Dẫn nhập
Trong Thư Thứ I của thánh Phaolô gửi cho các tín hữu Côrintô (1Cr 11,23-25) nhằm trả lời cho những vấn nạn mang tính thời sự của cộng đoàn Côrintô lúc bấy giờ. Những thách đố về tôn giáo, văn hóa và xã hội liên quan đến Bữa Tiệc Thánh Thể mà Giáo Hội tiên khởi phải đối diện. Suốt một phần tư thế kỷ sau khi Đức Giêsu tử nạn, các Kitô hữu vẫn tiếp tục hội họp thường xuyên để cùng nhau chia sẻ bữa ăn huynh đệ mà tưởng nhớ đến Người. Chính Phaolô đã từng xác nhận nhu cầu phải “truyền lại” điều đó, và đó cũng là điều người đã “chịu lấy” từ nơi Chúa, nghĩa là từ truyền thống đức tin của Cộng Đoàn Kitô hữu đương thời, biểu hiện trong những sinh hoạt phụng tự (1Cr 15,3-5). Như thế, dựa vào nguồn cội Thánh Truyền, cùng với những thao thức nhiệt tình của người Tông Đồ trước tình huống sống đạo của Cộng Đoàn Côrintô, Phaolô đã triển khai một giáo thuyết súc tích về bí tích Thánh Thể.[1]
Đối với thánh Phaolô, Bữa Tiệc Thánh Thể phải là “Bữa tối của Chúa” (1Cr 11,20). Ở nơi đó, dân Thiên Chúa “cùng ăn một thức ăn linh thiêng” và “cùng uống một thức uống linh thiêng” (1Cr 10,3-4). Cử chỉ này biểu lộ tính cộng đoàn của “giao ước mới”, giao ước trong Máu Đức Giêsu Kitô. Sự hiệp thông của dân mới này không chỉ bao hàm sự hiệp thông với Đức Kitô và với nhau mà còn là một lời loan báo về chính “sự kiện – Kitô”. Thần học Phaolô xem Thánh Thể như là nguồn mạch hớp nhất Kitô giáo, được thể hiện qua ba khía cạnh đặc biệt: Thánh Thể cụ thể hóa sự hiện diện của Đức Kitô; Thánh Thể là sự tưởng niệm và loan truyền Chúa chịu chết; Thánh Thể hướng Kitô hữu tới cánh chung.[2]
I. Thánh Thể cụ thể hóa sự hiện diện của Đức Kitô
Đức Kitô vẫn đang hiện diện trong Hội Thánh Người dưới nhiều hình thức: trong Lời của Người, trong kinh nguyện của Hội Thánh Người, trong người nghèo khổ… và trong các bí tích. Thế nhưng, các thức hiện diện của Người trong Thánh Thể là sự hiện diện độc nhất vô nhị.[3] Người hiện diện nơi Thánh Thể với cả thần tính và nhân tính. Chính Đức Kitô hiện diện thật sự với toàn bộ những gì là Người, không chỉ như một phần của Người, hay như là một biểu tượng. Người hiện diện ở đó dưới hình bánh và hình rượu. Chúng ta “Không thể nhận biết bằng giác quan Mình thật và Máu thật của Đức Kitô hiện diện trong bí tích này, nhưng chỉ bằng đức tin, một đức tin dựa vào thẩm quyền của Thiên Chúa”.[4] Như vậy, nhờ đức tin, chúng ta mới có thể nhận biết sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể, thì cũng thế, chỉ nhờ đức tin chúng ta mới có thể hiểu sự biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Đức Kitô.
Mặt khác, “Thánh Thể là một hành vi mang tính nghi lễ, nhờ đó cụ thể hóa được sự hiện diện của Đức Kitô với dân Người”.[5] “Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa” (1Cr 11,27). Ở đây, Mình và Máu của Đức Kitô được đồng hóa với bánh và rượu trong bữa tiệc của cộng đoàn. Bởi vì Mình và Máu Đức Kitô được đồng hóa với của ăn của uống như thế, nên mọi người khi tham dự Bàn Tiệc Thánh không thể xúc phạm đến đặc tính thiêng liêng của bữa tiệc và xúc phạm đến sự hiện diện của Người bằng những thói hư tật xấu: ích kỷ, xem thường người khác, súng bái ngẫu tượng.[6]
Trong thánh lễ, khi chủ tế nâng cao Mình và Máu Thánh Chúa đã truyền phép, “để cho cộng đoàn thấy”[7], các Kitô hữu cùng ngước nhìn lên với tâm tình chiêm ngưỡng tuyên xưng tình yêu Thiên Chúa đã ban Đức Kitô cho chúng ta, hay rước khi rước lễ cũng thế. Những cử chỉ đó diễn tả niềm tin sâu xa và mạnh mẽ rằng chính Đức Kitô đang hiện diện ở đó, dưới hình bánh và rượu. Như vậy, chỉ có Chúa Giêsu Thánh Thể, bằng sự hiện diện của Người, mới có thể dem lại sự hợp nhất giữa những người tin.
