TÔN THỜ THÁNH THỂ THEO KINH NGHIỆM TÂM LINH CỦA THÁNH PHÊRÔ GIULIANÔ EYMARD

Nói đến cử hành Thánh Thể và Tôn thờ Thánh Thể là chúng ta nói đến hai khía cạnh của một thực tại vừa động vừa tĩnh. Hai khía cạnh này được xem như một nhịp điệu bất khả phân ly với nhau. Hai nhịp này cũng tựa như hành trình cuộc sống của con người, nhưng chính trong sự diệu vời của hai nhịp như thế con người cảm nếm được biết bao huyền nhiệm để cùng Hội Thánh tấu lên một bản hòa ca chúc tụng, ngợi khen dâng lên Thiên Chúa toàn năng Chí thánh một Hy Lễ Tạ Ơn. Vì thế, được cử hành như một nghi thức tiếp nối Thánh Lễ, việc Tôn thờ Thánh Thể giúp mỗi người chúng ta cảm nghiệm và làm triển nở sâu xa hơn hiệu quả của ơn cứu độ đã được kín múc từ cuộc cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô vì “Thánh thể là suối nguồn và chóp đỉnh của đời sống Giáo hội” (LG 11).

Trong dòng chảy ý nghĩa nhằm làm triển nở lại một chút cảm nghiệm về kinh nghiệm chiêm ngắm tôn thờ Thánh Thể của bản thân đồng thời cũng duyệt xét lại kinh nghiệm tâm linh, người viết triển khai kinh nghiệm tâm linh của Thánh Eymard trong việc Chầu Thánh Thể (Tôn thờ Thánh Thể). Tuy nhiên trước hết, người viết sẽ triển khai những nét căn bản trong kinh nghiệm tâm linh của dân Israen để làm nền tảng. Dựa trên nền tảng kinh nghiệm tâm linh của dân Israen, người viết sẽ tập trung triển khai kinh nghiệm Chầu Thánh Thể (Tôn Thờ Thánh Thể) của Cha Thánh Eymard. Thế nhưng vì hành trình Tâm linh của Thánh Eymard khá phức tạp, cho nên người viết chỉ tập trung giới hạn vào Ba cuộc Tĩnh tâm lớn của Thánh Eymard vào những năm cuối đời (1863, 1865 và 1868). Vì chính qua Ba đợt Tĩnh tâm lớn này, người viết nhận thấy những biến chuyển rất lớn của Thánh Eymard trong hành trình đời sống tâm linh.

  1. Kinh nghiệm tâm linh của dân Israen
  2. Khái niệm đời sống tâm linh

Theo một nghĩa nào đó, xét như một sự cởi mở cách triệt để đón nhận siêu việt, thuật ngữ “đời sống tâm linh” là một chiều kích nội tại của mọi con người. Tên tiếng anh của hạn từ này là “Spirituality” hay được gọi với hạn từ là “Linh đạo”; những người khác gọi là đời sống siêu nhiên, đời sống tâm linh mà theo một nghĩa chặt hơn, linh đạo qui chiếu đến sự khôn ngoan về tinh thần được tích lũy bởi loài người xuyên qua các thời đại trong nỗ lực tìm kiếm sự hiệp nhất với siêu việt, thường được gọi là Thiên Chúa. Hoặc linh đạo cũng có thể nói đến kinh nghiệm của một người hay một nhóm người trong cuộc tìm kiếm thăng tiến tâm linh [1].

Về mặt từ ngữ, linh đạo trong tiếng Việt được dịch từ spiritualité trong tiếng pháp. Trong thần học công giáo, hạn từ spiritualité chỉ về đời sống tâm linh, đời sống thiêng liêng, đời sống tinh thần. Đời sống tâm linh có thể hiểu theo ba nghĩa khác nhau: Hiểu về một đời sống đối nghịch với đời sống vật chất, chẳng hạn như suy tư, lý luận, yêu mến là những sinh hoạt tinh thần; Hiểu về một đời sống siêu nhiên ở mọi cấp độ, khác biệt và cao hơn đời sống tự nhiên của con người; Hiểu về một đời sống siêu nhiên ở cấp độ cao. Ngoài ra hạn từ linh đạo cũng thường được hiểu là một ngành thần học suy tư về những vấn đề có liên quan đến đời sống tâm linh Ki-tô giáo, hay về một đường lối sống đạo [2].

