Phụng vụ Thánh Thể bao gồm bốn hành động: [Đức Kitô] cầm lấy [1] bánh và rượu; tạ ơn [2]; bẻ ra [3]; và trao cho [4] các môn đệ. Phần Chuẩn bị Lễ vật là hành động đầu tiên và tương ứng với động tác “cầm lấy”. Trong phần này, chúng ta chuẩn bị bàn thờ với những lễ vật được mang lên bàn thờ. Trước đây, bánh và rượu đã từng được các tín hữu mang từ nhà của họ tới chỗ cử hành. Hiện nay, nghi thức mang theo những lễ vật vẫn tiếp tục với cùng giá trị và ý nghĩa thiêng liêng như vậy. Đó là những lễ vật được dâng dành cho Giáo Hội và người nghèo. Đi kèm theo việc rước kiệu lễ vật, có thể hát bài Ca tiến lễ.[1]
Chuẩn bị Lễ vật thay cho “Dâng lễ”
Các tài liệu của Giáo Hội hiện nay như Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma [2002] và sách Giáo lý Công giáo gọi phần chuẩn bị các yếu tố vật chất để dâng lễ là Chuẩn bị Lễ vật (praeparatio dononum)[2] hay Trình bày Lễ vật (praesentatio dononum)[3] thay cho hạn từ “dâng lễ” (offertorium) trước đây vì muốn dành từ ngữ “dâng lễ” cho việc hiến dâng Mình và Máu Đức Giêsu diễn ra trong phần Kinh nguyện Thánh Thể.[4] Bởi vậy, nên tránh nói tiếng “dâng lễ” cho phần Chuẩn bị Lễ vật.[5]
Dâng thì đúng, vì có nghĩa là đem lên, nhưng ở đây mới chỉ đem lên mà thôi chứ không có gì khác nữa. Còn “dâng lễ” lại có nghĩa khác, nói một cách chuyên môn hơn, chính là hiến tế. Nội hàm của hiến tế là sát tế. Đối tượng của sát tế phải là một sinh vật. Nhưng lúc này, trong phần Chuẩn bị Lễ vật, chưa diễn ra hiến tế, vì không thể sát tế bánh và rượu. Chúng ta chỉ hiến tế lễ vật là chính Đức Kitô, Chiên Thiên Chúa bị sát tế chứ không phải bánh rượuchưa truyền phép là vật để tế lễ.[6] Bởi thế, việc “dâng lễ” thực sự chỉ diễn ra trong Kinh nguyện Thánh Thể, tức là sau phần Tường thuật Thiết lập và Tung hô Tưởng niệm.[7] Quy chế Tổng quát Sách lễ Roma hiện nay gọi phần Dâng lễ hay Tiểu Lễ quy trước đây là Chuẩn bị Lễ vật với việc chuẩn bị bàn thờ và lễ phẩm nhằm phân biệt với phần Lễ quy chính, hay Dâng lễ chính thức, tức là Kinh nguyện Thánh Thể. Chỉ sau khi bánh và rượu đã trở thành Mình và Máu Chúa Kitô, lúc ấy chúng ta mới chính thức tiến dâng lên Chúa Cha Của Lễ là chính Chúa Kitô.[8] Hiểu như vậy, chúng ta đừng bao giờ sử dụng bài “Con chỉ là tạo vật” để hát Ca tiến lễ vì bài ca này có câu “Con xin dâng lên chính là Chiên Thiên Chúa”, trong khi thời điểm Chuẩn bị Lễ vật mới chỉ có bánh và rượu mà thôi.
Dâng gì cho Chúa?
Bánh và rượu là sản phẩm của trái đất và do đó tượng trưng cho thế giới và đời sống của chúng ta. Bánh và rượu cũng tượng trưng cho lao công của con người, “dâng lên” Chúa bánh – rượu để bánh – rượu sẽ trở nên lương thực thiêng liêng nuôi sống chúng ta. Của lễ chúng ta “dâng lên” Chúa trong phần Chuẩn bị Lễ vật không giới hạn theo nghĩa là chỉ có bánh và rượu, chúng ta còn phải “vượt qua những sự vật hữu hình mà say mến những sự vô hình”.
