THÁNH THỂ VÀ SỰ PHỤC SINH

Khi các Tông đồ và những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu nhìn lại những tuần lễ khác thường sau biến cố phục sinh, một trong những kỉ niệm nổi bật là niềm vui khi các ngài được ngồi chung bàn với Chúa một lần nữa. thánh Phêrô nhớ lại: “chúng tôi, những kẻ đã được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại” (Cv 10,41). Bàn tiệc chung là một điểm nhấn trong nhiệm vụ của Đấng Phục Sinh về việc định dạng nên cộng đoàn một lần nữa và nắn đúng các ngài vào trong một thân thể hiệp nhất để tiếp tục sứ vụ của Chúa nơi trần thế.

Giống như bất kì thầy dạy Do Thái cùng với các môn đệ của ông đều dâng lên Chúa lời cầu nguyện trước và sau bữa ăn. Cầu nguyện trước bữa ăn là một nghi lễ với bánh; cầu nguyện sau bữa ăn là một nghi lễ với rượu. Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã cử hành cà hai nghi lễ này trong một hình thức mới của bí tích Thánh Thể. Dường như không ai nghĩ rằng sau biến cố Phục sinh, cùng ăn với các ông cũng tại “Phòng Trên Lầu”, Người không còn tiếp tục cử hành những nghi lễ này trong cách thức mới của mình và giới thiệu một chân lý kì diệu là qua cái chết và sự phục sinh mà những nghi lễ này hướng đến, đó là niềm vui của vương quốc Thiên Chúa đã xuất hiện trong thế gian.

Thực ra, cử hành biến cố Phục Sinh dường như là khái niệm đầu tiên mà các môn đệ có về việc cử hành Thánh Thể. Nhận ra Chúa Phục Sinh qua việc bẻ bánh là kinh nghiệm của tất cả mọi người trong bữa Tiệc Ly, chứ không riêng gì của hai môn đệ trong phòng trò tại Emmau. Hiểu biết về cái chết của Chúa và vị trí của biến cố này trong Thánh Thể là một điều gì đó xảy đến với các ngài một cách tiệm tiến. Nhưng trước đó, các ngài đã có niềm vui kinh ngạc khi tán dương rằng: Chúa đã sống lại, chiến thắng sự chết và hiện diện với họ.

Phụng vụ thiên đàng

Sau những tuần lễ hiện ra, Chúa Phục Sinh thăng thiên và mầu nhiệm ca ngợi Người bước vào một giai đoạn mới. bây giờ phụng vụ thiên đàng được mô tả cho chúng ta thấy ở trong lá thư gửi tín hữu Hípri. Tại ngai tòa Thiên Chúa, vị Thượng Tế cao trọng, cùng với toàn thể thiên sứ trên trời, đang làm trung gian thay cho chúng ta, dâng lên của lễ bằng Mình và Máu Người để trở nên hoàn thiện. Trong việc cử hành Thánh Thể, Giáo Hội nhận ra rằng phụng vụ thiên đàng này là thực tại tối cao đằng sau lời ca ngợi và thờ phượng ở dưới trần thế (Hr 12,22-24).

Trong Giáo Hội Phương Tây, chúng ta không quen với ý nghĩ về phụng vụ thiên đàng, nhưng chúng ta sẽ không bao giờ hiểu được cách thức mà những lời nguyện của Giáo Hội đề cập đến Thánh Thể cho đến khi chúng ta trở nên quen thuộc với chức tư tế thiên đàng của Đức Kitô. Ở điểm này, Giáo Hội Đông Phương thì nhất quán hơn. Phụng vụ thiên đàng này là một chân lý thể hiện nghi lễ và ý nghĩa phong phú của mầu nhiệm biểu thị đặc trưng Thánh Lễ Đông Phương. Nhưng thậm chí ở Giáo Hội Phương Tây, ý nghĩ này không phải không có, nhưng nó là một sự mở rộng tự nhiên vào trong phụng vụ về chân lý của biến cố phục sinh và vinh danh của Đức Kitô. Nó được diễn đạt trong mỗi Thánh Lễ, đặc biệt trong Kinh Tiền Tụng, khi chúng ta tung hô: Thánh, Thánh, Thánh, trong sự hiệp thông cùng với các thiên thần và các thánh trên trời.

