QUAN ĐIỂM CỦA DOROTHY DAY VỀ THÁNH THỂ

Dorothy Day (1897- 1980) là một nhà hoạt động xã hội người Công giáo nổi tiếng thế kỷ XX, và là người đồng sáng lập ra phong trào Công Nhân Công Giáo. Bà là người thứ ba trong gia đình bốn người con, sinh tại Brookyn, New York; cha là Jonh Day – một nhà báo thể thao; mẹ là Grace Satterlee Day – một người nội trợ. Gia đình bà chuyển đến Berkeley, California vào năm 1904 và sau đó chuyển đến Chicago, tại đây bà đã sống hết quãng đời tuổi trẻ của mình. Mặc dù, gia đình không mấy sùng đạo nhưng bà đã có một ký ức sâu sắc về việc sở hữu cuốn Kinh thánh lúc còn nhỏ và có một cảm nhận thật thánh thiêng mỗi khi đọc Kinh Thánh. Tuy được rửa tội thành một tín hữu Anh giáo ngay từ thủa bé nhưng sự quan tâm của bà đối với tôn giáo phẩm trật sớm đã mai một đến nỗi bà tin rằng mình có thể tôn vinh Thiên Chúa mà không cần phải đến nhà thờ.

Day tốt nghiệp cấp ba năm 1914 và học đại học Illinois được vài năm trước khi rời trường chuyển đến thành phố New York. Nơi đây, bà đã tham gia vào lĩnh vực hoạt động văn chương của Greenwich Village và đã kết bạn với nhà soạn kịch Eugene O’Neill. Trong suốt thời gian đó, bà đã viết nhiều bài gửi cho nhà xuất bản Xã hội và Cấp tiến. Không những thế, bà còn tham gia vào những hoạt đông chính trị cấp tiến. Bà đã bị bắt giam vài lần vì có liên quan đến những cuộc biểu tình chống đối mang tính xã hội. Bà bị cuốn vào cuộc tình đầy lãng mạng với nhà văn Lionel Moise, để rồi có thai với ông này nhưng đã bị xảy thai. Sau này, bà lại có quan hệ tình cảm với nhà hoạt động xã hội và sinh học Forster Batterham. Bà có với ông ta một người con, tên là Tamar Thererese vào năm 1924. Thế nhưng, chẳng có mối quan hệ nào được bền lâu.

Trong khi miệt mài với thế giới văn chương và nghệ thuật ở Greenwich Village, lại thêm khả năng hoạt động xã hội ngày càng nhạy bén, Day đã trải qua một cuộc cải đạo trong thầm lặng để rồi dẫn đến một sự thay đổi triệt để trong tâm hồn. Trích dẫn từ một bài thơ nổi tiếng của Francis Thompson, bà nói rằng, hình ảnh “chó săn thiên đàng” đã ám ảnh mình và rốt cuộc, bà đã tìm thấy ngôi nhà thiêng liêng của mình nơi đức tin Công giáo. Bà đã đưa đứa con gái bé bỏng của mình đến một nhà thờ Công giáo địa phương để chịu phép rửa tội và cuối cùng, vào năm 1927, chính bà cũng theo đạo Công giáo.

Vào năm 1932, Day cùng với Peter Maurin, một người nhập cư gốc Pháp và là thành viên tiên khởi của hội Anh Em Tín Hữu, lập ra tờ báo Công Nhân Công Giáo. Sự thành công của tờ báo dẫn đến sự ra đời của phong trào Công Nhân Công Giáo, một cộng đoàn tận hiến cho việc phục vụ, cầu nguyện và chuẩn bị những bữa ăn nhẹ cho người nghèo. Chính phong trào này đã thúc đẩy Day đến với con đường hoạt động xã hội, được bắt nguồn từ tình yêu thẳm sâu của bà dành cho Giáo hội và được biểu lộ một cách rõ ràng trong việc phục vụ nghèo. Bài chia sẻ của Day về Thánh Thể được tuôn trào từ tinh thần tận hiến trong sự trao ban một cách trọn vẹn.