Theo Đức Bênêđictô XVI:
Chúng ta dâng lên bàn thờ mọi thọ tạo đều được Đức Kitô, Đấng Cứu Độ đón nhận để được biến đổi và dâng lên Thiên Chúa Cha. Trong cách nhìn này chúng ta cũng đưa lên bàn thờ tất cả những đau khổ và khốn cùng của thế giới, trong niềm xác tín rằng tất cả đều đáng quí trọng trước mặt Thiên Chúa.[9]
Như đã nói, dâng thì đúng, vì có nghĩa là đem lên, nhưng ở đây mới chỉ đem lên hay đưa qua thôi chứ không có gì khác nữa. Khi dùng từ “dâng lễ” là có ý muốn chỉ trước(anticiper) những của lễ sẽ được truyền phép và dâng lên Chúa Cha trong hồi hiến tế sau này.[10] Rõ ràng, Giáo Hội đã thay đổi động từ fiat (là) thành fiet (sẽ) trong hai lời chúc tụng trên bánh và rượu: “để bánh sẽ (fiet) trở nên Bánh trường sinh cho chúng con” và “để rượu này sẽ (fiet) trở nên của uống thiêng liêng cho chúng con”[11] hầu tránh cho người ta khỏi quan niệm sai lầm các yếu tố của việc Chuẩn bị Lễ vật đã được thánh hiến (truyền phép) rồi.
Chủ đề của Bài Ca tiến lễ
Thực chất, bài ca trong phần Chuẩn bị Lễ vật không phải luôn luôn cần thiết hay đáng ước mong và khi sử dụng cũng không cần chúng phải đề cập đến bánh và rượu hay việc dâng tiến.[12] Thật vậy, hát là để nâng cao tầm quan trọng của nghi thức nhưng Chuẩn bị lễ vật không phải là nghi thức quan trọng trong Thánh Lễ. Chính vì vậy, Sách lễ đã dọn sẵn phần đọc đối đáp giữa chủ tế và cộng đoàn để sử dụng trong những dịp bình thường. Còn nếu muốn hát, chẳng hạn trong những dịp lễ kính hay lễ trọng, nhất là khi có rước kiệu lễ vật,thì bắt đầu trong khi chuẩn bị bàn thờ[13] và tiếp tục cho đến khi lễ phẩm đã được đặt trên bàn thờ, tức là cho đến Lời nguyện Tiến lễ.[14] Lúc đó, theo hướng dẫn của Giáo Hội, chúng ta “có thể dùng điệp ca cùng với Thánh vịnh, ghi trong sách Graduale Romanum hay trong sách Graduale simplex; hoặc dùng bài hát nào khác phù hợp với cử hành phụng vụ, với tính chất của ngày lễ, hay mùa phụng vụ. Bản văn bài hát này phải được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận.”[15] Việc cải cách phụng vụ của Công đồng Vatican II nhấn mạnh vào sự tham dự của dân chúng và muốn đơn giản hóa nghi thức Chuẩn bị Lễ vật, cho nên đã rút các bản văn dùng để hát Ca tiến lễ ra khỏi Sách lễ mặc dầu vẫn có thể tìm thấy chúng trong Gradulae Romanum – tức bộ sưu tầm các bài ca cho Thánh Lễ, hoặc trong một phiên bản đơn giản hơn là cuốn Graduale simplex. Sách lễ hiện nay chỉ còn chứa đựng duy nhất một bản văn để hát Ca tiến lễ vào ngày thứ Năm Tuần Thánh (lễ Tiệc Ly).[16] Đó là bài “Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời…” Rất tiếc là tại Việt Nam, rất hiếm có cộng đoàn nào chịu chọn bài này làm bài Ca tiến lễ trong Thánh Lễ Tiệc Ly.
Nói chung, chúng ta không bao giờ tìm thấy những từ như bánh – rượu hay việc dâng tiếnbánh rượu nằm trong bài Ca tiến lễ của sách Graduale Romanum hay sách Graduale simplex. Chẳng hạn, trong Thánh Lễ Tiệc Ly thứ Năm thánh, Giáo Hội đề nghị chúng ta hát bài: “Ubi cáritas et amor, Deus ibi est…” (“Đâu có tình yêu thương, ở đấy có Đức Chúa Trời…”). Bài ca này không hề có từ ngữ bánh rượu hay dâng tiến bánh rượu. Vì vậy, bản Hướng dẫn về “Âm nhạc trong Phụng tự Công giáo” (phần “Chuẩn bị Lễ phẩm”) của Hoa Kỳ (1982) xác định: “Bản văn có thể để ngợi ca dùng theo mùa hoặc lấy từ Ca tiến cấp của Sách lễ Rôma (Gradulae Romanum) có các câu Thánh vịnh. Không cần nói về bánh rượu hay việc dâng của lễ (số 71). Còn tại Việt Nam, theo thông cáo số 3/94 của Ủy ban Thánh nhạc: “…Tập quán thay Ca dâng lễ bằng những bài hát có ý nghĩa dâng bánh rượu, dâng hồn xác lên Chúa vẫn có thể được duy trì, vì đang khi ca đoàn, cộng đoàn hát như thế, chủ tế vẫn đọc trọn vẹn bản văn theo quy định.”[17]
