TÌNH YÊU CHÚA THÁNH THỂ NƠI ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH NGÀY HÔM NAY

∗ Dẫn nhập.

Trong thư mục vụ Mùa Vọng 2014, Đức Giám Mục giáo phận đã nói: “Để xây dựng gia đình nên như tổ ấm chan hòa yêu thương và hạnh phúc, đồng thời luôn tỏa sáng dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa cũng như nét đẹp cao quý của tình yêu con người, chúng ta cần có ý thức sâu sắc về phẩm giá của gia đình Kitô hữu, hiểu như ơn gọi của một tình yêu được thánh hóa trong ân sủng Bí Tích Hôn nhân. Phẩm giá cao cả đó phải được bảo toàn trong nếp sống Kitô hữu và cả trong cuộc sống trần thế”.

Ngài cũng chỉ ra cách thế để thực hiện điều đó chính là Phúc âm hóa, nghĩa là để tinh thần Phúc Âm thấm nhuần vào đời sống, biến đổi cách suy nghĩ và hành xử dựa trên tình yêu trong cuộc sống của gia đình.

Phẩm giá và nét đẹp của tình yêu hôn nhân gia đình là phản ánh tình yêu Chúa Kitô đối với Hội Thánh, một tình yêu trung tín và hiến dâng trọn vẹn. Tình yêu tự hiến đó được thể hiện trên thập giá và bảo chứng là chính Thánh Thể Chúa để lại cho Hội Thánh. Gia đình sống Bí Tích Thánh Thể là thể hiện tình yêu tự hiến đó qua việc sống hy sinh cho nhau và vì nhau trong cuộc sống hằng ngày.

  1. Hoàn cảnh của gia đình trong thế giới hôm nay

Nhận biết những biến chuyển trong lịch sử nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, “Hội Thánh hiểu biết sâu xa hơn về mầu nhiệm sâu thẳm của hôn nhân và gia đình, bắt đầu từ những hoàn cảnh, vấn đề, âu lo và hy vọng của các thanh niên, các đôi vợ chồng và các bậc cha mẹ ngày nay”.

“Hoàn cảnh trong đó các gia đình đang sống hiện có cả những khía cạnh tích cực và tiêu cực: Một số khía cạnh là dấu cho thấy ơn cứu độ của Đức Kitô đang tác động trong thế gian, một số khía cạnh khác là dấu cho thấy sự chối từ của con người đang chống lại tình thương của Thiên Chúa”[1].

Trong bối cảnh đó, Hội đồng Giám mục Việt Nam (viết tắt HĐGMVN) đã mời gọi mọi thành phần dân Chúa cộng tác vào sứ vụ “Tân Phúc Âm hóa thông truyền đức tin Kitô giáo”. Đặc biệt hướng về gia đình như là khởi điểm, HĐGMVN nhận định rằng: “Gia đình là cộng đoàn yêu thương bằng tình yêu hợp nhất thủy chung, xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu. Mối tương quan giữa vợ chồng, cha mẹ và con cái cũng như giữa anh chị em với nhau, phải là dấu chỉ của Tình Yêu Thiên Chúa”[2].

Quả thật, vì yêu thương Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, ban cho họ được hiệp thông sự sống của Tình yêu Ba Ngôi và mời gọi con người cũng sống cho tình yêu ấy[3]. Sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người được hoàn tất vĩnh viễn nơi Đức Giêsu Kitô, vị Hôn Phu yêu thương và hiến mình trên thập giá cho Hiền Thê của Người là Hội Thánh để trở nên Đấng cứu độ nhân loại. Dấu chứng của Tình yêu hiến tế này chính là Bí tích Thánh Thể.

Nhờ đặc tính của Hôn nhân Kitô giáo, khi sống đời hôn nhân gia đình mà người này thuộc về người kia, đôi bạn thực sự biểu lộ tương quan giữa Đức Kitô và Hội Thánh Người. Và nhờ ơn thiêng của Bí tích Thánh Thể, mỗi người được mời gọi để sống hy sinh cho nhau bằng một tình yêu tự hiến thể hiện qua sự yêu thương, cảm thông, nâng đỡ và tha thứ cho nhau trong đời sống gia đình.