Nhãn quan thiêng liêng của Day

Linh đạo của Dorothy Day được đánh dấu bởi “sự yêu mến Kinh Thánh… liên đới với người nghèo… chủ nghĩa cá nhân… lời chứng của ngôn sứ… kiến tạo hòa bình… cảm nhận về bí tích… tâm tình tạ ơn”

Bà diễn tả cuộc hành trình của mình đến với Giáo hội Công giáo trong cuốn tự thuật “nỗi cô đơn dài lâu” (1952), nhan đề của cuốn sách này, bà được gợi hứng ít nhiều từ con gái của mình, trong một lần trò chuyện với bà về nỗi cơ đơn của phận người.

Cuối cùng, Day đã tìm thấy một phương cách hữu hiệu nhất để giải quyết tình trạng cô đơn này là: “Lời đáp trả duy nhất cho sự cô đơn trong cuộc sống này mà chắc hẳn tất cả chúng ta đều cảm nhận được đó là đời sống cộng đoàn. Sống cùng nhau, làm việc cùng nhau, chia sẻ với nhau, kính mến Thiên Chúa và yêu thương anh em. Và khi đã sống gần gũi với Chúa trong cộng đoàn, chúng ta có thể biểu lộ tình yêu của mình dành cho Ngài.

Đời sống cộng đoàn là một trong những nội dung cơ bản của phong trào Công Nhân Công Giáo mà bà đã cùng với Maurin lập ra: “Cộng đoàn – đó là câu trả lời mang tính xã hội cho sự cô đơn dài lâu. Đây cũng là một trong những điều cuốn hút của đời sống tu trì. Và tại sao những người giáo dân lại không thể chia sẻ đời sống cộng đoàn? Không chỉ là cộng đoàn cơ bản nơi mỗi gia đình mà còn là cộng đoàn của các gia đình, trong đó tài sản riêng và chung hòa hợp với nhau.” Bà tận hiến quãng đời còn lại của mình cho việc xây dựng cộng đoàn như là một phương cách chữa trị nỗi cô đơn trong tâm hồn con người.

Day đến với viễn tượng này bằng một cuộc hành trình dài, đòi hỏi một sự tìm kiếm liên lỉ để khỏa lấp nỗi trống trải trong tâm hồn mình do nỗi cô đơn của cuộc đời và sự buồn chán về thực tại gây ra. Thời thơ ấu của bà bị chìm vào một cuộc sống gia đình không bình thường, với một người cha khắt khe, ít chú ý đến con cái và một người mẹ làm ra bộ vui vẻ với con cái nhưng thực chất lại đang sống trong sự thiếu thốn tình cảm nơi cuộc sống hôn nhân và gia đình.

Mặc dù là một sinh viên trẻ, sáng láng, đầy hứa hẹn nhưng Day đã rời trường đại học trước khi hoàn tất trương trình học của mình, để trải nghiệm bản thân ở thành phố New York, nơi hội tụ tri thức và văn hóa. Ở đây, bà kiếm sống bằng nghề viết báo và đắm chìm vào những vấn đề xã hội. Hành trình tìm lại căn tính đã dẫn bà tới sự từ bỏ tôn giáo phẩm trật, một lối sống gần như là buông thả và một sự tận hiến cho những người có cảnh ngộ khó khăn. Đồng thời, điều này đã làm tăng thêm mức độ nhạy bén về những tổn thương tinh thần của bà một cách sâu sắc, tăng thêm tình yêu dành cho cuộc sống và sự tìm kiếm Thiên Chúa liên lỉ nơi cá nhân bà.