Bàn tiệc thiên quốc

Ý nghĩa chính yếu của sự phục sinh trong Thánh Thể nằm ở cách thức cho chúng ta ý niệm thoáng qua của cùng đích, đó là ý định của Đức Kitô từ trong tâm khi Người thiết lập bí tích Thánh Thể cho đến lúc chết. Đức Ki tô có một “thị kiến” mà dụ ngôn trong Mt 25,31-46 cho chúng ta thấy một kế hoạch chi tiết. Người mong đợi một cộng đoàn mới của toàn thể dân được thiết lập trên mối quan hệ tổng thể giữa dân và Thiên Chúa. Đây là nguyên nhân mà Chúa chấp nhận đi đến cái chết.

Quả thực, cộng đoàn này như là men trong bột mà Chúa Giê su ví Nước Trời trên trần gian (Mt 13,33). Kế hoạch của Người sẽ hoàn thành chỉ vào ngày tận thế khi mà Người cùng ngồi chung cùng với tổ phụ Abraham, Isaac và Giacóp và tất cả những bạn hữu của Thiên Chúa trong bàn tiệc Nước Trời (Mt 8,11). Nơi Thánh Thể, Người không chỉ để lại cho chúng ta hình ảnh nghi lễ của bữa tiệc sau cuối, nhưng bằng sự phục sinh của Người, đã đưa nó hướng về tương lai; và từ thời kì đầu của Giáo Hội, nó được xem như là một yếu tố của niềm vui khi chúng ta làm lễ bẻ bánh (Cv 2,46).

Một trong những lời nguyện có sớm nhất của phụng vụ, được lưu giữ bằng tiếng Aram của những buổi họp thời kì sơ khai, đó là “Maranatha” nghĩa là “Lạy Chúa, xin ngự đến” (1Cr 16,22). Đây là một lời cầu nguyện trên hai cấp độ. Một là lời khẩn xin niềm vui của sự trở lại của Chúa trong Nước Trời của ngày tận thế; nhưng nó còn là một lời cầu nguyện cho sự hưởng trước niềm vui đó qua sự hiện diện của Người trong mỗi cử hành Thánh Thể. Tóm lại, chúng ta có thể nói rằng khi Thánh Thể được nhìn nhận dưới ánh sáng của tất cả những điều này thì có ba chủ đề cụ thể được đưa ra: niềm vui, công đoàn, Nước Trời.

Thánh Thể và Niềm Vui

Mỗi cử hành Thánh Thể phải là một dịp của niềm vui. Đức Kitô đã chiến thắng khải hoàn. Đó là thông điệp cao quý vang lên qua tiếng chuông phục sinh, khi mùa Chay kết thúc và mùa Phục Sinh bắt đầu. Điều này cũng đúng với mỗi ngày Chúa Nhật và thực tế là trong mỗi Thánh Lễ. Câu chuyện về Đức Giêsu không kết thúc trên cây thập giá. Nếu kết thúc ở đó, chúng ta sẽ không viết về Người và Thánh Thể sẽ không tồn tại. Quả thực, sau cùng việc chúng ta cử hành Thánh Thể như một bằng chứng về chân lý rằng Đức Giêsu đã sống lại. Đó là lý do tại sao mà mội cử hành Thánh Thể là một bữa tiệc của sự phục sinh của Chúa. Thực vậy, sự phục sinh là lý do tại sao mỗi cử hành Thánh Thể là một buổi ca ngợi. Chúng ta không phải là những người khắt khe về đạo đức. Trong mỗi Thánh Lễ, chúng ta thích hát, các thừa tác viện mặc áo đẹp; chúng ta thích có hoa, nến, hương, âm nhạc, kiệu rước. tất cả là một cử hành ca tụng Chúa đã sống lại. Một vài mùa trong năm hoặc trong một số dịp cụ thể như đám tang, giọng điệu của niềm vui trầm lắng hơn những dịp khác; nhưng thậm chí trong đám tang Kitô giáo, giọng điệu của phục sinh không thể bị mất đi. Nó luôn luôn có ở đó trong một chừng mực nào đó để làm giảm bớt nỗi buồn và thêm sức mạnh cho chúng ta.

