THÁNH LỄ LÀ MỘT CUỘC TẠ ƠN

I. Dẫn nhập

Thánh lễ là một bữa tiệc, nhưng không phải một bữa tiệc thường, mà là Bữa tiệc phụng vụ, nghĩa là một hành vi tôn thờ công cộng, gồm những lời cầu nguyện, chúc tụng và tạ ơn của cộng đoàn dâng lên Thiên Chúa. Do đó, khi ta “làm việc này” để tưởng nhớ đến Chúa, chính là cùng nhau tham dự vào Bữa Tiệc Thánh, tức là cùng nhau dâng lời cầu nguyện, chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa.

Thánh lễ được gọi với nhiều tên khác nhau như: Việc bẻ bánh, Lễ tạ ơn, Cuộc tưởng niệm mầu nhiệm vượt qua, Bữa ăn tối của Chúa, Phụng vụ thánh và thần linh[1] mỗi một trong các tên gọi đó gợi lên một số phương diện của Thánh lễ. Phạm vi tìm hiểu của bài viết này là về khía cạnh tạ ơn của Thánh lễ. Thánh lễ là Hy lễ tạ ơn, hay nói nôm na, Thánh lễ là một cuộc tạ ơn.

Có thể nói Thánh lễ là Hy tế để tạ ơn Chúa Cha, là lời chúc tụng qua đó Hội thánh diễn tả lòng tri ân của mình đối với Thiên Chúa vì mọi điều Ngài ban, vì mọi điều Ngài đã thực hiện trong công trình tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa. Thánh lễ là cuộc tạ ơn. Trong Thánh lễ, toàn bộ công trình tạo dựng được Thiên Chúa yêu thương được trình lên Chúa Cha qua cái chết và sự sống lại của Đức Ki-tô. Nhờ Đức Ki-tô, Hội thánh có thể dâng Hy tế ca ngợi để tạ ơn về tất cả những gì là tốt, là đẹp, là đúng mà Thiên Chúa đã thực hiện trong công trình tạo dựng và trong nhân loại.[2]

“Việc cử hành Thánh lễ luôn bao gồm: việc công bố Lời Chúa, việc tạ ơn Thiên Chúa Cha vì mọi ơn lành, nhất là vì Ngài đã ban Con của Ngài cho chúng ta; việc thánh hiến bánh rượu và việc tham dự vào bàn tiệc phụng vụ nhờ lãnh nhận Mình và Máu thánh Chúa. Các yếu tố này kết thành một hành vi phụng tự duy nhất.”[3]

Trọn vẹn Thánh lễ là một cuộc tạ ơn. Tuy nhiên trong phạm vi bài viết này, sau khi tìm hiểu qua về nguồn gốc của việc tạ ơn trong Thánh lễ, ta sẽ tập trung vào một vài chi tiết trong nghi thức Thánh lễ hiện nay, nơi việc tạ ơn được nhấn mạnh cách đặc biệt.

II. Nội dung

  1. Tạ ơn là hình thái căn bản của Thánh lễ

“Josep Ratzinger giải đáp vấn đề về nguyên lý thống nhất các chiều kích khác nhau trong Thánh lễ, theo ông đó là ý niệm cảm tạ tri ân trong Bí tích Thánh Thể. Theo truyền thống thì Thánh Thể chủ yếu là bữa tiệc hy lễ nói lên lời tri ân cảm tạ Thiên Chúa… Tạ ơn là một cách sát nhập vào lời nguyện của chính Đức Giê-su, như vậy là trong việc Tạ ơn Giáo hội lồng mình vào Lời, vào Ngôi Lời chủa Chúa Cha, vào diễn trình Ngôi Lời tự hiến cho Chúa Cha, mà diễn trình này, trên thập giá, cũng đồng thời trở thành sự phó thác nhân loại cho Chúa Cha”[4]

Các tên gọi: Lễ bẻ bánh, lễ tạ ơn, bữa tiệc… lúc ban đầu được dùng để ám chỉ một tác động cụ thể được coi là căn bản, sau đó được mở rộng đến toàn thể buổi cử hành, gồm bởi nhiều phần khác nhau: cầu nguyện, nghe Lòi Chúa, dâng lễ, tạ ơn, thông hiệp…