Cuộc cải đạo của Day đến với Công giáo khiến bà nhận thấy được mối liên hệ giữa những khát khao nơi thẳm sâu tâm hồn với ước muốn phục vụ nghèo và người bị bỏ rơi trong xã hội. Bà nhận thấy tầm quan trọng đặc biệt nơi đức tin mới lãnh nhận ở việc hiệp lễ của các tín hữu và thân thể mầu nhiệm Đức Kitô, một viễn tượng được đưa ra như là một phương thuốc chữa trị cho “nỗi cô đơn dài lâu”. Đồng thời, viễn tượng cũng mang đến sự quân bình giữa cá nhân và tập thể, chỉ ra sự không phù hợp giữa tính cách cá nhân quá mạnh mẽ với sự nhận thức xã hội sâu sắc nơi con người bà.

Khi mà căn tính đã bám chặt vào Đức Kitô và thân thể Ngài là Giáo hội thì bà bắt đầu nhận ra sự hiện diện của Ngài nơi cuộc sống của những con người mà bà đang phục vụ. Bà đã tìm thấy nơi phong trào Công Nhân Công Giáo một cách biểu lộ cụ thể cho sự hiệp nhất cộng đoàn tín hữu và tình yêu Đức Kitô dành cho người nghèo.

Những thành viên của phong trào này hoạt động bằng cách tạo ra những ngôi nhà hiếu khách và làm việc trong các trang trại, nơi đây mọi người người đều được chào đón. Cũng tại đây, Thánh Thể cung cấp lương thực nuôi linh hồn và thể xác của các tín hữu, đáp ứng những nhu cầu về vật chất cho những người thiếu thốn. Sự hiện diện của Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể làm cho các công nhân Công giáo cảm nhận được chính sự hiện diện của Ngài trong những vấn đề thường ngày. Đặc biệt là trong đời sống cộng đoàn và trong cuộc sống của những người nghèo và người bị bỏ rơi.

Quan điểm của Day về Thánh Thể

Day tin rằng, Tin Mừng dành cho mọi tín hữu chứ không chỉ dành riêng cho một giới ưu tú nào hay một số người được tuyển chọn. Bà thích trích dẫn câu nói của thánh Gioan Thánh Giá: “Tình yêu là chuẩn mực mà qua đó chúng ta sẽ bị phán xét.” Bà nhận thấy được mối quan hệ gần gũi giữa sự hiện diện của Đức Giêsu trong bí tích Thánh thể với sự hiện diện của Ngài nơi khuôn mặt của những người nghèo. Vũ trụ vạn vật nói cho bà biết về tình yêu Thiên Chúa ngang qua Thánh Thể. Đó chính là “bí tích Tình Yêu”, đây cũng là điều mà bà cố gắng theo đuổi để mang lại một cuộc cách mạng trong tâm hồn.

Bà từng viết: “Thách đố lớn nhất của thời đại này” là “phải làm thế nào đưa người ta đến với một cuộc cách mạng trong tâm hồn, một cuộc cách mạng phải bắt đầu từ chính mỗi người trong chúng ta? Khi chúng ta bắt đầu chấp nhận nơi thấp kém nhất, rửa chân cho người khác, yêu thương anh em mình với một tình yêu nồng cháy, cảm xúc mãnh liệt đó dẫn người ta đến thánh giá. Sau đó, chúng ta mới có thể thực sự nói được rằng, “Bây giờ, tôi đã bắt đâu”. Để đạt được mục tiêu này, bà cố gắng bắt đầu ngày sống của mình với Thánh lễ hay ít ra là ít phút cầu nguyện trước Thánh Thể để cho cuộc cách mạng trong tâm hồn có thể bén sâu nơi bà.

Day cũng phác họa được một mối tương quan giữa Thánh Thể với những bữa ăn mà bà đã chia sẻ với người khác, bà từng viết: “Những bữa ăn vô cùng quan trọng”, “các môn đệ đã nhận ra Đức Kitô trong khi bẻ bánh. Chúng ta nhận biết Đức Kitô nơi người khác khi bẻ bánh. Chúng ta có thể đến với người khác một cách thân mật nhất là cùng nhau ngồi vào bàn ăn và dùng bữa. Sự gần gũi đến khó tin nhưng rất sâu sắc.”