Thánh Thể và Công đoàn

Mỗi cử hành Thánh Thể còn là một buổi cử hành của cộng đoàn. Cộng đoàn tín hữu liên kết một cách cụ thể với sự Phục Sinh. Trong cuộc khổ nạn, Đấng Chăn Chiên bị đánh đập và đàn chiên tan tác (Mc 14,27). Nhưng trong biến cố Phục sinh, vị Mục Tử Nhân Lành quy tụ lại đàn chiên bị tan mác, hình thành lại cộng đoàn của Người quanh bàn tiêc ở Phòng Tiệc Ly, và đó là điều mà Người tiếp tục thực hiện trong mỗi Thánh Lễ. Thánh Thể về mặt cơ bản liên quan đến cộng đoàn bởi vì Đức Kitô Phục Sinh tiếp tục thiết lập cộng đoàn của Người quanh bàn tiệc chung. Nếu chúng ta chú ý đến hy lễ của Đức Ki tô khi dâng lời Kinh Nguyện Thánh Thể, chúng ta hãy chú ý đến sự Phục Sinh của Đức Kitô khi chúng ta cùng tham dự nghi thức hiệp lễ.

Thánh Thể và Nước Trời

Sau cùng chúng ta phải nhớ rằng niềm vui và cộng đoàn mà chúng ta nói đến còn cao trọng hơn nhiều. Đôi khi trong thời kì thế tục, người ta đã đảo lộn những phụng vụ đi vào vô nghĩa, hơn là những buổi cử hành sự quy tụ mọi người. Điều đó làm cho Thánh Thể trở nên mất đi ý nghĩa và sự mầu nhiệm và trên hết là làm mất đi giá trị của Thánh Thể mà Chúa Giêsu thiết lập cho chúng ta. Bằng cái chết trên thập giá, Đức Kitô đã trả giá cho sự hư không so với trời mới đất mới (2Pr 3,13). Đây cũng là một tên gọi khác của Nước Trời và vương quốc này, được khai mở nhở sự phục sinh của Đức Kitô, hiện hữu thực sự trong bàn tiệc Thánh Thể. Bằng chứng là chúng ta đếm thấy nhiểu lần vương quốc được lặp lại nhiều lần trong Kinh Lạy Cha trong Thánh Lễ. Điều này phản ánh đức tin của Giáo Hội rằng trong bàn tiệc này chúng ta hưởng trước “tiệc Nước Trời” như những gì Kinh Thánh viết (Mt 8,11). Dưới ánh sáng này, chúng ta có thể nhìn Thánh Thể như một cây cầu nối giữa cộng đoàn đang sống nơi trần gian và cộng đoàn thiên quốc trong ngày tận thế. Maranatha! Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến! Quả thực, Thánh Thể ban cho chúng ta sự khởi đầu của trời mới đất mới, và lương thực mà chúng ta chia sẻ trong cùng một Mình và Máu của Đấng Phục Sinh được vinh hiển.

“Người không ngừng hiến thân vì chúng con, và luôn làm trạng sư bênh vực chúng con trước toà Chúa. Người đã bị sát tế mà không còn chết nữa, dù đã bị giết mà vẫn sống luôn mãi.” (Kinh tiền tụng III mùa Phục Sinh)

Raymond Moloney, SJ

Phê-rô Chí Thành chuyển ngữ