“MẦU NHIỆM ĐỨC TIN”
của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI
về giáo lý và sự sùng kính PHÉP THÁNH THỂ
Kính gửi Chư Huynh đáng kính
Các Thượng phụ, Giáo chủ, Tổng Giám mục, Giám mục và các vị Bản quyền địa phương khác, các Linh mục và Giáo dân khắp hoàn cầu.
PHAOLÔ VI, GIÁO HOÀNG
Gửi Chư huynh đáng kính và các con thân yêu lời chào và Phép lành Toà Thánh.
- Hội thánh Công giáo đã đón nhận mầu nhiệm đức tin là Hồng ân Thánh Thể do chính Đức Kitô, Hôn Phu của mình, trao ban như bảo chứng tình yêu vô biên của Người. Hội thánh luôn bảo quản như gia sản cao qúi nhất. Công đồng Vaticanô II đã long trọng tuyên xưng lại và nói lên lòng sùng kính.
Bí tích Thánh Thể là trọng tâm của phụng vụ
- Khi trao đổi về việc canh tân Phụng vụ, các Nghị phụ Công đồng, với ưu tư mục vụ, nhất trí khuyến khích giáo dân tham dự tích cực vào việc cử hành mầu nhiệm thánh này với niềm tin trọn vẹn và lòng sùng kính sâu xa để, khi kết hợp với linh mục, dâng tiến Thiên Chúa hy tế cho chính ơn cứu độ của mình và cả thế giới và để hưởng dùng mầu nhiệm này như lương thực thiêng liêng.
- Nếu như Phụng vụ thánh chiếm vị trí hàng đầu trong đời sống Giáo hội, thì có thể nói rằng Bí tích Thánh thể là linh hồn và trọng tâm của Phụng vụ: chỉ vì Bí tích Thánh thể là nguồn sống củng cố chúng ta, đến độ chúng ta không còn sống cho chính mình nữa, nhưng là cho Chúa, và chúng ta được hiệp nhất nhờ tình yêu thâm sâu này.
- Xác tín vào giáo lý Hội thánh luôn gìn giữ và giảng dạy, cũng như Công đồng Tridentinô đã long trọng tuyên xưng, các Nghị phụ Công đồng nhấn mạnh sự liên hệ bất biến giữa đức tin và lòng nhiệt thành đạo đức. Các Ngài muốn đưa vào bản trình bày mầu nhiệm thánh này bằng một tóm tắt các chân lý như sau: “Trong Bữa Tiệc sau hết, vào đêm bị nộp, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình Máu Người, để nhờ đó Hy Tế Khổ Giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để ủy thác cho Hiền Thê yêu quí của Người là Giáo hội việc tưởng nhớ cái Chết và Sống Lại của Người: đây là bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc vượt qua, trong đó chúng ta ăn Chúa Kitô, được tràn đầy ân sủng, và được bảo đảm vinh quang tương lai” (SC 47).
- Các lời trên vừa ca tụng hy tế là yếu tính của Thánh lễ được dâng lên mỗi ngày, vừa ca tụng bí tích. Những ai tham dự bí tích này nhờ hiệp lễ, sẽ ăn Mình thánh Chúa và chia sẻ Máu thánh Người; họ lãnh nhận ân sủng tiền dự vào cuộc sống vĩnh cửu và “phương dược trường sinh” như lời Chúa nói: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54).
Canh tân Phụng vụ
- Ta hy vọng chắc chắn rằng, việc canh tân Phụng vụ sẽ đem lại hiệu quả dồi dào cho việc tôn sùng Bí tích Thánh thể; như thế, Hội thánh, khi cử hành dấu chỉ cứu độ của lòng sùng kính này, sẽ ngày càng tiến đến sự hiệp nhất hoàn toàn (x. Ga 17,23), sẽ mời gọi và lôi kéo cách tế nhị mọi Kitô hữu đến sự hiệp nhất đức tin và đức ái, nhờ ân sủng bởi trời.
- Ta nhìn thấy được các thành qủa này và đón nhận như hoa trái đầu mùa với niềm vui chân thành, vồn vã cũng như con cái Hội thánh Công giáo đã đón nhận Hiến chế về việc canh tân Phụng vụ và các tác phẩm có giá trị được xuất bản nhằm đào sâu việc tìm hiểu giáo lý phong phú về Bí tích Thánh thể, đặc biệt về sự liên hệ giữa mầu nhiệm này với mầu nhiệm Hội thánh.
- Đây là điều động viên và đem lại niềm vui cho Ta. Thưa Chư huynh, Ta cũng xin chia sẻ niềm vui này với Chư huynh, để Chư huynh cùng Ta tạ ơn Thiên Chúa, Đấng ban phát mọi ơn lành, lãnh đạo và củng cố Hội thánh ngày càng sung mãn trong việc gia tăng các nhân đức, nhờ Thánh Thần.
Những băn khoăn mục vụ và âu lo
- Chư huynh đáng kính, ngay trong lãnh vực Ta vừa trình bày, cũng có nhiều điều quan trọng gây âu lo cho việc mục vụ. Ý thức trách nhiệm Tông tòa không cho phép Ta thinh lặng được.
- Thật vậy, chúng ta biết rằng trong những kẻ nói hay viết về mầu nhiệm cực thánh này, có nhiều người đưa ra các ý kiến gây xáo trộn tâm hồn các tín hữu, làm cho họ nghi ngờ các chân lý đức tin, như về Thánh lễ cử hành riêng tư (messe célébrée en particulier), về tín điều Biến Thể và về lòng sùng kính mến yêu Thánh Thể. Các tác giả này dễ dàng quên đi giáo lý đã được Hội thánh định tín một lần là đủ và tự do giải thích làm suy giảm ý nghĩa chính thống của các từ hay giá trị phải được công nhận.
- Đan cử vài thí dụ: không được phép ca tụng Thánh lễ “cộng đồng” để hạ giá Thánh lễ riêng tư. Người ta cũng không được phép quá nhấn mạnh đến phương diện dấu chỉ bí tích: như thể tính biểu trưng, là điều không ai phủ nhận trong Bí tích Thánh thể, có thể diễn tả trọn vẹn cách thức Chúa hiện diện trong bí tích này. Cũng không được phép trình bày mầu nhiệm biến thể mà không gợi lên việc biến đổi (conversio) diệu kỳ của toàn bộ bản chất bánh thành Mình thánh Đức Kitô và bản chất rượu trở thành Máu thánh Chúa – việc biến đổi mà Công đồng Tridentinô đã nói đến – mà chỉ nhấn mạnh đến việc thay đổi hai mặt thường được gọi là “Chuyển nghĩa – Transsignification” và “Chuyển đích – Transfinalisation”. Cũng không được phép đề nghị và đem ra thực hành ý kiến cho rằng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, không còn hiện diện trong Bánh Thánh đã truyền phép còn thừa lại sau khi cử hành Thánh lễ.
- Mọi người đều thấy rõ các ý kiến này và những ý kiến tương tự, gây nhiều tai hại cho đức tin và lòng sùng kính đối với Bí tích Thánh thể.
- Công đồng đã tạo được hy vọng sẽ phát huy lòng nhiệt thành với Bí tích Thánh thể trong khắp Hội thánh. Không lẽ hy vọng này bị các mầm giống sai lệnh làm tiêu tán đi. Vì thế, Chư huynh đáng kính, với quyền Tông tòa, Ta quyết định trao đổi đề tài này và trình bày ý kiến của Ta với Chư huynh.