Đối với Day, Thánh Thể cũng là một sự nhắc nhớ quan trọng về lễ nghi trong cuộc sống của chúng ta: “Lễ nghi, làm sao chúng ta có thể làm việc mà thiếu đi lễ nghi!… cũng như người chồng có thể ôm vợ mình một cách ngẫu nhiên khi anh ta đi làm vào buổi sáng và hôn vợ lúc trở về nhà, vẫn nụ hôn đó vào một dịp khác lại trở nên một niềm hạnh phúc vô bờ, một ngọn lửa bùng lên bởi sự dịu dàng và yêu thương… Chúng ta có quá ít lễ nghi trong cuộc sống. Đối với bà, Thánh Thể là cuộc cử hành những nghi lễ trong cuộc sống thường ngày. Điều này làm tăng thêm sự nhận thức về sự thánh thiêng của bà trong những biến cố của cuộc sống hằng ngày: canh tác đất đai, ngắm cảnh bình minh, chia sẻ bữa ăn với bạn bè. Điều này nhắc nhớ bà về sự hiện diện thánh thiêng trong những lễ nghi của cuộc sống mỗi ngày.

Thêm vào đó, Thánh Thể cũng có một chiều kích sám hối mạnh mẽ để duy trì một cảm quan về nghi lễ. Tại Đại hội Thánh Thể Quốc tế ở Philadelphia vào năm 1976, bà đã nói về tình yêu của mình dành cho Giáo hội, sự cần thiết của việc sám hối và đền bù tội lỗi của nhân loại. Bà nói, Hội Thánh “dạy tôi về tình yêu cuộc sống một cách viên mãn trong Thần khí. Nhưng Hội Thánh cũng dạy tôi rằng, trước khi chúng ta dâng của lễ là chính sự phục vụ, tâm tình tạ ơn của chúng ta trên bàn thờ – Nếu chúng ta còn bất kỳ điều gì bất hòa với anh em mình thì chúng ta phải xét lại bản thân rồi mới tiến lên bàn thờ để tiếp rước Thánh Thể.” Thánh Thể bao hàm hành vi sám hối: “Nếu không chúng ta sẽ lãnh nhận bí tích này một cách bất xứng.”

Mang trong mình đặc tính của một ngôn sứ đích thực, bà tìm cách thách thức những người đang sống trong sự tự mãn và ủi an những ai đang phải sống trong cảnh bất hạnh, buồn chán. Tình yêu của bà dành cho Thiên Chúa, cho Giáo hội và cho toàn thể nhân loại đã thúc đẩy bà lên tiếng chống lại tội ác hủy diệt của vũ khí hạt nhân, kêu gọi mọi người cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho những nạn nhân vô tôi tại Hiroshima vào ngày 6/8/1945. Bà không ngần ngại chỉ ra những thành kiến tiềm ẩn đang dệt lên tấm vải của cuộc sống chúng ta, thậm chí chúng còn ăn sâu vào lòng Hội Thánh. Đặc biệt, bà nhận thấy rằng, họ đã mất căn bản một cách trầm trọng, đã bám chặt vào những khuôn mẫu có sẵn và những hiểu lầm tai hại.

Tình yêu của Day dành cho Thánh Thể cũng như Đức Maria yêu mến Thánh Thể vậy. Hằng ngày bà thường cầu nguyện với Đức Maria sau khi rước Mình Thánh: “Tôi luôn cầu nguyện với Đức Maria sau khi Hiệp lễ – ‘Giờ đây, Chúa đang ngự trong lòng con, con tin thật như vậy, xin Mẹ giúp con, là kẻ yếu tin; thờ lạy, tạ ơn và yêu mến Ngài thay con. Chúa Giêsu là con của Mẹ. Vinh quang Ngài ngự trong tay Mẹ. Xin đừng để con làm ô danh Ngài.” Bà đã tìm thấy nơi Đức Maria, Mẹ Đức Kitô, và là Mẹ Hội thánh, sự can đảm và sức mạnh khi sinh hạ Đức Kitô trong và qua tình yêu của bà dành cho người nghèo. Bà đã ấp ủ tinh thần của Đức Maria trong lòng cả khi lãnh nhận Thánh Thể lẫn khi phục vụ Đức Kitô nơi người nghèo và người bị bỏ rơi trên thế giới, sự khiêm hạ, tính chân thật, lòng mến Chúa và yêu người.

