SỐNG KHÓ NGHÈO NƠI NGƯỜI TU SĨ THÁNH THỂ

Ngày hôm nay con người trong xã hội vẫn đang cố gắng từng ngày để thoát đi những đau khổ, thoát đi những cực nhọc và thoát đi cái nghèo. Cái nghèo luôn là mối bận tâm lo lắng của biết bao nhiêu người, họ mong sao cuộc sống đừng dính đến cái nghèo. Còn người tu sĩ chúng ta thì khác, người tu sĩ sống nghèo, chọn cái nghèo để tận hưởng, chọn cái nghèo để khẳng định chính mình. Luật sống Dòng Thánh Thể đã dành hai số 17 và 18 để nói đến cái nghèo của người tu sĩ Thánh Thể. Và như thế căn tính của đời tu chính là “hiến thân trọn vẹn để sống Tin Mừng một cách triệt để”. Đó là lý do tại sao chúng ta cần tìm về với Tin Mừng để thấy Chúa Giêsu quan niệm về sự nghèo khó và đã sống nghèo khó như thế nào?

  1. Nơi Đức Giê-su

Chúa Giêsu đã chọn sinh ra từ một gia đình nghèo, lớn lên trong một hoàn cảnh phức tạp, rao giảng trong một tình thế bất lợi, tình nguyện chịu đau khổ và chịu chết cách nhục nhã… Tất cả những điều này không phải vì số phận bắt Ngài phải chịu vậy, nhưng Ngài đã tự nguyện đón nhận tất cả những điều ấy chỉ vì chúng ích lợi cho sứ mạng mà Ngài phải chu toàn theo thánh ý Chúa Cha. Không ít lần Chúa Giêsu đã cho thấy của cải tự nó không làm nên hạnh phúc đích thực (x. Lc 19-31), nhưng của cải cũng có thể giúp người ta vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chính vì thế mà Chúa đã chọn lối sống đơn sơ giản dị, đồng thời còn tìm cách giúp đỡ người khác: Ngài nuôi ăn, chữa bệnh, dạy dỗ và bênh vực người thấp bé, nghèo khổ (x. Mt 14, 13-21). Và cho thấy Đức Giê-su đã nếu gương cho mỗi người chúng ta nơi cái nghèo, Đức Giê-su đón nhận cái nghèo trong niềm vui, trong hân hoan nơi đó diễn tả một con người của hy sinh của từ bỏ.

  1. Cái nghèo nơi Tu sĩ Thánh Thể

Như Đức Giê-su chúng ta muốn sống nghèo, chúng ta làm việc để sinh sống và chia sẽ với anh em. Nhờ các nguồn lợi làm của chung chúng ta thoát mọi dính bén của cải để hoàn toàn cậy dựa vào Thiên Chúa. Đời sống của chúng ta phải biểu lộ được nét đơn sơ và tiết độ. Để nên như một dấu chứng của sự hiệp nhất, cộng đoàn này sẽ chia sẽ với cộng đoàn kia.[1]

Với lời khấn khó nghèo, chúng ta đến với thành tố thứ hai trong ba lời khấn. Với ý định ban đầu rằng đây là số luật sống duy nhất nói về lời khấn này, số luật sống 17 nói lên gốc rễ tin mừng của lời khấn, phác họa ý nghĩa, sơ lược động cơ và liệt kê những đòi hỏi đề sống lời khấn này trong bối cảnh xã hội hiện nay. Tuy nhiên trong Luật Sống hiện nay, chúng ta có một số thứ hai nói về sự nghèo khó tin mừng, chuyên về khía cạnh pháp lý. Nó bàn về những khía cạnh pháp lý của lời khấn này.