- Đương nhiên Ta không phủ nhận cố gắng đáng khen nơi các tác giả gây xáo trộn; họ đã khao khát đào sâu một mầu nhiệm vĩ đại, khám phá sự phong phú bất tận và soi sáng ý nghĩa cho con người thời đại. Ta nhìn nhận và tán dương khao khát này, nhưng không thể chấp nhận những ý kiến họ đưa ra; đồng thời với trách nhiệm, Ta cảnh báo với Chư huynh về nguy hiểm trầm trọng mà các ý kiến đó gây ra cho niềm tin chân chính.
Bí tích Thánh thể là một mầu nhiệm đức tin
- Trước hết, Ta xin nhắc lại một chân lý mà Chư huynh đã biết rõ, nhưng phải trực diện trong tâm trí để tránh mọi lây nhiễm của thuyết Duy lý, một chân lý mà bao vị thánh tử đạo đã xác nhận bằng chính giá máu của mình, mà bao Giáo phụ và Tiến sĩ Hội thánh đã kiên trì tuyên xưng và giảng dạy: Thánh Thể là mầu nhiệm cao cả; nói theo ngôn ngữ phụng vụ, là Mầu nhiệm đức tin. Đấng Tiền nhiệm Lêô XIII đáng kính nhớ, đã viết như sau: “Duy chỉ mầu nhiệm này chứa chất hết mọi thực tại siêu nhiên cách sung mãn và diệu kỳ”.
- Chúng ta phải tiến đến mầu nhiệm này với lòng cung kính khiêm nhường, không dựa vào lý trí loài người; lý trí này phải thinh lặng trước mầu nhiệm cao cả; nhưng chúng ta phải xác tín mạnh mẽ vào Mặc khải của Thiên Chúa.
Tin vào lời của Đức Kitô
- Chư huynh đã biết thánh Gioan Kim Khẩu dùng ngôn ngữ cao siêu và lòng nhiệt thành chói sáng để trình bày mầu nhiệm Thánh Thể. Một hôm, đang lúc dạy dỗ tín hữu, ngài được nói lên những lời đẹp đẻ này: “Hãy cúi mình ở khắp nơi và luôn như thế trước Thiên Chúa, không một chút phản kháng nào, cho dù điều Người dạy có vẽ nghịch lý và ngược lại với sự hiểu biết của chúng ta: Lời Người phải vượt trên lý trí và sự hiểu biết của chúng ta. Với mầu nhiệm Thánh Thể cũng thế, đừng dừng lại với giác quan, nhưng hãy chạy đến Lời Người, vì Lời Người không phỉnh gạt ai”.
- Các Tiến sĩ Kinh viện cũng thường có những xác quyết tương tự như thế. Thánh Thomas dạy, “người ta không thể dùng giác quan” để nhận thực sự hiện diện của Mình thật và Máu thật của Chúa trong bí tích này, “nhưng bằng đức tin, vì đức tin dựa vào thế giá của Thiên Chúa”. Vì thế, khi chú giải câu Lc 22,19 “Đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em”, thánh Cyrillô dạy: “Đừng hỏi xem điều này có thật không, nhưng hãy đón nhận Lời Chúa với đức tin, vì Người là Chân lý, không dối gian bao giờ”.
- Giáo dân cũng mượn lời của vị Tiến sĩ Thiên thần để hát: “Thị giác, xúc giác, vị giác có thể làm cho con người nhận dịnh sai lệch; chỉ khi nghe, người ta có thể tin cách bảo đảm; tôi tin tất cả những gì Con Thiên Chúa đã nói với tôi; không có gì chân thật bằng lời chân lý này.”
- Thánh Bonaventura quả quyết: “Đức Kitô hiện diện trong bí tích như trong một dấu chỉ, điều này không đem lại một khó khăn nào; nhưng nếu Người hiện diện thật sự trong bí tích cũng như trên trời, thì sẽ có một khó khăn lớn; thế nên tin điều này sẽ có một giá trị cao cả.”
- Hơn nữa, Phúc âm cũng gợi nhớ một điều tương tự khi nhắc lại việc nhiều môn đệ của Đức Kitô, khi nghe Người tuyên bố phải ăn thịt và uống máu Người, đã rút lui và bỏ Người, vì thú nhận rằng: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”. Và khi Đức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai có muốn bỏ đi không, thì Phêrô đã lẹ làng xác tín niềm tin của mình và các Tông khác bằng một lời kinh ngạc: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,60.68).
- Trong việc tìm hiểu mầu nhiệm này, chúng ta sẽ theo sợi chỉ đỏ là Huấn quyền của Hội thánh; chính Đấng Cứu độ thiên linh đã trao phó cho huấn quyền trách nhiệm bảo quản và giải thích Lời Chúa được ghi chép hay truyền khẩu, khi bảo đảm rằng “dù không có những tìm tòi dựa theo lý trí, dù không có những lời giải thích mà ngôn từ đủ khả năng cung cấp, những gì từ thời xa xưa được toàn thể Hội thánh công bố và tin tưởng dựa theo chân lý đức tin, tất cả đều luôn còn giá trị chân thật”.
Giá trị các tín điều được Hội thánh công nhận
- Điều trên chưa đủ; cần phải bảo vệ tính toàn vẹn của đức tin bằng tuân giữ cách diễn tả chính xác, vì sợ rằng khi sử dụng những thuật ngữ không chính xác, sẽ đưa đến những ý kiến lệch lạc, ảnh hưởng xấu đến đức tin trong các mầu nhiệm cao siêu; điều này không được đẹp lòng Thiên Chúa. Điều này nhắc nhớ chúng ta đến thánh Augustinô, khi ngài trình bày sự khác biệt giữa cách sử dụng ngôn từ của các triết gia và của các nhà thần học. Ngài nói: “Các triết gia nói năng tự do, không sợ xúc phạm đến thính giả có tôn giáo trong những vấn đề rất khó nắm bắt. Nhưng chúng tôi phải cẩn thận, nói năng theo qui củ chính xác, tránh việc tự do sử dụng ngôn từ sợ đưa đến những ý kiến lệch lạc về những đối tượng chúng biểu trưng”.
- Nhờ một công trình kéo dài bao thế kỷ và dưới tác động của Thánh Thần, Hội thánh ấn định một qui luật cho ngôn ngữ, được các Công đồng phê chuẩn; qui luật này thường trở thành dấu hiệu và dấu ấn cho đức tin chính thống. Qui luật này phải được tôn trọng với tính chất tôn giáo. Không ai có quyền thay đổi theo sở thích của mình hay dưới tiêu đề có tính khoa học mới mẽ. Ai có thể chịu đựng được khi người ta phê phán những luận đề tín lý, được các Công đồng chung sử dụng, về các chủ đề mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và Nhập Thể, cho rằng không còn thích hợp với con người thời đại và tìm cách thay thế bằng những công thức khác? Cũng thế, không thể chấp nhận một cá nhân tự do đụng chạm đến các công thức Công đồng Tridentinô dùng để trình bày giáo lý đức tin về Bí tích Thánh thể. Các công thức này, cũng như những công thức khác Hội thánh dùng để xác định tín điều đức tin, diễn tả những quan niệm, không liên hệ gì đến một hình thức văn hóa, hay một giai đoạn xác định của quá trình tiến hóa khoa học, cũng không liên hệ đến trường phái thần học nào. Chúng chỉ diễn tả điều mà tâm trí con người lĩnh hội thực tại nhờ kinh nghiệm phổ quát và tự nhiên, được lột tả bằng ngôn từ thích ứng và xác định, vay mượn từ ngôn ngữ phổ thông hay trí thức. Vì thế các công thúc này có thể được dễ dàng chấp nhận ở mọi thời và mọi nơi.