Những gì vừa trình bày ở trên cho thấy, Ca dâng lễ trong sách Graduale Romanum hay sách Graduale simplex phải được chọn lựa ưu tiên hơn. Lấy vài ví dụ, trong sách Graduale Romanum, Ca tiến lễ của Lễ Mẹ Thiên Chúa là: “Ôi Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ thật diễm phúc và xứng muôn lời ca tụng, vì từ nơi Mẹ đã phát sinh ra mặt trời công chính là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.” Ca tiến lễ của lễ Vọng Giáng sinh được trích từ Tv 24, 7: “Hỡi cửa đền, hãy cất cao lên, cao lên nữa, hỡi cửa đền cổ kính, để Đức Vua vinh hiển ngự vào.” Ca tiến lễ của ngày lễ Thăng Thiên được trích từ Tv 47, 6: “Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo, Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và”… Nếu không thể hát được những bài này, chúng ta mới thay bằng những bài có ý nghĩa “dâng bánh rượu, dâng hồn xác lên Chúa.” Điều này có nghĩa là trong nghi thức Chuẩn bị Lễ vật, chúng ta nên hát những bài có nội dung hay chủ đề theo bài Phúc Âm, về ngày lễ, mùa lễ, về niềm vui, về cộng đoàn hay đơn giản là Thánh ca chúc tụng Thiên Chúa chứ không nhất nhất phải có bánh rượu hay dâng tiến.
Tham dự vào phần Chuẩn bị Lễ vật
Thứ nhất, chúng ta có thể hát bài Ca tiến lễ trong những dịp lễ Chúa nhật, lễ kính hay lễ trọng, nhất là khi có cuộc rước lễ phẩm rõ rệt, vì chức năng thích hợp của bài hát này là đi kèm và “cử hành những khía cạnh cộng đồng của cuộc rước.” Trong trường hợp đó, một bài thánh ca nhẹ nhàng sẽ do lĩnh xướng viên hay chỉ riêng ca đoàn hát nhằm hỗ trợ cho việc suy niệm, đưa người tham dự vào hành động phụng vụ đang diễn ra hơn là lôi kéo sự chú tâm của người ta vào bài hát. Các thành viên của cộng đồng cần có đôi tay rảnh rang để chuẩn bị tiền dâng cúng hay những lễ phẩm khác cho người nghèo, nhất là tại những giáo xứ mà giỏ tiền được truyền từ tay này qua tay kia. Nếu cả cộng đoàn hát, nên chọn lựa kiểu hát Taize trong đó ca đoàn chỉ giữ vai trò dẫn đầu, không loại trừ hay lấn át cộng đoàn với nội dung của bài Ca tiến lễ dựa trên chính bản văn Tin Mừng của ngày lễ hôm ấy (Điều này là thực tế khi chúng ta chưa có bản dịch cuốn Graduale Romanum hay Graduale simplex ra tiếng Việt).[19] Chẳng hạn, câu một và hai được hát bởi riêng ca đoàn. Sau đó, cả cộng đoàn hát câu ba và bốn. Đến câu bốn và câu cuối, lĩnh xướng viên ra hiệu cho cả cộng đoàn đứng lên. Hành động này sẽ đánh động dân chúng nhận ra bài Ca tiến lễ không chỉ đơn giản là một hoạt động chèn vào nghi thức đang khi thu tiền lạc quyên và Chuẩn bị Lễ vật trên bàn thờ, mà còn là phần không thể tách rời khỏi việc chuẩn bị tâm hồn họ khi sắp bước vào Kinh nguyện Thánh Thể. Lúc này, chính mọi người cũng là của lễ đang được chuẩn bị.[20]
Thứ hai, nếu không hát Ca tiến lễ, nhất là trong những dịp không có cuộc rước dâng của lễ thì hoặc là chủ tế và cộng đòan sẽ đối đáp theo bản văn của Sách lễ,[21] hoặc là dạo đàn phong cầm mà không hát hay thinh lặng hoàn toàn. Lý do là vì Chuẩn bị Lễ vật diễn ra sau nhiều lời từ ba Bài đọc Kinh Thánh (và Thánh vịnh), bài giảng, kinh Tin kính và Lời nguyện Tín hữu, cho nên phần phụng vụ này (Chuẩn bị Lễ vật) có thể là một thời khắc thích hợp cho việc thinh lặng nhằm chuẩn bị cho việc tham dự vào Kinh nguyện Thánh Thể.
