Thông Điệp ECCLESIA DE EUCHARISTIA

NHẬP ĐỀ

CHƯƠNG I

MẦU NHIỆM ĐỨC TIN

CHƯƠNG II

BÍ TÍCH THÁNH THỂ XÂY DỰNG HỘI THÁNH

CHƯƠNG III

ĐẶC TÍNH TÔNG TRUYỀN

CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ CỦA HỘI THÁNH

CHƯƠNG IV

THÁNH THỂ VÀ SỰ HIỆP THÔNG CỦA HỘI THÁNH

CHƯƠNG V

PHẨM GIÁ CỦA VIỆC CỬ HÀNH THÁNH THỂ

CHƯƠNG VI

TẠI TRƯỜNG HỌC CỦA ĐỨC MARIA,

“NGƯỜI PHỤ NỮ CỦA THÁNH THỂ”

DẪN NHẬP

THÔNG ĐIỆP “ECCLESIA DE EUCHARISTIA”

Thông điệp thứ 14 của Đức Gioan Phaolô II có mục đích cống hiến một suy tư đào sâu hơn về mầu nhiệm Thánh Thể trong mối tương quan với Hội Thánh. Văn kiện tương đối ngắn nhưng có ý nghĩa về phương diện thần học, kỷ luật và mục vụ. Văn kiện đã được ký vào ngày thứ Năm Tuần Thánh, trong Thánh lễ Tiệc Ly, giữa khung cảnh phụng vụ khởi đầu Tam nhật Vượt qua.

Hy tế Tạ ơn, “nguồn gốc và tuyệt đỉnh của đời sống Kitô hữu”, chứa đựng toàn thể kho tàng thiêng liêng của Hội Thánh: Đức Giêsu Kitô, Đấng hiến mình cho Chúa Cha để cứu chuộc thế giới. Khi cử hành “mầu nhiệm đức tin này”, Hội Thánh làm cho Tam nhật Vượt qua trở nên “đồng thời” với những người nam nữ của mọi thời đại.

Chương thứ nhất, “Mầu nhiệm đức tin ”, giải thích bản chất hy tế của Thánh Thể: qua thừa tác vụ của linh mục, trong mỗi Thánh lễ, Thánh Thể làm cho Thân mình “bị trao nộp” và Máu “đổ ra” bởi Đức Kitô để cứu độ thế giới nên hiện diện cách bí tích. Việc cử hành Thánh lễ không phải là một sự lập lại lễ Vượt qua của Đức Kitô, hay là việc nhân lễ ấy lên nhiều lần trong những thời gian và nơi chốn khác nhau; nhưng đó là hy tế duy nhất trên Thánh Giá, được tái diễn cho đến tận thế.

Theo những lời của Thánh Inhaxiô thành Antiokia, đó là “linh dược đem lại sự bất tử, một phương thuốc diệt trừ sự chết”. Như là một bảo chứng của Vương quốc tương lai, Thánh Thể cũng nhắc nhở người tín hữu về trách nhiệm của họ ở trần gian này, nơi đó những người yếu đau, hèn kém nhất và nghèo khổ nhất đang chờ đợi sự giúp đỡ từ những người, qua tình liên đới, có khả năng trao ban cho họ lý do của niềm hy vọng.

Thánh Thể xây dựng Hội Thánh ” đó là chủ đề chương hai. Khi người tín hữu đến gần bàn tiệc thánh, họ không những nhận lãnh Chúa Kitô, nhưng họ còn được Người đón nhận. Bánh và Rượu đã truyền phép là sức mạnh sinh ra sự hiệp nhất trong Hội Thánh. Hội Thánh được kết hiệp với Chúa của mình, là Đấng, ẩn dấu dưới những hình Thánh Thể, đang ở trong Hội Thánh và xây dựng Hội Thánh. Hội Thánh tôn thờ Người không những trong Thánh Lễ, nhưng còn trong mọi thời khắc khác, gìn giữ như “kho tàng” quí báu nhất của mình.

Chương thứ ba là một suy tư về “Đặc tính tông truyền của Thánh Thể và của Hội Thánh ”. Cũng như thực tại toàn vẹn của Hội Thánh sẽ không hiện hữu nếu không có sự kế tục tông đồ, cũng vậy, không có Thánh Thể thật sự nếu không có Giám mục. Linh mục, khi cử hành Thánh lễ, hành động trong tư cách của Đức Kitô là Đầu; ngài không phải phải là chủ nhân của Thánh Thể, nhưng là tôi tớ của Thánh Thể, vì lợi ích của cộng đoàn những người được cứu chuộc. Do đó cộng đoàn Kitô hữu không “sở hữu” Thánh Thể, nhưng lãnh nhận Thánh Thể như một ân huệ.

Những suy tư này được khai triển trong chương bốn: “Thánh Thể và sự Hiệp thông của Hội Thánh ”. Hội Thánh, trong tư cách là thừa tác viên của Mình và Máu Chúa Kitô vì phần rỗi thế gian, tuân theo tất cả những gì chính Chúa Kitô thiết lập. Khi trung thành với giáo huấn của các Tông đồ, hiệp nhất trong kỷ luật các bí tích, Hội Thánh cũng phải chứng tỏ cách hữu hình sự hiệp nhất vô hình của mình. Thánh Thể không thể được “xử dụng” như một phương tiện để hiệp thông, đúng hơn Thánh Thể giả định sự hiệp thông đã hiện hữu và củng cố sự hiệp thông đó. Chính trong viễn cảnh này mà ta phải cân nhắc con đường đại kết đang chờ đợi mọi môn đệ của Chúa: Thánh Thể tạo nên sự hiệp thông và xây dựng sự hiệp thông, khi được cử hành trong chân lý. Thánh Thể không thể bị phụ thuộc vào ý muốn tùy tiện của cá nhân hay những cộng đoàn riêng biệt.

Phẩm giá của việc cử hành Thánh Thể ” là chủ đề của chương thứ năm. Việc cử hành “Thánh lễ” mang những dấu bên ngoài nhằm làm nổi bật niềm vui đã quy tụ các tín hữu chung quanh quà tặng vô giá là Bí tích Thánh Thể. Kiến trúc, điêu khắc, hội họa, âm nhạc, văn chương và nói chung, tất cả mọi hình thức nghệ thuật chứng tỏ rằng, qua bao thế kỷ, Hội Thánh không sợ đi quá trớn trong việc chứng tỏ tình yêu đang nối kết mình với Đức Phu Quân thần linh. Cũng cần tái khám phá cảm thức về cái đẹp trong những buổi cử hành ngày hôm nay.

Chương thứ sáu, “Tại trường học của Đức Maria, người Phụ nữ của Thánh Thể ”, là một suy tư hợp thời và độc đáo về sự tương hợp lạ lùng giữa Mẹ Thiên Chúa, khi mang thân thể Chúa Giêsu trong lòng mình đã trở nên “nhà tạm” đầu tiên, và Hội Thánh giữ gìn trong lòng mình và trao ban cho thế gian Mình và Máu Đức Kitô. Thánh Thể được ban cho các tín hữu để đời sống của họ trở nên lời kinh Magnificat liên tục dâng lên Ba Ngôi Chí Thánh.

Phần kết luận thúc đẩy dấn thân: những người muốn theo đuổi con đường thánh thiện không cần những “chương trình” mới. Chương trình đã có sẵn: Đó là chính Đức Kitô mà ta cần nhận biết, yêu mến, bắt chước và loan báo. Việc thực hiện tiến trình ấy đi ngang qua Thánh Thể. Điều đó được thấy rõ trong chứng từ của các Thánh, vào bất cứ giây phút nào của cuộc sống, các ngài giải khát tại nguồn suối vô tận của mầu nhiệm này, và tìm thấy từ đó sức mạnh thiêng liêng cần thiết để chu toàn trọn vẹn ơn gọi của phép Thánh tẩy.

THÔNG ĐIỆP

ECCLESIA DE EUCHARISTIA

CỦA ĐỨC THÁNH CHA GIOAN PHAOLÔ II

GỞI CÁC GIÁM MỤCLINH MỤC VÀ PHÓ TẾ

NHỮNG NGƯỜI NAM NỮSỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN

VÀ TẤT CẢ CÁC TÍN HỮU GIÁO DÂN

VỀ BÍ TÍCH THÁNH THỂ

TRONG MỐI TƯƠNG QUAN VỚI HỘI THÁNH

NHẬP ĐỀ

  1. Hội Thánh múc nguồn sự sống từ Thánh Thể. Sự thật này không chỉ đơn thuần diễn tả một kinh nghiệm thường nhật của đức tin, nhưng tóm kếtcốt lõi của mầu nhiệm Hội Thánh. Trong niềm hân hoan, Hội Thánh kinh nghiệm, dưới nhiều hình thức, sự thực hiện liên lỉ lời hứa: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tân thế” (Mt28,20). Nhưng trong Bí tích Thánh Thể, qua việc biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa, Hội Thánh vui hưởng sự hiện diện này với một cường độ mãnh liệt duy nhất. Kể từ ngày lễ Ngũ tuần, khi Hội Thánh, Dân của Giao ước Mới, bắt đầu cuộc hành trình đi về Quê trời, Bí tích thần thiêng tiếp tục ấn dấu trên ngày sống, bằng cách tuôn đổ trên họ niềm hi vọng tin tưởng.

Công đồng Vatican II tuyên bố cách xác đáng rằng Hy tế tạ ơn là “nguồn mạch và chóp đỉnh của của đời sống Kitô hữu”.1 “Thật vậy, Phép Thánh Thể chí thánh chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Hội Thánh: đó là chính Đức Kitô, Người là mầu nhiệm Phục sinh và bánh hằng sống của chúng ta. Người ban sự sống cho nhân loại bằng chính Thịt của Người, Thịt đã nên sống động nhờ Thánh Thần và ban sự sống cho con người”.2 Vì thế cái nhìn của Hội Thánh luôn hướng về Chúa của mình, hiện diện trong Bí tích của Bàn thờ, nơi đó Hội Thánh khám phá sự biểu lộ trọn vẹn của tình yêu vô biên của Người.

  1. Trong dịp Đại Năm Thánh 2000, tôi có cơ hội cử hành Thánh Thể trong nhà Tiệc ly tại Giêrusalem nơi mà, theo truyền thống, Thánh lễ được cử hành lần đầu tiên bởi chính Đức Giêsu.Phòng Tiệc ly là nơi mà Bí tích rất thánh này được thiết lập. Chính nơi đây mà Đức Kitô cầm lấy bánh, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy cầm lấy mà ăn: này là Mình Thầy sẽ trao nộp vì anh em” (x.Mt 26,26; Lc 22,19; 1 Cr 11,24). Sau đó Người cầm lấy chén rượu và nói: “Anh em hãy cầm lấy và uống: này là chén máu Thầy, máu của giao ước mới và vĩnh cửu. Máu sẽ đổ ra cho anh em và muôn người để tha tội” (x. Mc 14,24; Lc 22,20; 1 Cr 11,25). Tôi cám ơn Chúa Giêsu đã cho tôi lập lại tại cùng một nơi, vâng theo lệnh truyền của Người: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc 22,19), những lời mà Người đã nói cách đây hai ngàn năm.

Các Tông đồ tham dự bữa Tiệc ly có thấu hiểu chăng ý nghĩa của những lời Đức Kitô nói? Có lẽ không. Những lời này chỉ trở nên hoàn toàn minh bạch vào cuối Triduum sacrum (Tam nhật thánh ), thời gian kéo dài từ chiều Thứ Năm đến sáng Chúa Nhật. Chính trong những ngày này mà mysterium paschale (Mầu nhiệm Vượt qua) ghi dấu; cũng chính nơi chúng mà mysterium eucharisticum (Mầu nhiệm Thánh Thể) ghi dấu.

  1. Hội Thánh được sinh ra từ mầu nhiệm Vượt qua. Chính vì lý do này mà Thánh Thể, bí tích trỗi vượt của mầu nhiệm Vượt qua,nằm ở trung tâm của đời sống Hội Thánh. Điều này đã khá rõ ràng trong những hình ảnh đầu tiên của Hội Thánh được ghi lại trong sách Công vụ các Tông đồ: “Họ chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (2,42). Việc “bẻ bánh” quy chiếu về Thánh Thể. Hai ngàn năm sau, chúng ta tiếp tục làm cho sống động hình ảnh nguyên thủy của Hội Thánh. Trong mọi cử hành Thánh Thể, chúng ta quay về Tam nhật Vượt qua cách thiêng liêng: về những biến cố của chiều ngày Thứ Năm Thánh, về bữa Tiệc ly và về những gì tiếp diễn sau đó. Việc thiết lập Bí tích Thánh Thể dự kiến cách bí tích các biến cố sắp xảy ra, khởi đầu với sự hấp hối trong vườn Ghếtsêmani. Một lần nữa chúng ta thấy Đức Giêsu như thể Người rời khỏi phòng Tiệc ly, cùng với các môn đệ xuống thung lũng Kítrôn và đến vườn Cây Dầu. Trong Vườn này, ngày nay còn có một vài cây Ôliu cổ thụ. Có lẽ chúng đã chứng kiến điều đã xảy ra dưới bóng chúng vào chiều hôm ấy, khi Đức Kitô lâm cơn xao xuyến bồi hồi trong khi cầu nguyện “và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (x.Lc 22,44). Máu mà ít lâu trước đó Người đã ban cho Hội Thánh như của uống ban ơn cứu độ trong Bí tích Thánh Thể, đã bắt đầu đổ ra; việc tuôn đổ đó sẽ hoàn tất tại đồi Gôngôta để trở nên phương thế cứu chuộc chúng ta: “Đức Kitô… như vị Thượng Tế đem phúc lộc của thế giới tương lai… đã vào cung thánh không phải với máu các con dê, con bò, nhưng với chính máu của mình, và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (Dt 9,11-12).
  2. Giờ cứu chuộc chúng ta. Dầu xao xuyến, Đức Giêsu không chạy trốn trước “giờ” của Người. “Thầy biết nói gì đây? Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này, nhưng chính vì giờ này mà con đã đến” (Ga12,27). Người muốn các môn đệ ở lại bên Người, tuy nhiên Người lại phải trải qua kinh nghiệm cô đơn và bị ruồng bỏ: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ” (Mt 26,40-41). Chỉ mình Gioan sẽ ở lại dưới chân Thánh giá, bên cạnh Đức Maria và các phụ nữ trung thành. Cơn hấp hối trong vườn Ghếtsêmani là bước đầu của cơn hấp hối trên Thánh giá vào ngày Thứ Sáu tuần thánh. Giờ linh thánh, giờ cứu chuộc thế giới. Bất cứ khi nào Thánh lễ được cử hành tại ngôi mộ của Đức Giêsu ở Giêrusalem, thì có một sự quay về hầu như có thể sờ mó được về “giờ” của Người, giờ của Thánh giá và vinh quang. Mọi linh mục khi cử hành Thánh lễ, cùng với cộng đoàn Kitô hữu thông phần vào đó, đều được dẫn về chỗ và giờ đó trong tinh thần.

Người đã bị đóng đinh, đã trải qua sự chết và được mai táng; Người xuống âm phủ; vào ngày thứ ba, Người sống lại ”. Những lời tuyên xưng đức tin đó được vang vọng trong những lời chiêm ngưỡng và loan báo: “Đây là gỗ cây Thánh giá, nơi Đấng Cứu độ trần gian đã bị treo lên. Chúng ta hãy đến và thờ lạy ”. Đó là lời mời gọi mà Hội Thánh gởi đến mọi người trong buổi chiều Thứ Sáu tuần thánh. Rồi Hội Thánh tiếp tục hát lên trong Mùa Phục sinh nhằm loan báo: “Chúa đã sống lại từ ngôi mộ; vì phần rỗi chúng ta Người chịu treo trên Thánh giá, Alleluia ”.

  1. Mysterium fidei!– Mầu nhiệm Đức tin!” Khi linh mục đọc hoặc hát lên những lời này, mọi người hiện diện cùng hô: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết và tuyên xưng Chúa đã sống lại, cho tới khi Chúa đến trong vinh quang”.

Qua những lời này hoặc những lời tương tự, Hội Thánh chỉ về Đức Kitô trong mầu nhiệm khổ nạn của Người, và cũng mạc khải mầu nhiệm của chính mình : Ecclesia de Eucharistia. Nếu chính nhờ ân sủng của Chúa Thánh Thần vào ngày lễ Ngũ tuần mà Hội Thánh được sinh ra và dấn bước trên các nẻo đường của trần gian, thì chắc chắn việc thiết lập Thánh Thể tại phòng Tiệc ly là một thời điểm quyết định trong việc hình thành Hội Thánh. Nền tảng và nguồn gốc của Hội Thánh là toàn thể Triduum paschale (Tam nhật Vượt qua ), nhưng nó như thể được quy tụ, được báo trước và “được cô đọng” cho đến muôn đời trong quà tặng Thánh Thể. Trong quà tặng này, Đức Giêsu Kitô giao cho Hội Thánh sự hiện tại hoá vĩnh viễn của mầu nhiệm Vượt qua. Nhờ nó Người thiết lập một “tính chất thống nhất trong thời gian” (contemporanit) huyền nhiệm giữa Triduum (Tam nhật) và vận hành của các thế kỷ.

Nghĩ đến điều đó làm nảy sinh trong chúng ta tâm tình khâm phục sâu xa và lòng biết ơn. Trong biến cố vượt qua và trong Thánh Thể, làm cho nó hiện tại hoá trong suốt các thế kỷ, có một “khả năng” thực là vĩ đại ôm trọn tất cả lịch sử trong tư cách là kẻ đón nhận ơn cứu chuộc. Sự khâm phục này phải luôn tràn ngập Hội Thánh khi tụ họp lại để cử hành Thánh Thể. Nhưng một cách đặc biệt nó phải tràn ngập tâm hồn thừa tác viên của Thánh Thể. Bởi vì chính vị ấy, nhờ quyền năng trao ban cho qua bí tích truyền chức thánh, thực hiện việc truyền phép. Chính vị ấy nói lên, với sức mạnh đến với mình từ Đức Kitô trong phòng Tiệc ly: “Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con. Này là chén Máu Thầy, đổ ra cho các con…” Linh mục nói những lời này, hoặc đúng hơn ngài để cho Đấng đã nói những lời này tại phòng Tiệc ly sử dụng tiếng nói của mình, Đấng ấy muốn rằng chúng được lập lại trong mọi thế hệ bởi tất cả những ai thông phần cách thừa tác vào chức vụ linh mục của Người trong Hội Thánh.