Được thêm vào theo yêu cầu của tòa thánh, số luật sống 18 này chỉ tóm lược những yêu cầu pháp lý của giáo hội cho tu sĩ có lời khấn mà bộ giáo luật đặt ra. Bởi vì nó chỉ là diễn ý lại số giáo luật 688 và sẽ không đòi hỏi những giải thích dài dòng, tôi đã lợi dụng cơ hội này để đưa ra những nhận xét của tôi về nội dung của số luật sống 18 với cái nhìn tổng quan lịch sử chớp nhoáng về những nỗ lực nối tiếp nhau qua nhiều thế kỷ để có được hình thức theo luật sống của lời khấn này. Khi nghiên cứu số luật sống này, có thể khá hữu ích khi tham khảo nó, bởi vì những bài học cần phải học từ 1.500 năm trải nghiệm đời sống tu trì không phải là không quan trọng đối với chúng ta trong nỗ lực đối phó với sự thách thức của sự khó nghèo đời tu trong một thời đại thay đổi văn hóa nhanh chóng và rộng lớn.[2] Văn bản đưa ra một tổng hợp vắn tắt về bối cảnh tin mửng và động cơ của lời khấn. Một lần nữa, như số luật sống về khiết tịnh, nó bắt đầu bằng sự tập trung vào con người trần thế của Chúa Giê-su (nhưng lần này chỉ nêu tên Người mà không kèm theo các tước hiệu như Đức Chúa và Đức Ki-tô). Khi nói rằng “chúng ta muốn sống đời nghèo khó” như Chúa Giê-su, Luật Sống mời gọi chúng ta suy ngẫm đặc biệt về đời sống trần thế của Chúa Giê-su.

Cách dùng từ trong câu mở đầu này ngầm nêu ra hai câu hỏi quan trọng liên quan đến lựa chọn sống nghèo khó đời tu của chúng ta ngày nay. Câu hỏi đầu tiên là về sự khẳng định rằng Chúa Giê-su đã sống “một cuộc sống nghèo khó,” và nếu đúng như thế thì là theo nghĩa nào? Câu hỏi thứ hai là câu hỏi mà tất cả chúng ta chắc chắn đã tự hỏi mình vào một lúc nào đó, và có thể được diễn ý như sau: Tôi có sẵn lòng tuyên bố công khai trong bối cảnh xã hội ngày nay rằng các tu sĩ chúng tôi “sống cuộc sống nghèo khó” không? Chúng ta hãy bắt đầu suy nghĩ của chúng ta với câu hỏi thứ hai này.[3]

Do khấn khó nghèo, chúng ta khước từ quyền sử dụng và khước từ về định đoạt của cải vật chất, mà chỉ sử dụng và định đoạt khi có phép của bề trên. Tất cả những gì chúng ta nhận được như tiền công, lương hưu, bảo hiểm, quà tặng, đều thuộc về Hội Dòng.[4] Chúng ta đã thực sự sống những gì mà Luật sống mời gọi chúng ta hay chưa, hay chúng ta chỉ coi nhẹ lời khấn và chỉ khấn theo công thức. Sống nghèo ở đây không phải người tu sĩ phải viết chữ nghèo trên người cho mọi người thấy, hay ăn mặc rách rưới cho người ta thấy chúng ta nghèo, mà chúng ta hãy sống như Thánh Phaolô đã đạt đến sự tự do này, Ngài đã chia sẻ trong thư Pl 4, 12-13: “Tôi biết chịu thiếu thốn cũng như biết sống sung túc. Tôi có thể thích nghi trong mọi nơi mọi lúc. No, đói, thiếu thốn tôi quen cả. Tôi làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”. Sống nghèo là chúng ta biết đón nhận, biết chấp nhận và biết cho đi, nhìn lại lối sống của người tu sĩ chúng hay cách riêng là tu sĩ Thánh Thể như trong luật sống nghèo cá nhân, nghèo tập thể, liên đới với người nghèo, và khước từ thoả hiệp với mọi hình thức bất công với xã hội[5] đọc lại luật sống chúng ta thấy Cha Tổ Phụ muốn Tu sĩ của Ngài phải sống nghèo thật sự để sống cho mầu nhiệm Thánh Thể. Và khi thật sự nghèo người tu sĩ dễ dàng liên đới với người nghèo, và nơi người nghèo, người đau khổ, đói rách… nơi đó Chúa Giê-su Thánh Thể hiện rõ nét nhất.

  • Thách đố thời đại với lời khấn nghèo

Không ai trong chúng ta muốn sống nghèo, nhất là trong xã hội mà người ta đang đề cao tiền bạc, hưởng thụ và cái nghèo bị coi là điều bất hạnh. Người tu sĩ cũng đang bị cuốn vào vòng xoáy đó và đây là một thách đố. Thực tế, cho thấy nhiều tu sĩ đã bị của cải lôi cuốn vào vòng xoáy của tiền bạc, xe cộ… những nhu cầu. Để tự nguyện chọn sống nghèo thì rất khó vì khi sống giữa phố thị xa hoa và đề cao hưởng thụ, như thế Tu sĩ Thánh Thể được dìm mình trong Bí tích Thánh Thể để tận hưởng những tinh hoa nơi cái nghèo của Mầu nhiệm ấy. Chọn lựa những tiện nghi vật chất, nhưng lại hạ thấp và quên đi những giá trị tinh thần cao đẹp của con người. Và quên đi cái quý giá của Bí Tích Thánh Thể, nơi Thánh Thể chứa đựng tất cả sự quý giá mà của cải thế gian không sao so sánh được.