  1. Những nét căn bản trong kinh nghiệm tâm linh của Israen
  2. Kinh nghiệm được Thiên Chúa tuyển chọn làm dân riêng

Dân Israen luôn xác tín vào sự hiện diện cứu độ của Gia-vê Thiên Chúa trong suốt hành trình tâm linh của mình. Điều này được thể hiện qua những kinh nghiệm gặp phải thách đố và đe doạ của các biến cố. Đó là hành trình sống với Thiên Chúa trong suốt quá trình lịch sử. Thật vậy, dân Thiên Chúa không suy ra Thiên Chúa, nhưng kinh nghiệm thấy và trao đổi thật sự đã xảy ra giữa Thiên Chúa và cộng đồng lịch sử Israen và hành động của Thiên Chúa trong cuộc sống. Chính cuộc sống thường ngày trước nhan Gia-vê Thiên Chúa như thế làm nên lịch sử ơn cứu độ. Lịch sử của việc Thiên Chúa nhập cuộc vào và luôn quan tâm nhiệt tình dân được tuyển chọn[3]; các vị ngôn sứ thường đảm nhận vai trò chú giải các kinh nghiệm của việc can dự này và họ tóm tắt lại những nhận định cơ bản về đức tin [4]. Sự can dự đó thể hiện một chiều kích tâm linh trong mối tương quan với Thiên Chúa được thực hiện qua một lời hứa. Lời hứa được tuyển chọn giữa muôn dân tộc khác. Chính niềm hy vọng và tự hào là dân được Thiên Chúa tuyển chọn, nên dân Israen luôn sống trong ý thức tình trạng ân huệ này và nhờ đó mà họ có được sức mạnh vượt thắng mọi thử thách trong dòng lịch sử Giao ước của mình với Thiên Chúa.

Vì thế, hành trình kinh nghiệm tâm linh được chọn làm dân riêng của Thiên Chúa được khởi phát đi từ một hồng ân đức tin của Apraham để đi vào một hành trình vô định được Thiên Chúa ký kết bằng một giao ước[5]. Nhưng đây mới chỉ là giao ước đơn phương từ phía Thiên Chúa mà thôi. Hành trình ấy được ánh sáng Đức tin soi rõ hơn khi dân được tuyển chọn, được mời gọi tiến tới việc thờ phượng Thiên Chúa trên núi Sinai và được hứa ban miền đất hứa nơi chảy sữa và mật[6]. Nói chung, hành trình kinh nghiệm tâm linh được Thiên Chúa tuyển chọn của dân Israen là hành trình được Thiên Chúa bao bọc yêu thương bằng một tình yêu. Đây là đặc nét căn bản trong hành trình của Israen và cũng là lời tuyên xưng niềm tin của dân Israen qua muôn thế hệ về việc Thiên Chúa yêu thương như người Cha chăm sóc cho đoàn con của mình.

