THÁNH THỂ TRONG ĐỜI SỐNG KI-TÔ HỮU

Vấn đề căn bản của chúng ta sẽ quan tâm không chỉ về ý nghĩa của chính bí tích Thánh Thể là gì, mà còn là bí tích Thánh Thể có ý nghĩa với chúng ta và với lối sống Thánh Thể. Bây giờ, bạn không thể suy ngẫm về Thánh Thể mà không suy ngẫm về đời sống Ki-tô giáo. Vì Thánh Thể là việc cử hành và sự biểu lộ về ý nghĩa thực sự của đời sống Ki-tô giáo.

Vậy, đời sống Ki-tô giáo là gì? Hay nói cách khác, để trở thành một Ki-tô hữu nghĩa là gì? Hầu hết chúng ta sẽ đưa ra những câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này. Đó là những điều mà gần đây, tôi cũng đang tự hỏi chính mình. Nhìn lại những kinh nghiệm đã qua, khi một ai đó làm điều gì cho tôi, và tôi đã nói: “Đó thực sự là hành động Ki-tô giáo!” Khi mọi người thực sự hướng đến người khác bằng một tình yêu và lòng quảng đại, thì điều đó có nghĩa là chúng ta hành động bằng tính Ki-tô giáo. Ý tưởng này không phải là căn nguyên, nhưng điều đó không cản trở bạn đánh giá một thực tế khi bạn gặp nó và cần đến nó.

Hai hành động của tình yêu

Để yêu và không ích kỷ đòi hỏi một sự hy sinh chính mình. Tôi nhớ lại những lời của Đức Ki-tô: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16,25). Điều đó dường như đối với tôi là một trong những điều cơ bản nhất mà Chúa chúng ta nói về cách chúng ta sống như là những Ki-tô hữu. Trong lối nói này, chúng ta nhận ra rằng đời sống Ki-tô giáo là một sự chết đi chính mình mỗi ngày, nhưng điều đó còn hơn thế nữa. Nó còn là một sự trỗi dậy, vì Chúa nói rằng, ai liều mất mạng sống mình thì sẽ tìm được mạng sống. Chính trong cái chết đó mà chúng ta được tái sinh. Do đó, có hai điều tôi gọi là hai hành động của tình yêu Ki-tô giáo. Bất cứ nơi nào con người biết yêu thương và vị lợi thì luôn luôn có hai hành động này, trao ban và đón nhận, mất đi và tìm thấy, chết đi và sống lại. Hai hành động này là nhịp đập trái tim của tình yêu Ki-tô giáo.

Việc nhận biết này phù hợp với kinh nghiệm. Bất cứ nơi nào người ta sống vị lợi và rộng lượng thì chúng ta nhận thấy ngay lập tức nơi đó con người có trong mình sức mạnh và sự bình an. Họ có được một điều gì đó mà thế giới không thể đem lại cho họ. Của cải thế gian tăng lên bằng việc nhận vào, còn tình yêu lớn lên bằng việc cho đi. Tình yêu lớn lên bằng trao ban, còn trần gian thăng tiến bởi tìm kiếm. Tính ‘dân chủ’ đích thực của Ki-tô giáo là đấy. Tất cả những điều Ki-tô giáo phải làm cho thế giới đến với những người biết sống yêu thương và vị lợi, bất kể trình độ học vấn hoặc tầng lớp xã hội. Đó là một vấn đề cơ bản về chuyện không phải chúng ta có cái gì, nhưng chúng là gì.

Sự Chết và Phục Sinh của Đức Ki-Tô

Nếu đó là lối sống mà Đức Ki-tô đã giảng dạy, thì chúng ta có thể tin chắc rằng Ngài đã thực hành đúng những gì Ngài dạy. Toàn bộ cuộc đời dương thế của Ngài là phục vụ tha nhân, cách sống yêu thương này đạt đến cùng đích viên mãn. Ở đó, chúng ta nhận ra hai hành động yêu thương, tròn đầy của tình yêu Ki-tô giáo đã thực hiện trong hai sự kiện lớn sau cùng trên cuộc đời dương thế của Đức Ki-tô, đó là sự Chết và Phục Sinh của Ngài. Trong việc hy sinh sự sống mình, Ngài tìm lại được sự sống ấy cho mình và cho tha nhân.

Còn hơn thế nữa, cái chết và sự phục sinh của Đức Ki-tô không chỉ là mẫu gương cao cả cho chúng ta về ý nghĩa của đời sống Ki-tô giáo. Hai sự kiện này mang lấy một sức mạnh nội tại, ban cho chúng ta nguồn năng lực bắt đầu từ sức mạnh bước theo đường lối của Đức Ki-tô dẫn vào đời sống của chúng ta. Nếu có một điều giống tình yêu Ki-tô giáo cùng hai hành động, thì không có gì khác hơn ngoài sự Chết và Phục Sinh đích thực của Đức Ki-tô hoạt động trong đời sống của chúng ta. Sự Chết và Phục Sinh của Đức Ki-tô không chỉ là những sự kiện của hai ngàn năm trước, nhưng còn là những mầu nhiệm được làm mới lại một cách liên tục và tiếp tục xảy ra trong sự chết và sống lại hằng ngày của Ki-tô hữu. Nếu cuộc sống của chúng ta được phủ đầy “thánh giá” – là khi chúng ta chết đi mỗi ngày cho chính mình trong những cách sống của chúng ta, từ điều lớn nhất cho đến việc nhỏ, thì cuộc sống của chúng ta cũng được lấp đầy bởi hàng ngàn “Lễ Phục Sinh” – là khi chúng ta trỗi dậy với Đức Ki-tô là bình an và sự viên mãn mà chỉ có Ngài đem lại (x. Pl 3,10; 2Cr4,10).