Chuẩn bị Lễ vật là sự khai mào cho việc thánh hóa và thánh hiến lễ phẩm sẽ diễn ra trong phần Kinh nguyện Thánh Thể và bản chất thứ yếu (ít quan trọng) này phải được suy nghĩ đến khi có bất cứ sự chọn lựa nào về âm nhạc. Do đó, không nên hát Ca tiến lễ trong mọi Thánh Lễ như tại Việt Nam đang thực hành mà chỉ sử dụng trong Thánh Lễ Chúa nhật hay những Thánh Lễ thuộc bậc lễ kính trở lên. Mặt khác, sẽ thiếu khôn ngoan nếu ca đoàn chọn hát Ca tiến lễ thật nhiều bè hay phức tạp trong khi chẳng mảy may để ý đến việc hát những phần quan trọng hơn Ca tiến lễ rất nhiều như: Tung hô Tin Mừng, Tung hô Tưởng niệm, Thánh Thánh Thánh và Amen long trọng sau Vinh tụng ca kết thúc Kinh nguyện Thánh Thể.[22] Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI viết: “Để được sống đúng ý nghĩa của cử chỉ này, không cần nhấn mạnh thêm bằng những hình thức rườm rà không thích hợp.”[23]Còn linh mục Đỗ Xuân Quế góp ý kiến như sau:
Một số nhà thờ còn mang cả vũ điệu vào Thánh Lễ. Tôi có cảm tưởng phần tế lễ (dâng bánh rượu) mà biểu diễn như một tiết mục văn nghệ như thế không có lợi gì ngoài cái lợi “thư giãn đôi chút” mà cái hại trước mắt là làm cho những người tham dư Thánh Lễ chia trí và không phù hợp với cung cách nghiêm trang cần có của phụng vụ. “… nhiều nơi lại làm long trọng phần này quá đáng, nào là rước lễ vật, múa hát, làm văn nghệ. Thật là vui tai vui mắt, nhưng không hợp phụng vụ, bởi lẽ làm cho người tham dự bị phân tán, chú ý quá nhiều vào phần phụ thuộc không cần thiết, lại làm cho Thánh Lễ mất quân bình. Mục đích chính của việc dâng lễ vật là làm cho giáo dân ý thức vai trò tế lễ của họ trước chức linh mục của giáo dân mà thôi.[24]
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
[1] Xc. Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma [2002] (=QCSL) số 73; 74.
[2] Xc. QCSL73; 77; 214.
[3] Xc. QCSL 306; 390; Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo (= GLCG), số 1350.
[4] Xc. QCSL 79f
[5] Notitiae 6 (1970) 37-38, no 25-26.
[6] Xc. A. M. Roguet,Tìm hiểu Thánh lễ, 51-52.
[7] QCSL 79f.
[8] Dominic Nguyễn Phúc Thuần, sss, Thánh Thể – Hy lễ Tạ ơn (Tủ sách Eymard,knxb),62-63.
[9] ĐGH Bênêđictô XVI, Sacramentum Caritatis, 47.
[10] Adoft Adam, Eucharistic Celebration: the Source and Summit of Faith (Minnesota: A Pueblo Book, The Liturgical Press, 1994), 52-53.
[11] Nghi thức Thánh lễ, số 23 và 35.
[12] Introduction to the Order of Mass [2003], số 105; Celebrating the Mass [2005], số 180; Music in Catholic Worship[1982], số 71.
[13] Xc. QCSL 139.
[14] Xc. QCSL 74.
[15] QCSL 48.
[16] Paul Turner, The Supper of the Lamb (Chicago: Liturgy Training Publications, 2011), 48.
[17] http://chuctungvatonvinh.org/bs/index.php?mod=thanhnhac&nhomtin=1325772885.
[18] Xc. QCSL 74; Music in Catholic Worship [1982], số 71; Celebrating The Mass [2005], số 180.
[19] Điều này đòi hỏi các nhạc sĩ sáng tác nhiều hơn bài ca theo những lời trong Phúc Âm; còn ca đoàn và dân chúng nên tập dần thói quen hát ca dâng lễ theo chủ đề ngày lễ và theo Tin Mừng, không nhất thiết cứ hát những bài tiến lễ có chữ dâng bánh rượu.
[20] Xc. Kathleen Harmon, The Ministry of Music (Minesota, Collegeville: Liturgical Press, 2004), 39.
[21] Xc. Nghi thức Thánh lễ, số 23 và 35.
[22] UB Thánh nhạc (HĐGM Việt Nam), Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc, số 103.
[23] ĐGH Bênêđictô XVI. Sacramentum Caritatis, số 47.
[24] Đỗ Xuân Quế, op, “Thánh nhạc trong Phụng vụ”, trích từ http://giaodantanthaison.com/cac-bai-viet/le-sinh-ca-oan-thieu-nhi/thanh-nhac-trong-phung-vu-linh-muc-do-xuan-que.html.