  1. Kinh nghiệm về một Thiên Chúa trung tín trong Giao ước

Làm thế nào Israen có thể nhận biết và kinh nghiệm được một Gia-vê Thiên Chúa luôn trung thành trong giao ước? Đức tin sẽ giúp liên kết cụ nhận biết kinh nghiệm này. Nhờ đó, chúng ta có thể trải nghiệm được những nghĩa cử của Thiên Chúa và nhận ra Người luôn trung tín trong Giao ước: “Ta sẽ là Thiên Chúa của các ngươi, và các ngươi sẽ là dân của Ta” (Gr 31, 33 và Ed 36, 28). Giao ước này nói lên sự hiểu biết thuộc về đức tin của người Do Thái, sự hiểu biết về mạc khải Thiên Chúa cho dân Israen như dân được tuyển chọn[7]. Hơn nữa, Đức tin đòi hỏi sự tín thác vào lời hứa; nghĩa là chấp nhận giao ước. Kết quả của đức tin là dân Israen phải từ bỏ các ngẫu tượng: “ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta[8]. Thế nhưng, việc nhận ra kinh nghiệm tâm linh về một đức tin thật sự không phải chuyện dễ dàng, vì những kinh nghiệm về Thiên Chúa nơi Israen không rõ ràng. Điều này được thể hiện qua việc Đức tin của Israen đã trải qua một cuộc thử thách nặng nề khi họ chứng kiến cảnh tàn phá đền thờ và cảnh lưu đày sang Babylon. Các ngôn sứ cho rằng đây là một hình phạt về tội bất trung với giao ước. Ở đây không phải Thiên Chúa không trung tín trong giao ước với Israen nhưng chính Israen đã từ bỏ Chúa, khi họ chỉ biết vui thú, tận hưởng nơi thế lực nhân loại và những kiểu thờ phượng rỗng tuếch. Bởi thế, tin là giữ vững lòng sắc son trong giao ước kể cả khi gặp thử thách và từ đó đức tin đưa dẫn Israen tới niềm hy vọng tương lai sẽ được trở về, được hồi hương, sẽ tái thiết sứ xở. Để cho thấy điều đó, trong hành trình lịch sử của Israen, các vị ngôn sứ đã loan báo về chân lý quyền năng tạo dựng vạn vật từ hư vô của Thiên Chúa để qua đó tái lập dân Israen đang tản mát nơi đất khách quê người. Việc tái lập này thể hiện ở lời hứa trong việc thiết lập một giao ước mới và vĩnh cửu[9], cũng như tái tạo “một quả tim mới, một thần trí mới” cho Israen[10].

Qua đó, chúng ta nhìn nhận một thực tế rằng Israen luôn tin vào lòng thành tín của Thiên Chúa và tính chân thật trong việc Thiên Chúa trung tín trong Giao ước mặc dù thực tế nghiệt ngã của lịch sử là dân tuyển chọn đã gây ra biết bao thất vọng. Bởi thế niềm hy vọng của dân Israen trong giao ước cũng như nhận ra một Gia-vê Thiên Chua trung tín với lời hứa luôn là niềm hy vọng đã được trải nghiệm tâm linh sâu sắc. Điều này được hiện thực cách trọn vẹn khi dân Israen giữ và đọc lại những kinh nghiệm đã qua những lời đã thề hứa với Gia-vê Thiên Chúa trong suốt cuộc hành trình mà Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử mạc khải cho dân qua thời tổ phụ, thời xuất hành.

  1. Kinh nghiệm tâm linh tôn thờ Thánh Thể của Thánh Eymard

Với kinh nghiệm tâm linh của dân Israen, lịch sử cứu độ đã cho thấy một Thiên Chúa giàu lòng yêu thương, luôn trung tín trong việc ký kết giao ước với dân mà Ngài đã tuyển chọn mặc dù có những lúc dân đã bất trung đi ngược lại những giao ước đã ký kết. Cũng vậy, với hành trình tâm linh của Cha Eymard của những năm cuối đời diễn ra như thế nào khi Cha thường xuyên duyệt xét lại đời sống tâm linh của mình dưới sự hiện diện của Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể.

  1. Kinh nghiệm trong cuộc tĩnh tâm đầu tiên năm 1863

Trong đợt tĩnh tâm này, Cha Eymard tập trung vào sứ vụ. Tất cả những cấu trúc của Hội Dòng dần được định hình, bản Hiến Pháp dần cũng được hoàn tất thậm chí nếu bản Hiến Pháp không được chấp nhận, thì sắc lệnh thành lập cũng sẽ được ban cho Ngài. Tuy nhiên Cha Thánh luôn ý thức rằng mọi thứ hiện tại vẫn đang được tiến triển. Nếu những công việc bên ngoài Hội Dòng về cơ bản đã được hoàn thành, thì khó khăn lớn nhất đó là những công việc bên trong. Ở đây, Cha muốn nhắc tới một đòi hỏi mới cho đời sống thiêng liêng.