  1. Qua Thông điệp này, tôi muốn đẩy mạnh “sự khâm phục” này đối với Thánh Thể, trong sự tiếp nối với di sản của Năm Thánh mà tôi đã để lại cho Hội Thánh trong Tông ThưNovo Millennio Ineuntevà tài liệu bổ sung mang tính thánh mẫu học, Rosarium Virginis Mariae. Chiêm ngưỡng dung nhan Đức Kitô, và cùng chiêm ngưỡng với Đức Maria, đó là “chương trình” mà tôi đã đặt ra trước Hội Thánh vào lúc hừng đông của thiên niên kỷ thứ ba, khi mời gọi Hội Thánh chèo ra chỗ sâu trong biển cả của lịch sử với sự hăng say của công cuộc truyền giáo mới. Chiêm ngưỡng Đức Kitô đòi buộc ta biết nhận ra Người bất cứ nơi nào Người biểu lộ, trong nhiều hình thức hiện diện, nhưng trên tất cả trong bí tích sống động của Mình và Máu Người. Hội Thánh múc nguồn sự sống từ Đức Kitô trong Bí tích Thánh Thể; nhờ Người Hội Thánh được nuôi dưỡng và nhờ Người Hội Thánh được soi sáng. Thánh Thể vừa là một mầu nhiệm đức tin vừa là một “mầu nhiệm ánh sáng”. 3 Bất cứ nơi nào Hội Thánh cử hành Thánh Thể, người tín hữu có thể một cách nào đó sống lại kinh nghiệm của hai môn đệ trên đường Emmau: “mắt của họ được mở ra và họ nhận ra Người” (Lc 24,31).
  2. Kể từ khi bắt đầu sứ vụ kế vị thánh Phêrô, tôi đã luôn đánh dấu ngày Thứ Năm Tuần thánh, ngày của Bí tích Thánh Thể và của chức linh mục, bằng cách gởi một lá thư cho tất cả các linh mục trên thế giới. Năm nay, năm thứ 25 triều đại giáo hoàng của tôi, tôi muốn lôi kéo đặc biệt hơn toàn thể Hội Thánh suy nghĩ về Thánh Thể, và cũng để cảm tạ Chúa vì quà tặng là Bí tích Thánh Thể và chức linh mục: “Quà tặng và Mầu nhiệm”.4Khi loan báo Năm của Kinh Mân côi, tôi muốn đặt năm này, kỷ niệm năm thứ 25 của tôi, dưới dấu chỉ chiêm ngưỡng Đức Kitô tại trường học của Đức Maria. Vì thế, tôi không thể để ngày Thứ Năm Tuần thánh 2003 trôi qua mà không dừng lại trước “dung nhan Thánh Thể” của Đức Kitô và chỉ vẽ cách mạnh mẽ hơn cho Hội Thánh chỗ đứng trung tâm của Thánh Thể. Từ bí tích này Hội Thánh múc nguồn sự sống. Từ “bánh sự sống” này Hội Thánh tìm thấy lương thực cho mình. Làm sao tôi lại không cảm thấy nhu cầu thúc bách mọi người kinh nghiệm điều đó cách mới mẻ hơn?
  3. Khi tôi nghĩ đến Thánh Thể, và nhìn lại cuộc đời tôi trong tư cách một linh mục, một Giám mục và người Kế vị thánh Phêrô, tôi tự nhiên nhớ lại nhiều thời điểm và nhiều nơi chốn mà tôi đã có dịp cử hành Thánh lễ. Tôi nhớ đến nhà thờ giáo xứ Niegowic, nơi tôi được giao công tác mục vụ lần đầu tiên, nhà thờ thánh Florian tại Krakow, Nhà thờ chính toà Wawel, Vương cung thánh đường thánh Phêrô và biết bao Vương cung thánh đường và nhà thờ ở Rôma và trên khắp thế giới. Tôi đã có dịp cử hành Thánh lễ trong các nhà nguyện xây trên núi, bên bờ hồ và bãi biển; tôi đã cử hành Thánh lễ trên những bàn thờ dựng trong các sân vận động và nơi các công trường thành phố… Các cuộc cử hành Thánh Thể khác nhau này đã cho tôi một kinh nghiệm mạnh mẽ về tính phổ quát và có thể nói là hoàn vũ của nó. Vâng, hoàn vũ! Bởi vì dù khi được cử hành trên bàn thờ xoàng xỉnh của một nhà thờ miền quê, Thánh Thể một cách nào đó luôn được cử hànhtrên bàn thờ của thế giới. Nó nối kết trời và đất. Nó ôm ấp và thấm nhập vào toàn thể thọ tạo. Con của Thiên Chúa làm người để phục hồi toàn thể thọ tạo, trong một hành vi ca ngợi tối cao, dâng lên Đấng đã dựng nên mọi sự từ hư vô. Là vị Linh mục Thượng phẩm vĩnh cửu đã nhờ máu của Thánh giá Người mà đi vào cung thánh vĩnh cửu, Người trao lại cho Đấng Tạo hoá và Chúa Cha tất cả thọ tạo được cứu chuộc. Người thực hiện điều đó qua sứ vụ linh mục của Hội Thánh, để tôn vinh Ba Ngôi rất thánh. Quả thực đó làmysterium fidei được thực hiện trong Thánh Thể: thế giới phát xuất từ tay của Thiên Chúa Tạo hoá nay lại quay trở về Người sau khi được Đức Kitô cứu chuộc.
  4. Thánh Thể, vốn là sự hiện diện ban ơn cứu độ của Đức Kitô trong cộng đoàn các tín hữu và của ăn thiêng liêng, là tài sản quý báu nhất mà Hội Thánh có được trong cuộc hành trình theo dòng lịch sử. Điều đó giải thíchsự quan tâm ân cầnmà Hội Thánh luôn tỏ bày đối với mầu nhiệm Thánh Thể, một quan tâm tìm thấy sự diễn tả đầy uy quyền trong công trình của các Công đồng và các Giáo hoàng. Làm sao chúng ta lại không khâm phục những trình bày tín lý trong các Sắc lệnh về Thánh Thể rất thánh và Hy tế Thánh của Thánh lễ do Công đồng Trentô ban bố? Suốt bao thế kỷ những Sắc lệnh này đã hướng dẫn thần học và giáo lý, và chúng vẫn là điểm quy chiếu giáo thuyết cho sự canh tân và tăng trưởng liên tục của Dân Thiên Chúa trong đức tin và trong tình yêu đối với Thánh Thể. Trong thời gian gần với chúng ta hơn, ba Thông điệp phải được đề cập đến: Thông điệp Mirae Caritatis của Đức Lêô XIII (28/5/1902), 5 Thông điệp Mediator Dei của Đức Piô XII (20/11/1947) 6và Thông điệp Mysterium Fidei của Đức Phaolô VI (3/9/1965). 7

Công đồng Vatican II, tuy không ban hành một tài liệu đặc biệt về mầu nhiệm Thánh Thể, đã đề cập đến những khía cạnh khác nhau của nó trải dài trong các tài liệu, nhất là Hiến chế tín lý về Hội Thánh Lumen Gentium và Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium.

Chính tôi, trong những năm đầu của sứ vụ tông đồ trên ngai toà Phêrô, tôi đã viết Tông thư Dominicae Cenae (24/2/1980), 8 trong đó tôi đã thảo luận một vài khía cạnh của Mầu nhiệm Thánh Thể và tầm quan trọng của nó đối với đời sống của những người là thừa tác viên. Hôm nay tôi trở lại đề tài này, với một cảm xúc lớn hơn và lòng biết ơn trong tâm hồn, như thể vang vọng lại những lời của Vịnh gia: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho? Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Đức Chúa” (Tv 116,12-3).

  1. Một sự tăng trưởng nội tâm trong Cộng đoàn Kitô hữu đã đáp lại mối quan tâm loan báo Mầu nhiệm Thánh Thể của Huấn quyền. Chắc chắn làviệc canh tân phụng vụ do Công đồng khởi xướngđã góp phần rất lớn làm cho các tín hữu tham gia cách ý thức, tích cực và mang nhiều hoa quả hơn vào Hy tế Thánh của Bàn thờ. Tại nhiều nơi, việc Chầu Mình Thánh cũng là một thực hành quan trọng hằng ngày và trở nên một nguồn mạch thánh hoá vô tận. Sự tham dự sốt sắng của các tín hữu trong cuộc rước kiệu Mình Thánh Chúa vào dịp lễ trọng Mình Máu Đức Kitô là một ân sủng Chúa ban và hằng năm đem lại niềm vui cho những ai thông phần vào đó.

Những dấu chỉ tích cực khác về đức tin và tình yêu đối với Bí tích Thánh Thể cũng đáng được đề cập đến.

Tiếc thay, bên cạnh những ánh sáng đó, cũng có những bóng tối. Ở một vài nơi, việc Chầu Thánh Thể hầu như hoàn toàn bị quên lãng. Trong nhiều miền của Hội Thánh đã có những lạm dụng, dẫn đến những sai lạc liên quan đến đức tin đúng đắn và giáo lý Công giáo liên hệ đến bí tích kỳ diệu này. Đôi khi ta gặp thấy một sự hiểu biết rất giản lược về Mầu nhiệm Thánh Thể. Vì loại bỏ ý nghĩa Hy tế, Thánh Thể được cử hành như thể chỉ là một bữa tiệc huynh đệ đơn thuần. Hơn thế nữa, sự cần thiết của chức linh mục thừa tác, có nền tảng vững chắc trong sự kế vị tông đồ, đôi khi bị lu mờ và tính chất bí tích của Thánh Thể bị giản lược duy vào hiệu năng như một hình thức của loan báo. Điều này đã dẫn đến những khởi xướng đại kết nơi này nơi kia, tuy đầy thiện chí, nhưng chiều theo những thực hành Thánh Thể ngược lại kỷ luật mà qua đó Hội Thánh diễn tả đức tin của mình. Làm sao chúng ta lại không biểu lộ một sự đau buồn sâu xa về tất cả những điều này? Thánh Thể là một quà tặng quá lớn lao đến nỗi ta không thể chấp nhận sự hàm hồ và hạ giá.

Hi vọng của tôi là Thông điệp này sẽ tích cực giúp đỡ loại bỏ những áng mây đen tối là những giáo thuyết và thực hành không thể chấp nhận được, để Thánh Thể tiếp tục toả sáng vẻ huy hoàng của mầu nhiệm.

CHƯƠNG I

MẦU NHIỆM ĐỨC TIN

  1. “Đức Giêsu, trong đêm bị nộp” (1 Cr 11,23) đã thiết lập Hy tế tạ ơn là Mình và Máu Người. Những lời của thánh Tông đồ Phaolô đem chúng ta trở về lại khung cảnh bi thảm, nơi mà Thánh Thể được sinh ra. Thánh Thể ghi đậm dấu ấn không thể tẩy xoá của biến cố khổ nạn và cái chết của Người. Thánh Thể không chỉ là một sự nhớ lại, nhưng còn là một sự tái diễn có tính bí tích. Đó là hy tế Thánh giá được kéo dài qua các thời đại.9Chân lý này được diễn tả rõ ràng qua những lời mà cộng đoàn trong nghi thức la tinh đáp lại lời công bố của linh mục “Đây là Mầu nhiệm Đức tin”: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết”.

Hội Thánh đã đón nhận Thánh Thể từ Đức Kitô, Chúa của mình, không như một quà tặng – dẫu quý giá – giữa nhiều quà tặng khác, nhưng là quà tặng trỗi vượt, vì quà tặng đó chính là bản thân Người, quà tặng của một ngôi vị trong nhân tính thần linh, đồng thời cũng là quà tặng của công trình cứu độ. Thánh Thể không bị giới hạn trong quá khứ, bởi vì “tất cả những gì Đức Kitô là – tất cả những gì Người đã làm và đã chịu đau khổ vì mọi người – mang tính chất vĩnh cửu thần linh, và do đó vượt lên trên tất cả mọi thời”. 10

Khi Hội Thánh cử hành Thánh Thể để tưởng niệm cuộc Tử nạn và Phục sinh của Chúa, biến cố trung tâm của ơn cứu độ thực sự trở nên hiện tại và “công trình cứu độ chúng ta được thực hiện”. 11 Hy tế này thật thiết yếu cho việc cứu rỗi nhân loại, nên Đức Giêsu Kitô đã hoàn tất hy tế đó và chỉ trở về với Chúa Cha sau khi đã để lại cho chúng ta một phương thế để thông dự vào hy tế đó, như thể chúng ta đã hiện diện ở nơi đó. Vì thế, mọi tín hữu có thể tham dự và cảm nếm vô vàn hoa trái của hy tế đó. Đó là niềm tin mà các thế hệ Kitô hữu trong mọi thời đại đã sống. Huấn quyền của Hội Thánh đã không ngừng hân hoan xác nhận niềm tin này và tỏ lòng biết ơn vì quà tặng vô giá ấy. 12 Tôi muốn nhắc lại chân lý này một lần nữa và cùng với anh chị em yêu dấu, tôn thờ mầu nhiệm này: mầu nhiệm cao cả, mầu nhiệm của lòng thương xót. Đức Giêsu còn có thể làm gì cho chúng ta hơn nữa chăng? Thật thế, trong Thánh Thể, Người tỏ bày cho chúng ta một tình yêu “cho đến cùng” (x. Ga 13,1), một tình yêu không thể đo lường được.

  1. Khía cạnh này của Đức ái phổ quát trong Bí tích Thánh Thể được đặt nền tảng trên chính lời của Đấng Cứu Thế. Khi thiết lập Thánh Thể, Người đã không chỉ nói: “Này là Mình Thầy”, “Này là Máu Thầy”, nhưng Người còn nói thêm: “trao nộp vì anh em” và “đổ ra cho muôn người” (Lc 22,19-20). Đức Giêsu không nói một cách đơn giản rằng Người ban cho họ Mình và Máu Người để làm của ăn của uống, song Người còn diễn tả giá trị hy tế của Mình và Máu Người, khi làm cho hy tế, mà chẳng bao lâu nữa Người sẽ dâng hiến trên Thánh giá để cứu rỗi tất cả mọi người, được hiện diện cách bí tích. “Thánh lễ vừa là lễ tưởng niệm hy tế để lưu truyền muôn đời hy tế thập giá, vừa là bàn tiệc thánh để thông hiệp Mình và Máu Chúa”.13

Hội Thánh không ngừng múc lấy sự sống từ hy tế cứu chuộc này; Hội thánh đến với hy tế này không chỉ bằng một sự tưởng nhớ đầy đức tin, nhưng bằng một sự gặp gỡ đích thật, bởi vì hy tế này được tái hiện luôn mãi, được lưu truyền cách bí tích mãi mãi, trong mọi cộng đoàn dâng lễ qua tay linh mục thừa tác. Vì thế, Thánh Thể mang lại cho những người nam và người nữ hôm nay sự giao hoà mà Đức Kitô đã chiếm được, một lần thay cho tất cả, cho nhân loại thuộc mọi thế hệ. Thật vậy, “hy tế của Đức Kitô và hy tế trong Thánh Thể chỉ là một hy tế duy nhất”. 14 Thánh Gioan Chrysostom đã nói rõ ràng: “Chúng ta luôn luôn dâng tiến cùng một Con chiên, không phải con Chiên hôm nay khác con Chiên ngày mai, nhưng luôn luôn cũng là một mà thôi. Vì vậy, hy tế này luôn luôn chỉ là một… Cả ngày hôm nay nữa chúng ta tiến dâng tế phẩm đã một lần được hiến dâng và sẽ không bao giờ tàn lụi”. 15

Thánh lễ tái hiện hy tế thánh giá; Thánh lễ không thêm gì cũng không gia tăng số lượng hy tế đó. 16 Điều được lặp đi lặp lại chính là việc cử hành có tính tưởng niệm, là “việc tái diễn có tính tưởng niệm” (memorialis demonstratio), 17 qua đó hy tế cứu độ duy nhất và chung cuộc của Đức Kitô luôn hiện diện trong thời gian. Vì thế, bản chất hy tế của mầu nhiệm Thánh Thể không thể hiểu như một cái gì tách rời, độc lập với Thánh giá, hoặc chỉ quy chiếu gián tiếp về hy tế trên đồi Canvê.

  1. Vì mối tương giao mật thiết với hy tế Gôngôta, Bí tích Thánh Thể làmột hy tế theo nghĩa đen, chứ không phải chỉ theo nghĩa chủng loại, như thể chỉ là việc Đức Kitô trao ban chính mình để làm của ăn thiêng liêng cho các tín hữu. Quả thực, sự dâng hiến trong yêu thương và vâng phục cho đến nỗi hy sinh cả mạng sống (x. Ga 10,17-18) tiên vàn là một sự dâng hiến cho Chúa Cha. Đó quả thật là một sự hiến dâng vì phần rỗi chúng ta và tất cả nhân loại (x. Mt 26,28; Mc 14,24; Lc 22,20; Ga 10,15), tuy nhiêntrước hết và trên hết là sự hiến dâng cho Chúa Cha : “Hy tế mà Chúa Cha đã chấp nhận, khi Người đổi sự tự hiến hoàn toàn của Chúa Con, “Đấng đã vâng lời cho đến chết” (Pl 2,8), bằng một sự ban tặng đầy tình phụ tử, nghĩa là ban cho người Con sự sống mới và vĩnh cửu của sự sống lại”. 18

Khi trao ban hy tế này cho Hội Thánh, Đức Kitô cũng đã đón nhận làm của mình hy tế thiêng liêng của Hội Thánh, một Hội Thánh được mời gọi dâng hiến chính mình trong sự kết hiệp với hy tế của Đức Kitô. Đây là giáo huấn của Công đồng Vatican II, liên quan đến mọi tín hữu: “Bằng cách tham dự vào Hy tế tạ ơn, vốn là nguồn mạch và chóp đỉnh của toàn thể đời sống Kitô hữu, họ dâng lên Thiên Chúa Tế phẩm thần linh và dâng tiến chính mình hiệp cùng Tế phẩm đó”. 19

  1. Cuộc Vượt qua của Đức Kitô không chỉ gồm có sự khổ nạn và tử nạn của Người, nhưng cũng còn có sự sống lại của Người. Điều này được nhắc lại qua lời tung hô của cộng đoàn sau khi truyền phép: “Chúng con tuyên xưng Chúa đã sống lại”. Thánh Thể không chỉ tái hiện mầu nhiệm khổ nạn và tử nạn của Đấng Cứu độ, nhưng còn tái hiện mầu nhiệm sống lại, nhằm hoàn thành hy tế của Người. Chính trong tư cách của Đấng hằng sống và Phục sinh mà Đức Kitô có thể trở nên “bánh ban sự sống” (Ga 6,35.48), “bánh hằng sống” (Ga 6,51) trong Thánh Thể. Thánh Ambrôsiô nhắc nhở các tân tòng rằng Thánh Thể áp dụng biến cố phục sinh vào đời sống của họ: “Nếu Đức Kitô thuộc về anh chị em ngày hôm nay, thì mỗi ngày Người sống lại vì anh chị em”.20Thánh Cyrilô thành Alexandria, về phần ngài, nhấn mạnh rằng việc tham dự vào các mầu nhiệm thánh “đích thật là một sự tuyên tín và tưởng niệm việc Chúa đã chịu chết và Người đã sống lại vì chúng ta và vì phần rỗi chúng ta”. 21
  2. Trong Thánh lễ, việc tái diễn có tính bí tích hy tế của Đức Kitô, được hoàn thành nhờ sự sống lại, bao hàm một sự hiện diện đôc đáo nhất mà – theo lời của Đức Phaolô VI – “là một sự hiện diện “thật sự”, không theo nghĩa độc chiếm, nghĩa là loại trừ tất cả mọi hình thức hiện diện khác, như thể những sự hiện diện đó không “có thật”, nhưng như là một sự hiện diện theo nghĩa trọn vẹn nhất: một sự hiện diện theo bản thể, nhờ đó Đức Kitô, Đấng là Thiên Chúa và con người, hiện diện cách hoàn toàn trọn vẹn”.22Điều này một lần nữa làm sáng tỏ giáo huấn có giá trị bất biến của công đồng Trentô: “Việc truyền phép trên bánh và rượu biến đổi tất cả bản chất của bánh thành bản chất của Mình Đức Kitô, Chúa chúng ta và biến đổi tất cả bản chất của rượu thành bản chất của Máu Người. Và Hội Thánh Công giáo đã gọi cách thích hợp và chính đáng là sự biến thể”. 23 Quả thực Thánh Thể là một mysterium fidei (mầu nhiệm đức tin), một mầu nhiệm vượt quá sự hiểu biết của chúng ta và ta chỉ có thể đón nhận bằng đức tin, như giáo lý của các giáo phụ thường trình bày về bí tích thánh thiêng này. Thánh Cyrilô thành Giêrusalem đã khuyến khích: “Anh chị em đừng nhìn trong bánh và rượu, các yếu tố thuần túy tự nhiên, bởi vì Chúa đã nói cách minh nhiên rằng đó là Mình và Máu Người: đức tin bảo đảm điều này cho anh chị em, mặc dầu giác quan anh chị em trông thấy thể khác”. 24

Adoro te devote, latens Deitas (Con sốt sắng thờ lạy Ngài, ôi Thiên Chúa ẩn mình ), chúng ta sẽ tiếp tục hát lên cùng với vị tiến sĩ thiên thần. Trước mầu nhiệm này của tình yêu, lý trí nhân loại cảm nhận hoàn toàn những giới hạn của mình. Bởi thế, người ta hiểu tại sao trong suốt nhiều thế kỷ, chân lý này đã kích thích các nhà thần học nỗ lực đào sâu để hiểu biết cách sâu sắc hơn.