Về nguồn gốc, chiều kích tạ ơn (cụ thể là Kinh Tạ Ơn), có một số giả thuyết về nguồn gốc như sau: 1/ Dựa theo kinh đọc hằng ngày của người Do Thái, cách riêng là kinh Schema và Tefillah; 2/ Dựa theo lời kinh chúc tụng (Berekah) trong cựu ước.[5] Bên cạnh đó, ta thấy chiều kích ta ơn cũng được nhấn mạnh trong sách Didache hay Giáo huấn của các Tông đồ, được coi là soạn thảo cùng thời với các sách Tin Mừng[6] như sau: “Anh em hãy tạ ơn thế này, trước tiên khi nâng chén, hãy nói rằng: Lạy Cha chúng con, chúng con tạ ơn Cha vì cây nho thánh của Đa vít tôi tớ Cha, cây nho mà Cha đã tỏ ra cho chúng các con nhờ Đức Giê-su, người tôi tớ của Cha. Tung hô Cha vinh hiển muôn đời. Còn khi bẻ bánh thì nói: Lạy Cha chúng con, chúng con tạ ơn Cha vì sự sống và ơn hiểu biết mà Cha đã tỏ cho chúng con nhờ Đức Giê-su, người tôi tớ của Cha, tung hô Cha vinh hiển muôn đời… Không ai được ăn uống bánh rượu của nghi thức tạ ơn, nếu họ chưa được thanh tẩy nhân danh Cha… Khi đã no thỏa, anh em hãy tạ ơn thế này: Lạy Cha chí thánh, chúng con tạ ơn Cha vì danh thánh của Cha, Cha đã đặt trong lòng chúng con ngai tòa cho danh Cha ngự trị. Chúng con tạ ơn Cha vì Cha đã ban ơn hiểu biết, ơn đức tin và phúc trường sinh bất tử, là những ơn Cha đã tỏ bày cho chúng con nhờ Đức Giê-su, người tôi tớ của Cha. Tung hô Cha vinh hiển đến muôn đời.”[7]

  1. Đức Giê-su dâng lời tạ ơn

Chúc tụng và cảm tạ là những thái độ căn bản của Do thái giáo. Quả thực, khi tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ qua công cuộc sáng tạo và qua lịch sử của con người, thì người ta đáp lại tình yêu ấy bằng lời chúc tụng và cảm tạ. Khi Đức Chúa dùng những kỳ công mà phán dạy dân Ngài, thì họ cũng dùng những lời ca tụng và cảm tạ để đáp lại những kỳ công ấy. Khi tình yêu Chúa tuôn đổ dồi dào xuống trên đời sống của Israel, thì họ cũng không làm gì khác hơn là hân hoan đón nhận tình yêu ấy trong niềm tri ân và chúc tụng.

Chính trong bối cảnh tôn giáo ấy “Lời nguyện của Đức Giê-su tại bữa tiệc ly không phải chỉ là lời cảm tạ bộc phát trong một hoàn cảnh đặc biệt mà thôi, nhưng là phản ảnh của cả cuộc sống không ngừng tạ ơn của Ngài. Nói cách khác, trọn cuộc sống của Đức Giê-su là một lời cảm tạ liên tục. Lời cảm tạ ấy được cô đọng lại nơi Nhiệm tích Thánh Thể, trong đó Ngài hiến toàn thể cuộc sống để cảm tạ Thiên Chúa. Vì thế, cử hành Bí tích này chính là thể hiện tinh thần cảm tạ như Đức Giê-su đã thực hiện, nghĩa là, qua Bí tích này, ta phải dâng lên Thiên Chúa toàn thể cuộc sống của ta để cảm tạ và chúc tụng Ngài về muôn hồng ân Ngài hằng tuôn đổ dồi dào xuống trên ta từng giây từng phút.”[8]

Thánh lễ là “Cuộc tạ ơn” bởi vì đây chính là hành động cảm tạ của Đức Giê-su: “Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các môn đệ và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”” (Lc 22,19); “Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy”. Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này” (Mt 14,22-23); “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.”” (1Cr 11,23-24). “Khi tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa như vậy, Đức Giê-su đã giữ tập tục của người Do thái. Trong tiệc vượt qua cũng như trong các bữa ăn long trọng khác, gia chủ bao giờ cũng đọc một lời tạ ơn hoặc chúc tụng để cảm tạ các hồng ân Thiên Chúa. Cảm tạ vì Ngài đã tạo thành thế giới, đã ban lương thực cho loài người, đã chọn dân riêng, giải thoát rồi đưa về đất hứa”[9].

