa Giê-su, biểu trưng cho thân thể duy nhất của Đức Ki-tô cũng như chỉ rõ sự sống lại vinh quang của Ngài[7].

Với ý nghĩa này cho chúng ta thấy được biến cố tử nạn và phục sinh của Đức Ki-tô là một và không thể nào tách lìa ra được. Hành động bẻ một chút bánh cho vào chén Thánh mang nột ý nghĩ biểu trưng rất lớn chính là Đức Ki-tô đã chết nhưng nay đã sống lại. Chính điều này nhắc nhở cho chúng ta rằng: Chúa Ki-tô mà chúng ta sắp sửa lãnh nhận qua phần hiệp lễ vẫn là Chúa Ki-tô sống động và phục sinh. Cho dù phần hiệp lễ ngày nay chúng ta chỉ rước Hình bánh (Mình Thánh Chúa), nhưng hành động biểu trưng của vị chủ tế cho bánh vào rượu (Thịt và Máu Thánh), đã nói lên một ý nghĩa hiệp nhất giữa Mình và Máu Thánh. Vì vậy, khi ta rước Mình Thánh cũng có nghĩa là chúng ta rước Chúa Giê-su tron vẹn (Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô), để mang lại ơn cứu độ cũng như sự sống Thần linh cho chúng ta “Ai ăn thịt và uống máu Tôi, thì có sự sống đời đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết”(x. Ga 6,54).

Tóm lại, ý nghĩa của việc bẻ bánh trong Thánh lễ mang một ý nghĩa rất long trọng. Trong bữa tiệc của người Do Thái mọi người cùng chia sẻ trong một tấm bánh khi vị gia trưởng bẻ ra chúc tụng và phân phát cho mọi thành viên trong gia đình. Bữa tiệc mang dấu chỉ cho sự hiệp nhất, địch thù với nhau thì không thể nào cùng đồng bàn với nhau được, chỉ có sự hiệp nhất và tha thứ thì họ mới cùng nhau chia sẻ cùng một tấm bánh. Cũng vậy, trong nghi thức bẻ bánh và hiệp lễ, người Ki-tô hữu được quy tụ lại trong mối dây hiệp nhất với nhau mà Đức Ki-tô chính là người chủ của bữa tiệc để liên kết mọi người lại với nhau. Tấm bánh sau khi truyền phép tức thì trở thành Mình và Máu Chúa Ki-tô. Chúa Ki-tô đã bẻ mình ra để chia sẻ cho con người, thì người Ki-tô hữu rước lấy Chúa Ki-tô cũng phải bẻ cuộc đời của mình ra cho những anh chị em của mình qua một đời sống bác ái yêu thương.

Người Ki-tô hữu khi tham dự Thánh lễ mà mang một tinh thần ích kỷ thì không xứng đáng, có lỗi với Thiên Chúa và những anh chị em của mình. Bởi vì, Đức Ki-tô đã tự trao hiến cho chúng ta để mang lại ơn cứu độ và sự hợp nhất yêu thương, thì mỗi chúng ta khi tham dự Thánh lễ (nghi thức bẻ bánh), chúng ta cũng phải có một tấm lòng rộng mở, sẵn sàng chia sẻ cho anh chị em của mình. Thánh lễ bẻ bánh không chỉ dừng lại ở phần kết lễ là xong nhưng còn mời gọi mỗi người chúng ta hãy mang Chúa Giê-su mà chúng ta vừa rước lấy, mang Ngài vào cuộc sống của chúng ta để kiến tạo sự hiệp nhất và yêu thương. Việc bẻ bánh còn tiếp tục mỗi khi chúng ta bẻ cuộc đời chúng ta để phục vụ Thiên Chúa và Tha nhân.

Phanxicô Xaviê Trần Anh Tú,SSS


[1]Xc. Phạm Đình Ái, Thánh Lễ Qua Dòng Thời Gian, nxb Phương Đông, 2014, tr.12.
[2]Xc. Phạm Đình Ái, Cử Hành Hy Lễ Tạ Ơn Mục Vụ Phụng Vụ Thánh Lễ, nxb Hoàng Mai, 2014, tr.319.
[3] Xc. Trần Ngọc Quỳnh, Cử Hành Mầu Nhiệm Tạ Ơn, nxb TP. HCM, 1996, tr. 192.
[4] Xc. Trần Đình Tứ, Phụng Vụ Thánh Thể, tr. 157.
[5]Xc.Phạm Đình Ái, Cử Hành Hy Lễ Tạ Ơn Mục Vụ Phụng Vụ Thánh Lễ, nxb Hoàng Mai, 2014, tr. 325.
[6]Xc. Trần Ngọc Quỳnh, Cử Hành Mầu Nhiệm Tạ Ơn, nxb TP. HCM, 1996, tr.193.
[7] Xc. Phan Tấn Thành, Cử Hành Bí Tích Tình Yêu, tr. 265.