Đó là những nỗ lực đáng ca ngợi, chúng càng hữu ích và soi sáng bao lâu chúng có khả năng nối kết sự suy tư có phê phán với “đức tin sống động” của Hội thánh, như được đón nhận cách đặc biệt trong “đoàn sủng chắc chắn về Chân Lý” của Huấn Quyền và trong “nhận thức sâu sắc các thực tại thiêng liêng” 25 mà các thánh đã thấu đạt. Tuy nhiên, vẫn còn một giới hạn mà Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã chỉ cho biết: “Mọi giải thích thần học khi tìm hiểu mầu nhiệm này, nếu muốn phù hợp với đức tin công giáo, phải cương quyết bảo lưu chân lý là, trong chính thực tại của nó, không tùy thuộc tâm trí chúng ta, bánh và rượu không còn hiện hữu sau khi truyền phép nữa, nhưng kể từ lúc đó, Mình và Máu đáng tôn thờ của Chúa Đức Giêsu thật sự hiện diện trước mắt chúng ta dưới loại hình bí tích là bánh và rượu”. 26

  1. Hiệu năng ban ơn cứu độ của hy tế được thực hiện trọn vẹn khi Mình và Máu Chúa được tín hữu lãnh nhận qua việc rước lễ. Tự bản chất, Hy tế tạ ơn hướng đến sự kết hiệp nội tâm của người tín hữu với Đức Kitô qua việc rước lễ; chúng ta lãnh nhận chính Đấng đã tự hiến vì chúng ta, chúng ta lãnh nhận Mình Người bị trao nộp trên Thánh giá vì chúng ta và Máu Người “đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26,28). Chúng ta nhớ lại Lời Người đã nói: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57). Chính Đức Giêsu đoan chắc với chúng ta rằng, sự kết hiệp đó mà Người so sánh với sự sự kết hiệp trong đời sống Thiên Chúa Ba Ngôi, thật sự đã thực hiện.Thánh Thể là một bữa tiệc đích thật, trong đó Đức Kitô trao ban chính mình Người làm của ăn nuôi sống chúng ta. Lần đầu tiên khi Đức Giêsu nói về của ăn này, các thính giả đã ngạc nhiên và bối rối, nên Thầy Chí Thánh buộc phải nhấn mạnh đến sự thật khách quan của Lời Người: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình” (Ga 6,53). Đó không phải là của ăn tượng trưng: “Thịt Ta thật là của ăn, và Máu Ta thật là của uống” (Ga 6,55).
  2. Qua việc chúng ta thông hiệp với Mình và Máu Người, Đức Kitô cũng ban cho chúng ta Thánh Khí của Người. Thánh Ephrem viết: “Người đã gọi tấm bánh là Thân Mình hằng sống của Người và đã lấp đầy tấm bánh đó bằng chính Người và Thánh khí của Người… Ai lấy đức tin mà ăn bánh này là ăn Lửa và Thánh khí… Tất cả anh chị em, hãy cầm lấy mà ăn và cùng với bánh ấy, hãy ăn Chúa Thánh thần. Vì đó đích thật là Mình Thầy và ai ăn sẽ có được sự sống đời đời”.27Trong kinh epiclesis (kinh khẩn cầu Chúa Thánh thần), Hội Thánh nài xin Ân huệ thần linh này, nguồn mạch của mọi ân huệ khác. Chẳng hạn trong sách Phụng vụ thánh của thánh Gioan Chrysostom, chúng ta tìm thấy lời cầu nguyện: “Chúng con cầu xin, nài van và khẩn nguyện: xin ban Thánh thần xuống trên tất cả chúng con và trên những của lễ này… để cho những ai cùng thông phần được thanh luyện tâm hồn, được tha thứ tội lỗi và được ơn Chúa Thánh Thần”. 28 Và trong Sách Lễ Rôma, chủ tế cầu nguyện: “Xin ban cho chúng con là những kẻ được nuôi dưỡng bởi Mình và Máu Người, được tràn đầy Thánh Thần của Người và trở nên một thân mình, một tinh thần trong Đức Kitô”. 29 Vì thế, nhờ ân ban Mình và Máu Người, Người gia tăng ân sủng Thánh thần của Người trong chúng ta, ân sủng đã được đổ xuống trên chúng ta qua bí Tích Thánh tẩy và ban tặng cho chúng ta như một “ấn tín” trong bí tích Thêm sức.
  3. Lời tung hô của cộng đoàn sau khi truyền phép, kết thúc cách thích hợp khi biểu lộ chiều hướng cánh chung của việc cử hành Thánh Thể (x. 1 Cr 11,26): “Cho đến khi Chúa lại đến trong vinh quang”. Thánh Thể là một sự hướng về một cùng đích, một sự nếm trước niềm vui viên mãn mà Đức Kitô đã hứa (x. Ga 15,11); theo một nghĩa nào đó, đó là hưởng trước Nước Trời, là “bảo đảm cho vinh quang mai sau”.30Trong Thánh Thể, mọi sự đều diễn tả sự mong đợi đầy tin tưởng đó: “trong niềm hy vọng hân hoan về ngày Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu độ chúng con lại đến”. 31 Những ai ăn Đức Kitô trong Thánh Thể không cần phải chờ đến đời sau mới đón nhận được sự sống vĩnh cửu, nhưng họ đã chiếm hữu sự sống đó ngay đời này, như những hoa quả đầu tiên của sự viên mãn mai sau, sự viên mãn liên quan đến toàn thể con người. Trong Thánh Thể, chúng ta cũng nhận được bảo đảm là thân xác chúng ta sẽ được sống lại trong ngày tận thế: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (Ga 6,54). Sự bảo đảm này về sự sống lại mai sau bắt nguồn từ sự kiện thân xác của Con Người, được trao ban làm của ăn, là chính thân xác trong tình trạng vinh hiển sau khi sống lại. Với Thánh Thể, chúng ta như thể biết được “bí mật” của sự sống lại. Vì thế, Thánh Inhatiô thành Antiokia đã định nghĩa cách xác đáng Bánh Thánh như là “linh dược đem lại sự bất tử, một phương thuốc diệt trừ sự chết”. 32
  4. Chiều hướng cánh chung được gợi lên trong Thánh Thểdiễn tả và củng cố sự hiệp thông của chúng ta với Hội Thánh trên trời. Không phải ngẫu nhiên mà kinh nguyện thánh thể của Giáo hội Đông phương hay kinh nguyện thánh thể Rôma tôn vinh Đức Maria, trọn đời đồng trinh, Mẹ Đức Giêsu Kitô là Chúa và là Thiên Chúa chúng ta, các thiên thần, các thánh tông đồ, các thánh tử đạo hiển vinh và toàn thể các thánh. Đó là một khía cạnh của Thánh Thể đáng được nhấn mạnh: khi cử hành hy tế của Con chiên, chúng ta được liên kết với “phụng vụ” trên trời và trở nên thành phần của một đoàn người đông đảo lớn tiếng tung hô: “Chính Thiên Chúa chúng ta, Đấng ngự trên ngai, và chính Con Chiên đã cứu độ chúng ta” (Kh 7,10). Thánh Thể quả thật là một thoáng hiện của thiên đàng trên trái đất. Thánh Thể là một tia sáng huy hoàng của Giêrusalem thiên quốc xuyên qua lớp mây mù của lịch sử chúng ta và soi sáng cho cuộc hành trình của chúng ta.
  5. Một hệ quả đầy ý nghĩa khác của chiều hướng cánh chung gắn liền với Thánh Thể còn là sự kiện nó thúc đẩy chúng ta tiến bước trong lịch sử và làm nảy sinh hạt giống của niềm hy vọng sống động trong những dấn thân hằng ngày để chu toàn nhiệm vụ của chúng ta. Quả thế, nếu tầm nhìn Kitô giáo dẫn đến việc mong chờ một “Trời mới” và “Đất mới” (Kh 21,1), nó không làm suy giảm, mà trái lại làm gia tăngý thức trách nhiệm của chúng ta đối với thế giới hôm nay.33 Tôi muốn mạnh mẽ tái khẳng định điều đó vào lúc khởi đầu thiên niên kỷ mới, để các Kitô hữu cảm thấy bó buộc hơn bao giờ hết trong việc chu toàn nghĩa vụ người công dân trong thế giới này. Nghĩa vụ của họ là nhờ ánh sáng Tin mừng, góp phần xây dựng một thế giới nhân bản hơn, một thế giới hoà hợp trọn vẹn với kế hoạch của Thiên Chúa.

Những vấn đề đang bao phủ chân trời của chúng ta thật là nhiều. Chỉ cần nghĩ đến nhu cầu cấp bách phải kiến tạo hoà bình, thiết lập những mối tương giao giữa con người với nhau dựa trên nền tảng vững chắc là sự công bình và tình liên đới, và bảo vệ sự sống con người từ lúc thụ thai cho đến khi chết cách tự nhiên. Và chúng ta sẽ nói gì đây về vô vàn mâu thuẫn trong một thế giới “toàn cầu hoá”, trong đó những người yếu ớt nhất, không có quyền lực nhất và nghèo nhất dường như không có chút hy vọng! Chính trong thế giới này, niềm hy vọng của người Kitô hữu phải toả sáng! Cũng vì lý do đó, Chúa đã muốn ở lại với chúng ta trong Thánh Thể, bằng cách làm cho sự hiện diện của Người trong bữa ăn và trong hy tế, trở nên lời hứa đổi mới nhân loại bằng tình yêu của Người. Thật ý nghĩa, trong các trình thuật về Bữa Tiệc ly, các sách Tin mừng nhất lãm tường thuật việc Đức Giêsu thiết lập Thánh Thể, còn Tin mừng Gioan, như một cách làm nổi bật ý nghĩa thâm sâu của nó, lại tường thuật “việc rửa chân”, qua đó Đức Giêsu xuất hiện như thầy dạy của sự hiệp thông và phục vụ (x. Ga 13,1-20). Phần tông đồ Phaolô, ngài nói rằng thật “bất xứng” khi một cộng đoàn Kitô hữu cùng tham dự vào bữa ăn của Chúa trong sự chia rẽ và dửng dưng đối với người nghèo (x. 1 Cr 11,17-22, 27-34). 34

Việc công bố sự chết của Chúa “cho đến khi Người lại đến” (1 Co 11,26) đòi hỏi tất cả những ai thông phần vào Thánh Thể phải dấn thân biến đổi cuộc sống của mình và làm cho nó, một cách nào đó, hoàn toàn trở thành “Thánh Thể”. Chính hoa quả của một cuộc sống đã được biến hình và việc dấn thân để biến đổi thế giới cho phù hợp với Tin mừng, minh hoạ một cách rạng rỡ chiều hướng cánh chung vốn gắn liền với việc cử hành Thánh Thể và với toàn thể đời sống Kitô hữu: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” (Kh 2,20).

CHƯƠNG II

BÍ TÍCH THÁNH THỂ XÂY DỰNG HỘI THÁNH

  1. Công đồng Vatican II dạy rằng việc cử hành Thánh Thể nằm ở trung tâm tiến trình tăng trưởng của Hội thánh. Quả vậy, sau khi khẳng định “Hội Thánh, như là Vương quốc của Đức Kitô đã hiện diện cách mầu nhiệm, phát triển cách hữu hình trong thế giới nhờ quyền năng của Thiên Chúa”,35như để trả lời cho câu hỏi: “Hội thánh phát triển như thế nào?”, Công đồng nói thêm: “Mỗi khi cử hành trên bàn thờ hy tế Thánh giá, nhờ đó “Đức Kitô, Chiên Vượt qua của chúng ta chịu hiến tế” (1 Cr 5,7), công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện. Đồng thời, nhờ Bí tích Bánh Thánh Thể, sự hiệp nhất các Kitô hữu, tức trở nên một Thân Mình trong Đức Kitô (x. 1 Cr 10,17), vừa được biểu thị và thực hiện”. 36

Ngay từ buổi sơ khai của Hội thánh, Thánh Thể đã có một ảnh hưởng quyết định. Các tác giả sách Tin mừng ghi rõ Nhóm 12 Tông đồ tụ họp chung quanh Đức Giêsu trong bữa Tiệc ly (x. Mt 26,20; Mc 14,17; Lc 22,14). Đó là một chi tiết có tầm mức quan trọng, bởi vì các Tông đồ “vừa là hạt giống của Israel mới, vừa là khởi đầu của hàng Giáo phẩm”. 37 Khi ban cho họ Mình và Máu Người làm của ăn, Đức Kitô đã nối kết họ với hy tế mà sau đó Người sẽ hoàn tất trên đồi Canvê. Tương tự như Giao ước núi Sinai, được đóng ấn bởi hy lễ và việc rảy máu, những cử chỉ và lời nói của Đức Giêsu trong bữa Tiệc ly đặt nền móng cho cộng đoàn thiên sai mới, tức là Dân của Giao ước mới.

Khi đón nhận lời mời gọi của Đức Giêsu trong phòng Tiệc ly: “Tất cả anh em, hãy cầm lấy mà ăn”, “hãy cầm lấy mà uống” (Mt 26, 26-27), lần đầu tiên các Tông đồ đã đi vào sự hiệp thông có tính bí tích với Người. Kể từ lúc đó cho đến tận thế, Hội thánh tiến triển trong sự hiệp thông có tính bí tích với Con Thiên Chúa, Đấng đã hy sinh vì chúng ta: “Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy… Mỗi khi anh em uống, hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy” (1 Cr 11,24-25; x. Lc 22,19).

  1. Việc trở nên chi thể của Đức Kitô do Bí tích Thánh tẩy thực hiện, không ngừng được đổi mới và củng cố nhờ tham dự vào Hy tế tạ ơn, nhất là nhờ việc thông hiệp trọn vẹn qua việc rước lễ. Chúng ta có thể nói rằng không những mỗi người chúng ta tiếp nhậnĐức Kitô, nhưngĐức Kitô tiếp nhận mỗi người chúng ta. Người thắt chặt tình bằng hữu với chúng ta: “Anh em là bạn hữu của Thầy” (Ga 15,14). Quả thật, chính nhờ Người mà chúng ta có sự sống: “Ai ăn Ta sẽ nhờ Ta mà được sống” (Ga 6,57). Việc rước lễ thể hiện cách tuyệt đỉnh việc “ở trong” nhau giữa Đức Kitô và mỗi môn đệ của Người: “Anh em hãy ở lại trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (Ga 15,4).

Nhờ kết hiệp với Đức Kitô, Dân của Giao ước Mới, thay vì khép kín, đã trở thành một “bí tích” cho nhân loại, 39 một dấu chỉ và khí cụ mang lại ơn Cứu độ mà Đức Kitô đã thực hiện, ánh sáng cho thế giới và muối cho trần gian (x. Mt 5,13-16), nhằm cứu chuộc mọi người. 40 Sứ vụ của Hội Thánh tiếp nối sứ vụ của Đức Kitô: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21). Nhờ sự lưu truyền mãi mãi hy tế Thánh giá và nhờ sự thông hiệp của Hội thánh với Mình và Máu Đức Kitô trong Thánh Thể, Hội Thánh nhận được sức mạnh thiêng liêng cần thiết để tiếp tục sứ vụ của mình. Vì thế, Thánh Thể xuất hiện như là nguồn mạch và chóp đỉnh của mọi công cuộc phúc âm hoá bởi vì mục tiêu của phúc âm hoá là hiệp nhất nhân loại với Đức Kitô và trong Người mà hiệp nhất với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. 41

  1. Việc rước lễ cũng làm cho sự hiệp nhất của Hội thánh như là Nhiệm thể Đức Kitô được thêm vững chắc. Thánh Phaolô ám chỉsức mạnh hiệp nhấtcủa việc tham dự vào bàn tiệc Thánh Thể khi ngài viết cho tín hữu Corintô: “khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,16-17). Thánh Gioan Chrysostom chú giải những lời đó thật chính xác và sâu sắc: “Tấm bánh đó là gì? Đó là Thân thể Đức Kitô. Và những ai tiếp nhận tấm bánh đó sẽ trở nên gì? Thưa trở nên thân thể của Đức Kitô – không phải nhiều thân thể, nhưng là một. Vì cũng như chỉ có một tấm bánh, dẫu được kết thành bởi nhiều hạt lúa, và những hạt lúa đó dù mắt không hề thấy, song không phải vì thế mà không hiện diện, theo một cách thức như thể không còn có sự khác biệt, vì chúng làm nên một toàn thể hoàn hảo, chúng ta cũng vậy, chúng ta kết hiệp với nhau và với Đức Kitô”. 42 Lý lẽ thật thuyết phục: sự kết hiệp của chúng ta với Đức Kitô, vốn là quà tặng và ân sủng cho mỗi một người chúng ta, làm cho chúng ta nhờ Người mà có thể dự phần vào sự hiệp nhất của Thân thể Người tức là Hội Thánh. Thánh Thể củng cố sự tháp nhập với Đức Kitô, một sự tháp nhập đã được thực hiện nhờ ân ban Thánh Thần trong Bí tích Thánh tẩy (x. 1 Cr 12,13, 27).