Chính trong Bữa tiệc ly, lúc sắp hoàn thành công trình cứu độ, Đức Giê-su đã dâng lời tạ ơn. Người đã chúc tụng Cha vì tình yêu hào phóng mà Cha tỏ hiện trong việc ký kết một Giao ước mới và muôn đời[10]

  1. Hội thánh dâng lời tạ ơn

Trong Kinh vinh danh chúng ta đọc: “…Chúng con cảm tạ Chúa vì vinh quang cao cả Chúa…”, câu này cho chúng ta biết rằng chúng ta cảm tạ Chúa vì vinh quang của Chúa. Đây là cách diễn tả một lời cảm tạ thuần túy, chúng ta yêu mến và cảm tạ Thiên Chúa không chỉ vì những điều Người làm cho chúng ta, nhưng vì chính Người, tức là vì tình yêu và sự tốt lành rực rỡ của Người.[11]

Tạ ơn là tri ân Thiên Chúa về sự tốt lành và hoạt động của Người trong lịch sử. Đây là một hành động thờ phượng phổ biến trong Kinh thánh từ Cựu ước đến Tân ước. Những lời “Tạ ơn Chúa” được thánh Phao-lô sử dụng để tạ ơn Chúa vì Người đã giải thoát thánh nhân khỏi tội lỗi và sự chết (Rm 7,25; 1Cr 15,57). Bởi vì toàn thể Kinh thánh rốt cuộc quy vào công trình cứu chuộc của Chúa Ki-tô, nên thật thích hợp khi chúng ta đáp lại các bài đọc sách thánh được công bố trong phụng vụ bằng cùng lối diễn tả lòng biết ơn mà thánh Phao-lô đã sử dụng khi thánh nhân vui mừng tạ ơn vì chiến thắng của Chúa Ki-tô trên thập giá: Tạ ơn Chúa.[12]

Việc tạ ơn trong Thánh lễ không phải chỉ là một tâm tình, nhưng được khách quan hóa và cụ thể hóa trong chính lễ vật. Lời cảm tạ của cộng đoàn được biểu thị bởi bánh và rượu. Mặc dù đây là kết quả của sức lao động của con người, ta vẫn phải dâng lên và cảm tạ Thiên Chúa, ví chính Thiên Chúa ban bánh rượu này cho ta qua hoa mầu ruộng đất, qua nắng mưa, khí hậu thuận hòa…Nhưng nếu chỉ dâng bánh rượu thì việc tạ ơn của chúng ta rất hữu hạn và thô thiển. Thực ra bánh rượu chưa phải là lễ vật, chỉ biểu thị lễ vật và chất liệu sẽ biến thành lễ vật. Lễ vật đích thực chỉ hiện diện sau khi truyền phép, chính là Mình Máu thánh Đức Giê-su. Bởi thế, trong Thánh lễ, chúng ta tạ ơn Chúa bằng chính Con Ngài. Chính Đức Giê-su là lời ca tụng, tạ ơn sống động và tuyệt hảo của chúng ta. Ngài ca tụng, tạ ơn Thiên Chúa. Trong Ngài và cùng với Ngài, chúng ta góp lời ca tụng và tạ ơn của chúng ta. Một lời ca tụng và cảm tạ như vậy chắc chắn sẽ được Chúa Cha vui nhận. Chính mầu nhiệm Đức Ki-tô làm cho lời tạ ơn của Ngài có giá trị vô tận. Là người, Đức Giê-su thấu hiểu tình trạng hữu hạn, thiếu thốn, nghèo nàn của chúng ta. Là Thiên Chúa, Ngài biết rõ vinh quang của Chúa Cha. Giữa con người và Thiên Chúa có khoảng cách vô tận. Chỉ mình Đức Giê-su mới lấp đầy được khoảng cách đó. Ngài lấp đầy bằng lời cảm tạ của Ngài.[13]

“Thánh lễ lặp lại việc Chúa Giê-su đã cầm bánh và rượu, đọc lời tạ ơn lên Chúa Cha. Tâm tình này không chỉ gói gém nơi lời truyền phép của chủ tế nhưng bao trùm toàn bộ buổi cử hành”[14]. Theo gương Đức Ki-tô, vâng lệnh Ngài và dưới sự tác động của Thánh Thần, Hội thánh cũng dâng lời tạ ơn Chúa Cha. Lời tạ ơn của Hội thánh được thể hiện cách đặc biệt qua Kinh Nguyện Thánh Thể (Kinh Tạ Ơn). “Các học giả ghi nhận rằng, Kinh tạ ơn bắt nguồn từ những lời nguyện tại bàn ăn của người Do thái trong mỗi bữa ăn”.[15]

