“Bạn quý trọng điều gì nhất? Bạn nhìn nhận thế giới này như thế nào? Peter Feldmeier nhận định rằng nếu bạn sẵn lòng tự trả lời những câu hỏi này, bạn đang trong tiến trình xác định linh đạo của riêng của mình.”
Những lời này mở đầu cho bài phỏng vấn với Feldmeier, Giáo sư Phân Khoa Công Giáo tại trường Đại học Toledo, được phát hành vào tháng 5 năm 2016 trên báo “Công Giáo Hoa Kỳ”. Ông đã nhấn mạnh rằng: “Xây dựng mối tương quan với Thiên Chúa là một tiến trình biến đổi lâu dài. Chìa khóa là trên hết hãy khám phá ra trái tim bạn đang đặt ở đâu.”
Feldmeier định nghĩa linh đạo như: “hạn từ quan trọng hơn cả, miêu tả sự lôi cuốn vào những thứ siêu việt, những mục tiêu và mục đích tối hậu. Nó đòi hỏi sự kết nối và tận tâm của ai đó với những đường lối siêu việt lôi cuốn. Những người trung thành với tôn giáo, bất kể Kitô giáo hay không, có một cảm thức về sự siêu việt hay một cảm thức về sự mật thiết thúc đẩy người ta phải cố gắng sống làm sao cho trọn cuộc sống, lòng đạo đức, các nhân đức và các giá trị.”
Những nhận xét của Felmeier làm nổi bật định nghĩa của Richard McBrien về “sống linh đạo” trong tác phẩm vĩ đại của ông “Đạo Công Giáo” (1976): ““Sống linh đạo” có nghĩa là hiểu và sống theo tri thức có được do trải nghiệm trong cuộc sống hơn là chỉ được nhìn thấy. Hơn hết, “sống linh đạo” có nghĩa là hiểu và sống theo tri thức mà Thiên Chúa hiện diện với chúng ta trong ân sủng như là nguyên lý của sự biến đổi cá nhân, sự biến đổi giữa cá nhân với nhau, sự biến đổi xã hội và ngay cả sự biến đổi vũ trụ. “Đón nhận Thần Khí” là hoàn toàn chấp nhận con người của chúng ta, con người chúng ta sẽ trở nên và định hướng cuộc sống của chúng ta sao cho phù hợp trong sự đáp trả với ân sủng của Thiên Chúa bên trong chúng ta.”
MỞ ĐẦU
Câu trả lời cho các câu hỏi: “Bạn quý trọng điều gì nhất?” và “Bạn nhìn nhận thế giới này như thế nào?” rất đơn giản đối với bản thân tôi.
Những điều quan trọng nhất trong đời sống đức tin của tôi với vai trò là một Kitô hữu, một tu sỹ và một linh mục, đó chính là Thánh Thể, sự tưởng niệm cái chết và sự phục sinh của Chúa và là nơi gặp gỡ và kết hiệp thân mật với Chúa Phục Sinh.
Đây cũng là mầu nhiệm dưỡng nuôi những suy tư về đạo của tôi. Những bữa tiệc biểu tượng mà Chúa Giêsu cử hành và sẻ chia với những người khác trên cuộc hành trình của Người lên Giêrusalem đánh động niềm hy vọng của tôi về ơn cứu độ của riêng tôi, của thế giới và toàn thể nhân loại. Trải nghiệm về bữa tiệc với Chúa nơi bàn tiệc Thánh Thể là nền tảng cho linh đạo và là cảm hứng cho ơn gọi sứ vụ của tôi. Đây chính là nơi mà trái tim tôi đã đặt để.
Tôi tin rằng linh đạo Thánh Thể tuôn chảy không những dựa trên những gì Chúa Giêsu đã nói tại bàn ăn vào đêm trước khi Người chịu chết mà còn những việc Người đã làm.
Bài nghiên cứu có tính chất đột phá của một tác giả trường phái Luther người Đức và là học giả Tân Ước, Joachim Jeremias, trong tác phẩm “Những Lời Thánh Thể của Chúa Giêsu” (1966) và trong các bài viết khác, đã đóng góp tích cực cho sự hiểu biết của chúng ta về khá nhiều tầng lớp ý nghĩa và truyền thống (Lễ Vượt Qua, hiến tế, tưởng nhớ, bàn tiệc Mêsia…) ẩn dưới những lời nói của Chúa khi Người sẻ chia Bữa Tiệc Sau Hết với các môn đệ của Ngài trong Phòng Tiệc Ly.