Hành động liên kết và không thể tách rời giữa Chúa Con và Chúa Thánh Thần, vốn từ buổi sơ khai của Hội thánh, đã thiết lập và làm cho Hội thánh vững bền, nay thể hiện trong Thánh Thể. Điều này quả là hiển nhiên đối với tác giả Sách Phụng vụ của Thánh Giacôbê: trong lời cầu xin Chúa Thánh Thần trong Kinh nguyện Thánh Thể, Hội thánh khẩn nài Thiên Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các tín hữu và và trên các lễ vật, để cho Mình và Máu Đức Kitô “có thể giúp tất cả những ai thông phần vào của lễ đó, được thánh hoá hồn xác…”43 Hội Thánh được Đấng Bầu chữa thần linh làm cho vững mạnh qua việc thánh hoá các tín hữu trong Bí tích Thánh Thể.

  1. Ân sủng của Đức Kitô và của Thánh thần của Người mà chúng ta lãnh nhận qua việc hiệp lễ, thực hiện một cách viên mãn và phong phú những khát vọng hiệp nhất huynh đệ tiềm ẩn sâu xa trong tâm hồn con người; đồng thời nó nâng cao kinh nghiệm về tình huynh đệ đã hiện diện trong việc chia sẻ cùng một bàn tiệc Thánh Thể lên tới một mức độ vượt trỗi trên mọi kinh nghiệm đơn thuần của con người trong việc chia sẻ một bữa ăn. Qua việc thông hiệp với Mình Đức Kitô, Hội Thánh luôn thể hiện một cách sâu sắc hơn chân tính của mình: Hội thánh, “trong Đức Kitô, một cách nào đó là một bí tích, nghĩa là một dấu chỉ và khí cụ của sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa và sự hiệp nhất của toàn thể nhân loại”.44

Những mầm mống của chia rẽ, mà kinh nghiệm hằng ngày chỉ cho thấy rằng chúng cắm rễ sâu trong lòng nhân loại như là hậu quả của tội lỗi, đã bị ngăn chận bởi quyền năng đem lại sự hiệp nhất của thân Mình Đức Kitô. Trong khi xây dựng Hội Thánh, Thánh Thể kiến tạo một cộng đồng nhân loại.

  1. Việc tôn sùng Thánh Thể ngoài Thánh lễcó một giá trị vô song đối với đời sống của Hội Thánh. Việc tôn sùng này nối kết chặt chẽ với việc cử hành Hy tế tạ ơn. Sự hiện diện của Đức Kitô dưới hình Bánh thánh Rượu thánh được lưu giữ sau Thánh lễ – một hiện diện kéo dài bao lâu những hình bánh và hình rượu còn tồn tại 45 – bắt nguồn từ việc cử hành hy tế và nhằm hướng về sự hiệp thông, cả trên bình diện bí tích lẫn bình diện thiêng liêng. 46 Các mục tử có trách nhiệm khuyến khích, đồng thời nêu gương sáng về việc tôn sùng Thánh Thể, và đặc biệt việc trưng bày Thánh Thể, cũng như việc tôn thờ Đức Kitô hiện diện trong hình Thánh Thể.

Quả là niềm vui sướng khi dành thời giờ để ở với Người, nghiêng mình vào ngực Người như người môn đệ yêu dấu (x. Ga 13,25) và cảm nhận tình yêu vô biên trong trái tim của Người. Nếu trong thời đại chúng ta, Kitô giáo phải nổi bật hơn cả trong “nghệ thuật cầu nguyện”, 48 làm sao chúng ta lại không cảm thấy một nhu cầu mới mẻ là dành thời giờ để đàm thoại thiêng liêng, thinh lặng tôn thờ, yêu mến chân thành Đức Kitô hiện diện trong Bí tích rất thánh? Anh chị em thân mến, biết bao lần tôi đã có kinh nghiệm này, và múc từ đó nuồn sức mạnh, an ủi và đỡ nâng!

Việc thực hành này, luôn được Huấn quyền ca ngợi và khuyến khích, 49 được cổ võ bởi gương sáng của nhiều vị Thánh. Nổi bật trong việc này là thánh Anphonsô Liguori, ngài viết: “Trong số các việc đạo đức, việc thờ phượng Đức Giêsu trong Thánh Thể là cao cả nhất sau các bí tích, việc mà Thiên Chúa yêu thích nhất và đem lại lợi ích cho chúng ta”. 50Thánh Thể là một kho tàng vô giá: không những nhờ việc cử hành mà còn nhờ việc cầu nguyện trước Thánh Thể ngoài Thánh lễ, chúng ta có cơ hội tiếp xúc với chính nguồn mạch của ân sủng. Một cộng đoàn Kitô hữu thiết tha chiêm ngưỡng dung nhan Kitô theo tinh thần mà tôi đã đề nghị trong Tông thư Novo Millennio Ineunte và Rosarium Virginis Mariae không thể không phát triển khía cạnh này của việc tôn thờ Thánh Thể, vì nó kéo dài và gia tăng hoa quả của sự thông hiệp vào Mình và Máu Chúa.

CHƯƠNG III

ĐẶC TÍNH TÔNG TRUYỀN

CỦA BÍ TÍCH THÁNH THỂ VÀ CỦA HỘI THÁNH

  1. Như tôi đã nói ở trên, nếu Thánh Thể xây dựng Hội Thánh và Hội Thánh làm nên Thánh Thể, thì giữa Thánh Thể và Hội thánh tất nhiên có một mối tương quan sâu đậm, đến nỗi chúng ta có thể áp dụng cho Mầu nhiệm Thánh Thể chính lời mà kinh Tin kính Nicêa Côntantinốp nói về Hội thánh: chúng tôi tuyên xưng Hội Thánh “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Thánh Thể cũng duy nhất và công giáo. Thánh Thể cũng thánh thiện, và hơn thế nữa, là Bí tích cực thánh. Nhưng trên hết, chính đặc tính tông truyền của Thánh Thể mà giờ đây chúng ta phải quan tâm.
  2. Khi giải thích Hội Thánh là tông truyền – tức là đặt nền móng trên các tông đồ – SáchGiáo lý Hội thánh Công giáođưa ra ba ý nghĩa của biểu thức này. Trước hết, “Hội thánh đã và vẫn còn được thiết lập ‘trên nền móng các tông đồ’ (Ep 2,20), là những chứng nhân được chính Đức Kitô tuyển chọn và sai đi truyền giáo”. 51 Thánh Thể cũng đặt nền tảng trên các tông đồ, không theo nghĩa là nó không phát xuất từ chính Đức Kitô, nhưng bởi vì nó được Đức Giêsu ủy thác cho các tông đồ, và được truyền lại cho chúng ta bởi các tông đồ và những người kế vị các ngài. Chính trong sự tiếp nối với hành động của các tông đồ và vâng theo lệnh truyền của Chúa mà Hội thánh cử hành Thánh Thể trong suốt các thời đại.

Ý nghĩa thứ hai của đặc tính tông truyền của Hội thánh như sách Giáo lý chỉ rõ, đó là “với sự trợ giúp của Thánh Thần ở trong Hội thánh, Hội thánh giữ gìn và truyền đạt giáo huấn, ‘kho tàng tuyệt hảo’ và các lời cứu độ mà Hội thánh đã lắng nghe từ các tông đồ”. 52 Ở đây, Thánh Thể cũng có tính tông truyền, vì nó được cử hành trong sự phù hợp với đức tin của các Tông đồ. Vào những thời điểm khác nhau trong hai ngàn năm lịch sử của Dân Giao ước mới, Huấn quyền Hội Thánh đã xác định cách chính xác hơn giáo huấn về Bí tích Thánh Thể, kể cả thuật ngữ chính xác, chính là để bảo vệ đức tin tông truyền đối với mầu nhiệm cao cả này. Đức tin này không thay đổi và chính vì nó thuộc về bản chất cốt yếu của Hội thánh, nên nó không hề thay đổi.

  1. Cuối cùng, Hội Thánh là tông truyền theo nghĩa Hội thánh “tiếp tục được các tông đồ dạy dỗ, thánh hoá và hướng dẫn cho đến khi Đức Kitô lại đến, thông qua các đấng kế vị các tông đồ trong công tác mục vụ: đó là Giám mục đoàn, với sự trợ giúp của các linh mục, trong sự hiệp thông với Đấng kế vị thánh Phêrô, vị mục tử tối cao của Hội Thánh”.53Việc kế vị các tông đồ trong sứ vụ mục tử nhất thiết cần phải có bí tích Truyền chức thánh, tức là sự nối tiếp liên tục của việc truyền chức giám mục cách hợp pháp, ngược lên lúc khởi đầu.54 Sự kế vị này là thiết yếu đối với Hội Thánh để hiện hữu cách thích đáng và trọn vẹn.

Thánh Thể cũng diễn tả ý nghĩa tông truyền này. Như Công đồng Vatican II dạy: “Các tín hữu tham dự lễ tế Thánh Thể nhờ chức tư tế vương giả của họ”, 55 song chính linh mục có chức thánh, “hành động trong tư cách của Đức Kitô, cử hành Hy tế tạ ơn và nhân danh toàn dân mà dâng lên Thiên Chúa”. 56 Vì thế, Sách lễ Rôma quy định chỉ một mình Linh mục đọc kinh nguyện Thánh Thể, trong khi dân chúng thinh lặng và lấy đức tin mà tham dự. 57

  1. Cách nói mà Công đồng lặp đi lặp lại, theo đó “vị linh mục thừa tác hành động trong tư cách đức Kitô, cử hành Hy tế tạ ơn”,58đã bắt rễ vững chắc trong giáo huấn của các giáo hoàng. Như tôi đã nhấn mạnh trong những dịp khác nhau, câu trong tư cách của Đức Kitô “có ý nghĩa sâu xa hơn việc tế lễ “nhân danh” hay “trong vai trò” của đức Kitô. Trong tư cách có nghĩa là đồng hoá cách bí tích và đặc biệt với Linh mục Thượng phẩm, tác giả và chủ thể chính của hy tế này của Người, trong đó không ai thật sự có thể thay thế Người”. 60 Trong nhiệm cục cứu độ mà Đức Kitô đã chọn, sứ vụ của các Linh mục đã lãnh các chức thánh tỏ lộ rằng Thánh Thể mà họ cử hành là một quà tặng vượt trỗi cách triệt để quyền hạn của cộng đoàn và luôn thiết yếu trong mọi trường hợp để nối kết cách hợp pháp việc truyền phép với hy tế Thánh giá và Bữa Tiệc ly.

Khi cộng đoàn cùng nhau quy tụ để cử hành Thánh Thể, nếu đó là một cộng đoàn thánh thể đích thật, thì nhất thiết phải có sự hiện diện của một thừa tác viên có chức thánh chủ sự cộng đoàn. Mặt khác, cộng đoàn không thể tự cung cấp cho mình một thừa tác viên có chức thánh. Thừa tác viên này là một quà tặng mà cộng đoàn đón nhận nhờ việc kế vị tông truyền lên đến các tông đồ. Chính Giám mục, qua Bí tích Truyền chức thánh, sinh ra một tư tế mới, bằng cách ban cho vị tư tế này quyền truyền phép Thánh Thể. Vì vậy, “mầu nhiệm Thánh Thể không thể được cử hành trong bất cứ cộng đoàn nào, ngoại trừ bởi linh mục được phong, như công đồng Latêranô IV đã dạy”. 61

  1. Giáo huấn của Hội Thánh công giáo về mối tương quan giữa sứ vụ linh mục và Thánh Thể, và giáo huấn về Hy tế tạ ơn đều là những chủ đề của một cuộc đối thoại hữu íchtrong lãnh vực đại kếttrong những thập niên vừa qua. Chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa Ba Ngôi vì trong lãnh vực này có những tiến bộ khả quan và những sự xích lại gần nhau, mang lại cho chúng ta niềm hy vọng một ngày kia sẽ chia sẻ trọn vẹn cùng một đức tin. Tuy vậy, những nhận định của Công đồng liên quan đến những cộng đồng Giáo hội xuất hiện tại phương Tây kể từ thế kỷ 16 trở đi và tách rời khỏi Giáo Hội Công giáo vẫn hoàn toàn thích hợp: “Những cộng đoàn Giáo hội tách rời khỏi chúng ta thì thiếu sự hiệp nhất trọn vẹn với chúng ta, một sự hiệp nhất phát sinh từ Bí tích Thánh Tẩy và chúng ta tin rằng chính vì thiếu Bí tích truyền chức thánh mà các cộng đồng Giáo hội đó đã không bảo toàn bản chất đích thực và toàn vẹn của mầu nhiệm Thánh Thể. Dẫu sao, khi các cộng đoàn đó tưởng niệm cái chết và sự phục sinh của Chúa trong Bữa ăn thánh, họ tuyên xưng rằng bữa ăn đó biểu lộ sự sống hiệp thông với Đức Kitô và họ mong đợi Ngài đến trong vinh quang”. 62

Vì thế, trong khi tôn trọng niềm xác tín của các anh em ly khai đó, người tín hữu Công giáo phải từ chối rước lễ được ban phát trong các cuộc cử hành của các anh em ly khai, để không nuôi dưỡng một sự mập mờ về bản chất của Thánh Thể và do đó mà thiếu sót trong nhiệm vụ làm chứng công khai cho sự thật. Điều này có thể làm chậm lại tiến trình hướng về sự hiệp nhất trọn vẹn cách hữu hình. Cũng vậy, người ta không thể thay thế Thánh lễ Chúa nhật bằng những buổi cử hành Lời Chúa có tính đại kết hay những buổi cầu nguyện chung với những Kitô hữu của các cộng đoàn Giáo hội nói trên hoặc ngay cả việc tham dự vào các nghi thức phụng vụ của họ. Những cử hành và nghi thức như thế, tuy đáng ca ngợi trong những hoàn cảnh nhất định, nhằm mục đích đi đến sự hiệp thông trọn vẹn, gồm cả sự hiệp thông thánh thể, nhưng chúng không thể thay thế cho Thánh lễ.

Sự kiện năng quyền truyền phép Thánh Thể chỉ được uỷ thác cho các Giám mục và Linh mục, không hề hạ thấp phẩm giá của những thành phần khác trong Dân Thiên Chúa, vì trong sự hiệp thông của thân thể duy nhất của đức Kitô, tức là Hội thánh, ân ban này mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

  1. Nếu Thánh Thể là trung tâm và tột đỉnh của đời sống của Hội thánh, thì nó cũng là trung tâm và tột đỉnh của thừa tác vụ linh mục. Vì thế, với lòng biết ơn sâu xa đối với Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, tôi lặp lại rằng Thánh Thể, “lý do hiện hữu chính yếu và trung tâm của bí tích truyền chức thánh, đã thực sự được sinh ra khi Chúa lập Bí tích Thánh Thể”.63

Các Linh mục đang dấn thân trong những hoạt động mục vụ rất đa dạng. Nếu chúng ta nhìn đến bối cảnh xã hội và văn hoá của thế giới hiện đại, chúng ta đễ hiểu tại sao các linh mục đang đối diện với nguy cơ đánh mất trọng tâm giữa vô vàn công việc khác nhau như thế. Công đồng Vatican II tìm thấy trong đức ái mục tử mối quan hệ liên kết đời sống và công việc của người linh mục. Công đồng nói thêm, “đức ái mục tử đó phát sinh trước hết từ Hy tế tạ ơn, bởi thế Hy tế tạ ơn là trung tâm và cội rễ của toàn thể đời sống linh mục”. 64

Từ đó, chúng ta có thể hiểu tầm quan trọng đối với đời sống thiêng liêng của linh mục, cũng như đối với thiện ích của Hội thánh và thế giới, của việc thực thi lời khuyên dạy của Công đồng về việc cử hành thánh lễ hằng ngày: “cho dù khi các tín hữu không thể hiện diện, nó vẫn là một hành động của Đức Kitô và Hội Thánh”. 65

Bằng cách đó, các linh mục sẽ có thể chống lại áp lực dẫn đến sự đánh mất trọng tâm và sẽ tìm được trong Hy tế tạ ơn – trung tâm đích thực của đời sống và sứ vụ linh mục – sức mạnh thiêng liêng cần thiết để đối diện với những việc mục vụ khác nhau. Như thế, hoạt động thường nhật của linh mục sẽ thật sự có tính chất thánh thể.

Vị trí trung tâm của Thánh Thể trong đời sống và sứ vụ của các Linh mục là nền tảng cho vị trí trung tâm của Thánh Thể trong mục vụ cổ võ ơn gọi linh mục. Chính trong Thánh Thể mà việc cầu nguyện cho ơn gọi được liên kết chặt chẽ hơn cả với lời cầu nguyện của Đức Kitô Linh mục Thượng phẩm. Đồng thời sự nhiệt tâm của các Linh mục trong việc cử hành Thánh Thể, cùng với sự tham dự cách ý thức, tích cực và hiệu quả của các tín hữu trong Thánh lễ, tạo nên một gương mẫu sáng chói cho các bạn trẻ và khích lệ họ quảng đại đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa. Chúa thường dùng đức ái mục tử nhiệt thành của các linh mục để gieo vãi và làm cho hạt giống ơn gọi linh mục trổ sinh hoa trái trong tâm hồn những người trẻ.

  1. Tất cả những điều này cho thấy rằng thật đáng buồn và bất thường biết bao khi một cộng đoàn kitô hữu, dù có đủ nhân danh và sự đa dạng để thành lập một giáo xứ mà lại thiếu linh mục để lãnh đạo. Quả vậy, giáo xứ là một cộng đoàn những người đã chịu phép Thánh tẩy, diễn tả và củng cố căn tính của mình nhất là qua việc cử hành Hy tế tạ ơn. Nhưng để làm được điều này, sự hiện diện của một linh mục thật cần thiết, chỉ mình ngài mới có đủ năng quyền để tế lễ trongtư cách của Đức Kitô.Khi một cộng đoàn thiếu linh mục, ta có lý do chính đáng để bù đắp một cách nào đó, ngõ hầu các việc cử hành ngày Chúa nhật được tiếp tục, và trong trường hợp đó, khi các tu sĩ và giáo dân hướng dẫn anh chị em mình cầu nguyện, họ thực thi cách đáng ca ngợi chức tư tế phổ quát của mọi tín hữu dựa trên ân sủng của bí tích Thánh tẩy. Tuy nhiên, phải xem đó chỉ là những giải pháp tạm thời, trong lúc cộng đoàn chờ có một linh mục.

Tính chất bất toàn về mặt bí tích của những việc cử hành này trước hết phải kích thích toàn thể cộng đoàn cầu nguyện sốt sắng hơn để Chúa gởi những thợ gặt đến cánh đồng của Người (x. Mt 9,38). Nó cũng phải thúc đẩy cộng đoàn vận dụng tất cả mọi tài nguyên cần thiết để cổ võ việc mục vụ ơn gọi cách thích đáng, không chiều theo cám dỗ muốn tìm những giải pháp hạ thấp những tiêu chuẩn luân lý và đào tạo các ứng sinh hướng tới chức linh mục.

