THÁNH THỂ, HY TẾ CỦA GIÁO HỘI

 

  1. Đặt Mình Thánh Chúa.

Hát: Con thờ lạy hết tình 

  1. Con thờ lạy hết tình, Chúa ngự trong phép thánh. Yêu quý nhân loại hiến thân trong hình bánh, nuôi hồn con tháng ngày, cho lòng con vui say. Dâng hiến Cha lành khúc hoan ca tràn đầy.

ÐK: Lòng con hân hoan mến tin một Cha. Trần gian bao nhiêu khó nguy lệ sa. Trông cậy ơn Chúa giúp con mau vượt qua. Ðời con tin yêu sống trong tình Cha. Ngày đêm vang lên biết bao lời ca. Dẫu ngàn sầu thương vững tin thiết tha. 

  1. Cha ngự trong phép mầu, chỉ vì ơn thương mến, ban xuống nhân loại chúng con không bờ bến. Con nguyện xin tháng ngày, thương đoàn con yếu đuối, tha thứ muôn tội lỗi xưa nay tràn đầy.
  2. Tâm tình đầu.

Lạy Cha nhân từ, chúng con đến để gặp gỡ Con yêu dấu của Cha là Chúa Giê-su và cầu nguyện với Người. Chúng con nhận biết Người là ánh sáng, là đường, là nước giải khát, là bánh ban sự sống. Xin Cha ở với chúng con trong giờ cử hành này, và xin ban Thánh Linh của Cha cho chúng con để lòng chúng con đón nhận những lời chúng con sẽ nghe và để đổi mới tình yêu chúng con dâng Chúa Giê-su Ki-tô Đấng ngự bên Cha và giữa lòng Giáo hội cho đến muôn đời.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, xin thực hiện nơi chúng con lời thánh Phaolô: “Vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người”. Vậy xin Chúa làm cho Giáo Hội đang cầu nguyện đây thành của lễ ca tụng Chúa. Amen.

  1. HIẾN TẾ
  2. Lời dẫn.

Dâng của lễ hy sinh đòi hỏi một chuỗi những hành động, những cử điệu. Cần gột rửa khỏi đầu óc chúng ta cái tư tưởng “dâng của lễ hy sinh” là thực hiện “một cái gì cực khổ”, là “phải ời bỏ cái gì mình yêu thích”. “Dâng của lễ hy sinh”, có một ý nghĩa sâu xa hơn, trước hết là đưa tới dâng hiến một lễ vật nào đó. Trong Cựu Ước, người ta đưa tới những con bò hay những con chim gáy. Và người ta nhấn mạnh tới ý nghĩa của việc dâng cúng này, đó là tượng trưng sự dâng hiến chính bản thân của họ, biểu hiện tình cảm nội tâm của họ.

Trong trích dẫn thư gửi giáo đoàn Côrintô sau đây, thánh Phaolô quả quyết rằng khi họp mặt để dự tiệc Thánh Thể, các Ki-tô hữu “loan truyền việc Chúa chịu chết”, họ kết hiệp với của lễ của Người dâng lên Cha, kết hiệp với của lễ hy sinh của Người.

  1. Bài đọc: 1 Cr 11, 23-26

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Côrintô.

Thưa anh em, tôi là Phaolô, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Thiên Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”. Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”. Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. 

  1. Gợi ý suy niệm.

“Anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy”.

“Anh em loan truyền Chúa đã chịu chết”.

Đó là những câu chính yếu. Làm như Chúa Ki-tô, chúng ta loan truyền Người đã chịu chết. Có nghĩa là gì?

Làm tất cả như Chúa Ki-tô: có phải chỉ đơn thuần cầm lấy bánh, cầm lấy rượu và nói một lời? Lặp lại những cử chỉ? Chắc hẳn là không. Nhưng là thể hiện trọn vẹn theo ý nghĩa của các cử chỉ cho đi, bẻ ra, phân phát như Chúa Giê-su quan niệm: một cuộc đời cho đi, một cuộc đời dâng hiến, một cuộc đời dấn thân.