Cuộc Xuất Hành mới, được thực hiện trong việc hiến thân mình của Chúa và tuôn đổ máu của Người trên thập giá tại đồi Canvê ngày đó, là để thứ tha tội lỗi trong quyền năng tha tội của cuộc khổ nạn của Chúa. Vui mừng trong chân lý này, không ai trong chúng ta có thể nghe hay đọc những lời của sự hiến dâng giống như chúng ta đã làm trước khi chúng ta hiểu biết về nó.
Tôi tin rằng hành động của Chúa Giêsu tại bàn tiệc đêm đó – cầm lấy, chúc tụng, bẻ ra và trao ban bánh và rượu của Thánh Thể, minh chứng một cách hùng hồn cho những gì mà Chúa Giêsu mong đợi và những gì Người mời gọi chúng ta hãy làm để tưởng nhớ đến sự tự hiến của Người cho đến khi Người lại đến. Ở đây, tôi hy vọng có thể để ý kỹ từng hành động này như là một cách thức để hiểu biết làm sao chúng ta có thể hòa nhập và sống linh đạo Thánh Thể năng động và biển đổi.
Điểm nhấn dựa trên đức tin và hành động thực hành là một nền tảng vững chắc trong việc rao giảng của Chúa Giêsu. Người đã ca ngợi những ai lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành (x. Lc 11,28) và nói rằng đó là lòng yêu thương nhau, ở điểm này, mọi người sẽ nhận biêt anh em là môn đệ Thầy (x. Ga 13,35). Điều ấn tượng nhất đối với lòng yêu mến của tôi là sự nhắc nhở của Chúa Giêsu với các môn đệ khi Người rửa chân cho các ông tối hôm đó và đã giải thích ý nghĩa cho họ: “Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành thì thật phúc cho anh em.”(Ga 13,17). Chúa Giêsu dường như muốn nhấn mạnh hành động đúng thì tốt hơn hơn suy nghĩ đúng.
HÀNH ĐỘNG MANG BỐN YẾU TỐ
Bản văn của chúng ta được trích từ Tin Mừng Mt (26, 26-29): “Đang bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy”. Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội. Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày ấy, ngày Thầy được cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy”. Hát Thánh Vịnh xong, Đức Giêsu và các môn đệ ra đi lên núi Ôliu.”
CẦM LẤY
Bánh (matzo) không thể thiếu trong bữa tiệc Vượt Qua, có ý gợi đến bánh không men mà người Do Thái đã ăn tại tư gia khi ở Ai Cập cùng với thịt chiên hiến tế nướng và những yếu tố nghi thức khác. Bánh được ăn mọi thời điểm trong bữa tiệc. Bánh được sử dụng vì tính chất dinh dưỡng và biểu tượng của nó.
Trong hầu hết các nền văn hóa, không có cái gì đơn giản nhất có thể duy trì sự sống của con người hơn là bánh. Cùng với nước, bánh nuôi dưỡng cơ thể chúng ta, gia tăng sức khỏe, giúp tăng trưởng. Vì thế, “cầm lấy bánh” là ôm lấy sự sống mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta vì hạnh phúc và sự thịnh vượng của chúng ta.
Hành động cầm lấy bánh biểu tượng cho mầu nhiệm nhập thể mà Thiên Chúa khai mở công trình cứu độ lớn lao và nhắc lại công cuộc tạo dựng của Ngài. Lời Vĩnh Cửu đã hoàn toàn tỏ lộ ơn cứu độ cho chúng ta từ bên trong chứ không phải bên trên hay bên ngoài. Thánh ca mang tính Kitô học tuyệt vời của thư gởi tín hữu Philiphê: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” (Pl 2,6-7)
Một nền linh đạo Thánh Thể xuất hiện trong cuộc sống chính là món quà của Thiên Chúa dành cho chúng ta và là những gì chúng ta dâng lên Chúa Cha trong sự kết hợp với Chúa Giêsu. Bánh là trung gian của sự hiến tế. Những nhà thần học như Theodore E. Dobson, tác giả của tác phẩm “Nói, nhưng hãy nói Lời Chúa: Bữa Tiệc Sau Hết của Chúa có thể biến đổi đời sống của chúng ta như thế nào” (1984), đã nhấn mạnh rằng sự hiến tế này là chìa khóa để đi đến quyền năng biến đổi của nghi thức. Chúng ta hiến dâng chính chúng ta và mọi khía cạnh trong đời sống của chúng ta cùng với bánh dâng lên Thiên Chúa.