II. Thánh Thể là sự tưởng niệm và loan truyền Chúa chịu chết
Như một Hy Lễ của Cộng Đoàn tín hữu, Thánh Thể tưởng niệm công trình cứu độ của Thiên Chúa được hoàn tất cách viên mãn trong Đức Giêsu Kitô, và hàm chứa tất cả mọi biến cố xảy đến trong cuộc đời của Người. Thánh Thể cử hành biến cố Vượt Qua của Đức Kitô, và nhờ biến cố đó mà công trình cứu độ được hoàn tất. Tuy nhiên, ơn cứu độ vẫn tiếp tục lan tỏa hiệu quả trong chiều dài của lịch sử, vì vậy mỗi lần tưởng niệm Hy Tế Thánh Giá, Cộng Đoàn tín hữu thực sự “loan báo cái chết” của Đức Kitô cho tới khi Chúa đến.[8] “Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết” (1Cr 11,26). Và cộng doàn tín hữu hãy làm việc này “mà tưởng nhớ đến Thầy” (1Cr 11,24).
Với Phaolô, lệnh truyền của Đức Giêsu: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” bao gồm hành vi “làm việc này” gắn liền với mục đích “mà nhớ đến Thầy”. Như thế, “làm việc này” chính là cử hành nghi lễ Thánh Thể, là cầm lấy Bánh và Chén, đọc lời chúc tụng tạ ơn, chia sẻ và thông phần vào Mình và Máu Đức Kitô, để tưởng nhớ tình yêu tự hiến của Người, một tình yêu theo nghĩa thâm sâu, trọn vẹn nhất được biểu lộ qua cái chết trên Thánh Giá. Đồng thời việc “nhớ đến Thầy” còn là lời mời gọi hết sức sinh động giữa kinh nghiệm đón tiếp Người là “Đấng nhân danh Thiên Chúa mà đến” hiện diện với Cộng Đoàn tín hữu trong cuộc cử hành Thánh Thể, và kinh nghiệm trông chờ Người là Đấng sẽ đến trong tương lai vĩnh phúc.[9]
Thực vậy, bằng việc lặp lại hành vi mang tính nghi lễ này, Mình và Máu Chúa Giêsu được hiện tại hóa để nuôi dưỡng dân Người, và trở nên một lời loan truyền trọng về biến cố Đức Kitô, Đấng “đã chịu chết vì anh em”. Như vậy, khi cùng nhau cử hành bữa tiệc Thánh Thể, những người tham dự được loan báo rằng, họ được lãnh nhận hiệu quả của ơn cứu độ là nhớ cái chết của Đức Kitô.[10] Cái chết của Đức Kitô bị người đời xem là điên rồ. Nhưng niềm xác tín của Phaolô về Đức Kitô bị đóng đinh chính là Đấng chuyển đạt ơn cứu độ từ tình yêu tự hiến của Người, làm thành một Hy Lễ vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa. Ai đón nhận Đức Kitô là đón nhận con đường Thánh Giá, bước đi trong tình yêu, chiến thắng trong mọi thử thách, tìm được sự sống mới trong cái chết của Người, nghĩa là được tham dự vào sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.[11]
Thật vậy, có thể nói, bỏ qua chiều kích đau khổ và tử nạn của Đức Kitô là huỷ bỏ ý nghĩa cốt lõi của Thánh Thể, làm mất đi hiệu quả của ơn cứu độ, cũng như bản chất, căn tính của đời sống Kitô hữu, bởi vì “Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2Cr 5,15). Do đó, việc loan truyền sự chết của Đức Kitô không phải là tình cờ, nhưng cô đọng trong chính ý nghĩa giải thoát của Bữa Tiệc Thánh Thể. Chỉ trong viễn tượng như thế, việc tưởng niệm Đức Kitô, cốt yếu của phụng vụ Thánh Thể, là “loan truyền Chúa đã chịu chết” mới thực sự chính đáng.[12]
III. Thánh Thể hướng Kitô hữu tới cánh chung
Cử hành Thánh Thể tự nó cũng mang đặc tính cánh chung, bởi vì việc loan truyền Chúa chịu chết vẫn phải tiếp tục “cho tới khi Chúa lại đến”.[13] Đối với Phaolô, “cho tới khi Chúa lại đến” là lời loan báo về bữa tiệc ngày mai vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa, một “Bữa Tiệc Hiệp Thông cánh chung và thúc đẩy Cộng đoàn các tín hữu hướng tới tương lai khải hoàn vào “Ngày Chúa đến”, ngày mà tất cả tạo thành được hoàn toàn thông phần vào sự phục sinh vinh hiển của Đức Kitô”.[14] Như thế, chỉ trong sự phục sinh vinh quang của Đức Kitô,ơn cứu độ mới được ban cách trọn vẹn cho mọi tín hữu đang tham dự Tiệc Thánh Thể của Chúa.