Liên quan tới Chầu Thánh Thể, Cha viết rất ít, ngoại trừ ghi chú này: “Chầu Thánh Thể đã đánh mất vị trí nguyên thủy của nó theo bốn mục đích của Thánh Lễ hoặc không có sự chuẩn bị nào cho việc Chầu Thánh Thể…Giờ Chầu chỉ còn là sự hời hợt, và tôi đã sao lãng vào quá nhiều công việc bên ngoài. Sau cùng, Cha Eymard cầu xin Chúa Thánh Thần, không còn bận tâm cho những việc khác ngoại trừ chính con người của Cha. Và Ngài thêm rằng, sau cùng tôi đã nhận ra rằng Thiên Chúa thích hành động nơi nội tâm của tôi, món quà từ chính con người của tôi hơn là những công việc từ bên ngoài…Hành động nội tâm thì làm vinh quang cho Thiên Chúa hơn là tất cả những công việc Tông đồ[11]. Tuy nhiên, như chúng ta biết Cha Eymard không dừng lại những hoạt động Tông đồ của Ngài. Thay vào đó Cha xin Chúa ban cho Cha có được tinh thần mới. Như vậy, với kinh nghiệm tại cuộc tĩnh tâm đầu tiên này trước sự hiện diện Thánh Thể, Giờ Tôn Thờ Thánh Thể đã giúp Cha có được kinh nghiệm thiêng liêng quý báu trong việc nhìn lại chính con người nội tâm.  

  1. Kinh nghiệm với cuộc đại tĩnh tâm Rôma 1865

Để theo đuổi dự án phòng tiệc ly Giêrusalem, Cha Eymard đến Roma vào ngày 10 tháng 11 năm 1864 và trình dự án lên ủy ban các Hồng Y, nhưng quyết định liên tục bị trì hoãn. Vào ngày 25 tháng 01 năm 1865, Cha tiếp tục tĩnh tâm tại Dòng Chúa Cứu Thế gần St Mary Major, và ở lại đó cho tới khi có quyết định. Vào ngày 29 tháng 03, Cha nhận được thông báo rằng dự án của Cha dã bị phủ quyết. Trái tim của như bị tan vỡ, rồi Cha Eymard rời Roma ngày hôm sau.

Trong suốt cuộc đại Tĩnh Tâm này, Cha Eymard kiểm điểm nhìn lại bản thân. Một ngày Cha viết ba bài suy tư. Những bài viết này cho thấy tâm hồn của Cha thấy rõ ràng hơn. Với sự tác động của Chúa Thánh Thần, Cha kiểm điểm bản thâm nhằm tìm kiếm thánh ý Chúa, ôn lại những biến cố đã ghi dấu ấn trên cuộc đời của Cha. Đặc biệt hơn Cha tập trung vào những điều liên quan đến ơn gọi Thánh Thể. Ngài cảm thấy vui mừng hoan hỷ trong cách mà Thiên Chúa đã dẫn dắt, và Cha chú ý đến lời mời gọi ân sủng. Một ý tưởng lóe sáng giống như một sợi chỉ đỏ: Thiên Chúa trao ban, Ngài hiến tế chính mình và Thiên Chúa đã trao hiến tất cả. Từ ý tưởng này, Cha đã đổi mới quà tặng bản thân, với khao khát về một quà tặng toàn hiến tất cả.

Những bản văn dưới dây sẽ khơi gợi cho người viết theo hành trình kinh nghiệm thiêng liêng, kinh nghiệm biến đổi, kinh nghiệm giữ lửa mến yêu Thánh Thể của Cha Eymard dưới khía cạnh Chầu Thánh Thể, từ lúc khởi đầu cho đến ân sủng quà tặng bản thân mà Cha đã thực hiện sau cùng.