  1. Gia đình sống Bí tích Thánh Thể.

2.1. Bí tích Thánh Thể – Bảo chứng Tình yêu tự hiến của Chúa Kitô đối với Hội Thánh.

Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo (viết tắt GLHTCG) đã dạy rằng: “Trong Bí tích Thánh Thể, Đức Kitô ban chính thân mình đã bị nộp vì chúng ta trên thập giá, ban chính máu mà Người đổ ra ‘cho muôn người được tha tội’”[4]. Quả vậy, Chúa Giêsu đã hiến mình làm của lễ hy sinh vô tì tích trên thập giá dâng lên Thiên Chúa vì phần rỗi chúng ta, và đã tự hiến làm lương thực cho chúng ta trong bí tích Thánh Thể. Vì thế, “hy tế của Đức Kitô và hy tế Thánh Thể là một hy tế duy nhất”[5].

Khi Hội Thánh cử hành Thánh Thể, cuộc vượt qua của Chúa Kitô được hiện tại hoá nơi cộng đoàn, vì lễ tế của Chúa Kitô trên thập giá luôn sống động để đem lại ơn cứu độ cho mọi người ở mọi thời đại. Sách GLHTCG trích lại giáo huấn của CĐ Triđentinô đã xác quyết rằng: “Đức Kitô là Thiên Chúa và Chúa chúng ta, […] đã tự hiến cho Chúa Cha bằng cái chết trên bàn thờ thập giá một lần cho mãi mãi, để thực hiện ơn cứu chuộc muôn đời cho loài người. Tuy nhiên, bởi vì cái chết của Người không chấm dứt chức tư tế của Người (Hr 7,24.27), nên trong bữa Tiệc Ly, ‘trong đêm bị nộp’ (1Cr 11,23),… Người đã để lại cho Hiền Thê yêu dấu của Người là Hội Thánh một hy tế hữu hình (như bản tính con người đòi hỏi); trong hy tế hữu hình này, hy tế đẫm máu được thực hiện một lần duy nhất trên thập giá được hiện diện, và việc tưởng niệm hy tế đẫm máu đó sẽ còn mãi cho đến ngày tận thế, và sức mạnh cứu độ của hy tế đó sẽ được áp dụng để tha thứ các tội lỗi chúng ta phạm hằng ngày”[6].

Khi lãnh nhận Mình và Máu Thánh Chúa, người tín hữu được kết hợp với Chúa Kitô, nhờ đó họ được liên kết trong một gia đình, trở nên một thân thể là Hội Thánh. Do đó, Bí tích Thánh Thể làm nên Hội Thánh. Như vậy, Bí tích Thánh Thể là bí tích hiệp thông: Các tín hữu hiệp thông với nhau, như những chi thể của một thân thể duy nhất. Bàn tiệc Thánh Thể chính là bàn tiệc yêu thương hiệp nhất và nhờ cử hành bí tích Thánh Thể, ngay từ bây giờ người tín hữu được hiệp thông và liên kết với các thành phần của Hội Thánh trên trời[7].

Thánh Thể là bảo chứng của Tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu đối với Hội Thánh là Hiền Thê của Người. Hiến lễ tình yêu thập giá ấy mang lại ơn cứu độ và sự sống vĩnh cửu cho con người mọi thời đại. Đây là mẫu gương tình yêu hôn nhân gia đình mà Thánh Phaolô đã nói đến: “Chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Đức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh” (Ep 5, 28-29).

2.2. Gia đình sống hy sinh cho nhau bằng một tình yêu tự hiến.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã diễn tả mối tương quan giữa Bí tích Thánh Thể và đời sống hôn nhân gia đình rằng: “Bí tích Thánh Thể chính là nguồn mạch của hôn nhân Kitô giáo. Quả thế, hy lễ Thánh Thể diễn lại giao ước tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh, vì giao ước ấy đã được ký kết bằng máu của Người trên thập giá. Chính trong hy lễ của Giao ước mới và vĩnh cửu ấy mà các đôi bạn Kitô hữu tìm được nguồn mạch tuôn trào làm cho giao ước hôn nhân của họ được khuôn đúc từ bên trong và được sinh động bền bỉ. Vì là sự diễn lại hy lễ tình yêu của Đức Kitô đối với Hội Thánh, phép Thánh Thể là nguồn mạch đức ái. Nơi ân huệ Thánh Thể là bí tích của Đức Ái, gia đình Kitô hữu gặp được nền tảng và linh hồn cho sự hiệp thông và cho sứ mạng của nó: Bánh Thánh Thể làm cho những phần tử khác nhau của cộng đồng gia đình trở nên một thân thể duy nhất…”[8].

