TÔN THỜ THÁNH THỂ CĂN TÍNH CỦA TU SĨ THÁNH THỂ?

Dẫn nhập:

Nói về căn tính đời sống thánh hiến có nghĩa là phải trả lời cho câu hỏi, chúng ta là ai? Cách chung, căn tính đời tu là sự tự nguyện hiến thân theo Chúa để sống Tin Mừng một cách triệt để và trọn vẹn hơn qua việc tuyên giữ các lời khuyên phúc âm.[1] Ngoài căn tính chung này, mỗi hội dòng lại có một căn tính đặc thù khác với hội dòng khác. Chẳng hạn, căn tính của dòng Xitô là cầu nguyện và lao động; Dòng Chúa Cứu Thế là lắng nghe và phục vụ người nghèo; Dòng Đa-minh là rao giảng… ấy thế nhưng, rất nhiều người sẽ trả lời ngay Dòng Thánh Thể có đặc sủng là Chầu – tôn thờ Thánh Thể khi chỉ nghe cái tên thôi. Thiết tưởng trong bài viết này, người viết sẽ cố gắng chỉ ra đời sống tôn thờ Thánh Thể có vị trí, vai trò nào trong Giáo Hội, và đặc biệt đối với một tu sĩ Thánh Thể, tôn thờ Thánh Thể có phải là căn tính đời dâng hiến của họ hay không? Song trước hết, chúng ta cần nhìn lại vài nét lịch sử của việc tôn thờ Thánh Thể.

  1. Một vài nét lịch sử và ý nghĩa của việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ

Trong phụng vụ Roma, việc trưng bày mặt nhật có nguồn gốc từ việc chủ tế nâng bánh Thánh trong Thánh Lễ và xuất hiện vào cuối thế kỷ XII. Cuối thế kỷ XIII, các tín hữu phàn nàn rằng linh mục đã không nâng Mình Thánh trong thánh lễ đủ lâu cho họ tôn thờ. Họ cố gắng tìm kiếm một phương thế nhằm kéo dài sự thờ phượng và chiêm ngắm Chúa Giê-su Thánh Thể. Trong suốt thể kỷ XIV, việc nâng Mình Thánh từ chỗ nâng cao chuyển đến chỗ được cho phép “trưng Mặt Nhật”. Việc trưng bày này vượt ra khỏi thánh lễ và được coi là một thực tại phụng vụ vì nó có tất cả những yếu tố cần thiết trong nghi thức phụng vụ của Giáo Hội.[2]

Chính vì vậy, được cử hành như một nghi thức tiếp nối hay nối dài Thánh Lễ, việc tôn thờ Thánh Thể, hay chầu Thánh Thể giúp chúng ta nghiệm lại được những hiệu quả của ơn cứu độ từ trong cuộc cử hành tưởng niệm Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô, là “Nguồn mạch bất tận của đời sống tâm linh.[3] Bởi vậy, ngay từ những thế kỷ đầu của Giáo Hội, các tín hữu đã ý thức sâu xa về sự hiện diện cận kề của Chúa Phục Sinh nơi nhiệm tích Thánh Thể. Cộng đoàn các tín hữu đã trân trọng lưu giữa Mình Thánh Chúa như là Bánh Trường Sinh, để đem đến cho các bệnh nhân, hoặc để dành cho những ai, vì bị cách trở, không thể đến tham dự nghi thức bẻ bánh.[4] Hơn nữa, vào thời Trung Cổ, khi các tín hữu không có mấy cơ hội được rước lễ thường xuyên, vì những hoàn cảnh sống với nhiều lý do và tình huống phức tạp, lòng họ ước ao được chiêm ngắm Bánh Thánh – nơi mà sự hiện diện thực sự Chúa Giê-su. Từ đó, việc tôn thờ Thánh Thể ngoài Thánh Lễ, với nhiều hình thức sùng mộ khác nhau, được khởi đầu và phát triển ngày càng sâu rộng trong đời sống Giáo Hội. Đặc biệt với Công Đồng Vaticanô II, và nhất là cho đến những năm gần đây, Giáo Hội chính thức xác nhận vị trí, tầm quan trọng cũng như giá trị của việc tôn thờ Thánh Thể, và đề cao nó như là một hành vi phụng tự. Chính Thánh Lễ khơi nguồn cho lòng tôn sùng Thánh Thể và lòng tôn sùng Thánh Thể quy hướng về cuộc cử hành phụng vụ Thánh Lễ.[5] 