  1. Niềm khao khát trao hiến bản thân tất cả – Totus pro toto

Từ khởi đầu của cuộc Tĩnh Tâm, Cha Eymard ý thức chính mình chưa trao hiến trọn vẹn cho tình yêu Thiên Chúa…. “Thiên Chúa đã cho tôi hiểu ra rằng Ngài thích tâm hồn của tôi hơn là tất cả những quà tặng bên ngoài mà tôi dâng cho Ngài…[12].

Sau đó vào ngày 1 tháng 02, Cha Eymard suy tư về nhân đức của một người Tôn thờ Thánh Thể đích thực là như thế nào, ngài đã khám phá một khuôn mẫu tuyệt vời trong sự tự hủy của Chúa Ki-tô…  “tôi phải trở nên một tấm bánh nhỏ bé để trong tôi không còn tính kiêu ngạo và trong tôi không còn cuộc sống cho riêng tôi nữa….”[13].

Ngày 7 tháng 02, với khao khát sống theo khuôn mẫu của Chúa Ki-tô, Cha suy tư về mầu nhiệm nhập thể. Rồi ngày hôm sau Cha tiếp tục suy tư về mối dây hiệp nhất với Đức Ki-tô ngang qua bản văn Tin Mừng Gioan chương 15…[14] .

Vào ngày 11 tháng 02, Cha Eymard khám phá những đòi hỏi của sự phục vụ nội tâm … “Tôi phải sống đời sống nội tâm của việc Tôn Thờ Thánh Thể, với toàn bộ bản thân của tôi với Đức Giê-su Ki-tô…[15].

Ngày 26 tháng 02, Cha suy tư Giờ Tôn Thờ Thánh Thể tác động cá nhân Cha như thế nào: “Tôi phải là người Tôn Thờ với toàn bộ hiện hữu của tôi, toàn bộ cuộc sống, hiện tại và tương lai của tôi…”. “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy[16]: “Tôi phải đến Thánh Thể không phải qua những mầu nhiệm và các nhân đức, thay vào đó chính từ Thánh Thể đến với các mầu nhiệm và nhân đức….[17]

Ngày 4 thánh 03, Cha suy tư về Thánh Thể là trung tâm cuộc đời: “Trung tâm cuộc đời của tôi là Thánh Thể, vì Chúa Giê-su ngự trong Thánh Thể.” [18].

  1. Quà tặng bản vị

Mấy ngày sau Cha tiếp tục suy tư và thực hiện lời khấn dâng hiến bản thân vào ngày 21 tháng 03.

Vào ngày 28 tháng 03, Ủy ban Hồng Y đã gặp Cha và đưa ra quyết định về phòng tiệc ly Gierusalem, Cha Eymard hoàn toàn phó thác bản thân cho Thiên Chúa…. [19].

Sau cùng Cha Eymard chính thức rời Roma vào ngày 30 tháng 03, một trái tim tan vỡ và kiệt sức, nhưng dũng cảm chịu đựng để rồi khai sinh tình yêu, vì tình yêu mạnh hơn sự chết – Tình yêu tinh tuyền này là Chúa của chúng ta trong Mầu Nhiệm Nhập Thể đã hy sinh nhân tính của Người[20]. Quan trọng hơn phòng tiệc ly tại Gierusalem; tiệc ly nội tâm, tiệc ly trong tôi.