Thật vậy, Chúa đã sống vì yêu, đã chết cho tình yêu, và chính nhờ tình yêu hiến tế đó, Chúa đã đem lại sự sống vĩnh cửu và ơn cứu độ cho con người. Mỗi người trong gia đình hãy biết học sống như Chúa đã nêu gương, biết hành động vì tình yêu thương như Chúa đã thực hiện, biết cảm thông và tha thứ như Chúa đã làm.

  • Trước tiên cần yêu thương và tôn trọng nhau.

Lời cam kết “yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời” xem ra đơn sơ và ngắn gọn nhưng nó đòi phải có một cố gắng bền bỉ để gìn giữ và thực hiện.

Yêu thương nhau đòi buộc mỗi người phải biết nghĩ đến nhau, lo cho nhau và dành cho nhau những gì tốt nhất trong tình cảm cũng như trong hành động. Yêu thương loại bỏ sự ghen tương chua chát, tính nóng nảy hận thù, những bạo hành thóa mạ…Về điều này Thánh Phaolô khuyên nhủ rằng: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại…Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14).

Tôn trọng nhau đòi buộc vợ chồng phải trân trọng tình yêu của nhau, nhìn nhận nhau như người bạn đời, đối xử với nhau trong sự bình đẳng vì mỗi người đều là hình ảnh của Thiên Chúa. Tôn trọng và phát huy những ưu điểm của nhau; đồng thời cần phải tôn trọng và biết đón nhận cách chân thành những góp ý của nhau và chấp nhận những khiếm khuyết, những khác biệt của nhau để bổ túc và tạo nên sự hòa hợp phong phú, giúp nhau mỗi ngày nên hoàn thiện hơn.

  • Kế đến là cảm thông và tha thứ cho nhau.

Quả thật, chúng ta biết rằng trong đời sống gia đình, nhất là trong bối cảnh xã hội hôm nay, chúng ta phải đối diện với biết bao gian nan, thử thách. Không chỉ là việc lao nhọc kiếm sống hằng ngày, mà còn cả những thách đố làm cho mối dây liên kết giữa các thành viên trong gia đình trở nên lỏng lẻo, xa cách, có nguy cơ dẫn đến bất hòa, gây gỗ và xào xáo.

Sống Tình yêu Kitô, mỗi người cần biết cảm thông với những thiếu sót, lỗi phạm của nhau, biết khiêm tốn nhường nhịn nhau trong những khi bất hòa. Vậy nên, trong năm Phúc âm hóa đời sống gia đình, mỗi người chúng ta được mời gọi sống Lời Chúa, để Lời Chúa biến đổi cách sống bản thân: Biết biến đổi tính kiêu căng tự đại thành lòng khiêm nhu ôn hòa, biến đổi lòng ghen ghét đố kỵ thành tình yêu thương nhân hậu, biến đổi sự giận hờn oán trách thành lòng từ bi tha thứ và biến đổi nỗi khổ đau thành niềm vui hân hoan. Nhờ ơn biến đổi đó, chúng ta có thể giúp nhau cùng biến đổi nếp sống gia đình theo tinh thần Phúc âm Chúa đã truyền dạy (x. Rm 12,9-18; 1Cr 13,1-8; Cl 3,1-17).

Hãy nhớ rằng: “yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13, 8) và tuân giữ luật yêu thương sẽ đem lại an vui, hạnh phúc và bình an cho gia đình mình.

  • Sau hết là hy sinh và giúp đỡ lẫn nhau.

“Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Một trong những bằng chứng về tình yêu chân thật đó là sự hy sinh, quên mình. Yêu nhau mà không chấp nhận hy sinh, gian khổ vì nhau và với nhau thì chưa phải là tình yêu chân thật. Chắc hẳn mỗi người chúng ta đều mong muốn có được cuộc sống gia đình an vui, hạnh phúc. Điều đó đòi buộc mỗi người trong gia đình trước hết phải biết cố gắng chu toàn bổn phận mình, biết hy sinh giúp đỡ lẫn nhau, biết chia sẻ trách nhiệm gia đình, đồng tâm hiệp lực để xây dựng cuộc sống gia đình đầy đủ về vật chất, thăng tiến về tinh thần và phẩm giá con người.

