Tỉnh Thức Để Sẵn Sàng

Vào năm 79 SCN, thành phố cổ Pompeii nằm phái tây nam nước Ý, bất thình lình bị núi lửa phun trào. Cả thành phố bị vùi lấp dưới lớp tro bụi dày trên 5 mét. Ngày nay, các nhà khảo cổ đã khai quật và tìm thấy những bộ xương người và động vật đóng trong một lớp tro bụi khô cứng. Dựa theo những bộ xương, người ta dùng thạch cao để đắp thành những hình người trong tư thế y hệt lúc xảy ra đại nạn. Có rất nhiều những tư thế chết khác nhau:

Một người mẹ đang ôm chặt đứa con trong vòng tay.

Một người lính trong bộ áo giáp với vũ khí trong tay, đang đứng gác.

Một người trong tư thế ngồi, hai tay ôm mặt.

Một người hai tay ôm đầu, người co tròn thành một cục.

…………

Tất cả những tư thế chết đó, nói lên rằng dân thành Pompeii bị chết bất ngờ.

Tôi muốn dùng câu chuyện này để gợi lên nội dung sứ điệp Lời Chúa hôm nay: Hãy tỉnh thức để sẵn sàng đón Chúa.

Mùa Vọng là mùa vừa chuẩn bị mừng biến cố làm người của Đức Giêsu, vừa là mùa mà qua biến cố này, Giáo hội kêu mời các tín hữu chuẩn bị chào đón Người trở lại trong vinh quang vào ngày quang lâm. Cho nên, thật là ý nghĩa khi khởi đầu năm phụng vụ mới, bắt đầu bước vào Mùa Vọng, mẹ Giáo hội mời gọi con cái mình tỉnh thức để sẵn sàng đón Chúa, vì không ai biết được ngày giờ Chúa đến.

Vâng, ngày giờ Chúa đến không ai biết được, nhưng chúng ta chắc chắn rằng ngày ấy sẽ xảy đến; bằng chứng là trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc lại câu chuyện lụt hồng thủy thời ông Nô-ê. Nếu như lụt hồng thủy thời ông Nô-ê xảy ra bất ngờ như thế nào, thì ngày Chúa đến cũng sẽ xảy ra bất ngờ như vậy. Nhờ đã chuẩn bị sẵn sàng, nên gia đình ông Nô-ê được cứu thoát; trong khi đó, thiên hạ thời bấy giờ không sẵn sàng, không chuẩn bị, mải mê ăn uống, cưới vợ lấy chồng, nên đã bị nước lũ cuốn trôi tất cả. Ngay sau khi nhắc đến lụt hồng thủy thời ông Nô-ê, Chúa Giêsu nói: ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy, tức là ngày đó xảy đến bất thình lình. Trong ngày quang lâm ấy, Người sẽ tách chiên với dê, lúa với cỏ, người tốt với kẻ xấu, nghĩa là có người sẽ được tiếp nhận vào Nước Trời, có người sẽ bị bỏ lại trong án phạt đời đời “Hai người đàn ông đang làm ruộng, một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại” Được đem đi hay bị bỏ lại là tùy thuộc người ta có tỉnh thức và sẵn sàng hay không; đây chính là điểm làm nên sự khác biệt giữa số phận của ông Nô-ê và người dân thời đó.

Hơn nữa, Chúa Giêsu còn nhấn mạnh thêm sự cần thiết phải sống tỉnh thức để sẵn sàng chờ ngày Chúa quang lâm, bằng cách Ngài so sánh ngày đó với việc kẻ trộm viếng thăm. Tất nhiên, kẻ trộm đến nhà thì không bao giờ báo trước. Nó đến bất cứ lúc nào, và nằm ngoài dự đoán của gia chủ, tức là hoàn toàn bất chợt. Điều duy nhất để bảo vệ của cải nhà cửa của mình là phải tỉnh thức. Chúa đến cũng như vậy: bất ngờ và không ai dự đoán trước được. Cho nên, “anh chị em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh chị em không ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Mt 24,44). Như vậy, thái độ tỉnh thức để sẵn sàng đón Chúa là thái độ cần có trong mỗi chúng ta.

Điều quan trọng là chúng ta hiểu và sống thái độ tỉnh thức như thế nào?

Phải chăng tỉnh thức đơn giản chỉ là không ngủ, không say sưa tối ngày; hay có người cho rằng tỉnh thức là không có làm gì hết, mà chỉ quì gối đọc kinh cầu nguyện và đợi Chúa đến…..phải chăng là như vậy? Tất nhiên, chúng ta không hiểu như vậy.

Thái độ tỉnh thức mà Chúa Giêsu muốn chúng ta có, được thánh Phaolô đề cập trong thư gởi giáo đoàn Rôma, mà chúng ta vừa được nghe trong bài đọc 2. Thánh nhân kêu mời các tín hữu hãy tỉnh thức để sẵn sàng đón chờ ngày cứu độ “Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia”. Ngày cứu độ đó cũng được ngôn sứ Isaia loan báo trong bài đọc 1, là ngày Thiên Chúa ban nguồn hạnh phúc và đời sống thái bình cho mọi người “Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày…Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau.” Như vậy, để xứng đáng với hồng ân đó, để được Chúa đem đi hưởng hạnh phúc ấy, thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức đối diện với hiện tại, bởi vì ngay giữa những sinh hoạt bình thường hằng ngày, Chúa sẽ đến và bất ngờ đem chúng ta đi. Cho nên, mọi hành động sống của chúng ta phải “mặc lấy Đức Giêsu” : không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương; nhưng hãy để Lời Chúa soi dẫn mọi hành động sống của chúng ta.

Thế nhưng, trong bối cảnh thế giới chúng ta đang sống, thì sứ điệp Lời Chúa hôm nay càng trở nên một thách đố lớn cho mỗi người Kitô hữu chúng ta. Một thế giới công nghiệp: ai ai cũng tập trung vào đời sống thường ngày của mình. Người ta lo kiếm sống, lo làm giàu đến nỗi chẳng màng chi đến ngày Chúa quang lâm, thậm chí chẳng có thời gian để nghĩ là sẽ có ngày Chúa đến. Cho nên, thái độ tỉnh thức của người Kitô hữu còn phải là thái độ phó thác, cậy tin vào ơn Chúa. Khi đó, chúng ta sẽ thấy bình an hơn trước những thách đố của thời đại.

Mùa Vọng này rồi cũng qua đi, nhưng tôi thiết nghĩ đời sống của người Kitô hữu sẽ mãi là Mùa Vọng, sẽ mãi phải tỉnh thức cho đến ngày phán xét. Amen.

Lm. Phêrô Mai Quốc Anh,SSS