TÁM CỘT TRỤ XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG

Áp dụng tám cột trụ về đời sống thiêng liêng mà đã được thực nghiệm này có thể đem lại nhiều ích lợi trong việc thăng tiến một đời sống thiêng liêng sâu sắc và có sức biến đổi trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của con người.

Đời sống thiêng liêng như là dòng nước sự sống tuôn chảy từ những ngõ ngách sâu thẳm của trải nghiệm thiêng liêng của chính chúng ta. Trong đời sống thiêng liêng, mỗi người uống từ nguồn nước của chính bản thân họ (Thánh Bênađô Viện Phụ).

Bằng những trải nghiệm đó, Ngài nhắc cho chúng ta rằng: sự thăng tiến đời sống thiêng liêng không phải là thứ gì đó mà chúng ta trao cho người khác được, chúng ta phải chịu trách nhiệm về chính bản thân mình. Điều này cũng được nói đến trong Kinh Thánh: “Chính vì thế, anh em hãy đem tất cả nhiệt tình, làm sao để khi đã có lòng tin thì có thêm đức độ, có đức độ lại thêm hiểu biết, có hiểu biết lại thêm tiết độ, có tiết độ lại thêm kiên nhẫn, có kiên nhẫn lại thêm đạo đức” (2 Phêrô 1:5-6). Dưới đây là tám cột trụ để xây dựng đời sống thiêng liêng.

  1. Tình yêu

Không có một đời sống thiêng liêng thật sự nếu thiếu vắng tình yêu, tình yêu đối với Thiên Chúa và con người. Khi người thông luật hỏi Đức Giêsu điều răn nào quan trọng nhất, Ngài trả lời “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, là: ” Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình, không có điều răn nào cao trọng hơn những điều này” (Maccô12:29-31). Bằng lời dạy này, Chúa Giêsu xác tín với chúng ta rằng, niềm tin của chúng ta phải tương thích với hành xử của chúng ta và sự tin kính của chúng ta phải hòa hợp với đời sống chúng ta.

Một trong những mẫu gương điển hình cho chúng ta về lối sống này là một thương nhân người Mỹ tên là Arthur Nash. Là một người có niềm tin sâu sắc, Nash đã nhận thấy mình rơi vào tình huống khó khăn. Người chủ Xí Nghiệp, là người thuê mặt bằng của Nash, đang điều hành một Xí Nghiệp, bóc lột công nhân tàn tệ. Chỉ là người cho thuê mặt bằng, Nash không biết nhiều về việc kinh doanh của người chủ này, nhưng khi công việc kinh doanh thất bại, người chủ này đã không thể trả tiền thuê mặt bằng cho Nash, Nash đã mua lại Xí Nghiệp.

Khi đến thời điểm trả tiền cho công nhân, Nash đã bị sốc khi biết rằng những công nhân làm việc trong Xí Nghiệp dệt may này chỉ được trả bốn đô la một tuần, một số tiền rất thấp, cho dù đó là thời điểm năm 1918. Điều này làm cho Nash rất buồn, nó đặt Nash vào tình huống tiến thoái lưỡng nan về khía cạnh đạo đức, một mặt thì công việc kinh doanh của riêng Nash đang rơi vào tình trạng khó khăn, Xí Nghiệp của Nash thua lỗ năm qua, mặt khác anh ta muốn trả lương xứng đáng cho những công nhân. Nash nói với con trai rằng, anh ta muốn tăng lương cho công nhân, con trai anh phản đối việc này, và nhắc anh rằng điều kiện tài chính của họ đang ngày càng suy kiệt.

Tuy thế, Nash đã quyết định, ngày nào Xí Nghiệp còn hoạt động thì ngày đó anh trả lương tương xứng với sức lao động của công nhân. Anh gọi tất cả công nhân lại và nói rằng: “Tôi muốn mọi người biết rằng, tình huynh đệ là điều quan trọng với tôi, tất cả mọi người là anh em, chị em của tôi, chúng ta đều là con cái của Cha trên trời, vì thế tất cả mọi người sẽ được đãi ngộ cách công bằng và tốt lành. Ngày nào tôi còn điều hành Xí Nghiệp này tôi sẽ đãi ngộ mọi người như thể anh chị em tôi. Đây là nguyên tắc vàng của tôi”. Nash nói thêm rằng, tôi sẽ tăng lương gấp ba cho những người đang hưởng mức lương thấp nhất, và gấp đôi cho những người đang hưởng mức lương cao nhất. Đừng ngạc nhiên về điều này, công việc kinh doanh đã bắt đầu phát triển.

Mỗi người chúng ta chịu trách nhiệm về sự thăng tiến đời sống thiêng liêng của mình, trong sự mở rộng tâm hồn và cộng tác với Thiên Chúa”

  1. Phản tỉnh

Chỉ có thể ý thức được bản thân trọn vẹn khi có sự phản tỉnh thật sâu trong lòng một cách nghiêm túc. Có một vài câu hỏi sẽ hổ trợ cho chúng ta trong tiến trình này: Tại sao tôi có mặt ở cuộc đời này? Mục đích của tôi là gì? Tôi muốn gì trong cuộc đời này? Tôi muốn trở thành con người như thế nào? Sự phản tỉnh này rất quan trọng, đặc biệt cho những người đang gặp thử thách và khó khăn trong cuộc sống.