Kinh Tạ Ơn là tâm điểm và cao điểm của toàn bộ việc cử hành. Linh mục mời gọi cộng đoàn hướng tâm hồn lên để cầu nguyện và tạ ơn Thiên Chúa, đồng thời liên kết họ với mình trong lời cầu nguyện, để nhân danh tất cả cộng đoàn dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha, nhờ Đức Giê-su Ki-tô và trong Chúa Thánh Thần. Ý nghĩa của lời cầu nguyện này là để toàn thể cộng đoàn tín hữu kết hợp với Đức Ki-tô mà tuyên xưng những kỳ công của Thiên Chúa. Trong Kinh Tạ Ơn, Linh mục nhân danh toàn thể Hội thánh ngợi khen Thiên Chúa và cảm tạ Ngài về tất cả công trình cứu độ, hoặc vì lý do nào đặc biệt, tùy ngày, tùy lễ, tùy mùa khác nhau. (x. QCTQ Sách lễ Rô-ma, số 78,79)

“Đối tượng của Kinh Tạ Ơn là công trình của Thiên Chúa đã thực hiện trong lịch sử cứu độ, từ khi tạo dựng vũ trụ để bộc lộ tình thương, rồi thiết lập giao ước với con người để kết nghĩa với chúng; mặc dầu con người phản bội nhưng Thiên Chúa tiếp tục thương yêu nó và sai chính Con Một để cứu chuộc nó và thiết lập giao ước vĩnh viễn; công trình thánh hóa còn được kéo dài nhờ tác động của Thánh Linh cho đến khi tất cả vạn vật được quy tụ vào một gia đình con cái Chúa”[16]

“Kinh Tạ Ơn là cao điểm của Thánh lễ, đến nỗi danh xưng của nó (Eucharistica) được dùng để gọi toàn thể cuộc cử hành Thánh lễ. Bản chất của nó là lập lại lời tạ ơn mà Đức Giê-su đã đọc trong Bữa Tiệc Ly.”[17]

Kinh Tạ Ơn gồm tám yếu tố: 1/lời tiền tụng, 2/tung hô, 3/lời cầu khẩn Chúa Thánh Thần, 4/tường thuật lập Bí tích Thánh Thể, 5/tưởng niệm, 6/dâng tiến, 7/chuyển cầu, 8/vinh tụng ca kết thúc (QCTQ Sách lễ Rô-ma, số 79). Ở đây không phân tích cả tám yếu tố, nhưng chỉ dừng lại ở những yếu tố nhấn mạnh hơn đến việc tạ ơn, yếu tố thứ nhất (Kinh Tiền Tụng) và yếu tố thứ tư (tường thuật lập Bí tích Thánh Thể)

Kinh Tạ Ơn bắt đầu với Kinh Tiền Tụng, trong Kinh Tiền Tụng, sau lời đối đáp, chủ tế mời gọi chúng ta: “Hãy tạ ơn Chúa là Thiên Chúa chúng ta…thật là chính đáng”. “Có rất nhiều điều để chúng ta dâng lời tạ ơn vào giây phút này trong Thánh lễ. Như dân Israel xưa, là những người tạ ơn Chúa vì đã giải thoát họ khỏi quân thù, thì bây giờ, chúng ta cũng phải tạ ơn Thiên Chúa đã sai Con của Người, tức là Đức Giê-su, đến cứu chúng ta khỏi tội lỗi và ác thần. Hành động cứu độ nhờ sự chết và sự sống lại của Chúa Ki-tô sắp được hiện tại hóa cho chúng ta trong phụng vụ, vì thế chúng ta khiêm nhường diễn tả lòng biết ơn”[18]

Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo số 1352 nói về Kinh Tiền Tụng như sau: “Trong Kinh Tiền Tụng, Hội thánh dâng lời tạ ơn Chúa Cha, nhờ Đức Ki-tô, trong Chúa Thánh Thần, về tất cả các công trình của Ngài, các công trình tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa. Lúc đó toàn thể cộng đoàn kết hợp với lời ca vô tận của Hội thánh trên trời, các thiên thần và toàn thể các thánh, tán tụng Thiên Chúa ba lần thánh