Trong Thông điệp Mysterium Fidei, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã chứng thực: Giáo Hội diễn tả niềm tin vào sự hiện diện của Mình và Máu Đức Ki-tô trong Thánh Thể và không ngừng thể hiện một lòng tôn thờ chỉ dành riêng cho Chúa. Giáo Hội đã và tiếp tục tổ chức nền phụng tự tôn thờ đối với bí tích Thánh Thể, không những trong Thánh Lễ mà còn ngoài giờ cử hành Thánh Lễ nữa, qua việc cẩn thận lưu giữ những bánh lễ đã được hiến thánh, qua việc trưng bày cho các tín hữu long trọng chầu kính… Cầu nguyện trước Thánh Thể, những giờ tôn thờ Thánh Thể cách ngắn ngủi, lâu giờ hay hằng năm, chầu Phép lành, kiệu Thánh Thể, các Đại hội Thánh Thể.[6] Cũng thế, trong Tông thư Dominicae Cenae, chúng ta có thể thấy rõ chủ đích của Đức Gioan Phaolô II, Ngài đã khẳng định: Mầu nhiệm này cũng được ban tặng cho toàn thể dân Chúa, cho tất cả những ai tin vào Đức Ki-tô. Vì vậy, sự tôn thờ là câu đáp trả trọn nghĩa với “Tình Yêu” của Đấng đã hy sinh cho đến chết trên thập giá, và đó là cách thức chúng ta cùng ca khen, tạ ơn.[7]

Quả thực, thái độ tôn thờ được dành riêng không những cho việc cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn, mà cả cho việc thờ phượng ngoài Thánh lễ, vì là “một giá trị vô lường” dành cho sự hiệp thông bí tích và thiêng liêng của các tín hữu. Cử hành hay tôn thờ lâu giờ ngoài Thánh lễ cho chúng ta múc lấy ân sủng tận nguồn. Chiêm ngắm và tôn thờ vừa khơi dậy lòng ước muốn kết hiệp trọn vẹn giữa thụ tạo với Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành, vừa mở rộng ý thức về sự bất xứng của mình, vừa kêu xin lòng thương xót nơi vị Chúa Tể của mình đang hiện diện cách tỏ tường nơi bí tích Thánh Thể.[8]

Do đó, chúng ta có thể rút ra hai mục đích của việc tôn thờ (Chầu) Thánh Thể căn bản sau đây: Thứ nhất, đó là biểu lộ đức tin công khai của Hội Thánh vào sự hiện diện đích thực của Chúa Giê-su trong Bí tích Thánh Thể; thứ hai, đó là lời mời gọi chúng ta sống hiệp thông với Ngài trong Bí tích này. Tại sao chúng ta nên tôn thờ Chúa Giê-su nơi bí tích Thánh Thể, đơn giản là bởi vì chính Chúa Giê-su mời gọi chúng ta. Người đã nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 1, 28) Ai có thể từ khước một lời mời tha thiết, trìu mến như thế, đặc biệt những tu sĩ Dòng Thánh Thể, những người mang chính tên gọi Dòng của Bí Tích Cực Thánh – Dòng của hy lễ Tạ Ơn.