Với thời gian, gia đình sẽ trải qua nhiều biến cố, nên mỗi người cần biết sống cho nhau và vì nhau khi biết quan tâm và chia sẻ với nhau: Biết nghĩ về nhau khi vui lúc buồn, hiện diện khích lệ nhau khi thành công hay lúc thất bại, dám hy sinh, chia sẻ đỡ đần cho nhau khi vất vả khó nhọc, dám từ bỏ cái tôi kiêu hãnh để chia sẻ gánh nặng của nhau, nâng đỡ nhau những khi phiền muộn, biết dành thời giờ chăm sóc cho nhau nhất là khi đau yếu và bệnh tật.

Hơn nữa, là Kitô hữu mỗi người cần biết sống gắn bó yêu thương, nâng đỡ và dìu dắt nhau, giúp nhau thực thi ý Chúa và chu toàn trọn vẹn luật Chúa truyền ban. Có như thế, chúng ta mới đem lại niềm hạnh phúc, an vui cho gia đình và cộng đoàn chúng ta chung sống.

2.3. Thánh Thể – nguồn mạch tình yêu,sẽ củng cố và dưỡng nuôi tình yêu gia đình.

Sách GLHTCG tiếp tục dạy rằng: “việc cử hành hy tế Thánh Thể hoàn toàn hướng đến sự kết hợp mật thiết các tín hữu với Đức Kitô qua việc rước lễ. Rước lễ là lãnh nhận chính Đức Kitô, Đấng đã tự hiến vì chúng ta”[9].

Theo ý hướng đó, việc hiệp lễ là ơn vô giá mà chúng ta được hưởng, khi đó chúng ta được tham dự vào chính giao ước Tình yêu giữa Đức Kitô và Hội Thánh. Nhờ được kết hiệp mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta được có Ngài làm bạn đồng hành, được Ngài trợ lực trong cuộc sống gia đình. Đàng khác, chúng ta được kết hợp nên một trong Ngài và nhờ đó mỗi người chúng ta biết yêu thương nhau không phải bằng một tình yêu giới hạn của mình, nhưng bằng tình yêu vô biên của Chúa.

Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch tình yêu, mời gọi vợ chồng trở nên một thân thể duy nhất và chia sẻ cho nhau. Năng đến với bí tích Thánh Thể, mỗi người người trong gia đình sẽ được Chúa Giêsu biến đổi để trở nên tấm bánh tình yêu bẻ ra trao tặng cho nhau: Tấm bánh của sự sống, của niềm vui, của tha thứ và của sự tâm đầu ý hợp. Bí tích Thánh Thể chính là sức sống nuôi dưỡng, củng cố và đổi mới tình yêu của đời sống hôn nhân gia đình. Nhờ tình yêu siêu nhiên ấy, chúng ta có thể lướt thắng những cám dỗ, bực bội, buồn phiền. Nhờ thánh lễ, cuộc sống của gia đình trở thành “hy lễ thiêng liêng đẹp lòng Thiên Chúa”[10].

  1. Áp dụng trong cuộc sống.

Hắng ngày, trong cuộc sống, đặc biệt chúng ta có thể bắt gặp trên các phương tiên thông tin đại chúng rất nhiều những câu chuyện tình yêu đẹp, cụ thể như các câu chuyện sau:

3.1. Hỗ trợ lẫn nhau vươn tới đỉnh cao.

Vào đầu tháng 09.1990, hai vợ chồng người Pháp là Bernard và Laurence de la Ferrière đã leo lên đến đỉnh Everest trong dãy Hy-mã-lạp-sơn, một đỉnh núi cao nhất thế giới (8882m). Hành trình đi lên đã là gian khổ, nhưng khi leo trở xuống còn gian nan và nguy hiểm hơn nữa. Từng bước, từng bước, họ đã phải nương tựa vào nhau, hỗ trợ lẫn nhau, và họ đã thành công. Thành tích vẻ vang mà họ lập được là của cả hai vợ chồng. Như thế, họ thật xứng đáng với danh hiệu: đôi vợ chồng đầu tiên trên đỉnh cao thế giới!