  1. Một khi vì thiếu linh mục mà những thành phần tín hữu không có chức thánh được tham gia việc chăm sóc mục vụ của một giáo xứ, họ phải luôn luôn tâm niệm rằng – như Công đồng Vatican II dạy – “không một cộng đoàn kitô hữu nào được thiết lập, trừ phi nó đặt nền tảng và trọng tâm nơi việc cử hành Phép Thánh Thể rất thánh”.66 Vì thế, họ có trách nhiệm giữ gìn sống động trong cộng đoàn một sự “khao khát” đích thật Bí tích Thánh Thể, để không bao giờ bỏ lỡ cơ hội có Thánh lễ, bằng cách tận dụng sư hiện diện ngẫu nhiên của một linh mục, miễn là vị ấy không mắc ngăn trở theo giáo luật.

CHƯƠNG IV

THÁNH THỂ VÀ SỰ HIỆP THÔNG CỦA HỘI THÁNH

  1. Khóa họp Bất Thường của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1985 đã thấy trong khái niệm “Giáo hội học về hiệp thông” tư tưởng trung tâm và nền tảng của những văn kiện của Công Đồng Vatican II67. Trong cuộc lữ hành trên trần thế, Hội Thánh được mời gọi gìn giữ và cổ võ sự hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa và sự hiệp thông giữa các tín hữu. Vì mục tiêu ấy, Hội Thánh có được Lời Chúa và các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, nhờ đó, Hội Thánh “luôn sống động và tăng triển”68và nơi đó, Hội Thánh diễn đạt chính bản chất của mình. Không phải ngẫu nhiên mà từ hiệp thông đã trở nên một trong số những tên gọi của bí tích cao vời này.

Vì vậy Thánh Thể xuất hiện như là đỉnh cao của tất cả các bí tích vì nó làm cho nên hoàn thiện mối hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa Cha bằng cách đồng hóa với Người Con yêu dấu duy nhất của Người nhờ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Với một đức tin sâu sắc, một văn sĩ nổi tiếng của truyền thống Byzantin đã thốt lên sự thật này: trong Thánh Thể, “không giống như các bí tích khác, mầu nhiệm [hiệp thông] quá hoàn hảo đến nỗi bí tích này đưa chúng ta đến những đỉnh cao của mọi điều thiện hảo: đó là mục tiêu tối hậu của mọi khát vọng nhân loại, vì ở nơi đó chúng ta đến được với Thiên Chúa và Thiên Chúa kết hiệp với chúng ta trong sự kết hiệp hoàn hảo nhất”. 69 Chính vì lý do này quả là tốt đẹp khi nuôi dưỡng trong tim ta một lòng khao khát liên lỉ lãnh nhận bí tích Thánh Thể. Đây chính là nguồn gốc của thực hành “rước lễ thiêng liêng”, mà may mắn thay đã được phổ biến qua nhiều thế kỷ trong Hội Thánh và được khuyến khích bởi các thánh nhân là những bậc thầy về đời sống thiêng liêng. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu đã viết: “Khi bạn không được rước Mình Thánh Chúa và không tham dự Thánh Lễ, bạn có thể rước lễ thiêng liêng, đây là một thực hành đem lại nhiều ơn ích; qua đó tình yêu của Thiên Chúa sẽ ấn dấu mạnh mẽ trên bạn”. 70

  1. Tuy nhiên, việc cử hành Thánh Thể không phải là khởi điểm của sự hiệp thông; bí tích này giả định đã có sự hiệp thông, một sự hiệp thông mà việc cử hành tìm cách củng cố và đưa đến chỗ hoàn hảo. Bí tích là một biểu hiện của mối giây hiệp thông đó, cả trongchiều kích vô hình, tức là, trong Đức Kitô và nhờ hoạt động của Thánh Thần liên kết chúng ta với Chúa Cha và với nhau; lẫn trongchiều kích hữu hình, tức dẫn đến sự gắn bó với giáo huấn của các Tông Đồ, các phép bí tích và phẩm trật của Hội Thánh. Mối quan hệ sâu xa giữa các yếu tố vô hình và hữu hình của sự hiệp thông giáo hội là yếu tố cấu thành của Hội Thánh như bí tích của ơn cứu độ. 71 Chỉ trong bối cảnh này mới có việc cử hành thành sự bí tích Thánh Thể và sự tham dự đích thực vào bí tích này. Vì thế, một đòi buộc nội tại của Thánh Thể là bí tích này phải được cử hành trong sự hiệp thông, và đặc biệt phải đáp ứng toàn bộ các điều kiện đã được đề ra.
  2. Sự hiệp thông vô hình, tuy tự bản chất là luôn tăng triển, giả định có đời sống ân sủng – nhờ đó chúng ta trở nên “những người thông phần bản tính Thiên Chúa” (2 Pr 1,4), lẫn sự thực hành các nhân đức tin, cậy, mến. Chỉ trong cách thế này chúng ta mới có được sự hiệp thông thực sự với Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đức tin thôi không đủ, chúng ta phải kiên trì trong ơn thánh hóa và trong đức ái, ở lại trong Hội Thánh bằng “thân xác” cũng như bằng “tâm hồn”;72điều đòi buộc là, theo như lời của Thánh Phaolô, “đức tin hành động nhờ đức ái” (Gl 5,6).

Giữ cho nguyên vẹn những mối liên kết vô hình này là một bổn phận luân lý ràng buộc các Kitô hữu muốn tham dự trọn vẹn vào bí tích Thánh Thể qua việc nhận lãnh Mình và Máu Chúa Kitô. Tông Đồ Phaolô nhắc đến bổn phận này khi ngài cảnh cáo: “Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này” (1 Cr 11,28). Thánh Gioan thành Chrysostom, với tài hùng biện của mình, đã thúc giục các tín hữu: “Tôi cũng lên tiếng, kêu van, nài xin, khẩn khoản rằng đừng ai đến gần bàn thánh này với một lương tâm ô uế và đồi bại. Quả vậy, một hành động như thế không thể gọi là ‘hiệp thông’, dù chúng ta rước Mình thánh Chúa ngàn lần, nhưng phải gọi là ‘án phạt’, ‘nỗi dày vò’ và ‘sự gia tăng hình phạt’”. 73

Trong cùng một viễn tượng ấy, sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo chỉ rõ rằng “bất cứ ai biết mình mắc một tội trọng thì phải nhận lãnh bí tích Hòa Giải trước khi rước lễ”. 74 Do đó, tôi muốn tái khẳng định rằng vẫn còn hiệu lực trong Hội Thánh, hiện nay và trong tương lai, quy luật mà Công Đồng Trentô đã diễn đạt cụ thể lời cảnh cáo cứng rắn của Tông Đồ Phaolô, khi khẳng định rằng, để lãnh nhận Thánh Thể cách xứng hợp, “nếu ai biết mình phạm tội trọng, cần xưng thú tội của mình trước”.75

  1. Hai bí tích Thánh Thể và Hòa Giải liên kết chặt chẽ với nhau. Vì Thánh Thể làm cho Hy tế cứu chuộc trên Thánh Giá nên hiện diện, bằng cách làm cho nó tồn tại mãi cách bí tích, điều đó có nghĩa là từ bí tích này phát sinh một nhu cầu hoán cải liên tục, một nhu cầu đáp trả cá vị đối với lời mời gọi của Thánh Phaolô gởi tín hữu thành Côrintô “Nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa” (2 Cr 5,20). Nếu người Kitô hữu ý thức đến một tội trọng đang đè nặng lương tâm thì con đường thống hối qua bí tích Hòa Giải trở nên cần thiết cho sự dự phần trọn vẹn vào Hy tế Thánh Thể.

Phán đoán về tình trạng ân sủng của một người cố nhiên chỉ tùy thuộc vào người đó, bởi vì đó là vấn đề tự xét mình. Tuy nhiên, trong những trường hợp mà lối sống bên ngoài đi ngược lại cách nghiêm trọng, rõ ràng và kéo dài với chuẩn mực luân lý, Hội Thánh, trong ưu tư mục vụ liên quan đến trật tự của cộng đoàn và vì sự kính trọng đối với bí tích, không thể không can thiệp trực tiếp. Giáo Luật ám chỉ đến tình trạng hiển nhiên thiếu tư cách luân lý thích hợp khi khẳng định rằng những người “ngoan cố sống trong tội trọng tỏ tường” thì không được rước Mình Thánh Chúa. 76

  1. Sự hiệp thông giáo hội, như tôi đã nói, cũng có tính chấthữu hình, và được diễn tả qua các “mối giây liên kết” được Công Đồng liệt kê khi dạy rằng: “Được kể là gia nhập hoàn toàn vào cộng đoàn Giáo hội, những ai nhận lãnh Thánh Thần Chúa Kitô, chấp nhận trọn vẹn tổ chức và các phương tiện cứu rỗi được thiết lập trong Giáo hội; và nhờ các mối giây liên kết do việc tuyên xưng đức tin, các bí tích, việc quản trị và sự hiệp thông, họ liên kết với Chúa Kitô trong tổ chức mà Người điều khiển nhờ Giáo hoàng và các Giám mục”.77

Thánh Thể, như là một biểu lộ cao cả nhất và mang tính bí tích của sự hiệp thông trong Hội Thánh, đòi buộc phải được cử hành trong một bối cảnh tôn trọng những mối giây hiệp thông bên ngoài. Cách riêng, vì là “đỉnh cao của đời sống thiêng liêng và cùng đích của mọi bí tích”, 78Thánh Thể đòi buộc rằng những mối giây hiệp thông trong các bí tích, đặc biệt trong bí tích Thanh Tẩy và bí tích Truyền Chức Thánh phải có thật. Không thể trao Mình Thánh Chúa cho một người chưa được rửa tội hay cho một người chối bỏ chân lý toàn vẹn của đức tin liên quan đến mầu nhiệm Thánh Thể. Đức Kitô là sự thật và Ngài làm chứng cho sự thật (x. Ga 14,6; 18,37); bí tích Mình và Máu Ngài không chấp nhận sự dối trá.

  1. Hơn thế nữa, xét đến chính bản chất của sự hiệp thông giáo hội và mối liên hệ của nó với Thánh Thể, cần phải nhắc lại rằng “Hy tế Thánh Thể, dù luôn được cử hành tại một cộng đoàn cụ thể, không bao giờ là việc cử hành của một mình cộng đoàn đó mà thôi. Quả vậy, khi nhận lãnh sự hiện diện Thánh Thể của Chúa, cộng đoàn cũng nhận lãnh toàn bộ hồng ân cứu độ và tỏ lộ rằng, dù trong một dạng thức tồn tại hữu hình nhất định, nó là hình ảnh và là sự hiện diện thật sự của Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.”79Từ đó dẫn đến hệ quả là một cộng đoàn Thánh Thể thực sự không thể khép kín vào chính mình, như thể tự mình là đủ; trái lại cộng đoàn ấy cần hòa hợp với các cộng đoàn Công Giáo khác.

Sự hiệp thông giáo hội của một cộng đoàn Thánh Thể là sự hiệp thông với Giám mục của mình và với Giáo hoàng ở Rôma. Quả thế, Giám Mục là nguyên lý và nền tảng hữu hình của sự hiệp nhất trong Giáo hội địa phương. 80 Do đó, sẽ là hoàn toàn nghịch lý nếu bí tích tuyệt hảo của sự hiệp nhất Hội Thánh được cử hành mà không có sự hiệp nhất thực sự với Giám mục. Như thánh Inhaxiô thành Antiôkia đã viết: “Thánh Thể nào do Giám mục cử hành, hay do một vị nào đó được ngài ủy thác, mới có thể được xem là hợp pháp”, 81 Cũng vậy, vì “Giáo hoàng Rôma”, trong tư cách là người kế vị Thánh Phêrô, là nguyên lý và nền tảng vĩnh cửu và hữu hình của sự hiệp nhất giữa các Giám mục cũng như giữa các tín hữu,82 sự hiệp thông với ngài là một đòi hỏi nội tại của việc cử hành Hy tế Thánh Thể. Do đó, sự thật lớn lao này đã diễn tả điều mà Phụng Vụ thể hiện qua nhiều cách khác nhau: “Mọi cử hành Thánh Thể được thực hiện trong sự hiệp nhất không chỉ với Giám Mục sở tại, nhưng còn với Giáo Hoàng, với Giám mục đoàn, với tất cả các giáo sĩ và với toàn dân Thiên Chúa. Mọi cuộc cử hành thành sự bí tích Thánh Thể đều diễn tả sự hiệp thông phổ quát này với thánh Phêrô và với toàn thể Hội Thánh, hoặc đòi buộc cách khách quan điều đó, như trường hợp của các Giáo hội Kitô ly khai khỏi Rôma”. 83

  1. Thánh Thểtạo nên sự hiệp thông và cổ võ sự hiệp thông. Thánh Phaolô đã viết cho các tín hữu thành Côrintô, chỉ cho họ thấy rằng những chia rẽ xảy ra nơi các cộng đoàn Thánh Thể thì trái ngược biết bao với điều mà họ đang cử hành, bữa Tiệc Ly của Chúa. Vì thế thánh Tông Đồ đã mời gọi họ suy nghĩ về thực tại đích thực của Thánh Thể, để giúp họ quay về với tinh thần hiệp thông huynh đệ. (x 1 Cr 11,17-34). Thánh Augustinô đã vang vọng lại lời kêu gọi này cách đầy hiệu quả, khi nhắc lại những lời của thánh Tông Đồ: “Anh em là thân thể Đức Kitô, và mỗi người là một bộ phận” (1 Cr 12,27), ngài tiếp tục: “Nếu anh em là thân thể Đức Kitô, là chi thể của Người, anh em sẽ thấy đặt trên bàn của Chúa mầu nhiệm của anh em. Vâng, anh em sẽ nhận lãnh mầu nhiệm của chính mình”.84 Và từ nhận xét đó, ngài kết luận: “Chúa Kitô… đã thánh hiến trên bàn thờ mầu nhiệm bình an và hiệp nhất của chúng ta. Bất cứ ai nhận lãnh mầu nhiệm hiệp nhất mà không duy trì những mối giây hòa bình thì không nhận lãnh mầu nhiệm của Người để được cứu độ, nhưng nhận lãnh một bằng chứng chống lại chính mình” 85
  2. Tác dụng đặc biệt của Thánh Thể trong việc cổ võ sự hiệp thông là một trong những lý do của tầm quan trọng của Thánh Lễ Ngày Chúa Nhật. Tôi đã đề cập đến điểm đó và những lý do khác khiến cho Thánh Lễ Ngày Chúa Nhật là nền tảng cho đời sống của Hội Thánh và của mỗi người tín hữu trong Tông ThưDies Domini. 86 Trong đó, tôi đã nhắc lại rằng các tín hữu có bổn phận tham dự Thánh Lễ, trừ phi họ bị ngăn trở cách nghiêm trọng, và các Mục tử, về phần mình, có bổn phận tương ứng là tạo cơ hội và khả năng cho mọi người thực thi giáo huấn này.87 Gần đây hơn, trong Tông Thư Novo Millennio Ineunte, khi đề ra con đường mục vụ mà Hội Thánh phải theo vào lúc khởi đầu của ngàn năm thứ ba, tôi đã lôi kéo sự chú ý đặc biệt đến Phụng Vụ Thánh Thể ngày Chúa Nhật, bằng cách nhấn mạnh đến tác dụng của nó trong việc xây dựng sự hiệp thông. Tôi đã viết rằng: “Đó là nơi chốn thuận lợi để sự hiệp thông không ngừng được công bố và nuôi dưỡng. Chính nhờ sự thông hiệp vào Thánh Thể, Ngày của Chúa cũng trở thành Ngày của Hội Thánh, khi Hội Thánh có thể thực hiện cách hiệu quả vai trò của mình như là bí tích của sự hiệp nhất”. 88
  3. Giữ gìn và cổ võ sự hiệp thông giáo hội là một nhiệm vụ của mỗi người tín hữu, là những người tìm thấy nơi Thánh Thể, bí tích của sự hiệp nhất giáo hội, một nơi chốn để biểu lộ sự quan tâm đặc biệt. Cụ thể hơn, nhiệm vụ này là trách nhiệm đặc biệt của các Mục tử của Hội Thánh, mỗi người tùy theo thứ bậc và chức vụ trong Giáo hội. Vì lý do này, Hội Thánh đã đề ra những quy tắc nhằm cổ võ sự tiếp cận thường xuyên và đem lại ơn ích của các tín hữu với bàn tiệc Thánh Thể, cũng như nhằm xác định những điều kiện khách quan không được phép cho chịu lễ. Nhiệt thành cổ võ các tín hữu tuân giữ những quy tắc này trở thành một cách thức cụ thể biểu lộ tình yêu dành cho Thánh Thể và cho Hội Thánh.
  4. Khi xét đến Thánh Thể như là bí tích của sự hiệp thông giáo hội, có một chủ đề mà ta không thể bỏ qua vì tầm quan trọng của nó: tôi muốn nói đếnmối liên hệ giữa Thánh Thể và hoạt động đại kết. Tất cả chúng ta phải cảm tạ Ba Ngôi Chí Thánh vì, trong những thập niên vừa qua, nhiều tín hữu trên khắp thế giới đã cảm thấy một khát vọng mãnh liệt tiến tới sự hiệp nhất các Kitô hữu. Công Đồng Vatican II, khi mở đầu Sắc Lệnh về Đại Kết, đã xem đó như một quà tặng đặc biệt của Thiên Chúa.89 Đó là ơn huệ hữu hiệu thúc đẩy chúng ta, những con cái nam nữ của Giáo hội Công Giáo và các anh chị em của các Giáo hội và Cộng đoàn giáo hội khác tiến bước trên con đường đại kết.

Khát vọng đạt đến hiệp nhất khiến chúng ta hướng về Thánh Thể, vốn là bí tích tuyệt hảo của sự hiệp nhất đoàn dân Thiên Chúa, vì nó là biểu hiện hoàn hảo nhất và nguồn mạch vô song của sự hiệp nhất đó. 90 Khi cử hành Hy tế Thánh Thể, Hội Thánh cầu xin Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót ban cho con cái Người tràn đầy Thánh Thần để họ trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô. 91 Khi dâng lời nguyện này lên cùng Chúa Cha nguồn mạch ánh sáng, từ Người tuôn đổ mọi ơn lành và mọi phúc lộc tuyệt hảo (x. Gc 1,17), Hội Thánh tin rằng sẽ được nhậm lời, bởi vì Hội Thánh cầu xin trong sự hiệp nhất với Đức Kitô là Đầu và là Phu Quân của mình, Đấng nhận lời cầu xin của Hiền Thê và kết hiệp lời cầu xin này trong của lễ hy sinh cứu chuộc của Người.