Quả vậy, mỗi lần cử hành Thánh Thể, Cộng Đoàn Kitô hữu vừa chia sẻ Bữa Tiệc của Chúa vừa loan truyền việc Chúa chịu chết cho “tới ngày Chúa đến” (1Cr 11,26). Ở đây, sự liên đới với vận mạng của Đức Kitô trong Thánh Thể còn biểu lộ và làm sáng tỏ chiều kích cánh chung của niềm hy vọng Kitô giáo. Công trình cưu độ đã được hoàn tất qua việc Đức Kitô tự hiến mạng sống mình trên Thánh Gía, nhưng hiệu quả của ơn cứu độ vẫn tiếp tục tuôn chảy và lan rộng trên trần gian cho đến ngày viên mãn của lịch sử. Bữa Tiệc của Chúa “hôm nay” mới phản ánh một Bữa Tiệc khác, đó là Bữa Tiệc Thiên Quốc của Nước Thiên Chúa. Có thể nói, Thánh Thể cho thấy trước và hứa hẹn một Bữa Tiệc Vĩnh Cửu, đồng thời thúc đẩy lịch sử thế giới hướng tới “tương lai” khải hoàn của Ngày Chúa đến, ngày tất cả tạo thành được hoàn toàn thông phần vào sự phục sinh vinh hiển của Đức Kitô. Bởi vậy, cử hành việc tưởng niệm ơn cứu độ trong Thánh Thể là một hành vi đón nhận, xác nhận và khẳng định tình yêu tự hiến đã hoàn tất nơi Đức Kitô, cũng như để cho tình yêu đó tác động trong đời sống các tín hữu, làm cho họ không ngừng vươn tới ngày viên mãn, ngày Thiên Chúa sẽ là “tất cả mọi sự trong mọi người” (1Cr 15,28).[15]
Kết luận[16]
Như vậy, tư tưởng thần học của Phaolô về Thánh Thể, qua thư gửi tín hữu Côrintô, có thể nói, đạt đến đỉnh cao và được tóm kết trong Bài Ca Đức Ái. Một tình yêu hiến dâng, một tình yêu không phân biệt loại trừ, nhưng nối kết trong sự hiệp thông với Đức Kitô và với nhau trong một Cộng Đoàn tôn thờ Đức Kitô hiện diện đích thực trong Thánh Thể. Có yêu thương hiệp nhất thì Thánh Thể mới trổ sinh hoa trái, và hoa trái của Thánh Thể chính là hiệp nhất yêu thương, để không một người tín hữu nào bị quên lãng trong Cộng Đoàn, nhưng để tất cả được lớn lên, được chan hoà trong một Tình Yêu, Một Tấm Bánh, Một Thân Mình. Bởi vì: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả (1Cr 13,4-8).
Thánh Thể là “Bữa Ăn của Chúa”, nhưng là một bữa ăn có tính cách nghi lễ, không phải chỉ để trao đổi đàm luận qua hình thức ăn uống, mà là Hy Tế, là dấu ấn tình yêu tự hiến của Đức Kitô, để tất cả các tín hữu trong Cộng Đoàn có thể gặp gỡ mở lòng, cùng nhau cử hành, vượt qua mọi khoảng cách, và diễn tả đức tin trong tình hiệp thông. Lệnh truyền, “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” đặt Cộng Đoàn tín hữu vào việc cử hành và thực tập lối sống Thánh Thể, theo khuôn mẫu của một Tình Yêu chịu đóng đinh trên Thánh Giá, đã gánh lấy và xóa bỏ tất cả tội lỗi của nhân loại, của muôn thời đại. Chính ở đây, Cộng Đoàn Kitô hữu được biến đổi, để trở thành điều mà Thánh Thể cử hành nhờ Thần Khí Tình Yêu và Sự Sống của Đức Kitô.