- Đương nhiên, người ta có thể giải thích các công thức này rõ ràng và đầy đủ hơn, như đã từng có các kết quả tốt đẹp; thế nhưng phải nằm trong ý nghĩa mà Hội thánh xác định. Như thế, chân lý bất biến của đức tin mới không bị xuy xiển, mà việc hiểu biết đức tin lại được phát triển. Như Công đồng Vaticanô dạy, “ý nghĩa các tín điều thánh thiên cần được bảo vệ chính là điều mà Hội thánh, Mẹ chúng ta, đã xác định một lần cho mãi mãi. Không bao giờ được phép lìa xa ý nghĩa đó vịn cớ hay nhân danh một sự hiểu biết sâu xa hơn”.
Mầu nhiệm Thánh Thể được hiện thực trong hy tế Thánh lễ
- Chư huynh đáng kính, giờ đây Ta cùng với Chư huynh nhắc lại giáo lý về mầu nhiệm Thánh Thể mà Hội thánh đã lãnh nhận từ thánh truyền và đã nhất trí giảng dạy, để mọi người được củng cố và mừng vui.
Hy tế Thánh Thể
- Trước tiên, cần nhắc lại điều tạo thành tổng hợp và chóp đỉnh của giáo huấn này: nhờ mầu nhiệm Thánh Thể, Hy tế thập giá đã hiện thực một lần là đủ trên đồi Calvê, được hiện diện (repraesentari) một cách tuyệt điệu: Hy tế luôn được nhắc nhớ để tưởng niệm (in memoriam revocari) và hiệu năng cứu độ sẽ hoạt động qua việc tha thứ các tội lỗi do chúng ta sai phạm hằng ngày.
- Khi thiết lập mầu nhiệm Thánh Thể, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã đóng ấn Giao ước mới bằng chính Máu của mình, chỉ vì Người là Đấng Trung gian, như xưa Mô-sê đã đóng ấn Giao ước cũ bằng máu của bò tơ. Thật vậy, các Phúc âm đều trình thuật việc này: trong bữa Tiệc Ly “Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy. Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói: Chén này là Giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em (Lc 22,19-20; x. Mt 26,26-29; Mc 14,22-24). Khi truyền lệnh cho các Tông đồ làm điều này để tưởng nhớ đến Người, Người muốn rằng cử chỉ này sẽ được tái lập muôn đời. Hội thánh tiên khởi đã trung thành thực hiện mệnh lệnh này, khi kiên trì lắng nghe lời giảng dạy của các Tông đồ và tụ họp để cử hành Hy tế Thánh Thể. “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42). Các tín hữu rất sốt sắng, đến độ người ta kháo láo với nhau: “Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý” (Cv 4,32).
- Thánh Phaolô, Đấng truyền đạt cho chúng ta những gì đã lãnh nhận từ Chúa một cách trung tín, cũng đã nói rõ ràng về Hy tế Thánh Thể khi giải thích rằng người Kitô hữu không thể chia sẻ tế phẩm của kẻ ngoại, chỉ vì họ đã tham dự vào Bàn tiệc của Chúa. “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?… Anh em không thể vừa uống chén của Chúa, vừa uống chén của ma quỷ được; anh em không thể vừa ăn ở bàn tiệc của Chúa, vừa ăn ở bàn tiệc của ma quỷ được”(1 Cr 10,16-21).
Việc dâng tiến mới của Tân ước mà ngôn sứ Malakhi đã tiên báo, Hội thánh, nhờ được Chúa và các Tông đồ dạy dỗ, đã luôn dâng hiến, “không những để tha thứ các tội lỗi và hình phạt, để đền tội và cho các nhu cầu khác của tín hữu đang sống, nhưng cho cả những người đã chết trong Đức Kitô, mà chưa được thanh luyện đầy đủ”.
- Không kể những chứng cứ khác, chúng ta chỉ gợi đến chứng cứ của thánh Cyrillô thành Giêrusalem; khi dạy giáo lý cho các tân tòng, người đã nói những lời đáng ghi nhớ này: “Sau khi hoàn tất hy lễ thiêng liêng, nghi thức không đổ máu, chúng tôi đọc trên bánh xá tội, những lời cầu xin Thiên Chúa ban bình an cho toàn thể Hội thánh, cho thế giới được tốt đẹp, cho hoàng đế, cho quân đội và các đồng minh, cho bệnh nhân và những kẻ đang gặp thử thách; cách chung chúng tôi cầu cho hết mọi người và dâng lễ vật này cho những ai cần sự giúp đỡ… Tiếp đến, chúng tôi cầu nguyện cho các giáo phụ và Giám mục đã qua đời; cách chung cho những người của chúng tôi đã chết. Chúng tôi xác tín rằng những lời cầu như thế sẽ trợ lực rất nhiều cho các linh hồn, khi các lời cầu này được dâng lên trước lễ vật lành thánh, đáng kính sợ này.” Để củng cố lời giảng dạy, vị thánh Tiến sĩ này đã đưa ra tỉ dụ về mão triều người ta bện cho hoàng đế để van xin tha tội cho những kẻ bị lưu đày; ngài kết luận: “Cũng cách thức ấy, chúng tôi dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện cho kẻ quá cố, dù trước đó họ là tội nhân; chúng tôi không bện các mão triều, nhưng dâng lên chính Đức Kitô hiến tế vì tội lỗi chúng tôi, cố gắng để Thiên Chúa đoái thương chúng tôi và cả họ nữa.” Thánh Augustinô cũng chứng nhận thói quen dâng “hy tế cứu độ” cho kẻ đã qua đời trong Hội thánh Rôma và đồng thời xác nhận thực hành này cũng phổ biến trong toàn thể Hội thánh, như do các Giáo phụ truyền đạt lại.
Lễ vật của toàn thể Hội thánh
- Ta còn muốn nói thêm một điều nữa, sẽ giúp ích rất nhiều cho việc soi sáng mầu nhiệm Hội thánh: toàn thể Hội thánh, khi kết hiệp với Đức Kitô, chu toàn vai trò tư tế và hiến vật; chính Hội thánh cũng được dâng lên Thiên Chúa. Giáo lý kỳ diệu này đã được các Giáo phụ giảng dạy, mới đây lại được Đấng Tiền nhiệm đáng nhớ là Đức Piô XII trình bày; cuối cùng cũng được Công đồng Vaticanô II xác định trong Hiến chế về Hội thánh về đề tài Dân Thiên Chúa.