Một người phụ nữ đau buồn khi biết rằng mình bị bệnh Đa Xơ Cứng. Nhưng sau khi phản tỉnh cách sâu xa, bà ta đi đến kết luận rằng: “ Bệnh Đa Xơ Cứng đã khiến tôi sống chậm lại, và đã giúp tôi thực hiện một cuộc hành trình vất vả từ “làm người” đến “là người” [ngược lại?]. Tôi không còn cảm thấy rằng giá trị của tôi hệ tại ở những gì tôi đã làm được, mà tôi là ai, tất cả những điều khác chỉ có giá trị ở trần thế. Tôi hướng đến tương lai mà không hiểu biết và nhận thức rằng có những điều nhìn có vẻ tiêu cực nhưng lại mang đến những điều tốt lành.

  1. Thầy dạy

Muốn thăng tiến trong đời sống thiêng liêng cũng cần sự học hỏi từ một người thầy, người có thể chỉ dẫn, dạy bảo, linh hướng và khuyên răn những điều khôn ngoan. Người thầy có thể giúp ta hạn chế tối đa sự buông xuôi chán chường và tránh những vấp ngã trên hành trình thiêng liêng.

Một người đàn ông [trong tiếng Anh: a man” đôi khi chỉ dịch là 1 người] nói: “Không ít người nghĩ rằng họ có thể đi một mình trên hành trình thiêng liêng. Họ đang lừa dối mình mà thôi. Chính bản thân tôi, tôi nhớ có một giai đoạn tôi đã thực hành quan điểm sai lầm này và thế là tôi đi tới đường cụt, không biết đi về đâu”

Trong cuốn sách của nhà thơ Maya Angelou có tựa đề “Giờ Đây, Tôi Không Mang Theo Gì Trên Cuộc Hành Trình”, cô nói về cách thức vị linh hướng hướng dẫn đời sống thiêng liêng của cô, ông yêu cầu cô đọc to một đoạn văn và kết thúc bằng câu nói “Chúa yêu tôi”. Cô đã đọc một lần rồi gấp sách lại, nhưng vị linh hướng yêu cầu cô đọc đi đọc lại nhiều lần câu này. Cô diễn tả những điều đã xảy ra: “Lập lại câu “Chúa yêu tôi” đến lần thứ bảy, tôi đã bắt đầu cảm nhận rằng có một sự siêu nhiên trong câu nói này, Chúa thật sự rất yêu tôi. Chính tôi, Maya Angelou. Tôi bất chợt bật khóc vì ân sủng này. Tôi biết rằng nếu Chúa yêu tôi, thì tôi có thể làm được những điều tuyệt vời. Tôi đã cố gắng làm những việc lớn lao, học mọi thứ, tất cả đều thành công. Điều gì có thể tách tôi ra khỏi Chúa, bởi vì bất cứ ai ở lại trong tình yêu Chúa sẽ có sức mạnh không lường.

  1. Thực hành

Chuyên chăm trong những thực hành thiêng liêng như cầu nguyện, ăn chay, nguyện ngẫm và học hỏi Thánh Kinh sẽ giúp thăng tiến đời sống thiêng liêng. Wayne Teasdale, tác giả của cuốn sách “Trái Tim Huyền Nhiệm” viết: “Những thực hành thiêng liêng là phương thế giúp thăng tiến và thay đổi tận căn…Nhờ những thực hành thiêng liêng nghiêm túc này chúng ta sẽ đạt được năng lực biến đổi tận căn. Không có những thực hành này, đời sống thiêng liêng sẽ trống rỗng, hời hợt và hình thức. Ngoài ra những thực hành này sẽ hình thành nên sự hiểu biết, tính cách, ý chí, thái độ và những hành động của chúng ta nhờ ánh sáng của niềm hăng say và lòng yêu mến.

  1. Thinh lặng

Hầu hết người ta cầu nguyện bằng lời nói, ít người lắng nghe trong thinh lặng. Nguyện cầu là nói chuyện với Chúa, nguyện ngẫm là lắng nghe tiếng Chúa.