  1. Tôn thờ Thánh Thể – Căn nguyên hay sứ vụ Thánh Thể?

Trong tiến trình thành lập Dòng Thánh Thể, Đức Tổng Giám Mục Sibour bác bỏ thỉnh nguyện của cha Eymard, Ngài cho rằng ở Paris thời đó có quá nhiều dòng chiêm niệm rồi. Nhưng được ơn Thánh Thần thúc đẩy, cha đã trả lời cách xác quyết: “Thưa Đức Tổng Giám Mục…Dòng chúng con không phải hoàn toàn chiêm niệm… mà còn hoạt động nữa… chúng con dự định hiến thân để giúp đỡ những người lớn chuẩn bị Rước lễ lần đầu”. Nghe được lời ấy, Đức Tổng tức khắc chấp nhận thỉnh nguyện lập Dòng của cha Eymard.[9]

Trong tông huấn Vita Consacrata, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã dùng ba (3) hình ảnh môn đệ thân tín của Đức Giê-su được tách ra đưa lên núi cao vắng vẻ để được đào tạo cách riêng. Họ được chiêm ngưỡng quang cảnh Chúa biến hình, được đàm đạo thiêng liêng lắng nghe tiếng Chúa, ở kề bên Chúa. Sau giai đoạn đào tạo, chiêm ngưỡng Chúa, cảm nhận được phần nào vận mệnh của thầy và những ai theo thầy trong tương lai, họ được Đức Giê-su sai xuống núi để phản chiếu khuôn mặt rạng rỡ của Ngài.[10] Dù họ cảm thấy ở đây thì tốt lắm, nhưng họ không được phép cắm lều trên núi, sống xa cách dân chúng. Nhưng họ được sai xuống núi để phục vụ, sống chứng tá, rao giảng về Nước Trời.[11] và còn phải trèo lên một ngọn núi khác nữa – Calvario để vào vinh quang thiên quốc.[12]

Theo chiều hướng trên, một người muốn sống linh đạo Thánh Thể cần trải qua (3) giai đoạn đào tạo ban đầu: Thứ nhất là giai đoạn một (1) Thỉnh Sinh, giai đoạn này họ được mời gọi “Come and see” – Đến mà xem; giai đoạn thứ hai (2) là Nhà Tập, nơi đây các ứng sinh tập sống theo khuôn mẫu của tu sĩ Dòng Thánh Thể, một giai đoạn thể hiện rõ căn tính Thánh Thể là cầu nguyện đặc biệt với Chúa Giê-su Thánh Thể, tập yêu Ngài cách tha thiết và một mảng không thể thiếu đó là hoạt động tông đồ của Dòng; giai đoạn thứ ba (3) là Học Viện: Nơi các tu sĩ được hội nhập các giá trị thiêng liêng, các sinh hoạt tri thức và các dấn thân mục vụ theo tuyên ngôn sứ vụ Dòng.[13]

Trở lại với câu hỏi, vậy cái gì làm nên căn tính của tu sĩ Thánh Thể, thiết nghĩ cùng với những gì vừa nói trên cùng với bản Luật Sống – quyển “tin mừng” thứ hai đối với một tu sĩ Thánh Thể, có thể nói căn tính đó là sự yêu mến Thánh Thể, cụ thể nhất, đó là trong luật sống Dòng số một (1): “sống sung mãn mầu nhiệm Thánh Thể và trình bày ý nghĩa của mầu nhiệm ấy để Đức Ki-tô được hiển trị và vinh quang Thiên Chúa được rạng tỏ trên trần gian.” Quả thật, chính sự yêu mến, yêu sung mãn với Thánh Thể là nguồn khởi phát tất cả các sứ vụ, và một trong số đó là Chầu Thánh Thể. Người tu sĩ Thánh Thể đến với Thánh Thể trong giờ Chầu như đáp trả lời mời gọi tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu biểu lộ cách hữu hình nơi bí tích Thánh Thể. Đáp lại sự hiện diện của Chúa Ki-tô, nghênh đón sự hiện diện của Chúa Ki-tô, chúng ta kéo dài giờ cầu nguyện theo hướng tôn thờ và chiêm ngắm để đón tiếp Chúa Giê-su hiện diện trong Thánh Thể.[14] Từ đó, nhờ kín múc ân sủng dạt dào nơi bí tích tình yêu, tu sĩ Thánh Thể đi vào trong sức năng động của Thánh Thể, tức ra đi thi hành sứ vụ.