Kinh Tiền Tụng chia làm ba phần: phần mở (một lời chúc tụng – tạ ơn); phần chính (lý do tạ ơn); phần kết (dẫn vào kinh Sanctus). Lấy một ví dụ là Kinh Tiền Tụng riêng của Kinh Tạ Ơn II

Phần mở: “Lạy Cha chí thánh, nhờ Con yêu quý của Cha là Chúa Giê-su Ki-tô, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con”. Hội thánh tạ ơn Chúa Cha là nhờ Đức Giê-su Ki-tô, khi tạ ơn Chúa Cha, Hội thánh vừa chu toàn bổn phận, vừa được ơn cứu độ.[19]

Phần chính, lý do tạ ơn: “Người là Ngôi Lời của Cha, nhờ Người, Cha đã tạo dựng muôn loài, Người được Cha sai đến làm Đấng cứu độ và chuộc tội chúng con. Người đã nhập thể nởi phép Chúa Thánh Thần, và được Đức Trinh Nữ sinh ra. Để chu toàn thánh ý Cha và để gầy dựng cho Cha một dân tộc thánh thiện, Người đã dang ta chịu khổ hình để tiêu diệt sự chết và biểu hiện sự sống lại”. Hội thánh tạ ơn Chúa Cha vì Người đã dùng Ngôi Lời vĩnh cửu mà sáng tạo muôn loài. Hội thánh tạ ơn Chúa Cha vì Đức Giê-su đã chu toàn thánh ý Chúa Cha và gầy dựng cho Cha một dân tộc thánh thiện…[20]

Phần kết: Hội thánh đồng thanh với triều thần thánh chúc tụng ngọi khen Chúa Cha.

Yếu tố thứ tư của Kinh Tạ Ơn là “tường thuật bữa tiệc ly”. Dưới khía cạnh phụng vụ, tường thuật bữa tiệc ly và ý định của Chúa Giê-su là yếu tố cốt yếu của Kinh Tạ Ơn. Tân ước có bốn bản tường thuật về bữa tiệc ly (Mt 26,26-28; Mc 14,22-24; Lc 22,19-20; 1Cr 11,23-26), các bản văn này ra như chỉ gói gọn trong bốn động từ: tạ ơn, bẻ ra, trao cho, nói. Lấy một ví dụ trong Kinh Tạ Ơn II: “Khi tự nguyện nộp mình chịu khổ hình, Người cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói: Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn, vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con; cùng một thể thức ấy, sau bữa ăn tối, Người cầm lấy chén, cũng tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói: tất cả các con hãy nhận lấy mà uống…”. Một động từ “tạ ơn” được dùng cho cả hai cử chỉ của Chúa Giê-su (“Người cầm lấy bánh, tạ ơn”… “Người cầm lấy chén, cũng tạ ơn”)[21].

III. Kết luận

Việc tạ ơn trong Thánh lễ không chỉ hiểu theo nghĩa hẹp như một lời cảm ơn đơn giản hay biết ơn và tri ân về những hông ân chúng ta đã nhận, vì nếu thế thì đó chỉ là một thái độ quy về chúng ta, hướng về những ân huệ hơn là Đấng ban phát ân huệ, nhưng còn phải là việc nói lên lòng mong ước của chúng ta được vào trong sự hiệp thông với Đấng mặc khải chính mình trong các kỳ công của Ngài.

Như vậy, có thể nói, việc tạ ơn không chỉ đơn thuần là một trong các phương diện của Thánh lễ. Việc tạ ơn chính là tâm điểm của Thánh lễ, của việc cử hành Thánh Thể. Chính việc tạ ơn chi phối việc công bố của chúng ta về các kỳ công của Thiên Chúa và chi phối lời van xin của chúng ta cho các kỳ công đó đạt đến viên mãn. Chính việc tạ ơn hướng chúng ta đến việc thánh hiến trọn cuộc sống chúng ta cho Thiên Chúa và làm cho sự hiệp nhất của chúng ta với của lễ của/là Đức Ki-tô trong Chúa Thánh Thần mang một ý nghĩa. Cũng chính việc tạ ơn này buộc chúng ta phải có tình hiệp thông huynh đệ và đạt đến viên mãn trong sự chia sẻ Thịt và Máu của Đức Ki-tô.[22]

Mát-ti-nô Trần Nguyễn Minh Hiến

THƯ MỤC THAM KHẢO

  1. Kinh thánh

Kinh Thánh (Bản dịch của nhóm CGKPV), Tp.HCM, 2011.