Tình yêu và sự sống đó đã hoàn tất ơn cứu độ, nhưng vẫn không ngừng thánh hoá và tỏa chiếu nhân gian cho đến ngày toàn mãn của lịch sử. Trong viễn cảnh đó, Thân Mình và Máu của Đức Kitô chính là Lương Thực Thần Linh, dưỡng nuôi và thúc đẩy Cộng Đoàn Kitô hữu tiếp tục hiệp thông với nhau để cử hành Thánh Thể, tiếp tục sứ mạng hiến ban thân mình cho trần gian được sống. Có thể nói, đối với Phaolô, có hiệp thông đích thực với Thân Mình Đức Kitô mới có Thân Mình Giáo Hội, và có hiệp nhất nên một trong Thân Mình Giáo Hội mới có Thân Mình Thánh Thể. Như thế, có Thân Mình Thánh Thể mới có hồng ân cứu độ tuôn tràn vào thời gian, để tất cả tạo thành họp lại trong tình yêu muôn đời của Đức Kitô “hôm qua, hôm nay và ngày mai” với một Lễ Vật vẹn toàn dâng lên Thiên Chúa.
Giuse Nguyễn Quốc Đại
[1] x. VŨ CHÍ HỶ, Bánh Sự Sống Và Chén Cứu Độ – Thánh Thể Trong Tân Ước, NXB Phương Đông, TP. HCM, 2017, tr. 150 – 151.
[2] x. NGÔ NGỌC KHANH, Thần Học Phaolô – Phương Pháp và Các Chủ Đề, Học Viện Phanxicô, TP. HCM, 2017, tr. 167.
[3] x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Hội Đống Giám Mục Việt Nam – Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2011, ss. 1373-1374.
[4] Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, Hội Đống Giám Mục Việt Nam – Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2011, s. 1381.
[5] NGÔ NGỌC KHANH, Thần Học Phaolô – Phương Pháp và Các Chủ Đề, Học Viện Phanxicô, TP. HCM, 2017, tr. 168.
[6] x. NGÔ NGỌC KHANH, Thần Học Phaolô – Phương Pháp và Các Chủ Đề, Học Viện Phanxicô, TP. HCM, 2017, tr. 168.
[7] Sách Lễ Rôma, Ủy ban Phung Tự, NXB Tôn Giáo, Hà Nội, 2009, tr 84
[8] x. VŨ CHÍ HỶ, Bánh Sự Sống Và Chén Cứu Độ – Thánh Thể Trong Tân Ước, NXB Phương Đông, TP. HCM, 2017, tr. 175.
[9] x. VŨ CHÍ HỶ, Bánh Sự Sống Và Chén Cứu Độ – Thánh Thể Trong Tân Ước, NXB Phương Đông, TP. HCM, 2017, tr. 178.
[10] x. NGÔ NGỌC KHANH, Thần Học Phaolô – Phương Pháp và Các Chủ Đề, Học Viện Phanxicô, TP. HCM, 2017, tr. 169.
[11] x. VŨ CHÍ HỶ, Bánh Sự Sống Và Chén Cứu Độ – Thánh Thể Trong Tân Ước, NXB Phương Đông, TP. HCM, 2017, tr. 181-182.
[12] [12] x. VŨ CHÍ HỶ, Bánh Sự Sống Và Chén Cứu Độ – Thánh Thể Trong Tân Ước, NXB Phương Đông, TP. HCM, 2017, tr. 183.
[13] x. NGÔ NGỌC KHANH, Thần Học Phaolô – Phương Pháp và Các Chủ Đề, Học Viện Phanxicô, TP. HCM, 2017, tr. 169.
[14] VŨ CHÍ HỶ, Bánh Sự Sống Và Chén Cứu Độ – Thánh Thể Trong Tân Ước, NXB Phương Đông, TP. HCM, 2017, tr. 185.
[15] [15] x. VŨ CHÍ HỶ, Bánh Sự Sống Và Chén Cứu Độ – Thánh Thể Trong Tân Ước, NXB Phương Đông, TP. HCM, 2017, tr. 184.
[16] x. VŨ CHÍ HỶ, Bánh Sự Sống Và Chén Cứu Độ – Thánh Thể Trong Tân Ước, NXB Phương Đông, TP. HCM, 2017, tr. 186-189.