  1. Chính bởi vì sự hiệp nhất của Hội thánh, mà Thánh Thể thể hiện qua Hy tế của Chúa và qua sự thông hiệp với Mình và Máu Người, nhất thiết đòi buộc phải có sự hiệp thông trọn vẹn trong các mối giây là việc tuyên xưng đức tin, các bí tích và việc cai quản giáo hội, nên không thể cùng cử hành một buổi phụng vụ Thánh thể, cho đến khi những mối giây đó được tái lập trọn vẹn. Bất cứ việc cùng cử hành nào như thế không thể là một phương thế hữu hiệu, và có nguy cơ tạo nênmột trở ngại cho sự hiệp thông trọn vẹn, vì nó làm chúng ta bớt ý thức đến sự xa cách với mục tiêu và đem lại hoặc gia tăng sự hàm hồ đối với chân lý này hay chân lý khác của đức tin. Con đường tiến về sự hiệp nhất trọn vẹn chỉ có thể thực hiện trong chân lý. Trong vấn đề này, những luật cấm của Giáo hội không chấp nhận sự lưỡng lự,92 tuân theo quy tắc luân lý do Công đồng Vaticanô II đề ra.93

Dầu vậy, tôi muốn tái khẳng định điều tôi đã nói trong Thông điệp Ut Unum Sint sau khi thừa nhận không thể thông dự vào Thánh Thể: “Chúng ta vẫn tha thiết mong muốn cử hành chung với nhau Bí tích Thánh Thể duy nhất của Chúa, và ước muốn này tự nó đã là một lời ca ngợi chung, một lời khẩn cầu duy nhất. Cùng nhau chúng ta hướng lòng về Chúa Cha và tha thiết làm điều đó với ‘một lòng một ý’”.94

  1. Nếu không bao giờ được phép cùng cử hành Thánh lễ khi chưa có sự hiệp thông trọn vẹn, không phải cũng như vậy trong vấn đề liên quan đến việc trao ban Thánh Thể, trongnhững trường hợp đặc biệt,cho những người thuộc về các Giáo hội hay các cộng đoàn không hiệp thông trọn vẹn với Hội thánh. Thật vậy, trong trường hợp này, ý hướng là đáp ứng một nhu cầu thiêng liêng hệ trọng vì phần rỗi đời đời của một tín hữu, chứ không phải là thực hiện một sự rước lễ chung, vốn chưa thể thực hiện bao lâu những mối giây hiệp thông hữu hình với Hội thánh chưa được tái lập trọn vẹn.

Đó là đường lối mà Công đồng Vaticanô II đã chọn khi đưa ra những hướng dẫn nhằm ứng xử đối với các kitô hữu thuộc Giáo hội Đông phương, với đức tin đúng đắn, đang tách rời khỏi Giáo hội Công giáo, nay tự ý xin thừa tác viên công giáo cho rước lễ và có đầy đủ điều kiện thích đáng. 95 Lối hành xử này sau đó được cả hai bộ Giáo luật phê chuẩn, trong đó cũng xem xét, với những thay đổi cần thiết, trường hợp những kitô hữu khác ngoài Giáo hội Đông phương, không hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội công giáo. 96

  1. Trong Thông điệpUt Unum Sint, tôi cũng đã diễn tả sự dề cao của tôi đối với các quy tắc đó, vì chúng có thể mang lại cho các linh hồn ơn cứu rỗi, khi có sự biện phân thích đáng: “Quả là một lý do để vui mừng khi các thừa tác viên công giáo, trong những trường hợp nhất định, có thể ban bí tích Thánh thể, Hoà giải và Xức dầu bênh nhân cho những kitô hữu chưa hiệp thông trọn vẹn với Hội thánh Công giáo, nhưng hết sức ao ước lãnh nhận các bí tích đó, tự ý xin và bày tỏ lòng tin đối với các bí tích đó như Hội thánh tuyên xưng. Ngược lại, trong những trường hợp nhất định và trong tình huống đặc thù, tín hữu công giáo cũng có thể xin lãnh nhận các bí tích đó từ những thừa tác viên của những Giáo hội, trong đó các bí tích đó thành sự”.97

Những điều kiện này phải được cẩn thận tôn trọng, không được miễn trừ, ngay cả trong những trường hợp cá biệt, bởi vì chối bỏ một hoặc nhiều chân lý đức tin đối với các bí tích, và trong số đó, chân lý về sự cần thiết của linh mục thừa tác để bí tích thành sự, làm cho việc trao ban bí tích trở thành bất hợp pháp vì thỉnh nhân không có những tư cách thích đáng. Và điều ngược lại cũng đúng: những tín hữu công giáo không thể rước lễ trong những cộng đoàn không có bí tích Truyền chức thánh thành sự. 98

Việc trung thành tuân giữ toàn thể các quy tắc trong lãnh vực này 99 là một biểu lộ và, đồng thời là một minh chứng cho tình yêu của chúng ta tình yêu đối với Đức Giêsu Kitô trong Bí tích cực thánh và đối với anh chị em thuộc các Giáo hội kitô giáo – vì họ có quyền chờ đợi nơi chúng ta chứng tá về sự thật – và đối với chính sự nghiệp cổ võ sự hiệp nhất.

CHƯƠNG V

PHẨM GIÁ CỦA VIỆC CỬ HÀNH THÁNH THỂ

  1. Khi đọc bài trình thuật về việc thiết lập Bí tích Thánh Thể trong các Sách Tin mừng nhất lãm, chúng ta cảm kích trước sự đơn sơ và “long trọng” của việc Đức Giêsu thiết lập Bí tích cao trọng này trong buổi chiều bữa Tiệc ly. Có một đoạn Tin mừng, theo một nghĩa nào đó, được dùng như khúc dạo đầu:Xức dầu tại Bêtania. Một phụ nữ, mà Gioan xác định là Maria, chị của Ladarô, đổ một bìnhdầu thơm quý giá trên đầu Đức Giêsu, việc này khiến cho các môn đệ – và nhất là Giuđa (x. Mt 2,8; Mc 14,4; Ga 12,4) – phản đối, như thể hành động này là một sự “phung phí” không thể chấp nhận khi xét tới nhu cầu của người nghèo. Nhưng phản ứng của Đức Giêsu thì lại khác. Cho dù không hề chuẩn chước nhiệm vụ bác ái đối với người nghèo túng, mà các môn đệ phải luôn luôn đặc biệt quan tâm – “người nghèo thì anh em sẽ luôn có với anh em” (Mt 26, 11; Mc 14,7; x. Ga 12,8) – Đức Giêsu hướng về cái chết và việc mai táng sắp đến của Người, và xem hành động xức dầu này như một việc thể hiện trước trước vinh dự mà thân xác của Người sẽ tiếp tục được hưởng ngay cả sau khi chết, vì nó liên kết chặt chẽ với mầu nhiệm ngôi vị của Người.

Trong các sách Tin mừng nhất lãm, trình thuật tiếp tục với việc Đức Giêsu giao cho các môn đệ chuẩn bị cẩn thận “một căn phòng rộng rãi trên lầu” để ăn lễ Vượt qua (x. Mc 14,15; Lc 22,12) và việc thiết lập Bí tích Thánh Thể. Trong khi mô tả ít là một phần khung cảnh nghi thức ăn lễ Vượt qua cho đến phần hát thánh vịnh Hallel (x. Mt 26,30; Mc 14,26), trình thuật trình bày cách đơn sơ và trang trọng, ngay cả trong những dị bản của những truyền thống khác nhau, những lời Đức Giêsu phán truyền trên bánh và rượu, qua đó Người biến thành những diễn tả cụ thể việc trao ban Mình Người và tuôn đổ Máu Người. Tất cả những chi tiết này được các tác giả sách Tin mừng biên soạn dưới ánh sáng của thực hành “lễ bẻ bánh” đã được thiết lập vững bền trong Hội thánh tiên khởi. Nhưng chắc chắn kể từ Đức Giêsu trở về sau, biến cố Thứ Năm thánh đã mang rõ rệt những nét của một “nhạy cảm” có tính phụng vụ được khuôn đúc trên truyền thống Cựu ước và sẵn sàng được khuôn đúc lại trong các cử hành kitô giáo, cho phù hợp với nội dung mới mẻ của Biến cố Phục sinh.

  1. Giống như người phụ nữ xức dầu cho Đức Giêsu tại Bêtania,Hội Thánh không ngần ngại “phung phí”,khi dành những tài nguyên tốt nhất để bày tỏ lòng tôn kính và thờ phượng của mình đối với quà tặng vô giá là Thánh Thể. Cũng như các môn đệ tiên khởi được Chúa giao phó việc chuẩn bị “căn phòng rộng rãi trên lầu”, Hội thánh cảm thấy có nhu cầu, trong suốt các thời đại và qua việc tiếp xúc với các nền văn hoá khác nhau, phải cử hành Thánh Thể trong một khung cảnh xứng đáng với mầu nhiệm quá cao trọng này. Phụng vụ kitô giáo được khai sinh dựa trên lời nói và hành động của chính Đức Giêsu và được xây dựng trên di sản của nghi lễ do thái giáo. Làm thế nào để diễn tả cách thích hợp việc đón nhận quà tặng mà vị Hôn phu thần linh không ngừng trao ban cho Hiền thê của mình tức là Hội thánh, bằng cách đem đến cho những thế hệ tín hữu kế tiếp Hy tế đã được dâng hiến trên Thánh giá một lần duy nhất thay cho tất cả, và vì thế, trở nên của ăn nuôi sống mọi tín hữu? Cho dẫu ý niệm “bữa tiệc” tự nhiên gợi lên sự thân tình, nhưng Hội thánh không bao giờ chiều theo cơn cám dỗ muốn tầm thường hoá sự “thân tình” này với Vị Hôn phu, khi quên rằng Người cũng là Chúa của mình, và “bữa tiệc” đó luôn luôn vẫn là một bữa tiệc hy tế được đóng ấn bởi máu đã đổ ra trên đồi Gôngôta. Bữa tiệc Thánh Thể quả là một bữa tiệc “thánh”, trong đó sự đơn sơ của các dấu chỉ che giấu sự thánh thiện khôn dò của Thiên Chúa: O sacrum convivium, in quo Christus sumitur! (Ôi bàn tiệc thánh, nơi Đức Kitô được đón nhận). Tấm bánh được bẻ ra trên bàn thánh của chúng ta, được trao ban cho chúng ta như của ăn đường trong cuộc lữ hành trên trần gian, là bánh các thiên thần, mà người ta không thể tới gần nếu không có sự khiêm hạ của viên đại đội trưởng trong Tin mừng: “Lạy Chúa, tôi chẳng đáng rước Chúa vào nhà tôi” (Mt 8,8; Lc 7,6).
  2. Với ý nghĩa cao cả này của mầu nhiệm, chúng ta hiểu rằng đức tin của Hội Thánh đối với mầu nhiệm Thánh Thể phải được diễn tả trong lịch sử, không chỉ bằng thái độ đạo đức nội tâm, nhưng cònbằng những hình thức bên ngoàinhằm gợi lên và nêu bật sự cao cả của biến cố đang cử hành. Từ đó nảy sinh tiến trình dẫn đến việc quy định một quy chế riêng cho phụng vụ Thánh Thể, trong khi vẫn tôn trọng những truyền thống khác nhau đã được thiết lập hợp pháp trong Hội Thánh. Dựa trên nền tảng này, một gia sản mỹ thuật phong phú cũng phát triển. Kiến trúc, điêu khắc, hội họa và âm nhạc, được mầu nhiệm kitô giáo hướng dẫn, đã tìm thấy trong Thánh Thể, cách trực tiếp hay gián tiếp, một nguồn mạch cảm hứng lớn lao.

Đó là trường hợp, chẳng hạn, của kiến trúc, một khi hoàn cảnh lịch sử cho phép, những việc cử hành thánh thể đầu tiên đã di chuyển từ domus (nhà) của các gia đình kitô hữu đến các vương cung thánh đường uy nghi trong những thế kỷ đầu, rồi đến các đại thánh đường đồ sộ thời Trung cổ và cuối cùng, đến các nhà thờ lớn nhỏ lần hồi xuất hiện trên khắp những vùng đất mà Kitô giáo đặt chân đến. Những mẫu thiết kế các bàn thờ và nhà tạm bên trong Nhà thờ thường không đơn thuần chỉ do cảm hứng nghê thuật thúc đẩy, nhưng còn do sự am hiểu về mầu nhiệm. Điều đó cũng có thể nói về Thánh nhạc, nếu chúng ta nghĩ tới những giai điệu Gregorien đầy cảm hứng và nhiều nhà soạn nhạc, thường khá nổi tiếng, đã phổ nhạc cho các bản văn phụng vụ của Thánh lễ. Cũng vậy, làm sao chúng ta có thể bỏ qua vô số tác phẩm nghệ thuật trong lãnh vực trang trí và phẩm phục được dùng trong cử hành phụng vụ, từ thủ công mỹ nghệ tinh xảo đến các công trình nghệ thuật đích thực.

Ta có thể nói rằng Thánh Thể, trong khi đào tạo Hội Thánh và đời sống thiêng liêng, cũng đã ảnh hưởng mạnh mẽ trên “văn hoá”, và mỹ thuật cách riêng.

  1. Trong nỗ lực tôn thờ Mầu nhiệm, dưới khía cạnh nghi lễ và mỹ thuật, có một sự “tranh đua” nào đó giữa các kitô hữu Tây phương và Đông phương. Làm sao chúng ta lại không cảm tạ Chúa, đặc biệt vì những đóng góp của các công trình kiến trúc và nghệ thuật vĩ đại của truyền thống Hi Lạp – Byzantin và của những miền đất chịu ảnh hưởng văn hoá Slavô cho nghệ thuật kitô giáo? Tại Đông phương, nghệ thuật thánh đã bảo tồn một cảm thức rất nhạy bén đối với mầu nhiệm, khiến các nghệ sĩ nhận thấy rằng những nỗ lực của họ nhằm tạo nên cái đẹp, không chỉ đơn thuần là một cách phô diễn các tài năng, nhưng cũng còn là một sự phục vụ đích thực cho đức tin. Vượt lên trên kỹ năng chuyên môn thuần túy, họ đã tỏ ra ngoan ngùy và cởi mở đón nhận sự linh hứng của Thánh Thần.

Những công trình kiến trúc và chạm trổ lộng lẫy của các kitô hữu Đông và Tây Phương là một gia sản thuộc về mọi tín hữu; chúng mang trong mình một niềm hy vọng, và thậm chí là một bảo chứng, của ước muốn hiệp thông trọn vẹn trong đức tin và trong cử hành. Điều này giả định và đòi hỏi, như trong bức danh hoạ về Thiên Chúa Ba ngôi của Rublev, Hội Thánh phải có “tính chất thánh thể” sâu xa, nơi đó sự tham dự vào mầu nhiệm Đức Kitô trong tấm bánh được bẻ ra như thể được đắm chìm vào sự hiệp nhất vô song của Ba ngôi Thiên Chúa, biến Hội thánh thành hình tượng của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Trong bối cảnh của một loại nghệ thuật có mục tiêu là diễn tả, qua các yếu tố của nó, ý nghĩa của Thánh Thể trong sự phù hợp với giáo huấn của Hội thánh, cần lưu ý đến những quy tắc liên quan đến việc xây dựng và trang trí các công trình thánh. Như lịch sử cho thấy và như tôi đã nhấn mạnh trong Thư gởi các Nghệ sĩ, 100 Hội Thánh đã luôn dành cho các nghệ sĩ môt không gian khoáng đạt để sáng tác. Tuy nhiên, nghệ thuật thánh phải nêu bật khả năng phô diễn cách thích đáng mầu nhiệm chứa đựng trong đức tin trọn vẹn của Hội thánh và theo những chỉ dẫn mục vụ do quyền bính có thẩm quyền đề ra cách thích hợp. Điều này có giá trị cho cả nghệ thuật tạo hình lẫn thánh nhạc.

  1. Sự phát triển của nghệ thuật thánh và kỷ luật phụng vụ, vốn đã xảy ra tại những miền đất có một gia sản kitô giáo cổ kính, cũng xảy ra tạinhững lục địa có những cộng đoàn kitô hữu non trẻ hơn. Đó chính là đường hướng đã được Công đồng Vatican II cổ võ liên quan đến nhu cầu “hội nhập văn hoá” cách lành mạnh và thích hợp. Trong nhiều chuyến công du mục vụ, tôi đã nhận thấy, trên khắp thế giới, một sức sống mãnh liệt mà các buổi cử hành Thánh Thể có thể biểu lộ qua những hình thức, phong cách và cảm thức của các nền văn hoá khác nhau. Khi thích nghi với những hoàn cảnh thay đổi về thời gian và nơi chốn, Thánh Thể cung cấp lương thực không những cho những cá nhân, nhưng còn cho các dân tộc, và khuôn đúc các nền văn hoá theo tinh thần kitô giáo.

Tuy nhiên, công việc thích nghi quan trọng này cần phải được tiến hành với một ý thức liên lỉ về Mầu nhiệm khôn tả mà mọi thế hệ được mời gọi đo lường chính mình. “Kho báu” thật quá lớn lao và quý giá đến nỗi ta có nguy cơ làm cho nó trở nên nghèo nàn hay bị tổn hại qua những hình thức thử nghiệm hay thực hành mà không có sự xem xét cẩn thận của những quyền bính có thẩm quyền trong Hội thánh. Hơn nữa, tính chất trung tâm của Mầu nhiệm Thánh Thể đòi buộc sự thẩm tra này phải được thực hiện trong sự liên kết chặt chẽ với Toà thánh. Như tôi đã viết trong Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Giám mục Châu Á Giáo hội tại Á Châu“một sự hợp tác như thế là thiết yếu, bởi vì Phụng vụ thánh diễn tả và cử hành một đức tin duy nhất mà mọi người tuyên xưng và vì là gia sản của toàn thể Hội Thánh, nên không thể được các Giáo hội địa phương định đoạt cách riêng rẽ khỏi Giáo hội hoàn vũ”.101

  1. Tất cả những điều đó cho thấy trách nhiệm nặng nề, thuộc về các Linh mục cách riêng, trong việc cử hành Thánh lễ. Đó là trách nhiệm chủ toạ Thánh lễtrong tư cách của Đức Kitô, trách nhiệm làm chứng và phục vụ cho sự hiệp thông không chỉ của cộng đoàn đang tham dự trực tiếp buổi cử hành, nhưng còn của Hội thánh hoàn vũ, vốn là một thành phần của mọi cử hành Thánh Thể. Phải lấy làm tiếc, nhất là từ những năm sau cuộc cải tổ phụng vụ hậu Công đồng, vì nhận thức lệch lạc về tính sáng tạo và thích nghi, mà đã có một sốlạm dụng gây nên đau khổ cho nhiều người. Một phản ứng nào đó chống lại “chủ nghĩa duy hình thức” đã đưa đẩy một số người, nhất là trong một vài vùng nào đó, xem những “nghi thức” đã được truyền thống phụng vụ cao quý của Hội thánh và Huấn quyền chọn lựa, như là những điều không bó buộc và đưa vào đó những sự đổi mới không được phép và thường hoàn toàn không thích đáng.