Một số nhận định

Mặc dù sự trình bầy ngắn gọn trên đây về phương pháp tiếp cận bí tích Thánh Thể chưa phản ánh hết được tình yêu của bà dành cho bí tích này, và vai trò trung tâm của Thánh Thể đã hoạt động nơi bà. Tuy nhiên điều đó cũng làm nổi bật một số những đặc điểm quan trọng về nhãn quan Thánh Thể của Day và chỉ ra được mối quan hệ sâu xa mà bà đã nhận thấy giữa sự hiện diện của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể và nơi cuộc sống của những người nghèo. Những nhận định sau đây cố gắng tìm ra một số hàm ý trong giáo huấn của Day và chỉ ra mối liên hệ chặt chẽ của giáo huấn đó với tín hữu ngày nay.

1. Trước hết, Day nhận thấy được mối tương quan mật thiết giữa Thánh Thể với cuộc sống hằng ngày. Bí tích Thánh Thể không xa rời cuộc sống này. Nhưng là một sự tự do và mở ra để ôm lấy cuộc sống, đặc biệt là người nghèo và người bị bỏ rơi trong xã hội. Bà tham dự Thánh lễ không chỉ để dâng Chúa vinh quang, danh dự, và lời chúc tụng mà còn để được nuôi dưỡng bởi bánh hằng sống. Để rồi, bà có thể phục vụ những ai đang cần sự giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần.

Về phương diện này, Thánh Thể là bí tích tình yêu của Thiên Chúa và tha nhân. Hai thứ tình yêu này tuy khác biệt nhưng lại có mối liên hệ mật thiết với nhau. Chúng ta không thể nói chúng ta yêu mến Thiên Chúa mà chúng ta lại phớt lờ anh, chị em mình và không thể đến với họ với lòng trắc ẩn và yêu thương. Sự hiện diện của Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể đã làm cho Day nhận thấy được khuôn mặt của Ngài nơi các biến cố của cuộc sống thường ngày, cách riêng là nơi khuôn mặt của những người nghèo. Ngày nay, các tín hữu nên lưu tâm đến mẫu gương của bà và chiêm ngắm Thánh Thể như là một phương cách để trải nghiệm cuộc sống với một mức độ nhận thức sâu xa hơn. Khi Thánh lễ kết thúc, linh mục nói rằng, “Thánh lễ đã xong, anh, chị em đi bình an,” thì phụng vụ nơi cuộc sống thường ngày vẫn tiếp diễn.

2. Cách thức tiếp cận bí tích Thánh Thể cũng làm tăng thêm sự ý thức của chúng ta về vai trò chủ chốt của nghi lễ diễn ra hằng ngày. Chúng ta tạo ra những thói quen và nó định hướng cho lối sống của ta bằng cách lặp lại thường xuyên những hành vi đã hình thành trong ta, chẳng hạn: những giờ cầu nguyện, các bữa ăn, việc học hành, làm việc hay nghỉ ngơi. Cuộc sống của ta được đánh dấu bằng những hoạt động được lặp đi lặp lại mỗi ngày với những cách thức giống hệt nhau. Day nói, “Lễ nghi. Làm sao chúng ta có thể hoạt động mà thiếu đi lễ nghi!”