Chúng ta chẳng thể cho cái mà ta không có! Cũng vậy, làm sao một tu sĩ Thánh Thể được sai đi cho và vì người khác mà trước đó không cảm mến, phụng sự, say yêu Thiên Chúa nơi bí tích Thánh Thể ngang qua các giờ cầu nguyện trước Thánh Thể. Chính thánh Eymard đã coi việc đặt Mình Thánh Chầu là một yếu tố căn cốt thuộc đời sống tôn thờ của tu sĩ Thánh Thể. Chính tình yêu Thánh Thể mãnh liệt – như cục than rực lửa, đã thôi thúc Thánh Eymard thực hiện nhiều việc tông đồ liên quan đến Thánh Thể, để giải phóng năng lượng bùng cháy trong nội tâm ngài khi kín múc trong mầu nhiệm là suối nguồn và chóp đỉnh của Giáo Hội – Hiền thê Đức Ki-tô.[15]

Thực sự khi nhìn vào lịch sử hình thành của Dòng Thánh Thể, Chầu Thánh Thể là một trong những lý do đầu tiên cho sự hiện hữu của Dòng Thánh Thể; là sứ vụ chính yếu của Hội Dòng được sáng lập để thi hành ý của Đức Giê-su Ki-tô: “hãy đến cùng ta, ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”; là mối quan tâm hàng đầu của mọi tu sĩ, là yếu tố căn bản thuộc sứ mạng của dòng và chiếm địa vị ưu tiên trong đời sống mỗi tu sĩ. Có thể nói rằng: trước tất cả mọi thứ gì khác, chúng ta là dòng của những người cầu nguyện trước Thánh Thể. Nhờ sự kết hiệp sâu xa với Đức Giê-su trong Thánh Thể đó cùng với việc lấy cử hành cuộc tưởng niệm Chúa làm trung tâm đời sống cá nhân và cộng đoàn; tìm Chúa qua bàn tiệc; rước lễ; đón nhận Mình và Máu Chúa. Chúng ta đã đang làm chứng cho mọi người sự hiện diện “tình yêu” hiến trao trọn vẹn của Thiên Chúa cho con người.[16] Thế nhưng, như Tổng Tu Nghị lần thứ 35 [PR 149,11] chỉ rõ:  Dòng Thánh Thể không dừng lại ở việc tôn thờ, mà lòng khao khát, hăng say của Hội Dòng đối với vinh quang của Chúa Giê-su được mọi người được biết đến, mọi người thờ lạy, mọi người yêu mến và phụng sự. Đó mới là lý do Dòng Thánh Thể xuất hiện, lý do tận nguồn, sâu sắc mà cả cuộc đời cha thánh Eymard của chúng ta được linh ứng và xác quyết: Chúa Giê-su Thánh Thể đã đến ném lửa tình yêu vào thế gian và Người hằng mong muốn lửa đó được bùng cháy lên (x. Lc 12, 49).

Kết luận:

Hỡi những ai đang vất vả mang gánh nặng nề hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (x. (Mt 1,28), Hội Thánh và thế giới ngày nay đang thật sự “ồn ào”, “vô cảm” với thực tại thánh thiêng, cách riêng là với chính bí tích Thánh Thể, thế nên rất cần thức tỉnh lại việc tôn sùng Thánh Thể, nơi mà tràn đầy ân sủng, nơi mà con người đụng chạm được đến Đấng Thánh là Chúa của mình – chính Chúa hiện diện cách thực sự và Bản Thể. Chúng ta đừng tiếc thời giờ để đến gặp Người trong tôn thờ, trong chiêm ngắm đầy đức tin. Chớ gì chúng ta không bao giờ ngưng nghỉ việc tôn thờ Thánh Thể, đừng bao giờ mặc cảm trước Chúa, bởi Chúa đã thương, đã cứu ta ngay khi ta còn là tội nhân rồi (x. Rm 8, 5).[17] Chúa đã ban Bánh Bởi Trời cho nhân loại – Bánh có đủ mùi vị thơm ngon. Có lẽ, tất cả tu sĩ Thánh Thể mỗi ngày được mời gọi đến tôn thờ Chúa Giê-su Thánh Thể đều ý thức được điều đó, và còn xác quyết hơn như cha thánh Eymard: Có Giê-su Thánh Thể, bạn còn mong gì nữa; có Giê-su Thánh Thể, trần gian này chính là Nước Trời; có Giê-su Thánh Thể, mọi thứ đều ngọt ngào và dễ dàng; có Giê-su Thánh Thể, cuộc đời trở nên dễ chịu; có Giê-su Thánh Thể – nguồn phát sinh sứ vụ, làm sao chúng ta lạc đường; có Giê-su Thánh Thể, nguồn phát sinh sứ vụ, căn tính Thánh Thể rõ ràng – yêu say đắm Giê-su Thánh Thể.

Giuse Nguyễn Đức Huy, SSS

Tài Liệu Tham Khảo

  1. Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Bộ Giáo Luật 1983, (NXB. Tôn Giáo: Hà Nội), 2006.
  2. Phạm Đình Ái, Chú Giải Luật Sống, (lưu hành nội bộ), 2004.
3.   Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Phụng Vụ, Phân Khoa Thần Học, Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X chuyển dịch, Đà Lạt, 1972.
  1. Joseph M. Powers, Sj, Theology Euchatist, New York, 1967.
5.   Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Mysterium Fidei, 1965.
6.   Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Thư Dominicae Cenae – Bữa Tiệc Của Chúa, 1980.
  1. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Ecclesia De Eucharistia, 2003.
  2. Herve Thibault, Khảo Cứu Về Hành Trình Thiêng Liêng, (Đaminh Nguyễn PhúcThuần dịch).
  3. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consacrata, 1996.
  4. Luật Sống Dòng Thánh Thể.
  5. Tổng Tu Nghị Tỉnh Lần 35, Tình Yêu Phải Được Thổi Bùng Lên, 2017.

[1]Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Bộ Giáo Luật 1983, (NXB. Tôn Giáo: Hà Nội 2006), #573§1.

[2] Phạm Đình Ái, Chú Giải Luật Sống, (lưu hành nội bộ, 2004), 80.

[3] Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Phụng Vụ, Phân Khoa Thần Học, Giáo Hoàng Học Viện Thánh Piô X chuyển dịch (Đà Lạt, 1972), #47.

[4] Joseph M. Powers, Sj, Theology Euchatist, (New York 1967), 14-15.

[5] Thánh Công Đồng Chung Vaticanô II, Hiến Chế Phụng Vụ, #7.

[6] Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, Mysterium Fidei, (1965), #56-74.
[7] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Thư Dominicae Cenae – Bữa Tiệc Của Chúa, (1980), #3, #5.

[8] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Ecclesia De Eucharistia (2003), #25.

[9] Herve Thibault, Khảo Cứu Về Hành Trình Thiêng Liêng, (Đaminh Nguyễn PhúcThuần dịch), 37.

[10] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Vita Consacrata, (1996), #27.

[11] Ibid., #75.

[12] Ibid., #14, #40.

[13] Luật Sống Dòng Thánh Thể, #48,# 53, #58.

[14] Ibid., #3, #30.

[15] Tổng Tu Nghị Tỉnh Lần 35, Tình Yêu Phải Được Thổi Bùng Lên, (2017), 64.

[16] Luật Sống Dòng Thánh Thể, #21-32.

[17] Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Tông Thư Dominicae Cenae – Bữa Tiệc Của Chúa, #3, #6.