Ta ước mong giáo lý này được giải thích thêm mãi và khắc sâu trong tâm hồn các tín hữu, dù vẫn nhấn mạnh đến sự khác biệt thuộc yếu tính, chứ không chỉ về cấp bậc giữa chức tư tế của giáo dân và chức tư tế phẩm trật. Không còn giáo lý nào xứng đáng hơn để làm sinh động lòng sùng kính Thánh Thể và làm nổi bật phẩm giá của mọi tín hữu, cũng như thúc đẩy các tâm hồn tiến đến đỉnh trọn lành; đỉnh cao này nằm ở chỗ dấn thân trọn vẹn phục vụ Thiên Chúa uy linh nhờ việc quảng đại tự hiến dâng chính mình.
Mỗi Thánh lễ được dâng tiến để cứu độ thế giới
- Cũng nên nhắc lại hệ luận của giáo lý này về tính công khai và xã hội của mọi Thánh lễ. Thật vậy, Thánh lễ, dù do một linh mục cử hành riêng lẽ, thì cũng không được xem là chuyện riêng tư, nhưng là hành động của Đức Kitô và của Hội thánh. Trong Thánh lễ, Hội thánh học hỏi để tự dâng hiến chính mình hợp với hiến tế đại đồng, đem lại sức năng động cứu độ duy nhất và vô biên của hy tế thập giá cho thế giới. Thật vậy, mọi Thánh lễ được dâng, không phải vì ơn cứu độ của một vài cá nhân nào, nhưng là cho cả thế giới.
Do đó, việc giáo dân tham gia đông đảo và tích cực sẽ làm cho Thánh lễ đạt được đỉnh cao vì đúng với bản chất, nhưng không phải vì thế mà trách cứ Thánh lễ do chỉ một linh mục và một phụ lễ để phục vụ và đối đáp, nhưng phải xác nhận rằng Thánh lễ riêng tư này, vì lý do chính đáng, đã cử hành đúng với các chỉ thị và truyền thống chính thức của Hội thánh. Thánh lễ này cũng đem lại nhiều ân sủng đặc biệt cho linh mục cũng như cho đoàn dân tín hữu, cho Hội thánh và cho toàn thế giới; các ân sủng này chỉ được đạt nhờ vào sự hiệp thông mà thôi.
- Với tình phụ tử, Ta khuyên các linh mục hãy ý thức đến quyền mà vị Giám mục tấn phong đã trao ban, để dâng lên Thiên Chúa Hy tế và nhân danh Chúa cử hành Thánh lễ cho kẻ sống cũng như cho những người đã qua đời. Ta khuyên các linh mục nên dâng lễ hằng ngày cách xứng đáng và sốt sắng, để chính họ và mọi tín hữu được hưởng nhiều ân sủng từ Hy tế thập giá. Bằng cách này, họ sẽ góp phần rất nhiều cho ơn cứu độ nhân loại.
Đức Kitô hiện diện cách bí tích trong Hy tế Thánh lễ
- Điều Ta vừa tóm lược về Thánh lễ khiến Ta phải nói đôi lời về Bí tích Thánh thể: Hy tế (Sacrificium) và Bí tích (Sacramentum) đều cùng thuộc về một mầu nhiệm, và người ta không được phân ra. Chúa chúng ta tự sát tế cách không đổ máu trong hy tế Thánh lễ; hy tế này hiện diện hóa Hy tế thập tự và đem lại sức lực cứu độ, mỗi khi, nhờ hiệu năng lời truyền phép, bắt đầu hiện diện cách bí tích như của ăn thiêng liêng cho tín hữu dưới dạng bánh rượu.
Đức Kitô hiện diện trong Hội thánh dưới nhiều hình thức
- Chúng ta đều biết rằng Đức Kitô hiện diện trong Hội thánh dưới nhiều cách. Cũng cần nhìn lại chân lý đẹp đẻ này cách rộng hơn mà Hiến chế về phụng vụ đã trình bày cách ngắn gọn.
Đức Kitô hiện diện trong Hội thánh đang cầu nguyện, như chính Người là Đấng “cầu nguyện cho chúng ta, Đấng cầu nguyện trong ta và là Đấng chúng ta hướng đến để cầu nguyện: Người cầu nguyện cho chúng ta vì chính Người là linh mục của chúng ta; Người cầu nguyện trong chúng ta với tư cách là Thủ lãnh; chúng ta cầu nguyện lên Người như Thiên Chúa của chúng ta”. Chính Người đã hứa: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20).
Đức Kitô hiện diện trong Hội thánh đang thực thi bác ái; thật vậy, không những điều chúng ta làm cho kẻ bé mọn nhất trong anh em là chúng ta làm cho chính Đức Kitô, nhưng chính Đức Kitô nhờ Hội thánh luôn hoạt động, luôn giúp đỡ mọi người với lòng nhân từ của một Thiên Chúa. Người hiện diện trong Hội thánh đang trên cuộc lữ hành dương thế, luôn khao khát cuộc sống vĩnh cửu, chỉ vì Người trú ngụ trong tâm hồn nhờ qua đức tin và ban phát đức ái nhờ Thánh Thần là Đấng Người đã ban tặng cho chúng ta.
- Đức Kitô hiện diện một cách khác nữa trong Hội thánh đang giảng dạy, chỉ vì Phúc âm mà Hội thánh công bố là Lời của Thiên Chúa và Lời này được công bố nhân danh và thẩm quyền của Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể của Thiên Chúa, và dưới sự bảo trợ của Người, chỉ có “một đàn chiên yên nghỉ cách tin tưởng dưới một mục tử duy nhất”.
- Đức Kitô hiện diện trong Hội thánh đang hướng dẫn và lãnh đạo dân Chúa, chỉ vì quyền năng thánh thiên đến từ Đức Kitô và Đức Kitô, “mục tử của mọi mục tử”, bảo trợ cho các mục tử thực hiện quyền này, dựa theo lời hứa Người đã ban cho các Tông đồ.
- Hơn nữa, Đức Kitô hiện diện cách cao vời nhất trong Hội thánh, khi nhân danh Người, cử hành hy tế Thánh lễ và ban phát các Bí tích. Về sự hiện diện của Chúa trong lễ vật Hy tế Thánh lễ, Ta xin trích lời rất chính xác của thánh Gioan Kim Khẩu: “Tôi muốn thêm một điều thật sự gây kinh ngạc, nhưng xin đừng hụt hẩng và xao xuyến. Điều gì vậy? Lễ vật vẫn là một, dù Phaolô hay Phêrô dâng tiến; vẫn là lễ vật mà Đức Kitô đã trao phó cho các môn đệ và hiện tại các linh mục đang chu toàn. Lễ vật này không kém lễ vật kia, chỉ vì không tùy thuộc vào sự thánh thiện của con người, nhưng tùy thuộc vào Đấng hiến thánh nó. Những lời Thiên Chúa đã nói thì cũng là lời các linh mục đang đọc, vì thế lễ vật cũng là một.”
Ai cũng biết rằng các Bí tích là hành động của Đức Kitô, Đấng cử hành nhờ qua con người. Vì lý do đó, chúng thánh thiện, và nhờ quyền năng của Đức Kitô, chúng ban phát ân sủng cho linh hồn khi chạm đến thân xác.
Chúng ta kinh ngạc trước nhiều cách hiện diện của Đức Kitô và qua đó chiêm ngắm được mầu nhiệm của Hội thánh. Dù vậy cách hiện diện siêu vượt nhất vẫn là cách hiện diện trong Bí tích Thánh thể nơi Hội thánh. Vì thế, giữa các Bí tích, Thánh Thể là Bí tích “rất dịu dàng với lòng sùng kính, rất tươi đẹp với sự hiểu biết, rất thánh thiện với điều nó hàm chứa”. Bí tích này hàm chứa chính Đức Kitô và bí tích này là “sự tuyệt hảo cho đời sống thiêng liêng và là cùng đích cho mọi bí tích khác qui hướng về”.