Đối với Day, Thánh Thể là nghi lễ trung tâm của đời sống. Thánh Thể là “nghi lễ của các nghi lễ,” vì Thánh Thể đặt toàn bộ các nghi lễ khác nơi cuộc sống vào một vị trí xứng hợp với chúng. Và làm cho chúng ta có thể tập trung vào một điều quan trọng đó là: mối tương quan của ta với Thiên Chúa. Mối tương quan này ảnh hưởng đến cung cách ứng xử của ta với người khác. Điều này định hình nên tính cách của chúng ta, làm cho ta càng ngày càng trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô hơn. Như là các bộ phận trong thân mình Ngài, chúng ta trở nên đôi mắt, đôi tai, cánh tay của Đức Kitô ở một nơi cụ thể nào đó trong không gian và thời gian. Nơi đó, ta tìm thấy chính mình. Thánh Thể còn nhắc Nhớ chúng ta rằng, các lễ nghi của cuộc sống hằng ngày mang một đặc tính thánh thiêng, chúng cho thấy Đức Kitô đang hiện diện ở giữa chúng ta.

3. Thánh Thể cũng nhắc nhớ chúng ta về tầm quan trọng của đời sống cộng đoàn. Day tin tưởng tuyệt đối vào cộng đoàn tín hữu và nhận ra được mối quan hệ gần gũi, mật thiết giữa thân mình Đức Kitô với thân thể của các tín hữu. Thánh Thể không còn là vấn đề cá nhân giữa tín hữu với Chúa, nhưng là một cuộc cử hành mang tính cộng đồng, nơi đó sức mạnh của tình yêu sẽ vượt qua hận thù, sự sống vượt lên cái chết. Đối với Day, đời sống cộng đoàn là phương thuốc duy nhất chữa trị căn bệnh cô đơn, điều mà mỗi người trong chúng ta đều đã kinh qua. Hơn thế nữa, Thánh Thể còn là phương thuốc chữa lành tâm hồn chúng ta và dạy cho ta biết tương quan với người khác bằng lòng trắc ẩn và tình yêu thương.

Như một bữa ăn thánh, bí tích Thánh Thể liên kết và hiệp nhất chúng ta lại với nhau trong mối dây của đức tin, tình huynh đệ đã bén sâu nơi Đức Kitô và trong mối tương quan của Ngài với Chúa Cha. Chúa Thánh Thần, sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con, là mối dây liên kết cộng đoàn Kitô hữu với nhau, nhưng trên hết, là toàn thể gia đình nhân loại. Thánh Thể biến nỗi cô đơn thành sự ẩn dật và sự ẩn dật thành sự sống nơi Thánh Thể, mà hoa trái của Thánh Thể là “yêu thương, vui mừng, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ.”

4. Vì Thánh Thể là một phương cách để xây dựng đời sống cộng đoàn nên Day cũng nhìn thấy nơi Thánh thể như một chất xúc tác hướng đến những nhu cầu cần thiết của xã hội. Vì là bí tích tình yêu, nên Thánh Thể thách đố cộng đoàn tín hữu nhận ra được những vấn đề xã hội khác nhau đang gây tai họa cho nhân loại, và tìm ra những cách thức hữu hiệu chữa lành chúng.

Day cũng thẳng thắn phê bình những người đã gây nên cái vòng luẩn quẩn của sự đói nghèo, thành kiến, nạn bạo lực ở rất nhiều nơi trong xã hội hiện đại. Bà không ngại lên tiếng chống lại những người dù vô tình hay hữu ý kéo dài các nỗi bất hạnh đó. Về phương diện này,Thánh Thể khiến ta nghe được tiếng Chúa trong tâm hồn mình và biến đổi chúng ta, để thách thức những ai đang thờ ơ, vô cảm hay thiếu hiểu biết về những sự xấu xa đang tồn tại ở ngay giữa họ. Nhờ nuôi dưỡng mối quan hệ thân tình với Chúa, mà chúng ta có được sức mạnh và lòng can đảm để lên tiếng theo cách của một ngôn sứ đại diện cho người nghèo, người bị bỏ rơi và những người thấp cổ bé họng.