Cầm lấy bánh, phân phát rượu, đó là những cử chỉ tượng trưng, xúc tích, nói lên việc Chúa Giê-su dấn thân phục vụ con người, nói lên việc Người tự hiến để đem lại sự sống dồi dào: “Ai ăn thịt Thầy và uống máu Thầy, sẽ được sống” (Ga 6). “Các con hãy cầm lấy mà ăn”. Điều đó phải được hiểu như tóm lược cả một cuộc sống.

Nhưng làm sao có thể loan truyền sự chết của Chúa Ki-tô, vì ngày hôm này sứ vụ đó được ủy thác cho chúng ta?

Có một thực tế sâu xa cần phải khám phá. Chúng ta là Mình Mầu Nhiệm Chúa Ki-tô. Là những viên đá sống động của đền thờ, chúng ta được tháp nhập với Chúa Ki-tô. “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15). Kết hiệp như thế, chúng ta sẽ sản xuất được cùng một thứ rượu nho, cùng một máu. Đây là máu được đổ ra hôm nya cho nhiều người.

Lúc đó sự liên hệ giữa Thánh Thể và Giáo Hội sẽ được thiết lập, vì cả hai đều là Mình Mầu Nhiệm Chúa Ki-tô. Chúng ta thực hiện Thánh Thể khi chúng ta đem tới dâng những dấn thân, những cam kết nhân danh Chúa Giê-su, như phần tử của Mình Mầu Nhiệm Người. Bánh và rượu trở thành của lễ của Giáo Hội Mình Mầu Nhiệm Chúa Ki-tô.

Hát:

  1. Lời cầu

Hợp nhất với Giáo Hội mà Chúa qui tụ quanh bàn tiệc của Người, chúng ta dâng lời cầu nguyện:

  • Lạy Chúa Giê-su Linh Mục của Thiên Chúa tối cao, Chúa đã hiến thân làm hy tế, xin dạy chúng con biết tự hiến cùng với Chúa.
  • Đáp: Lạy Chúa, xin Chúc tụng Chúa muôn đời!
  • Lạy Chúa Giê-su Cứu Chuộc, Chúa đã chấp nhận chén đắng cuộc khổ nạn: Xin dạy chúng con tuân phục thánh ý Chúa Cha. Đ/.
  • Lạy Đấng cứu rỗi nhân loại, Chúa muốn Giáo Hội cử hành Thánh Thể để tưởng niệm Chúa: Xin nâng đỡ Giáo Hội đang dấn thân bước theo chân Chúa. Đ/.
  • Lạy Mục Tử nhân lành, những người Chúa dưỡng nuôi bằng Mình Máu Chúa, xin biến đổi họ trong Chúa. Đ/.
  • Lạy Con Chiên bị sát tế, nhưng vẫn luôn sống, xin dẫn đưa những người đã bước qua sự chết về tới bến. Đ/.
  1. Lời nguyện

Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, xin cho chúng con hiểu được sự quan trọng của việc chúng con kết hiệp với hiến lễ của Chúa và việc Chúa phục vụ. Nhờ vậy tất cả cuộc sống của chúng con được tiến dâng Chúa làm lễ hy sinh đẹp lòng Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng con. Amen.

  1. Thinh lặng suy niệm
  1. TÁC ĐỘNG CỦA CHÚA THÁNH LINH
  2. Lời dẫn.

Không phải chỉ qua lễ vật mà Thánh Thể, hy tế của Giáo Hội được thực hiện, cho dù lễ vật là cần thiết và là vật liệu đầu tiên. Còn cần phải một tác động khác nữa của Chúa Giê-su, nhờ Thánh Linh của Người. Trong các Kinh Nguyện Thánh Thể, chúng ta kêu cầu tác động này của Thánh Linh xuống trên các lễ vật. Bây giờ chúng ta nghe lại vài ba lời khẩn cầu đó. Và trong khi nghe, chúng ta hãy cố gắng ấp ủ tư tưởng này: Chúng ta khẩn cầu tác động của Thánh Linh xuống trên một thứ bánh còn hơn là tấm bánh nhỏ, đó là tấm bánh cuộc đời chúng ta, và trên một loại rượu trào tràn chén lễ: đó là rượu của những dấn thân, của những cam kết như các phần tử của Mình Mầu Nhiệm Chúa Ki-tô. Thánh Linh làm cho chúng ta trở thành Mình Mầu Nhiệm Chúa Ki-tô mà bánh và rượu là nhiệm tích.