Sự hiện diện “đích thực” của Đức Kitô trong Thánh lễ
- Người ta gọi sự hiện diện này là “đích thực – realiter – réelle”, điều này không có ý nói là các cách hiện diện khác không thực, nhưng ở đây muốn nhấn mạnh đến sự hiện diện này là “bản thể –substantialiter”, qua đó Đức Kitô, vừa là Thiên Chúa vừa là con người, hiện diện một cách trọn vẹn.
Vì thế, người ta sẽ giải thích sai lạc cách hiện diện này khi gán cho thân xác vinh quang của Đức Kitô một bản chất mà người ta gọi là “thần khí – pneumatique”, hiện diện ở khắp mọi nơi (omniprésent); hay hạn hẹp cách hiện diện này vào khung của chủ thuyết biểu trưng, như bí tích đáng kính này không có gì khác hơn là một biểu trưng hữu hiệu “cho sự hiện diện thiêng liêng của Đức Kitô và cho sự kết hợp mật thiết trong Nhiệm Thể với các chi thể là các tín hữu.”
Bí tích Thánh thể, biểu trưng sự hiệp nhất
- Các Giáo phụ cũng như các nhà Kinh Viện đã học hỏi về tính biểu trưng của Bí tích Thánh thể, đặc biệt về sự hiệp nhất trong Hội thánh. Tóm kết các giáo lý của các ngài, Công đồng Tridentinô dạy rằng Chúa chúng ta đã để lại cho Hội thánh Thánh Thể “như biểu trưng… sự hiệp nhất và đức ái qua đó Người muốn tất cả mọi Kitô hữu liên kết mật thiết với Người và giữa nhau”, “và như là biểu trưng cho thân thể duy nhất mà Người là Đầu”.
- Vào thời đầu của văn chương Kitô giáo, một tác giả vô danh của tác phẩm Didachè hay Giáo lý của 12 Tông đồ đã viết về đề tài này: “Về vấn đề lễ Tạ ơn, hãy tạ ơn như thế này:… Cũng như chiếc bánh được bẻ ra đây, trước tiên được gieo rắc trên khắp ruộng đồng, giờ được thu lượm và trở thành một tấm bánh, thì xin cho Hội thánh Cha từ muôn phương được tụ về trong Nước Cha” (Did. 9,1.4).
- Cũng vậy, thánh Cyprianô, khi bảo vệ sự hiệp nhất chống lại nhóm ly khai, đã viết: “Cuối cùng, các Hy tế của Chúa làm sáng tỏ tính hiệp nhất của các Kitô hữu, được gắn bó bằng đức ái vững bền. Vì, khi Chúa gọi Thân thể của Người là tấm bánh được tạo thành do sự kết hợp nhiều hạt lúa, Người chỉ đến dân đang tụ họp của chúng ta, dân này Người đã mang lấy; và khi Người gọi Máu thánh của Người thứ rượu đã được làm nên từ nhiều chùm nho mà nước ép đã hòa trộn với nhau, Người muốn chỉ đến bầy đàn của chúng ta thống nhất lại nhờ hòa tan từ một số đông.”
- Trước tất cả mọi người, thánh Phaolô đã nói với người Côrinthô: “Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,17).
Giải thích theo lối biểu trưng chưa đủ
- Nếu như biểu trưng của Bí tích Thánh thể giúp chúng ta nắm bắt được hiệu quả thật sự của bí tích này, là sự hiệp nhất trong Nhiệm Thể, nhưng nó không giải thích cũng không chỉ cho thấy điều dựa theo bản chất, bí tích này khác với các bí tích khác. Chỉ vì giáo lý Hội thánh luôn dạy cho các dự tòng, giáo lý được chính Công đồng Tridentinô xác định và lời của Chúa Kitô khi thiết lập Bí tích Thánh thể, buộc chúng ta tuyên xưng rằng “Thánh Thể là chính Thịt của Đức Giêsu Kitô, Thịt này đã chịu đau khổ vì tội lỗi chúng ta và Chúa Cha, vì lòng nhân từ, đã cho phục sinh”. Ta muốn thêm vào lời trên của thánh Ignatiô thành Antiochia bằng lời của Théodore thành Mopsueste, chứng nhân trung tín với đức tin của Hội thánh về vấn đề này, khi nói với dân chúng: “Chúa đã không nói: đây là biểu trưng Thân mình Tôi và đây là biểu trưng máu của Tôi, nhưng là: đây là Mình Tôi, đây là Máu Tôi. Người dạy chúng tôi đừng chú tâm vào bản chất của vật thể lệ thuộc vào giác quan; thật vậy, nhờ việc tạ ơn và nhờ lời đọc trên chúng, các đối tượng này đã trở thành Mình và Máu thánh”.
Đức tin của Hội thánh được Công đồng Tridentinô tuyên xưng
- Dựa trên đức tin của Hội thánh, Công đồng Tridentinô “xác quyết cách công khai rằng trong Bí tích Thánh thể đáng kính, sau lời truyền phép trên bánh rượu, Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Thiên Chúa thật và là người thật, hiện diện đích thật, thật sự và bản thể (vere, realiter et substantialiter) dưới hình dạng các thực tại khả giác”. Chúa chúng ta hiện diện trong nhân tính không những bên hữu Thiên Chúa Cha, theo cách hiện diện tự nhiên, nhưng đồng thời trong Bí tích Thánh thể “theo một cách hiện diện mà ngôn ngữ loài người khó diễn tả, nhưng lý trí của chúng ta, nhờ đức tin soi sáng, có thể nhận ra và chúng ta phải xác tín như điều Thiên Chúa có thể làm được”.
Đức Kitô, Chúa chúng ta, hiện diện trong Bí tích Thánh thể nhờ việc biến thể.
- Nhưng để tránh mọi hiểu lầm về cách thức hiện diện này vì vượt qúa qui luật tự nhiên và thực ra cũng là một phép lạ vĩ đại, chúng ta phải lắng nghe tiếng nói của Hội thánh trong giáo huấn và trong lời cầu nguyện. Chỉ vì tiếng nói này luôn là âm vang tiếng nói của Đức Kitô, bảo đảm cho chúng ta rằng Đức Kitô không hiện diện trong bí tích này cách nào khác hơn là qua việc thay đổi bản chất bánh thành thân xác Chúa và bản thể rượu thành Máu thánh Chúa Kitô; Hội thánh gọi sự biến đổi này cách chính xác là “Biến Thể – Transsubstantiatio”. Khi việc này hoàn tất, các yếu tố bánh rượu chắc chắn sẽ có một ý nghĩa mới và một mục đích mới, chỉ vì chúng không còn là bánh thông thường và thức uống thông thường nữa, nhưng là dấu chỉ của một đối tượng thánh thiên và dấu chỉ một thức uống thiêng liêng. Các hình dạng này mang ý nghĩa mới và mục đích mới qua việc chúng chứa một thực tại mới mà chúng ta gọi cách đúng đắng là thực tại hữu thể.