5. Theo Day “tình yêu chính là chuẩn mực mà qua đó chúng ta sẽ bị phán xét.” Vì là bí tích tình yêu của Đức Kitô nên Thánh Thể bầy tỏ một mẫu mực của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta được mời gọi để sống theo chuẩn mực đó và qua đó ta sẽ bị xét xử. Việc bẻ bánh nơi Thánh Thể hơn là sự chia sẻ một bữa ăn; việc bẻ bánh cũng hướng đến sự bẻ thân mình Đức Giêsu và việc đổ máu của Ngài trên đồi Cavê. Day ý thức sâu sắc rằng, Thánh Thể chính là lễ hy sinh của Đức Kitô cho tội lỗi nhân loại. Bà cũng biết rằng, vì là những chi thể của thân mình Đức Kitô, nên các tín hữu được mời gọi để biểu lộ mầu nhiệm cuộc khổ nạn, sự chết và phục sinh của Đức Kitô trong cuộc sống hằng ngày của các tín hữu.

Thánh thể thể hiện mọi chiều kích về mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô và là cách thức mà qua đó Thánh Thể hiện diện trong cuộc sống của các tín hữu. Bí tích Thánh Thể làm cho màu nhiệm tự hiến cứu chuộc bén sâu nơi tâm hồn chúng ta và khiến chúng ta yêu như Đức Kitô đã yêu ngang qua sự hiện của Thần khí Ngài đang ngự giữa chúng ta. Chúng ta sẽ bị xét xử tùy theo mức độ mà ta để cho tình yêu của Đức Kitô tuôn đổ trên cuộc sống mình và tràn ra cho những ai thiếu thốn.

6. Thánh thể cũng thể hiện một lời mời gọi sám hối. Để lãnh nhận bí tích này một cách xứng đáng, ta phải bảo đảm rằng ta đã cầu xin Thiên Chúa tha thứ cho tội lỗi của mình và cố gắng làm việc đền tội cho xứng. Bí tích Thánh Thể mời gọi chúng ta sống trong tương quan tốt đẹp cả với Thiên Chúa và tha nhân. Day ý thức rằng, con người ta thường hướng chiều về đàng tội lỗi và nhận thấy nơi Thánh Thể như là một lời kêu mời xét lại lương tâm, cân nhắc cẩn thận những hành vi sai trái mà ta đã tham gia vào, cầu xin sự tha thứ của Thiên Chúa và quyết tâm làm những điều đúng đắn.

Trong tâm trí bà, sự sám hối và tình yêu là hai khía cạnh cùng tồn tại trong bí tích Thánh Thể. Chúng ta không thể yêu thương người khác nếu chúng ta không biết làm thế nào để tìm được sự tha thứ từ họ. Nói rằng chúng ta xin lỗi là cách tốt nhất (có thể là duy nhất) làm cho những mối quan hệ đã bị rạn nứt được hàn gắn lại. Khi đã mở rộng lòng mình với những vấn đề của xã hội, chúng ta biểu lộ sự thương cảm bằng cách tận tâm làm cho những điều đó trở nên tốt đẹp. Vì lý do này, Thánh Thể mời gọi chúng ta hành động cho công lý ở mọi nơi, thể hiện sự công bằng với hết mọi người ở cả mức độ cá nhân lẫn tập thể.

7. Cuối cùng, tình yêu của Day với Đức Maria đã chan chứa nơi tình yêu của bà dành cho Đức Kitô trong Thánh Thể. Ý thức về mối tương quan mật thiết giữa Đức Maria với Con `mình, Day thường xuyên hướng về Đức Maria để cầu xin Mẹ trợ giúp, củng cố đức tin cho mình và không làm ô danh Chúa bằng bất cứ cách nào. Đối với Day, Đức Maria không chỉ là mẹ của Đức Kitô mà người còn là mẹ của Hội Thánh. Mẹ luôn dõi theo mọi tín hữu với một tình yêu tha thiết của một người mẹ. Day coi Đức Maria như một người mệ đáng yêu của mình và kêu cầu người giúp mình luôn biết phó thác vào Chúa. Bà cũng nhận thấy Đức Maria là một người môn đệ trung tín, đã theo Đức Giêsu từ khi chào đời tại Bethlehem đến khi Ngài chịu chết trên đồi Canvê, từ khi khai sinh Hội Thánh tại Phòng Tiệc Ly đến khi khai sinh cộng đoàn Kitô hữu vào ngày Lễ Ngũ Tuần.