CHÚC TỤNG
Trong thời đại chúng ta ngày nay nhìn chung được miêu tả bởi sự gia tăng mức độ thân mật và mất đi cảm thức của những nghi thức trong cuộc sống, những lời cầu nguyện chúc lành không còn được duy trì tại các bàn tiệc đối với nhiều người, không muốn nói là hầu hết mọi người.
Theo truyền thống Do Thái, chúc tụng (berakah) – thuật ngữ của sự ngợi khen và cảm tạ dâng lên Thiên Chúa – được đọc tại nhiều khoảng khắc cụ thể trong phụng vụ đền thờ, trong những ngày lễ hội và những dịp đặc biệt, và trong bàn ăn.
Sự chúc tụng mà Chúa Giêsu đã đọc lên trong Phòng Tiệc Ly vào đêm trước khi ngài chịu chết theo thể thức đã được truyền dạy và tán dương Thiên Chúa của Israel về những ơn lành của sự giải thoát, giao ước, lề luật, vùng Đất Hứa, và những việc làm kỳ diệu gắn kết với cuộc Xuất Hành của người Do Thái từ lúc là nô lệ trong bàn tay của những quân tàn bạo Ai Cập. Đó là câu chuyện được kể đi kể lại trong những gia đình tuân theo luật Do Thái trong suốt những ngày lễ kỷ niệm người Do Thái rời bỏ Ai Cập vào mỗi mùa xuân.
Một nền linh đạo được xuất hiện từ những trái tim nhận ra được sự trao ban quà tặng cuộc sống và cảm nhận được rằng tất cả ơn lành và ân sủng đến từ một Đấng Hóa Công nhân từ, Tác
Giả của sự sống và là Đấng dưỡng nuôi tất cả mọi sinh linh. Đó là một lời cầu nguyện của sự tạ ơn khiêm nhường và chúc tụng.
BẺ RA
Bánh được bẻ ra, bẻ ra thành từng miếng nhỏ, để được sẻ chia giữa những người ngồi trong bàn ăn; chén được truyền từ người này sang người khác để tất cả mọi người đều có thể cùng tham dự. Có “sự tàn bạo” đôi chút đối với điều này: cái đã từng là một thì giờ đây trở nên nhiều, “cho muôn người” (Mt 26,28). Trong mọi hành động sẻ chia tất cả những gì được bẻ ra và trao cho nhau, thì sự hiệp thông xuất hiện.
“Sự tàn bạo” làm cho sự vẹn toàn của bánh và rượu bị mất đi, được sánh với sự tàn bạo trên Con Chiên Vô Tội của Thiên Chúa: bị phản bội, bị bắt bớ, bị phản đối, bị áp bức, chịu đội vòng gai, bị tố cáo, chịu đóng đinh, bị phỉ báng, chịu chết, bị bỏ rơi, chịu mai táng trong mồ.
Để chống lại nỗi sợ hãi của sự tàn bạo và sự dữ mà Chúa Giêsu đã biết trước và đã làm cho Người phải đổ mồ hôi máu trong vườn Giệtsêmani để trở nên nguồn sống tuôn trào ra từ cơ thể Người, Người đã cam lòng chịu đựng. Người vẫn là tâm điểm bình an dành cho các môn đệ bước theo Người. Đức tin của họ luôn được thử thách, để họ xác tín rằng Chúa Cha sẽ giữ gìn Người luôn được an toàn vượt qua thử thách để đến vinh quang. “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự.” (Pl 2,8)
Một vị giáo sỹ người Mỹ lỗi lạc đã từng nhận xét rằng chúng ta phát triển tốt trong nghịch cảnh hơn là trong sự thành công và chiến thắng. Tôi tin rằng điều này đúng như thế.