Thật vậy, dưới các hình dạng này, sẽ không còn cái trước đó đã hiện hữu, nhưng là một cái gì khác; đấy không phải do sức năng động phán đoán do đức tin của Hội thánh, nhưng là do một thực tế khách quan; chỉ vì một khi bản chất bánh và rượu đã trở thành Mình và Máu Chúa Kitô, sẽ không còn gì là bánh và rượu, chỉ trừ hình dạng; dưới những hình dạng đó, Chúa Kitô hiện diện trọn vẹn với cả thực tế thể lý, dù cách thức có khác biệt với việc các vật thể chiếm lấy trong không gian.
Chứng cứ của thánh truyền
- Trong khi trình bày bí tích đáng kính này, các Giáo phụ luôn ân cần dạy bảo giáo dân, đừng qúa dựa vào giác quan bám chặt vào các đặc tính của bánh rượu, nhưng phải dựa vào Lời của Đức Kitô; quyền năng của lời làm cho bánh rượu thay đổi, chuyển hóa, biến chuyển các yếu tố bánh rượu thành Mình và Máu của Chúa. Như các Giáo phụ thường nhắc đi nhắc lại, quyền lực tạo thành việc vĩ đại này cũng là quyền lực của Thiên Chúa toàn năng, Đấng ngay từ thuở ban đầu đã sáng tạo mọi sự từ hư không.
- Thánh Cyrillô thành Giêrusalem đã nói trong bài giảng về các mầu nhiệm đức tin: “Anh đã được giáo huấn các chân lý và bước vào đức tin chân chính, thế nên dù vị giác cho cảm nhận là bánh, nhưng không phải thế mà là Mình Chúa Kitô; và dù có cảm nhận là rượu, nhưng không phải rượu mà là Máu thánh Chúa Kitô… củng cố tâm hồn anh khi ăn bánh này như lương thực thiêng liêng và chiếu tỏa niềm vui từ tâm hồn lên gương mặt anh.”
- Thánh Gioan Kim Khẩu nhấn mạnh: “Không phải con người làm cho lễ vật trở thành Mình Máu Chúa Kitô, nhưng chính là Chúa Kitô, Đấng đã chịu đóng đinh vì chúng ta. Vị linh mục là hình ảnh của Đức Kitô, đọc những lời này, nhưng hiệu năng và ân sủng là do Thiên Chúa. Ngài nói: Này là Mình Thầy. Lời này biến đổi các lễ vật.”
- Cyrillô, Giám mục thánh Alexandria, hoàn toàn đồng ý với thánh Gioan Kim Khẩu, Giám mục thành Constantinople. Cyrillô viết trong phần chú giải Phúc âm thánh Matthêu như sau: “[Đức Kitô] đã nói theo cách chỉ định: Này là Mình Thầy và này là Máu Thầy, để anh đừng tưởng điều anh thấy chỉ là hình ảnh, nhưng là để anh tin rằng các lễ vật, do quyền năng Thiên Chúa tối cao, đã thực sự biến thành Mình Máu Chúa Kitô một cách nhiệm mầu; khi được chia sẻ vào Mình Máu thánh này, chúng ta lãnh nhận sức mạnh hoàn sinh và thánh hóa của Chúa Kitô.”
- Thánh Ambrôsiô, Giám mục thành Milan, đã nói rất rõ về việc biến đổi trong Thánh Thể (conversio eucharistica): “Hãy nhớ rằng, đây không phải là điều thiên nhiên làm ra, nhưng là do lời chúc lành thánh hiến; sức lực của lời chúc lành vượt trên sức lực tự nhiên; chỉ vì nhờ lời chúc lành, chính cái tự nhiên đã thay đổi.” Để củng cố chân lý mầu nhiệm, ngài nhắc lại nhiều tỉ dụ trích từ Kinh Thánh, đặc biệt là sự kiện Đức Kitô được sinh ra từ Trinh Nữ Maria; cuối cùng khi đề cập đến sáng tạo, ngài kết luận: “Lời của Đức Kitô, Đấng có khả năng tạo thành từ hư không, lại không thể biến đổi cái đang có trở thành cái chưa có sao? Ban cho sự vật bản chất đầu tiên thì cũng tương tự như thay đổi bản chất đó.”
Đức tin vững vàng của Hội thánh
- Ta không cần phải đan cử nhiều chứng cứ nữa, chỉ cần nhắc lại đức tin vững vàng của Hội thánh, nhất trí chống lại Béranger là người đầu tiến dám phủ nhận việc biến đổi được thực hiện trong Thánh Thể (conversio eucharistica); Hội thánh nhiều lần kết án ông ta, nếu như ông không rút lời. Chính vì thế đấng Tiền nhiệm Grégoire VII đã buộc ông ta phải tuyên xưng đức tin theo công thức như sau: “Tôi tin trong lòng và tuyên xưng công khai, bánh rượu trên bàn thờ, nhờ mầu nhiệm kinh nguyện và lời của Đấng Cứu độ chúng ta, đã biến đổi cách bản thể thành Mình thật, chính xác và sống động và Máu của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Sau khi truyền phép, chúng thật sự là Mình của Chúa Kitô, được Đức Trinh Nữ sinh ra, Đấng chịu treo trên thánh giá để cứu độ thế gian, Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa Cha; cũng như Máu thánh Chúa Kitô, tuôn chảy từ cạnh sườn Người. Người hiện diện không phải theo cách hình ảnh và do sức lực của bí tích, nhưng trong bản tính thật sự và trong bản thể thật sự.”
- Một tỉ dụ lạ lùng về tính vững bền của đức tin công giáo, đó là những lời trên ăn khớp với những điều các Công đồng chung Latran, Constance, Florence và cuối cùng là Công đồng Tridentinô dạy về mầu nhiệm biến đổi Thánh Thể, khi trình bày giáo lý của Hội thánh, khi kết án các lạc thuyết.
- Sau Công đồng Tridentinô, Đấng Tiền nhiệm Piô VI, để chống lại các lệch lạc của Công đồng Pistoie, nhắc nhớ các cha sở, trong khi thi hành nhiệm vụ giảng dạy, đừng bỏ qua việc giảng dạy về thuyết biến thể, là một tín điều phải tin. Cũng thế, Đấng Tiền nhiệm Piô XII đáng nhớ qui định những ranh giới cho những người tranh luận về mầu nhiệm biến thể phải chấp hành; còn Ta, nhân dịp Đại hội Thánh Thể toàn quốc nước Y họp tại Pise, căn cứ trách nhiệm tông đồ, đã công khai và long trọng nhấn mạnh đến niềm tin của Hội thánh.
- Hội thánh Công giáo không những xác tín vào giáo lý, nhưng ngay cả trong đời sống của mình cũng nắm vững đức tin vào sự hiện diện Mình Máu thánh Chúa trong Thánh Thể; Hội thánh luôn dành cho bí tích vĩ đại lòng sùng kính như đối với Thiên Chúa. Về điểm này thánh Augustinô nói với chúng ta: “Chính trong thân xác này, Chúa đã bước đi trên thế gian và Người ban cho chúng ta chính Thịt này để làm lương thực cho ơn cứu rỗi chúng ta; không ai được đón nhận, nếu trước đó không thờ lạy…và khi thờ lạy như vậy, chúng ta sẽ không còn phạm tội nữa, nhưng ngược lại, chúng ta sẽ phạm tội nếu như không thờ lạy bí tích này”.