  1. Kinh nghiệm cuối đời tại Saint-Maurice 1868

Đây là đợt Tĩnh Tâm lần thứ ba tại nhà Tập Saint Maurist gần Paris từ 27 tháng đến 2 tháng 5 năm 1868, chỉ vài tháng trước khi ngài qua đời. Thật vậy, vào thời điểm này Cha Eymard đang chìm trong đêm tối của linh hồn. Trong khi đó, bản thân Cha vẫn toàn hiến cho mọi hoạt động với tư cách là Đấng Sáng Lập. Vào thời này, Cha cảm nhận được những nỗi khó khăn xuất hiện dưới dạng những cái chết biểu tượng. Điều này cũng dần vén mở chiều sâu về đời sống thiêng liêng của Cha, đó là hoàn toàn phó thác cho Ngôi vị Đức ki-tô trong Bí tích và cho vinh quang của Người. Trong bầu khí tĩnh lặng của nhà Tập, Cha dành trọn vẹn một tuần như là thời điểm khởi đầu lại. Ngài trải nghiệm một nhu cầu vô cùng để có thể khôi phục lại đời sống thiêng liêng của mình. Điều này giống như cuộc đối thoại tình yêu, mà trong cuộc đối thoại này ngài tạ ơn luôn mãi về những hồng ân: “Làm thế nào mà Chúa quá yêu thương tôi đến như vậy! Thiên Chúa từ chối tôi điều gì? Ngài không chối từ điều gì cả. Tôi yêu Người quá ít, còn Người lại yêu thương tôi quá dịu dàng, êm ái[21]. Tuy nhiên, ngài đã đau khổ rất nhiều vì nhận thấy mình yêu Chúa quá ít. Đây thật sự là một cuộc khô hạn về đời sống thiêng liêng: “Ah! Khi Đức Giê-su đổ đầy vào tâm hồn này, thì tâm hồn ấy không nghĩ gì đến bầu khí của những lo lắng, sao xuyến nữa; những lo lắng, sao xuyến giờ không còn xuất hiện nữa; tâm hồn được đổ đầy chỉ một mình Đức Giê-su mà thôi. Một khi những thử thách nổi lên từ sâu trong nội tâm, thì 15 phút tĩnh lặng Tôn Thờ Thánh Thể thôi cũng để củng cố và làm cho tôi bình lặng tâm hồn trở lại, nhưng giờ đây một giờ ở lại trước Thánh Thể làm cho tôi sầu não. Tôi nhận thấy mình thật khó để hồi tâm, thật khó để nhìn lại những thực tại thiêng liêng nơi cung nội của Đức Giê-su và trong nội tâm của chính nôi. Tôi nhận thấy mình như một người bệnh hoạn chỉ biết nói về những đau khổ, những thất vọng của mình mà thôi. Vì thế, cảm nghĩ của tôi trong giờ Tôn Thờ Thánh Thể bị chết cóng; linh hồn của tôi dường như bị đóng băng. Chúa Giê-su mà tôi Tôn Thờ giờ không còn là mặt trời tuyệt mỹ chiếu sáng trên tôi. Tôi thật như một người nô lệ!”[22].

Cha Eymard khao khát cầu nguyện trong sự yên tĩnh, nhưng lại vô ích: “Ôi, làm thế nào tôi có thể có được cầu nguyện tĩnh lặng dưới chân Thầy Chí Thánh bây giờ đây: Hãy ra khỏi chính bản thân anh em đến một nơi thanh vắng để nghỉ ngơi đôi chút[23]. Sự an tĩnh dưới chân Thầy Chí Thánh để khấn xin ân sủng của Người, sự Thiện Hảo của Người, lòng thương xót của Người, kín múc tình yêu từ nơi Người; một sự bình an của trọn vẹn con người hiện hữu của tôi, một sự an tĩnh tràn đầy tình yêu và tươi mới. Tôi đã tận hưởng và cảm nếm khoảng khắc của sự an tĩnh đó. Tôi ao ước những lời nguyện cầu mà Thiên Chúa nói với dân tuyển chọn của Người”: “Ta sẽ dẫn người yêu của Ta vào trong sa mạc, và thầm thỉ với nàng những lời dịu dàng” (Hs 2, 16)[24].