  1. Bài đọc: Trích dẫn các Kinh Nguyện Thánh Thể.

“Chúng con xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống mà thánh hóa của lễ này, để biến thành Mình và Máu Đức Giê-su Ki-tô”.

“Để chúng con không còn sống cho chính mình nữa, mà chỉ sống cho Người. Người đã chết và sống lại vì chúng con. Từ nơi Cha, Người sai Chúa Thánh Thần đến với các tín hữu như ân huệ mở đầu, để Chúa Thánh Thần kiện toàn sự nghiệp của Người nơi trần gian, và hoàn tất công trình thánh hóa muôn loài”.

“Xin cho Chúa Thánh Thần đoái thương thánh hóa những của lễ này, để biến thành Mình và Máu Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con, khi chúng con cử hành mầu nhiệm cao cả chính Người đã trối lại cho chúng con làm giao ước muôn đời”.

“Lạy Cha, xin nhìn đến hy lễ chính Cha đã ban cho Hội Thánh, và xin thương cho tất cả những ai cùng chia sẻ một tấm bánh và một chén rượu này, được Chúa Thánh Thần liên kết thành một thân thể, và trở nên hy lễ sống động trong Đức Ki-tô để ca tụng Cha vinh hiển”.

  1. Lời cầu

Với niềm cậy trông, chúng ta hãy cầu xin Chúa là Đấng đã lập Giáo Hội của Người nhờ ơn ban Thánh Linh:

  • Lạy Chúa Ki-tô, Chúa được vinh hiển bên hữu Chúa Cha, Chúa đã ban Thánh Linh cho các môn đệ của Chúa, xin Chúa sai Thánh Linh đến để Người tác tạo một thế giới mới.
  • Đáp: Lạy Chúa, xin ban xuống trên chúng con Thần Khí tác tạo của Chúa, Người đỏi mới tâm can, đổi mới muôn lòng.
  • Lạy Chúa Ki-tô, nhờ hơi thở của Chúa, Chúa đã ban Thánh Linh cho các tông đồ của Chúa để các ngài có quyền tha tội, xin sai Thánh Linh Chúa xuống trên chúng con, để Người biến đổi chúng con thành của lễ tinh tuyền. Đ/.
  • Lạy Chúa Ki-tô, Chúa đã sai Thánh Linh xuống để Người thánh hiến những của lễ và ban cho chúng con sự hiện diện của Chúa trong Thánh Thể, xin sai Thánh Linh Chúa xuống trên chúng con, để Người làm cho chúng con trở thành Thánh Thể hơn nữa. Đ/.
  1. Thinh lặng suy niệm.
  2. Lời dẫn.

Chúa Giê-su đã hứa ban Thánh Linh của Người cho chúng ta. Đó chính là ơn ban tuyệt hảo nhất, là gia nghiệp quý báu nhất mà Người có thể ban: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em” (Ga 16, 14). “Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Ga 16, 13). Như thế dưới tác động của Thánh Linh, chúng ta có thể được củng cố trong đức tin nơi Chúa Ki-tô và chúng ta kết hiệp với hiến lễ của Người.

Hát:

  1. NHỜ NGƯỜI, VỚI NGƯỜI VÀ TRONG NGƯỜI.
  2. Lời dẫn.

Thánh Thể, đó chính là một hoạt động có nhiều khía cạnh, một thực tại có nhiều lớp. Chúng ta đã đi từ lễ vật đến tác động của Thánh Linh biến đổi lễ vật này. Chúng ta đạt tới đỉnh cao được diễn tả trong lời kết của kinh nguyện Thánh Thể, khi linh mục nâng cao Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô và đọc: “”Chính nhờ Đức Ki-tô, cùng với Đức Ki-tô và trong Đức Ki-tô, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần, mọi vinh quang và danh dự đều thuộc về Cha là Thiên Chúa toàn năng đến muôn thuở muôn đời”.

Thật thế, chính ở giai đoạn này mà Thánh Thể được hoàn tất khi chúng ta trở thành lời tạ ơn Cha, trong Chúa Ki-tô, nhờ Chúa Ki-tô, cùng với Chúa Ki-tô, khi chúng ta trở thành “tế lễ thiêng liêng cho vinh quang của Người”. Đây là kiểu nói của thánh Phêrô. Chúng ta nghe đoạn thư của thánh nhân.