Tôn sùng Bí tích Thánh thể
- Hội thánh luôn công bố việc tôn thờ Bí tích Thánh thể, không những trong Thánh lễ, nhưng cả bên ngoài việc cử hành. Hội thánh hết sức cẩn thận bảo quản các Bánh thánh đã được truyền phép, trưng bày để giáo dân thờ lạy cách long trọng và kiệu Thánh Thể trong niềm vui của muôn người.
- Chúng ta tìm được nhiều chứng cứ về việc tôn sùng này trong các tác phẩm cổ xưa của Hội thánh. Thật vậy, các chủ chăn luôn khuyến khích giáo dân phải cẩn thận với Bánh thánh mà họ đem về nhà. Thánh Hippolyt cảnh báo: “Các tín hữu phải ăn, chứ không được xúc phạm đến Mình thánh Chúa”.
- Như Origenes nói, các tín hữu sẽ cảm thấy có tội, nếu như lãnh nhận Bánh Thánh về nhà, cẩn thận và tôn kính, nhưng vì bất cẩn để rơi các mụn Bánh.
- Về điểm này Novatien thật đáng tin cậy; cho thấy các chủ chăn rất nhặt nhiệm, xét nét nếu như có ai thiếu sự kính trọng; ông kết án những ai “khi dự xong Thánh lễ ngày Chúa nhật và mang theo Bánh thánh trong mình,… lại không vội vã đem Mình Chúa về nhà”, nhưng lại đi dự các buỗi văn nghệ.
- Thánh Cyrillô thành Alexandria phi bác một ý kiến vô lý cho rằng Bánh thánh để qua ngày hôm sau, sẽ không còn khả năng thánh hóa chúng ta nữa: “Đức Kitô không thể thay đổi và Mình thánh của Người cũng vậy. Trong Bánh thánh luôn luôn có sức lực, quyền năng và ân sủng để giúp cho con người sống”.
- Chúng ta cũng đừng quên rằng, ngày xưa, các tín hữu, dù bị bách hại hay dù rút lui vào trong hoang vắng vì yêu mến đời đan tu, vẫn rước lễ hằng ngày, vẫn cầm lấy Bánh thánh trong tay, nếu như thiếu vắng linh mục hay phó tế.
- Chúng ta nhắc nhớ điều này không phải để thay đổi cách bảo quản Thánh Thể hay cách nhận Bánh thánh như đã được Hội thánh ấn định sau này, vẫn còn hiệu lực cho đến nay, nhưng để thấy đức tin vững bền của Hội thánh.
- Chính từ đức tin này phát sinh lễ Mình Thánh Chúa (Corpus Domini; Fête-Dieu). Lễ này được cử hành lần đầu tiên tại địa phận Liège nhờ ảnh hưởng của nữ chân phước Julienne Mont-Cornillon và Đấng Tiền nhiệm của Ta là Đức Urbain VI đã phổ biến cho toàn thế giới. Đức tin này làm phát sinh nhiều hiệp hội đạo đức sùng kính Thánh Thể; các hiệp hội này càng ngày càng gia tăng dưới sự linh hứng của ơn thánh, nhờ đó, Hội thánh Công giáo tôn thờ Đức Kitô, cảm tạ Người vì hồng ân cao cả và van nài lòng xót thương của Người.
Cổ động lòng tôn sùng Thánh Thể
- Thưa Chư huynh đáng kính, Ta nài xin Chư huynh bảo vệ đức tin này cách tinh tuyền và bất biến trong dân chúng; đức tin luôn trung tín với Lời của Đức Kitô và của các Tông đồ và loại tất cả mọi ý kiến nguy hại ra khỏi đức tin này. Ta van xin Chư huynh đừng tiếc lời và cố gắng để cổ động việc tôn sùng Bí tích Thánh thể, vì tất cả mọi hình thức đạo đức khác đều phải qui hướng về lòng sùng kính này.
- Ước gì dưới sự thúc đẩy của Chư huynh, các tín hữu hiểu thấu và cảm nhận được lời của thánh Augustinô: “Ai muốn sống sẽ tìm được nơi đây để sống và cái gì để sống; họ bước tới, tin và hội nhập để được sống. Nếu như họ đã không phủ nhận tính hợp nhất trong các chi thể và cũng không muốn cắt bỏ một chi thể đã bị hủy hoại hay một cơ quan làm cho họ xấu hổ: họ ao ước là một chi thể đẹp đẻ, tốt lành và mạnh khoẻ; thì hãy nhập vào thân thể, sẽ sống nhờ Thiên Chúa và cho Thiên Chúa. Hiện tại họ hoạt động dưới đất để có thể ngự trị trên trời.”
- Ước gì mỗi ngày có đông tín hữu tham dự Thánh Thể một cách tích cực; họ được nuôi dưỡng bằng việc hiệp lễ với tâm hồn thanh sạch và thánh thiện; họ sẽ tạ ơn Đức Kitô, Chúa chúng ta vì ân lành khôn tả. Họ sẽ nhớ lại lời: “Khao khát của Đức Kitô và của Hội thánh là thấy mọi tín hữu mỗi ngày tiến đến Bàn Tiệc thánh, để một khi được kết hiệp với Thiên Chúa nhờ bí tích này, họ múc lấy sức lực để vượt thắng mọi cám dổ, để thanh tẩy mọi lỗi nhẹ hằng ngày và để tránh các tội trọng do yếu đuối của con người.”
Ước gì các tín hữu đừng xao lãng việc đi viếng Thánh thể. Thánh Thể được cất giữ cẩn thận trong mọi thánh đường nơi một vị trí xứng đáng, với tất cả danh dự, dựa theo luật phụng vụ. Việc viếng thăm Đức Kitô, hiện diện trong Bí tích này, là một dấu chứng sự biết ơn, một bảo chứng tình yêu và một sự tôn thờ phải đạo.
Giữa lòng cuộc sống
- Ai cũng biết rằng Bí tích Thánh thể đem lại cho người Công giáo một phẩm giá vô song. Đức Kitô thực sự là Đấng Emmanuel “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, không những lúc tiến dâng hy tế và khi bí tích thành tựu, nhưng còn sau đó bao lâu Bí tích Thánh thể được gìn giữ trong các thành đường và nguyện đường. Ngày đêm, Người ở giữa chúng ta, ở với chúng ta, đầy ân sủng và chân lý. Người phục hưng các phong tục, dưỡng nuôi các nhân đức, ủi an kẻ sầu khổ, củng cố người yếu đau và luôn mời những ai tiến đến gần Người hãy bắt chước Người, để theo gương Người, họ học hỏi sự hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, không tìm kiếm tư lợi, nhưng tất cả cho Thiên Chúa. Như thế, ai sùng kính bí tích này cách đặc biệt, cố gắng yêu thương Đức Kitô bằng con tim sẵn sàng và quảng đại, Đấng yêu thương ta không bờ không bến, người đó sẽ cảm thấy và hiểu giá trị đời sống âm thầm với Chúa Kitô trong Thiên Chúa, với niềm vui nội tâm và đem lại nhiều hoa trái. Họ biết việc đối thoại với Đức Kitô qúi báo là dường nào, vì không có gì êm dịu trên trần gian, không có gì xứng đáng cho bằng bước đi trên con đường thánh thiện.