Vào cuối đợt Tĩnh Tâm, Cha Eymard đưa ra quyết tâm thực hiện lời hứa: “Thực hiện việc Tôn Thờ trung tâm của cuộc đời tôi; chuẩn bị giờ Chầu Thánh Thể như chuẩn bị một bữa ăn, một địa chỉ quan trọng. Và Cha kết thúc với những lời như sau: Ưu tiên cầu nguyện… làm việc trong bình an và tự do…tôi là cánh tay của Thiên Chúa…Với những người xung quanh: Cố gắng nói chuyện với những người khác và ít nói về mình hơn[25].

Sau cùng, Cha Eymard thánh hiến những nỗ lực cuối cùng của Cha, qua đời sống tôn thờ Thánh Thể và tác vụ tông đồ, người thợ lao động của Chúa, người Đầy Tớ bình thường khiêm tốn trong sự phục vụ Thầy và Chúa.

Tóm lại, như chúng ta đã biết Cha Eymard đã sống Thánh Thể cách tròn đầy và viên mãn nhất: Một đời sống Tôn Thờ Thánh Thể của Cha nuôi dưỡng tác vụ Tông đồ của Cha, và tác vụ này đã dưỡng nuôi đời sống Tôn Thờ Thánh Thể của Cha. Cả hai được hiệp nhất với nhau: sức sống sung mãn và luôn bùng cháy.

Giuse Trần Thiện

Tài Liệu Tham Khảo

Kinh Thánh

Kinh Thánh. Bản dịch của nhóm CGKPV. Hà Nội: Tôn Giáo, 2011.

Văn kiện của Giáo Hội

Công đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý về Giáo hội – Lumen Gentium

Sách

Alice Camille, Invitation to the Old Testament: a Catholic Approach to the Hebrew Scripture . Chicago: ACTA Publications, 2004

Andre Guitton,SSS.Thánh Juliano Eymard Tông Đồ Thánh Thể, Nguyễn Đức Việt Châu dịch. NXB Dân Chúa,1998

Carroll Stuhlmueller, CP, The Collegeville Pastoral Dictionary of Biblical Theology. Collegevill,   Minnesota, 1997

Dermot Lane, biên dịch: Nguyễn Luật Khoa, OFM, Kinh Nghiệm về Thiên Chúa. NXB Phương Đông, năm 2003

E.C. Nunez, SSS and A. Garreau, SSS, Translation from the French: William Laverdiere, SSS, Retreat Notes St Peter Julian Eymard. New York, USA, 1969

Jordan Aumann, OP, Spiritual Theology, Fifth impression, London Sheed & Ward, 1988

Ronald M. Hals, Grace and faith in the Old Testament. Minneapol: Augsburg Publishing House: 1980

 

 

 

 

 

 

 

 

[1] Xc.Jordan Aumann, OP, Spiritual Theology, Fifth impression, London Sheed & Ward, 1988. tr.8

[2] Ibid., tr. 24-27

[3] Xh 3, 7-10

[4] Dermot Lane, biên dịch: Nguyễn Luật Khoa, OFM, Kinh Nghiệm về Thiên Chúa, (NXB Phương Đông, năm 2003) tr. 89

[5] Xc. Ronald M. Hals, Grace and faith in the Old Testament (Minneapol: Augsburg Publishing House: 1980), 40

[6] Xc. Alice Camille, Invitation to the Old Testament: a Catholic Approach to the Hebrew Scripture (Chicago: ACTA Publications, 2004), pg. 26

[7] Dermot Lane, biên dịch: Nguyễn Luật Khoa, OFM, Kinh Nghiệm về Thiên Chúa, (NXB Phương Đông, năm 2003) tr. 90

[8] Đnl 5, 7

[9] Gr 2,36

[10] Xh 36,36

[11] NR 42, 1

[12] NR 44, 8

[13] NR 44, 15

[14] NR 44, 29

[15] NR 44, 34

[16] Ga 15, 9

[17] NR 44, 67

[18] NR 44, 81

[19] NR 44, 135

[20] NR 44, 137

[21] NR 45, 1

[22] NR 45, 11

[23] Mc 6, 31

[24] NR 45, 14

[25] NR 45, 16