3.2. Sống Lời Chúa theo hoàn cảnh.

Có hai ông bà kia mừng Kim Khánh Hôn Phối (50 năm thành hôn). Trông hai ông bà rất vui tươi. Cuộc sống của hai ông bà kể là êm ấm hạnh phúc. Người ta mới hỏi lý do nào hay có bí quyết gì giúp hai ông bà sống với nhau vui vẻ cho đến nay. Ông cụ vui vẻ trả lời: Chúng tôi phải học sống Lời Chúa. Người ta thắc mắc và hỏi ông bà sống Lời Chúa như thế nào.

Ông cụ tếu táo giải thích: Khi còn đang yêu và lúc mới cưới, chúng tôi sống câu Lời Chúa: “Đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi… người chồng sẽ lìa bỏ cha mẹ mà luyến ái với vợ và cả hai nên một xương một thịt” (St 2, 23-24). Thế là từ đó con cái theo nhau ra đời! Rồi gia đình đông con, cuộc sống thêm phần khó khăn, lục đục diễn ra, nên chúng tôi phải chọn sống câu: “Chồng hãy yêu thương vợ, đừng đay nghiến nó… Vợ hãy phục tùng chồng vì đó là điều phải đạo. Con cái hãy vâng lời, thảo kính cha mẹ…” (x. Cl 3, 18-20).

Rồi đôi khi trong gia đình xảy ra xung khắc vì chuyện đi sớm về khuya, đi ngang về tắt… thế là chúng tôi lại chọn sống lời nhắc nhở: “Anh em hãy chịu đựng lẫn nhau và hãy tha thứ cho nhau, nếu người này có chuyện phải oán trách người kia…” (x. Cl 3,13). Cũng chẳng thiếu những lần giận nhau, để chiến tranh lạnh diễn ra nhiều ngày, nên suy và sống lời: “Hãy yêu cả kẻ thù và cầu nguyện cho những ai ngược đãi anh em” (x. Mt 6,44). Thế là hòa bình lặp lại, làm lành với nhau, chúng tôi nhắc nhau mãi lời Thánh Phaolô: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ yêu thương vì yêu người là chu toàn lề luật” (Rm 13, 8). Vậy là vui vẻ cho đến hôm nay!

∗ Kết luận.

Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch đời sống Hội Thánh, là trung tâm và tột đỉnh của mọi hoạt động của Hội Thánh[11]. Nơi Bí tích Thánh Thể, Chúa hiến mình làm thần lương nuôi dưỡng và chữa lành vết thương tội lỗi của chúng ta, trở nên nguồn ơn trợ giúp chúng ta trong cuộc lữ hành dương thế.

Siêng năng cùng dâng lễ và rước lễ, mỗi người trong gia đình được mời gọi sống Tình yêu Chúa Kitô và thương mến nhau hơn. Với sự hiện diện đồng hành và trợ giúp của Chúa Giêsu Thánh Thể, mỗi người trong gia đình khi sống bên cạnh nhau, biết sống hy sinh cho nhau, biết cảm thông, chia sẻ và ân cần chăm lo cho nhau những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống gia đình, biết an ủi, nâng đỡ và chăm sóc tận tình lẫn nhau trong sự yêu thương đùm bọc khi mạnh khỏe, cũng như khi đau yếu, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, vất vả của cuộc sống. Có như thế, đời sống gia đình Kitô giáo mới thực sự phản ánh Tình yêu Thiên Chúa và góp phần vào việc loan báo Tin Mừng và công cuộc tân Phúc Âm hóa hôm nay.

Giuse Nguyễn Thanh Khâm,SSS


[1] ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, tông huấn Familiaris Consortio, (22/11/1981), số 4 và 6.
[2] HĐGMVN, Thư Chung Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam và Công cuộc Tân Phúc Âm Hóa, ngày 10.10.2013, số 6.
[3] x. ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, tông huấn Familiaris Consortio, số 11.
[4] GLHTCG, số 1365.
[5] GLHTCG, số 1367.
[6] GLHTCG, số 1366; x. LG 3; x. Hr 17,43.
[7] GLHTCG, số 1396. 1419; x. 1Cr 10, 16-17.
[8] ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, tông huấn Familiaris Consortio, số 57.
[9] GLHTCG, số 1382.
[10] ĐỨC GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II, tông huấn Familiaris Consortio, số 59.
[11] GLHTCG, số 1324; x. LG 11.