- Chư huynh đáng kính, Chư huynh biết rằng Bí tích Thánh thể được gìn giữ trong các thánh đường và nguyện đường như trung tâm thiêng liêng của cộng đoàn tôn giáo hay xứ đạo, của Hội thánh phổ quát cũng như của cả nhân loại, chỉ vì dưới các hình dạng này, chúng chức đựng chính Đức Kitô, Thủ lãnh vô hình của Hội thánh, Đấng Cứu độ trần gian, trung tâm của mọi tâm hồn, “nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu” (1 Cr 8,6).
- Hơn nữa, lòng sùng kính Bí tích Thánh thể đem lại sức triển khai tình yêu “xã hội”; được tình yêu này thúc đẩy, chúng ta sẽ quí trọng công ích hơn tư lợi cá nhân; chúng ta sẽ coi lợi ích của cộng đồng, của giáo xứ, của Hội thánh toàn cầu như của chúng ta và hứơng tình bác ái đến toàn thế giới, vì biết rằng mọi người đều là chi thể của Đức Kitô.
Bí tích Thánh thể, dấu chỉ và đòi hỏi sự hiệp nhất
- Chư huynh đáng kính, Bí tích Thánh thể là dấu chỉ và là nhân tố cho sự hiệp nhất Nhiệm Thể Đức Kitô; bí tích này sẽ tạo trong những kẻ sùng kính sốt sắng một tinh thần “giáo hội – ecclésial” tích cực. Xin Chư huynh luôn khuyến khích các tín hữu học hỏi, khi họ tiến đến lãnh nhận bí tích này, hãy coi ích chung của Hội thánh như của họ, hãy cầu nguyện liên lĩ và tự hiến dâng mình cho Thiên Chúa như của lễ xứng đáng để cầu cho hòa bình và sự hiệp nhất thế giới; để cho mọi con cái Hội thánh nên một và chia sẻ cùng một cảm nghiệm thâm sâu như thế; để không còn chia rẻ giữa họ, nhưng hợp nhất trong một tinh thần và một tư tưởng, như Thánh Tông đồ đã muốn; và để cho những người chưa hiệp thông trọn vẹn với Hội thánh Công Giáo, còn tách biệt nhưng vẫn mang danh là Kitô hữu, nhờ hồng ân Thiên Chúa, sẽ cùng chúng ta hưởng sự hiệp nhất trong niềm tin và hiệp thông mà Đức Kitô đã muốn như là dấu chỉ phân biệt giữa các môn đệ Người.
- Các tu sĩ nam nữ là những người dấn thân cho việc sùng kính Bí tích Thánh thể và ngay tại thế, qua lời khấn của mình, qùi quanh Thánh Thể như một mảo triều thiên. Họ phải thấy trách nhiệm riêng của họ là cầu nguyện và tận hiến cho Thiên Chúa vì sự hiệp nhất của Hội thánh.
- Về khát vọng hiệp nhất giữa các Kitô hữu, là điều thánh thiên và mãnh liệt nhất trong lòng Hội thánh, Ta muốn giải thích lại bằng những từ ngữ của Công đồng Tridentinô trong lời kết của Hiến chế về Bí tích Thánh thể: “Để kết thúc, với tình phụ tử, Công đồng cảnh bảo, khuyến khích vì lòng nhân từ của Thiên Chúa, đối với những ai mang danh Kitô hữu, từng người và tất cả, hãy tìm gặp gỡ nhau và kết hợp trong một dấu chỉ hiệp nhất, trong dây liên kết bác ái, trong biểu trưng hòa hợp. Ước gì mọi người nhớ đến vinh quang vĩ đại và tình yêu khôn lường của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã ban hiến mạng sống làm giá cứu chuộc và ban Thịt mình được chúng ta ăn (Ga 6,48t.), họ hãy tin và thờ lạy mầu nhiệm Mình Máu thánh Chúa với đức tin vững bền, với trái tim nồng nhiệt, với lòng sốt sắng đạo đức cho phép họ lãnh nhận thường xuyên Bánh siêu bản chất (supersubstantiel). Bánh này thực sự là sức sống của linh hồn và sức khoẻ vĩnh viễn cho thần trí họ. Một khi được củng cố bằng sinh lực dồi dào, họ bước đi trên con đường hành hương khổ đau đến quê hương trên trời, để ở nơi đó, họ được ăn bánh thiên thần (Tv 77,25) mà ngay từ bây giờ họ được ăn nhưng dưới các màn che phủ.”
- Đấng Cứu độ chúng ta, dù biết đã đến gần cái chết, vẫn van xin Chúa Cha cho tất cả những ai tin vào Người, được hiệp nhất nên một, như Người với Cha là một. Ước gì Người lắng nghe lời khẩn cầu tha thiết của chúng ta cũng như của toàn thể Hội thánh; ước gì tất cả chúng ta cử hành mầu nhiệm Thánh Thể bằng một tiếng nói và cùng một đức tin, và khi chia sẻ Mình Thánh Chúa Kitô, chúng ta tạo thành một thân thể duy nhất, được kết hợp bằng những mối dây do đức Kitô thiết lập.
- Với tình phụ tử, Ta muốn ngỏ lời với tất cả anh em thuộc các Giáo hội Đông Phương. Biết bao giáo phụ nổi tiếng mà Ta sử dụng chứng cứ của họ trong lá thư này, xuất phát từ các Giáo hội đó. Ta vui mừng vì thấy niềm tin của anh em đối với Bí tích Thánh thể cũng giống như chúng tôi, lắng nghe các lời cầu nguyện phụng vụ mà anh em cử hành mầu nhiệm vĩ đại này, chiêm ngưỡng lòng sùng kính của anh em đối với Thánh Thể và đọc các tác phẩm thần học trình bày và bảo vệ giáo lý về bí tích đáng kính này.
- Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria – Đấng mà Chúa chúng ta đã đón nhận xác thể, “được chứa đựng, dâng tiến và hưởng dùng” trong bí tích này dưới hình bánh rượu – Nguyện xin các Thánh nam nữ, là những người đã có lòng sùng kính nhiệt thành đối với Bí tích Thánh thể, cầu bầu cùng Thiên Chúa Cha từ ái cho chúng ta, để đức tin phổ quát và lòng sùng kính Thánh Thể triển khai và tăng cường sự hiệp nhất toàn vẹn giữa các Kitô hữu. Lời của thánh tử đạo Ignatiô cảnh giác các tín hữu tại Philadelphia trước nguy cơ chia rẻ và ly khai mà chỉ có Bí tích Thánh thể làm phương dược chữa khỏi mà thôi; lời này ghi sâu trong tâm hồn chúng ta: “Hãy cố gắng chỉ cử hành một lễ Tạ ơn mà thôi, vì chỉ có một Thân thể của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta; chỉ có một chén thánh trong sự hiệp nhất nhờ Máu thánh, chỉ có một bàn thờ, chỉ có một Giám mục …”
- Hy vọng rằng sự tăng triển việc tôn sùng Bí tích Thánh thể sẽ đem lại nhiều điều tốt lành cho Hội thánh và thế giới. Với sự trìu mến, Ta ban Phép Lành Tòa thánh, đảm bảo ơn trời, cho Chư huynh đáng kính, cho các linh mục, tu sĩ và tất cả những người cộng tác với Chư huynh và cho mọi tín hữu.