Tình yêu của Day đối với Đức Maria được đắm chìm trong tình yêu Thánh Thể và ngược lại. Bà luôn cầu nguyện với Đức Mẹ sau khi rước lễ bởi bà muốn ở lại trong sự hiệp thông với Con của Mẹ và trung thành với Ngài đến hết cuộc đời. Đức Maria là nguồn hy vọng cho Day và cho tất cả các thành viên của phong trào Công Nhân Công Giáo. Đức Maria là mẹ Hội Thánh, mẹ của hết thảy các môn đệ, mẹ của người nghèo.

Kết Luận

Dorothy Day là một trong những nhà hoạt động xã hội thẳng thắn nhất thế kỷ XX. Bà đã theo đạo Công giáo vào những năm đầu của thập niên 30. Tâm hồn bà đã trải qua một cuộc hoán cải tận căn, khiến bà từ bỏ lối sống đầy phức tạp của chủ nghĩa vô thần thực dụng và chủ nghĩa cực đoan, để theo một cuộc sống với những khát khao cháy bỏng và một khả năng để nhận ra được khuôn mặt của Đức Kitô trong cuộc sống của người nghèo, người bị bỏ rơi. Chính tinh thần Công giáo và lòng khát khao tận hiến đã đưa bà đến phục vụ người nghèo trong xã hội và lập ra phong trào Công Nhân Công Giáo cùng với Peter Maurin.

Day nhìn thấy ở phong trào này khả năng xay dựng những cộng đoàn Kitô hữu thực sự trên toàn thế giới. Đối với bà cộng đoàn là chính nhân loại và là phương thuốc tâm linh cho “nỗi cô đơn dài lâu” đã gây tai họa cho con người từ thủa đời đời.Bà sống trong cộng đoàn và tìm cách xây dựng cộng đoàn trong mọi hoạt động của mình để nuôi dưỡng những người nghèo khổ cùng cực, chia sẻ bữa ăn với họ nơi ngôi nhà Công Nhân Công Giáo tại Lower East Side ở Manhatta, hay làm việc với họ ở Trang Trại Công Nhân Công Giáo tại Upstate New York.

Đối với bà, Thánh Thể là một cuộc cử hành mang tính cộng. Chính điều này đã mang lại cho bà sức mạnh để vươn tới những người khác và tìm thấy Đức Kitô nơi cuộc sống đổ vỡ, suy nhược của họ. Một bữa ăn thánh, một hy tế, một sự hiện diện thánh là ba điều cơ bản hình thành nên cộng đoàn đức tin Công giáo. Bà hiểu rằng, sự ý thức về các khía cạnh của một cộng đoàn đích thực sẽ thay đổi đời sống các tín hữu và bà tận hiến chính mình cho phong trào Công Nhân Công Giáo ngõ hầu tìm được phương thuốc chữa trị nỗi cô đơn và sự buồn chán trong cuộc sống. Phong trào Công Nhân Công Giáo là một cộng đoàn luôn bám vào các chiều kích của Thánh Thể để dâng hiến cho việc phục vụ người nghèo.

Đối với Day, Đức Kitô hiện diện một cách đích thực và trọn vẹn trong bí tích Thánh Thể và nơi khuôn mặt của người bình dân. Bà tận hiến cuộc đời để phục vụ Chúa nơi những người nghèo. Giống như Đức Kitô, bà tự hủy mình đi cho tình yêu Thiên Chúa và nhân loại. Như Đức Giêsu bà trao chính mình cho người khác mà không tính toán thiệt hơn, đặt nhu cầu của người khác trên nhu cầu của bản thân. Bà tận hiến cuộc đời để sống trong sự hiệp thông thánh với Thiên Chúa, với người nghèo và người bị bỏ rơi trong xã hội. Bà tìm cách trở nên Thánh Thể cho người khác, như Đức Kitô trở nên Thánh Thể cho bà.

Giuse Nguyễn Văn Năm