Khi có sự so sánh, chọn lựa và dính bén lời khấn khó nghèo trở nên nặng nề hoặc có thể bị xuyên tạc để trở nên dễ dàng hơn, và như thế người tu sĩ lại kéo theo xung quanh mình những vật dụng tiện ít, những phụ kiện cồng kềnh và đứng về mặt trần thế là sự tiết chế trong may mặc, trong ăn uống, trong mọi sinh hoạt. Nhưng thực ra, điều quan trọng và chính đáng hơn là chúng ta hướng đến mục tiêu siêu nhiên, đó là mặc lấy con người khiêm tốn của Đức Giêsu: “Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa mà đã hạ mình xuống, đã tự huỷ ra không” (Pl 2,6-11) những thách đố của thời đại vẫn diễn ra từng ngày và sự lao mình của người tu sĩ vẫn tiến xa trong xã hội xa hoa đầy cám dỗ. Nhưng người tu sĩ Thánh Thể được mời gọi hãy lao mình vào Bí Tích Thánh Thể để tìm đến thách đố của tình yêu, thách đố của sự dấn thân, từ bỏ chính con người mình. Thách đố của chúng ta là có dám từ bỏ chính mình, bước ra từ cái tôi của ít kỷ chỉ nghĩ đến mình mà không biết đến anh em.

Bên cạnh những thách đố về tiền bạc, danh vọng…người tu sĩ còn có thách đố lớn hơn đó là ngại đến với người nghèo. Chú tâm đến tiếng kêu của người nghèo và nỗi khốn quẫn của họ, chúng ta khám phá ra trong mọi tình cảnh bất công lời mời gọi của Đức Ki-tô kêu gọi chúng ta: chia sẽ với Người sứ vụ loan Tin Mừng cho những kẻ nghèo khó, và công bố lệnh giải thoát cho những kẻ bị giam cầm.[6] Có phải chăng tiếng kêu của người nghèo quá nhỏ chưa đủ để chúng ta nghe, thế nên chúng ta hãy cố gắng lắng nghe tiếng kêu của người nghèo mà ra đi đến với họ, nơi họ chắc chắn sẽ cần đến chúng ta người tu sĩ Thánh Thể.

Tạm Kết

Người tu sĩ Thánh Thể phải bẻ mình ra, huỷ mình ra không, đó như là sự trao ban chính mình, là một con người sống nghèo chắc hẳn chính tu sĩ chúng ta cũng sẽ không có của cải vật chất gì quý giá để cho người khác. Nhưng Thánh Thể báu vật cao quý nhất mà không có báu vật nào trên trần gian này so sánh được. Sống đời sống huynh đệ, anh em sống với nhau đã chia sẽ với nhau cái tình nơi Bí Tích Thánh Thể chưa? Chúng ta có nhìn nhau trong cái nhìn của Thánh Thể không? Khi sống đời sống khó nghèo chúng ta chia sẽ với nhau cái gì? Không phải chúng ta đến với nhau khi chúng ta có miếng ngon vật lạ, hay mỗi lần chúng ta đến với nhau mà phải cần quà cáp, chúng ta chia sẽ cái nghèo của người tu sĩ Thánh Thể phải khác so với những chia sẽ của những cá thể khác. Những nụ cười, sự quan tâm, những nâng đỡ, hy sinh…chúng ta trao cho nhau, đó là những gì mà Chúa đã gieo vào chúng ta, Chúa đã cho không chúng ta, thì chúng ta cũng hay bắt chước người mà cũng cho đi mà không tính toán.

Peter Gorétti Võ Ngọc Trường An


[1] X. Luật sống Dòng Thánh Thể số 17
[2] Chú giải luật sống của Cha A.Mcsweeney,sss
[3] Chú giải luật sống của Cha A.Mcsweeney,sss
[4] X. Luật sống Dòng Thánh Thể số 18
[5] Luật sống Dòng Thánh Thể số 17
[6] Luật sống Dòng Thánh Thể số 37