Một nền linh đạo Thánh Thể nhận ra sự phụ thuộc cơ bản của chúng ta như con người phụ thuộc vào Thiên Chúa để có được sự can đảm, tầm nhìn rộng lớn và ân sủng của sự bền tâm vững chí. Chúng ta yếu đuối; Thiên Chúa mạnh mẽ.
TRAO BAN
Các Tin Mừng đã khắc họa hình ảnh một Giêsu như là một người hoàn toàn tận hiến cho người khác. Một hình ảnh rõ ràng đã làm nổi bật một người đã hiến thân mình vô điều kiện. Ngài và các tông đồ luôn trong cuộc hành trình, đáp ứng số đông dân chúng đến để được chữa lành, ủi an, và khích lệ trong mối tương quan với Thiên Chúa, và cảm kích bởi quyền năng giảng dạy như là một đấng Rabbi có uy quyền từ Nazarét.
Những lúc sáng sớm và chiều tàn, Chúa Giêsu rút lui khỏi đám đông cùng với các môn đệ vào nơi hoang vắng để dành thời gian cầu nguyện hiệp thông với Chúa Cha. Trong nhiều dịp, mọi người nghỉ ngơi cùng với những người bạn thân tình như Maria, Mátta và Lazarô ở Bêtania. Nhưng cuộc sống của Chúa Giêsu là một cuộc sống tự hiến trong sự vâng phục yêu thương đối với thánh ý của Chúa Cha và trong sự phục vụ đối với tha nhân. Hành động cao cả nhất của sự cho đi đó chính là cái chết của Ngài trên thập giá để mang lại sự sống cho nhân loại.
Một nền linh đạo Thánh Thể thúc bách chúng ta hoàn toàn hiến dâng cuộc sống của chúng ta cho Thiên Chúa và cho tha nhân như Chúa Giêsu đã từng làm. Tham dự vào bàn tiệc thánh của Thánh Thể, chúng ta di chuyển từ nơi thánh đến thế giới xung quanh chúng ta để sẻ chia tình yêu Thiên Chúa.
KẾT THÚC
Trong bài giảng vào ngày 16 tháng 8 năm 2015, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng: “Thánh Thể chính là Chúa Giêsu, Đấng đã hoàn toàn tự hiến thân mình cho chúng ta. Để dưỡng nuôi chính chúng ta cùng với Ngài và cùng ở lại với Ngài ngang qua Hiệp Lễ, nếu chúng ta thực hành với đức tin, Thánh Thể sẽ biến đổi cuộc sống chúng ta thành một quà tặng dành cho Thiên Chúa và cho anh chị em chúng ta. Chúng ta được dưỡng nuôi bởi Bánh Hằng Sống có nghĩa là cùng nhịp đập với trái tim của Chúa Giêsu, để cùng đồng hình đồng dạng với những sự lựa chọn, suy nghĩ và cách cư xử của Người. Điều này cũng có nghĩa là chúng ta bước vào tính năng động của tình yêu tự hiến và trở nên những con người của hòa bình, tha thứ, hòa giải và sẻ chia trong sự đoàn kết.”
Vị thánh tông đồ Phaolô đã nhắc nhở giáo đoàn Philiphê cách đây hơn 2000 năm rằng: “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu.” (Pl 2,5) Những hành động của Chúa Giêsu nơi bàn ăn cùng với các môn đệ vào đêm trước khi ngài chịu chết – cầm lấy, chúc tụng, bẻ ra, và trao ban – đã định hình nền tảng linh đạo Thánh Thể để thực hiện mệnh lệnh của Ngài “hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy.” (Lc 22,19)
Điều sau đây quý giá hơn cử hành lại một nghi thức hay tham dự vào trong một bí tích của Hội Thánh. Đó là một lời mời gọi hãy sống như Chúa Giêsu đã sống: hoàn toàn sống động, biết ơn sâu xa, sẵn sàng chịu bẻ ra, và rộng mở dâng hiến tất cả cho Thiên Chúa và tha nhân mà không giữ lại bất cứ gì.
Athony Schueller, SSS
Biên dịch: Antôn Phạm Tôn Trạng, SSS