  1. Tài liệu huấn quyền

– Sách giáo lý Hội thánh Công giáo (Bản dịch của Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin), Hà nội, 2012.

– Sách lễ Rôma (Bản dịch của Ủy Ban Phụng Tự), 1992.

– Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma (2002) (Bản dịch của Học Viện Thánh Thể), 2014.

  1. Sách

– Bearbeitet von Gunter Koch, Bí tích học qua các tác giả

– Edward Sri, Tìm hiểu Thánh lễ, Học viện Đa minh, 2016

– Laurent Cote, Hy lễ tạ ơn của cộng đồng dân Chúa, bd. Nguyễn đức việt Châu, Tủ sách Thánh Thể.

– Nguyễn phúc Thuần, Thánh Thể – Hy lễ tạ ơn, Tủ sách Eymard, 1988

– Nguyễn văn Tuyên, Đây là mầu nhiệm đức tin, Nxb. Tôn giáo, 2001

– Phạm đình Ái, Để nhớ đến Thầy. Tp. HCM: Phương Đông, 2014.

– Phan tấn Thành, Đời sống tâm linh tập IX. Học viện Đa minh, 2011.

– Phan tấn Thành, Đời sống tâm linh tập VII. Học viện Đa minh, 2007.

– Phan tấn Thành, Đời sống tâm linh tập X. Học viện Đa minh, 2012.


[1] Xc. Sách GLHTCG, số 1328-1332.
[2] Xc. Sđd, số 1359-1360.
[3] Sđd, số 1408.
[4] Bearbeitet von Gunter Koch, Bí tích học qua các tác giả, tr. 404-405.
[5] Xc. Phan tấn Thành, Đời sống tâm linh tập VII, Học viện Đa minh (2007), tr. 208-209.
[6] Xc. Phạm đình Ái, Để nhớ đến Thầy, nxb. Phương Đông, tr. 243.
[7] Trích lại trong Bearbeitet von Gunter Koch, Bí tích học qua các tác giả, tr. 363-364.
[8] Nguyễn phúc Thuần, Thánh Thể – Hy lễ tạ ơn, Tủ sách Eymard, tr. 95-96.
[9] Nguyễn văn Tuyên, Đây là mầu nhiệm đức tin, Nxb. Tôn giáo, tr. 11.
[10] Xc. Laurent Cote, Hy lễ tạ ơn của cộng đồng dân Chúa, bd. Nguyễn đức việt Châu, Tủ sách Thánh Thể, tr. 44-45.
[11] Xc. Edward Sri, Tìm hiểu Thánh lễ, Học viện Đa minh, tr. 60.
[12] Xc. Edward Sri, Tìm hiểu Thánh lễ, Học viện Đa minh, tr. 78-79.
[13] Xc. Nguyễn văn Tuyên, Đây là mầu nhiệm đức tin, Nxb. Tôn giáo, tr. 14.
[14] Phan tấn Thành, Đời sống tâm linh tập IX, Học viện Đa minh (2011), tr. 162.
[15] Edward Sri, Tìm hiểu Thánh lễ, Học viện Đa minh, tr. 114.
[16] Phan tấn Thành, Đời sống tâm linh tập IX, Học viện Đa minh (2011), tr. 63.
[17] Phan tấn Thành, Đời sống tâm linh tập X, Học viện Đa minh (2012), tr. 186.
[18] Edward Sri, Tìm hiểu Thánh lễ, Học viện Đa minh, tr. 120.
[19] Xc. Phạm đình Ái, Để nhớ đến Thầy, nxb. Phương Đông, tr. 324-325.
[20] Xc. Phạm đình Ái, Để nhớ đến Thầy, nxb. Phương Đông, tr. 325.
[21] Xc. Phan tấn Thành, Đời sống tâm linh tập X, Học viện Đa minh (2012), tr. 195-216.
[22] Xc. Laurent Cote, Hy lễ tạ ơn của cộng đồng dân Chúa, bd. Nguyễn đức việt Châu, Tủ sách Thánh Thể, tr. 43-53.