Trong Thánh Kinh có rất nhiều câu nói về sự thinh lặng thiêng liêng. Thường thì những đoạn Kinh Thánh này xuất hiện rất nhiều từ “đợi chờ” Thiên Chúa. Một vài ví dụ: Sách Aica 3:24 “Chúa là phần sản nghiệp của tôi, do đó tôi hy vọng nơi Ngài”; Sách Ngôn Sứ Mikha 7:7 “Phần tôi, tôi đợi trông Thiên Chúa”; Thánh Vịnh 46:10 cho biết: sự nhận biết Thiên Chúa sâu xa chỉ có trong thinh lặng, và trong cô tịch cầu nguyện chúng ta có thể nhận ra đường lối của Thiên Chúa: “Hãy kiên trì và biết rằng ta là Đức Chúa”

  1. Nghiên cứu

Tiềm kiếm những quyển sách và các bài báo viết về một bậc thầy của đời sống thiêng liêng. Học hỏi vị thầy đó. Một phụ nữ chia sẻ bước đầu tiên của mình trong “tiến trình đạt được một đời sống thiêng liêng sâu xa” đó là so sánh đời sống thiêng liêng của mình với một bậc thầy của đời sống thiêng liêng trong mối tương quan với Chúa. “Tôi nhận ra rằng việc học hỏi gương của một bật thầy của đời sống thiêng liêng giúp cho tôi có cái nhìn sâu hơn về lĩnh vực này”. Tôi đã chọn thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu là vị thầy thiêng liêng của tôi. Cô nói thêm: “Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã nắm bắt trí tưởng tượng của tôi, Ngài làm cho tôi khao khát tìm hiểu sâu hơn nữa và truyền cảm hứng cho tôi.”

Dành thời gian để tìm kiếm vị thánh của chính mình. Học từ vị thánh này nhiều nhất có thể. Nghiên cứu những bài viết, tiểu sử và xem những tư liệu về Ngài. Bước kế tiếp là tự vấn “Làm cách nào tôi có thể áp dụng và thực hành những điểm nổi bật của vị Thánh này? Cuối cùng là sống những nhân đức nổi bật bạn thích của vị Thánh trong đời sống của chính bạn.

  1. Thiên nhiên

Hãy để thiên nhiên dưỡng nuôi đời sống thiêng liêng của bạn. Điều này thật diệu kì. Thánh Irênê thành Lyon đã nói: “Vũ hoàn mặc khải về Thiên Chúa, đấng tạo dựng lên nó”. Sau đó thánh Giáo Phụ Origen đã dạy rằng: “Sự song song giữa thiên nhiên và Thánh Kinh thật hoàn hảo, và chúng ta phải tin một điều rằng người đặt những câu hỏi về thiên nhiên và kẻ đặt những nghi vấn về Thánh Kinh chắc chắn sẽ có cùng một câu trả lời”.

Hãy để tôi trích một ví dụ về một người đương thời để thiêng nhiên nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng của mình. Mỗi ngày sau giờ học, cậu con trai của một thầy Rabbi lỗi lạc trở về nhà, cậu để cặp trong phòng mình, sau đó cậu rời khỏi nhà bằng cửa hậu đến một cánh rừng gần nhà. Sau một vài tuần quan sát hành động này, thầy Rabbi hỏi con trai mình: “Con trai, bố biết mỗi ngày con đều rời khỏi nhà và ra ngoài cánh rừng. Con làm gì ngoài đó thế? Cậu bé trả lời bố: “Bố không cần phải lo lắng đâu, con ra cánh rừng mỗi ngày để cầu nguyện thôi mà. Tại cánh rừng đó con có thể nói chuyện với Chúa”. Cảm thấy nhẹ nhõm, thầy Rabbi nói: “Đó là điều tốt, thế nhưng, là con của thầy Rabbi, con nên biết rằng Chúa ở khắp mọi nơi.” Cậu bé đáp lại cách khôn ngoan trước tuổi rằng: “Vâng thưa bố, con biết là Chúa thì ở khắp mọi nơi, nhưng con thì không như thế.”

  1. Phục vụ

Và cuối cùng, đời sống thiêng liêng và phục vụ liên quan chặt chẽ với nhau. Thánh Têrêsa thành Calcutta là một tấm gương tuyệt vời cho chúng ta về sự phục vụ, người đã truyền cảm hứng về việc phục vụ cho toàn thế giới. Một người được mọi người khâm phục và mến mộ vì một đời sống thiêng liêng sâu lắng và một cuộc đời tận hiến phục vụ cho những người bị bỏ rơi bên lề xã hội.

Một lời khuyên mà Mẹ Têrêsa luôn khuyên nhủ chị em của mình, hay bất cứ ai muốn đạt được một đời sống thiêng liêng sâu sắc cần phải thực hành: “Chị em thân mến, tôi tha thiết mời gọi chị em để tâm nhiều hơn nữa trong việc phục vụ người nghèo cách vô vị lợi, tại địa phương nơi chị em đang phục vụ. Mỗi người trong chị em, phải cố gắng tìm kiếm những người cô đơn, người bị bỏ rơi, người tàn tật. Nhiều khi chỉ là một nụ cười, một cuộc viếng thăm ngắn ngủi, châm ngọn đèn dầu cho ai đó, đọc một vài trang sách cho người nào đó. Nhỏ bé, vâng rất nhỏ bé thôi, nhưng nó diễn tả tình yêu Chúa nơi chị em. Tinh thần đơn sơ nhỏ bé này phải khởi đi từ trái tim của mình đến gia đình, hàng xóm, thành phố, quốc gia và toàn thế giới.

Victor M. Parachin
Chuyển ngữ: Phê-rô Tống Duy Thịnh, SSS