Thánh Thể Đối Với Đời Sống Đức Tin Của Kitô Hữu (Phần 2)

Thánh Thể: dấu chỉ hiệp nhất

Thánh Thể đưa các Ki-tô hữu vào trong sự hiệp thông với Đức Ki-tô và hiệp nhất với nhau. Sự hiệp nhất này được biểu lộ qua sự hiệp nhất trong Giáo hội:

Khi bẻ bánh Tạ ơn, chúng ta thực sự thông dự vào Thân thể của Chúa, nên chúng ta được nâng lên để hiệp thông với Người và với nhau. “chúng ta tuy nhiều, nhưng là một tấm bánh, một thân thể, vì hết thảy chúng ta cùng thông phần vào một tấm bánh”. Thế nên, tất cả chúng ta trở thành chi thể của Thân thể ấy, “vì mỗi người là chi thể của nhau”.[1]

Với nghĩa này, Thánh Thể xây dựng một Giáo hội hiệp thông và không ngừng canh tân khuôn mặt của Giáo hội. Nhờ việc nuôi dưỡng này, Cộng đoàn Ki-tô hữu thực sự trở thành Giáo hội của Thiên Chúa nơi cử hành Thánh Thể. Khi các Ki-tô hữu tham dự Hy lễ Tạ ơn, Chúa Thánh Thần liên kết họ vào thân thể Chúa Ki-tô và làm cho họ trở nên thân thể Giáo hội của Người. Hiệp lễ làm cho chúng ta trở nên một với Đức Ki-tô, kết hợp với Người trong cùng một sự sống thực như chính sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa.[2]

Như một quy luật, người ta chỉ thực sự có quyền đón nhận Thánh Thể khi yêu thương hiệp nhất với anh chị em trong Cộng đoàn dân Chúa. Một khi mở rộng lòng đón rước Chúa cũng là mở rộng trái tim đón nhận mọi anh chị em trong đại gia đình nhân loại. Bởi đó, hiệp nhất với Chúa Ki-tô cũng đồng thời là hiệp nhất với tất cả mọi anh em.[3] Thật thế, việc Hiệp lễ không chỉ liên kết con người trong sự sống của Thiên Chúa, mà còn xóa tan tất cả những rào cản hay phân cách giữa con người với nhau. Vì trong Thánh Thần, tất cả chúng ta thông chia cùng một sự sống. [4]

Như vậy, Thánh Thể đưa người tín hữu hiệp nhất với Ba ngôi Thiên Chúa và được hiệp nhất với nhau, trở nên một thân thể và hướng đến một tinh thần duy nhất trong Đức Ki-tô. Lời kinh Tạ ơn III, một lần nữa cho chúng ta thêm phần xác tín: “Và khi chúng con được Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng, được đầy tràn Thánh Thần của người, xin cho chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Giê-su.”[5] Từ tương quan sự sống với Đức Ki-tô và với nhau, Thánh Thể cũng hướng các Ki-tô hữu đến sự hiệp thông trọn vẹn trong Nước Chúa.

Thánh Thể là bảo chứng cho niềm hy vọng mai hậu

Nếu Thánh Thể làm nên Giáo hội như một thân thể sống động, bác ái, yêu thương và hiệp nhất, thì thực tại này của Giáo hội sẽ là hình ảnh báo trước cho một Giáo hội vinh quang khải hoàn vào ngày Chúa đến. Khẳng định này có giá trị chắc chắn làm nên bảo chứng cho niềm hy vọng của Ki-tô hữu. Trong thư gửi tín hữu Corintô, thánh Phao-lô đã nói rõ niềm hy vọng này: “Thật vậy, cho tới khi Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết”.[6]

Trong viễn tưởng hướng về tương lai, thánh Phêrô đã liên kết Giáo hội vinh quang của những người tin với việc xuất hiện trời mới đất mới trong ngày của Chúa: “Theo Lời Thiên Chúa hứa, chúng ta mong đợi trời mới đất mới, nơi sự công chính ngự trị”.[7] Với lời hứa ấy, các Ki-tô hữu được mời gọi tin tưởng vào Chúa Ki-tô trong một tư thế sẵn sàng, tỉnh thức, sống một cuộc sống đạo đức thánh thiện tinh tuyền, để rồi không có gì đáng bị chê trách trong ngày Chúa đến.[8]