  1. Bài đọc: 1Pr 2, 4-5

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô tông đồ.

Anh em thân mến, anh em hãy tiến lại gần Đức Ki-tô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giê-su Ki-tô.

Hát:

  1. Lời cầu.

Cùng với Đức Ki-tô, chúng ta hãy cầu xin Chúa Cha cho Giáo Hội:

  • Đáp: Xin Cha đưa mắt nhìn và giơ tay giáng phúc.
  • Đây đền thờ xây trên nền đá tảng là Đức Ki-tô, đây dâng thánh đặt niềm tin vào Người. Đ/
  • Đây vườn nho Cha đã trồng và luôn san sóc, đây dân thánh đem quả trường sinh cho nhân loại. Đ/
  • Đây đoàn chiên được quy tụ dưới quyền người Mục tử duy nhất, đây dâng thánh để ý nghe lời Người. Đ/
  • Đây mảnh đất Cha đã gieo Lời hằng sống, đây dân thánh như lúa vàng Cha thu lượm vào kho. Đ/
  • Đây thành đô Thiên Chúa, thành Giêrusalem trên trời, đây dân thánh được mời dự tiệc cưới Con Chiên. Đ/
  1. Thinh lặng suy niệm.
  2. Lời dẫn

Trong lúc cử hành thánh lễ, khi người ta dâng bánh và rượu, chúng ta nhận ra mình phải đối diện với mầu nhiệm đức tin, chúng ta nhận ra mình đứng trước một thực tại vô cùng huyền nhiệm.

Trong giờ chầu này, chúng ta đã cố gắng tìm hiểu sự liên kết giữa giáo hội và Thánh Thể. Chúng ta đã thấy Thánh Thể là hy tế của Giáo Hội Mình và Máu Chúa Ki-tô như thế nào. Chúng ta nhận ra cần phải dấn thân đến đâu khi chúng ta thực sự cử hành Thánh Thể. Chúng ta hiểu phần nào Thánh Linh Chúa thánh hiến và biến đổi của lễ ra sao. Chúng ta biết chúng ta trở thành lời ngợi khen như thế nào.

Để kết thúc giờ chầu, chúng ta cố gắng tìm liên kết với Giáo Hội toàn cầu. Để được như thế, chúng ta hãy nghe một Ki-tô hữu nói lên mối liên hệ giữa bánh được thánh hiến là Thánh Thể mà chúng ta chiêm ngắm và cộng đoàn làm nên Thánh Thể này.

  1. Bài đọc.

“Khi chúng ta vào nhà thờ để “viếng Thánh Thể, việc làm của chúng ta không là một giao tiếp cá nhân, biệt lập của một tín đồ với “Chúa của mình”.

Nếu chúng ta hiện diện trước một “nhà tạm”, đó chính là tại nơi đây có một cộng đoàn “cử hành Thánh Thể”.

Niềm tin của chúng ta không thể phân tách “sự hiện diện Thánh Thể” với cộng đoàn này, là cộng đoàn đã để lại trong nhà tạm đầy “vết tích” và “dấu chỉ” của cuộc sống Thánh Thể của mình, như chứng từ về đức tin của họ.

Ngọn đèn chầu nhắc nhớ “Chúa Ki-tô đã đến, Người đã chết và đã phục sinh, Người đang ở đó và người sẽ trở lại”. Ngọn đèn này cũng nói lên rằng có một dân tín hữu tụ họp tại đây và họ có Chúa Giê-su Ki-tô ở với họ”.

  1. Lời dẫn.

Giờ đây chúng ta hát lại bài hát chúng ta đã hát khi khai mạc giờ chầu. Chúng ta hát trong tâm tình kết hiệp với tất cả anh chị em Ki-tô hữu trên toàn cầu, những người anh chị em sống tháp thân với Chúa Ki-tô và thể hiện sự chết của Người qua những dấn thân của Mình.

Hát

III. Phép lành

  1. Bài hát kết thúc.

Giu-se Hoàng Đình Bút