Vì thế tôi cảm thấy có bổn phận khẩn thiết kêu gọi mọi người rằng các quy luật phụng vụ trong việc cử hành Thánh lễ phải được tuân giữ một cách hết sức trung thành. Những quy luật này là một sự diễn tả cụ thể bản chất giáo hội đích thật của Thánh Thể; đó chính là ý nghĩa thâm sâu nhất của các quy luật đó. Phụng vụ không bao giờ là tài sản riêng của bất cứ ai, không phải của Linh mục chủ lễ, cũng không phải của cộng đoàn trong đó cử hành các Mầu nhiệm. Thánh Phaolô tông đồ đã thốt lên những lời cứng rắn với cộng đoàn Côrintô, vì có những thiếu sót trầm trọng trong việc cử hành Thánh lễ, đưa đến những sự chia rẽ (schismata ) và làm nảy sinh các bè phái (haireseis ) (x. 1 Cr 11,17-34). Cả trong thời đại chúng ta nữa, việc tuân thủ các quy luật phụng vụ cần được tái khám phá và đề cao để phản ánh và làm chứng cho Hội thánh phổ quát duy nhất hiện diện trong mọi cử hành Thánh lễ. Các Linh mục cử hành Thánh lễ một cách trung thành theo các quy luật phụng vụ và các cộng đoàn tuân theo những quy tắc đó, biểu lộ tuy âm thầm, nhưng cách hùng hồn, tình yêu đối với Hội Thánh. Chính vì để làm sáng tỏ hơn ý nghĩa sâu xa của các quy luật phụng vụ, tôi đã xin các cơ quan thẩm quyền của Toà thánh Rôma chuẩn bị một tài liệu chi tiết hơn về đề tài rất quan trọng này, trong đó bao gồm cả những quy định về pháp lý. Không ai được phép hạ giá mầu nhiệm được giao phó trong tay chúng ta: mầu nhiệm đó quá cao trọng đến nỗi không ai được cảm thấy tự do hành động cách tùy tiện và xem nhẹ tính thiêng thánh và chiều kích phổ quát của nó.

CHƯƠNG VI

TẠI TRƯỜNG HỌC CỦA ĐỨC MARIA, “NGƯỜI PHỤ NỮ CỦA THÁNH THỂ”

  1. Nếu chúng ta muốn tái khám phá mối tương quan sâu xa giữa Hội Thánh và Thánh Thể trong tất cả sự phong phú của nó, chúng ta không thể quên Đức Maria, người Mẹ và mẫu gương của Hội Thánh. Trong Tông thưRosarium Virginis Mariaetôi đã nhấn mạnh Đức Thánh Trinh nữ Maria là Thầy dạy chúng ta trong việc chiêm ngưỡng dung nhan Đức Kitô, và tôi đã ghi biến cố thiết lập Thánh Thể vào trong số các mầu nhiệm ánh sáng.102 Đức Maria có thể dẫn chúng ta hướng về bí tích rất thánh này, bởi vì chính ngài có một liên hệ sâu xa với bí tích ấy.

Thoạt nhìn, Tin mừng không nói gì đến đề tài này. Thuật trình về việc thiết lập Thánh Thể trong đêm Thứ Năm Thánh không đề cập đến Đức Maria. Tuy nhiên chúng ta biết rằng ngài hiện diện với các Tông đồ đang “đồng tâm nhất trí” cầu nguyện (x. Cv 1,14) trong cộng đoàn đầu tiên tụ họp nhau lại sau biến cố lên trời để chờ đợi biến cố hiện xuống. Chắc chắn Đức Maria đã hiện diện trong các buổi cử hành Thánh Thể của thế hệ Kitô hữu tiên khởi đang siêng năng tham dự “lễ bẻ bánh” (Cv 2,42).

Nhưng ngoài việc tham dự bàn tiệc Thánh Thể, ta có thể gián tiếp đoán được mối liên hệ giữa Đức Maria với Thánh Thể khởi đi từ thái độ nội tâm của ngài. Suốt cả cuộc đời, Đức Maria là một “phụ nữ của Thánh Thể ”. Hội Thánh, khi nhìn đến Đức Maria như một gương mẫu, cũng được mời gọi noi gương ngài trong mối tương quan với mầu nhiệm rất thánh này.

  1. Mysterium fidei!Nếu Thánh Thể là một mầu nhiệm đức tin vượt quá sự hiểu biết đến độ chúng ta phải phó thác hoàn toàn vào lời của Thiên Chúa, thì không ai bằng Đức Maria có thể nâng đỡ và hướng dẫn chúng ta đạt được thái độ đó. Khi chúng ta làm lại cử chỉ của Đức Kitô trong bữa Tiệc ly, vâng theo lệnh truyền của Người: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy!”, chúng ta cũng đón nhận lời mời gọi của Đức Maria khuyên nhủ chúng ta đừng ngần ngại vâng phục Người: “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo” (Ga 2,5). Với cùng một sự ân cần mẫu tử mà ngài đã tỏ ra trong tiệc cưới Cana, Đức Maria dường như nói với chúng ta: “Đừng ngần ngại; hãy tín thác vào lời của Con Mẹ. Nếu Người đã biến đổi nước thành rượu, Người cũng có thể biến bánh rượu thành Mình và Máu Người, và qua mầu nhiệm này Người ban cho các kẻ tin kỷ niệm sống động về cuộc vượt qua của Người, để trở thành ‘bánh sự sống’”.
  2. Theo một nghĩa nào đó, Đức Maria đã sốngđức tin về phép Thánh Thểngay cả trước khi thiết lập Bí tích Thánh Thể, chính bởi sự kiện ngài đã dâng hiến cung lòng trinh bạch để Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Khi tưởng nhớ cuộc khổ nạn và sống lại, Thánh Thể cũng đặt mình trong sự tiếp nối với biến cố nhập thể. Khi được truyền tin, Đức Maria đã cưu mang Con của Thiên Chúa trong thực tại thể lý là Mình và Máu Người, vì thế thể hiện trước trong chính bản thân ngài điều xảy ra cách bí tích ở một mức độ nào đó nơi mọi tín hữu rước Mình Máu Chúa dưới hình bánh rượu.

Như thế, có một tương đồng sâu xa giữa tiếng Fiat của Đức Maria đáp lại lời thiên thần, và tiếng Amen mà mọi tín hữu thưa khi lãnh nhận Mình Thánh Chúa. Đức Maria được mời gọi tin Đấng mà ngài cưu mang “bởi phép Chúa Thánh Thần” là “Con của Thiên Chúa” (Lc 1,30-35). Tiếp nối với đức tin của Đức Trinh nữ, chúng ta được mời gọi tin rằng, trong Mầu nhiệm Thánh Thể, chính Đức Giêsu Kitô, Con của Thiên Chúa và Con của Đức Maria, trở nên hiện diện trong nhân tính và thiên tính trọn vẹn của Người dưới hình bánh rượu.

“Em thật có phúc vì đã tin” (Lc 1,45). Đức Maria cũng đã sống trước đức tin về Bí tích Thánh Thể của Hội Thánh qua mầu nhiệm nhập thể. Khi ngài mang trong cung lòng Ngôi Lời mặc lấy xác phàm vào dịp Thăm viếng, ngài đã trở nên một cách nào đó một “nhà tạm” – “nhà tạm” thứ nhất trong lịch sử – trong đó Con Thiên Chúa, tuy vẫn còn vô hình trước cái nhìn nhân loại của chúng ta, đã để cho Êlisabét thờ lạy mình, khi chiếu toả ánh sáng của Người qua đôi mắt và giọng nói của Đức Maria. Và cái nhìn mê mẩn của Đức Maria khi ngài chiêm ngưỡng dung nhan Đức Kitô vừa mới hạ sinh và và ôm ấp Người trong vòng tay chẳng là mẫu gương tuyệt vời về tình yêu, gợi hứng cho chúng ta mỗi khi rước lễ sao?

  1. Suốt thời gian sống bên cạnh Đức Kitô chứ không chỉ nguyên ở đồi Canvê, Đức Maria đã xem như của mìnhchiều kích hy tế của Thánh Thể. Khi đem hài nhi Giêsu lên Đền thánh ở Giêrusalem “để dâng cho Chúa” (Lc2,22), ngài đã nghe cụ già Simêon loan báo rằng con trẻ sẽ là một “dấu chỉ chống đối” và một lưỡi gươm cũng sẽ đâm thấu tâm hồn mình (x. Lc 2,34-35). Như thế bi kịch về Con của ngài bị đóng đinh đã được tiên báo, và theo một nghĩa nào đó “Stabat Mater” của đức Trinh nữ dưới chân Thánh giá đã được biểu hiện trước. Khi ngày qua ngày chuẩn bị cho biến cố đồi Canvê, Đức Maria đã kinh nghiệm một thứ “nếm cảm trước Bí tích Thánh Thể” – ta có thể nói một “sự rước lễ thiêng liêng” – bao bồm ước muốn và sự hiến dâng, điều đó sẽ đạt đến cao độ khi ngài kết hiệp với Chúa Con trong cuộc khổ nạn, và sau đó được diễn tả, sau ngày Phục sinh, bằng việc tham dự Thánh Thể mà các Tông đồ cử hành để tưởng nhớ cuộc khổ nạn ấy.

Đức Maria đã cảm nghiệm như thế nào khi nghe từ miệng của Phêrô, Gioan, Giacôbê và các Tông đồ khác những lời đã được thốt lên tại bữa Tiệc ly: “Này là Mình Thầy, hiến tế vì anh em” (Lc 22:19)? Thân mình được trao ban cho chúng ta và nên hiện diện dưới các dấu chỉ bí tích cũng là thân mình mà ngài đã cưu mang trong lòng dạ! Đối với Đức Maria, tiếp rước Mình Thánh phải như thể là đón nhận lại một lần nữa vào trong lòng dạ mình trái tim đã đập cùng nhịp với mình và sống lại điều mà ngài đã kinh nghiệm dưới chân Thánh giá.

  1. “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Lc22,19). Trong “việc tưởng niệm” đồi Canvê tất cả những gì Đức Kitô đã thực hiện qua cuộc khổ nạn và cái chết của Người đều hiện diện. Do đótất cả những gì Đức Kitô đã thực hiện liên quan đến Mẹ của Người, Người cũng thực hiện vì phần rỗi chúng ta. Người đã trao cho Mẹ người môn đệ yêu dấu và, trong người môn đệ ấy, trao phó mỗi người chúng ta: “Này là con bà!” Với mỗi người chúng ta Người cũng nói: “Này là mẹ con!” (x. Ga 19,26-27).

Tưởng niệm cái chết của Đức Kitô trong Thánh Thể cũng có nghĩa là liên tục đón nhận quà tặng này. Điều đó có nghĩa là đón nhận – noi gương thánh Gioan – Đấng đã được trao ban cho chúng ta một lần nữa như là Mẹ chúng ta. Điều đó cũng có nghĩa là dấn thân để trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, bằng cách theo học ở trường học của Mẹ Người và để ngài đồng hành với chúng ta. Đức Maria hiện diện, cùng với Hội Thánh và như Mẹ của Hội Thánh, mỗi khi chúng ta cử hành Thánh Thể. Nếu Hội Thánh và Thánh Thể được nối kết mật thiết với nhau, cũng có thể nói như thế về Đức Maria và Thánh Thể. Đó là một lý do tại sao, từ thời xa xưa, việc tưởng nhớ Đức Maria đã luôn là thành phần của việc cử hành Thánh Thể trong Giáo hội Tây phương và Đông phương.

  1. Trong Thánh Thể, Hội Thánh được kết hiệp trọn vẹn với Đức Kitô và hy tế của Người, và sống lại tâm tình của Đức Maria. Đây là một chân lý mà ta có thể đào sâu khiđọc lại kinh Magnificattheo một viễn tượng liên quan đến Thánh Thể. Thánh Thể, giống bài thánh ca của Đức Maria, trước tiên và trên hết là lời ca ngợi và tạ ơn. Khi Đức Maria thốt lên: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa và thần trí tôi hớn hở trong Thiên Chúa Đấng cứu dộ tôi”, Mẹ đã mang Đức Giêsu trong cung lòng Mẹ. Mẹ ca ngợi Chúa Cha “qua” Đức Giêsu, nhưng Mẹ cũng ca ngợi Người “trong” Đức Giêsu và “với” Đức Giêsu. Đó cũng chính là “tâm tình tạ ơn” đích thực.

Đồng thời Đức Maria nhắc lại những kỳ công được Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử cứu độ, như đã hứa cùng cha ông (x. Lc 1:55), và loan báo kỳ công trổi vượt hơn cả, mầu nhiệm nhập thể cứu chuộc. Cuối cùng, kinh Magnificat phản ánh chiều hướng cánh chung của Thánh Thể. Mỗi khi Con Thiên Chúa lại đến với chúng ta trong sự “nghèo khó” của những dấu chỉ bí tích là bánh và rượu, mầm mống của lịch sử mới trong đó người quyền thế “bị hạ bệ khỏi ngai vàng” và “người hèn hạ được nâng cao” (x. Lc 1:52), được gieo vãi trong trần gian. Đức Maria hát khen “trời mới” và “đất mới”, trời đất mới ấy tìm được trong Thánh Thể sự thể hiện trước và theo một nghĩa nào đó chương trình và kế hoạch của nó. Kinh Magnificat diễn tả đời sống thiêng liêng của Đức Maria, và không gì quý báu hơn đời sống thiêng liêng ấy để giúp ta cảm nghiệm mầu nhiệm Thánh Thể. Thánh Thể đã được trao ban cho chúng ta để đời sống chúng ta hoàn toàn trở nên một bài Magnificat, giống như cuộc đời của Đức Maria !< br>

KẾT LUẬN

  1. Ave, verum corpus natum de Maria Virgine!(Kính lạy thân mình đích thực, sinh từ lòng Đức Trinh nữ Maria ). Cách đây vài năm, tôi đã mừng kỷ niệm kim khánh linh mục. Hôm nay tôi được diễm phúc gởi đến Hội thánh thông điệp về Thánh Thể vào ngày thứ Năm tuần thánh, đúng vào năm thứ 25 sứ vụ giáo hoàng của tôi. Khi ban hành thông điệp này, tâm hồn tôi tràn ngập lòng biết ơn. Hơn nửa thế kỷ qua, suốt mọi ngày, kể từ khi tôi cử hành thánh lễ đầu tiên tại mộ phần thánh Lêônácđô trong Vương cung Thánh đường Wavel ở thành phố Krakov, đôi mắt tôi chăm chú nhìn tấm bánh và chén rượu, thời gian và không gian như “quyện vào nhau”, thảm kịch Gôngôta tái hiện cách sinh động, tỏ lộ tính “đương đại” (contemporaneity) nhiệm mầu của nó. Mỗi ngày, đức tin của tôi đã nhận ra trong Bánh thánh và Rượu thánh, người Lữ khách thần linh đã từng đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau và đã làm cho mắt họ nhìn thấy ánh sáng và tâm hồn họ chan chứa niềm hy vọng mới (x. Lc 24,13-35).

Anh chị em rất thân mến, cho phép tôi chia sẻ chứng tá đức tin của cá nhân tôi đối với bí tích Thánh Thể cực thánh, trong một sự tuôn trào niềm vui nội tâm, như là một cách thức để thông hiệp với đức tin của anh chị em và củng cố đức tin anh chị em. Ave verum corpus natum de Maria Virgine, vere passum, immolatum, in cruce pro homine! (Kính chào thân mình đích thực, sinh từ lòng dạ Đức Trinh nữ, đã thực sự chịu đau khổ, bị sát tế và treo trên Thánh giá vì loài người!) Đây là kho báu của Hội thánh, là con tim của thế giới, là bảo chứng của sự thành toàn mà mọi người nam nữ khao khát, dù không ý thức. Quả là một mầu nhiệm cao trọng và siêu việt, một mầu nhiệm đòi buộc trí năng chúng ta phải vượt qua những vẻ bên ngoài. Ở đây, các giác quan của chúng ta trở nên vô dụng: visus, tactus, gustus in te fallitur, như trong thánh thi Adoro Te Devote; song chỉ có đức tin mà thôi, một đức tin cắm rễ trong Lời của Đức Kitô do các Tông đồ truyền lại cho chúng ta, là đủ cho chúng ta. Cho phép tôi, như thánh Phêrô trong diễn từ Thánh Thể trong Tin mừng Gioan, nhân danh toàn thể Hội thánh và mỗi một anh chị em mà thưa lên với Đức Kitô một lần nữa: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (Ga 6,68).

  1. Vào buổi hừng đông của thiên niên kỷ thứ ba này, là con cái Hội Thánh, chúng ta được mời gọi đảm nhận với một nhiệt tình mới mẻ, cuộc hành trình của đời sống kitô hữu. Như tôi đã viết trong Tông thưNovo Millennio Ineunte, “Vấn đề không phải là sáng chế một ‘chương trình mới’. Chương trình đã có sẵn: đó là kế hoạch rút ra từ Tin mừng và truyền thống sống động; kế hoạch đó luôn mãi là một. Tựu trung, tâm điểm là chính Đức Kitô, Đấng mà chúng ta hiểu biết, yêu mến và bắt chước, để trong Người chúng ta có thể sống sự sống của Thiên Chúa Ba ngôi, và với Người, chúng ta biến đổi lịch sử, cho tới khi được hoàn thành tại Giêrusalem trên trời”.103 Kế hoạch nhằm tạo nên một đà tiến mới cho cuộc sống kitô hữu đi ngang qua Thánh Thể.

Mọi cam kết nên thánh, mọi hoạt động nhằm thực hiện sứ vụ của Hội thánh, mọi công tác trong kế hoạch mục vụ, phải múc lấy sức mạnh cần thiết từ mầu nhiệm Thánh Thể và quy hướng về mầu nhiệm đó như là tột đỉnh của mình. Trong Thánh Thể, chúng ta có Đức Giêsu, chúng ta có hy tế cứu độ của Người, chúng ta có sự sống lại của Người, chúng ta có ân ban của Chúa Thánh Thần, chúng ta có sự tôn thờ, vâng phục và tình yêu đối với Chúa Cha. Nếu xem thường Thánh Thể, làm sao chúng ta có thể khắc phục sự bất toàn của chúng ta?

  1. Mầu nhiệm Thánh Thể – hy tế, hiện diện, bàn tiệc –không được phép cắt xén hay lợi dụng; nhưng phải được cảm nhận và được sống trong sự toàn vẹn của nó, cả trong việc cử hành lẫn trong những lời đàm thoại thân mật với Đức Giêsu sau khi rước lễ hoặc những giờ phút thờ phượng Thánh Thể ngoài Thánh lễ. Đó là lúc Hội Thánh được xây dựng cách vững bền và cho thấy rõ ràng Hội thánh là gì: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền; là dân Chúa, là đền thờ và gia đình của Thiên Chúa; là nhiệm thể và hiền thê của Đức Kitô, được sống động nhờ Chúa Thánh Thần; là bí tích phổ quát của ơn cứu độ và là một sự hiệp thông có cơ cấu và phẩm trật.