Trong Bữa tiệc ly, chính Chúa Giê-su hướng các môn đệ đến việc hoàn tất lễ Vượt qua trong Nước Thiên Chúa khi Người tỏ lộ cho các ông biết Bữa tiệc trọn vẹn trong Nước của Cha Người.[9] Sự tỏ lộ này, cho thấy một lời hứa hướng đến việc hoàn trọn lễ Vượt qua nơi Thiên quốc. Mỗi lần họp nhau cử hành Thánh Thể, là một lần Giáo hội nhớ lại lời hứa này và mong đợi “Đấng hiện có, đã có và đang đến”[10]. Niềm trông đợi ấy còn được cất lên trong kinh nguyện: “lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến”[11]

Trong Hiến chế Mục Vụ Về Hội thánh Trong Thế Giới Ngày Nay (Gaudium et spes), Công đồng Va-ti-ca-nô II cũng đã cho thấy niềm hy vọng này:

Chúa đã để lại cho các môn đệ một bảo chứng cho niềm hy vọng đó, và là của ăn đường qua Nhiệm tích Thánh Thể, ở đó mọi yếu tố của vũ trụ do con người khai thác, được biến đổi thành Mình và Máu vinh hiển là bữa ăn hiệp nhất huynh đệ và nếm trước Bữa tiệc thiên quốc mai sau.[12]

Đề cập đến niềm hy vọng này, đức Gio-an Phao-lô II cũng đã diễn tả:

“Phép Thánh Thể thật sự là một cái nhìn thoáng qua về nước thiên đàng đang xuất hiện ở trần thế. Đó chính là một tia sáng huy hoàng của thành Giêrusalem xuyên qua các tầng mây của lịch sử và để thắp sáng lên cuộc hành trình của chúng ta”.[13]

Ở đây muốn nói rằng, Thánh Thể đã cho người ta nhãn quan về một thiên quốc vĩnh cửu đã xuất hiện nơi thế gian này. Tia sáng về một thành thánh huy hoàng, thắp lên niềm hy vọng cho các Ki-tô hữu trên hành trình đức tin nơi dương thế.

Khi đón nhận Mình và Máu Đức Ki-tô qua việc Hiệp lễ, các Ki-tô hữu được hiệp thông sự sống với Ba Ngôi Thiên Chúa. Sự sống ấy bảo đảm cho người ta được sống đời đời và sau này sẽ được Phục sinh cùng với Đức Ki-tô, vì Chúa Giê-su đã hứa: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì có sự sống đời đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết”.[14] Điều này cho thấy một bảo đảm vững chắc từ nơi Thánh Thể. Như là nguồn động lực, việc hưởng nếm trước bàn tiệc vinh phúc nơi Bí tích Thánh Thể là lương thực cho đời sống đức tin và đức ái của Ki-tô hữu.

Như thế, với nguồn bảo chứng từ Thánh Thể, đời sống của Ki-tô hữu mang một phẩm chất cao quý; họ có một mục đích chuẩn bị cho thực tại cánh chung. Thánh Thể đã làm cho Ki-tô hữu được hăng say trong việc dấn thân phục vụ; theo gương Chúa Ki-tô trong việc tự hiến, dám hy sinh phục vụ mọi người; làm cho thực tại trần thế thấm nhuần tinh thần Tin mừng, và gieo vào thế giới niềm hy vọng của một cuộc tái tạo mới.

Kết Luận

Những suy tư tìm hiểu trên đây cho thấy, Thánh Thể là mẫu thức về yêu thương. Thánh Thể trở thành “trường học” về yêu thương và thực hành yêu thương. Với ý nghĩa ấy, chỉ có nơi Thánh Thể mới đưa con người ta đến với ngọn nguồn yêu thương và thực hành yêu thương trong đời sống của mình cách trọn vẹn.

Là nguyên lý hiệp thông, Thánh Thể đưa con người vào hiệp thông sự sống với Ba Ngôi Thiên Chúa và nhờ đó người ta được hiệp thông với nhau, trở nên một thân thể và hướng đến một tinh thần duy nhất trong Đức Ki-tô.

Với bảo chứng niềm hy vọng cánh chung, Thánh Thể hướng Ki-tô hữu đến sự sống viên mãn theo lời hứa của Đức Giê-su: “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì có sự sống đời đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết”.[15]

Từ những ý nghĩa ấy cho thấy, Thánh Thể trở thành trọng tâm và chóp đỉnh của đời sống Ki-tô giáo. Như thế, cử hành Thánh Thể và sống những gì Thánh Thể cử hành là hết sức cần thiết đối với đời sống đức tin của người Ki-tô hữu.

Tu sĩ Gioan.B Nguyễn Văn Hường, SSS