Cử hành lối sống

Quay trở lại đời sống Ki-tô giáo đến việc thờ phượng, chúng ta đang có một vị thế tốt hơn để hiểu Thánh Thể như là việc cử hành chính về lối sống của Ki-tô giáo. Nghi thức cử hành lối sống đó là một kinh nghiệm chung của con người. Chúng ta sẽ nhớ lại cách thức tại Quảng Trường Đỏ ở Mát-xít-cơ-va vào tháng 11 hàng năm, chủ nghĩa cộng sản Nga đã từng ca ngợi một lối sống được xây dựng trên quyền lực nhà nước. Ở vương quốc Anh, khi nữ hoàng khai mạc nghị viện, một nghi thức hoành tráng về sự kiện đặc biệt này hàm ý một quan điểm sống cụ thể trong đó truyền thống và đặc quyền đóng một vai trò chính yếu. Mỗi Chúa nhật, Ki-tô hữu đi tham dự Thánh lễ để cử hành cách sống của họ thêm một lần nữa, và để tiếp tục dâng hiến chính mình cho cách sống đó. Chúng ta thấy rằng cách sống đó không phải tập trung vào quyền lực hay đặc quyền, mà là tập trung vào tình yêu. Đó là một cách thức mà ở đó sự chết và phục sinh của Đức Ki-tô là tiếp tục hiện diện ở giữa chúng ta. Vì thế, có thể hiểu được rằng sự chết và phục sinh này hiện diện một cách nào đó trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, cũng được hiện diện ở một cách thức khác – một cách thức trong bí tích Thánh thể.

Một tiếp cận để hiểu Thánh Thể, trong ánh sáng về những gì chúng ta vừa nói đến, để nhìn thấy hai phần chính như là sự tương hợp trong một cách đặc biệt cho hai hành động to lớn của tình yêu Ki-tô giáo. Hai phần chính của bí tích là lời tổng nguyện dâng lễ và bàn tiệc của niềm vui trong phần Hiệp lễ. Mỗi phần lần lượt được nhìn nhận tương đương với sự chết và phục sinh của Đức Ki-tô và cũng là với hai hành động tình yêu Ki-tô giáo.

Hai hành động trong Thánh lễ và cuộc sống

Trong Kinh Nguyện Thánh Thể, đặc biệt phần Dâng Lễ, chúng ta suy tư về sự tự hiến của Đức Ki-tô trên thập giá. Do đó, chúng ta cố gắng kết hiệp với Hy tế của Đức Ki-tô qua việc dâng chính mình, và qua việc liên kết với Kinh Nguyện Thánh Thể trong Thánh lễ. Trong hiệp lễ, chúng ta đón nhận sự sống của Đức Ki-tô phục sinh và trong cách thức này, chúng ta được hiệp nhất nên một với mầu nhiệm phục sinh của Người. Do đó, hai hành động của tình yêu Ki-tô giáo đưa đến cho chúng ta một khuôn mẫu mà qua đó chúng ta có thể kết hợp đồng thời với ba khía cạnh khác nhau của đời sống Ki-tô giáo trong cùng một mầu nhiệm duy nhất.

  1. Sự chết và phục sinh của Đức Ki-tô vào giờ sau hết trong cuộc sống dương thế của Ngài.
  2. Sự chết và phục sinh của các Ki-tô hữu trong việc tuôn trào tình yêu Ki-tô giáo mỗi ngày.
  3. Sự chết và phục sinh của Thân Mình Đức Ki-tô, đầu và các chi thể, trong sự dâng hiến được cử hành trong Kinh Nguyện Thánh Thể và trong hiệp lễ.

Chúng ta đem đến với Thánh Thể những điều mà chúng ta kinh nghiệm trong cuộc sống hằng ngày. Ở đó, chúng ta diễn tả, cử hành, và đào sâu hơn kinh nghiệm bằng cách đưa nó vào trong mầu nhiệm cao cả của sự chết và phục sinh của Đức Ki-tô được tái diễn trong Thánh lễ.

Những suy tư như thế đưa đến cho chúng ta một cái nhìn căn bản nhằm hướng đến mầu nhiệm Thánh Thể. Thánh Thể tự nội tại là quan trọng, khi người ta cố gắng sống lối sống Thánh Thể, thì lối sống đó đem lại cho họ một tinh thần chắc chắn, một cách để nhìn vào cuộc sống. Chúng ta muốn nhìn thấy điều gì được thần khí đem lại, thánh Phao-lô nói:

“Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi.” (2Cr 4,10-11).

Trong tác Phẩm: Our Splendid Eucharist – Reflections On Mass And Sacrament, by Raymond Moloney. SJ.

Phê-rô Trần Ngọc Khởi,SSS chuyển ngữ