Con đường Hội thánh đi qua trong những năm đầu tiên của thiên niên kỷ thứ ba cũng là một con đường dấn thân mới mẻ về đại kết. Những thập niên cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai, đã thúc dục chúng ta tiến bước trên con đường này và kêu gọi tất cả những người đã chịu phép Thánh tẩy đáp lại lời cầu nguyện của Đức Giêsu “ut unum sint” (Xin cho họ nên một) (Ga 17,11). Con đường này thì dài và có nhiều chướng ngại vượt quá khả năng phàm hèn của chúng ta, nhưng chúng ta có Thánh Thể, và trước sự hiện diện của Thánh Thể, chúng ta có thể nghe trong thâm cung cõi lòng, như thể đang nói với chúng ta, chính những lời ngôn sứ Êlia đã nghe: “Hãy chỗi dậy mà ăn, vì đường còn dài” (1 V 19,7). Kho tàng Thánh Thể mà Chúa đặt để trước mặt chúng ta, thúc bách chúng ta hướng về mục tiêu là hiệp thông trọn vẹn với tất cả anh chị em, được liên kết với chúng ta nhờ Bí tích Thánh tẩy chung. Dẫu sao, để kho tàng này đừng bị hoang phí, chúng ta cần tôn trọng những đòi hỏi phát xuất từ sự thật này: đây là bí tích của sự hiệp thông trong đức tin và trong sự kế tục các tông đồ.

Khi chúng đặt Thánh Thể vào vị trí nổi bật như đáng được, và hết sức quan tâm không để giảm thiểu bất cứ chiều kích hay đòi hỏi nào của bí tích đó, chúng ta chứng tỏ là mình thật sự nhận thức sự cao quý của quà tặng này. Chúng ta bị thúc đẩy phải thực hiện như thế vì truyền thống liên tục, mà từ những thế kỷ đầu tiên, cộng đoàn kitô hữu đã luôn thận trọng bảo vệ “kho tàng” này. Do tình yêu thúc đẩy, Hội thánh lo lắng truyền lại cho các kitô hữu trong các thế hệ mai sau, mà không để mất một yếu tố nào, đức tin và giáo huấn của mình về mầu nhiệm Thánh Thể. Chẳng sợ dư thừa trong việc quan tâm đến mầu nhiệm này, vì “trong bí tích này thâu tóm tất cả mầu nhiệm cứu độ của chúng ta”.104

  1. Anh chị em thân mến, chúng ta vào học trongtrường học của các thánh, những người thể hiện cách tuyệt vời lòng sùng kính đích thật đối với Thánh Thể. Nhờ các ngài, thần học về Thánh Thể mang tất tất cả vẻ huy hoàng của một thực tại sống động; nó thấm nhiễm chúng ta và, có thể nói, “sưởi ấm tâm hồn chúng ta”. Trên hết, chúng tahãy lắng nghe Đức Maria rất thánh, trong Mẹ, hơn bất cứ ai khác, mầu nhiệm Thánh Thể toả rạng như một mầu nhiệm ánh sáng. Nhìn lên Đức Maria, chúng ta biết được sức mạnh biến đổi của Thánh Thể. Trong Mẹ, chúng ta nhìn thấy thế giới được đổi mới trong tình yêu. Khi chiêm ngưỡng Mẹ, Đấng đã lên trời cả hồn lẫn xác, chúng ta thấy mở ra trước mắt “trời mới” và “đất mới” sẽ xuất hiện trong ngày Đức Kitô đến lần thứ hai. Dưới thế này, Thánh Thể là một bảo chứng và một cách nào đó, là hưởng trước trời mới, đất mới “Veni, Domine Iesu!” (Kh 22,20).

Trong dấu chỉ khiêm hạ của bánh và rượu, được biến đổi thành Mình và Máu, Đức Kitô đồng hành với chúng ta như một nguồn sức mạnh và của ăn đàng, và Người biến chúng ta thành những chứng nhân của niềm hy vọng cho anh chị em chúng ta. Đối diện với mầu nhiệm này, nếu trí khôn cảm thấy những giới hạn, thì trái lại, con tim, được ân sủng Chúa Thánh Thần soi sáng, biết phải có thái độ nào, đó là đắm chìm trong sự tôn thờ và tình yêu vô biên.

Chúng ta hãy xem là của mình những tâm tình sau đây của Thánh Tôma Aquinô, một nhà thần học lỗi lạc và một thi sĩ say mê Đức Kitô ngự trong Thánh Thể, và chúng ta mở rộng tâm hồn để chiêm ngưỡng mục tiêu mà lòng trí chúng ta khát khao, ước mong đó là niềm vui và bình an của chúng ta.

Bone pastor, panis vere,

Iesu, nostri miserere. ..< br> Lạy Chúa Giêsu,

là Mục tử nhân lành, là bánh thần linh,

xin tỏ lòng thương xót chúng con;

xin nuôi dưỡng, che chở chúng con;

xin cho chúng con thấy vinh quang của Ngài

chiếu toả trong đất những kẻ hằng sống.

Lạy Chúa là Đấng thấu suốt và làm được mọi sự,

là lương thực cho chúng con ở đời này, là nơi an nghỉ cho chúng con trong tương lai,

xin cho chúng con được đồng bàn và đồng thừa hưởng với các thánh muôn đời.

Ban hành tại Đền thờ thánh Phêrô, Rôma, ngày thứ Năm Tuần thánh, 17 tháng 4 năm 2003, năm thứ 25 triều đại Giáo hoàng của tôi, Năm Mân côi.

Gioan Phaolô II


CHÚ THÍCH

1 Công đồng Chung Vaticanô II, Hiến chế Hội Thánh Lumen Gentium, 11.

2 Công đồng Chung Vaticanô II, Sắc lệnh về Sứ vụ và đời sống các Linh mục Presbyterorum Ordinis, 5.

3 X. Gioan Phaolô II, Tông thư Rosarium Virginis Mariae (16/10/2002), 21: AAS 95 (2003), 19.

4 Đó là đầu đề tôi đặt cho một chứng từ tự thuật nhân kỷ niệm 15 năm chịu chức linh mục.

Lêô XIII P.M. Acta, XXII (1903), 115-136.

6 AAS 39 (1947), 521-595.

7 AAS 57 (1965), 753-774.

8 AAS 72 (1980), 113-148.

9 X. Công đồng Chung Vaticanô II, Hiến chế Sacrosanctum Concilium, 47: “… Đấng Cứu độ chúng ta đã thiết lập Hy tế Tạ ơn bằng mình và máu Người, để nhờ đó hy tế Thánh giá kéo dài qua các thời đại, cho tới khi Người lại đến”.

10 Giáo lý Hội Thánh Công giáo, 1085.

11 Công đồng Chung Vaticanô II, Hiến chế về Hội Thánh Lumen Gentium, 3.

12 X. Phaolô VI, Tuyên xưng Đức tin long trọng, 30/6/1968, 24: AAS 60 (1968), 442; Gioan Phaolô II, Tông thư Dominicae Cenae (24/2/1980), 12: AAS 72 (1980), 142.

13 Giáo lý Hội Thánh Công giáo, 1382.

14 Giáo lý Hội Thánh Công giáo, 1367.

15 In Epistolam ad Hebraeos HomiliaeHom. 17,3: PG 63, 131.

16 X. Công đồng chung Trentô, Khoá XXII, Doctrina de ss. Missae Sacrificio, Chương 2: DS 1743: “Đây chỉ là một tế vật duy nhất và cùng một tế vật do Người dâng tiến nhờ sứ vụ của các Linh mục, mà Người đã dâng hiến chính mình trên Thánh giá; chỉ có cách dâng tiến là khác”.

17 Piô XII, Thông điệp Mediator Dei (20/11/ 1947): AAS 39 (1947), 548.

18 Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis (15/3/1979), 20: AAS 71 (1979), 310.

19 Hiến chế về Hội Thánh Lumen Gentium, 11.

20 De Sacramentis, V, 4, 26: CSEL 73, 70.

21 In Ioannis Evangelium, XII, 20: PG 74, 726.

22 Thông điệp Mysterium Fidei (3/9/ 1965): AAS 57 (1965), 764.

23 Khoá XIII, Decretum de ss. Eucharistia, Chương 4: DS 1642.

24 Mystagogical Catecheses, IV, 6: SCh 126, 138.

25 Công đồng Chung Vaticanô II, Hiến chế Mạc khải Dei Verbum, 8.

26 Tuyên xưng Đức tin long trọng, 30/6/1968, 25: AAS 60 (1968), 442-443.

27 Sermo IV trong Hebdomadam Sanctam : CSCO 413/Syr. 182, 55.

28 Anaphora.

29 Kinh nguyện Thánh Thể III.

30 Lễ trọng Mình và Máu Đức Kitô, Kinh Chiều 2, Điệp ca Magnificat.

31 Missale Romanum, Lời kinh sau Kinh Lạy Cha.

32 Ad Ephesios, 20: PG 5, 661.

33 X. Công đồng Chung Vaticanô II, Mục vụ Hiến chế về Hội Thánh trong Thế giới ngày nay Gaudium et Spes, 39.

34 “Anh muốn tôn vinh Thân mình Đức Kitô phải không? Đừng phớt lờ Người khi Người trần truồng. Đừng chỉ tôn kính Ngài trong đền thờ được trang hoàng bằng nhung lụa, mà quên mất Người đang lạnh lẽo và ăn mặc tồi tàn ở bên ngoài. Đấng đã nói: ‘Này là mình Thầy’ cũng chính là Đấng đã nói: ‘Anh em thấy Ta đói và đã cho Ta ăn’, và ‘điều gì anh em đã làm cho một người anh em nhỏ bé nhất của Ta đây là làm cho chính Ta’… Tốt đẹp gì khi bàn tiệc Thánh Thể đầy dẫy những chén vàng đang khi người anh em của anh đang chết đói. Hãy khởi sự làm thoả mãn cơn đói của người ấy và sau đó với cái gì còn lại hãy trang hoàng bàn thờ” Thánh Gioan Chrysostom, In Evangelium S. Matthaei, hom. 50:3-4: PG 58, 508-509; x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis (30/12/1987), 31: AAS 80 (1988), 553-556.

35 Hiến chế Lumen Gentium, 3.

36 Ibid. < br>37 Công đồng Chung Vaticanô II, Sắc lệnh về Hoạt động truyền giáo của Hội Thánh Ad Gentes, 5.

38 “Bấy giờ, ông Mô-sê lấy máu rảy lên dân và nói: ‘Đây là máu giao ước Đức Chúa đã lập với anh em, dựa trên những lời này’” (Xh 24,8).

39 X. Công đồng Chung Vaticanô II, Hiến chế về Hội Thánh Lumen Gentium, 1.

40 X. ibid. , 9.

41 X. Công đồng Chung Vaticanô II, Sắc lệnh về Đời sống và Sứ vụ các Linh mục Presbyterorum Ordinis, 5. Cùng một Sắc lệnh, trong số 6, nói: “Không một Cộng đoàn Kitô hữu nào được thiết lập mà không đặt nền tảng và trọng tâm vào việc cử hành Phép Thánh Thể chí thánh”.

42 In Epistolam I ad Corinthios Homiliae, 24, 2: PG 61, 200; X. Didache, IX, 4: F.X. Funk, I, 22; Saint Cyprian, Ep. LXIII, 13: PL 4, 384.

43 PO 26, 206.

44 Công đồng Chung Vaticanô II, Hiến chế về Hội Thánh Lumen Gentium, 1.

45 X. Công đồng chung Trentô, Khoá XIII, Decretum de ss. Eucharistia, Điều 4: DS 1654.

46 X. Rituale Romanum: De sacra communione et de cultu mysterii eucharistici extra Missam, 36 (số 80).

47 X. ibid. , 38-39 (số 86-90).

48 Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte (6/1/2001), 32: AAS 93 (2001), 288.

49 “Trong ngày các tín hữu đừng quên viếng Thánh Thể, mà theo luật phụng vụ phải được đặt hết sức cung kính tại một nơi xứng hợp trong nhà thờ. Việc viếng Thánh Thể này là một dấu chỉ của lòng biết ơn, một diễn tả của tình yêu và một sự nhìn nhận sự hiện diện của Chúa”: Phaolô VI, Thông điệp Mysterium Fidei (3/9/1965): AAS 57 (1965), 771.

50 Visite al SS. Sacramento e a Maria Santissima, Dẫn nhập: Opere Ascetiche, Avellino, 2000, 295.

51 Số 857.

52 Ibid. < br>53 Ibid. < br>54 X. Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Thư Sacerdotium Ministeriale (6/8/1983), III.2: AAS 75 (1983), 1005.

55 Công đồng Chung Vaticanô II, Hiến chế về Hội Thánh Lumen Gentium, 10.

56 Ibid. < br>57 X. Institutio Generalis : Editio typica tertia, số 147.

58 X. Hiến chế về Hội Thánh Lumen Gentium, 10 và 28; Sắc lệnh về Sứ vụ và đời sống các Linh mục Presbyterorum Ordinis, 2.

59 “Thừa tác viên của bàn thờ hành động trong tư cách Đức Kitô là Đầu, khi dâng lễ vật nhân danh mọi người tham dự”: Piô XII, Thông điệp Mediator Dei (20/11/1947): AAS 39 (1947), 556; x. Piô X, Tông huấn Haerent Animo (4/8/1908): Acta Pii X, IV, 16; Piô XI, Thông điệp Ad Catholici Sacerdotii (20/12/1935): AAS 28 (1936), 20.

60 Tông thư Dominicae Cenae (24/2/ 1980), 8: AAS 72 (1980), 128-129.

61 Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Thư Sacerdotium Ministeriale (6/8/1983), III.4: AAS 75 (1983), 1006; x. Công đồng chung Latêranô IV, Chương 1, Hiến chế về Đức tin Công giáo Firmiter Credimus : DS 802.

62 Công đồng Chung Vaticanô II, Sắc lệnh về Đại kết Unitatis Redintegratio, 22.

63 Tông thư Dominicae Cenae (24/2/ 1980), 2: AAS 72 (1980), 115.

64 Sắc lệnh về Đời sống và Sứ vụ các Linh mục Presbyterorum Ordinis, 14.

65 Ibid. , 13; x. GiáoLuật, Điều 904; Giáo luật của Giáo hội Đông Phương, Điều 378.

66 Sắc lệnh về Sứ vụ và đời sống các Linh mục Presbyterorum Ordinis, 6.

67 X. Tường trình kết thúc, II.C.1: L’Osservatore Romano, 10/12/1985, 7.

68 Công đồng Chung Vaticanô II, Hiến chế về Hội Thánh Lumen Gentium, 26.

69 Nicolas Cabasilas, Sự sống trong Đức Kitô, IV, 10: SCh 355, 270.

70 Camino de Perfecciĩn, Chương 35.

71 X. Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Thư gởi các Giám mục của Hội Thánh Công giáo về một vài Khía cạnh của Hội Thánh được hiểu như sự Hiệp thông Communionis Notio (28/5/ 1992), 4: AAS 85 (1993), 839-840.

72 X. Công đồng Chung Vaticanô II, Hiến chế về Hội Thánh Lumen Gentium, 14.

73 Homiliae in Isaiam, 6, 3: PG 56, 139.

74 Số 1385; x. Giáo Luật, Điều 916; Giáo luật của Giáo hội Đông Phương, Điều 711.

75 Diễn văn gởi đến các Thành viên của Toà Ân giải của các Vương cung Thánh Đường Rôma (30/1/1981): AAS 73 (1981), 203. X. Công đồng chung Trentô, Khoá XIII, Decretum de ss. Eucharistia, Chương 7 và Điều 11: DS 1647, 1661.

76 Điều 915; Giáo luật của Giáo hội Đông Phương, Điều 712.

77 Hiến chế về Hội Thánh Lumen Gentium, 14.

78 Thánh Tôma Aquina, Summa Theologiae, III, q. 73, I. 3c.

79 Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Thư gửi các Giám mục của Hội Thánh Công giáo về vài Khía cạnh Hội Thánh được hiểu như sự Hiệp thông Communionis Notio (28/5/ 1992), 11: AAS 85 (1993), 844.

80 X. Công đồng Chung Vaticanô II, Hiến chế về Hội Thánh Lumen Gentium, 23.

81 Ad Smyrnaeos, 8: PG 5, 713.

82 Công đồng Chung Vaticanô II, Hiến chế về Hội Thánh Lumen Gentium, 23.

83 Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Thư gửi các Giám mục của Hội Thánh Công giáo về vài Khía cạnh Hội Thánh được hiểu như sự Hiệp thông Communionis Notio (28/5/ 1992), 14: AAS 85 (1993), 847.

84 Sermo 272: PL 38, 1247.

85 Ibid. , 1248.

86 X. Số 31-51: AAS 90 (1998), 731-746.

87 X. Ibid. , Số 48-49: AAS 90 (1998), 744.

88 Số 36: AAS 93 (2001), 291-292.

89 X. Sắc lệnh về Đại kết Unitatis Redintegratio, 1.

90 X. Hiến chế về Hội Thánh Lumen Gentium, 11.

91 “Liên kết tất cả chúng ta, đang chia sẻ cùng một bánh và một chén rượu, lại với nhau trong sự hiệp thông của cùng một Chúa Thánh Thần”: Anaphora của Phụng vụ thánh Basiliô.

92 X. Giáo Luật, Điều 908; Giáo luật của Giáo hội Đông Phương, Điều 702; Ủy ban Toà thánh cổ võ sự Hiệp nhất Kitô hữu, Kim chỉ nam về Đại kết, 25/3/1993, 122-125, 129-131: AAS 85 (1993), 1086-1089; Thánh Bộ Giáo lý Đức tin, Thư Ad Exsequendam, 18/5/2001: AAS 93 (2001), 786.

93 “Luật Chúa cấm thông dự vào việc thờ phụng có phương hại đến vấn đề hiệp nhất của Hội Thánh, hoặc đưa đến sai lầm hoặc nguy cơ lạc hướng về đức tin, sinh ra gương mù gương xấu, hoặc tạo nên thái dộ lãnh đạm”: Sắc lệnh về Giáo hội Công giáo Đông Phương Orientalium Ecclesiarum, 26.

94 Số 45: AAS 87 (1995), 948.

95 Sắc lệnh về Giáo hội Công giáo Đông Phương Orientalium Ecclesiarum, 27.

96 X. Giáo Luật, Điều 844 §§ 3-4; Giáo luật của Giáo hội Đông Phương, Điều 671 §§ 3-4.

97 Số 46: AAS 87 (1995), 948.

98 X. Công đồng Chung Vaticanô II, Sắc lệnh về Đại kết Unitatis Redintegratio, 22.

99 Giáo Luật, Điều 844; Giáo luật của Giáo hội Đông Phương, Điều 671.

100 X. AAS 91 (1999), 1155-1172.

101 Số 22: AAS 92 (2000), 485.

102 X. Số 21: AAS 95 (2003), 20.

103 Số 29: AAS 93 (2001), 285.

104 Thánh Tôma Aquina, Summa Theologiae, III, q. 83, I. 4c.

Nguyễn Phước, Nguyễn Ngọc Kính và Đặng Minh An